3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

PHỤC SINH Ư? CÓ THẬT?

Nhiều người không tin vào ơn phục sinh đã phủ nhận sự phục sinh. Đối với họ, chẳng có Chúa nào sống lại, chẳng có chuyện hiện hình sau khi chết. Các tông đồ và đoàn môn đệ của Chúa Giêsu khéo tưởng tượng. Có lẽ vì họ quá yêu thương Thầy, quá tiếc nhớ Thầy, tâm trí họ lẩn thẩn, nhìn đâu cũng thấy bóng Thầy.

Để phủ nhận việc thế giới Kitô giáo tin vào ơn phục sinh, nhất là tin vào Đấng sáng lập tôn giáo của mình đã phục sinh, người ta còn đi xa hơn khi cho rằng các tông đồ ảo giác về Chúa phục sinh.

Nhưng các sách Tin Mừng, cơ sở của niềm tin Kitô giáo đều xác quyết Chúa đã phục sinh. Các sách đều nói đến ngôi mộ trống.

Chúa Phục Sinh mà họ nhận thấy không là con người bất động, nhưng sống động; không câm nín, nhưng ngỏ lời: lời trao ban Chúa Thánh Thần, lời ban bình an, lời sai họ đi truyền giáo, lời sai đi công bố ơn tha tội...

Tất cả họ đều nhìn nhận Chúa Phục Sinh là người thật, có thân xác thật, dấu đinh nơi tay chân, dấu lưỡi đòng nơi cạnh nương long vẫn còn rõ mồn một…

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và môn đệ của Ngài trên biển hồ Tibêria lúc trời rạng sáng càng là một minh chứng hùng hồn về niềm tin Phục Sinh. Ảo giác hay tưởng tượng thì không thể có tất cả những ưu điểm như mô tả:

- Suốt cả đêm đánh bắt cá, họ không thu lượm được kết quả nào. Nhưng khi trời sáng, “người khách lạ” đến với họ, ra lệnh cho họ rằng: “Hãy thả lưới bên phải thuyền, anh em sẽ bắt được cá”. Không phải người thật, làm sao có thể chỉ ra được bầy cá. Hơn nữa, sao không ảo giác lúc tối trời, mà là “khi trời sáng”. Trời đã sáng thì chắc khó ảo giác hơn lúc trời tối.

- Nếu là ảo giác, không lẽ cùng lúc, cả toán người trên thuyền đều ảo giác? Hơn nữa, cả thuyền đều nghe lời “người khách lạ” cùng đồng ý thả lưới bên phải thuyền. Ngay sau đó lại là một sự thật hiển nhiên, một mẻ cá không thể kéo nổi hiện ra trước mắt họ. Kết quả của ảo giác lại là mẻ cá thật sao?

“Người khách lạ” đã nhóm bếp, đã nướng cá, “có cả bánh nữa”, đã dọn bữa điểm tâm cho tất cả những người trên thuyền đi đánh cá đêm trở về như một bà nội trợ. Đến thế mà còn là ảo giác mới là điều khó hiểu, mới là chuyện lạ.

“Người khách lạ” còn cầm bánh và cá trao cho các ông. Không lẽ chỉ là ảo giác lại có thể trao bánh thật? Các ông cầm và ăn bánh thật?

- Rồi thầy trò cùng ngồi bên nhau, cùng ăn, cùng chia sẻ, không chỉ là những con cá nóng mới nướng, nhưng là chia sẻ niềm vui vô cùng sau những ngày thương đau của thập giá, của chết chóc, của máu, của nước mắt.

- Chưa hết, sau bữa ăn, “người khách lạ” còn gọi tông đồ Phêrô để chất vấn và trao nhiệm vụ. Ngài hỏi đi hỏi lại đến ba lần “Con có yêu mến Thầy không?”, buộc thánh Phêrô phải ba lần đáp “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau mỗi lần đáp của thánh nhân, Ngài đều trao nhiệm vụ cho chính thánh nhân: “Con hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy”.

Quả thật, câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã làm sáng tỏ tính cách thật về việc Chúa Giêsu sống lại. Đây không hề là ảo giác, là tưởng tượng. Nhưng đây chính là Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật đã làm người thật. Sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa vẫn mang trên thân thể hiển vinh của mình y nguyên hiện trạng dấu của thập giá mà chính Chúa vừa trải qua.

Niềm tin Chúa Giêsu phục sinh không chỉ có bấy nhiêu bằng chứng. Cuộc đời còn lại của tông đồ đoàn, của các môn đệ càng là bằng chứng quý giá hơn. Tất cả những thị nhân ấy không ngần ngại dấn thân đến cùng để minh chứng cho đức tin phục sinh mới là điểm đáng ghi nhận.

Tất cả các ngài bất chấp mọi gian khổ, mọi thử thách, mọi bấp bênh, bất chấp cả mạng sống của chính mình để lang thang khắp mọi miền thế giới hân hoan loan báo cho thế giới biết Chúa của các ngài đã sống lại và sống đến vô cùng.

Bài đọc I (Cv 5, 27b-32.40b-41) là một minh chứng. Từ những con người mới mấy ngày trước đầy yếu đuối, bạt nhược, thô thiển, nay lại mạnh mẽ, ung dung, đường hoàng, dõng dạc trước công nghị Dothái không hề pha lẫn chút sợ sệt nào.

Chính vì chân lý Phục Sinh mà các ngài đã “lột xác”, đã thay đổi đời mình, thay đổi não trạng của mình.

Cái công nghị ấy đã từng giết Chúa Giêsu, cũng chính cái công nghị ấy đã nhiều lần bắt bớ các tông đồ, ngăn cản các ngài không được rao giảng danh Giêsu, nhất là không được giảng về sự sống lại của Giêsu.

Và nay, sau nhiều lần đổ hết sức ngăn cản, cái công nghị ấy đã hạ lệnh đánh đòn các tông đồ.

Nhưng càng bắt bớ, càng cấm cách, các tông đồ càng hăng say rao giảng và “lòng đầy hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu”. Trước sau gì các ngài vẫn mạnh mẽ khẳng định rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.

Chính vì vâng lời Thiên Chúa làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, tất cả các ngài không chỉ cống hiến thời gian, sức lực, sự nghiệp, sự ổn định… mà còn chấp nhận hy sinh đến cùng mạng sống mà các ngài có được. Tất cả các ngài đã chịu tử đạo vì Thánh Danh Chúa Giêsu.

Đó không là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin Phục Sinh sao?

Không ai dại gì chết cho điều không có thật. Chân lý Phục Sinh là chân lý đời đời, không bao giờ thay đổi. Các tông đồ, rồi đến Hội Thánh qua mọi thế hệ vẫn tự hào ôm ấp niềm tin Phục Sinh để rồi sẵn sàng trao ban niềm tin ấy cho mọi con người, không trừ ai.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

ĐẤNG PHỤC SINH ĐẦY SỰ QUAN TÂM CHU ĐÁO 

Hôm nay chúng ta được Tin Mừng kể về Chúa Giêsu phục sinh hiện ra lần thứ ba với các môn đệ, trên bờ Biển Hồ Tibêria, với mẻ cá kỳ diệu (Ga 21:1-19). Sau những ngày khổ nạn và cái chết khủng khiếp của Chúa Giêsu, các tông đồ trở lại công việc thường ngày của họ: đi đánh cá. Chắc chắn họ thấy những chuyện đã xảy ra thật là khó hiểu. Có lẽ họ vẫn còn hoang mang, và sống trong một nỗi buồn như một đêm tối bao phủ. Thêm nữa, việc đánh cá tối nay chẳng mang lại kết quả gì. Mọi thứ dường như đã kết thúc, nhưng ngay lúc đó Chúa Giêsu lại đến tìm kiếm các môn đệ của Ngài. Chính Ngài là người đi tìm gặp họ.

  1. Thiên Chúa đến với chúng ta

Tin Mừng hôm nay bắt đầu vào ban đêm. Đây là thời điểm thích hợp để bắt cá. Đối với Thánh Gioan, ban đêm không chỉ hiểu theo nghĩa đen, mà còn ám chỉ đêm tối bên trong tâm hồn, sự vắng mặt của Thiên Chúa, sự cô đơn và khốn cùng, sự cám dỗ: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13: 30). Cõi lòng các tông đồ bị sự tối tăm bao phủ, đó là trạng thái tâm hồn của các ông: “Nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21: 3). Họ vẫn còn sợ hãi, mặc dù họ đã rời khỏi căn phòng có “các cửa đều đóng kín” nơi họ đã thấy Chúa Kitô Phục sinh “đến đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em!” (Ga 20: 19. 26). Họ trở về Galilê, nơi họ gặp Chúa Kitô lần đầu tiên, nơi họ đã từ bỏ mọi thứ để theo Ngài. Việc không bắt được gì trong chuyến đánh cá này càng khiến họ cảm thấy mình bất lực, không thể có được những gì họ mong muốn. Hẳn họ vẫn còn nhớ mẻ cá lạ lùng mà họ có được trong những ngày đầu họ đi theo Rabbi Giêsu, và có lẽ họ đang âm thầm mong sự xuất hiện của Đấng có thể đem lại cho họ thứ mà họ không thể đem lại cho chính mình. Đêm tối đang dần chuyển sang bình minh, và “Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển” (Ga 21: 4).

Sáng nay, chính Chúa Kitô đã xua tan bóng tối của chúng ta: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5). Chúa Giêsu có mặt “nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu” (Ga 21: 4) đúng như thánh sử Gioan đã khẳng định ngay từ đầu sách Tin Mừng của Ngài: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài” (Ga 1: 9-10). Ngài cất tiếng gọi họ: “Này các chú” (Ga 21: 5). Xin cho chúng ta có thể nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh và nghe được tiếng Ngài gọi trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. 

  1. Nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh.

Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: Chúa đó!” (Ga 21: 7). Trước đây, thánh Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20: 8). Nay qua mẻ cá kỳ diệu này, hoặc qua giọng nói mà ông rất quen biết, hoặc qua ký ức về mẻ cá đầu tiên, nhưng trước hết chính qua mối tương quan “thương mến” (Ga 20: 2) rất riêng của ông với Thầy Giêsu mà Gioan có đủ sự nhạy bén để mau chóng nhận ra “Chúa đó” (Ga 21: 7). Còn thánh Phêrô, vốn có lòng nhiệt thành hơn, nên ông “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển đã đến với Chúa” (Ga 21: 7). Vấn đề là các ông đã nhận ra “Chúa và Thiên Chúa của họ” (Ga 20:28). Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã tỏ mình ra cho họ. Như thế không chỉ có một, nhưng nhiều phép lạ xảy ra, từ không có con cá nào trở thành có đủ các loại “cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con” (Ga 21: 11), từ không biết đến nhận ra được Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc mưu sinh của đời mình: “các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21:12), từ “không bắt được gì cả” đến “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21: 9). Chính Chúa Phục Sinh phục vụ các ông: “Chúa Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy” (Ga 21: 13).

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chúng ta không dễ nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh trong đời sống hàng ngày biết chừng nào. Chúng ta hiểu rất ít về Đấng Phục Sinh. Ngài vượt quá xa chúng ta dù Ngài vẫn rất gần gũi và chân tình với chúng ta. Không phải bởi lý luận nhưng trên hết chính bởi tình yêu thương mà chúng ta nhận ra và biết Ngài, như Thánh Gioan, “người môn đệ được chúa Giêsu thương mến” (Ga 21: 7).

Chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của Chúa Giêsu để nhận ra Ngài luôn sống trong cuộc đời của chúng ta, và có được kinh nghiệm về Đấng đã khẳng định: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11: 25). Ngài sống và có mặt luôn mãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và mời gọi chúng ta đến với một cuộc sống mới, là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chú ý lắng nghe tiếng Chúa, đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Ngài; “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1: 37). Chúng ta cùng nhau cất tiếng ca tụng: “Chúa nay thực đã phục sinh, Allêluia.” 

  1. Vâng theo Đấng Phục Sinh đem lại kết quả dồi dào

Bất ngờ, một người “đứng trên bãi biển…nói với các ông: Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21: 4-6). Và, vâng theo lời người đàn ông này, mẻ cá “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá…Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con” (Ga 21: 6-11).

Hôm nay, Đấng Phục Sinh đi tìm gặp các môn đệ của Ngài. Ngài đến để tập hợp họ lại và an ủi họ bằng sự hiện diện của Ngài. Giống như thế, Chúa Giêsu không để chúng ta đơn độc. Ngài liên tục đi tìm gặp và có mặt đúng thời đúng chỗ để giúp đỡ chúng ta. Chúa Kitô vẫn có mặt nơi sâu thẳm cơn đói khát nhiều mặt trong cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta bị nỗi tuyệt vọng áp đảo. Ngài tìm kiếm và mời gọi chúng ta đến với Ngài để được nuôi dưỡng và dự phần vào sứ mệnh “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy” (Ga 21: 17).

Từ khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ có vè như giữ khoảng cách với Chúa Giêsu. Vị Thầy rất thân quen trước đây của họ nay rất lạ và nhiệm mầu. Các tông đồ không dám tiếp tục ứng xử với Chúa Giêsu theo thói quen trước kia của họ nữa, dù “các ông biết rằng đó là Chúa”, nên “Không ai trong các môn đệ dám hỏi Ông là ai?” (Ga 21: 12). Sự hiện ra của Chúa Giêsu với các tông đồ được biểu lộ qua những dấu hiệu nhiệm mầu nhưng hiển nhiên đến nỗi không ai dám phủ nhận, hoặc thậm chí nghi ngờ. Sự nhiệm mầu đó đã tạo ra một sự kính sợ nơi các ông đối với Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu với lòng nhân từ vốn có nói với họ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây” (Ga 21: 10) và mời họ: “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21: 12). Đó là bữa sáng mà Ngài đã chuẩn bị cho họ. Đó là bữa ăn dành cho các tông đồ, và cho tất cả những ai bước theo các ông, tượng trưng cho niềm vui trên thiên đàng mà một ngày nào đó họ sẽ vui hưởng muôn đời, như ngôn sứ Isaia tiên báo: “Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25:6), hoặc như sách Khải huyền khẳng định: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19:9). Bữa ăn sáng đạm bạc này như muốn nhắc lại cho các tông đồ sứ mệnh Thầy Giêsu đã giao cho các ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5: 4) và: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1: 14) mà dường như các ông đã quên mất khi trải qua những biến cố bi thảm của Thầy mình. Chúa Giêsu đang chuẩn bị các môn đệ của Ngài cho những sứ vụ tương lai của các ông. Chính qua tình yêu khiêm hạ đối với Chúa Kitô mà Phêrô, các Tông đồ và mỗi người chúng ta trong Giáo hội được trao cho sứ vụ “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21: 17). Lời Chúa Giêsu kêu gọi Phêrô cũng là lời Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta. Tất cả chúng ta đều thuộc về đàn chiên của Chúa Giêsu, và chúng ta được kêu gọi chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta được kêu gọi để biến tình yêu của chúng ta dành Chúa Giêsu trở nên cụ thể bằng cách chăn dắt và nuôi dưỡng các chiên con của Ngài, về mặt tinh thần, tình cảm cũng như thể chất, như cùng nhau đọc kinh chung trong gia đình, trong khu xóm, hội đoàn, và dành thời gian thăm hỏi, giúp đỡ nhau, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, như những người thân thiết. 

Chúng ta có thể làm được gì nếu không có Chúa Kitô? Không làm được gì, hoàn toàn không làm được gì. Không có Ngài, cuộc sống của chúng ta sẽ trống không, “không bắt được gì cả” (Ga 21: 3). Chúng ta có tin chắc rằng nếu không có Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng ta sẽ mất đi sắc màu vui tươi, nhưng khi có Ngài thì mọi việc sẽ đổi khác không? Chỉ khi liên hệ sâu xa và nghe Lời Đấng Phục Sinh thì những phép lạ mới có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Vâng theo Chúa Kitô, Ngài sẽ không để chúng ta thiếu gì. Nhưng liệu chúng ta có muốn từ bỏ những suy nghĩ vị kỷ, những mưu tính cá nhân, lối sống tục hóa, rồi ra đánh mất ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình vì “không bắt được gì cả” (Ga 21: 3), để vâng lời Thiên Chúa, tin và vui mừng làm chứng rằng Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng Cứu Độ mọi người không?

Xin cho chúng ta, như trong bài đọc thứ hai, có được “quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban” (Cv 4: 33) để sống như lời rao giảng của thánh Phêrô và các Tông Đồ: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Chúa Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Ngài trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Ngài lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Ngài” (Cv 5: 29-32).

Phêrô Phạm Văn Trung

 

KHÔNG BAO GIỜ LẠC LỐI

Thứ Bảy Tuần 2 Phục Sinh C

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

“Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!” - H. E. Fosdick.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ chứng thực câu nói của Fosdick, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!”. Ai chọn Chúa Kitô, người ấy ‘không bao giờ lạc lối’ vì đã chọn đúng tuyệt đối. Ngài nói, “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

Chúa Kitô là Thiên Chúa, cũng là con người! Vì thế, bước theo Chúa Kitô, bạn tìm thấy đường đến với Thiên Chúa; tin Chúa Kitô, bạn nhận ra lẽ thật là chính Thiên Chúa; chấp nhận Chúa Kitô, bạn có sự sống của Thiên Chúa! Là Kitô hữu, bạn không chỉ tuân theo một số quy tắc, một số tín điều; nhưng là đi theo một Con Người! Fulton Sheen thật gãy gọn khi nói, “Tất cả giáo lý là Chúa Kitô!”. Chúa Kitô là câu trả lời cho mọi vấn đề; vấn đề sự sống, sự chết; vấn đề bên kia cái chết và sự sống vĩnh cửu. Ai chọn Chúa Kitô sẽ ‘không bao giờ lạc lối’ vì đã chọn đúng đường - đúng đích - dẫn đến Thiên Chúa!

Philipphê nói, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”; Chúa Giêsu đáp, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Một câu trả lời khá mơ hồ cho một người thực dụng; ấy thế, đó là câu trả lời không thể đúng hơn! Bởi lẽ, không ai thấy Thiên Chúa mà không chết, nên Con Thiên Chúa làm người để ai ‘thấy’ Ngài thì luôn ‘sống!’. Cốt lõi giáo lý về Nhập Thể là - giờ đây - “khuôn mặt” Thiên Chúa đã hiển hiện nơi Chúa Kitô. Thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha, thấy sự sống, thấy thiên đàng. Rất nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi bên kia cuộc sống, nhưng chúng ta có thể hưởng nếm chúng trước trong Chúa Kitô. Ngài ‘mang trời xuống đất’ khi nhập thể; ‘mang đất lên trời’, khi đem chúng ta về ‘Nhà Cha’. Với tư cách con đường, Ngài đưa chúng ta đến với Chúa Cha; tư cách sự thật, Ngài mặc khải Chúa Cha; và tư cách sự sống, Ngài chia sẻ sự sống của Cha.

Một trùng hợp thú vị khi Phaolô - đến mấy lần - đề cập việc nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh đã hiện ra “với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt”; Ngài cũng hiện ra “với Giacôbê, với tất cả các tông đồ”; và sau cùng, với Phaolô như “một đứa trẻ sinh non”. Nhờ việc thấy Ngài, các tông đồ mạnh dạn đi đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng Phục Sinh; “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”. Mỗi ngày, đi trên con đường Giêsu, mỗi bước chân của chúng ta đã “chọn nơi nó dẫn đến” - Chúa Cha! Có Chúa Cha, bạn và tôi có tất cả; có thiên đàng, có sự sống hôm nay, có sự sống vĩnh cửu! Vậy Kitô hữu sẽ không còn gặp bất cứ vấn đề nào nữa sao? Có chứ! Vấn đề cuộc sống vẫn còn đó, nhưng vì Con Thiên Chúa đã đi qua mọi nẻo gian khó của nó, và trên đường, Ngài đã toàn thắng khi đánh bại thần chết; vì thế, Ngài có thể dẫn chúng ta đi, cứu thoát chúng ta ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và chắc chắn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến cùng đích!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đường đời muôn hướng nhưng ‘không dẫn đến đâu’. Giúp con chọn đường Giêsu mỗi ngày; vì chọn Ngài, con sẽ ‘không bao giờ lạc lối!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Tin và Yêu là điều kiện để nhận ra Chúa

CHÚA NHẬT THỨ III PHỤC SINH C

Cuộc sống quanh ta có rất nhiều biểu tượng. Một biển báo đi đường, một hình vẽ diễn tả sự tai hại của bênh AIDS, của ma túy, một ký hiệu cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm đậu xe bừa bãi… Tất cả những biểu tượng đó là những lời nói vô âm soi rọi cho mình về một vấn đề nào, một quy định nào mà mình cần thực hiện, hay sống… Ngôn ngữ biểu tượng rất phong phú. Nó gần gũi với ta, ở xung quanh ta.

I. LỬA VÀ NƯỚC.

Trong đêm tưng bừng của thứ Bảy tuần Thánh, khi công bố Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội không chỉ công bố bằng ngôn ngữ của lời, của âm thanh; hay ngôn ngữ trừu tượng của Thánh Kinh, của thần học, của suy tư tích lũy hàng ngàn năm qua… Rất đặc biệt, đêm vọng Phục Sinh, Giáo Hội đã sử dụng nhiều ngôn ngữ mang tính biểu tượng để công bố Tin Mừng Phục Sinh. Đó là những hành động biểu tượng giúp ta hiểu mầu nhiệm Phục Sinh và nội dung phong phú chất chứa trong mầu nhiệm này.

Đặc biệt đêm Phục Sinh có hai biểu tượng nền tảng đó là Lửa và Nước.

1. LỬA.

Trước khi bắt đầu cử hành đêm cực Thánh này, nhà thờ tắt hết đèn. Một khung cảnh tối tăm bao trùm. Khung cảnh đó diễn tả một thế giới chìm trong nỗi chết do tội. Một thế giới mà lòng người còn đầy dẫy hận thù, yếu đuối, bất toàn, gian trá…

Thế rồi giữa cảnh tăm tối đó, thừa tác viên thắp sáng và rước nến Phục sinh từ cuối nhà thờ lên cung thánh. Nến Phục Sinh được thắp sáng ấy tượng trưng cho Chúa Kitô. Bởi vậy khi rước nến, linh mục lặp đi lặp lại lời này: “Ánh sáng chúa Kitô”.

Ánh sáng Chúa Kitô tới đâu, đẩy lùi bóng tối tới đó. Người tham dự cũng lấy lửa từ Lửa Phục Sinh, thắp sáng từng ngọn nến trên tay mình. Với ngọn nến được chuyển lửa từ Lửa Phục Sinh, cả nhà thờ, tràn ngập ánh sáng, không còn chìm trong bóng tối nữa.

Nếu bạn và tôi biết thắp lên niềm tin vào Chúa Phục Sinh trong cuộc đời của mình, và sống niềm tin ấy bằng một đức mến mãnh liệt nơi Thiên Chúa giàu lòng yêu thương, là chúng ta thắp lên Ánh sáng Chúa Kitô cho cuộc đời. Ánh nến cháy sáng trên tay chúng ta có ý nghĩa là như vậy.

2. NƯỚC.

Biểu tượng thứ hai là Nước. Trong đêm Phục Sinh, thừa tác viên làm phép nước và nhún cây nến Phục Sinh vào trong dòng nước. Nếu từ nơi Chúa Kitô, máu và nước chảy ra mang lại sức sống cứu độ trần gian, thì hôm nay, trong đêm Cực Thánh, dòng nước vừa mới được làm phép bởi nến Phục Sinh, trở nên dòng nước thanh tẩy chúng ta.

Dòng nước này sẽ đổ lên đầu các tân tòng để đưa họ vào thế giới của ơn cứu độ, của tình yêu, của sự sống. Dòng nước ấy cũng được rảy trên đầu mọi người tham dự, nhắc lại ơn tái sinh mà chúng ta đã lãnh nhận trong bí tích rửa tội.

II. BIỂU TƯỢNG DIỄN TẢ ĐỨC TIN VÀ TÌNH YÊU.

Suy tư sâu hơn một chút, ta sẽ thấy, thuở ban đầu khi tạo thiên lập địa, Chúa bắt đầu dựng ánh sáng trước hết. Ngay sau ánh sáng là nước. Như vậy, khởi đầu của sự sống là ánh sáng và nước. Trên nền tảng của ánh sáng, nước, Thiên Chúa tạo dựng thế giới, tạo dựng muôn loài, tạo dựng một nhân loại, và tạo dựng cả vũ trụ nguy nga này.

Tạo dựng chính là sáng kiến của tình yêu. Tạo dựng cũng là làm cho sống. Nghĩa là, từ thuở đời đời, Thiên Chúa vì yêu, đã san sẻ sự sống của Người cho tạo vật. Tạo vật sống cũng chính là tạo vật được yêu. Vì được yêu, tạo vật mãi mãi được sống trong sự sống của Người. Nhưng do tội, tạo vật đã đánh mất sự sống ấy của mình.

Như vậy, trong đêm công bố Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội muốn sử dụng hình ảnh Lửa và nước của thuở ban đầu ấy để mọi người biết rằng, thế giới này, nhân loại này, vũ trụ này đã chìm trong bóng tối, đã chết trong tội, giờ đây được sống lại trong ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Nói cách khác, Nhờ ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu giãi, và nhờ dòng máu và nước từ cạnh sườn Chúa Kitô mà nhân loại này, vũ trụ này, thế giới này được sống, hơn thế, được sống trong sự sống của Thiên Chúa: sự sống của Đấng Phục Sinh.

Khi Giáo Hội rước lửa và rảy nước trên toàn dân, là Giáo Hội muốn công bố một niềm xác quyết: Tin Mừng Phục Sinh là Tin Mừng về một thế giới mới, một công cuộc sáng tạo mới, một nhân loại mới được bắt đầu từ Chúa Kitô Phục Sinh. Niềm xác quyết ấy chứa đựng trong ngôn ngữ biểu tượng của Lửa và Nước.

Đó là đức tin của chúng ta. Đó là đức tin của một sức sống mới, sức sống Phục sinh chảy tràn từ Đấng Phục Sinh mà chúng ta phải khắc ghi và phải sống.

Đó cũng là lòng mến của các Kitô khi cử hành đêm vọng Phục Sinh long trọng này để khắc ghi tình yêu của Chúa, một tình yêu cứu độ từ thuở đời đời hóa nên một tình yêu cứu chuộc quá đỗi diệu kỳ. Vì nếu Chúa tạo dựng con người bởi tình yêu, thì hôm nay, Người tái tạo cũng bằng tình yêu.

III. ĐỂ NHẬN RA ĐẤNG PHỤC SINH.

Chỉ có ai sống đức tin của mình như ánh lửa cháy sáng, hay như một dòng nước có sức lan rộng, người ấy mới có thể yêu mến Chúa một cách chân thật. Chỉ có lòng yêu mến trong đức tin, mới nhận ra Đấng Phục Sinh hiện diện trong cuộc đời mình.

Thánh Gioan tông đồ là người đã tin và đã yêu như thế. Ngay trong lễ Phục sinh đầu tiên, nhìn ngôi mộ trống, trước cả những phụ nữ là những người phát hiện mộ trống, trước cả thánh Phêrô, người đã vào thăm mộ trước, thánh Gioan đã tin.

Hôm nay, một lần nữa, bài Tin Mừng lại cho ta biết tầm quan trọng của cảm thức đức tin và sự cần thiết của một đức mến nồng nàn.

Có ai ngờ rằng, suốt một đêm cực nhọc đánh cá, các môn đệ đã không bắt được một con cá nào, thì bây giờ, khi trời đã bắt đầu rạng sáng, một người lạ xuất hiện, dạy các ông: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Không hiểu sao, dù chỉ thấy đó là một người lạ, nhưng các môn đệ lại nghe theo, để cuối cùng, họ đã thu được một kết quả quá bất ngờ: “Lưới đầy toàn cá lớn”.

Thánh Gioan cũng lại là người phát hiện ra chúa Phục Sinh trước các anh em mình. Sau mẻ cá đầy ắp như muốc rách tung chiếc lưới, “Người môn đệ Chúa yêu” thật hãnh diện mà cả quyết: “Chúa đó”.

Vì “Người môn đệ Chúa yêu” đã có sẵn một lòng yêu mến Chúa, một đức tin từ kinh nghiệm sống với Chúa, nên đã nhận ra Chúa một cách hết sức dễ dàng.

Cũng thế, không ai trong bạn và tôi lại cho rằng mình không có đức tin. Mình không có lòng yêu mến Chúa.

Nhưng Nói là nói như vậy. Hiểu là hiểu như thế. Trong thực tế của cuộc đời, không ít lần, bạn và tôi dường như chao đảo, dường như mất sức sống. Đức tin vào Chúa, lòng yêu mến Chúa của mình có lúc như bị đánh gục, như tuyệt vọng.

Bạn ạ, trong đêm rước nến Phục Sinh, chỉ đi từ cuối nhà thờ lên cung thánh, một đoạn đường ngắn thôi, vậy mà ngọn lửa ấy đã chực tắt mấy lần. Và đã có những ngọn nến trên tay của những người tham dự tắt ngúm, phải lấy lại lửa từ phía những anh chị em bên cạnh.

Tôi nhìn thấy ngọn lửa mong manh ấy cũng chính là hình ảnh của đức tin, của lòng mến nơi bạn và tôi. Nếu có lúc nào đức tin chúng ta tắt ngúm, lòng yêu mến của mình chết lạnh, hãy tìm cách lấy lại ngay. Lấy lại bằng chìm đắm trong cầu nguyện, chứ đừng tuyệt vọng. Vì nếu có lúc đức tin và lòng mến càng trở nên tối tăm bao nhiêu, chúng ta càng phải đến gần Chúa nhiều hơn bấy nhiêu.

Và cũng như khi tắt lửa, ta lấy lại lửa từ anh chị em, thì cũng hãy nhìn những tấm gương sống đạo đức, thánh thiện của anh chị em mà vững tin, mà yêu mến Chúa hơn. Nhất là xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu anh chị em bất hạnh: mù lòa, tật nguyền, nghèo đói… nhưng họ vẫn tin Chúa, vẫn sống đạo. Họ chính là bài học sống, dạy chúng ta tin và yêu Chúa.

Hãy tin và hãy yêu để bạn và tôi cũng trở thành những môn đệ Chúa yêu. Từ đó nhận ra Đấng Phục Sinh trong cuộc đời mình, trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta phải đối mặt với nó. Chỉ cần đức tin, chúng ta sẽ được tăng thêm lòng mến. Khi có đức mến, tự nhiên đức tin cũng sẽ được bồi đắp hơn. Và khi tin tưởng vào Chúa trong một tình yêu, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện với mình.

Như vậy Lửa và Nước không chỉ là ngôn ngữ biểu tượng của việc công bố Tin Mừng Phục Sinh, không chỉ là ngôn ngữ biểu tượng để diễn tả đức tin và tình yêu của Giáo Hội. Nó còn là ngôn ngữ biểu tượng của lòng yêu mến Thiên Chúa, của đức tin, của sự gặp gỡ và đón nhận Chúa Kitô đang hiện diện, không phải chỉ trong lễ Phục Sinh nhưng trải dài suốt cuộc đời của mỗi người.

Lm. Vũ Xuân Hạnh

DẪY ĐẦY

Thứ Sáu Tuần 2 Phục Sinh C

“Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng”.

Sau cơn nguy kịch, một bệnh nhân biết mình phải trả 1,3 triệu tiền Oxy; anh thốt lên, “Vậy tôi phải trả bao nhiêu cho khí trời đã hít thở trong suốt 53 năm? Trời cho tôi nhiều quá!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trời cho tôi nhiều quá!”. Những gì Trời cho thường dư dật ‘dẫy đầy!’. Tin Mừng hôm nay tường thuật phép lạ Chúa Giêsu thết hơn năm ngàn người từ năm chiếc bánh và hai con cá; và sau khi tất cả đã ăn no nê, người ta thu được “mười hai thúng”. Sao nhiều thế?

Augustinô giải thích, Chúa Giêsu đã cung cấp nhiều hơn những gì người ta có thể hưởng dùng. Đây là cách thức mô tả đầy biểu tượng những chân lý tâm linh. “Mười hai thúng” biểu tượng cho những chân lý siêu việt hơn mà đám đông không thể lãnh hội, trừ những ai sống thiết thân với Ngài. Họ được ban dư dật ‘dẫy đầy!’.

“Mười hai thúng” còn tượng trưng cho “Nhóm Mười Hai”. Họ là những người được nhận nhiều hơn. Hãy nhớ lại, nhiều lần - khi đã về nhà - Chúa Giêsu giải thích riêng cho các môn đệ một số chân lý mà đại đa số không thể hiểu hoặc dễ chấp nhận. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xét xem ba nhóm khác nhau trong phép lạ này.

Nhóm đầu tiên là những người thậm chí “không có mặt” khi phép lạ xảy ra; đây là những kẻ không cùng hành trình với Chúa Giêsu. Nhóm này ‘lớn nhất’ trong thế giới, họ sống mà không hề biết phải tìm cho mình một nguồn ‘lương thực thiêng liêng’ tối thiểu. Tiếp đến, “đám đông” theo Chúa từ những vùng xa xôi, họ ở lại với Ngài. Nhóm này đại diện cho những ai trung thành tìm kiếm Chúa mỗi ngày qua Thánh Lễ, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, lắng nghe và được các Bí tích nuôi dưỡng. Nhiều người ước ao được như họ; nhìn họ bình an, hạnh phúc - dẫu không miễn trừ gian nan, thử thách - không ít người thèm thuồng.

Cuối cùng, “Nhóm Mười Hai” - những môn đệ gắn kết với Chúa Giêsu, tiếp tục được Ngài nuôi dưỡng một cách đặc biệt - dư dật ‘dẫy đầy’ đến nỗi nhiều lúc, họ thốt lên “Trời cho tôi nhiều quá!”. Đây là những người tìm cách đào sâu và nắm lấy những chân lý tâm linh siêu việt và họ được biến đổi ở mức độ sâu sắc nhất; sau đó, ra đi, họ chia sẻ cho người khác. Nhật ký Hội Thánh sơ khai cho biết, “Mỗi ngày, trong đền thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô!” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Họ chất đầy được mười hai thúng!”. Thiên Chúa quảng đại vô song; hồng ân Ngài khôn lường - chính Ngài - “Tôi đến cho chiên tôi được sống và sống dồi dào!”. “Đối mặt với tiếng kêu đói - đủ mọi loại “đói” - của nhiều anh chị em ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta không thể là những khán giả vô cảm và bình tâm. Việc loan báo Chúa Kitô - Bánh sự sống vĩnh cửu - đòi hỏi một cam kết quảng đại đối với những người nghèo, những người yếu đuối, những người bé nhỏ nhất, những người không có khả năng tự vệ!” - Phanxicô. Hãy ra sức tìm kiếm “mười hai thúng” chân lý thiêng liêng còn lại, bạn và tôi khám phá ra rằng, sẽ không có hồi kết đối với chiều sâu biến đổi của ân sủng ‘dẫy đầy’ Thiên Chúa ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘hời hợt thiêng liêng’ trước bất cứ ân huệ lớn nhỏ nào. Dạy con ‘hít thở’ bầu khí tạ ơn, vì luôn xác tín rằng, ‘Trời cho tôi nhiều quá!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Subcategories