3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Chữ Tâm

Chúa Nhật 7 Thường Niên C

HÃY NHÂN TỪ NHƯ THÁNH PHỤ NHÂN ÁI

ĐỪNG XÉT ĐOÁN ĐỂ CHÚA TRỜI THỨ THA

 

Đó chính là “cái tâm” của các Kitô hữu – nói chung, và của các tín nhân Công giáo – nói riêng. Lòng nhân từ luôn liên quan sự tha thứ. Cụ thi hào Nguyễn Du đã biện luận: “Thiện căn ở tại lòng ta – Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tâm không cần Tài, nhưng Tài luôn cần Tâm, nếu không thì Tài sẽ hóa Tai (tai ương, tai họa).

Chữ TÂM có khá nhiều nghĩa – đen và bóng: tâm tạng (trái tim), tâm thất (ngăn dưới trong trái tim), tâm phúc (bụng dạ, lòng, ruột), tâm cảm (lòng, tình cảm), tâm phục (thật lòng kính trọng vâng theo), tâm ý (lòng dạ và đầu óc), đồng tâm nhất trí (cùng một lòng, một ý), viên tâm (điểm giữa vòng tròn, trọng tâm, trung tâm), tâm tưởng, tâm tư, tâm niệm, tâm nguyện, tâm thức, tâm tính, tâm tình, tâm địa, tâm ý, tâm lý, tâm trí, tâm thần, tâm trạng, lương tâm, tâm hồn, tâm linh,…

Chữ Tâm được đề cập ngay ở đầu Kinh Pháp Cú: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả”. Chữ Tâm liên quan việc sửa mình (tu thân). Cổ nhân có câu: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị. Thử vị tu thân tại chính kỳ tâm”. Nghĩa là “nếu tâm trí không để vào đó, thì dẫu nhìn mà chẳng thấy, dẫu để tai mà chẳng nghe, dẫu ăn mà chẳng biết mùi vị. Như vậy nên gọi là sửa mình cốt ở chỗ làm cho lòng (cái tâm) mình ngay thẳng.

Trình thuật 1 Sm 26:2, 7-9, 12-13, 22-23 cho biết: Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp. Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh.

Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai”. Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?”. Dù sống thời Cựu Ước, với luật “răng đền răng, mắt đền mắt”, nhưng ông Đa-vít vẫn có một tấm lòng – nhân từ và tha thứ.

Sau đó, ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì Đức Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ. Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ. Ông Đa-vít nói: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sm 26:22-23). Đó là cái tâm cần thiết mà ông Đa-vít đã có.

Martin Luther King (1929-1968) có triết lý sống tuyệt vời: “Yêu thương là điều duy nhất có thể biến đổi kẻ thù thành bạn hữu”. Điều đó rất phù hợp với giáo huấn mà Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34; Ga 15:12 và 17). Đó chính là dấu hiệu chứng tỏ ai thực sự là môn đệ của Ngài (Ga 13:35). Thánh Gioan nói rằng chúng ta không chỉ PHẢI tin vào danh Đức Giêsu Kitô mà còn PHẢI yêu thương nhau (1 Ga 3:23).

Cái “phải” đó không có nghĩa là ép buộc, mà là nhận thức và tự nguyện. Trong tâm tình yêu mến, Thánh Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:1-4). Lời tự nhủ đó là điều tâm niệm và tâm nguyện, đồng thời cũng là cách dẫn chứng để chính mình tâm phục khẩu phục – kể cả tha nhân.

Nhờ vào các nguồn đáng tin cậy khác nhau – từ cổ chí kim, cách riêng là chính kinh nghiệm sống tâm linh của mỗi người, chúng ta biết chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ hoài, không oán hờn mãi, không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103:8-10). Quả thật, Thiên Chúa quá đỗi nhân từ đến nỗi phàm nhân có lúc cảm thấy phân vân, thế nhưng Ngài thực sự là vậy, không thể khác được, bởi vì đó là bản chất của Ngài và chính Ngài xác nhận: “Ta vốn nhân từ” (Xh 22:26). Và rồi Thánh Gioan cũng đã định nghĩa về Ngài: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8 và 16). Một định nghĩa ngắn gọn nhưng bao hàm tất cả.

Nếu Thiên Chúa chấp tội, chẳng ai có thể nên thánh, chẳng ai có thể vào Thiên Đàng. Thế nhưng thật diễm phúc cho chúng ta, vì mọi thứ tội và tội của thế gian này cũng chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Ngài: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103:12-13). Thế đấy, tội gì cũng được tha – dù nhỏ hay to, nhẹ hay nặng, khinh tội hoặc trọng tội, nhưng chỉ có một tội không được tha: tội phạm tới Thần Khí – Chúa Thánh Thần (Mt 12:31; Mc 3:29; Lc 12:10). Hữu tâm thì được tha, vô tâm thì đành chịu (hoặc ráng chịu).

Thánh Phaolô trích dẫn: “Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó” (1 Cr 15:45-46). Hai con người với hai dạng “sức sống” hoàn toàn khác nhau. A-đam đầu tiên là nhân loại, A-đam cuối cùng là Đấng Tạo Hóa – Đức Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô giải thích rõ ràng hơn: “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15:47-49). Chúng ta là loài người, mang thân bụi phận cát, nhưng được hình thành một cách lạ lùng, khiến Thánh Vịnh gia đã phải thốt lên: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Tv 139:14).

Trình thuật Lc 6:27-38 (≈ Mt 5:38-48; 7:1-2) đề cập hai vấn đề, và cũng là hai mệnh lệnh: tình yêu thương và lòng nhân từ – yêu thương và nhân từ với bất kỳ ai – kể cả kẻ thù. Yêu thương và nhân từ không thể tách rời nhau, có cái này thì cũng có cái kia, không có cái này thì cũng chẳng có cái kia.

Nói yêu thương thì không khó, thực hành yêu thương thì rất khó, nhưng không thể không làm, vì đó là mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại”.

Lòng yêu thương vô cùng quan trọng, là thước đo lòng mến Chúa, và là “món nợ” mà ai cũng phải trả xong cho đến đồng xu cuối cùng. Chính Chúa Giêsu đã nói chi tiết: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-24). Và Thánh Gioan giải thích: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Cách so sánh chí lý!

Thật vậy, Chúa Giêsu nói rất cụ thể: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Điều Ngài nói rất đời thường chứ chẳng xa rời thực tế. Tương tự, người đời cũng nhận định: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” – Mình không muốn điều gì cũng đừng làm cho người khác. Rồi Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn NHÂN HẬU với cả PHƯỜNG VÔ ÂN và QUÂN ĐỘC ÁC”. Lúa và cỏ vẫn sống chung một nguồn nước và cùng hấp thụ chất dinh dưỡng như nhau. Nắng mưa chẳng cho riêng ai – dù người đó tốt hay xấu, biết điều hay ngang ngược.

Chúa Giêsu đưa ra một loạt mệnh lệnh – mệnh lệnh xác định và phủ định: “Anh em HÃY có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em ĐỪNG xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em ĐỪNG lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em HÃY tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em HÃY cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. Thiên Chúa rất đại lượng và hào phóng, không ai phải chịu thiệt bao giờ. Ngài nhân lành nhưng chí công, và thời gian cũng có hạn.

Có mọi thứ mà không có đức ái thì cũng hoàn toàn vô ích! (x. 1 Cr 13:1-3). Ca dao Việt Nam so sánh rất cụ thể:

Dẫu xây chín bậc phù đồ (*)

Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người

Đó là cái Tâm mà ai cũng phải có, gọi là “đạo làm người”, loại “đạo” này không phân biệt bât kỳ tôn giáo nào, kể cả những người vô thần, bởi vì là con người thì ai cũng phải có loại “đạo” đó.

Chẳng dễ gì để sống có cái Tâm, bởi vì không chỉ mệt mỏi mà còn khổ lắm, nhưng cái khổ đó rất có giá trị. Có lòng yêu thương thì sẽ có cái Tâm, và làm được điều kỳ diệu, như Thánh Faustina Maria Kowalska cho biết: “Tình yêu cao cả có thể biến đổi những điều nhỏ thành những điều to, và chỉ có tình yêu đó mới làm cho hành động của chúng ta có giá trị”. Thánh Gioan Maria Vianney xác định: “Bạn phải chấp nhận thập giá của mình, nếu bạn can đảm vác nó thì nó sẽ đưa bạn tới Thiên Đàng”.

Lạy Thiên Chúa nhân lành, luôn nhân hậu và giàu lòng nhân ái, xin biến đổi để chúng con có thể nhân từ với mọi người, sống nhân hậu như Ngài mong muốn, xin giúp chúng con biết hy sinh và chịu đựng nhau vì yêu mến Ngài, để đền tội của mình, để cầu nguyện cho tha nhân và các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Hãy ở nhân từ như Chúa Cha

Chúa Nhật 7 Thường Niên C (Lc 6, 27-38)

Tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đào luyện các môn đệ và dạy dỗ dân chúng. Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, những người đang nghe Chúa nói, cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội giờ này : “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6, 27). Chúa bảo chúng ta điều gì ? Thưa, Chúa bảo :  “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). Yêu kẻ thù ư, làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư, chúc phúc cho ai nói xấu ta, và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư ? Thật không dễ dàng chút nào hết. Nhưng đây là bốn chi tiết để sống đời Kitô hữu của chúng ta.

Ghét kẻ thù là lẽ thường tình, làm ơn hay chúc phúc cho kẻ thù và những người thuộc phe đối lập là chuyện ngược đời, nhưng Chúa Giêsukhuyên chúng phải lội ngược dòng và hành xử với tư cách là con cái Chúa, giống Cha trên Trời. Ý thức mình là con phải nên giống Cha, và học sống sao cho có lòng nhân từ như Chúa Cha : “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Đây không phải là một câu khẩu hiệu, mà là một sự dấn thân của đời sống người Kitô hữu. Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, là Đấng toàn năng, toàn thiện. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa khích lệ chúng ta trở nên giống như Ngài, đầy tràn tình yêu và lòng trắc ẩn. Trở nên giống Thiên Chúa là trở nên hoàn hảo, nghĩa là hãy ở nhận từ và biết xót thương anh em.

Có người hỏi: Liệu những lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Chúng ta là những con người sống trong thế gian làm sao có con tim đầy ắp yêu thương để yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu và sống nhân từ như Chúa sống?

Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương hết mọi loài, đặc biệt con người bằng một tình yêu cao với khôn ví. Thiên Chúa không nói xuông, mà Ngài đã làm trước, bằng chứng là “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10). Thánh Gioan còn viện lý : “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Đavit đã không dám tra tay đụng đến Saolê, người đã được Chúa xức dầu, ông việc cớ : “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” (1 Sm 26, 22-23).  Cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trên thập giá là đỉnh cao của lịch sử của tình yêu ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu, còn chúng ta là kẻ có tình yêu, nên chúng ta có lúc yêu lúc ghét, nghĩa tình yêu của chúng ta sẽ luôn có khiếm khuyết. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, Chúa muốn chúng ta hãy trở thành dấu chỉ, và chứng nhân của lòng từ tâm Chúa giữa thế gian.

Thế còn Giáo hội, vì được cấu thành bởi những con người bất toàn như chúng ta, Giáo hội cũng khó có thể, nhưng Giáo hội trở thành bí tích của lòng nhân từ Chúa trong thế giới, chúng ta được mời gọi để trở thành chứng nhân của lòng Chúa từ tâm. Lòng từ tâm ấy được thể hiện bằng hai động từ: “Tha thứ” và “Cho đi” như Chúa bảo : “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37).

Đứng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù.

Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm. Chúng ta thường hay xét đoán không tốt cho người khác là điều mà Chúa cấm. Chúa Giêsu cũng đã từng so sánh thái độ của người con Chúa với thái độ của các luật sĩ, biệt phái… họ thường ra vẻ đạo đức, hay lên án người khác và cho rằng chỉ có mình mới tốt, còn tất cả mọi người anh em khác là không tốt bằng.

Tại sao Chúa dạy người con Chúa không được xét đoán và lên án ? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, chũng không thể xét đoán đúng và công bằng được. chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người. Ngài là Đấng nhân từ đã không lên án, vậy cớ sao ta lại lên án nhau. Tuy nhiên, Chúa cho phép con người nhận định về nhau, phê bình nhau với tình yêu thương xây dựng, và giúp nhau thăng tiến.

Còn câu Chúa nói : “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không bao giờ lên án ai thì Chúa không lên án chúng ta dù chúng ta tội lỗi. Thưa không phải thế. Cầu này chỉ muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừn đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm.

Hãy tha thứ”Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.

Hãy cho…Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, vượt xa công trạng của chúng ta. Chúa Giêsu không nói điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không cho đi, nhưng nếu chúng ta thấy rõ có một luận lý chắc chắn: theo cách mà người ta nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì người ta hãy cho anh em mình như thế, và theo đúng cách mà người ta cho một người anh em, thì người ta sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa!

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

NHỮNG TUYÊN BỐ LẠ LÙNG CỦA CHÚA GIÊSU

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Hôm nay, trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy hạnh phúc đích thực nằm ở đâu. Nhưng thoạt nghe, các mối phúc này không phúc chút nào theo mong ước thông thường của người đời, vì chúng đi kèm với nào là “nghèo khó, đói khát, khóc lóc và cả bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” nữa (Lc 6: 20-22). Thật là những chuyện chẳng ai thích, vì ai cũng biết đó là những nỗi khổ, những bất hạnh không nên rơi vào. Những điều như vậy không phải là những tuyên bố lạ lùng hay sao? Vậy Chúa Giêsu thực sự muốn công bố sứ điệp gì khi Ngài tuyên bố những điều lạ lùng như thế?

  1. Một sự đảo ngược triệt để các giá trị của người đời

Thánh Luca ghi nhận một chi tiết quan trọng: trước khi nói những điều lạ lùng này, “Chúa Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ” (Lc 6: 20). Chúa Giêsu nhìn những ai Ngài kêu gọi, những ai chọn bước đi theo Ngài, những người thực lòng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu biết những gì là quan trọng đối với họ, trong tư cách là môn đệ của Ngài, là phải biết cách phân biệt hạnh phúc đích thực với những thứ vui vẻ giả tạo không bền vững. Những thứ bên ngoài này, dù có vẻ là vui sướng, nhưng thực ra chúng hời hợt, chóng qua và rồi để lại những khốn khổ: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê…Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười… Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng” (Lc 6: 24-26). Như thường thấy trong các sách Tin Mừng, ở đây chúng ta có một ví dụ về sự đảo ngược bậc thang giá trị mà Chúa Giêsu rất coi trọng. Người ta vui vẻ khi được ăn no và vui cười thích thú khi mọi người ca tụng mình. Điều này có vẻ phù hợp với suy nghĩ, lời nói và hành động của hầu hết người đời chúng ta. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, và những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Ngài, thì hạnh phúc thật không phải như thế, nhưng ngược lại: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói… Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc… húc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa…” (Lc 6: 20-22). Với các lời tuyên bố này, Chúa Giêsu giảng dạy giáo lý về hai con đường: con đường sống thật và con đường chết thật. Không có con đường trung lập: ai không hướng tới sự sống muôn đời sẽ hướng tới sự chết muôn đời, giống như người quay lưng lại ánh sáng thì sẽ tự đi vào trong bóng tối.

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20). Phúc thật này là nền tảng của tất cả các phúc thật khác. Thánh Mátthêu nói rõ về sự nghèo khó này là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5: 3), vì người có tâm hồn nghèo khó là người không coi bất cứ thứ gì ở đời này là quá quan trọng, là giá trị duy nhất, phải chiếm đoạt bằng mọi giá, kề cả những thủ đoạn gây hại cho nhiều người khác. Những kẻ nghèo khó như thế biết rằng sự giầu có thực sự không thể chỉ giới hạn ở cuộc sống phù vân này, nhưng nó nằm ở Nước Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, khi người ta biết mở lòng đón nhận ơn ban đó. Những kẻ nghèo khó sẽ nhận ra điều mình phải đói khát: không phải của cải vật chất, mà là Lời Chúa; không phải quyền lực, mà công lý và tình yêu. Những kẻ nghèo khó biết khóc trước những nỗi đau khổ của những người anh chị em khác trong trần thế. Những kẻ nghèo khó biết rằng tất cả của cải của mình là món quà từ Thiên Chúa. Tất cả những giá trị vượt thời gian này không hề giống, thậm chí còn ngược lại những suy nghĩ coi của cải vật chất, thú vui trần gian, danh vọng phàm nhân là những giá trị tuyệt đối, và vì thế những kẻ nghèo khó này sẽ bị thế gian hiểu lầm và ngược đãi: “Bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” (Lc 6: 22).

Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi!” (Lc 6:24). Lời than thở này cũng là cơ sở cho tất cả những lời than thở tiếp sau, bởi vì bất cứ ai giàu có và tự mãn, tự cho mình là đủ, khép mình trong cuộc sống hưởng thụ riêng tư, không biết dùng của cải của mình để phục vụ người khác, không khiêm tốn mở lòng đón nhận sứ điệp cứu độ từ trời cao, bên kia mọi sự đời, thì sẽ tự nhốt mình trong sự ích kỷ và rồi sẽ nhận ra sự bất hạnh của chính mình. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6:24-25). Chúng ta được mời gọi hiểu rằng lời của Chúa Giêsu đưa chúng ta ra khỏi lối suy nghĩ thấp bé của phàm nhân, khỏi những chuẩn mực của thế gian, để thay đổi hoàn toàn các giá trị của mình.

Chúa Giêsu có logic riêng của Ngài, vì Ngài đang nói về Vương quốc Thiên đàng, điều này thật khác với lý lẽ con người và không dễ chấp nhận. Nhưng chúng ta nên cẩn thận nghe kỹ Lời Chúa nói: “Phúc cho anh em khi vì Con Người…” (Lc 6: 22). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, nói rằng: “Giáo hội không sợ nghèo đói, khinh miệt hay bách hại trong một xã hội thường bị thu hút bởi sự sung túc vật chất và quyền lực thế gian. Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta rằng chịu đựng những điều xấu xa này chẳng có ích gì, nhưng thực ra là chịu đựng chúng nhân danh Chúa Giêsu, không chỉ với một tâm hồn thanh thản mà còn với niềm vui” (Kinh Truyền Tin, quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật, 30 tháng 1 năm 2011).

  1. Chúng ta chọn theo ai?

Phúc cho anh em khi vì Con Người” nghĩa là gì? Là làm mọi sự vì Chúa, chọn theo Chúa trong mọi sự. Giống như Giêrêmia, trong bài đọc thứ hai, kêu gọi những người đương thời của ông đưa ra những lựa chọn quan trọng, vị ngôn sứ cũng đặt câu hỏi cho chúng ta ngày nay: chúng ta chọn theo ai, theo Chúa hay theo phàm nhân? Chọn cái chết trong hoang địa, hay chọn sự sống như cây trồng bên dòng nước? “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17: 5-6). Sự khôn ngoan duy nhất là chúng ta tin cậy vào Chúa, để Ngài hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hành vi và tất cả con người sâu kín của chúng ta và qua đó ban cho chúng ta sự thanh thản ở đời này và chìa khóa mở vào sự sống vĩnh cửu mai sau. “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa, và có Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17: 7-8).

Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Philípphê 1: 21). Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rất rõ điều này và đã tuyên bố như vậy. Chúa Kitô là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, Đấng ban sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, nghĩa là ban hạnh phúc đích thực cho mọi người. Giáo hội khẳng định rằng Chúa Giêsu: “Nhờ sự Phục Sinh của Ngài, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa, để ‘cũng như Chúa Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới’ (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng” (GLHTCG, số 654). Tất nhiên Chúa Giêsu không áp đặt ý muốn của Ngài trên chúng ta, nhưng Ngài luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa của chúng ta có bước theo Ngài hay không.

Đây là lý do tại sao, giữa những lo lắng và phiền muộn do những thử thách đủ loại, kể cả bởi những cuộc bách hại, Chúa Kitô mời gọi chúng ta kiên trì, tín thác vào Ngài, qua Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài, cố gắng xóa bỏ chúng khỏi cuộc sống của chúng ta. Tín thác vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta tin chắc rằng, nhờ Thánh Thần của Ngài ban sức mạnh, chúng ta sẽ đạt tới hạnh phúc thật.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI huấn dụ: “Các Mối Phúc là một chương trình sống mới, để giải thoát bản thân khỏi những giá trị giả tạo của thế gian và mở lòng đón nhận những điều thiện hảo đích thực, hiện tại và tương lai. Thật vậy, khi Thiên Chúa an ủi, Ngài thỏa mãn cơn đói công chính, Ngài lau khô nước mắt của những người than khóc, điều đó có nghĩa là, ngoài việc đền bù cho từng người một cách thiết thực, Ngài còn mở ra Vương quốc Thiên đàng” (đã dẫn ở trên).

Không phải những thử thách tự chúng khiến người môn đệ hạnh phúc; nhưng là chính nhờ Chúa Kitô, với Ngài và trong Ngài mà chúng ta giúp nhau vượt qua những nghèo khó, đói khát, khóc lóc, oán ghét, khai trừ, và sỉ vả. Nhờ đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu, dù có vẻ kỳ lạ, có thể thực sự hiểu được trong viễn cảnh hạnh phúc: “Vì Nước Thiên Chúa là của anh em…Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng…Vì anh em sẽ được vui cười… Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Lc 6: 21-22).

Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi cơn khát giàu sang, đừng chạy theo những lời hứa của thế gian mà đặt kỳ vọng vào của cải vật chất; Xin Chúa đừng để chúng con thỏa mãn với lời khen ngợi và tâng bốc của người đời, đừng đặt con người chúng con vào vinh quang thế gian nhưng vào sự sống đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô, như thánh Phaolô xác quyết trong bài đọc thứ hai: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Chúa Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15: 19-20).

 

Phêrô Phạm Văn Trung

NHƯ TRÁI TIM NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA

Chúa Nhật 7 Thường Niên C

Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Luca công bố một sứ điệp rất ngắn gọn, nhưng lại sâu xa: đó là chuẩn mực của lòng nhân từ và cách thể hiện cụ thể của chuẩn mực đó: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6: 36). Thực ra, không dễ sống như Chúa Giêsu đòi hỏi: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6: 27-28). Nhưng Chúa Giêsu rất rõ ràng, cụ thể, thậm chí quyết liệt nữa: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại” (Lc 6: 29-30). Đây không phải là những lời bị chê là dại dột sao? Ít nhất thì những lời này cũng gây ra những quan điểm trái chiều, những tranh cãi, và cũng khó thực hiện đối với mỗi người chúng ta.

 

  1. Trở nên giống Chúa Kitô, giống Thiên Chúa

Đối với hầu hết mọi người trên trần thế này, những lời như vậy của Chúa Giêsu là chuyện viễn tưởng và những ai muốn sống theo những yêu cầu như vậy, dù có thể được coi là những người hiền lành, dễ thương, nhưng cũng dễ bị coi là ngốc nghếch. Dĩ nhiên, ai để mình bị cướp đoạt, bị vả vào má phải mà lại còn đưa luôn cả má trái cho người ta vả tiếp, v.v. thì thật ngây thơ, ngớ ngẩn, trong mắt một xã hội mà mọi thứ đều dựa trên chiếm hữu và quyền lực. Vậy Chúa Giêsu có ý nói gì ở đây?

Những môn đệ đích thực của Chúa Kitô, những Kitô hữu chân chính, không cố sức giành ưu thế hay quyền lực áp chế trên người khác, cũng không mong muốn của cải vật chất chỉ để “chiếm hữu riêng mình” mà không quan tâm gì đến những người khác đang thiếu thốn, nghèo đói chung quanh. Điều căn cốt của những ai bước theo Chúa Giêsu là trở nên giống Ngài. Người Kitô hữu đích thực là người muốn nên giống Chúa Kitô, giống Thiên Chúa. Đó chính là điều kiện để họ trở nên con Đấng Tối Cao, như Chúa Giêsu hứa: “Phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6: 35).

Mỗi con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (Stk 1: 27), là một thụ tạo có một không hai do Thiên Chúa dựng nên, với những tiềm năng, sứ mệnh riêng biệt của mình, phản chiếu lòng nhân từ của Thiên Chúa. Không ai, ngoài Thiên Chúa, có thể hiểu biết trọn vẹn dù chỉ một người. Mỗi cá nhân là một bí nhiệm của cõi nhân sinh, nhất là của thế giới tâm linh rộng lớn hơn. Đó là cách nhìn của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu, về mỗi người. Như vậy, khi nói: “Anh em hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6: 28-30), Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta nhìn người khác như cách nhìn của Ngài, cách nhìn đầy lòng nhân ái của Thiên chúa, không chất chứa chút nào cay đắng và giận dữ, mà chỉ là tràn đầy yêu thương. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy chàng trai trẻ Đavít, vị vua tương lai quyền uy của Israel, đã sống lòng nhân từ đó khi quyết định tha cho vua Saul mặc dù vị vua này luôn tìm mọi cách để truy đuổi ông, khiến cuộc sống của ông vô cùng khốn khổ: “…Ta sẽ truy nã nó trong mọi thị tộc Giuđa… Vua Saul lấy trong toàn thể Israel ba ngàn quân tinh nhuệ, và lên đường để tìm bắt ông Đavít và người của ông” (1 Sm 23: 23; 24: 3). Đavít không nhìn vua Saul như kẻ thù nhưng như người của Thiên Chúa: “Xin Chúa đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng Chúa đã xức dầu tấn phong, là tra tay hại vua, vì người là đấng Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sm 24: 7). Ở đây, Đavít là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53: 7).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Lời Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (27-38). Và đây không phải là tùy chọn, mà là một mệnh lệnh. Nó không dành cho tất cả mọi người, nhưng dành cho các môn đệ, những người mà Chúa Giêsu gọi là “những người đang nghe Thầy đây”. Chúa Giêsu hiểu rất rõ rằng yêu thương kẻ thù việc vượt quá khả năng của chúng ta, nhưng đây là lý do tại sao Ngài đã trở thành người: không phải để chúng ta như chúng ta hiện tại, mà để biến đổi chúng ta thành những người có khả năng yêu thương lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa Cha và của chúng ta. Đây là tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho những ai “nghe Ngài”. Vì vậy, điều đó trở nên khả thi! Với Ngài, nhờ tình yêu của Ngài, nhờ Thánh Thần của Ngài, chúng ta có thể yêu thương ngay cả những người không yêu thương chúng ta, ngay cả những người làm hại chúng ta…Những ai lắng nghe Chúa Giêsu, những ai nỗ lực theo Ngài ngay cả khi phải trả giá, sẽ trở thành con cái Thiên Chúa và bắt đầu thực sự giống Chúa Cha trên trời…Điều đó mang lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Chúng ta không còn cần đến bạo lực, bằng lời nói và cử chỉ: chúng ta khám phá ra rằng chúng ta có khả năng dịu dàng và tốt bụng; và chúng ta cảm thấy rằng tất cả những điều này không đến từ chính chúng ta mà từ Thiên Chúa” (Kinh Truyền Tin, Quảng trường Thánh Phêrô, 24.02.2019)

 

  1. Chuẩn mực của tình yêu: như Cha anh em là Đấng nhân từ

Nếu Cha trên trời là Đấng nhân từ, thì chúng ta, những người con của Ngài, cũng phải nhân từ: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6: 36). Chúa Giêsu xác quyết đây chính là chuẩn mực của tình yêu, của lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng là chuẩn mực sống của những ai muốn là môn đệ của Ngài. Đối với Chúa Giêsu, hoặc là yêu, yêu hết mình, hoặc là không yêu một chút nào cả, vì yêu thương là từ bỏ hoàn toàn bản thân, như Chúa Giêsu Kitô đã yêu: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philípphê 2: 8).

Có lẽ chúng ta cũng thường tự hỏi: nếu chúng ta cho đi, liệu chúng ta có được nhận lại những gì tương xứng không? Không có câu trả lời nào chắc chắn từ phàm nhân đời này cả. Nhưng có một câu trả lời chắc chắn từ Thiên Chúa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6: 38). Chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc, khi chúng ta biết cho đi trước. Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: khi cho đi, tôi có cho đi thật lòng không, cho đi trong vui vẻ, thanh thản và bình an không?

Để sống như vậy, người ta phải mở lòng để đón nhận tình yêu thương của Chúa Kitô dành cho mình trước. Chỉ khi cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa dành cho riêng mình chan chứa như thế nào, người ta mới có thể, đến lượt mình, dành tình thương cho những người chung quanh. Khi đó, người ta bắt đầu sống với Chúa, vì Chúa, rồi sống với nhau, vì nhau… Chính khi cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, mà những người môn đệ của Ngài muốn sống với và sống giống như Chúa của mình. Họ không còn thèm muốn sự giàu có của thế gian, như chiếm hữu cá nhân để hưởng thụ ích kỷ riêng tư. Họ xem nhẹ những điều sai trái mà người đời gây ra cho họ. Những sai trái ấy không thể làm mất đi điều tốt lành nơi cõi lòng sâu xa của họ, nhưng trái lại họ cảm thương “anh em mình” – những người xúc phạm đến họ – đánh mất chính mình trong tội lỗi. Vì vậy, như Chúa Giêsu, người môn đệ của Chúa Kitô không chỉ vui lòng không đáp trả bạo lực bằng bạo lực, mà thậm chí còn cầu nguyện cho kẻ thù của mình được hạnh phúc và hoán cải. Người môn đệ ấy thấm nhuần Lời của Chúa Kitô: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6: 37).

“Theo cách này, Chúa Giêsu muốn tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng lòng hận thù và sự cay đắng trong mỗi trái tim. Logic của tình yêu, đạt đến đỉnh cao trong Thập giá của Chúa Kitô, là huy hiệu của người Kitô hữu và thúc đẩy chúng ta gặp gỡ mọi người bằng trái tim anh chị em. Nhưng làm sao có thể vượt qua bản năng con người và luật trả thù thế gian? Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời trong cùng một đoạn Tin Mừng: “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (đã dẫn trên).

 

  1. Sống bằng tình yêu của Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô

Ờ đây, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận sức mạnh tình yêu của Ngài vào trong chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta sống tình yêu ấy; vì đó là con đường chân chính dẫn đến vinh phúc và sự sống đời đời. Quyết định là của chúng ta. Nhất là trong thời điểm bất ổn này của thế giới, khi bạo lực, xung đột, chiến tranh xảy ra rõ ràng, khi khủng hoảng kinh tế, xã hội và sức khỏe rất có thể khiến chúng ta nổi loạn và thất vọng. Có giải pháp nào căn cơ nhất cho con người chúng ta ngày nay không? Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một cung cách sống và ứng xử không phải là ngây ngô, ảo tưởng, bởi vì cung cách này mời gọi chúng ta gắn kết với nhau. Nói gắn kết là nói đến tham gia, góp phần, nói đến sự cho đi. Thường tình ai trong chúng ta cho đi mà không mong được nhận lại, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô thúc đẩy, chúng ta đủ sức mạnh để không quá đặt nặng việc được đền đáp, vì Chúa đã nói rõ: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng” (Lc 6: 32-34).

 Trong thời đại và xã hội hiện nay, chúng ta nhận thức được rằng Lời Chúa là một ngôn ngữ khó hiểu đối với những người không tin theo Thiên chúa, nhưng đó lại là Lời của chính Chúa Kitô: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6: 63). Hôm nay chúng ta có thực sự muốn sống bằng tình yêu của Thiên Chúa không, muốn thuộc về Đấng từ trời mà đến không, như thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu Côrintô, trong bài đọc thứ hai: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15: 48-49).

 

Phêrô Phạm Văn Trung

TIN NƠI CHÚA MỚI LÀ PHÚC THẬT

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Khác Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Phúc cho AI có TINH THẦN nghèo khó, phúc cho AI hiền lành, phúc cho AI khóc lóc…”, thánh Luca cho biết Chúa nói một cách trực tiếp: “Phúc cho CÁC NGƯƠI là những người nghèo, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ BÂY GIỜ ĐANG khóc…”.

Đối với thánh Mathêu, một cái “AI” nào đó, nghe xa xôi, chung chung. Hơn nữa: “AI có TINH THẦN”: một cái “AI” trong TINH THẦN, chứ không phải “các ngươi” trong đời thường, như thánh Luca đã nói thật cụ thể.

Dĩ nhiên mỗi cách viết của mỗi thánh sử đều có mục đích, ý hướng, ý nghĩa riêng, khó mà so sánh. Nhưng nếu nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” thì dễ hiểu hơn.

Tinh thần nghèo khó thì người rất giàu vẫn có thể có. Giàu nhưng họ sống thanh bần, không lệ thuộc của cải vật chất, đề cao đức bác ái và cho đi một cách dễ dàng… Vì đó là tinh thần mà! Tinh thần nghèo khó không có nghĩa là thiếu thốn cái ăn, cái mặc nhưng là sống siêu thoát.

Còn trong Tin Mừng thánh Luca, Chúa lại nói một cách trực tiếp: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, tức là phúc cho bạn và tôi là những người, chính lúc này, đang nghèo, đang đói, đang khóc… Nghèo thật sự, đói thật sự, khóc thật sự, chứ không có tinh thần gì ở đây hết! Nghèo lắm, đói lắm, đau khổ lắm, chứ không phải xa xôi, ở tận đâu đâu.

Vậy ta phải giải thích cách nào?

Chính Chúa Kitô là câu trả lời hoàn hảo. Bởi Chúa nghèo đến nỗi, con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng chính Chúa thì không có chỗ gối đầu. Chúa không có chỗ sinh ra, phải mượn chuồng lừa làm nhà, mượn máng lừa làm nôi. Chúa chết không có mảnh vải che thân, phơi thây giữa trời giữa đất…

Chúa còn nghèo về phương diện sự sống. Loài người tước đoạt đến nỗi trong vườn Giêtsêmani, Chúa hấp hối trong cơn túa mồ hôi nặng như những giọt máu. Chúa bị ngược đãi, bị chống đối, bị thù ghét, bị lột sạch danh dự và nhân phẩm, bị giết chết đau đớn, ê chề…

Vẫn chưa hết, trên thập giá tang thương, Chúa cô đơn cùng cực. Nỗi cô đơn tưởng như ngay cả Chúa Cha, chỗ dựa duy nhất của mình, cũng đã bỏ mặc. Chính miệng Chúa thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con”.

Sự nghèo khó của Chúa Kitô đi đến cùng của lòng vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục cho đến nỗi không còn gì thuộc về mình, chỉ còn thánh ý Thiên Chúa như sức mạnh cuối cùng giữa lúc lực cạn, và gục đầu phó dâng linh hồn.

Cuộc đời của Chúa Kitô rực sáng niềm tin tưởng vào thánh ý Chúa Cha. Nhờ tin, Chúa vui nhận mọi thử thách. Nhờ tin, Chúa bằng lòng đón nhận thân phận của một con người bị vùi dập, bị bạc đãi đến cùng.

Bạn thân mến, nếu Chúa Kitô trung thành với thánh ý Chúa Cha đến hết đời của mình, thì chúng ta cũng phải như thế. Vinh quang bao giờ cũng có giá của nó. Vinh quang mãi mãi đứng phía sau thập giá.

Nghĩ như thế, tôi thấy trong lời chúc: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, có một tâm huyết dành cho chúng ta lớn lắm: Hãy tin vào Thiên Chúa. vì chỉ có những ai dù đói nghèo, dù khổ sở đến đâu, nhưng vẫn vững một lòng tin, mới là người có phúc.

Có ai không muốn mình hạnh phúc! Chúa Kitô cũng vậy. Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta phải nghèo, phải đói, phải khóc lóc. Nhưng Ngài muốn ta đi trên con đường mà Ngài đã đi. Đó là con đường của đức tin: Tin vào Thiên Chúa, Cha của Ngài và Cha của chúng ta.

Nghèo đói, thiếu thốn, than khóc… là những đau khổ. Nhưng trong đau khổ, hãy cứ tin. Đức tin sẽ giúp lắng bớt nỗi đau. Đức tin cho ta yên lòng vì biết Chúa nhìn thấy nỗi khổ sở, sự chịu đựng của ta. Đức tin thêm ơn sức mạnh để ta đủ nghị lực vượt thử thách. Nhờ đức tin, tâm hồn sẽ bình an và ấm áp.

Hiểu như thế, ta sẽ thấy đau khổ chính là phương tiện tuyệt vời chắp cánh cho đức tin bay cao và bay xa. Chỉ hiểu như thế thôi, đủ thấy nỗi khốn cùng chính là mối phúc. Vì nói cho cùng, ta phải nói: “Phúc cho kẻ đã tin. Và Phúc lớn cho kẻ trong đói nghèo, trong nước mắt, vẫn tin”.

Nếu Chúa đã từng cho biết: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, thì hôm nay, sống trong cuộc đời này, ta phải nói rằng, phúc cả thể cho những ai đi trong tăm tối, nhưng vẫn cảm nhận Thiên Chúa là Tình yêu.

Phúc cho người tin như thế, sẽ đúng như lời tiên tri Isaia đã nói trong bài đọc I: “Phúc cho người tin tưởng vào Chúa, Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Subcategories