3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

LỜI CHÚA CÓ ỨNG NGHIỆM TRONG ĐỜI TÔI?

Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm C

Hôm nay chúng ta nghe phần mở đầu của sách Tin Mừng theo Thánh Luca, được ghi chép lại từ những “người đã được chứng kiến ngay từ đầu” (Lc 1:2) những câu chuyện về Chúa Giêsu. Những người này là nhân chứng về Chúa Giêsu, là cha ông của chúng ta trong đức tin vì “đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta” (Lc 4:2). Thánh sử viết về sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu bằng cách thuật rằng “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lân cận. Ngài giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4: 14-15).

  1. Lắng nghe lời công bố của Chúa Giêsu

Đoạn sách mà Chúa Giêsu đọc là của Isaia, vị đại ngôn sứ 700 năm trước: “Thần khí của Chúa là Chúa Thượng ngự trên TÔI, vì Chúa đã xức dầu tấn phong TÔI, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61: 1-2).

Chúng ta thử hình dung cảnh tượng này: những người lần đầu tiên nghe thấy Chúa Giêsu đứng lên đọc Sách Thánh và cất tiếng nói trong hội đường: “Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh… Ngài bắt đầu nói với họ: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:16, 21). Họ không biết những lời Ngài nói đó ám chỉ điều gì. Những lời đó liên quan đến Ngài như thế nào. Cõi lòng họ hẳn đã cháy bỏng hy vọng và khao khát Đấng mà vị đại ngôn sứ đã mô tả trong đoạn Sách Thánh mà họ vừa nghe. Lẽ nào Rabbi Giêsu này là Đấng đó? “Chúa đã xức dầu tấn phong TÔI, để TÔI loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai TÔI đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4: 18-19). Trong đôi mắt họ ánh lên niềm hy vọng ấp ủ từ lâu tận cõi lòng, nay được bộc lộ ra, hướng về Rabbi Giêsu này: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài” (Lc 4:22).

Tất nhiên, sách Tin Mừng được viết ra nhiều năm sau khi Chúa Giêsu đã hoàn tất cuộc đời và sứ mệnh của mình nơi trần thế. Vì vậy, sách Tin Mừng cho biết những gì đã diễn ra trong cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu, và minh chứng Chúa Giêsu là niềm hy vọng, là lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Ngài là Đấng được xức dầu tấn phong làm Đấng Mêsia, công bố thời kỳ hồng ân của Thiên Chúa. Ngài đem lại tự do cho người bị áp bức, sự tự do mà tất cả mọi người đều mong ước cho cuộc sống của mình, vốn bị giam cầm trong mù tối, cả thể chất lẫn tinh thần.

Trong những tuần lễ đầu tiên của một năm phụng vụ mới, chúng ta có thể học cách lắng nghe Lời Chúa Giêsu theo một cung cách mới. Trong Thánh lễ, khi được công bố, Lời Chúa Giêsu trở thành Sự Hiện Diện thực sự của Ngài. Sự hiện diện thực sự này, nếu được chúng ta quan tâm và thực lòng đón nhận, sẽ làm nên con người đích thực của chúng ta, như những cá nhân và như một cộng đoàn Hội Thánh, gắn bó với Chúa Giêsu. Việc lắng nghe Lời Chúa thật quan trọng đối với đời sống đức tin của các tín hữu. Phụng vụ và lời công bố Tin Mừng trong mỗi Thánh lễ đều dạy chúng ta cách sống trong trần thế như thế nào, khao khát Chúa như thế nào, cần đến Chúa và phục vụ người lân cận như thế nào, để chúng ta được thứ tha tội lỗi, được sáng soi tâm hồn, có được tự do của người con Chúa, được lãnh nhận mọi hồng ân của Đấng đã công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).

Đọc các đoạn Tin Mừng và các bài thánh thư hoặc trước hoặc sau mỗi Thánh lễ, trong lặng lẽ một mình, mỗi ngày, là điều đáng khích lệ. Chúng ta không thể hiểu Lời Chúa chỉ bằng cách nghe trong Thánh lễ, rồi sau đó thì thôi. Mỗi người chúng ta phải tự mình làm quen với các hình ảnh, các câu chuyện, các nhân vật, toàn bộ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, để bước vào Thánh lễ, hoặc tiếp tục sống Thánh Lễ, mỗi lần mỗi trọn vẹn hơn. Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh lễ nằm trong lời công bố Tin Mừng, trong hình bánh và hình rượu trở thành Mình Thánh và Máu Thánh của Ngài, và trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta. Là những người đã lãnh phép rửa tội, chúng ta đầy tràn Thần Khí của Chúa Kitô, trở nên chi thể trong Nhiệm Thể sống động của Ngài, như Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai hôm nay, đã khẳng định: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhấtVậy anh em, anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cor 12: 13, 27). Chúng ta hãy mở các Sách Thánh, cụ thể là sách Tin Mừng theo thánh Luca, đọc các câu chuyện cuộc đời của Chúa Giêsu và bước vào mối tương quan cá vị với Ngài. Rồi ra, chúng ta sẽ dần được biến đổi thành những gì chúng ta cử hành trong Thánh lễ, thành Thân Mình của Chúa Kitô, trong trần thế.

  1. Sống lời công bố của Chúa Giêsu Kitô

Mục đích của sách Tin Mừng Luca là giới thiệu Chúa Giêsu cho độc giả là những người Do Thái sống ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng Hy Lạp, hoặc cho độc giả không phải là người Do Thái, không quen văn hóa Do Thái. Một số khái niệm và từ ngữ của người Do Thái đã được tác giả trình bày rất ngắn gọn và rõ ràng bằng tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, Sách Tin Mừng của Thánh Luca được viết trước hết là để đọc chung trong một nhóm Kitô hữu tụ họp trong một ngôi nhà, khi họ cùng nhau chia sẻ Bữa Ăn của Chúa. Vì thế, Thánh Luca hướng sự chú ý của mình vào những sứ điệp đặc thù của Kitô giáo hơn là những bận tâm của thế giới Hy-La thời đó.

Cũng vậy, chúng ta có thể nghe linh mục hoặc ai đó đọc Tin Mừng, nhưng việc đó sẽ không giúp chúng ta tiến lên trong đời sống đức tin chừng nào chúng ta chưa chú tâm vào sứ điệp của Chúa Giêsu, chưa có ý định tìm biết ngày càng rõ ràng hơn về con người của Ngài. Có sự khác biệt giữa việc nhớ một vài câu chuyện trong cuộc đời Chúa Giêsu và việc nhận biết đầy đủ về chính Ngài là ai trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Lời Chúa Kitô có dần biến đổi đời tôi không và đời tôi có dần trở nên xứng hợp với Lời Chúa Kitô không? Xin cho Lời Chúa Kitô ứng nghiệm trong đời tôi.

Thánh Luca bắt đầu sách Tin Mừng của mình bằng lời tựa gửi đến Thêôphilê, tiếng La tinh là Theophilus. Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ Theophilus được viết là Θεόφιλος. Đây là một danh từ kép gồm hai chữ θεός – Thiên Chúa – và φιλία – tình yêu hoặc trìu mến. Chữ Theophilus có thể dịch là tình yêu của Thiên Chúa hay người yêu mến Thiên Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, thì chữ Theophilus có thể là một danh từ chung, ám chỉ những người yêu mến Chúa, và có thể ám chỉ bất cứ Kitô hữu nào, dù hầu hết những nhà chú giải đều coi điều đó ám chỉ đến một người trở lại Kitô giáo và là người bảo trợ cho Luca viết sách Tin Mừng. Ở đây, Luca thông báo cho Thêôphilê về ý định của mình, đó là dẫn người đọc đến với một giáo huấn vững chắc thông qua một tường thuật “đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” và được “tuần tự viết ra” (Lc 1:3) “về những sự kiện đã được ứng nghiệm giữa chúng ta” (Lc 1:1). Tuy nhiên, Luca không có ý định chứng minh cho Thêôphilê về lịch sử Kitô giáo, vì đó là “những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu” (Lc 1:2), nhưng để khuyến khích đức tin: “mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn mà ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Lc 1:4).

Thánh Luca mong muốn đưa các độc giả của ngài vào câu chuyện cuộc đời của Chúa Giêsu và qua đó giúp họ nâng con người của họ lên tới Chúa Giêsu. Thánh Luca, vốn là “Anh Luca, thầy thuốc yêu quý” (Côlôsê 4:14), mong muốn chữa lành đời sống của họ, vốn “nghèo hèn…bị giam cầm… mù tối… bị áp bức” (Lc 4: 18) cả vật chất lẫn linh hồn. Trong bối cảnh như thế, các câu mở đầu của sách Tin Mừng Luca tưởng như ít quan trọng, nhưng trái lại.

Cũng vậy, khi tham dự Thánh lễ, nghe công bố Lời Chúa, chúng ta không chỉ nhắm lợi ích của riêng mình, mà còn cầu nguyện cho người nghèo, người bị tù đày, người đói khát, những người mà cuộc sống của họ đang gánh chịu những hậu quả của các hệ thống bất công. Chúng ta xin cho Lời Chúa Kitô ứng nghiệm nơi tất cả mọi người trong thế giới.

Có thể nhiều người thời Chúa Giêsu đổ xô đến với Ngài vì vô vọng trong cuộc sống, chúng ta ngày nay không như thế sao? Cả những người ngày nay đang ít nhiều khước từ Ngài, giống như những người đồng hương tại quê nhà Nadarét của Ngài (Lc 4: 16, 23, 24, 29), lại không có khát khao sâu xa được cứu độ sao? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo viết: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người, mọi người đều cần ơn cứu độ, và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô” (số 389). Con người ngày nay đang phải chịu đựng những căng thẳng, các mối tương quan tan vỡ, bệnh tật, mất mát, cái chết của những người thân yêu và sự trống rỗng trong sâu xa cõi lòng, không ngừng lao vào làm việc, vào hoạt động, rồi tìm kiếm lạc thú trong tiêu dùng, trong hưởng thụ, quên mất rằng cái chết, vốn hư vô hóa mọi sự, đang chờ đợi mọi người. Trong một thế giới không có Chúa Giêsu, cuộc sống của con người chỉ gồm những thú vui chóng qua, những nỗi đau ngày càng tăng không thể tránh khỏi, cùng sự mơ hồ đáng sợ vào cuối cuộc đời. “Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cùng cực về của cải vật chất, sự đàn áp bất công, các bệnh tật thể lý và tâm thần, sau cùng là cái chết; tất cả những sự khốn cùng của con người này là dấu chỉ cho thấy tình trạng yếu đuối nguyên thủy, mà sau tội đầu tiên của ông Ađam, con người sống trong đó, và đó cũng là dấu chỉ cho thấy sự cần thiết của ơn cứu độ; những nỗi khốn cùng đó đã lôi kéo lòng thương xót của Chúa Kitô, Đấng Cứu độ, Đấng đã muốn mang lấy những nỗi khốn cùng đó khi Ngài đồng hóa mình với ‘những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây’, Mt 25,40.45” (GLHTCG, số 2448).

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta Ơn Khôn Ngoan để chúng ta có thể nhận ra thực tế của thân phận phàm nhân chóng qua của chúng ta cần được Chúa Kitô cứu độ. Xin “quyền năng Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu” (Lc 4:14) cũng thúc đẩy chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày, tìm đến gần “Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta, bởi vì Ngài là đích điểm cuộc hành trình dương thế của chúng ta” (Đức Thánh Cha Phanxicô, buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 18/12/2024).

Phêrô Phạm Văn Trung

CUỐN THEO THẦN KHÍ

Thứ Bảy Tuần 2 Thường Niên C

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

“Thập giá – cột thu lôi của ân sủng – làm tắt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, để chỉ còn lại ánh sáng của tình yêu Ngài! Trên đường Đamas, một Saun hung hãn đã bị cột thu lôi của ân sủng quật ngã, và con người này đã cuốn theo Thần Khí của Đấng Phục Sinh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một con người đã bị “cột thu lôi của ân sủng quật ngã”; đúng hơn, một vị thánh mà sự cải đạo của ngài – có thể nói – là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô vào những năm đầu Kitô giáo. Bởi lẽ, ân sủng của Ngài đã biến đổi Phaolô, một người đã để mình ‘cuốn theo Thần Khí’.

Trước khi được Chúa tỏ mình, Phaolô “đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”; tuy nhiên, theo cách rất phá hoại! Ông đàn áp những người tin “Đạo mới”; để rồi, cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh trên đường Đamas đã khiến Phaolô dừng bước – bài đọc một. Từ đó, Ngài đã biến “Saun” – có nghĩa là ‘tìm kiếm, đòi hỏi và khát vọng’ thành một “Phaolô” – có nghĩa là ‘hèn mọn, nhỏ bé và khiêm nhường’. Phaolô đã chỗi dậy, tiến về phía trước, ‘cuốn theo Thần Khí’, phục vụ Chúa theo một cách rất khác – loan báo tình yêu Ngài như lệnh đã truyền, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!” – Thánh Vịnh đáp ca.

“Tôi ngã xuống đất”; “Ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy”. Một nghịch lý mang nhiều ý nghĩa! Không chỉ trong bóng tối, con người mới không nhìn thấy; nhưng ngay cả trong ánh sáng, nó cũng mù loà! Lúc tưởng mình sáng, đó là lúc tăm tối nhất đời ông. Phaolô buộc phải nhắm mắt để thấy rằng, sự bốc đồng theo kế hoạch của riêng mình là mù tối và chỉ tình yêu trong trái tim Đấng Phục Sinh mới thật là ngời sáng. Ngài quật Phaolô xuống tận đất; để sau đó, nâng lên đến mức “Tông Đồ Dân Ngoại”. Thế nhưng, hình ảnh đẹp nhất vẫn là thước phim người ta cầm tay dắt Phaolô vào thành, một ‘Phaolô chập chững’ trong hành trình ‘một con người mới’ ‘cuốn theo Thần Khí’ trong Chúa Kitô!

“Chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh đã biến đổi toàn bộ con người Phaolô. Nhân tính và niềm đam mê của ông đối với Thiên Chúa và vinh quang của ông không bị huỷ diệt, nhưng được biến đổi bởi Thánh Thần. Người duy nhất có thể thay đổi trái tim chúng ta là Chúa Thánh Thần, và điều đó đã xảy ra trong mọi khía cạnh cuộc sống Phaolô. Bất kỳ ai ở trong Chúa Kitô, người đó là một tạo vật mới được biến đổi từ bên trong!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Mệnh lệnh của Chúa Kitô “Là một mệnh lệnh mang chiều kích truyền giáo của đức tin! Hoặc đức tin có chiều kích truyền giáo, hoặc không phải là đức tin. Đức tin không phải là điều gì đó chỉ dành cho riêng tôi để tôi có thể lớn lên với nó: đây là một tà giáo ngộ đạo! Đức tin luôn dẫn bạn thoát khỏi chính mình, đi ra ngoài và truyền tải nó! “Hãy đi, để mọi người thấy anh sống thế nào!”. Trong việc truyền bá đức tin, hành động vì đức tin, có Chúa luôn đồng hành với tôi. Tôi không bao giờ đơn độc. Chính Chúa, Đấng truyền đạt đức tin ở cùng tôi; miễn sao tôi để mình được tự do ‘cuốn theo Thần Khí’ của Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì cột thu lôi ân sủng Chúa quật ngã con mỗi khi con mải mê chạy theo những phù phiếm thế gian. Cho con mềm mại ‘cuốn theo Thần Khí’ mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chúa đến mang lại niềm vui và hạnh phúc

Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm C

Có người cho rằng Chúa Giê-su đến trần gian chỉ nhằm cứu rỗi phần hồn con người; còn phần xác thì chẳng đáng bận tâm.

Thật ra không phải thế, vì ngoài việc loan Tin Mừng và tự hiến đời mình cứu độ nhân loại, cho họ được hưởng hạnh phúc đời sau, Chúa Giê-su còn thiết tha đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người ngay trên cõi đời nầy nữa.

Sự kiện xảy ra tại tiệc cưới Ca-na chứng tỏ điều đó.

Hôm ấy, Chúa Giê-su đến tham dự tiệc cưới tại Ca-na cốt để đem lại niềm vui cho cô dâu chú rể và chúc lành cho họ được trăm năm hạnh phúc. Chúa Giê-su xem đây là điều quan trọng nên Ngài không chỉ tham dự một mình mà cùng đi với Mẹ Maria và các môn đệ để cho niềm vui của đôi hôn nhân được tăng lên.

Thế rồi, đang giữa tiệc vui bỗng hết rượu. Đây là chuyện không may và ngày vui của đôi tân hôn có nguy cơ trở thành ngày rầu rĩ vì cô dâu chú rể sẽ bị gièm pha trách móc, tiệc cưới sẽ để lại ấn tượng đáng buồn trong lòng khách dự tiệc.

Trước tình thế đó, Mẹ Maria tìm đến với Chúa Giê-su để xin Ngài cứu vãn. Thế là mặc dù “giờ của Ngài” chưa đến (Ga 2,4), Chúa Giê-su cũng đã thực hiện phép lạ đầu tay, hoá nước thành rượu ngon với số lượng dư dật để đem lại niềm vui cho mọi người.

Sự việc nầy cho thấy hạnh phúc của con người là mục tiêu quan trọng mà Chúa Giê-su nhắm tới. Sau nầy, Chúa Giê-su thực hiện nhiều phép lạ khác cũng không ngoài mục tiêu đó.

Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người goá phụ Na-in nên Chúa Giê-su đã cho con trai bà đã chết được sống lại, dù bà chưa ngỏ lời van xin (Lc 7,11-17).

Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hai chị em Mác-ta và Maria ở Bê-ta-ni-a đang sầu thảm vì mất em, Chúa Giê-su đã truyền cho La-da-rô chết chôn trong mồ được sống lại. Nhờ đó, cả gia đình được chan hoà niềm vui (Ga 11, 32-43).

Cũng vì muốn đem lại niềm vui cho hai môn đệ Em-mau đang sống trong ưu phiền thất vọng, Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra, cùng đồng hành với các ông, đem lời kinh thánh sưởi ấm tâm hồn sầu muộn của các ông (Lc 24, 32).

Và rất nhiều phép lạ khác Chúa Giê-su đã thực hiện như cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, người què đi được, người phong hủi được sạch, người câm được nói, cho người đói được ăn, cho người nghèo được nghe Tin Mừng… cũng đều nhằm đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.

Hơn nữa, Chúa Giê-su không muốn đem lại cho người đời một niềm vui chóng qua, một thứ hạnh phúc mau tàn, nhưng là một thứ hạnh phúc vững bền đặt nền trên tình yêu thương huynh đệ.

Biết rằng con người sẽ luôn luôn bất hạnh nếu thiếu vắng tình thương, rằng tình thương là yếu tố cốt thiết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho muôn người, nên Chúa Giê-su không ngừng kêu gọi mọi người hãy yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 13, 34).

Ngài cũng báo trước cho mọi người biết rằng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc chỉ dành riêng cho những ai yêu thương phục vụ người khác, đồng thời cảnh báo rằng khổ hình đời đời trong hỏa ngục là hậu quả phải đến cho những kẻ không sẵn sàng cứu giúp những người khốn khổ quanh mình (Mát-thêu 25, 31-46).

Như thế, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh không còn là chuyện nhỏ nhưng là một quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su.

Lạy Chúa Giê-su,

Là Ki-tô hữu, là cánh tay nối dài của Chúa, chúng con được mời gọi tiếp tay với Chúa để vun đắp niềm vui và mang lại hạnh phúc cho những người đang sống quanh chúng con. Xin cho chúng con trở thành sứ giả của niềm vui và hạnh phúc mà Chúa gửi đến cho tha nhân, để qua chúng con, lòng thương xót của Chúa trải rộng trên tất cả mọi người. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Mời Chúa đến nhà

Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm C

Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức. Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông bớt vẻ ảm đạm tiêu điều. Đám cưới nào thường cũng vui. Trong đám cưới người ta chỉ nói chuyện vui. Nhưng niềm vui kéo dài được bao lâu? Những lời chúc trăm năm hạnh phúc có thật sự đem hạnh phúc đến cho đôi tân hôn và làm cho họ hạnh phúc suốt đời không? Nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, ta thấy có được hạnh phúc gia đình là một điều rất khó, hạnh phúc trăm năm thì lại càng khó lắm.

Đám cưới Cana hôm nay cũng suýt lâm vào cảnh bế tắc. Tiệc đang nửa chừng thì hết rượu. Hết rượu là một bất trắc không ngờ. Trong gia đình, những bất trắc có thể đưa đến bất đồng. Bất đồng dễ đưa tới bất hoà. Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa.

Đám cưới Cana thực khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người. Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình than, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỷ. Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà. Sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bất trắc trong đời sống gia đình. Những bất trắc thì nhan nhản trong đời sống hằng ngày.

Việc thiếu rượu của gia đình Cana nói lên những thiếu thốn của gia đình chúng ta. Có những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tiền cho con đi học, thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình.

Đời sống gia đình lúc đầu rất vui, nhưng sau đó, nếu không khéo gìn giữ sẽ trở nên nhạt nhẽo như nước lã. Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần. Nhạt nhẽo vì những bổn phận nặng nề, nhàm chán. Nhạt nhẽo vì những khuyết điểm không tránh được của mọi người.

Những thiếu thốn và những nhạt nhẽo ấy hầu như vượt ngoài khả năng giải quyết của ta, nên ai cũng muốn mời Chúa đến nhà để Chúa cứu gia đình khỏi sự tan vỡ, sụp đổ.

Thế nhưng mời Chúa đến không phải là tổ chức làm phép nhà cho long trọng, ăn tân gia cho linh đình. Mời Chúa đến không phải chỉ là làm bàn thờ cho đẹp, treo thật nhiều ảnh tượng. Muốn mời Chúa đến, việc đầu tiên cần thiết là phải làm theo ý Chúa. Như Đức Mẹ dạy các gia nhân: “Người bảo gì thì phải làm theo”. Nhờ làm theo lời Chúa mà gia đình Cana thoát khỏi cảnh xấu hổ, hạnh phúc gia đình được bền vững.

Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa. Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành. Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình. Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình. Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong suốt năm mới này.

Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon. Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thử rượu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin đến với chúng con. Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về những thiếu thốn?

2. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về sự nhạt nhẽo tình nghĩa?

3. Bạn đã có kinh nghiệm về việc thực hành Lời Chúa trong gia đình chưa?

4. Có bao giờ bạn cảm thấy gia đình bạn được Chúa cứu thoát khỏi hiểm nguy, thử thách, thất bại?

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO – NHỜ ĐÂU?

Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm C

Từ ngàn xưa, trong quan niệm của dân Chúa, Đức Chúa mà họ tôn thờ phải là Đấng cao cả vô song, Đấng mà con người không thể đến gần, không thể diện đối diện, không thể sống sót nếu Ngài không cho phép.

  1. Chúa Giêsu, hình tượng Thiên Chúa giữa loài người.

Từ ngàn xưa, con người chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa từ phía sau, bởi: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”. Hoặc uy quyền dữ dội của Thiên Chúa có thể nhận thấy ngay trước mắt: “Ông Utda giơ tay ra về phía Hòm Bia Thiên Chúa và giữ lại, vì bò trượt chân. Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với ông Utda, và Thiên Chúa đánh phạt ông tại chỗ vì lầm lỗi đó. Ông chết tại đó, bên Hòm Bia Thiên Chúa” (2Sm 6, 6).

Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa đại diện cho Thiên Chúa, lại có thể đến và tham dự ở một đám cưới. Đó là hình ảnh vô cùng mới mẻ, xem ra có phần táo bạo.

Tuy nhiên, đó cũng là một diễn tả mới mẻ về vẻ đẹp của tình yêu mà Thiên Chúa trao tặng loài người: Thiên Chúa chấp nhận đồng hóa mình với loài người. Qua sự hiện diện đầy gần gũi, một sự hiện diện bất chấp mọi ràng buộc, bất chấp mọi ranh giới, Thiên Chúa cho thấy, Ngài là Đấng không hề xa cách nhưng dấn thân nơi mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Vì tình yêu xóa mọi khoảng cách ấy, qua đám cưới làng Cana, Thiên Chúa nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài chính thức ban phúc lành và thánh hóa mọi mối dây hôn nhân của loài người.

Với hình ảnh Chúa Giêsu hiện diện giữa loài người, Thiên Chúa thực sự bước vào đời sống trần thế. Thiên Chúa trở nên gần gũi và cảm thông cho thân phận mỏng giòn của chúng ta. Thiên Chúa không vô cảm đứng bên ngoài quan sát, nhưng đã nên một trong chúng ta.

  1. Người Nữ bảo vệ hôn nhân Công giáo.

Tôi biết Ông Bà Cố từ lâu lắm. Ông Bà nay đã tám mươi và ngoài tám mươi. Ông Bà có năm người con, thì người con cả và con út đã là linh mục. Vì hoàn cảnh, ba người con còn lại đều ở riêng. Dù đông con, Ông Bà trở nên côi cút trong căn nhà của mình.

Chỉ có các giờ lễ, giờ kinh nguyện làm niềm vui của tuổi già. Nơi Ông Bà làm góc cầu nguyện, luôn luôn có tượng Đức Mẹ Phatima. Trong các giờ kinh nguyện, không thể thiếu việc lần chuỗi Mân côi và bên cạnh tượng Đức Mẹ là cây nến sáng lung linh.

Khi còn khỏe, Ông Bà phải lặn lội, bươn chải, buôn bán ở chợ để có thể nuôi các con ăn học, vì thế cũng chẳng có nhiều thời gian bên cạnh các con. Đàng khác, Ông Bà không phải là người có nhiều kiến thức, chắc chắn việc giáo dục các con cũng không thể tròn trịa, đầy đặn.

Nhưng cho đến hiện tại, các con của Ông Bà đều thành nhân, thành thân. Trong những lần thăm và chuyện trò, tôi thấy nơi Ông Bà toát lên niềm hạnh phúc của hoàng hôn đời người.

Vì đâu sự thành công đến với Ông Bà và gia đình Ông Bà? Hoàn toàn không hề do tiền của hay quyền thế ở đời này. Bởi Ông Bà hoàn toàn thiếu thốn những điều ấy.

Chắc chắn ngoài sự nỗ lực để sống trọn ơn gọi hôn nhân, sống trọn lề luật của Chúa và Hội Thánh, sống chuyên chăm không một phút giây lơ lỏng trong cầu nguyện, hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa không bao giờ thiếu vắng.

Trong trình thuật của mình, thánh Gioan cho thấy Đức Mẹ chỉ nói có hai câu: “Họ hết rượu rồi” với Chúa Giêsu và “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” với các gia nhân, nhưng là hai câu cần thiết vô cùng, quan trọng vô cùng, đúng thời điểm vô cùng.

Có thể nói mà không sợ nói ngoa rằng: Vì Đức Mẹ, bữa tiệc tiếp tục, niềm vui tiếp tục, hạnh phúc của lứa đôi tiếp tục.

Quan trọng trên hết mọi điều quan trọng: Vì Đức Mẹ, phúc lành của Chúa trên đời sống hôn nhân càng chan chứa, càng tràn đầy. Phúc lành đó không dừng cho ngôi nhà và đôi tân hôn của làng Cana ngày ấy rồi thôi, nhưng tiếp tục sống và triển nở trong mọi hôn nhân, mọi ngôi nhà qua mọi thời đại, nếu mọi con người trong từng ngôi nhà, từng mối dây hôn nhân biết trân trọng, biết giữ gìn.

Mặt khác, thánh ý Chúa muốn ngày thành lập BÍ TÍCH HÔN NHÂN có sự hiện diện và chuyển cầu của Đức Mẹ, càng cho thấy chỗ đứng của Đức Mẹ trong đời hôn nhân và gia đình của nhân loại: CHÚA ĐẶT ĐỨC MẸ LÀM NGƯỜI GÌN GIỮ VÀ BẢO VỆ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

Chúa biết không gia đình nào là không đối diện cùng thử thách. Chúa biết, thánh giá mà gia đình của Chúa xưa phải chấp nhận, cũng sẽ là thánh giá của mọi gia đình. Vì thế, Chúa đặt Đức Mẹ làm bổn mạng của mọi gia đình.

Hãy luôn níu lấy Đức Mẹ. Hãy để Đức Mẹ giáo dục, hãy theo học ngôi trường của Đức Mẹ, hãy ghi nhớ luôn luôn lời Đức Mẹ dạy: “Người bảo gì, thì phải làm theo”, nhờ đó, gia đình sẽ luôn thấm đẫm tình yêu của Chúa và tràn ngập lòng thương yêu dành cho nhau.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Subcategories