3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Chân lý

Lễ Chúa Kitô Vua
(Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37)

Tiên tri Đaniel đã ngắm nhìn thị kiến về vương quốc vĩnh cửu. Vị Bô Lão ban cho Con Người quyền năng, vinh dự và vương quốc. Mọi dân tộc sẽ qui tụ về để phụng sự Ngài. Đây là thị kiến về ngày cánh chung. Không ai biết được ngày giờ kết cùng của thế giới. Khi chúng ta có mặt ở đời, mọi sự đã có đó và luôn chuyển động. Con người được thông dự sự sống với muôn loài và muôn vật. Con người là loài cao quí được Thiên Chúa ban cho có hồn có xác. Xác hồn kết hợp để hoàn thành sứ mệnh được trao ban.Chúng ta hiện hữu trên trần gian một khoảnh khắc thời gian rồi lại trở về cát bụi. Tuy cuộc đời của chúng ta ngắn ngủi phù du, thân xác sẽ tan biến nhưng linh hồn sẽ hiện hữu đến muôn đời. Mọi sinh hoạt trong cuộc lữ hành trần thế sẽ dẫn bước chúng ta về chung hưởng hạnh phúc bên Đấng quyền năng trong vương quốc của Ngài.

Sách Khải Huyền của Thánh Gioan cũng diễn tả về hình ảnh của ngày cánh chung. Chúa Giêsu Kitô là thủ lãnh của các vua, Vua các vua và là Đấng yêu thương đã hiến mình rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Ngài là trưởng tử những kẻ đã an giấc, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha: Ngài là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Chúng ta đặt niềm tin vào những lời mạc khải của Con Thiên Chúa. Con người chúng ta bị giới hạn mọi mặt và tâm trí không hiểu thấu những sự cao siêu. Ngay trong vũ trụ vật chất hiện hữu chung quanh, con người cũng chỉ mới khám phá một chút ven bìa giới hạn của một số nhỏ hành tinh. Tâm trí và giác quan của con người đắm chìm thưởng ngắm vũ trụ bao la để nhận ra sự cao siêu vô lường của Tạo Hoá. Chúng ta chẳng biết đâu là bến bờ. Thánh Gioan đã diễn tả về sự vô thủy vô chung của vũ trụ qua Đấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và cứu cánh” (Kh 1,8).

Kinh Thánh mạc khải giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của vũ trụ và sự sống. Với những suy tư tìm tòi của con người qua mọi thời đại, nhân loại vẫn còn lần mò trong đêm tối của vô minh. Những suy tư triết học, thần học và khoa học chỉ trả lời một cách rất khiêm tốn về sự hiện hữu của vũ trụ và muôn loài. Có nhiều giả thuyết tìm cách giải thích sự có mặt của vũ trụ theo thuyết Tiến hoá, Ngẫu nhiên hoặc Tự nhiên hình thành. Các khoa học không thể giải đáp một cách thỏa đáng cho những khao khát của tri thức con người muốn tìm hiểu về cội nguồn. Trí khôn của con người không vượt qua được biên giới của sự hiện hữu và chung cục. Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta về nguồn gốc và cứu cánh của vũ trụ và con người. Đây là một chân lý cao siêu mà Chúa Giêsu đã làm chứng.

Đứng trước toà án của Philatô, Chúa Giêsu đã phát biểu một cách công khai: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng cho Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tôi” (Ga 18, 37). Lời của Chúa Giêsu là thần trí và là sự sống. Ngài đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Chân lý là Sự thật. Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sự thật nằm trong tâm thiện. Lời sự thật là không quanh co, giả dối, lừa lọc, dối trá hay gian manh. Đôi khi nói sự thật thì mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc bất công. Chúa Giêsu nói rằng ai thuộc về chân lý thì nghe lời Ngài dạy. Chúng ta đã nhận lãnh Bí tích Rửa Tội để trở nên chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta thuộc về Chúa, như thế chúng ta cũng thuộc về chân lý. Thuộc về chân lý thì phải suy nghĩ sự thật, phát biểu sự thật và hành động trong sự thật.

Chúa Giêsu nhìn sự thật trong tận đáy tâm hồn mỗi người. Con người thì thích phô trương và xuất hiện bên ngoài để kéo chú ý của người khác. Giống như các mặt hàng cần quảng cáo ra thị trường, các tiếp viên đã tô điểm bên ngoài, làm đẹp, chào hàng hấp dẫn để kéo lôi khách hàng. Cũng giống như các chính trị gia đã không ngại dùng mọi thủ đọan để hứa hẹn, tô bóng và khuyến dụ các cử tri dồn phiếu. Giữa sự xuất hiện bên ngoài và sự thật có một khoảng cách xa. Có những người rất khôn khéo trong lời nói và thuyết phục đã kéo lôi được nhiều thành viên. Sự dối trá ẩn nấp trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần sống trung thực qua ý tưởng, lời nói và việc làm: "Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ" (Mt 5,37). Nhớ điều răn thứ 8 là chớ làm chứng dối.

Có một số cụm từ tiếng Anh mà người nói dối hay dùng: "Never", khi bị ai bắt gặp đang nhìn một cái gì không tốt và bị chất vấn, người đó liền chối ngay là không bao giờ; "That man/woman", dùng chữ đó để diễn tả một sự xa cách với người đó; "I would never do something like that" - tôi không bao giờ làm những việc như thế; "Yes, ma’ma", nếu một người nào không có lý do, tự dưng nói mama với bạn, hãy cẩn thận; By the way, người nói dối dùng chữ này để người khác chú ý hơn tới điều họ sẽ nói sau; "I know you think I’m lying, but…" - Tôi biết bạn nghĩ rằng tôi đang nói dối, nhưng…; "Why would I do that?’What kind of person do you think I am?" Tự bào chữa bằng cách hỏi tại sao tôi làm thế? Bạn nghĩ tôi là loại người nào? Người nói dối quanh qua, quẩn lại cũng chỉ là tránh né vấn đề nói sự thật.

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về cách đối xử trong thế thái nhân tình. Người đời nói: Một sự bất tín vạn sự không tin. Trong dụ ngôn những yến bạc rút ra cho chúng ta một bài học về sự tín trung và chân thật: Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh" (Mt 25,23). Sự chân thành là một đức tính tốt cần tu luyện mỗi ngày. Người ta nói rằng khôn ba năm dại một giờ, đôi khi vì sự sa ngã bất trung dại dột trong chốc lát mà mất cả chì lẫn chài. Đặc biệt trong đời sống gia đình, vợ chồng cần trung tín và thành thật với nhau trong mối tương giao. Chúng ta biết rằng mọi việc làm dối trá trong bóng tối rồi cũng sẽ có ngày được phơi bày ra ánh sáng.

Mang danh là Kitô hữu, chúng ta là nhân chứng cho sự thật. Sự thật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa là Thần Chân Lý. Chúa Giêsu đã hứa cùng các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Sự thật thì rất đơn sơ, rõ ràng, trong sáng và có tính thuyết phục. Sự thật không cần đối chất. Ai ở trong Chúa thì yêu mến sự thật. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những phiền muộn và lo lắng. Sống sự thật là sống trong an lạc và hạnh phúc. Chúng ta có thể tìm kiếm chân lý qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô: Ai thuộc về Chân lý thì nghe tôi. Đáp lời hỏi của Philatô: "Vậy ông là vua sao?", Đức Giêsu đáp: “Ông nói đúng: Tôi là Vua” (Ga 18,37). Chúa Giêsu chính là Vua vũ trụ, Vua muôn vua.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến để khai mở tâm trí chúng con, để chúng con biết suy tưởng sự thật, loan truyền sự thật và sống sự thật. Xin cho chúng con tìm đến sự thật tuyệt đối nơi thập giá Chúa Kitô. Từ thánh giá Chúa, chúng con sẽ được múc tận nguồn ơn tha thứ và lòng thương xót.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Vua sự thật

Chúa Giêsu thật là ngược đời. Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn. Ngài phản đối bằng cách trốn đi. Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào. Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi. Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt. Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý. Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết. Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ thành công ban cho”. Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng. Nó không triển nở ở tự nó. Nó không tự mình tròn trịa được. Phải nhờ đến không khí. Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống”. Quyền uy trần gian mau tàn. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững. Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ. Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác. Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian. Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế những ai muốn vào vương quyền của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.

Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.

Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Chúa Giêsu cho biết gì về vương quốc của Chúa?

2- Chúa Giêsu cho biết gì về quyền năng của Chúa?

3- Chúa Giêsu cho biết gì về cuộc chiến giữa tình thương và thù hận?

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

4- Muốn sống trong vương quốc của Chúa, ta phải làm gì?

KHÔNG GIAN CHO CHÚA


T
hứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”.

“Một thuộc tính chỉ một mình Thiên Chúa có, là sự hiện diện của Ngài bao trùm mọi lúc và mọi nơi. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Điều đó không có nghĩa là thiên nhiên - một phần của Chúa - đáng được tôn thờ. Tạo vật tách biệt với Tạo Thành nhưng không phải là không tuỳ thuộc vào Ngài; tuy nhiên, bất cứ một tạo vật nào vẫn cần một ‘không gian cho Chúa!’” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Một ‘không gian cho Chúa!’”. Đó là những gì Tin Mừng nói đến hôm nay. Chúa Giêsu không chấp nhận một đền thờ ngổn ngang, Ngài nhất định thanh tẩy nó, vì “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”.

Vào đền thờ, Chúa Giêsu thấy nó được vận hành bởi kẻ mua người bán; Ngài xua đuổi họ. Đừng nghĩ Chúa Giêsu là kẻ thù của thương mại! Thực tế, nhiều lần Phúc Âm đề cập đến việc mua bán mà không có bất kỳ hàm ý tiêu cực nào. Tuy nhiên, Chúa Giêsu tức giận vì hai lý do chính. Thứ nhất, việc kinh doanh được thực hiện bên trong đền thờ đang khi nó có thể được thực hiện bên ngoài. Thứ hai - quan trọng hơn - có thể các thượng tế trong đền thờ đã thông đồng với các hoạt động kinh doanh béo bở này và do đó, họ sẽ hưởng lợi từ nó. Đức Phanxicô gọi nó là “hối lộ thánh thiện”. Và hẳn như vậy vì Tin Mừng cho biết, “Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Ngài”.

“Họ tìm cách giết Ngài, nhưng không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Ngài”. “Sức mạnh của Chúa Giêsu nằm trong lời và trong tình yêu của Ngài. Và nơi nào có Chúa Giêsu, nơi đó không có chỗ cho tính thế gian; không có chỗ cho sự tham nhũng! Đây là một thách thức đối với mỗi người chúng ta; đây là cuộc đấu tranh mà Giáo Hội phải đối mặt mỗi ngày. Chúng ta phải luôn lắng nghe lời Chúa Giêsu và không bao giờ được tìm kiếm sự an ủi từ một chủ khác - Mammon. Ngài từng nói, “Không ai có thể làm tôi hai chủ!”. Thiên Chúa hoặc tiền bạc; Thiên Chúa hoặc quyền lực!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện!”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi đánh giá đền thờ lòng mình! “Nào anh em chẳng biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Đây là một câu hỏi cấp bách giúp chúng ta nhìn lại tâm hồn, hầu xem liệu trong đó có đủ ‘không gian cho Chúa’ - sự hiện diện và lời của Ngài - không; hay ở đó đang có đủ các ‘loại hình kinh doanh’ - thậm chí có cả “mại thánh” hay “hối lộ thánh thiện?”. Ngoài ra, chúng ta có thể tự hỏi, liệu tâm hồn tôi có bị chiếm dụng bởi những tức giận, phẫn uất, cay đắng và bất khoan dung? Nó có bị lấn chiếm bởi những cảm giác tội lỗi hoặc sai lầm quá khứ, khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào bản thân và những thiếu sót khiến linh hồn phải sống trong lo lắng và sợ hãi - thay vì để cho lòng thương xót và sự bình an của Chúa lấp đầy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con ‘dọn chợ’ lòng con, vì nó thực sự phải là một không gian thánh đầy sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, hạt Lời mới có đất tốt và đủ nắng để lớn lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

LÀM CHO PHONG PHÚ


T
hứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên B

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống!”.

“Đến như một tên cướp mà còn được cứu, thì không ai có thể cho phép mình tuyệt vọng. Và cũng chỉ bởi một người làm được điều đó, thì không ai có thể giả định cứu độ thay Ngài. Đức Kitô Cứu Độ - Đấng biến đổi và làm cho phong phú!” - J. C. Ryle.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của J. C. Ryle được xác nhận qua Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu trả lời cho những người Sađuccêô về việc sống lại. Qua đó, Ngài tiết lộ, tình yêu không chết, nó chỉ biến đổi và ‘làm cho phong phú!’. Bởi lẽ, Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống!”.

Kịch bản lố bịch mà những người không tin sự sống lại đưa ra nhằm gài bẫy Chúa Giêsu là một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em có chung một người vợ. Họ thách thức Ngài, “Đến ngày sống lại, nàng sẽ là vợ ai?”. Đặt vấn đề như thế, họ dè bỉu những người đặt niềm tin vào thế giới bên kia và điều đó trông nực cười! Với sự điềm tĩnh, Chúa Giêsu đáp, “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, con cái đời sau thì không!”; nói cách khác, hôn nhân chỉ thuộc thời đại này, nó không thuộc thời đại phục sinh.

Với Chúa Giêsu, sau cuộc sống đời này là một cuộc sống khác, chất lượng hơn, thiêng liêng hơn. Đó là một cuộc sống nói lên sự ‘liên tục của một tình yêu’ nơi một ‘Thiên Chúa liên tục đời đời’. Tình yêu - dù của Thiên Chúa hay của loài người - không chết, nó chỉ biến đổi và ‘làm cho phong phú!’. Ngài xác định, sau cuộc sống đời này, chúng ta sống một cuộc sống bất tử; vì lẽ, “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”. Ngài là bạn của các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp khi họ còn sống; và tình bạn này không thể chấm dứt bởi cái chết. Họ gọi Thiên Chúa là núi đá ngàn năm bền vững, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Cũng vậy, Chúa Kitô hiện diện trong sự liên tục của một Giêsu tử nạn và phục sinh, “Đức Kitô, hôm qua cũng như hôm nay, chỉ là một”. Sau khi sống lại, Ngài hiện diện theo một cách khác. Trong Ngài, chúng ta được lôi kéo đến gần Chúa; và vì thế, đến gần nhau. Vì vậy, sau khi chết, chúng ta vẫn ở trong mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa với người khác; bằng cách đó, chúng ta có thể yên tâm rằng, những mối quan hệ quan trọng nhất - ‘với Chúa, với người’ - sẽ không bị cái chết phá hủy nhưng được biến đổi và ‘làm cho phong phú!’. Ý nghĩa thay mầu nhiệm Các Thánh Thông Công!

Anh Chị em,

“Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”, “Chúng ta đang trên một hành trình, trên một cuộc hành hương hướng đến sự viên mãn của cuộc sống - phúc kiến - và đó là điều soi sáng cho hành trình của chúng ta! Do đó, cái chết đứng sau chúng ta, chứ không phải trước chúng ta. Trước chúng ta là Thiên Chúa của sự sống. Trước chúng ta là sự đánh bại cuối cùng của tội lỗi và sự chết, sự khởi đầu của một thời đại mới của niềm vui và ánh sáng vô tận. Nhưng ngay trên trái đất này, trong lời cầu nguyện, trong các Bí tích, trong tình huynh đệ, chúng ta đã gặp Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài; và do đó, chúng ta có thể đã nếm được một chút gì đó của cuộc sống phục sinh!” - Phanxicô. Bạn đang hướng về đất hay hướng về trời?  

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống như không có đời sau - vô thần; và con ‘duy vật’ lúc nào không hay!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Quê Trời

(Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mt 13,24-32)

Có 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra có một số nhỏ các quốc gia độc lập như nước Vatican, Taiwan và Kosovo không là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nói đúng hơn là có tất cả 196 nước trên thế giới. Có những nước lớn, đất rộng người đông như Trung Hoa có trên 1 tỷ 341 triệu người, Ấn Độ có trên 1 tỷ 210 triệu và Hoa Kỳ có trên 314 triệu người. Tổng số dân trên thế giới khoảng trên 7 tỷ. Có những quốc gia nhỏ xíu như Vatican rộng (0,2 square miles) với 770 người và nước Monaco (0,7 square miles) với 32.000 dân. Số dân tăng dần mỗi năm. Số người qua đời ít hơn số trẻ sơ sinh. Dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia hướng đến cùng đích. Bước vào thế kỷ thứ 21, nhờ khoa học kỹ thuật siêu vượt, con người đã mở rộng tầm kiến thức và tạo mối liên hệ tới mọi quốc gia. Sự truyền thông đa chiều đã nối kết con người xích lại gần nhau hơn.

Sống trên trần gian là cuộc lữ hành đi về quê thật. Có biết bao con đường mở ra giúp dẫn đưa con người đi đến cùng đích. Con người mọi thời đã suy tư giác ngộ ra nhiều thứ đạo, nhiều tôn giáo và nhiều cách thế để đạt mục đích. Có 20 tôn giáo chính thức, đang là chỗ cậy dựa tinh thần cho nhiều người: Kitô giáo đông nhất có trên 2 tỷ tín đồ, Hồi giáo khoảng trên 1 tỷ 570 triệu, Hinduism (Ấn Độ giáo) có khoảng 950 triệu, Buddhism (Phật giáo) có số thống kê không chính xác (350-1.600 triệu tín đồ)… Ngoài ra còn rất nhiều các nhóm tôn giáo khác nhau. Tất cả các tôn giáo cùng đi tìm ý nghĩa và cùng đích cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Đa số các tôn giáo đều tin có cuộc sống hạnh phúc mai hậu nơi thiên đàng, niết bàn, cõi tây phương cực lạc, quê trời, cõi trời và nơi trường sinh bất tử.

Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta về Nước Trời. Nước Trời khởi đi từ trần thế và kết thúc trên quê trời. Nước Trời tại thế được ví như một thửa ruộng được gieo cả lúa và kẻ thù lén gieo cỏ lùng. Cả lúa và cỏ lùng chen nhau mọc lên. Dụ ngôn nói rằng: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30). Đây là một hình ảnh rất thực tế và sống động trong xã hội con người. Một tập thể con người trong bất cứ một nhóm hội, giáo hội và xã hội có những thành phần tốt xen lẫn những thành viên xấu. Cả tốt cả xấu sát cánh đồng hành với nhau. Cỏ và lúa không thể chuyển đổi hay biến đổi nhưng tâm con người có thể thay đổi từ xấu đến tốt và có khi từ tốt trở nên xấu.

Ông chủ ruộng không muốn nhân công nhổ cỏ lùng, sợ sẽ ảnh hưởng tới lúa. Lòng thương cảm của ông chủ: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13,29). Hình ảnh biểu trưng của cỏ lùng và lúa rất dễ hiểu. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm đối diện với những người tốt, kẻ xấu. Mỗi người đều có cơ hội thay đổi để nên tốt lành hơn. Sự kiên nhẫn của ông chủ ruộng là một ân huệ của thời gian để con người kịp thời thay đổi cách sống. Sự thật ở đời, chúng ta khó tìm được một người hoàn toàn tốt hay một người toàn xấu. Trong tâm con người, có phần tốt và chút thói xấu lẫn lộn. Nghèo cùng tâm trí và không biết gieo duyên lành sẽ dễ bị cuốn lôi theo dòng chảy. Đôi khi vì quá chủ quan, chúng ta không nhận ra những thói hư tật xấu của mình. Mỗi người cần xét mình và biết mình để tìm cách sửa sai và thăng tiến mỗi ngày.

Trong thế giới ngày nay, xuất hiện rất nhiều tôn giáo dẫn đường cuộc sống. Mỗi tôn giáo với những linh đạo riêng có thể giúp các tín đồ của mình tu thân và tu tâm để thoát vòng loạn ly. Đời sống con người hiện đại đang dần bị tục hoá. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và tương đối đang bủa vây và kéo chìm con người trở về với bản năng hưởng thụ. Qua truyền thông nối mạng, hình như các tệ nạn và gương xấu đang tràn lan một cách mạnh mẽ như sóng triều. Sức mạnh của sự thoả mãn vật chất mạnh hơn các lý tưởng tinh tuyền của tôn giáo. Nhiều người tìm kiếm thoả mãn những đòi hỏi vật chất và vui hưởng cuộc sống trong hiện tại, thay vì hướng đến cuộc sống hạnh phúc tương lai. Chúng ta cần thức tỉnh cả trong ý tưởng, tâm linh và thân xác để nhận diện ý nghĩa thật của cuộc sống.

Cỏ lùng chen lấn phát triển rất nhanh. Có nhiều tâm hồn giống như cỏ dại mải mê hưởng thụ cuộc sống, chỉ biết lo tìm thoả mãn những nhu cầu vật chất hiện tại. Nhiều bạn trẻ thả trôi cuộc đời lênh đênh không có lý tưởng, đích điểm. Thật đáng thương cho kiếp phận con người. Hằng ngày tôi gặp gỡ nhiều người trẻ tự thắt nút cuộc đời qua những biến cố xảy ra. Đang trong tuổi đẹp trăng tròn, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu tìm hưởng thụ tính dục, rồi sớm có con, không hôn nhân, không gia đình, thay bạn đổi bồ như thay áo. Qua năm tháng, những nút thắt cuộc đời đan kết chất chồng lên nhau như mối tơ vò. Nhìn một người mẹ trẻ có 3 đứa con với 2 hoặc 3 bạn tình. Tương lai tại thế của các bạn trẻ này thật mờ mịt khó đường giải quyết. Xảy một ly đi một dặm, làm lại cuộc đời thế nào bây giờ! Làm sao chúng ta có thể nói với họ về tương lai của ngày sau? Các bạn trẻ tự giới hạn viễn tượng sống để giải quyết vấn đề hiện tại với nhiều điều nan giải. Cứ thế cuộc đời bị luẩn quẩn trong mạng lưới ràng buộc, cả nể cho nên sự dở dang.

Chúa Giêsu mở cửa Nước Trời mời gọi mọi người bước vào. Nước Trời được ví như hạt cải bé nhỏ được gieo trong ruộng. Một việc tốt dù nhỏ cũng có thể sinh ra hoa trái tốt lành. Chúng ta phải gieo nhân tốt mới có thể sinh quả tốt được. Giữa ngã ba cuộc đời, chúng ta phải biết chọn lựa và từ bỏ. Chọn lựa con đường dẫn đến hạnh phúc và an lạc. Từ bỏ đi những bận vướng của cuộc sống. Cuộc đời có nhiều vương vấn nên cần có thái độ dứt khoát. Ai cũng có thể làm lại cuộc đời. Không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Chấp nhận thực tại, chúng ta tháo cởi từng những nút thắt để cuộc sống tâm linh được thanh thản và an vui. Những việc làm tốt nho nhỏ hằng ngày sẽ lớn dần và đơm bông kết trái.

Chúa Giêsu biết thân phận yếu đuối mỏng giòn và tội lỗi của con người, nên Ngài đã dâng hiến lễ đền tội để giao hoà. Thư gửi tín hữu Dothái viết: “Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10,14). Dù con người có sa phạm, lầm lạc và tội lỗi, Chúa vẫn có cách dẫn đưa họ trở về như mẫu gương của Thánh Augustinô. Nếu chúng ta chỉ hối tiếc về sự sa ngã lầm lạc thì chưa đủ. Muốn làm lại cuộc đời, chúng ta cần thành tâm nhận lỗi, rồi hối lỗi, thật lòng sửa lỗi, chuộc lỗi, xin tha lỗi và tu luyện tâm tính. Đây là một sự thách đố quyết tâm đổi đời. Hãy chạy đến với lòng Chúa thương xót xin ơn tha thứ. Chúa sẽ tẩy sạch tâm hồn, đổi mới trái tim yêu thương và thánh hoá ta nên con người mới trong ân sủng.

Niềm tin vào Thiên Chúa là niềm hy vọng viên mãn. Tiên tri Đanien đã có thị kiến về ngày thế mạt: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2). Chúng ta không thể coi thường những chỉ thị, huấn lệnh và lời giảng dạy trong Giáo Hội. Niềm tin tôn giáo là cửa ngõ dẫn chúng ta vào Nước Trời. Chúng ta cần phải đi, phải bước tới và thực hành những điều Chúa truyền dạy. Nước Trời mở cửa đón nhận tất cả mọi người, nhưng chỉ những kẻ kiên trì phấn đấu đến cùng mới đáng hưởng phần phúc thiên đàng.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày để ngày sau được chung hưởng hạnh phúc đời đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Subcategories