3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Mở cửa tâm hồn đón Chúa đến

(Lc 21, 34-36)

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin làAdventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.

Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng TrInh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».

Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Mùa Vọng trong Kinh Thánh

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...”(x.Is 11, 1-10).

Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế :Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…(x.Lc 1, 26-38)

Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)

Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng 

Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :

– Chúa nhật I Mùa Vọng: Ad Te levavi…(= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )

– Chúa nhật II Mùa Vọng :Populus Sion …(Này hỡi Dân Sion…)

– Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete …(= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)

– Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate … (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng CôngChính…)

Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng

Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai : “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).

Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì  biểngầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.

Hơn bao giờ hết, con người thời nay hết sức đau buồn vì nạn khủng bố gây rq. Các kitô hữu ở nhiều nơi kêu la thảm thiết. Biển gầm lên, đất rung chuyển tại Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc và nhiều nơi khác thiêu hủy biết bao sinh mạng con người. Phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?

Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách  : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).

Sống Mùa Vọng

Thế giới dường như đang cạn kiệt tình thương, nên loài người giết hại nhau, hủy hoại môi sinh, khiến thiên nhiên nổi nóng chống lại con người. Sách Khải Huyền viết : “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta : “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình bạn của Chúa đến cho chúng ta.

Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, vì Người sinh ra hòa bình trong trái tim chúng ta. Người đến thế gian bằng tình yêu và lòng mến, với sự cảm thông dịu hiền của một Vì Thiên Chúa là Cha. Lợi dụng cơ hội này, chúng ta phải ý thức mình là người mang tình yêu, hòa giải và an bình, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, khổ đau với đồng loại.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, xin dẫn chúng con bước vào Mùa Vọng và hăm hở đón mừng Chúa Giêsu Con Mẹ ngự đến. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

HÃY LÀM NGƯỜI TRUNG GIAN – XIN CHỚ LÀM CÒ!

(Lễ Kính Thánh Anrê Tông đồ  30-11)

Người trung gian được hiểu là người thứ ba ở giữa hai đối tác với vai trò chuyển tiếp hoặc làm cầu nối cho một quan hệ, một dịch vụ nào đó. Để thực sự làm người trung gian đúng nghĩa và hữu hiệu thì cần phải hiểu biết cả hai phía mà mình muốn làm trung gian và ít nhiều có chút tình với những người mà mình làm môi giới.

Trong thực tế đời thường có đó nhiều người trung gian vẫn biết rõ đối tác mình làm chiếc cầu nối cho một mối quan hệ chẳng hạn “ông mai, bà mối”. Tác nhân trung gian này xem ra có tấm lòng với những người mình làm trung gian nhưng vẫn còn hạn chế. Một hình thức không mấy đẹp của người trung gian đó là “cò”. Cũng làm trung gian nhưng các tay cò chỉ nhắm đến lợi nhuận là các “phết phẩy” là phần trăm hoa lợi sẽ thu được. Dĩ nhiên cái tình, tấm lòng của mấy anh chị cò này thỉnh thoảng cũng có nhưng chẳng đáng kể so với lợi nhuận muốn đạt. Và vẫn có đó nhiều anh chị cò tìm mọi cách để trục lợi “con mồi” cách nhẫn tâm vô tình.

Trong đức tin Kitô giáo thì Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Theo viễn kiến này thì hạn từ “hiểu biết” lại được hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là một sự gắn bó thiết thân tự căn tính như hình ảnh nên một xương một thịt của nghĩa tình phu thê. Chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, do đó chúng ta nhìn nhận Người là Đấng Trung Gian duy nhất. Và chính Chúa Kitô cũng đã từng khẳng định sự thật này: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Tông đồ Anrê, một người anh em của thánh Phêrô được các bản văn Tin mừng tường thuật như là người trung gian dù không đích thực như Đấng Trung Gian Duy Nhất nhưng có đó nhiều nét mô phỏng. Khi được thầy Gioan tẩy giả giới thiệu, Anrê và một bạn đồng môn khác đã đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Người suốt ngày hôm ấy thì trước hết ông đã về giới thiệu cho Phêrô, anh mình rồi dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Nhờ sự trung gian này, Chúa Giêsu đã tìm được người đứng đầu cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập (x.Ga 1,35-42). Không thương anh Phêrô và thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ đã đi theo và ở lại với Người ngày hôm trước thì sẽ chẳng có việc trung gian của ngài Anrê (x.Ga 1,35-39).

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều nuôi trên dưới mười ngàn người no nê thì chính Anrê đã biết có một em bé có mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ rồi dẫn em đến với Chúa Giêsu (x.Ga 6,1-15). Tình yêu, quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Chắc chắn Anrê không thuộc số người hay xua đuổi trẻ thơ (x.Mc 10,13-16). Phải gần gũi và hòa đồng với nhóm người không đáng kể tên này thì Anrê mới biết rõ là có em nhỏ mang theo năm chiếc bánh và hai con cá. Đã từng chứng kiến Thầy làm cho nước hóa thành rượu ngon tại Cana, đã chứng kiến việc Thầy chữa lành người bất toại ở hồ Bétsaiđa, nên dù có phân vân tính toán như Philipphê nhưng Anrê vẫn tin vào quyền năng của Thầy và đám đông hôm ấy đã hưởng ân lộc no nê.

Dịp Lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, Philiphê nói với Anrê và hai ông đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-22). Philipphê vốn cũng đã từng làm trung gian dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu thế mà lần này ông lại phải nhờ đến Anrê. Phải chăng Philipphê hiểu được khả năng trung gian của bạn đồng môn, Anrê? Chính nhờ hai vị trung gian này mà tính phổ quát của ơn cứu độ đã dần hé mở.

Dưới ánh sáng Lời mạc khải, chúng ta tin rằng ngoài tấm linh hồn là quà tặng Thiên Chúa ban trực tiếp cho từng người thì hầu hết các ân ban chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa đều qua trung gian. Thiên Chúa ban tấm thân xác này qua trung gian tổ tiên ông bà, nhất là cha mẹ chúng ta. Ngay cả ơn đức tin chúng ta cũng đón nhận từ Thiên Chúa qua trung gian mẹ cha và Giáo hội…Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành trung gian hữu ích để ơn lành của Người, ơn phần hồn, ơn phần xác, tuôn đổ xuống trên tha nhân.

Mong sao Kitô hữu chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo Hội biết noi gương ngài tông đồ Anrê để làm trung gian cho tha nhân với Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô một cách hết tình trong sự vô cầu vì xác tín rằng mình đã lãnh nhận cách nhưng không thì biết chia sẻ cách nhưng không (x.Mt 10,8b). Xin cho các đấng bậc có được chút tình với chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, nhất là các con chiên đau yếu bệnh tật và xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để phục vụ con người đến hiến cả mạng sống của mình (x.Mt 20,28).

Hãy làm người trung gian, xin chớ mang kiếp “cò” ân lộc của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

TOẢ SÁNG

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên B

“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.

Một người đi lạc trong sa mạc, sắp chết vì khát, anh phát hiện một túp lều. Lê gót tới, anh thấy một bơm nước hoen rỉ. Anh cố vận hành cần bẫy, không một giọt. Tuyệt vọng! Bỗng anh nhìn thấy ở góc lều một chai nước đóng kín, bên ngoài ghi, “Muốn bơm hoạt động, hãy đổ hết vào bơm. Làm đầy nó trước khi rời đi!”. Đắn đo, anh đổ nước vào bơm; và khởi động. Điều kỳ diệu đã xảy ra! Anh uống từng ngụm, chứa đầy các túi. Trước khi rời bước, anh đổ đầy nước vào chai, và không quên ghi thêm, “Tin tôi đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người lữ khách được gặp lại nơi một bà goá liều lĩnh. Họ là những con người ‘liều mất sự sống’ đã ‘kéo dài sự sống’. Với Chúa Giêsu, họ là những con người ‘toả sáng’ vì “Đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”.

“Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội như một bà goá đang đợi Phu Quân của mình trở lại. Bà tỏ ra không quan trọng, tên của bà không xuất hiện trên báo chí, không ai biết đến bà. Bà không có bằng cấp, không có gì cả. Bà không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình; tương tự như thế, Giáo Hội không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình, nhưng Giáo Hội phản chiếu và ‘toả sáng’ ánh sáng đến từ Đức Phu Quân!

Suốt nhiều thế kỷ, khi Giáo Hội muốn có ánh sáng của riêng mình, Giáo Hội đã sai! Giáo Hội nhận nó từ Chúa và tất cả những gì chúng ta làm là giúp Giáo Hội nhận được ánh sáng đó. Khi một buổi lễ thiếu ánh sáng này, thật không tốt, nó khiến Giáo Hội trở nên giàu có, quyền lực, tìm kiếm quyền lực, hoặc lạc lối, như đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và điều đó có thể đang xảy ra khi chúng ta muốn có một ánh sáng khác: ánh sáng riêng, mà thực ra không phải là ánh sáng của Chúa.

Nhưng một khi Giáo Hội khiêm nhường và nghèo khó, và ngay cả khi thú nhận những bất hạnh của mình - tất cả chúng ta đều có những bất hạnh đó - thì Giáo Hội vẫn trung thành. Giáo Hội như đang nói, “Tôi tối tăm, nhưng ánh sáng đến với tôi từ đó!”. Và điều này thật tốt lành! Hãy cầu nguyện với bà goá này - người chắc chắn đang ở trên thiên đàng - để bà dạy chúng ta trở nên một Giáo Hội như Chúa muốn, từ bỏ tất cả những gì mình có và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình; thay vào đó là trao tặng tất cả cho Chúa, cho người lân cận. Luôn khiêm nhường và không khoe khoang ánh sáng của riêng mình, nhưng luôn tìm kiếm nó từ Chúa và ‘toả sáng’ Ngài!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Bà đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”. Bà goá và người lữ khách đã trở thành những con người ‘kéo dài sự sống’. Cả chúng ta, để kéo dài sự sống Kitô và ‘toả sáng’ Ngài, hãy cho đi! Cho đi của cải lẫn tinh thần, khối óc lẫn con tim, tri thức lẫn lòng thương xót… và nhất là cho đi chính “Giêsu!”. Để được vậy, trước hết, hãy đầy ắp Ngài bằng cách mạo hiểm đánh cược đổ vào ‘đài Giêsu’ những gì chúng ta ‘có’, những gì chúng ta ‘là’. Điều này đôi khi còn đòi hỏi nhiều hơn một “chai nước”; đó là cái tôi, ý riêng và bao ươn hèn! Bởi lẽ, ích kỷ chỉ làm co quắp; quảng đại luôn làm cao thượng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên ‘co quắp’ và con chỉ biết ‘phủ tối’; dạy con trở nên ‘cao thượng’ hầu có thể ‘toả sáng’ Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KIẾN TẠO LỊCH SỬ

Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên B

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”.

“911” - “Nine One One” - cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ ‘ngày tận thế’ 11/9/2001, ngày mà toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York - biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ - chìm trong khói và lửa, dẫn đến cái chết của 2.996 người.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi dời như biến cố “911”, có thể trải qua ‘khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài còn mãi! Chúa là Chủ của lịch sử “vật đổi sao dời” và Ngài kêu gọi chúng ta cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’ đó.

Trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Như những người thưởng lãm vẻ đẹp của đền thờ, bạn và tôi có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’. Vậy mà, đức tin, thời gian và kinh nghiệm dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chặt chẽ hơn, hoặc đang ‘sờn mòn’ hay ‘rời ra’ ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu vào trái tim Ngài hơn hoặc khiến chúng ta xa rời Ngài. “Chính mức độ tương quan của chúng ta với Chúa Kitô sẽ quyết định mức độ chúng ta cộng tác với Ngài trong việc ‘kiến tạo lịch sử’, một lịch sử cứu độ!”.

Cuộc phán xét cuối cùng - bài đọc một - là thời gian để chúng ta suy ngẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. “Những chiếc liềm sắc bén” không nhằm gây sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, sẵn sàng. Khoảnh khắc tận thế của mỗi người có thể đến như trộm trong đêm; nhưng nếu sẵn sàng thì không có gì khiến chúng ta lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” - Thánh Vịnh đáp ca.

“Sự tàn phá Giêrusalem được Chúa Giêsu báo trước không phải là ẩn dụ về sự kết thúc của lịch sử mà là mục đích của lịch sử. Và thái độ của Kitô hữu là gì? Không thể tiếp tục làm nô lệ cho sợ hãi và lo lắng; thay vào đó, họ được kêu gọi sống lịch sử, ‘kiến tạo lịch sử’, ngăn chặn sức mạnh huỷ diệt của cái ác với sự chắc chắn rằng, hành động tốt lành của Thiên Chúa luôn đi kèm với sự dịu dàng quan phòng và trấn an của Ngài. Đức tin khiến chúng ta bước đi với Chúa Giêsu trên những con đường quanh co của thế giới, với niềm xác tín, sức mạnh của Thánh Thần sẽ bẻ cong các thế lực của sự dữ, khuất phục chúng trước sức mạnh của tình yêu. Tình yêu thì cao cả hơn, mạnh mẽ hơn, vì đó là Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Ở mức độ cá nhân và thực tế hơn, chúng ta có thể lo lắng về những đổi thay. Nhưng một lần nữa, hãy biết rằng, trở nên sợ hãi và lo lắng không có ích gì. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng sống trọn vẹn từng ngày và làm cho nó có ích cho bản thân và cho người khác bằng cách củng cố các mối tương quan, quan trọng nhất - với Chúa Kitô - và với người. Có như thế, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa, xây dựng hoà bình, xây dựng thế giới và cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì lịch sử đời con khác nào lịch sử đời Chúa, một lịch sử cứu độ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chúa Giêsu Kitô: Vua Sự Thật và Vua Tình Yêu

Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ hôm nay, chúng ta đặc biệt tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ. Chúa Giêsu đến như một vị Vua, nhưng không như một vị vua mặc cẩm bào vua chúa, chiếm hữu những cung điện nguy nga, và được vây quanh bởi triều đình hoàng gia. Thay vào đó, Chúa Giêsu đến như Vua của Sự Thật, giản dị và sống cùng với một nhóm người dân thường được gọi là tông đồ. Sứ mệnh của Ngài không phải là sử dụng những mưu đồ chính trị, binh hùng tướng mạnh, để chinh phục nước này nước nọ, nhưng là để Sự Thật của Thiên Chúa Cha ngự trị trong trái tim của mọi người, không chỉ người Do Thái, mà tất cả mọi người: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).

  1. Vua Sự Thật

Hôm nay chúng ta được nghe lại một câu chuyện quan trọng trong Tin Mừng. Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã không lặng lẽ trốn đi vào một sa mạc nào đó. Ngài “biết mọi việc sắp xảy đến cho mình” (Ga 18:4), nhưng Ngài vẫn: “đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Ngài cùng với các môn đệ đi vào” (Ga 18: 1-2). Ngay cả “Giuđa, kẻ nộp Ngài, cũng biết nơi này, vì Ngài thường tụ họp ở đó với các môn đệ” (Ga 18:3). Chúa Giêsu bị người Do thái bắt và điệu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn Philatô (Ga 18:28). Philatô đã tra hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” (Ga 18:33). Câu trả lời của Chúa Giêsu rất mạnh mẽ và bí nhiệm: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Bây giờ, ở đây, tại dinh Philatô, Chúa Giêsu đối mặt và trả lời những kẻ xâm lược bằng cách bộc lộ một sự thật mà không ai có thể nắm bắt được, dù Ngài biết rõ điều đó khiến tính mạng Ngài gặp nguy hiểm. Qua cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và Philatô, bằng con mắt thế gian, người ta có thể dễ dàng thấy Chúa Giêsu bị đánh bại. Philatô chất vấn Ngài: “Ông có phải là vua dân Do thái không?... Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” (Ga 18: 33,35). Ở đây, trước kẻ thù của dân tộc, Ngài tỏ ra không có quyền năng hay thẩm quyền gì thực sự, như mấy ngày trước đây: “Đám đông dân chúng làm chứng cho Chúa Giêsu, họ là những người đã có mặt, khi Chúa Giêsu gọi anh Ladarô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết. Sở dĩ dân chúng đi đón Ngài, là vì họ nghe biết Ngài đã làm dấu lạ đó” (Ga 12: 17-18). Chắc chắn khi Chúa Giêsu đứng trước Philatô chẳng ai nghĩ Ngài là một vị vua quyền lực. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục tuyên bố sứ mệnh lớn lao của mình: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Chiến thắng của Chúa Giêsu, vốn là điều chứng tỏ Ngài là Vua, không phải là chiến thắng “thuộc về thế gian này” vì “thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Chiến thắng của Chúa Giêsu là “làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Đó là Sự Thật mà chính Chúa Giêsu đã từng nói đến trước đây: “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:16-19). Philatô không thể biết Sự Thật này, ông ta “nói với Chúa Giêsu: Sự thật là gì?” (Ga 18:38).

Trong thời đại của đủ các loại tin giả và nhiều sự thực bị bóp méo này, Chúa Giêsu vẫn còn long trọng tuyên bố rằng Ngài đã sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3; 17-21). Tuy nhiên, Sự Thật này lại là điều nguy hại đối với một số người. Họ là những kẻ lạm dụng quyền lực mà họ có để đoạt lấy những quyền lợi ích kỷ cá nhân. Họ “chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa…Họ ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.”  Vì vậy, họ đã sát hại Vua Sự Thật Giêsu để họ cảm thấy an toàn trong quyền lực của họ. Nhưng một khi Sự Thật được công bố thì không một kẻ lạm dụng quyền lực nào và không một thế lực trần gian nào có thể ngăn cản chiến thắng của Sự Thật. Ngày nay, quyền lực của Philatô ở đâu? Tham vọng vương quyền của Hêrôđê còn lại gì? Sự cai trị của Xêda và Đế chế La Mã đã đi về đâu? Tất cả đều đã biến mất. Nhưng vẫn có một Vua ngự trị trong trái tim của mọi người, nam và nữ, thuộc mọi chủng tộc, đó là Vua Giêsu, “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6).

Để là những môn đệ đích thực của Vua Giêsu, xưa cũng như nay, noi gương Chúa Kitô trong suốt cuộc đời mình không phải là việc tùy ý, là sở thích riêng. Giống như Chúa Giêsu đã nói với Philatô, “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37), chúng ta cũng phải đứng về phía sự thật của Ngài, lắng nghe tiếng nói của Ngài, là “ánh sáng đã đến thế gian”, bất kể thế gian nói gì. Sự thật của Ngài nằm trong Kinh thánh, trong giáo huấn của Giáo hội Công giáo, và biểu lộ qua các chứng từ của những thánh nhân, nam và nữ, đã đi trước chúng ta.

  1. Vua Tình yêu

Søren Kierkegaard, nhà triết học và thần học người Đan Mạch, đã viết một câu chuyện có tựa đề “Nhà vua và thiếu nữ”. Câu chuyện kể về một vị vua vô cùng quyền lực yêu say đắm một cô gái trẻ xinh đẹp nhưng thuộc một gia đình thường dân. Điều mà nhà vua mong muốn nhất là được cô yêu lại. Theo thông lệ, các vị vua phải kết hôn với các công chúa hoàng tộc. Vậy, làm sao ông có thể thổ lộ tình yêu của mình dành cho một cô gái dân thường, và tin rằng tình yêu của cô dành cho ông, nếu có, là thực sự chân thành? Nếu ông ra lệnh đưa cô đến cung điện, mặc trang phục sang trọng và đội vương miện bằng những viên ngọc quý, cô khó có thể cưỡng lại! Nhưng liệu trong hoàn cảnh như vậy tình yêu của cô dành cho ông có chân thành, lâu dài và xuất phát từ trái tim của cô hay không? Dưới áp lực như vậy, tất nhiên cô sẽ nói rõ rằng cô yêu ông, nhưng cô có thực sự như vậy không? Nhà vua có rất nhiều câu hỏi… Ý tưởng chủ đạo của Kierkegaard là “Chỉ tình yêu mới có thể làm cho những kẻ không ngang hàng trở nên ngang hàng”. Để minh họa cho điều này, Kierkegaard viết rằng nhà vua quyết định hạ mình xuống ngang hàng với cô gái. Ông từ bỏ trang phục vua chúa và xuất hiện trước nàng như một người đàn ông bình thường trên phố. Với trái tim tràn đầy tình cảm, như một thường dân với một thường dân, ông đã bày tỏ tình yêu sâu đậm của mình dành cho nàng. Ông đã mạo hiểm tự mình đến gặp nàng, dù không biết liệu tình yêu của mình có được đón nhận hay không. Kierkegaard không cho biết câu chuyện kết thúc như thế nào, vì câu chuyện là một dụ ngôn về Vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vì yêu thương chúng ta nên đã đến trong thế gian: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:16). Thánh Phaolô cho chúng ta biết thêm: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:6).

Đứng trước quyền lực thế gian, và ở ranh giới giữa cái sống và cái chết, khi Philatô tuyên bố: “Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” (Ga 19:10), Chúa Kitô vẫn dõng dạc trả lời, xác định quyền năng của Ngài: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19:11). Thiên Chúa Cha đã trao mọi quyền năng cho Chúa Giêsu: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5:22) và Chúa Giêsu sẽ xét xử theo chuẩn mực yêu thương: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:35-36). Chúa Giêsu luôn ý thức về quyền năng và sứ mệnh tối thượng của Ngài: yêu thương nhân loại tới cùng: “Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1), đến độ “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:8) để cứu chuộc họ theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chính trên Ngai Tòa Thập Giá ấy Chúa Giêsu biểu lộ Ngài là Vua, Vua Tình Yêu. Hai ngàn năm nay, Chúa Giêsu vẫn là Vua Tình Yêu cai quản toàn thể nhân loại với lòng thương xót trắc ẩn, tha thứ và phục vụ, qua Giáo Hội, qua các chứng nhân Kitô hữu của mọi thời đại.

Ngày nay, không ít người coi lòng thương xót trắc ẩn, tha thứ và phục vụ là những món hàng xa xỉ, không phải là chọn lựa để thành công về tiền bạc và khẳng định đẳng cấp xã hội. Não trạng kim tiền thực dụng đó biến xã hội con người thành những ốc đảo khép kín thiếu tình thương, với những kiểu sống vô tâm, xa vời lòng trắc ẩn, xót thương.

Trong thời đại như vậy, chúng ta có còn cảm nhận được quyền năng yêu thương của Thiên Chúa không? Quyền năng yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện khi những người nghèo đói, bị bỏ rơi, được chăm sóc đầy đủ, khi những người lao động, vốn phải gánh chịu vô số hình thức bóc lột, được tôn trọng và hưởng mức thu nhập công bằng mà họ đáng được, khi không còn ai bị phân biệt đối xử về giới tính, chủng tộc, văn hóa, giai tầng xã hội, tôn giáo…và được hưởng quyền bình đẳng trong xã hội.

Một năm phụng vụ đã kết thúc và chuẩn bị bước vào một năm phụng vụ mới, cùng với bài đọc thứ hai, chúng ta “Xin Chúa Giêsu Kitô, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho chúng ta ân sủng và bình an. Ngài đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Ngài: kính dâng Ngài vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1:5-6).

Phêrô Phạm Văn Trung

Subcategories