3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ

Chúa Nhật 4 Thường Niên C

Mal 3:1-4. Heb. 2:14-18. Lk 2: 22-40. 

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Sau khi sinh hạ Chúa Hài Nhi bốn mươi ngày, Đức Maria lên Đền Thờ tham dự các lễ nghi để được thanh tẩy theo luật. Gia đình Thánh Gia cùng đi lên Đền Thờ. Đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện ở trần gian với con dân của Ngài. Con Thiên Chúa lần đầu đến Nhà Cha của Ngài. Giây phút Thánh Gia có mặt ở Đền thờ là giây phút Chúa Thánh Thần mặc khải cho hai vị ngôn sứ là Simeon và Anna. Hai vị đã vui mừng gặp được Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo. Họ nhận ra Chúa Hài Nhi là vinh quang cho đân Israel.

Khi dâng Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Maria nhận ra sứ mệnh đặc biệt của Hài Nhi Giêsu. Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa, Đức Maria và Thánh Giuse được trao quyền chăm sóc và dưỡng nuôi. Hai Ngài là người ấp ủ và chở che cho Hài Nhi từ lúc sơ sinh cho đến tuổi trưởng thành. Thánh Gia đã chu toàn lề luật và cầu Chúa chúc phúc cho Con Trẻ. Đức Maria đã mang theo lễ vật cần thiết cho việc thanh tẩy chính mình và dâng con cho Thiên Chúa, đó là hai con bồ câu non. Hơn thế nữa, Giuse và Maria muốn dâng lên Thiên Chúa quà tặng tuyệt vời là chính Đức Giêsu.

Cụ Simeon và Anna đã nhận biết Hài Nhi là ánh sáng và là Đấng Cứu Độ đã đến trong trần gian. Simeon cũng tiên báo về bóng tối sẽ phủ bóng trên Đức Maria, khi một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ. Những lời tiên báo được ứng nghiệm nơi Mẹ Maria, khi chính Đức Giêsu bị người ta tẩy chay, chối từ, phỉ báng, bắt bớ, đánh đòn, chịu đau khổ và chết trên thập giá. Mọi sự đã ứng nghiệm trọn vẹn những lời tiên báo của các ngôn sứ (Lc 2, 34-35). Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thánh Giá chứng kiến mọi khổ đau của Con mình.

Lễ Đức Mẹ Dâng Con cũng còn được gọi là Lễ Nến (nến được làm phép trong Thánh Lễ). Nến tượng trưng cho ánh sáng, Chúa Giêsu là ánh sáng đến trong trần gian. Theo truyền thống của nhiều Văn Hóa khác biệt, có nhiều nơi tới Lễ hôm nay, mới tháo dỡ Hang Đá, kết thúc Mùa Giáng Sinh. Cộng Đồng người Nam Mỹ, có truyền thống mang tượng Chúa Hài Nhi đến nhà thờ trong dịp Lễ Dâng Con để được làm phép. Thêm nữa, nơi nhiều Giáo Xứ đã mời gọi các cha mẹ đem con trẻ đến tham dự thánh lễ để dâng con và được các linh mục đặt tay cầu nguyện chúc lành. Giáo Hội luôn rộng mở cửa để đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần. Đời sống của Giáo Hội luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh sống và sinh hoạt của các Kitô hữu và các nền văn hóa. Hãy mở cửa, đón Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng soi trần gian, xin chiếu giãi ân sủng vào tâm hồn mỗi người chúng con, đặc biệt là các em nhỏ được nhóm lên ánh sáng của đức tin và các nhân đức. Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ các bà mẹ luôn can đảm bảo vệ và giữ gìn ánh sáng đã nhận được trong ngày chịu Phép Rửa Tội. Nhờ đó, mỗi người chúng con sẽ sẵn sàng cầm đền cháy sáng ra đón Chúa Kitô ngày sau cùng.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CHẬT ĐẤT

Mồng Ba Tết Ất Tỵ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”.

“Sống không mục đích, bạn như con tàu không bánh lái; một vật trôi dật dờ vô dụng. Sống như thế chỉ thêm chật đất. Hãy sống có mục đích! Dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp vào điều Chúa muốn. Đừng quên, bạn được gọi cho một mục đích!” - T. Carlyle.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa ngày Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm tiết lộ nhân vật chính của một câu chuyện lớn. Ngài là ai, làm gì, muốn gì? Nhân vật ấy chính là Thiên Chúa, Đấng tạo nên trời đất biển khơi và muôn loài trong đó. Ngài muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng vì nó sẽ sống cho một mục đích - không làm ‘chật đất’ - để “cày cấy và canh giữ đất đai”.

Khởi đầu của vũ trụ không là một ‘tai nạn’ ngẫu nhiên, nhưng là kết quả từ ý muốn yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa. Bài đọc Sáng Thế - không cần hiểu theo nghĩa đen - tóm tắt tài tình Giáo Lý Tạo Dựng. Sau năm ngày làm nên mọi sự, từ bụi đất, Thiên Chúa tạo nên con người, đặt nó giữa vườn. Không có gì “ngoạn mục” với chất liệu Ngài dùng! Bụi đất tượng trưng cho thấp kém, không giá trị và hèn mọn. Nhưng Thiên Chúa đã thở vào mũi nó; với hơi thở sự sống thần thánh này, con người không chỉ trở thành một thực thể sống nhưng còn mang hình ảnh Ngài. Có Thần Khí Chúa, con người được phúc chia sẻ với Ngài quyền thống trị vạn vật. Rõ ràng, nó được gọi cho một mục đích!

Mục đích thật rõ: “Để cày cấy và canh giữ đất đai trong vườn”. “Vườn” là “ngôi nhà chung” mà tất cả chúng ta có bổn phận chăm sóc; chăm sóc môi trường, chăm sóc lẫn nhau. Phaolô, người được gọi cho một mục đích đã nêu gương, “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” - bài đọc hai.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của hai hạng người đầu tiên, họ đã mạo hiểm nhân đôi những yến bạc đã nhận. Họ được khen vì đã chu tất những cam kết đối với Ông Chủ và Vương Quốc Ngài. Họ nhìn những ân ban trong sự ngạc nhiên. Cuộc sống, sức khoẻ, đức tin, tài năng và ‘những con người’ được ban đã làm nên cuộc đời họ. Họ không ngừng tạ ơn Thiên Chúa; chính việc tạ ơn giúp họ phát triển mối quan hệ đáng yêu này ngày một thắm thiết hơn. Đầy tớ thứ ba đã đánh mất những gì anh có. Một khi quà tặng không được sử dụng, sự tốt lành của Thiên Chúa lập tức bị nghi ngờ. Anh quên rằng, anh được gọi cho một mục đích! Sự hiện diện của anh chỉ thêm ‘chật đất!’.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn”. Bạn và tôi được “đặt vào vườn” cho một mục đích. Hạnh phúc thay khi được chia sẻ quyền làm chủ vạn vật với Chúa; như thế, lao động chính là cộng tác với Ngài. Vì vậy, hãy “dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp” trong Năm Mới này với tâm thức của một nhà đầu tư, khai phá; đừng làm gì với tâm thức của một tù nhân! Mục đích chỉ đạt được khi chúng ta biết để Thiên Chúa cùng làm, cùng suy tư, cùng học hỏi với “Chúa muôn trùng cao cả” - Thánh Vịnh đáp ca. Hãy dành cho Ngài một chỗ - từ khởi sự cho đến hoàn thành - trong mọi công việc; biến lao nhọc thành niềm vui và hạnh phúc đời sau bằng sự mạo hiểm can đảm hôm nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống lây lất vốn chỉ thêm ‘chật đất’. Cho con dám chấp nhận rủi ro để nhân đôi, nhân nhiều lần ‘ngân sách’ đã nhận!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TẦM NHÌN

MỒNG 1 TẾT ẤT TỴ CẦU BÌNH AN NĂM MỚI

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa!”.

“Tiền thường xen vào giữa Chúa và người. Che mắt bằng hai xu nhỏ, bạn sẽ không thấy những ngọn núi. Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa bạn với Chúa; chỉ cần một xu đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn, và bạn không bao giờ thấy Ngài. Hãy mở rộng tầm nhìn, đừng che chắn nó!” - Cedric Gowler.

Kính thưa Anh Chị em,

Đầu năm mới, Lời Chúa mời gọi bạn và tôi mở rộng ‘tầm nhìn’, đừng che chắn nó! Chúa Giêsu căn dặn, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa!”; đừng lo “Ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?”.

Điều Chúa Giêsu dạy được thánh Ignatiô gọi là ‘dửng dưng’. Rõ ràng, bánh ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng ‘dửng dưng’ không phải là không quan tâm; trái lại, rất quan tâm chúng! Chúng ta quan tâm có nhiều thứ và quan tâm đến việc sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để kính mến Chúa yêu thương người như ý Ngài.

Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói rất khác so với việc liệu tôi sẽ có gì để ăn vào tháng tới hay không; trăn trở về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế rất khác so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu; băn khoăn vì không có để trang trải tiền nhà tháng này rất khác so với việc tự hỏi, khi nào tôi giàu?

Cũng thế, bận tâm về tương lai là lãng phí thời gian và năng lượng nhưng bạn và tôi lại ‘nghiện’ chúng! Bởi lẽ, nó không bao giờ cất được nỗi buồn của ngày mai, một chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay. Chúa Giêsu mời chúng ta nhìn chim trời và hoa đồng nội. Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình; hồn nhiên bay lượn, đong đưa trước gió. Thanh thoát, ngu ngơ đẹp làm sao! Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi! Đừng quên, Đấng chăm bẵm chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó - bài đọc Sáng Thế.

Vậy mà, chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc trăn trở tương lai. Khá phi lý! Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại. Nhìn về phía trước, ngoái lại phía sau, sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì hạnh phúc đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm. “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!” - Anthony de Mello. Cuộc sống sẽ ra sao nếu bạn thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua! Hạnh phúc hôm qua không còn; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ bạn không hạnh phúc, sẽ không bao giờ!

Anh Chị em,

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa!”. Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái định hướng cụ thể cho những ngày tháng tới. Bạn tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất. Nhưng tất cả “gì” của thế gian đều ngắn ngủi, phù du so với Nước Chúa. Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là sở hữu chính Chúa; có Chúa, có tất cả, không chỉ đời này nhưng cả đời sau. 365 ngày mở ra, chắc chắn vui có, buồn có, hạnh phúc có, khổ đau có; nhưng nếu biết mở rộng ‘tầm nhìn’ vào Cha trên trời, chúng ta sẽ an tâm vững tiến. “Tìm Nước Thiên Chúa” là một ‘tầm nhìn’ và là một hướng đi đúng đắn nhất. Phaolô thật chí lý, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em!” - bài đọc hai.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để bất cứ điều gì, bất cứ ai chắn che Chúa khỏi con. Cho con ‘mở mắt’ thấy Chúa mỗi ngày, với lòng biết ơn, mở rộng đôi tay để nhận và để trao!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

VĨ NHÂN CỦA CÁC VĨ NHÂN

Mồng Hai Tết Ất Tỵ Cầu Cho Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhớ tục “bỏ mả” của một số dân tộc vùng cao. Sau khi chôn người chết, hàng ngày, con cháu mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình. Sau đó, họ san phẳng mộ; từ đó, không ai nhớ đến nó nữa. “Bỏ mả”, “bãi mả” gần như bắt buộc trong nếp du canh, du cư.

Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà tổ tiên; nhưng kính nhớ các ngài. Huấn Ca coi các ngài như những vĩ nhân, “Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng!” - bài đọc một. Sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân, các ngài xứng với danh hiệu ‘vĩ nhân của các vĩ nhân!’. Các ngài được kính nhớ trọn tháng Các Đẳng; ngày đầu năm; trong mỗi thánh lễ; và ba lần mỗi ngày, sau kinh Nhật Một.

Trước hết là công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột… máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho mặc; “Dục” là giáo dục, dạy cho nên người, nên thánh. Không được “dục”, nhất định không thành người. Một em bé được thả vào rừng - vì sinh tồn - có lẽ sẽ kiếm được cái ăn, cái uống, nhưng đó không phải là một con người toàn diện mà chỉ là một con vật ‘hao hao người’. Vì thế, ngoài sinh, dưỡng, còn phải “dục”, “Bé chẳng vin, cả gãy cành!”. Bên cạnh đó, một điều khác còn khó hơn bội phần - gương sáng! Trên đời này, không nghề nào khó hơn làm gương sáng. Như thế, công đức của các đấng sinh thành dành cho chúng ta thật bao la trời bể. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài - ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’ - và không ‘bỏ mả’ là phải lẽ.

Lần kia, đang điểm tâm với một đôi vợ chồng Pháp trên một phố cổ, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài 80. Một người đàn ông, khoảng lục tuần, dìu bà xuống xe; đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Khi ăn, ông gắp và đút cho bà từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Nhìn từng cử chỉ ấy, tôi lặng người! Những người bạn Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi thèm, tôi ghen với ông ấy. Mắt tôi bỗng cay cay! Giờ đây, tôi ước được cầm tay dắt ba mẹ mình, ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không.

Tiếp đến, bạn đối xử làm sao với cha mẹ, con cái sẽ đối xử với bạn như thế! Không cần đợi 30, 40 năm sau, nhưng nhãn tiền. Bạn hiếu thảo với cha mẹ bây giờ, con cái sẽ thảo hiếu với bạn mai ngày! Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho các ngài, con cái sẽ không biết cầu nguyện cho chúng ta; mai kia, bạn nằm ngoài mộ, nào ai nhớ? Không làm gương cho con cái hôm nay, đừng ngạc nhiên khi con cái ‘bỏ mả’ chúng ta mai ngày.

Anh Chị em,

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”. Công đức các đấng sinh thành góp phần làm nên những gì chúng ta là, chúng ta có! ‘Vĩ nhân của các vĩ nhân’ không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin cho chúng ta. Vì thế, hãy yêu thương, kính trọng, trân quý các ngài khi các ngài còn sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất bóng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘bỏ mả’ với các đấng đã khuất; dạy con biết ‘nâng niu’ các bậc chưa khuất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Sống Sứ Vụ Của Chúa

Chúa Nhật 3 TN năm C

Nkm 8, 2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12, 12-30; Lc 1, 1-4; 4,14-21

Giêsu đã đến trong cuộc đời này. Lời Hứa Cứu Độ đã hoàn thành nơi Chúa Giêsu.

Lời Hứa Cứu Độ ấy được báo trước qua miệng các ngôn sứ.

Các ngôn sứ loan báo hình ảnh của Đấng Cứu Độ. Có lẽ rõ nét nhất là hình ảnh của ngôn sứ Isaia, một ngôn sứ quá đau khổ.

Mở sách ngôn sứ Isaia, ở Is 52, 13-53 chúng ta bắt gặp ngay : “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng.” Đọc những dòn tiếp theo, một mảng tối thật u ám nơi cuộc đời của vị ngôn sứ đau khổ này. Một bản mô tả rất sống động về sự thất thế, đau khổ cũng của người tôi tớ đó. Ông sẽ không còn được nhận ra nữa : “Khi thấy tôi trung của Ta, mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa.” Mọi người ngoảnh mặt đi chẳng dám nhìn người tôi tớ đau khổ. Điều gây sửng sốt nhất là hình phạt này xem ra là do Thiên Chúa gây nên. Xưa nay vẫn giải thích như vậy. Thực thế bản văn có một câu làm tôi lưu ý mãi : “Đức Chúa hài lòng khi thấy người bị nghiền nát trong yếu đuối.” Đức Chúa này là Thiên Chúa nào mà lại hài lòng vì người vô tội bị nghiền nát?

Nhìn hình ảnh người tôi tớ như thế này, độc giả sẽ nghĩ ngay trong lòng“Ông Trời đáng ghét của Cựu ước.” Nhưng nhìn kỹ hơn vào toàn thể bài ca thì đoạn văn này được viết dưới dạng kịch nghệ. Tức có sự thay đổi về người nói. Khởi đầu thì Thiên Chúa nói, sau đó đến các khách bàng quan bàn tán khi quan sát người tôi tớ trong khổ đau. Đối với những người này thì rõ ràng Thiên Chúa đang nghiền nát người tôi tớ vô tội. Chuyện này giống như khi chúng ta kêu ca về những đau đớn của mình:“Chúa thử thách đức tin của tôi quá sức chịu đựng. Thật ngã lòng, chẳng thể còn kiên nhẫn hơn nữa.” Đúng vậy, thượng đế đã đẩy người ta đến bờ vực thẳm của thất vọng ?

Rồi thay đổi vai trò của khách bàng quan: Họ cố gắng tìm hiểu căn do sự đau khổ của người tôi tớ, và khám phá ra rằng chính vì tội lỗi của mình mà người tôi tớ phải chịu cực hình. Thật là điều gây ngỡ ngàng hết cỡ. Ông ta chịu đựng đau khổ để cứu chuộc thiên hạ. Họ đã sai lầm khi lên án ông, coi ông như kẻ có tội. Họ ăn năn hối lỗi, thú nhận sai lầm của mình. Sự thật là người tôi tớ đã gánh lấy tội thiên hạ và chính họ là những kẻ được hưởng sự tha thứ của Thượng đế: “Tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”.

Do đó, ý muốn của Đức Chúa Trời là tội lỗi nhân loại được tẩy sạch nhờ đau khổ và cái chết của người tôi tớ. Đúng là một mầu nhiệm. Đường lối suy nghĩ của chúng ta hoàn toàn sụp đổ, bởi lẽ công việc vĩ đại như gánh tội và xoá tội trần gian lại không theo lối nhìn cũng như cách hiểu của con người. Với Thiên Chúa thì khác, người tôi tớ của Thiên Chúa là người khiêm nhường, nhịn nhục và là người yếu đuối, dễ bị tổn thương, một dấu chỉ của sự chống đối. Cho nên chẳng lạ gì các tác giả Tân ước sử dụng những bài ca này để nói về Chúa Giêsu và lòng nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời. Thí dụ, thánh Phaolô nhiều lần đã chỉ ra cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô khi Ngài bị dân Do thái khước từ, chối bỏ. Chính trong công việc này mà nhân loại được lợi không kể xiết. Tác giả thư Do thái cũng thường khích lệ độc giả của ông không nên hổ thẹn vì thập giá Đức Ki-tô, ngược lại “hãy mạnh dạn tiến lại gần Ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”. Bởi lẽ Thiên Chúa đã cho phép Đức Giêsu, người tôi tớ, chia sẻ những yếu hèn và đau khổ với nhân loại. Cho nên quan niệm về “ông Trời đáng ghét của Cựu ước” là sai lầm. Chính qua người tôi tớ khiêm nhường mà Thiên Chúa mặc khải gương mặt yêu thương, nhân từ của Ngài.

Người tôi tớ Giavê đứng làm trung gian cho cả Thiên Chúa và loài người. Một sự tổng hợp kỳ lạ giữa thần linh và nhân loại. Ông là đại diện cho thần linh, đứng về phía Thiên Chúa, Ngài gọi ông : “Tôi tớ của Ta”. Trong ông, ý muốn của Đức Chúa hoàn toàn được thành tựu. Ông cũng đại diện cho nhân loại tội lỗi, mặt mày tan nát, chịu khổ đau đến cùng cực, chịu chung số phận với loài người, đồng hoá với anh em mình. Chúng ta nhìn nơi ông hành động của thượng đế trên nhân loại và vì nhân loại. Chính trong nơi người tôi tớ mà chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa cứu độ.

Nhưng người tôi trung cũng có tham gia phần của mình vào cuộc đau khổ mà Thiên Chúa đã chỉ định cho ông. Ông đồng ý với chương trình của Đức Chúa, gánh chịu hậu quả của tội lỗi người khác, vâng lời Thiên Chúa cho đến mức bằng lòng chịu chết thay cho thiên hạ. Ông là một nhân tố tự do và tự nguyện, không ai ép buộc ông, nhưng hoàn toàn hiến dâng cho Thượng đế. Đây là một sự cộng tác lạ lùng giữa Thiên Chúa và nhân loại để mưu ích cho loài người. Kết quả là một công trình vĩ đại. Bởi người tôi tớ đã “xoá tội trần gian và tranh thủ được ơn tha thứ cho những kẻ xúc phạm”. Ai đã thi hành cuộc hy sinh ? Thiên Chúa hay người tôi tớ ? Câu trả lời là cả hai. Thiên Chúa đã hy sinh người tôi trung. Người tôi trung đã bằng lòng hiến tế. Trường hợp của Abraham và người con duy nhất Isaac. Trong văn bản, kẻ có lỗi dùng ở đại từ “chúng ta”: “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta… Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội… Chúng ta đã đi lạc như chiên cừu v.v…” Hoá ra người tôi tớ này không phải là kẻ phạm tội. Đau khổ của ông có mục đích duy nhất là thức tỉnh ý thức tội lỗi của nhân loại !

Ngày hôm nay, người tôi tớ mà Isaia loan báo đó đã trở thành hiện thực nơi cuộc đời ngôn sứ Giêsu. và ngôn sứ Giêsu hôm nay tiến vào hội đường như là việc hết sức bình thường. Những người trong Hội Đường đã trao cho ngôn sứ Giêsu sách Isaia và mở ra, bất chợt bắt gặp lại hình ảnh của người tôi tớ đau khổ cũng như sứ mạng của người ngôn sứ đó Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Sau đó, Chúa Giêsu đã nói với những người ở trong hội đường rằng : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Một lần nữa, Chúa Giêsu khẳng định lại vai trò của Ngài. Ngài đến để đem niềm vui, đem bình an, đem hạnh phúc cho con người.

Sứ vụ của Chúa Giêsu cũng đã được ông Etra nói với dân sau khi nghe sách Luật mà ông mở ra đọc cho dân : “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.”

Vẫn là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.

Chúng ta sẽ tự hỏi rằng chúng ta có giàu có gì đâu để loan báo cho người nghèo ?

Và, có ai hỏi ta, ta cũng sẽ nói rằng tôi nghèo lắm, tôi đâu có gì để mà cho, có gì để mà chia sẻ ? Nói như thế mà không biết ngượng.

Thử, lúc nào đó trong lặng thầm, nhìn lại cuộc đời chúng ta xem, chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều ơn đó nhưng chúng ta đã không nhận ra.

Có lúc nào đó, người hằng nghiền ngẫm suy tư

Cảm thấy đời ta, chứa chan hồng ân Chúa ban

còn chờ gì nữa ? Không vang khúc hát tri ân Ngài ?

Lạy Chúa, con xin cảm tạ, Lạy Chúa con xin cảm tạ

Ôi lạ lùng hồng ân Chúa đã ban cho đời !

Chúa ơi, sao con suy thấu tỏ tường ?

Ôi, nhiệm mầu tình yêu thánh thiêng dâng cao vời !

Chúa ơi, tình Ngài tuyệt diệu xiết bao

Nghiền ngẫm thử đi sẽ rõ ! Những ngày này, những ngày Tết Nguyên Đán cận kề. Giữa dòng đời ngược xuôi đi tìm miếng cơm manh áo, ta hạnh phúc hơn nhiều người đó chứ ! Ta hạnh phúc hơn nhiều người nhưng ta đâu nhận ra để rồi ta oán trách Chúa thế này thế kia.

Cứ thử đặt mình vào vai một người di dân xa quê nghèo vì miếng cơm manh áo ta sẽ rõ hơn ai hết. Đi làm tháng vài triệu bạc, thuê căn phòng trọ ọp ẹp gần triệu bạc. Cơm ăn, áo mặc nữa, quay đi quay lại hết tháng phải đóng tiền phòng trọ, tiền điện tiền nước, thử hỏi còn bao nhiêu. Và, những ngày này dắt díu nhau về quê gặp gia đình được dăm ba bữa.

Những ngày này, ra các bến xe, ta thấy những người nghèo ngược xuôi để về quê với hai bàn tay chai sạm và bờ vai gầy guộc nhỏ ta mới thấy được Chúa thương ta là dường nào.

Và, nhất là cuộc đời của ta là ta hạnh phúc, ta có Chúa trong đời.

Một chút, một chút thôi một bữa ăn, một chầu karaoke ta có thể làm ấm lòng những người nghèo. Những người nghèo đó ở đâu xa ? Những người nghèo đó ngay bên cạnh nhà ta mà bấy lâu nay ta vô tâm vô tình không nhớ đến họ.

Có cái để cho nữa đó chứ ! Là chút tấm lòng với những người bất hạnh.

Sứ vụ của Chúa mở ra cho mỗi người chúng ta, chuyện quan trọng là chúng ta có sống sứ vụ mà Chúa đã sống, đã mời gọi chúng ta hay không mà thôi.

Lm. Anmai, CSsR.

Subcategories