3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

ĐỨC TIN

CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN C

(Giêr 17, 5-8; 1 Cor 15, 12.16-20; Lc 6, 17.20-26).

Khi kỹ thuật khoa học phát triển, con người muốn tìm lại nguồn gốc của vũ trụ và của chính mình. Các nhà khảo cổ và các nhà thiên văn địa lý dùng các phương tiện kỹ thuật dự đoán sự kết cấu và tuổi đời của vũ trụ. Với viễn vọng kính, con người có thể nhìn vào khoảng không gian bao la với hằng hà sa số các ngôi sao cách xa cả triệu năm ánh sáng. Khoa học tân tiến cũng chỉ biết giới hạn trong một góc nhỏ của hệ mặt trời, trái đất, mặt trăng, sao hỏa… Sự hiểu biết của con người chỉ là giọt nước trong đại dương. Qua bao ngàn năm tìm tòi nghiên cứu, loài người cũng mới chỉ tiếp cận chút bề mặt của vài ngôi sao gần nhất. Ấy thế mà nhiều người lên tiếng phủ nhận Đấng Tác Thành mọi sự và tin tưởng vào sự khôn ngoan của người đời. Con người chỉ là một thụ tạo nương nhờ vào môi trường xung quanh để sống còn. Con người hiện hữu đó rồi một ngày lại tan biến trở về cát bụi.

Sự khát khao của tâm trí con người là suy tư đi tìm về nguồn. Không một ai có thể hiểu thấu sự kết cấu của vũ trụ và con người. Vũ trụ thiên nhiên phát triển không ngừng theo luật tiến hóa và nhân qủa. Mọi thụ tạo đều tiến hóa nhưng vẫn giữ cái căn cốt của giống nòi. Ví như cây hồng thì nở ra bông hồng, cây cam sinh trái cam, con thỏ sinh thỏ con và con người sinh ra con người… Môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng sự phát triển về những cơ quan tùy thuộc như mùi vị, mầu da, tính khí và sự thể hiện cách sống. Điều này giúp chúng ta nhận diện sự giới hạn của mọi loài thụ tạo. Nhờ qua sự mạc khải, chúng ta nhận biết con người là loài cao quí được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà muôn vật được hình thành. Mọi sự, mọi loài và sự vận hành trong vũ trụ đã được sắp đặt theo sự quan phòng với luật tự nhiên.

Thánh Phaolô đã rao truyền giáo lý về Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Việc kẻ chết trỗi dậy vượt ra ngoài khả năng của khoa học nhưng cần có niềm tin. Chúa Giêsu là trưởng tử của những kẻ đã yên giấc. Phaolô xác tín rằng: Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy (1Cor 15, 16). Niềm tin tuyệt đối của Phaolô đã thuyết phục các tín hữu thời sơ khai. Chúa Kitô sống lại từ cõi chết là một biến cố vô cùng quan trọng của tin mừng cứu độ. Một niềm hy vọng tuyệt đối giải thoát cho loài người.

Lời Phúc âm hôm nay, thánh Luca đã tóm gọn bốn điều được chúc phúc và bốn điều bị khốn khó. Chúng ta suy niệm về giá trị của sự bị óan ghét, thù hành và loại bỏ vì danh Chúa. Chúa Giêsu chúc phúc cho những kẻ bị ngược đãi và ghét bỏ: Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa (Lc 6, 22). Điều phúc này như là phúc tử đạo. Chúng ta không ai muốn bị đau khổ, hiểu lầm, bách hại hay tẩy chay loại bỏ. Mỗi khi gặp những sự túng quẫn gian khó, thường thì chúng ta than phiền, tránh né, phủ nhận và đấu tranh. Chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa đích thực của lời chúc phúc này khi chúng suy gẫm cuộc đời khổ hình của chính Chúa và của các vị tử đạo của Giáo Hội qua mọi thời. Sự kiên cường anh dũng của các vị Tử Đạo khai sáng cho niềm tin của chúng ta. Máu của các Ngài tưới gội hạt giống đức tin của cả Giáo Hội.

Chúa Giêsu không chúc phúc cho những người chỉ biết cậy dựa vào người đời. Vì người đời tung hô đó, rồi chê bai đó. Những vương miện, cúp vàng, cúp bạc, những bằng danh dự cũng sẽ tiêu tan phôi pha qua tháng ngày. Người đời thường tâng bốc nhau qua lời khen ngợi, câu chúc mừng và thăng tiến nhau bằng những giá trị ảo. Tất cả danh tiếng cũng sẽ trôi qua như phù hoa nối tiếp phù hoa. Các ngôn sứ giả cũng đã tìm vinh quang giả tạo nơi người đời. Chúa Giêsu có những lời phiền trách mạnh mẽ: Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế (Lc 6, 26).

Lạy Chúa, xin Chúa thêm đức tin, để chúng con biết kiên trì bám sát theo chân Chúa trong mỗi bước đi cuộc sống.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

MỞ KHÔNG GIAN

Thứ Bảy Tuần 5 Thường Niên C

“Anh em có mấy chiếc bánh?”.

Bertrand Russell từng là một Kitô hữu; nhưng về sau, ông là một nhà vô thần công khai. Katharine Tait - con gái ông - nói, “Đã một thời, tận trong sâu thẳm tâm hồn cha tôi, có một khoảng trống được lấp đầy; ông đã từng ‘mở không gian’ cho Chúa. Nhưng, một khi đã tống Ngài ra, ông không bao giờ tìm được bất cứ thứ gì để đặt vào đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay đề cập khoảng không gian đó với hai câu hỏi: một của các môn đệ, một của Chúa Giêsu. Câu hỏi thứ nhất - ‘khép không gian’ - “Trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?”; câu hỏi thứ hai - ‘mở không gian’ - “Anh em có mấy chiếc bánh?”.

Mặc dù rất nhân bản; nhưng xét cho cùng, câu hỏi thứ nhất tiết lộ một sự nghèo nàn thiêng liêng. Với loại câu hỏi này, một nếp nghĩ, một tầm nhìn thiển cận - bi quan, hơi hướng thất vọng - sẽ hình thành khi chúng ta tự co rút để cam chịu một hoàn cảnh, một số phận xám xịt. Cách đặt vấn đề khá ủ dột này sản sinh một loạt câu hỏi biện minh cho sự bất khả trước nghịch cảnh. Nhiệm vụ là bất khả thi, tại sao tôi cố gắng? Lực bất tòng tâm, tại sao tôi mất thời giờ? Lối nghĩ này ngăn cản chúng ta mạo hiểm làm những điều tuyệt vời cho Chúa; và ngược lại, không còn mong đợi một điều tốt lành nào đến từ Ngài! Ngần ngại hay sợ hãi ‘mở không gian’ cho Chúa, chúng ta ‘vui hưởng’ thú đau thương trước những tình huống dường như vô vọng, và xem ra Thiên Chúa không toàn năng!

“Anh em có mấy chiếc bánh?”; ngược lại, là một câu hỏi hoàn toàn tích cực, tiềm tàng một niềm hy vọng và lạc quan - vì lẽ - nó ‘mở không gian’ cho Chúa. Qua đó, Chúa Cha có thể làm một điều gì đó để chứng thực quyền năng của Ngài. Chỉ cần một chút những gì sẵn có, cả khi chúng dường như ‘không đủ đến vô vọng’ - “bảy chiếc bánh và mấy con cá” - Ngài sẽ nhân lên để nuôi gần nửa vạn người. “Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để làm nhiều điều lớn lao hơn tất cả những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” - Phaolô; dĩ nhiên, với điều kiện, mỗi người biết hào phóng cho đi những gì mình có!

Thật thú vị, Thiên Chúa cũng ‘mở không gian’ cho Ngài; đúng hơn, Ngài mở ra lòng thương xót trong cơn giận khi đuổi nguyên tổ ra khỏi Eden, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi!” - bài đọc một. Đó là “tiền Tin Mừng!”. Con cháu họ rồi sẽ nhận ra điều này, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Anh em có mấy chiếc bánh?”. Chúa Giêsu tiếp tục hỏi bạn và tôi! Mỗi ngày, đến với Thánh Thể, chúng ta ‘mở không gian’ cho Ngài, dẫu đó là một không gian chật hẹp - và đôi khi - rất tăm tối; thế nhưng, Ngài vẫn thương hạ cố. Cũng ở đó, Ngài tiếp tục hỏi và chờ đợi phần ‘bánh cá’ còm cõi của mỗi người; để rồi Ngài có thể nhân lên, nhân lên hầu nuôi sống bao người. Ước mong sao, đền thờ tâm hồn chúng ta ngày càng sạch trong, xứng đáng cho Chúa Giêsu chiếm ngự; và mong sao, bạn và tôi biết dâng phần ít ỏi của mình vào tay Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con luôn nhớ lời vị thánh trẻ, “Bớt chỗ của tôi, thêm chỗ cho Chúa!” – Acutis; may ra, con không hoá nên vô thần một khi cố tống khứ Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

CHẠM CHÚA

Chúa Nhật 5 Thường Niên C

“Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”.

Nữ bác sĩ tâm lý Virginia Satir viết, “Trẻ sơ sinh phát triển mạnh nhờ được vuốt ve thường xuyên. Người lớn cũng vậy! Khi không được một bàn tay vỗ về, được ôm qua vai hay qua người, họ sẽ tự co rút vào mình. Tôi kê đơn: mỗi ngày, bốn cái ôm để tồn tại, tám cái ôm để duy trì, và mười hai cái ôm để thăng hoa. Tắt một lời, chạm đến nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái mỗi ngày là một điều không thể thiếu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với Virginia Satir, việc “chạm nhau” giữa những con người còn quan trọng đến thế, phương chi việc con người cần chạm đến Đấng Vô Cùng! Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến sự biến đổi nơi những con người được Chúa chạm đến; đúng hơn, những con người ‘chạm Chúa’. Isaia, Phaolô và Phêrô đã ‘chạm Chúa’ - Đấng sẽ sai họ đi!

Trong đền thánh, giữa tiếng tung hô của đoàn thiên sứ, nền nhà rung chuyển, Isaia khiếp hãi, “Khốn thân tôi, tôi chết mất!”. Ngay lúc đó, một thiên thần bay đến, tay cầm than đỏ chạm vào lưỡi ông để ông được sạch. Và Isaia nghe tiếng Chúa phán, “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”. Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi!” - bài đọc một.

Cũng thế, Phaolô kể lại kinh nghiệm việc ông đã ‘chạm Chúa’, “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi. Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ... Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” - bài đọc hai. Quả thế, Phaolô được Ngài sai đi như một tông đồ kiệt xuất.

Đặc biệt, với bài Tin Mừng, chúng ta đọc thấy trải nghiệm tuyệt vời của Phêrô. Khi Phêrô đang giặt lưới cùng các bạn chài thì Chúa Giêsu đến, bước vào thuyền ông - đúng hơn - bước vào ‘con thuyền đời’ ông. Ngài yêu cầu ông ra khỏi bờ, “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!” và Ngài sẽ yêu cầu ông nhiều hơn về sau, để rồi Phêrô phải ‘ra những trũng sâu’ suốt phần còn lại đời mình. Yêu cầu này, lẽ thường, không có ý nghĩa gì với một ngư phủ dày dạn; tuy nhiên, Phêrô đã mềm mỏng đáp lại. Phép lạ đã xảy ra, Phêrô choáng ngợp không vì mẻ cá kỳ diệu nhưng vì một người có tên Giêsu đã chạm vào cuộc đời ông. Phêrô nhận thức ông đang ‘chạm Chúa’; ông cảm thấy quá bất xứng, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Và Chúa Giêsu nâng ông dậy, đẩy ông về phía trước, “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Thế nhưng, “Chúa Giêsu đáp, “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”; vì Thiên Chúa - nếu chúng ta tin vào Ngài - sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra trước mắt chúng ta một chân trời mới: hợp tác trong sứ mệnh của Ngài. Phép lạ lớn nhất mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho Phêrô và những người đánh cá mệt mỏi và chán nản khác không phải là lưới đầy cá, mà là giúp họ không trở thành nạn nhân của sự thất vọng và chán nản khi đối mặt với thất bại. Ngài đã chuẩn bị cho họ trở thành người công bố và làm chứng cho lời Ngài và Vương Quốc. Và phản ứng của các môn đệ là ngay lập tức và không dè giữ: “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người!”” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày con ‘chạm Chúa’, giúp con biến đổi tận bên trong, hầu có thể ‘ra chỗ nước sâu’ và tạo nên một sự khác biệt như Chúa kỳ vọng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

LÀM SAO ĐỂ CHÚA NÓI KHI TA ĐỌC LỜI CHÚA?

Chúa Nhật  V Thường Niên C

Mỗi khi ta đọc Lời Chúa, là mỗi lần, ta để cho Lời Chúa soi sáng và dẫn dắt ta đi, ấy thế mà, thực tế lại cho thấy một điều ngược lại, ta thường bắt Chúa nói những gì Chúa không nói, khi ta lười lĩnh, sử dụng lại những bài suy niệm cũ. Chẳng hạn, Bài Tin Mừng Lc 5,1-11: “Mẻ cá lạ”, có người đánh đồng “Mẻ cá lạ” của Luca với của Gioan, vì thế, sử dụng cùng một bài suy niệm để chia sẻ cho người khác. Điều này cho thấy một sự “cưỡng bức” Lời Chúa không thể chấp nhận được. Vậy, làm sao để khắc phục tình trạng này? Thưa, chúng ta phải bám sát Phụng Vụ, bối cảnh Phụng Vụ sẽ làm cho Lời Chúa luôn tươi mới và sống động.

Bài Tin Mừng Lc 5,1-11 được đặt trong bối cảnh Phụng vụ của Chúa Nhật Tuần V Thường Niên, Năm C, với Lời Tổng Nguyện: Chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, vì thế, câu in nghiêng của Bài Tin Mừng là: Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu. Bỏ hết mọi sự, để chỉ bám vào ơn Chúa. Vậy ơn Chúa là ơn gì? Thưa, là ân sủng của Đức Kitô, mà đầu Thánh lễ, chủ tế chào cộng đoàn dân Chúa: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô…

Ân sủng, mà thánh Phaolô đã trách các tín hữu Galát trong bài đọc một của giờ Kinh SáchTôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Âutinh đã mở đầu bài chú giải của mình bằng câu: Thánh Phaolô Tông Đồ viết thư cho tín hữu Galát, là để giúp họ hiểu biết rằng ân sủng làm cho họ không còn phải lệ thuộc vào Luật Môsê nữa, vì thế, thánh nhân kêu gọi, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ân sủng của Thiên Chúa.

Cặp phạm trù, thường đi đôi với nhau là: Ân sủng và tội lỗi, vì thế, trong bài đọc một của Thánh l, khi ngôn sứ Isaia nhìn thấy Đấng ba lần Thánh Thánh Thánh, ông liền nói: Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh! Trong Bài Tin Mừng, khi nhìn thấy mẻ cá lạ, ông Phêrô liền sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi. Khi nhìn thấy Đấng Thánh, và hành động của Đấng Thánh, lập tức, chúng ta nhận ra được tình trạng tội lỗi của mình. Tuy nhiên, nhìn thấy lại là một ân huệ của Thiên Chúa, ai cũng nhìn thấy mẻ cá lạ, nhưng, chỉ có một mình Phêrô sấp mặt xuống đất tuyên xưng, điều này cũng cho thấy, sau này: Tại sao chỉ có một mình Phêrô, trả lời đúng câu hỏi của Đức Giêsu: Người ta bảo Thầy là ai? Ở đó, có hai chiếc thuyền, nhưng, Đức Giêsu không chọn chiếc thuyền kia, mà lại chọn thuyền của Phêrô để rao giảng. Do đó, như Lời Tổng Nguyện đã cho thấy: tất cả đều do bởi ơn Chúa, vì thế, trong Bài Tin Mừng: các ông đã bỏ hết mọi sự, để chỉ dựa vào ơn Chúa mà thôi.

Bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 137, cho thấy: Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, này con xin đàn ca kính Chúa. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự. Chúa đã hứa là Chúa sẽ làm, công trình do tay Người thực hiện, Người sẽ không bao giờ bỏ dở dang. Cũng như, trong Câu Tung Hô Tin MừngChúa nói: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Tất cả đều do Chúa làm, đều do bởi ơn Chúa, vì thế, trong bài đọc hai của Thánh l, thánh Phaolô nói: Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. Nếu như, tất cả đều do bởi ơn Chúa, thì mỗi khi, làm việc gì, ta phải cậy dựa vào ơn Chúa, chứ đừng ỷ vào sức riêng của mình, nhất là, những gì liên đến ơn cứu độ của ta, tất cả đều do tình yêu và ân sủng của Chúa dành cho ta.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

ĐỂ CAN ĐẢM LÊN ĐƯỜNG

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V TN C này giới thiệu chân dung ngôn sứ Isaia, tông đồ Phaolô và Simon Phêrô, người ngư phủ xứ Galilê. Cả ba đều được sai đi và có thể nói cách chung là được sai đi để “đánh lưới người”, tức là đưa con người về với Thiên Chúa, đúng hơn là giúp con người đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Một trong những tiền đề để cho người được sai đi có tinh thần nhiệt thành chu toàn sứ mạng đồng thời gặt hái nhiều kết quả, đó là bản thân phải cảm nghiệm ân tình của Thiên Chúa dành cho mình, một ân tình vượt quá công trạng cũng như phận vị của mình.

Trước sự uy nghi chí thánh của Đấng Tối Cao, Isaia đã chân nhận mình “là một người môi miệng ô uế, ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6,5). Trời càng sáng thì các vết nhơ càng tỏ lộ. Diện kiến thánh nhan Đấng Chí Thánh, hẳn nhiên vị ngôn sứ thấy rõ thân phận ô uế, tội nhơ của mình. Thế mà dù chưa mở miệng kêu xin, Thiên Chúa vẫn sai các thần Sêraphim lấy than hồng thanh tẩy ngài: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, người đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6,7).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Tông đồ dân ngoại thường công khai thú nhận tội lỗi của mình trước đây là bách hại đạo thánh Chúa. “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Thánh nhân cảm nhận việc Chúa Kitô chọn gọi ngài là một ơn nhưng không và đó cũng là một dấu chỉ để đem niềm hy vọng cho nhiều người (x.Tm 1,15-16).

Trước uy quyền và nhất là ân tình của Thầy Giêsu, Simon Phêrô đã sấp mặt dưới chân Người mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Là phàm hèn yếu đuối, chỉ mới cho Thầy mượn chiếc thuyền một lát để Thầy giảng đạo, dĩ nhiên là ngoài giờ làm việc, thuyền rảnh, thế mà Thầy đáp lại bằng một mẻ cá lạ lùng, chất đầy hai thuyền nặng gần chìm. Người không chỉ đầy quyền năng mà còn rất đỗi hào phóng. Để nhiệt thành ra chỗ nước sâu mà thả lưới, thì người được sai đi không thể không cảm nghiệm:

-Tình Chúa thật bao la trước sự yếu đưối, tội lỗi đầy bất xứng của mình. Chúa đã thương yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu hay thánh thiện, công cao, đức dày. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người. Chính nhờ được Chúa yêu thương nên chúng ta mới thành đáng yêu, mới có thể tích đức, lập công. Thanh Gioan Tông đồ  xác quyết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

– Quyền năng Chúa thật vô biên trước sự giới hạn, bất tài, kém lực của chúng ta. Trước uy quyền của Thiên Chúa, hẳn nhiên chúng ta dễ nhận ra sự bé nhỏ, giới hạn của mình. Trái với thái độ “ếch ngồi đáy giếng”, khi trí khôn càng phát triển, tầm nhìn càng mở rộng thì con người càng dễ nhận ra ngay mình chỉ là hạt bụi mong manh trước sự mênh mông, bao la của vũ trụ và nhất là trước Đấng làm cho mọi vật mọi loài, hữu hình và vô hình từ chốn hư không thành hiện hữu.

-Với người tông đồ thì một trong những tiền đề giúp gặt hái thành công đó là biết đặt niềm tin cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Mọi sự là do bởi ơn Thiên Chúa ban. “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7).

Điểm đến của người ngôn sứ, người tông đồ hay người đánh cá người thường là “chỗ nước sâu”. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con giữa bầy sói” (Lc 10,3). Để có thể mạnh dạn thưa như Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” hay như Phaolô quên hết mọi sự đằng sau mà lao mình về phía trước hay như Phêrô “bỏ hết mọi sự” để đi đánh cá người, thì tiên vàn người được sai đi phải cảm nhận quyền năng và ân tình của Thiên Chúa trên con người yếu đuối và đầy bất toàn của mình. Chính nhờ thế, chúng ta sẽ mạnh dạn ra đi đánh cá người, không phải bằng sức riêng mình, nhưng bằng chính tình yêu và quyền năng của Đấng Cứu độ, Đấng luôn động viên chúng ta: “Đừng sợ!”. Đừng sợ, vì Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28;20). Đừng sợ, vì ơn Thầy luôn đủ cho con và sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (x.2Cr 12,9). Đừng sợ, “hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Bước vào năm thánh 2025 này chúng ta không chỉ cùng nhau làm người hành hương của niềm hy vọng mà còn làm người gieo rắc niềm hy vọng cho tha nhân đang trong kiếp lữ thứ hành hương.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Subcategories