- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10, 46-52) trình thuật phép lạ Đức Giê-su chữa lành một người mù ở Giê-ri-khô. Anh tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Có một điều rất đáng lưu ý là khi anh kêu to lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” thì liền bị đám người Pha-ri-sêu quát nạt, bảo anh ta im đi. Đám người Pha-ri-sêu này là ai mà hống hách vậy?
Họ chính là nhóm người cùng với nhóm Xa-đốc bị thánh Gio-an Tẩy giả gọi là “rắn độc” (“Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” – Mt 3, 7). Họ sợ Đức Giê-su có thêm cơ hội làm phép lạ khiến Người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên dân chúng nhiều hơn. Họ muốn độc quyền chiếm lĩnh cảm tình của cộng đồng. Hành động đó nào có khác chi nòi rắn độc!
Đáng lẽ đám người Pha-ri-sêu này (cùng với nhóm Xa-đốc) phải hiểu được rằng họ “… là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5, 1-3). Nhưng họ đã không làm thế – không muốn Đức Giê-su có ảnh hưởng trong xã hội vì lời giảng dạy và những phép lạ của Người – mà còn muốn truyền nọc độc từ nơi họ sang người khác. Gọi họ là rắn độc là quá đúng. Trước những con rắn độc ấy, đáng lẽ anh mù phải sợ, vì họ có quyền thế về tôn giáo. Họ có thể – nói theo kiểu hiện đại – “dứt phép thông công” anh ngay lập tức, khiến anh bị cô lập giữa những người đồng đạo và đời anh đã khốn khổ sẽ càng thêm khốn khổ. Nhưng anh đã không sợ hãi và càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Sự can đảm ấy của anh đã được Đức Giê-su chúc lành: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Và thế là “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.”
Chợt nhớ tới một lần khác, Đức Giê-su chữa lành cho một người mù bẩm sinh (Ga 9, 1-41). Cũng lại là đám người Pha-ri-sêu tra vấn, vặn hỏi bệnh nhân (kể cả cha mẹ anh ta nữa) đủ điều, và cuối cùng trục xuất anh ra khỏi hội đường (“dứt phép thông công” đấy!). Nghe tin ấy, Đức Giê-su gặp lại anh mù, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh hỏi lại:
“Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói:
“Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9, 35-38). Căn cứ trên sự kiện hiển nhiên đó, Đức Ki-tô khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9, 39). Lời nói này “chạm nọc” đám người Pha-ri-sêu, khiến họ “có tật thì giật mình”, liền ngớ người ra và hỏi lại: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” khiến “Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9, 40-41).
Rõ ràng Đức Ki-tô muốn cho đám người Pha-ri-sêu biết rằng nếu phạm tội vì không biết đó là tội – phạm tội do vô tình (vì bị mù, không xem thấy) – thì không cấu thành tội; còn nếu đã biết đó là tội – đã dám tư xưng là “Chúng tôi thấy” – mà còn cố ý phạm, thì mới thực sự là có tội. Như thế thì cũng chẳng khác nào nói: Anh mù vì tin mà được sáng mắt, nhưng nhóm người Pha-ri-sêu mắt vẫn sáng, nhưng không tin, nên cũng chẳng khác kẻ đui mù. “Thấy mà không thấy – không thấy mà thấy”, đó là một nghịch lý trong cuộc sống, nhưng lại là “chuyện thường ngày ở huỵện”. Trường hợp thánh Phao-lô với biến cố Đa-mát là một minh hoạ sống động: Khi còn sáng mắt (thể lý) nhưng vì nhiễm phải giáo lý sai lầm của Pha-ri-sêu nên Sao-lô cũng chẳng khác chi người mù (mù nội tâm). Đến khi bị ánh sáng chói loà làm mù mắt (mù thể lý) ở Đa-mát thì lại là lúc được sáng mắt sáng lòng (tâm linh). Cuối cùng, cả mù thể lý lẫn mù nội tâm đều được chữa lành và trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất Phao-lô.
Thật là thú vị! Những người “sáng mắt” thuộc Kinh Thánh làu làu, từng đứng trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy, lúc nào cũng huênh hoang “chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê”, thì lại không biết gì về Con Người đã được ông Mô-sê (nhờ được Thiên Chúa mạc khải) tiên báo (“Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” – Ga 9, 28-29). Trong khi đó, một anh mù từ lúc mới sinh (chắc chắn không được học hành và giả thử có được học thì cũng chẳng tới đâu) lại biết về Thiên Chúa còn hơn cả đám người sáng mắt (“Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” – Ga 9, 30-33). Chẳng cần lý luận đanh thép, lý thuyết sâu xa, mà chỉ căn cứ vào thực tế (anh được chữa khỏi bệnh mù), mà anh mù đã khiến đám Pha-ri-sêu lâm vào thế bí, phát khùng (“Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” – Ga 9, 34), và đành giở chiêu quyền lực trục xuất anh khỏi hội đường! Thế đấy! Như vậy thì ai sáng, ai mù thực sự đây?
Chung quy thì cũng chỉ vì vấn đề cốt tuỷ: đức tin. Anh mù được chữa lành bởi anh tin vào Con Người; mà cũng không phải chỉ riêng anh, tất cả những người bệnh hoạn, tật nguyền đến với Đức Ki-tô đều được chữa lành vì “Đức tin của anh em đã chữa lành anh em”. Còn đám người Pha-ri-sêu thì mù vẫn hoàn mù, bởi họ không tin vào Con Nguời, mà chỉ tin vào những giáo lý sai lầm như thánh Phao-lô trước biến cố Đa-mát vậy. Nói đi nói lại không gì bằng mượn chính ngay lời người mắc bệnh “ mù nội tâm“ và được chữa lành, để minh hoạ: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng.
Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5, 8-14).
Ôi! Lạy Chúa! Cảnh người mù kêu cầu Chúa chữa lành, bị bọn người Pha-ri-sêu quát nạt, tra vấn vặn hỏi đủ điều, vẫn hằng xảy ra trong thế giới hôm nay. Là những người theo Chúa, nhưng chúng con vẫn còn mê ngủ, vẫn luôn “cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối” , mà chẳng thấy được ánh sáng của Lời Chúa. Chúng con chẳng muốn quan tâm tới những người nghèo khổ, bệnh tật, những kẻ bị áp bức bất công, mà chỉ thích bắt chước những người Pha-ri-sêu chú trọng đến những hình thức hào nhoáng bên ngoài (những cái áo loè loẹt, những bộ vó sặc sỡ…), và nhất là bo bo thủ cựu với những quan niệm hủ hoá lỗi thời… Phải chăng chúng con thiếu đức tin và nghèo tình thương? Và cũng chính vì thế mà chúng con mắt vẫn sáng, tai vẫn thính, miệng vẫn nói năng lưu loát, nhưng lại thực sự là những kẻ đui mù câm điếc tâm linh.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa muốn cho mọi người nhận biết Chúa chính là lẽ sống của mình, và Chúa không hề bỏ rơi con cái Chúa. Xin ban cho các anh chị em yếu đau bệnh tật và đang gặp hoạn nạn có thêm nghị lực để phấn đấu. Giữa cơn đau khổ, xin cho họ nghiệm thấy rằng có Chúa luôn luôn ở kề bên nhờ những anh chị em hết tình nâng đỡ và nhờ niềm trông cậy họ đặt nơi Đức Ki-tô. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.” (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho bệnh nhân).
JM. Lam Thy ĐVD
- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Người mù hành khất thành Giê-ri-khô có lòng khao khát thoát mù cách mãnh liệt. Vì thế, khi nghe biết có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh liền van xin lớn tiếng: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi.” Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa khao khát bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng van xin to hơn: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”
Thế rồi, khi được biết Chúa Giê-su cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị, gậy để đến với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mau mắn thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”
Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh được thấy Chúa Giê-su, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu. Hạnh phúc dâng ngập tâm hồn, anh vui mừng khôn xiết. Thiết tưởng trên đời không có hạnh phúc nào lớn hơn.
Hạnh phúc được khai mở con mắt tâm hồn
Sau một thời gian dài sống trong tăm tối, u buồn, lầm than, khốn khổ… thì người mù thành Giê-ri-khô mới có diễm phúc được Chúa Giê-su mở mắt cho thấy những sự vật trên đời.
Còn chúng ta, chúng ta được may mắn triệu lần hơn, vì ngay từ lúc ấu thơ, sau khi chào đời chẳng bao lâu, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ anh chị em họ hàng, thấy được bầu trời huy hoàng rực rỡ, thấy được muôn kỳ quan rất tuyệt vời trong vũ trụ…
Bên cạnh hồng phúc nầy, chúng ta còn được hạnh phúc lớn hơn, đó là được Chúa khai mở con mắt tâm hồn để nhận biết có một người Cha đầy quyền năng và rất nhân từ hằng yêu thương ta là Thiên Chúa Cha; nhận biết Chúa Giê-su là Đấng yêu thương ta đến nỗi gánh lấy tội lỗi và nộp mình chịu chết thay cho ta, nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi án phạt đời đời và được lên thiên đàng vinh hiển; nhận biết Chúa Thánh Thần là Thầy dạy tuyệt vời ban tặng cho chúng ta những điều khôn ngoan Ngài mang từ trời xuống; nhận biết mình có quê thật là thiên đàng Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa…
Được Chúa Cha mở mắt cho thấy những sự thật tuyệt vời nầy là một hồng ân vô cùng lớn lao, không gì sánh được.
Chúa Giê-su cho rằng đây là hồng phúc rất cao quý mà ngay cả những vị ngôn sứ vĩ đại thời xưa như I-sai-a, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a… hay các vị vua danh tiếng như Đa-vít, Sa-lô-mon… cũng không nhận được. Ngài nói: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều vị ngôn sứ và vua chúa đã muốn thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe” (Lc 10, 24).
Hồng ân nầy lớn lao đến nỗi Chúa Giê-su tỏ ra hân hoan vui sướng và cất lời tạ ơn Chúa Cha đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều nầy, nhưng đã tỏ cho những người bé mọn” (Lc 10, 21).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con đôi mắt phần xác để nhìn ngắm những điều kỳ diệu trên đời và nhất là Chúa đã rộng thương mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết những sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa, về cuộc sống đời sau.
Xin cho chúng con sống xứng đáng với hồng ân Chúa ban và cố gắng dẫn đưa nhiều người đến với Chúa để họ cũng được Chúa ban cho diễm phúc nầy. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin mừng Mác-cô 10, 46-52
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây! ” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! “50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.