3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

RẤT NGƯỜI VÀ RẤT THÁNH

Thứ Sáu Tuần 3 Mùa Vọng C

"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói!".

Chính khách William Wilberforce viết, “Tôi đã sống quá nhiều cho uy tín chính trị; vì thế, linh hồn tôi chết đói, còm cõi và gầy gò!”. Sau một thất bại ê chề trên chính trường, ông tâm sự, “Tôi đã quá tằn tiện với Chúa”. Và ông kết luận, “Chúa cho phép tôi vấp ngã!”.  

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa cho phép tôi vấp ngã!”, một trải nghiệm vừa đắng cay vừa ngọt ngào, 'rất người và rất thánh!'. Vì lẽ, không gì nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, kể cả thất bại, vấp ngã. Các chi tiết của biến cố Truyền Tin cho Đức Maria hôm nay cho thấy điều đó.

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa!”. Nói đến “nữ tỳ” hay “tôi tớ” là nói đến một cái gì đó ‘rất người’, yếu hèn và hay thất bại. Vậy mà, Thiên Chúa thường kêu gọi con người với những gì yếu kém và dễ thất bại của nó. Biến cố Truyền Tin đã xảy ra ở một ‘nơi cụ thể’; với ‘một thiếu nữ nhỏ bé cụ thể’; cũng như lời hứa về ‘ái nữ tinh tuyền’ này cũng được ‘tiên báo cụ thể’ với một vị ‘vua cụ thể’. Chính Thiên Chúa đích thân hứa ban Đấng Cứu Độ với Akhát, vào một ‘thời điểm cụ thể’ - bài đọc một - “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai”. Sống đức tin, sống ơn gọi, là sống mối quan hệ ‘cá nhân cụ thể’ với Chúa. Quan trọng hơn, tôi có đáp lại Ngài cách ‘cụ thể cá nhân?’.

Thật tuyệt vời, Maria đã đáp lại Thiên Chúa, “Xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói!”; và nhờ đó, cô đã tạo nên một sự khác biệt cho nhân loại, mở ra kỷ nguyên cứu độ! Cũng thế, bạn và tôi được mời gọi thưa “Vâng” với Chúa để cũng có thể tạo nên một sự khác biệt ‘rất thánh’ dù nhỏ bé; bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng có sứ vụ xây dựng Vương Quốc. Và phần còn lại, để Thiên Chúa lo!

Thiên Chúa đã lo thế nào? Hãy nhìn vào Đức Maria! “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ. Thiên Chúa luôn hành động như một tình yêu dịu dàng ôm ấp, làm cho mọi thứ trở nên ‘rất thánh’, sinh sôi nảy nở, bảo vệ, mà không gây bạo lực; can thiệp mà không xâm phạm tự do. Đây là cách hành động của Chúa. Ý tưởng về một bóng râm che chở là hình ảnh thường thấy trong Thánh Kinh. Hãy nghĩ đến bóng râm đồng hành cùng dân Chúa trong sa mạc! Tóm lại, “bóng râm” mô tả lòng nhân từ của Thiên Chúa” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa!”. Ước gì bạn và tôi có thể thưa lên như thế và ẩn thân dưới bóng râm của Chúa! “Ngài đã nói với Maria nhưng cũng nói với chúng ta ngày nay: “Ta ở đây vì con và Ta hiến mình làm nơi ẩn náu và nơi trú ẩn của con. Hãy đến dưới bóng Ta, ở lại với Ta!”. Đây là cách tình yêu sinh hoa trái của Thiên Chúa, Đấng đang hoạt động. Và đó cũng là điều mà - cách nào đó - chúng ta có thể trải nghiệm khi ở giữa bạn bè, các cặp đôi, vợ chồng, cha mẹ và con cái. Chúng ta dịu dàng, tôn trọng và quan tâm đến người khác bằng lòng nhân từ. Hãy suy ngẫm về lòng nhân từ của Thiên Chúa!” - Phanxicô. Và như thế, dù ‘rất người’ - vấp ngã, yếu hèn - bạn và tôi vẫn có thể cộng tác vào những công việc ‘rất thánh’ của Chúa, bắt đầu từ những gì nhỏ bé gần gũi nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con ‘rất người’, linh hồn con chết đói, còm cõi và gầy gò. Dạy con đứng lên sau mỗi lần vấp ngã; và con cũng cộng tác vào những việc ‘rất thánh’ của Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

Chúng tôi phải làm gì?


Chúa Nhật III Mùa Vọng C

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mặc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?

2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?

3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

TOÀN TRÍ, TOÀN TRI, TOÀN TRỊ


Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng C

"Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”.

Được khen ngợi như một ‘Phaolô khổng lồ’ của Hoa lục, Hudson Taylor viết cho một người bạn, “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới một đứa ‘đủ yếu’ để làm công việc của Ngài. Tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’. Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những đứa yếu. Họ không cậy mình, nhưng cậy Ngài, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’; cũng là Đấng đã nói, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Dẫu là Vua Trời, Ngài xuống thế mặc lấy hình hài một thơ nhi để cứu chuộc loài người. Đó chính là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh!

Giêsu, người đang nói những lời này là ai? Ngài là người có thể nhìn thấu nơi kín đáo trong tâm hồn mỗi người và khám phá ở đó những điều ẩn giấu. Ngài biết bạn và tôi đang vất vả nhọc nhằn! Rằng, chúng ta nặng gánh bởi những đòi hỏi của cuộc sống, những tì đè của tội lỗi, những bất an của lương tâm. Và rằng, chúng ta căng thẳng bởi sự giằng co của những đam mê và những ước muốn điên rồ không thoả mãn. Giêsu là người dám hứa những gì mà linh hồn luôn khao khát cho nơi tôn nghiêm thẳm sâu của nó; những gì chưa bao giờ được phép hy vọng, và hơn cả những gì một người có thể cảm thấy mình xứng đáng. “Hãy đến với tôi!”. Ai có thể thốt ra lời mời đơn giản, nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn đến thế nếu không phải là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’.

Điều tương tự được tìm thấy qua lịch sử Israel. Giữa chốn lưu đày, khi dân Chúa sa sút niềm tin, Israel tưởng nghĩ, Thiên Chúa đã bỏ họ, “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”. Biết họ đang ngờ vực, hoang mang, ‘đặt Ngài lên bàn cân’ với các thần ngoại, Ngài lên tiếng, “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh tinh tú, gọi đích danh từng ngôi một!”. Nói như thế khác nào nói, “Ta là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”. Rồi đây, Ngài sẽ đưa họ về, băng bó, chữa lành; để mỗi người có thể nhủ lòng, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Đến cách nào? Bằng cách “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi!”. “‘Ách’ của Chúa bao gồm việc mang lấy gánh nặng của người khác với tình yêu thương huynh đệ. Một khi nhận được sự ủi an và nghỉ ngơi của Chúa, chúng ta được kêu gọi trở thành sự nghỉ ngơi và ủi an cho anh chị em mình với thái độ ngoan nguỳ và khiêm nhượng noi gương Thầy mình. Sự ngoan ngoãn và khiêm nhường trong lòng giúp chúng ta không chỉ mang lấy gánh nặng của người khác, mà còn giữ cho quan điểm cá nhân, phán đoán, chỉ trích hoặc sự thờ ơ của chúng ta không đè nặng lên họ!” - Phanxicô. Hãy đến với máng cỏ nơi Giêsu đang nằm bất lực! Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nhập thể vì yêu con người! Chỉ cần lặng thinh! Mọi tham vọng sẽ tan biến, mọi đam mê sẽ dịu lại và tất cả những gì viển vông mụ mị phải tan bay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ khi cung chiêm máng cỏ! Cho con biết mình ‘quá yếu’ khi được Chúa ‘lỡ chọn’ cho những công việc quá ư ‘khổng lồ!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TỰ HỐI

Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng C

“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”.

“Ôi tôi yêu mến Lời Ngài biết bao, lạy Chúa! Lời dẫn tôi đi bình yên trên mọi nẻo đường! Các mỏ đá quý có là gì, sắc đẹp có là gì, mọi cuộc vui có là gì… so với Lời! Dẫu bao đắng cay đã đâm thủng trái tim èo uột của tôi, bao nỗi sầu khiến lòng tôi se lại, nước mắt tôi nhiều lần ứa ra; nhưng Lời đã cứu tôi khỏi sự thống khổ đời đời. Khuất phục Lời; từ lâu, tôi tự hối, lớn lên trong sự nhận biết, nhân tâm tôi không dao động!” - William Cowper.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy một điều gì đó đáng tiếc khi người đương thời không ‘tự hối’, không ‘lớn lên trong sự nhận biết!’. Họ không nhận ra Gioan trong quyền năng và vai trò của Êlia - dọn đường cho Đấng Cứu Thế - để “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu” - bài đọc một.

Như Gioan có một vai trò độc đáo và quyết định trong tiến trình chuẩn bị cho việc đến của Chúa Kitô, bạn và tôi cũng có vai trò tương tự trong việc chuẩn bị cho ‘việc đến liên tục’ của Ngài. Ngài đã đến một lần thuở xưa, nhưng Ngài mong muốn tiếp tục đến mỗi ngày trong linh hồn chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong thế giới. Và Ngài chỉ có thể đến nếu chúng ta chuẩn bị đúng cách cho Ngài.

Làm thế nào để chuẩn bị đúng cách “con đường cho Chúa?”; làm thế nào để tiếp tục công việc của Gioan? Trước hết, bằng cách chú ý đến thông điệp Gioan mang đến. Thông điệp đó là gì? Là ăn năn tội lỗi của chính mình! Mặc dù tất cả mọi người đều đấu tranh với tội lỗi do bản chất con người sa ngã, nhưng chúng ta không quên rằng, ơn gọi của chúng ta là nên hoàn hảo, nên thánh. Chúng ta được kêu gọi để nhận ra tội lỗi mình, thú nhận chúng và nỗ lực tách khỏi chúng. Mùa Vọng là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm để làm điều này - ‘tự hối’ - và điều đặc biệt khẩn thiết là chúng ta tìm kiếm ân sủng của Bí tích Hoà Giải ngay lúc này.

Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”. Được ‘phục hồi’ là được ‘lớn lên trong sự nhận biết’ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhận biết mình được thứ tha, được chữa lành và mở mắt đức tin. Và như vậy, mùa Vọng, mùa ‘tự hối’ để hưởng nhận ơn tha thứ hầu hiểu được Quà Tặng Cứu Độ Giêsu trong lễ Giáng Sinh!

Anh Chị em,

“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Như những người Do Thái không nhận ra Gioan và Đấng Gioan loan báo, chúng ta có thể tiếp tục không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài hiện diện theo nhiều cách, dưới nhiều hình thức, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa nhận ra hoặc không muốn nhận ra Ngài. Tại sao? Có lẽ vì chúng ta chưa để Lời soi rọi, chưa khuất phục Lời; vì thế, chưa thật lòng ‘tự hối!’. Hậu quả là chúng ta đối xử với Chúa Giêsu ‘theo ý chúng ta muốn!’. Hôm nay, bạn và tôi xin ơn chữa lành đôi mắt đức tin để nhìn thấy Ngài, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để ban ơn cứu độ! Nhờ đó, nhất định chúng ta sẽ bình an!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để nhân tâm con không còn dao động, giúp con nhìn thấy tội lỗi mình - điều đang ngăn cản con với Chúa - và hết lòng tránh xa chúng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LỖI TẠI TÔI

Chúa Nhật II Mùa Vọng C

(Bar 5, 1-9; Phil 1, 4-6.8-11; Lc 3, 1-6.)

Ông Baruc là vị thơ ký của tiên tri Giêrêmia cũng đang bị lưu đầy tại Babylon. Vào thời quân Canđê đánh chiếm và phóng hỏa thành Giêrusalem, ông đã đứng ra qui tụ mọi người cùng đến để nghe đọc sách thánh, ăn chay cầu nguyện và đóng góp tiền bạc gởi về Giêrusalem. Ông đã cầu khẩn và gióng lên niềm hy vọng vào quyền năng can thiệp của Thiên Chúa. Ông dùng những cảnh thiên nhiên sống động để diễn tả hình ảnh nội tâm. Dân tin tưởng vào lượng từ bi của Thiên Chúa sẽ dẫn dắt họ trở về trong vinh quang.

Từ bảy trăm năm trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, ngôn sứ Isaia đã tiên báo. Gioan đã dùng lại lời của tiên tri Isaia: Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng (Lc 3, 5). Sám hối là một cách chữa lành bệnh tật cả tâm bệnh lẫn thân bệnh. Ai trong chúng ta cũng vương vấn với sai lầm, tội lỗi và bệnh tật thể xác. Lời mời gọi sám hối là phương cách chữa lành.

Con người gồm có xác và hồn. Xác hồn kết hợp và hòa lẫn trong nhau. Chúng ta hãy tìm cội nguồn của bệnh tật cả hồn lẫn xác để chữa lành. Trước hết là thân bệnh có trăm ngàn thứ. Chúng ta không biết có bao nhiêu phương thuốc để chữa lành. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy người trẻ kẻ già, người giầu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, ai ai cũng có thể mắc bệnh. Có các loại bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh mãn tĩnh hay cấp tính, nan y hay sơ cấp, bệnh ngoại tạng hay nội tạng và thân bệnh hay tâm bệnh. Đã có bệnh thì phải chữa. Chúng ta có thể uống thuốc, tập tành, kiêng cữ và chay tịnh. Trong các tiệm bán thuốc có muôn vàn thứ thuốc chữa muôn ngàn loại bệnh. Chúng ta có thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây và thuốc gia truyền đủ loại. Bệnh nào thuốc đó. Biết rằng không có thuốc nào trị bá bệnh. Thuốc nào chữa lành bệnh, đó là thuốc tốt. Đây là những môn thuốc chữa về thân bệnh.

Xét mình, ai trong chúng ta cũng bị con bệnh quấy rầy. Chỉ khi mắc bệnh, chúng ta mới nhận ra sự yếu đuối, khổ đau và lệ thuộc của thân phận con người. Thân bệnh thì dễ chữa hơn là tâm bệnh. Tuy nhiên có những bệnh chết người như ung thư, tai biến và đột qụy. Thân bệnh có thể đưa đến cái chết tự nhiên vì hết sinh lực. Tâm bệnh thì nguy hiểm hơn nhiều. Tâm bệnh cũng có thể xuất hiện nơi mọi tâm hồn. Không phải những người nghèo đói, tàn tật và già cả mới có tâm bệnh. Chúng ta được biết có nhiều người quyền cao chức trọng và giầu sang phú quí cũng ngã đủ thứ bệnh. Những cặp trai trẻ khỏe mạnh đầy sức sống cũng tự quyên sinh vì tâm bệnh. Bệnh về tâm linh là những đột phá thất vọng, rồi tuyệt vọng, đưa đến khổ tâm. Tâm bệnh rất cần các phương thuốc hữu hiệu là sự thức tỉnh tìm giải thoát.

Bệnh tâm linh là các thứ tật bệnh nội tâm, thói hư tật xấu, tội lỗi, mê lầm cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm sai trái. Làm sao chúng ta có thể biết được các tật bệnh trong tâm hồn? Bệnh nào cũng nguy hiểm xói mòn cuộc sống. Chúng ta cần tìm thầy chạy chữa cho kịp thời. Có nhiều toa thuốc giúp chữa lành tâm linh. Chữa cho dứt các mầm bệnh trong ngoài. Đôi khi chúng ta bị đánh lừa vì những xuất hiện da non bên ngoài, nhưng bên trong còn âm ỷ mưng mủ đau nhức.

Bệnh tật cũng là phương pháp để giúp tu tập. Một người suốt đời khỏe mạnh không đau bệnh thì tâm tư dễ ngang tàng kiêu ngạo. Khi mắc bệnh, chúng ta mới thấy đời sống mỏng manh, thời gian ngắn ngủi và mọi sự đều thay đổi mau qua chóng hết. Người bệnh cần thức tỉnh nhận biết ý nghĩa cuộc đời để sống vui. Nhờ có bệnh, chúng ta mới biết dừng lại. Chúng ta biết rằng nếu sống không hạnh phúc thì chết không được an vui. Cuộc sống lê thê thì cái chết sẽ đau khổ. 

Lời mời gọi thung lũng lấp cho đầy. Nơi cao phải bạt xuống. Quanh co uốn cho ngay. Đây là những đòi hỏi cấp bách trong qúa trình sám hối. Sám hối được khởi đi từ tâm. Vượt qua mọi thách đố để giữ tâm an lạc. Để tiến bước trên con đường nhân đức, chúng ta nên bớt bỏ nhưng vấn vương cuộc đời. Đừng quá chấp nhất, đừng gieo hận thù, đừng gây chia rẽ, đừng gian dối hại người và đừng nuôi lòng oán giận. Khi đó tâm hồn chúng ta sẽ tìm được niềm an vui trên con đường thẳng tắp ngút ngàn. Chúng ta không thể lừa dối lương tâm sống đạo bằng những hình thức phô trương bên ngoài làm cho đầy đủ lệ bộ. Đời sống tâm linh của chúng ta cần đâm rễ sâu. Các nhân đức cần có nền móng vững chắc. Đời sống đức tin mới có thể tăng triển vững mạnh.

Lạy Chúa, tâm hồn con tội lỗi. Thân xác con bệnh hoạn. Ý chí của con yếu đuối. Trí khôn con chậm chạp. Đức tin con yếu kém. Lỗi tại con. Xin Chúa soi lòng mở trí để chúng con biết cách dọn đường Chúa cho ngay thẳng. Xin giúp chúng con dọn tâm hồn thanh sạch để hân hoan mừng đón Con Chúa đến viếng thăm.

Lm Giuse Trần Việt Hùng

 

Subcategories