8. Đời Sống Tâm Linh

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 20. Chiều Chuộng

(Tặng những ai sắp đi tu)

Bạn thân yêu, người ta ai cũng kêu mình đau khổ. Nhưng nhiều người quên rằng: lắm khi chính mình làm cho mình đau khổ chứ không phải ai.

Trong bài này tôi chỉ nói đến một ví dụ, một ví dụ có ích cho Bạn sau này.

Nhiều người bỏ thế gian vào nhà Chúa, nhưng họ quên hẳn rằng: Họ vào nhà Chúa không phải để được Chúa chiều chuộng, mà là để chịu khó vì Chúa, và chịu khó cho có công nghiệp hơn. Chẳng hạn có người tưởng vào nhà Chúa, sẽ được trăm nghìn lạc thú, họ tưởng họ sẽ được tràn ngập sự yên ủi, sẽ được bơi lội trong biển vui vẻ thiêng liêng. Họ tưởng tượng họ sẽ được Chúa chiều chuộng nâng niu, như người ta chiều chuộng một đứa con đang nằm liệt trên giường.

Sở dĩ họ lầm như thế, là vì họ vào Dòng không phải để làm tôi Chúa, nhưng để tránh trút sự khó. Đàng khác, họ thấy có ít nhiều Đấng Thánh, hoặc một đôi người, khi bước chân vào Nhà Dòng, thì được hưởng ngay nhiều sự vui vẻ thiêng liêng, họ tưởng ai cũng thế và lúc nào cũng thế, thành thử khi họ thấy họ không được như vậy, là họ đau đớn, họ buồn phiền, họ than trách, họ thất vọng… rồi thêm ma quỷ cám dỗ, họ muốn bỏ Nhà Dòng để trở về thế gian, như nhiều người đã bỏ thật…

Tôi muốn Bạn hiểu rõ điều này, kẻo sau này khi Bạn thấy không được Chúa yên ủi thì Bạn đâm chán nản, ngã lòng, và liều mình bỏ ơn Kêu gọi, hoặc không bỏ ơn Kêu gọi, thì đời Bạn sống trong Dòng, cũng sẽ là một đời đau đớn: Bạn sẽ sống những ngày buồn tẻ, thiếu mọi hứng thú trong việc làm tôi Chúa. Sống bất mãn như vậy, cuộc đời tu trì không đem lại cho Bạn được chút gì yên ủi, trái lại, nó sẽ biến thành khối đá nặng đè trên người Bạn, làm cho Bạn than thở buồn phiền, chán ngán, giẫy giụa, và, đời này, Bạn đã phải khổ sở vô ích, đến đời sau, may ra khỏi khổ sở trong hỏa ngục, thì lại mất triều thiên quý báu Chúa hứa thưởng những người bỏ mọi sự để theo Chúa.

Xin Bạn chịu khó đọc kỹ những lời sau này, Bạn hãy suy cho chín chắn, và nhất là Bạn hãy xin Chúa ban ơn cho Bạn hiểu những lời tôi muốn nói với Bạn, và còn hiểu hơn thế nữa, để sau này, Bạn khỏi mắc mưu ma quỷ, và đời Bạn sẽ là một cuộc đời hạnh phúc, hạnh phúc đời sau đã đành, mà hạnh phúc ngay ở đời này, như lời Chúa đã hứa thưởng những người theo Chúa, gấp trăm ngay từ đời này… [41]

Trước hết, Bạn nên nhớ rằng: khi các Thánh, hoặc ít người nói đến những sự vui thú khoái lạc Chúa ban cho khi bỏ thế gian, thì họ không có ý nói, mình chỉ được những vui thú, mà không gặp một sự gì đau khổ.

Không, không ai muốn nói vậy. Họ chỉ có ý nói: đi làm môn đệ Chúa, không phải chỉ là dấn thân vào cuộc đời vất vả, không phải chỉ là chảy mồ hôi để trèo lên núi Calvariô, mà còn là trèo lên núi Tabôrê nữa. Vì thế, những người muốn theo Chúa đừng ngã lòng, đừng quá sợ hãi. Nếu Chúa bắt ta chịu một hai sự khó, thì Chúa lại cũng có nhiều cách để bù lại cho ta, có khi ngay ở đời này. Chúa bù cách nào, ta không biết, chỉ chắc rằng: Chúa là Đấng nhân từ độ lượng vô cùng, không khi nào Chúa chịu thua lòng rộng rãi của ta. Nào Chúa đã không phán: “Một bát nước lã làm phúc cho kẻ khó vì Chúa, Chúa cũng không quên công” [42] huống nữa, hy sinh cả một đời vì Chúa, Chúa lại quên ta sao được? Bạn hãy chắc điều ấy. Đọc truyện các Thánh, Bạn thấy các Ngài xưa đã chịu bao điều đau khổ, tôi không cần minh chứng ở đây. Nhưng tôi cũng xin tặng bạn một câu truyện về Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Bà viết: “Thưa Mẹ, như Mẹ đã biết, những bước đầu trong cuộc đời nữ tu của con, con đã gặp nhiều gai hơn hoa hồng. Trước hết, linh hồn con chỉ được ăn có một thứ bánh, ấy là sự lạt lẽo khô khan, rồi Chúa đã cho mẹ chúng ta xử với con rất thẳng nhặt, có lẽ chính người không ngờ thế. Không lần nào con gặp người, mà không được nhận một lời quở trách: Con nhớ một lần, con đã để một cái màng nhện ở hàng hiên, người đã mắng con trước mặt cả nhà: “Ai mà không biết, các hàng hiên trong nhà là do một con bé mười lăm tuổi quét. Thảm hại thật. Thôi, quét cái màng nhện ấy đi, lần sau phải làm việc cho cẩn thận hơn. Những khi gặp riêng người trong một giờ đồng hồ, con thấy mình bị quở trách luôn. Mà cái làm con đau khổ hơn cả, ấy là không biết phải sửa mình như thế nào… ”. Sau khi đã kể thêm những truyện bị Bà Mẹ mắng, nhiều khi không hiểu căn cớ tự đâu, Têrêsa kết luận: “Và trong hết mọi sự, Mẹ Bề trên vẫn xử với con như thế”, nghĩa là cứ quở tránh luôn…

Nhưng có một điều cần phải chú ý là chính trong khi các Đấng gặp những điều trái ý, là lúc các Đấng đã được yên ủi, không phải những sự yên ủi ngoài giác quan hoặc những sự sung sướng trong linh hồn, nhưng yên ủi vì các Đấng thấy mình được Chúa yêu; Chúa có yêu Chúa mới gửi sự khó đến cho, càng được Chúa yêu càng gặp sự khổ.

Các Thánh đã say sưa sự đau khổ đến nỗi Thánh nữ Têrêsa Cả đã nói: “Một là chịu đau khổ, hai là chết”, chứ sống sao được. Thánh nữ Mađalêna Padi còn nói mạnh hơn nữa: “Đau khổ mà đừng chết”, vì chết thì còn chịu khó vì Chúa sao được !

Và Bạn hãy nghe lời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu viết về người trong “Truyện một linh hồn”: “Linh hồn con đã qua biết bao cơn thử thách, con đã đau khổ rất nhiều. Lúc còn bé, con đau khổ và buồn nhưng ngày nay con mến tất cả các thứ quả đắng trong sự bằng yên và vui vẻ… ” Và: “Đừng tưởng con được bơi lội trong sự yên ủi. Không, chính sự yên ủi của con, ấy là không được yên ủi ở đời”. Nhất là những lời này: có một chị hỏi Bà: “Người ta nói: Không khi nào chị bị đau khổ lắm, có phải không?” Thánh nữ liền chỉ vào cốc thuốc đựng một chất đỏ tươi và nói: “Chị hãy nhìn cái cốc này, ai cũng tưởng nó đầy chất ngọt, nhưng thật ra không gì đắng hơn nữa. Đấy chính là hình ảnh linh hồn em : trước mắt người khác, đời em là một vườn hoa đầy những màu tươi thắm, người ta tưởng em chỉ được uống toàn những chất ngọt và thơm, nhưng thật ra em chỉ uống toàn chất đắng. Em nói chất đắng, nhưng đời em không cay đắng, vì em đã làm cho chất đắng hóa vui và ngọt… Em đã hóa thành con người không biết đau khổ nữa vì hết mọi sự đau khổ biến thành sự ngọt ngào cho em… ”.
Ông Clément Roux (Lê-măng Ru) thuộc tỉnh Grasse (Gơ-rát), đã bị những bệnh tật biến ông thành một khối điêu tàn, một mảnh giẻ, một người đau khổ. Ông đã viết trong nhật ký của ông những lời này: “Ngay từ lúc còn ít tuổi, tôi đã hiểu ý nghĩa sự đau khổ, nhất là tự nhiên mà hiểu. Mỗi khi tôi không thấy mình đau khổ, hoặc chỉ đau khổ qua loa, tôi cảm thấy một sự trống rỗng trong tâm hồn, và đi đâu tôi cũng phải mang theo. Những cái vui đều làm tôi khó chịu, những cái thú đều làm tôi nặng lòng. Bây giờ thì nhờ ơn Chúa tôi đã được thỏa mãn và hạnh phúc; vì tôi chịu đau đớn và đền tội ; không có thế tôi cảm thấy đời tôi không có nghĩa lý gì. Lạy Chúa, được đau khổ thật là một phần gia tài quí báu chừng nào cho một loài thụ sinh! Và tại sao Chúa lại đoái nhìn đến một vật thụ sinh hèn nhát, khốn nạn nhất này để nâng nó lên cao đến thế?”

Chị Claire (Cơ-le) nữ tu Dòng Thánh Bênêđitô, cũng không kém vẻ anh hùng. Chị nói: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con muốn chịu đau khổ, con muốn như điên cuồng. Từ chối hết các thứ thú vui, dù là những thú vui được phép, để tỏ lòng con mến Chúa thật là một hạnh phúc to tát chừng nào! Vâng, con muốn làm khốn con hằng ngày, con muốn nghiền tán con hằng ngày”. Đấy không phải lời than thở trong lúc bồng bột, vì khi Thánh giá đến, chị không hề đổi thái độ, chị kêu lên: “Chúa tốt lành vô cùng. Tôi không muốn ở trong tình trạng khác. Tôi cảm ơn Chúa hết lòng… Tôi không muốn phàn nàn gì cả, vì lúc nào tôi cũng xin Chúa cho tôi được chịu đau khổ. Không tình yêu nào mạnh bằng chết cho người mình yêu. Lạy Chúa, con mến Chúa, nếu con phải chết trẻ, thì, lạy Chúa, xin ban cho con được chịu khổ cho nhiều trước đi, được chịu khổ liên lỉ, được chịu khổ cho đến cùng”. Chị chết lúc 28 tuổi, sau khi đã chịu một cuộc tử đạo mà không hề lộ một cử chỉ bất nhẫn.

Còn em bé Anne de Guigné (Anna Ghi-nhê) không biết phải làm gì để cám ơn Chúa, vì một ơn Chúa vừa ban cho mẹ em, em liền nghĩ ra được một kế, là lăn mình vào trong bụi gai, khiến hai cánh tay nhỏ nhắn của em đỏ ngòm những máu. Lúc lên 8 tuổi, em đã bị nằm lâu ngày trên một tấm phản. Nghĩ rằng như thế là được nằm trên Thánh giá cùng Chúa Giêsu Hài đồng, em nhẫn nại như một thiên thần.

Chị Maria (Marie Ste Cécile de Rome) trong khi chịu đau khổ đã kêu lên: “Alleluia! Lạy Chúa, vâng, xin Chúa cứ việc đổ và đổ thêm mật đắng vào chén của con. Con muốn nếm nó như nếm một thứ mật ngọt. Ôi, hỡi sỉ nhục thánh đã hết, hãy đến, ta yêu ngươi và ta sung sướng thân ái ôm lấy ngươi. Tôi khát, ôi! Tôi không thể tả ra được tôi khát chịu đau khổ chừng nào! Tôi khát các linh hồn chừng nào! Tôi khát tình yêu chừng nào! Đau khổ, các linh hồn, tình yêu! Đó là ba thứ mê điên cuồng mỗi giây phút thêm cháy nóng, đó là ba thứ hình khổ của tôi, đó là ba thứ tử đạo của tôi”

Rồi bạn thanh niên Gérard Raymond (Giêrađô Rây-mông), ngay lúc còn thiếu niên đã ở nhiệm nhặt hãm mình, đánh tội ghê gớm, ai cũng rùng mình, và ngay từ lúc 18 tuổi đã nhất định ôm lấy Thánh giá. Chàng ước ao được chết vì đạo: “Tôi muốn được chết cho kẻ có tội, tôi muốn được phúc tử đạo. Hôm nay, hằng ngày chịu tử đạo âm thầm, ngày mai chịu tử đạo ở góc trời Trung Hoa”. Chúa đã nghe lời chàng, chiều mồng 2 tháng giêng năm 1932 chàng bị một trận thổ huyết và trận thổ huyết ấy đã báo cho chàng sẵn sàng để hy sinh triệt để. Chàng vẫn giữ nét mặt bình tĩnh: “Tôi sẵn sàng lĩnh nhận hết mọi sự… dâng những dòng máu nóng của tuổi thanh niên, cái ấy cũng đáng giá bằng chịu tử đạo ở phương xa lúc đã già, nhưng không chắc có được. Lạy Chúa Giê su, xin làm cho con khổ, nếu đẹp lòng Chúa”.

Chàng chịu đau khổ, và chàng chết lúc có 19 tuổi, sau một cuộc đời chìm đắm trong sự bỏ mình và vui chịu hy sinh.

Còn nhiều lắm, nhưng sau đây là hai mẩu truyện của trẻ em.

Một em gái mới 9 tuổi, đã hai năm dưỡng bệnh trong một nhà thương. Một hôm, chị nữ tu khán hộ hỏi em: “Paulina, thế nào, có khá không?” Em đáp lại: “Hôm nay con không khá, vì không được chịu đau khổ mấy”.

Và đây, một em bé bốn tuổi, Monica. Em bị thương ở ngón tay, nhưng em lại nắm chặt lấy ngón tay bị thương. Một người chị hỏi rằng: “Em làm gì thế?” Em đáp: “Khi em riết chặt ngón tay, thì em đau hơn, và khi em đau hơn, thì Chúa Hài đồng Giêsu bằng lòng hơn”.

Tôi có cần trưng thêm ví dụ không? Tưởng không cần trưng thêm, vì bấy nhiêu cũng đủ cho Bạn thấy rằng: Sự vui vẻ khoái lạc thấy trong truyện các Thánh, không tất nhiên là những sự vui vẻ theo nghĩa thường, trái lại nhiều khi sự vui thú ấy, chính là những sự đau khổ, mà đau khổ rất nhiều. Vậy, thưa Bạn, Bạn đừng tưởng lầm các Thánh chỉ gặp toàn những sự vui vẻ yên ủi trong linh hồn. Nhiều người nghĩ thế, nên khi không được Chúa ban những sự vui vẻ, thì ngã lòng và lầm tưởng đời tu sĩ là một cuộc đời buồn tẻ, sầu muộn không ai sống nổi.

Một vị quan cao cấp trong triều nước Anh, một hôm đi hộ giá bà Hoàng hậu. Đến chỗ có bùn, sợ lấm giầy Hoàng hậu, ông đã cởi áo nhung rất quý đang khoác, ném xuống bùn, để Hoàng hậu bước qua lên… Người đời cho thế là lịch sự nhã nhặn.

Huống chi, làm tôi Chúa, ta càng phải quên hẳn thân mình, chỉ nhớ đến Chúa, chỉ muốn một việc, là phụng sự Chúa; và muốn phụng sự Chúa, thì phải chịu khổ, chịu khổ cho đến chết, và bằng lòng chết để tỏ lòng mến Chúa. Nếu Bạn hiểu được ơn kêu gọi, thì Bạn sẽ vui lòng chịu mọi nỗi đau thương, để đáp lại ơn Chúa.

Hằng ngày, cứ sáng dậy, Bạn nên cám ơn Chúa, vì đã ban thêm cho bạn một ngày nữa để Bạn chịu khó vì Chúa, và Bạn thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng hay, con chỉ xin một điều, là giúp con chịu cho nhẫn nại; hễ Chúa ở cùng con, thì con không cần gì khác nữa, được chịu khó như Chúa và với Chúa, thì còn vinh hạnh nào bằng!”

Chiều đến, bạn hãy than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa, vì đã ban cho con được ở trong Nhà Chúa thêm một ngày nữa. Nếu con đã nhát đảm mà tránh trút sự đau khổ, thì xin Chúa thương tha thứ… ngày mai, con xin ăn ở tử tế hơn… ”.

Bạn hãy nhớ lời Bạn đã giao hứa, các linh hồn đang cần nhờ sự đau khổ của Bạn… 3652 linh hồn đang chờ Bạn… Bạn có nhớ không? Chắc Bạn chưa quên chóng thế.
Không gì khó chịu cho một tu sĩ bằng chiều đến, khi xét mình, không thấy chịu được tí gì cay đắng khác những ngày đã qua; nghĩ đến điều ấy mà phát sợ. Thật thế, Bạn ạ. Tôi ước rồi đây, Bạn cũng cảm thấy những cái Bạn nghe từ lúc nãy.

Nói thế, để sau này khi gặp những nỗi đau thương tràn ngập linh hồn, Bạn sẽ nhớ rằng: đã có người nhắc trước cho Bạn. Tôi không nói tiên tri, vì thế nào cũng xảy ra. Bạn sẽ chán ngán; nhưng ai đã không bị chán ngán? Hết mọi người đi tu, cũng đã chịu những buổi chán nản, những phút ngã lòng. Bạn nhớ điều ấy cho kỹ, và ghi vào lòng. Bạn nên nguyện ngắm luôn về ơn Kêu gọi. Sống chết không bỏ mất ơn quý trọng ấy. Bạn hãy than thở: “Lạy Chúa con không tìm sự vui thú cho con, nếu con có ý ấy, thì thà con ở lại thế gian, con có thể tìm được một hai lạc thú tạm gửi, nhưng đã vào chốn này, con nhất định không tìm cái gì khác ngoài sự mến Chúa, và mến Chúa bằng sự đau khổ. Có bấy nhiêu, cuộc đời của con chỉ gồm trong mấy tiếng: Mến và chịu khó. Con đã đau khổ nhiều, nhưng con sẵn lòng hứng lấy hết những nỗi đau khổ Chúa còn thương gửi đến cho con”.

Vừa bước chân vào cổng Nhà Dòng, Bạn nên nhớ đọc ngay câu ấy, và không nghĩ đến những cách người ta sẽ chiều chuộng Bạn. Không, không, không. Bạn ơi, Bạn hãy bỏ ngay cái ý nghĩ sẽ được nhiều người hiểu Bạn và chiều Bạn. Không, không, không. Cái ý nghĩ ấy đã giết chết bao nhiêu người, xin Chúa cho Bạn đừng để nó giết. Trái lại, Bạn phải can đảm tiến vào Nhà Dòng, để hứng lấy những cái khó chịu, mà Bạn sẽ gặp thấy ngay giây phút đầu tiên trong đời tu sĩ của Bạn. Quên hẳn mình đi. Học vấn với tài gì đi nữa, cũng không phải là cái Bạn được dựa vào, để mong lấy một vài phút chiều chuộng nâng niu. Khốn cho những tu sĩ, hoặc nữ tu đã tìm một đôi cái chiều và chỉ thân với những người nâng niu. Bạn đừng muốn được nâng niu, và được tiếng là “con nuông của Nhà Dòng”. Không, những cái ấy đã làm hại nhiều người, ước gì Bạn đừng bị nó làm hại. Thảng hoặc, Bạn có được nâng niu chiều chuộng lúc đầu – cái ấy có thể lắm – Bạn hãy bỏ ngoài, vì nó không được lâu đâu, nó là những cái kẹo người ta thí trẻ cho nó khỏi khóc. Khi nó thôi khóc, thì biết đâu người ta lại không… ! Trong khi Bạn được những cái kẹo ấy, Bạn hãy thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, con có dám xin những đồ ngọt này đâu, nó tự ở đâu đến, chứ không phải tự con. Đã đành, nếu Chúa ban, thì con không dám từ chối, và con cám ơn Chúa. Nhưng con không cầu, mà Chúa muốn lấy lại lúc nào cũng tùy Thánh ý Chúa. Con không phải đứa trẻ thơ, cần phải dỗ phải thí. Con muốn rằng Chúa xử với con, như xử với đứa con cứng đầu cứng cổ, cần phải roi vọt, hành hạ”.

Bạn đừng tưởng như thế là nghiêm khắc quá. Không, cuộc đời các Thánh đã là cuộc đời như vậy, và cũng nhờ vậy các Đấng đã làm Thánh. Tôi muốn bạn làm Thánh, nhưng làm một Đấng Thánh được uống dấm chua mật đắng, chứ không phải một Đấng Thánh ăn đồ ngọt.

Chiều chuộng, chiều chuộng. Nó có hại, hại lắm, Bạn ạ. Vậy Bạn đừng mong gì những cái chiều chuộng vô ích thế gian. Có những cái khác đáng được yêu chuộng hơn nhiều, những cái ấy không tìm được ở trần gian.

Thôi, tôi để Bạn suy nghĩ trước mặt Chúa. Bạn hãy thề hứa với Chúa là Bạn sẽ nhất định không đi tìm sự vui thú, dù nhỏ mọn đến đâu cũng vậy.

Bạn hãy hứa đi !

Xin Chúa xin Đức Mẹ giúp Bạn hiểu những lời này. Chúng ta hãy ngày ngày cầu cho nhau được nên giống Chúa, là Đấng trên Thánh giá đã uống dấm chua mật đắng.

Nếu không, thì ta đừng trông làm Thánh.

[41] Matt 19,29
[42] Matt 10,42

Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT

Hạnh Phúc – Chương 1 - PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI CÒN LÂU MỚI ĐƯỢC BÌNH AN?

Không ai thực sự là bất hạnh nếu như hiểu được hạnh phúc là gì. Cuộc sống chỉ trở thành không thể chịu đựng nổi đối với những kẻ chẳng biết lý do tại sao họ lại sống. Trong trạng thái tâm hồn như thế người ta thường đồng hoá hạnh phúc với khoái lạc (lẽ ra đó là một vấn đề khác hẳn) và đồng hoá niềm vui với sự rung động của các mấu dây thần kinh (cũng là điều khác hẳn). Thế nhưng sự vật bên ngoài chúng ta lại chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta bình an nội tâm. Càng cố tìm thoả mãn và nhắm mắt đạt đến một điều gì ngoài tầm kiểm soát của mình, người ta càng cảm thấy điều đó bấp bênh và càng dễ rơi vào thất vọng.

Có hai hành trình dẫn đến hạnh phúc. Thứ nhất là rút lui khỏi thế giới bên ngoài… khỏi sự quá đắm chìm vào những sự vật trần thế. Hành trình thứ hai sâu sắc hơn nhiều đó là thăng hoa những gì thấp kém trong chúng ta từ sự bo bo giữ cho chính mình trở thành sự hiến dâng cho Chúa. Con người hiện đại đã từng cảm nghiệm được hành trình thứ nhất, các sự vật bên ngoài từng trở nên bao nguồn khổ sở cho hắn. Chiến tranh phiền muộn, bất an và trống rỗng của cuộc sống từng làm con người kinh hãi đến mức họ cố gắng cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và bắt đầu tìm kiếm sự thoả mãn nơi bản ngã giới hạn của họ. Điều đó khiến cho khoa phân tâm nở rộ: tâm hồn con người hiện đại, hoảng hốt với sự vật bên ngoài, vội chui vào vỏ ốc của mình và bắt đầu tìm thoả mãn trong việc phân tích tiềm thức, với các nỗi âu lo, sợ hãi, cũng như các trạng thái buồn bã và thất vọng của mình.

Nhưng như thế khác nào tự nhốt mình vào một nhà tù, bởi vì người ta đã tự cô lập mình với cái ngã riêng mình như thế. Không có sự giam hãm nào mãnh liệt hơn trên trần gian này cho bằng sự giam hãm do chính mình tự cô lập mình. Không bao giờ được dùng mũi dao phân tâm mổ sẻ cục ung luân lý nội tâm để nhìn nó xì ra, làm thế là gây tác hại trầm trọng cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Đúng hơn, muốn chữa trị, người ta cần phải khám phá ra cho được tại sao con người bị cô đơn, sợ lẻ loi – bởi vì hầu như người ta đều sợ ở một mình mà chẳng biết tại sao viễn tượng ấy làm họ sợ hãi.

Vấn đề của chúng ta hôm nay là tìm cho được an bình nội tâm, và đây là điểm mà thế kỷ 20 được đánh dấu là tách biệt với thế kỷ 19. Một trăm năm trước đây con người nhìn vào thế giới bên ngoài để tìm câu trả lời cho những vấn đề của họ: họ tôn thờ khoa học hoặc thiên nhiên, hy vọng hạnh phúc sẽ đến nhờ vào tiến bộ về mặt chính trị hoặc lợi nhuận. Con người của thế kỷ 20 âu lo về chính mình: họ còn quan tâm về vấn đề tính dục hơn là đam mê chính tính dục – họ chú trọng đến thái độ tinh thần cần có đối với tính dục hơn là sự thoả mãn thể lý cũng như sự sinh con đẻ cái. Giá trị, tâm thức, cũng như thái độ của họ chiếm hết toàn bộ ưu tư của họ.

Dù có khá nhiều điều phi lý được viết ra về cuộc sống nội tâm của con người thời đại chúng ta, tuy nhiên thế kỷ 20 thực sự gần gũi Thiên Chúa hơn thế kỷ 19. Chúng ta đang sống vào ngày áp của một trong những cuộc canh tân tinh thần vĩ đại của lịch sử nhân loại. Đôi khi các tâm hồn lại gần gũi Chúa hơn bao giờ hết ngay cả khi mà họ cảm thấy xa cách Ngài nhất trong cơn tuyệt vọng. Bởi vì đối với một tâm hồn trống rỗng, Thiên Chúa có thể lấp đầy; một tâm hồn âu lo, Đấng Vô Biên có thể mang lại bình an. Còn một tâm hồn vị kỷ, kiêu ngạo thì không thể nào đến được với ÂN SỦNG.

Con người hiện đại đã bị bẽ bàng: những kỳ vọng đầy kiêu hãnh về sự tiến bộ cũng như về khoa học không thành tựu như họ từng hy vọng. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết tự khiêm. Họ vẫn đóng khuôn giam mình trong bản ngã nên có thể chẳng thấy điều gì khác nữa. Các nhà phân tâm có thể được phép đào bới những tư tưởng của mình thêm vài năm nữa, nhưng rồi không bao lâu con người hiện đại sẽ phải thốt ra lời kêu gọi cuống cuồng xin Chúa nâng họ lên khỏi bồn nước trống rỗng của bản ngã. Thánh Augustinô biết rõ điều ấy. ngài nói: “Tâm hồn chúng con sẽ còn xao xuyến mãi cho đến khi nào được yên nghỉ trong CHÚA”.

Đó là lý do tại sao – dù cho chiến tranh thảm khốc đe doạ chúng ta – thời gian hiện tại vẫn không được xem là quá tồi tệ. Con người hiện đại tuy chưa trở về với Chúa, nhưng ít là đã trở về với chính mình. Sau này con người sẽ vượt qua và sẽ thăng hoa chính mình nhờ vào ân sủng của Chúa mà hiện con người đang tìm kiếm. Chẳng ai lại đi tìm kiếm cái gì mà mình biết là không hiện hữu; ngày hôm nay tâm hồn thất vọng đang tìm kiếm Chúa với niềm hồi tưởng về một danh xưng mà họ đã từng biết.

Khác biệt giữa những kẻ đã gặp được Chúa trong đức tin và những kẻ đang tìm kiếm Ngài có thể sánh với sự khác biệt giữa một người vợ đang hạnh phúc được bầu bạn với chồng mình và một thiếu nữ đang thao thức không hiểu mình sẽ kiếm được một người chồng không, hoặc có lẽ cô nàng đang cố gắng quyến rũ đàn ông bằng phương cách sai lạc. Những kẻ tìm kiếm lạc thú, danh vọng và của cải đều là đang tìm kiếm TUYỆT ĐỐI, tuy nhiên họ vẫn còn nằm bên ngoài kinh thành VĨNH CỬU. Những kẻ có đức tin đã đi vào nơi trú ngụ đích thực của mình trong lòng Đấng Vô Biên và đã tìm được “sự an bình mà thế gian không thể trao tặng được”. Giống như người ta có thể nhìn thấy một khuôn mặt từ đằng xa nhưng chưa nhận ra đó là người bạn bị thất lạc từ lâu, cũng thế người ta có thể ý thức được nhu cầu về Đấng Vô Biên và niềm ước muốn có được trạng thái ngây ngất bất tận của tình yêu dù vẫn chưa nhận biết đó chính là Thiên Chúa.

Dù cho một tâm hồn có xấu xa mấy đi nữa thì vẫn rõ ràng là không ai không ý thức được sự lệ thuộc và nô lệ của mình khi mình bị khuất phục trước những lạc thú bất chính. Có lẽ đó là lý do tại sao những người nghiện rượu thường là những kẻ nói dối: môi miệng họ từ chối sự nô lệ mà chính cuộc sống của họ rõ ràng đang chấp nhận. Những cá nhân ấy, dù không muốn chấp nhận chính mình đã sai lầm, vẫn từ chối không chịu xác tín về chân lý của Chúa, tuy nhiên sự buồn bã và trống rỗng của họ cuối cùng sẽ lôi họ đến với Thiên Chúa xót thương.

Thế giới bên ngoài của chúng ta hôm nay đang gặp những khó khăn trầm trọng, nhưng thế giới nội tâm con người vẫn chưa rơi vào tuyệt vọng. Thế giới chính trị và kinh tế ì ạch đi sau những phát triển tâm lý của chính con người. Thế giới xa cách Chúa nhưng trái tim con người không thế. Đó là lý do khiến cho sự bình an sẽ đến không phải nhờ vào những thay đổi chính trị cho bằng nơi chính con người; sau khi ẩn núp vào cõi tâm tư của mình xa lánh tiếng ồn ào bên ngoài, con người sẽ được nâng cao hơn chính nó để đến với nguồn hạnh phúc đã được định cho nó.

Gm. Fulton Sheen

Hạnh Phúc – Chương 1 - NIỀM VUI

Niềm vui là kinh nghiệm thú vị về một điều tốt lành đã gặt hái được và hiện nay đang hưởng nếm, hoặc niềm vui là viễn tượng về một điều tốt mà người ta có đủ hy vọng đạt được. Có cả niềm vui tự nhiên lẫn thiêng liêng. Niềm vui tự nhiên bao gồm niềm vui thiêng liêng gia tăng và được ban cho một nền tảng bền vững hơn. Chẳng có niềm hạnh phúc trần thế nào trường tồn và tròn đủ nếu nó không được kết hợp với một lương tâm tốt lành.

Niềm vui thiêng liêng ngự trị nơi một tâm hồn lúc nào cũng bình thản ngay giữa những đổi thay của cuộc sống tựa như sự bình thản của ngọn núi khi có cơn bão tạt qua. Một người chưa bao giờ gắn chặt linh hồn vào Thiên Chúa thì mọi trắc trở của y đều bị phóng đại thêm lên. Người ấy không thể dùng toàn lực chế ngự bất cứ một sự gì vì đã bối rối âu lo về quá nhiều sự.

Niềm vui không đồng nghĩa với sự xem nhẹ. Xem nhẹ là một hành vi còn niềm vui là một tập quán. Sự cười đùa ví như sao băng, còn sự vui vẻ ví như sao sáng, sự cười đùa giống những cọng gai nổ tách tách còn niềm vui tựa ngọn lửa bùng. Niềm vui bền bỉ hơn, nó khiến cho các hành động khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Sau một ngày dài bước đều, đám lính hầu như sẽ không bước được gọn gàng nếu như không bước theo tiếng nhạc. Một trái tim vui vẻ thì luôn luôn tìm được sự hài hước dễ dàng và làm cho gánh nặng trở thành nhẹ.

Chắc chắn chẳng một cô y tá nào nhiệt tình giúp đỡ các bệnh nhân nơi phòng bệnh nếu cô ta không có tinh thần vui vẻ. Mỗi vị y tá thực sự phải có được hai điều này trước khi bước vào phòng bệnh nhân: đó là vết thương đau và ý thức hài hước. Vết thương đau để cô ta có thể biết được giá trị của sự đau đớn; ý thức hài hước để cô biết cách toả lan niềm hạnh phúc. Không nhất thiết đây là vết đau thể lý nhưng ít nhất nó cũng mang tính cách tượng trưng với ý nghĩa là cô rất trân trọng những nỗi đớn đau của kẻ khác. Không gì làm cho cơn bệnh kéo dài thêm cho bằng một khuôn mặt dài thườn thượt.

Niềm vui quan hệ đến sự âu yếm hơn là đến lý trí. Đối với một người đàn ông có gia đình thì vợ và con ông ta sẽ đem lại niềm vui thích cho ông ta nhiều hơn so với những gì trí não ông ta có thể đem lại. Đứng trước chiếc nôi, một người cha xem ra như trực tiếp đối diện với các thuộc tính của Hữu thể trường tồn, Đấng đã tuôn tràn sự Dịu Dàng và Tình yêu của Ngài cho đứa bé. Khả năng hoan hỷ luôn luôn là bản trắc nghiệm vô tư nhất về tình trạng luân lý của một người. không người nào có thể toả lộ hạnh phúc ra bên ngoài nếu như bên trong người ấy không hạnh phúc. Nếu ý thức tội lỗi đang đè nặng trên tâm hồn thì hàng đống lạc thú bên ngoài cũng chẳng thể bù đắp cho sự mất mát niềm vui nội tâm. Sự phiền muộn phò tá cho tội lỗi thế nào thì niềm vui là bè bạn với sự thánh thiện y như thế.

Người ta có thể cảm nhận được niềm vui cả trong lúc thịnh cũng như lúc nghịch. Trong lúc thịnh vượng niềm vui không hệ tại những của cải chúng ta vui hưởng mà hệ tại những gì chúng ta hy vọng, không hệ tại những lạc thú chúng ta cảm nghiệm mà hệ tại lời hứa về những lạc thú mà chúng ta tin vào dù chẳng trông thấy. Của cải có thể dẫy đầy nhưng những thứ mà chúng ta hy vọng thì thuộc loại mối mọt không ăn, rỉ sét không huỷ, trộm cắp không đột nhập lấy đi được. Và ngay cả trong nghịch cảnh chúng ta vẫn có thể vui vẻ vì chúng ta tin chắc rằng chính Vị Thầy Thần Linh của chúng ta đã qua cái chết trên thập giá để đi đến cuộc phục sinh của Ngài.

Nếu ngày hôm nay ít thấy có niềm vui là bởi vì nhiều tâm hồn nhút nhát không dám can đảm quên đi chính mình để hy sinh cho láng giềng của họ, hoặc là vì có những thiện chí muốn làm cho thế giới tương lai sáng sủa hơn lại bị xem là phù phiếm. Niềm thôi thúc tin vào Chúa cũng như vào sự cứu rỗi của linh hồn đã bị xoá nhoà khỏi cuộc sống, vì thế niềm vui bị tan biến và người ta lại trở về với nỗi tuyệt vọng của đám dân ngoại. Dân Hy Lạp và La Mã xưa kia luôn luôn bị ám ảnh có bóng ma đi theo họ, giống như bộ xương người luôn dõi theo bước chân họ. Nên không ngạc nhiên khi vào một ngày nọ, một gã Roma không còn lý do gì để sống, để hy vọng, đã bước vào phòng tắm, cắt đứt mạch máu rồi lặng lẽ êm đềm để máu tuôn ra cho đến chết.

Một thi sĩ Hy Lạp nổi tiếng từng nói về cuộc sống: “Tốt hơn đừng nên sinh ra, và điều tốt nhất tiếp theo là rời bỏ cuộc sống càng sớm càng tốt”. Tất cả điều này quả là hoàn toàn đối nghịch với điều thánh Phaolô từng nói: “Hãy luôn luôn vui lên trong Chúa, tôi nói lại lần nữa: Hãy vui lên”.

Gm. Fulton Sheen

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 19. Một Sợi Tóc

Hết mọi việc xảy ra ở đời, to hay nhỏ, trọng hay hèn, không việc nào là không do Thánh ý Chúa khiến nên, hoặc ít ra tha phép cho xảy đến. Bạn đừng quên điều này: Phàm việc gì Chúa đã cho xảy đến thì tất nhiên là sáng danh Chúa, và làm ích lợi cho ta, không xác thì hồn, nhất là hồn. Với cặp mắt cận thị, chúng ta chỉ thấy những cái xẩy ra trước mắt, và ngay những truyện xảy ra trước mắt, nhiều khi chúng ta cũng thấy lầm. Người ta đã thí nghiệm: Một cái gậy cắm xuống hồ, chúng ta có cảm giác là chiếc gậy gẫy ở giữa… Nhưng lại gần nhắc chiếc gậy lên, chúng ta thấy nó thẳng như thường.

Chúng ta lại chỉ thấy và chỉ tìm những cái lợi nhãn tiền, trước mắt, mà quên những cái lợi sâu xa hơn, cao cả hơn. Một người học trò, vì thích chơi nên đã bỏ học; anh ta quên rằng, nếu cứ thế thì rồi đây thi sẽ hỏng, và sẽ gặp nhiều điều phiền muộn khác nữa. Trong nhiều việc, chúng ta cũng chỉ như anh học trò ngu muội ấy.

Còn Chúa, thì Chúa thấy mọi sự. Trước mặt Chúa không có gì là trước, là sau, Chúa thấy luôn một lúc hết mọi việc xảy ra trong vũ trụ này, việc đã xảy ra, việc đang xảy ra và sẽ xảy ra. Đàng khác, Chúa lại là Đấng thương yêu ta vô cùng, không khi nào Chúa muốn làm hại làm khổ cho ta, nhất là những người con riêng Chúa, nghĩa là những linh hồn trung thành với Chúa. Nhất là Chúa quan tâm đến ích lợi đích thực thiêng liêng của ta, hơn những cái lợi hiện tại vật chất, nhiều khi chỉ có hại cho linh hồn.

Vậy hỡi Bạn, Bạn cũng vào số những linh hồn trung thành làm tôi Chúa, thì can gì Bạn sợ Chúa làm khổ cho Bạn? Từ nay mỗi khi Bạn thấy Chúa làm những việc trái mắt Bạn, Bạn hãy nhớ lại: Tầm con mắt tôi rất ngắn; còn Chúa Chúa thấy xa, tôi chỉ thấy cái lợi trước mắt và nhiều khi là những cái có hại, còn Chúa, thì Chúa xét nhất là những cái lợi đời đời của tôi. Ấy là tôi chưa nói đến nhiều cái lợi vật chất đời này mà tôi không ngờ.

Cô Marguerite de Cortone (Magarita Cóc-ton), trong thời niên thiếu, có tình cảm với một người thanh niên. Một lần nàng không tìm được người yêu, nhưng thấy con chó của chàng cứ đến quanh quẩn bên nàng luôn. Nó rên những tiếng thảm thiết và cắn lấy gấu áo nàng lôi đi. Magarita theo con chó. Đến một đống lá, con chó lấy chân gạt lá ra và sủa rất dữ. Magarita lại gần. Cái gì vậy? Nàng thấy xác tình nhân đã có mùi và bắt đâu rữa. Hai giọt lệ từ từ lăn trên má, không mấy chốc những giọt nước mắt đau đớn ấy đã biến thành những giọt nước mắt ăn năn.

Nàng tự nhủ: “Đồ điên dại, đây là vật mày đã quý hơn Chúa”.

Cảnh tượng đau đớn ấy đã đổi lòng nàng. Từ ấy người ta thấy nàng ăn mặc rách rưới, đứng ở cửa thành, vẫn còn đầy nhưng vết tích tội lỗi của nàng, và xin những khách qua lại tha lỗi. Sau cùng nàng đã làm thánh.

Ông Chateaubriand (Sa-tô-ri-ăng) có thuật lại những nỗi thống khổ do cái chết của mẹ ông gây nên. Nhưng ông lại thêm rằng: “Tôi đã khóc, và tôi đã tin”. Nước mắt khóc mẹ, đã đem đức tin trả lại cho nhà thi hào Chateaubriand.

Vua Phê-đê-rich, vua nước Phổ, đã tính rằng mỗi năm chim sẻ làm thiệt hại đến hai triệu đấu lúa trong cả nước. Để đỡ thiệt hại, vua truyền thưởng những ai giết được một con chim. Toàn dân thi đua bắt sẻ. Không mấy tháng, trong nước không còn một con sẻ nào. Nhưng năm sau, sâu róm và cào cào làm hại hết cả mùa màng. Vua liền ra lệnh không được giết sẻ nữa.

Cách đây ít năm, một người Anh muốn sang Mỹ. Chính lúc xuống tàu, người ấy ngã gẫy chân… nên phải bỏ việc du lịch. Các bạn đến chia buồn với anh ta. Nhưng anh ta nói: “Những cái Chúa làm, là những cái tốt cả.” Hôm sau người ta được tin, chiếc tàu ra khơi hôm trước, đã bị đắm, và hành khách chết hết.

Trong truyện các Thánh tu hành có thuật lại tích này. Có một nhà nông, được hạnh phúc hơn các bạn. Người ta hỏi anh ta tại sao. Anh ta đáp: “Lạ gì, là vì tôi muốn giời thế nào, thì được như thế” – Họ đáp: “Không thế được” – Nhà nông nọ giải thích: “Thật thế. Vì tôi chỉ muốn những cái Chúa muốn… bởi vậy lúc nào Chúa cũng cho tôi được mùa như tôi muốn”

Ông Chouvaloff (Su-va-lóp), một vị tướng Nga rất thời danh, một hôm đi từ nước Nga đến đất Ý. Ông ta giàu, ông ta trẻ, ông ta có nhiều bạn, ông ta có người vợ gồm đủ tứ đức, và hai đứa con xinh như mộng. Ông có đủ hết các thứ hạnh phúc, chỉ thiếu cái hạnh phúc được biết Đạo thật. Đau đớn thay, người vợ trẻ ấy bỗng đã rời vòng tay thân ái của ông, bước sang kiếp khác. Trong mấy phút, ông thấy tất cả tòa nhà hạnh phúc của ông đổ sụp. Từ nhỏ, không khi nào ông cầu nguyện, thế mà lần này ông đã quỳ gối gần quan tài vợ. Và ông đã tin.

Biết bao lần Chúa xử như thế. Chúa đến với người ta tay cầm gươm. Chúa đâm thẳng vào tim. Người ta ngã quy, tim bị thủng, nhưng lòng hóa trong hơn, mắt đầy nước, nhưng cuộc đời đầy công nghiệp, bị bóc lột hết cả các thứ hạnh phúc khói mây, nhưng lại được thừa hưởng hạnh phúc bất diệt.

Vậy Bạn hãy nhắm mắt mà theo ý Chúa, Chúa đã phán: “Tất cả các sợi tóc trên đầu chúng con đã được đếm cả” [39] nên không sợi nào rơi xuống ngoài thánh ý Chúa được. Huống hồ những việc to tát như việc thế giới lộn xộn, chiến tranh tàn khốc, việc phải tản cư đang lúc gia đình vui vẻ xum họp, rồi sống bơ vơ lạ người lạ cảnh, với hai bàn tay trắng, mắt phải nhìn những cảnh thương tâm tai phải nghe bao tiếng than thở não nuột… vợ bắc chồng nam, con mồ côi cha, vợ mất chồng. Tất những cảnh ấy không thể ra ngoài Thánh ý Chúa được. Bạn đừng trách cái này cái khác, đừng đổ lỗi cho người này người nọ. Không, không tại cái gì, không tại người nào, hay có tại cái gì, người nào, thì cái ấy người ấy cũng phải do Chúa khiến truyền, hoặc tha phép. Chúa đã muốn thế, thì Bạn không khỏi kêu ca lẩm bẩm, trách cái này, giận người kia. Trách như thế, giận như thế, tức là Bạn liều mình trách Chúa, giận Chúa là Đấng đã khiến, hoặc đã tha phép cho truyện ấy xẩy ra. Bạn hãy cúi đầu lĩnh nhận thánh giá Chúa gửi đến cho. Bạn phải tỏ cho người quanh Bạn thấy rằng: Bạn tập đi đường nhân đức đã cứng cát; cho họ hiểu rằng: đối với Bạn: Sự khó chỉ là con đường đưa đến cõi thánh thiện.

Bạn hãy than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, con xin vâng theo Thánh ý Chúa. Chúa muốn bao nhiêu, con xin muốn bấy nhiêu. Xin Chúa giúp con chịu khó cho nên. Con xin chịu khó để đền tội con, để tỏ lòng con vâng phục Thánh ý Chúa, và để cứu các linh hồn… Lạy Chúa con đã có lời giao… 3652 linh hồn… con nhất định không bỏ lỡ cơ hội nào mà không chịu khó để làm theo ý ấy. Lạy Chúa, con cần gì phải tìm sự khó tận đâu xa, các sự khó Chúa gửi đến, là những sự khó làm ích cho con hơn cả, vì không phải những sự khó con tự chọn, con đã không chọn thì chắc con không lầm. Con xin vâng theo Thánh ý Chúa. Có lẽ sự khó này sẽ kéo thêm sự khó khác… Nhưng con không xét gì nữa, con chỉ xét rằng đó là Thánh ý Chúa thì con cứ vâng theo, Chúa muốn nó ra thế nào tùy Thánh ý Chúa”.

Một lời than thở cùng Chúa như thế trong khi Bạn chịu đau đớn thì đẹp lòng Chúa hơn Bạn ăn chay một tuần lễ, hơn Bạn ngồi trong nhà thờ đọc kinh từng mấy giờ, nhưng chỉ là những việc làm theo ý Bạn, và nhiều khi những việc lành tự ý chọn ấy, lại là dịp tho Bạn tự phụ cậy mình… Nhưng khi Bạn vâng theo Thánh ý Chúa, Bạn không phải là Bạn nữa, Bạn đã nên như Chúa, vì Bạn đã đem ý riêng của Bạn hợp nhất cùng Thánh ý Chúa.

Một lần Chúa phán với thánh nữ Magarita Maria rằng: “Đôi khi vì vâng lời mà nhận lấy những cái dễ chịu cho xác, còn quí hơn làm những việc hãm mình đền tội khác thường nhưng là làm theo ý riêng”.

Hai người yêu nhau thật, thì lo cho hai ý muốn nên một. Người này muốn cái gì, người kia cũng muốn cái ấy. Bạn hãy xét lại vài việc cỏn con xảy ra trong đời tình cảm của Bạn, Bạn sẽ thấy, vì đó là tính cách của tình yêu. Hai ý muốn nên một; nhiều khi phải ép mình để muốn cái người kia muốn. Nhưng chính vì ép mình để muốn những cái người yêu muốn, mà tình yêu thêm khắng khít bền chặt. Không thể yêu cho thực tình, mà không hy sinh. Tình yêu không hy sinh, là một thứ tình yêu ngoài miệng, nếu không thật là giả dối.

Tôi chắc Bạn mến Chúa thực tình, chứ không phải chỉ mến ngoài miệng. Vậy thì Bạn hãy can đảm mà chịu những sự đau khổ Chúa gửi đến cho Bạn. Một sự đau khổ chịu cho nên thì đẹp lòng Chúa hơn trăm nghìn lời than thở sốt sắng, hoặc trăm nghìn việc đạo đức làm khi tâm hồn thư thái, và được tràn ngập sự yên ủi.

Thánh Phanxicô Năm Dấu, lúc bị bệnh tật, vẫn giữ được bộ mặt vui tươi. Có một thầy khuyên Ngài nên xin Chúa cho khỏi bệnh. Thánh nhân liền đáp: “Cũng vì ngây thơ mà thầy nói thế, nếu không, tôi sẽ không cho thầy đến thăm tôi nữa”. Thánh nữ Gertrude (Giê-tu-đê) mỗi ngày nguyện 365 lần lời này: “Vâng theo Thánh ý Chúa”. Một lần Chúa cho Bà chọn trong hai việc, một là khỏe, hai là ốm. Bà đáp lại: “Lạy Chúa, con ước ao hết lòng hết sức, không phải Chúa làm theo ý con, nhưng Chúa hãy làm theo ý Chúa”.

Thánh Félix de Cantalice (Phi-li-xê người thành Can-ta-li), là một vị Thánh hoàn toàn tuân theo Thánh ý Chúa. Lúc nào người ta cũng thấy Ngài vui tươi. Miệng Ngài thốt luôn lời: “Deo gratias”: Tạ ơn Chúa. Bởi vậy các trẻ em thành La-mã, mỗi khi thấy Ngài còn xa, chúng đã chạy đến mà reo lên: “Kìa, Thầy Tạ ơn Chúa… Chào Thầy Tạ ơn Chúa”.

Bạn có hiểu những gương ấy không? Chắc Bạn hiểu. Vậy Bạn hãy cố gắng đi. Bạn hãy chịu sự cực này… sự khó nọ… cho can đảm, cho Chúa được vui, cho các linh hồn được nhờ.

Đến đây tôi thấy cần phải nói thêm một lời, kẻo Bạn hiểu nhầm ý tôi. Nói đúng hơn, Bạn hãy đọc lại đoạn nói về “Chiếc diều sáo”. Trong bài ấy tôi đã nói: tôi không dám cấm Bạn, không được xin Chúa cất sự khó đi cho Bạn, trái lại… nhưng thôi, xin Bạn hãy đọc lại bài ấy.

Không những thế, tôi còn cầu xin Chúa cho bạn được thoát khỏi những sự đau đớn đang bọc quanh Bạn. Và đang khi chờ sự khó lui đi, xin Chúa ban cho Bạn được chịu khó cho nhẫn nại. Hoặc Bạn có muốn năn nỉ thì hãy năn nỉ dưới chân Chúa, dưới chân Đức Mẹ, chứ đừng năn nỉ vô ích với người trần tục…

Tôi vừa nói Bạn hãy năn nỉ với Chúa, với Đức Mẹ. Nhưng đó chỉ là một lời khuyên bất đắc dĩ. Vì theo lời Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, nếu ta không nên đem bộ mặt buồn phiền đến trước mặt người khác, thì càng không nên đem bộ mặt ấy đến trước nhan Chúa. Chính chúng ta có bổn phận phải yên ủi Chúa, chứ không phải Chúa yên ủi ta. Đã đành, khóc với Chúa thì Chúa sẽ chùi nước mắt cho ta, vì Chúa thương ta vô cùng. Nhưng Chúa quí linh hồn vui vẻ hơn [40]. Nên ta hãy hết sức giấu những nỗi phiền muộn ta đi, đừng cho Chúa biết… hoặc có cho Chúa biết, thì cũng phải thêm lời: “Lạy Chúa, con sung sướng vì được chịu đau khổ cho đẹp lòng Chúa”.

Tôi nói lại, cố giấu sự đau khổ mình được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng khi không giấu nổi nữa, thì thà năn nỉ dưới chân Chúa, dưới chân Đức Mẹ, chứ đừng năn nỉ vô ích với người trần tục.

Thế thì, Bạn thân ái, chúng ta hãy thi nhau chịu khó, chịu khó cho nhiều, chịu khó cho nhẫn nại, để đẹp lòng Chúa, để cứu các linh hồn, và – như tôi sẽ nói sau – để nên giống Chúa. Chúng ta hãy chịu khó, nhưng không phải chịu khó trong một lúc, trong một đôi việc nhỏ mọn lặt vặt, chúng ta hãy chịu khó cả đời, và trong hết mọi sự khó, không trừ một sự khó nào. Bao lâu ta còn sống, thì còn phải đua nhau chịu khó, đua nhau làm Chúa vui lòng, vui lòng vì thấy ta vui cười trong lúc lĩnh nhận sự khó Chúa gửi đến cho. Nếu vì xác thịt yếu đuối, ta không vui cười ngoài miệng được, thì ít ra hãy vui cười trong lòng, vì trong khi đau đớn, xác thịt ít khi có thể vui được, nhưng ta hãy để mặc nó, ta vui trong lòng là đủ.

Chắc Bạn đã hiểu lời tôi. Bây giờ thì Bạn hãy thi hành những điều Bạn hiểu. Bạn sẽ đẹp lòng Chúa lắm lắm.

Thôi, tôi dừng lại ở đây và tôi hy vọng những lời tôi nói với Bạn, sẽ là những hạt giống gieo vào những đám đất đủ điều kiện.

Xin Chúa, xin Đức Mẹ ban ơn cho Bạn được chịu khó cho nên.

Lm. Nguyễn Văn Tuyên - DCCT

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 11: “Ông ấy nói với em không được ở trong nhà ông ấy nữa”

Đứa trẻ nói:

“Đêm nào ông ấy cũng bắt em phải ngủ ngoài xe hơi, để ở bên ngoài.

“Cho dù trời lạnh đến mấy, thời tiết xấu đến mấy, ông ấy cũng bắt em phải ngủ ngoài xe hơi.

“Ông ấy bảo em không đáng ở trong nhà ông ấy nữa.”

Đứa trẻ nhìn tôi một lúc để cho những lời của nó thấm xuống, rồi nhắm mắt lại, và lắc đầu. Sau đó, nó đến đứng trước mặt tôi, thỉnh thoảng mở miệng như muốn nói một điều gì đó, nhưng sau đó lại thở dài và lắc đầu mạnh hơn nữa. Nó là một đứa trẻ gặp khó khăn ngay cả trong việc tin vào những lời chính mình đang nói….

Tôi hỏi:

“Soeur không hiểu… Ai bắt em đêm nào cũng phải ngủ ởû bên ngoài?”

Thằng bé trẻ lời:

“Cha dượng của em.

“Ông ấy nói trong nhà chỉ đủ chỗ cho hai đứa trẻ… hai đứa con của ông ấy mà thôi. Ông ấy nói em không được phép sống trong nhà ông ấy nữa. Ông ấy bảo em là đồ cặn bã.”

Tôi lại hỏi:

“Sao cha dượng của em lại giận dữ như thế với em?”

Mitchell lại mở miệng định nói, nhưng rồi lập tức không nói nữa. Thái độ, gương mặt và điệu bộ của nó thay đổi liên tục trước mặt tôi – một đứa trẻ thay đổi từ một người bị xúc phạm và tủi hận thành một người bỗng nhiên cảm thấy bất an, yếu đuối và xấu hổ.

Mitchell cắn môi đến gần chục lần, và sau cùng, nó nhìn nghiêng qua chỗ khác và bắt đầu nói. Những lời của nó rất nhỏ nhẹ, tôi phải tập trung lắm mới nghe được.

Mitchell nói:

“Soeur biết đó, một đêm kia, em đã thổ lộ với mẹ em, em nói hình như em hơi khác người ta…

“Em nói với mẹ em rằng em nghĩ mình là một người đồng tính…

“Thế rồi ngay khi nghe biết điều đó, cha dượng của em nói rằng em không được phép ngủ trong nhà ông ấy nữa.”

Lúc ấy, Mitchell mở mắt ra để ướm chừng phản ứng của tôi và rồi nhắm lại. Một giọt nước mắt lặng lẽ trào ra từ khóe mắt, rồi chảy xuống má của nó.

Tôi hỏi:

“Thế mẹ em thì sao? Bà ấy có cố gắng làm cho cha dượng của em thay đổi ý kiến hay không?”

Mitchell đáp:

“Dạ có. Mẹ em muốn bênh vực em, nhưng mỗi lần mẹ em cố gắng như vậy, cha dượng của em lại đánh đập bà ấy…

“Soeur ơi, thật khổ lắm. Khổ lắm. Khổ lắm.”

Giọng nói của Mitchell càng lúc càng nhỏ dần, hầu như chỉ còn tiếng sụt xịt.

Tôi nói:

“Soeur rất buồn vì ông ấy đã cư xử như vậy.

“Quả thật, bị đối xử như thế là một điều rất đau lòng.

“Mitchell à, em là một đứa trẻ tuyệt vời. Nhẽ ra em không đáng phải chịu đối xử như thế.”

Mitchell vẫn nhắm nghiền đôi mắt, trong khi một giọt nước mắt nữa ứa ra, trào xuống, chảy trên khuôn mặt của em.

Mitchell quá nghẹn ngào nên không nói thêm lời nào nữa.

Mitchell lắc đầu nhè nhẹ, dường như muốn nói rằng:

“Ước gì Soeur nói thật lòng như vậy.”

Một số đứa trẻ nhắm mắt lại vì muốn quên hết mọi người, để đi đến một cõi riêng của chúng. Một số khác nhắm mắt lại vì không an tâm, chúng yên chí về tình trạng bất xứng của mình, đến độ sợ không dám nhìn thẳng vào mắt bạn… mặc dù chúng rất cần một người để cảm thông.

Cái nhìn thứ hai là cái nhìn tôi vẫn thường nhìn thấy ở nơi những đứa trẻ như Mitchell – những đứa trẻ bị người ta coi là xấu xa, là bất xứng, là không đáng được yêu thương tự bản chất chỉ vì chúng là người đồng tính.

Thật oái oăm, chính những đứa trẻ như thế mới là những đứa trẻ cần được một ai đó nhìn vào đôi mắt của chúng và cảm thông với chúng hơn hết….

Tôi nói:

“Soeur rất vui mừng vì em đã tìm được chúng tôi, Mitchell à.

“Thế làm sao em lại đến đây được?”

Như tôi đoán trước, câu trả lời sẽ đến hầu như lập tức, Mitchell khao khát được có một người biết lắng nghe.

Em nói:

“Cuối cùng, em không thể chịu được nữa. Vì thế, em đành phải bỏ đi. Em lang thang ngoài đường phố để không còn bị ngược đãi nữa.

“Tuy nhiên, em không biết phải đi đâu. Em chỉ biết mình phải đi đến một nơi nào khác.

“Hoặc là như vậy, hoặc là tự tử mà thôi.”

Từ ánh mắt của Mitchell, tôi biết nó không hề phóng đại. Tỉ lệ tự tử nơi những đứa trẻ đồng tính khá cao, cao hơn rất nhiều so với mức bình thường. Các bạn thử tưởng tượng xem những đứa trẻ như thế nếu phải sống thì sống thế nào? Chúng bị ngược đãi và hà hiếp, bị người ta cho là xấu xa, không đáng được yêu thương. Nếu như các bạn cũng bị người ta nói như thế, nhất là từ phía các bậc phụ huynh là những người đáng lẽ ra phải yêu thương các bạn, thì các bạn sẽ sống làm sao? Các bạn tiếp tục sống nữa được không? Các bạn sẽ đi đâu?

Những đứa trẻ như thế thường sa vào những điều không thể tưởng tượng được.

Đó thật là một thảm trạng thương tâm làm tan nát lòng tôi….

Tôi nói:

“Soeur rất vui mừng vì em đã không tự hại bản thân em.

“Em có rất nhiều điều tốt để cống hiến cho thế giới này.”

Mitchell vẫn nhắm mắt và nói:

“Cảm ơn, Soeur.

“Em cần được nghe những lời như thế.”

Tôi cho rằng vì quá nghẹn ngào nên Mitchell không thể nói thêm được gì nữa.

Tôi hỏi tiếp:

“Vậy sau đó thì sao?”

Mitchell đáp:

“Em quá giang xe người ta vượt hơn một ngàn dặm đường cho đến khi đến được nơi đây. Thật là khủng khiếp.”

Mitchell vừa nói, vừa gắng nhoẻn một nụ cười, nhưng không sao mở miệng để cười nổi.

Nó chậm rãi kể tiếp:

“Em không có tiền. Em chẳng quen biết một ai. Em không biết gì cả, chẳng biết đi đâu cả…. Vì thế, em cứ vất vưởng trên các đường phố suốt một tuần lễ, ngủ qua đêm trên các hẻm phố, và gặp được gì thì ăn nấy…”

Nói đến đó, Mitchell mở mắt ra, nhìn tôi, và tiếp tục nói:

“Thế rồi, có người nói cho em biết về Soeur.”

Ánh mắt của Mitchell rất ngây thơ và dễ thương, dễ thương đến mức làm tôi đến kinh ngạc. Đôi mắt ấy như gào lên trong tuyệt vọng:

“Xin làm ơn giúp tôi, tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi không muốn làm hại ai, tôi chỉ muốn được một cơ hội, tôi nghĩ mình đáng được có một cơ may, có ai chịu lắng nghe tôi hay không?”

Mitchell nhìn tôi và nói:

“Cảm ơn Soeur đã lắng nghe em nói.” (Sau cùng, đứa trẻ đã cảm thấy dễ chịu phần nào).

Rồi nói tiếp:

“Em xin được ở lại đây một thời gian, nếu không có gì trở ngại.”

Tôi đáp:

“Soeur cũng thích như vậy. Bao lâu em thích thì em cứ ở lại đây.”

Denise, một người cố vấn tài năng và kinh nghiệm nhất của chúng tôi, nắm tay và dắt Mitchell đi đến chiếc bàn phía trước. Tôi biết em ấy cần được giúp đỡ trong một thời gian lâu dài.

Tôi thầm thĩ trong lòng:

“Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã giúp cho đứa trẻ ấy tìm được chúng con. Con xin cảm tạ Chúa.”

Chú thích: Tôi biết một số người có thể khó chịu về đề tài bức thư của tôi trong tháng này. Nhưng tôi biết chắc chắn các bạn cũng sẽ yêu thương Mitchell nếu như các bạn gặp được em ấy. Tôi có ý nói rằng, tôi nhìn thấy nơi Mitchell mọi điều tôi vẫn gặp thấy nơi mọi đứa trẻ khác. Tôi không nhìn một đứa trẻ để xem nó cao hay thấp, mập hay gầy, đen hay trắng, nam hay nữ, đồng tính hay bình thường. Tôi nhìn đó là một kỳ công được Thiên Chúa tạo dựng, một con người đã đến với chúng tôi vì đã bị khước từ những điều căn bản mà mọi đứa trẻ đều được hưởng; tôi biết đứa trẻ ấy xứng đáng, tốt lành, vô giá, và được yêu thương.

Chúng tôi có 1.400 đứa trẻ tại các tổ ấm của hế thống Nhà Giao Ước của chúng tôi đêm nay – đủ mọi vóc dáng và hình dạng, có em mới 10 tuổi, vô cùng cần đến một người như các bạn để chăm sóc và hướng dẫn.

Tôi đang cầu nguyện để lúc này các bạn có thể đưa tay giúp đỡ. Xin làm ơn? Nhu cầu tháng này hết sức cấp thiết!

Xin cảm ơn các bạn và xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn!

Lạy Chúa Giêsu yêu quí của con,

Con đau đớn quá. Viết ra tất cả thì có lẽ sẽ kín cả quyển sổ này. Chúa biết những khó khăn của con, Chúa biết những vấn đề của con, và Chúa biết những giải đáp cho con. Xin Chúa thương giúp con. Xin Chúa ban cho con sức mạnh và những gì con cần thiết để được hạnh phúc. Xin Chúa thương và chăm sóc cho những chú mèo của con, tất cả những người đói khát và những thụ tạo trên trần gian này.

Lời kinh do một đứa trẻ viết
tại nguyện đường Nhà Giao Ước

Sr. Mary Rose McGeady