3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Bài Học Khiêm Tốn

Chúa Nhật V TN năm C

Is 6, 1-2a.3-8; 1Cr 15, 1-11; Lc 5, 1-11

Chúng ta vừa được nghe thị kiến của Isaia. Năm vua Útdigiahu băng hà, Isaia thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ.  Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô:

"Thánh! Thánh! Chí Thánh!

Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!

Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! "

Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù.

Đứng trước những điều như vậy, Isaia thấy hoảng hốt và bỗng dưng ông thốt lên : "Khốn thân tôi, tôi chết  mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế,
thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh! "

Và, kèm theo những lời sấm đó, Isaia thưa : "Dạ, con đây, xin sai con đi."

Đây là lần đầu tiên Thiên Chúa mời gọi Isaia và ông đã đáp lời với Thiên Chúa là xin sai ông đi. Và, cứ đọc tiếp suốt cuộc đời của ông, ta thấy hình ảnh hay nói đúng hơn cả cuộc đời của ông là cuộc đời của người tôi tớ đau khổ, đã đi theo Chúa suốt con đường đau khổ của cuộc đời. Một tâm hồn, một tấm lòng khiêm tốn trước nhan Thiên Chúa. Isaia đã để cho Thiên Chúa thi thố quyền năng của Ngài trên cuộc đời của ông.

Chúng ta cũng vừa bắt gặp tâm tình hết sức khiêm tốn của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô đã được Chúa chọn để loan báo Tin Mừng cho Chúa. Ngài đã bộc bạch qua lời thư của Ngài mà chúng ta vừa nghe :  Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai.6 Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

Chúng ta nghe thánh Phao lô tâm sự tiếp : Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.

Quá tuyệt vời ! Là một con người vĩ đại, một tông đồ lớn nhưng Thánh Phaolô đã hạ mình xuống cho đến tận cùng, Ngài đã tự nhận Ngài là tôi tớ hèn mọn.

Cùng với tâm tình khiêm tốn của Thánh Phaolô, qua trang Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta bắt gặp một khuôn mặt khiêm tốn thật sự. Qua trình thuật được mẻ cá lại, thấy Chúa Giêsu, Phêrô vội vàng sấp mặt mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "

Phải nói rằng thái độ, tâm tình khiêm hạ của Thánh Phêrô cũng là một bài học lớn để chúng ta học.

Đến cuối đời, Thánh Phêrô đã xin lý hình đóng đinh mình nhưng đóng đinh ngược vì thánh nhân nghĩ rằng mình không được như Thầy của mình.

Những bài học khiêm tốn vẫn còn đó như những bài học sống động của mỗi người chúng ta. Thế nhưng, đáng tiếc thay con người vẫn mang trong mình dòng máu kiêu ngạo của Ađam - Eva. Chúng ta vẫn cứ tưởng rằng mình là hay, cứ tưởng mình là nhất để rồi cứ mãi huyênh hoang. Có đó chứ ! Đúng chứ không sai ! Giàu lắm, thành đạt lắm, địa vị lắm, chức quyền lắm nhưng thử hỏi cái gần gũi nhất đối với chúng ta chính là hơi thở, là mạng sống của chúng ta, ai trong chúng ta có quyền trên mạng sống.

Mới đây thôi, chàng hiệp sĩ công nghệ thông tin xứ Nghệ ra đi hết sức đột ngột. Anh ra đi trong chuyến đi du lịch ở miền Tây sông nước.Chẳng ai có thể ngờ được rằng đó chính là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời anh.

Hay là, vừa gồi,cách đây vài tháng, 2 cha con nhà nọ vừa ghé thăm nhà bà con chạy về nhà, ra khỏi nhà bà con chưa được 100 mét thì bị một chiếc xe đời mới đâm vào, 2 cha con chết tức tưởi. Người lái xe là một người có vị thế và trong người vị đó có hơi men ! Không ai có thể ngờ được hôm đó là ngày cuối cùng của hai cha con.

Hay là gia đình trẻ kia, từ quê nội ở Long An, trở về Bình Dương sau những ngày thăm ông. Hai vợ chồng đang chạy bon bon lên cầu Phú Mỹ thì một chiếc xe container đâm vào, hai mẹ con ôm nhau chết tức tưởi. Nhìn cảnh mẹ ôm chặt con chết không ai không khỏi ngậm ngùi.

Thế đó, quanh ta, có những cái chết, có những lần ra đi thật bất ngờ. Dĩ nhiên chẳng ai muốn những điều xấu đó xảy ra nhưng cho ta thấy cuộc đời của ta thật mong manh, mỏng dòn và vắn vỏi.

Và, nhìn lại cuộc đời, chính chúng ta, hơn ai hết nhìn thấy tất cả những gì chúng ta đang có tự nơi đâu ? Phải chăng là bởi ơn Thiên Chúa.

Phải nói rằng tâm tình của Thánh Phaolô trong chương 10, câu 15 gửi tín hữu Côrintô của Ngài thật hay. Đó là bài học mà cả đời ta chưa chắc học được : Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa.
Thật tuyệt vời khi ta chân nhận tất cả những gì ta có đều là bởi ơn Thiên Chúa. Khi ta khiêm tốn như thế cũng như ta khiêm tốn nhận ta là người tội lỗi thì khi đó ta dễ dàng tha thứ cho anh em đồng loại của chúng ta.

Lời kinh mà chúng ta thường đọc hết sức dễ thương : Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Chúng ta đọc nhưng không gẫm không suy và cũng không sống. Chúng ta nợ Chúa và nợ anh chị em đồng loại nhiều lắm nhưng chúng ta cố tình lấp liếm, cố tình che đậy để không ai thấy tội lỗi của ta. Khi ta lấp liếm che đậy như vậy ta cứ tưởng ta hay nhưng Chúa biết rõ lòng ta hết mọi sự.

Cứ như Thánh Phêrô là ăn chắc hơn cả : "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "

Một tấm lòng khiêm hạ, một chân tình khiêm tốn thật sự mà chúng ta cần có với Chúa như Phêrô đã có.

 

Lm. Anmai, C.Ss.R.

CHỊU THIỆT

Thứ Bảy Tuần 4 Thường Niên C

“Ngài chạnh lòng thương” và “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.

Đang đi nghỉ ở Ireland, Henry Ford - nhà sản xuất xe hơi - được yêu cầu góp quỹ cho một trại mồ côi. Ford ký một tấm check trị giá 2.000 bảng và thông tin đó đã xuất hiện trên các mặt báo. Oái oăm thay, biên tập viên đã bất cẩn đăng nhầm 20.000 bảng! Giám đốc trại mồ côi lo lắng điện thoại xin lỗi Ford, “Tôi sẽ gọi và yêu cầu sửa lại”. “Không cần phải như vậy!” - Ford trả lời; và ông nhanh chóng viết thêm tấm check 18.000 bảng.

Kính thưa Anh Chị em,

Henry Ford đã đón nhận sự bất tiện cách vui lòng. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu và các môn đệ ‘chịu thiệt’ - chọn lấy sự bất tiện - khi bị quấy rầy cả khi Thầy trò đã lánh riêng ra một nơi sau những ngày phục vụ vất vả.

Thấy các môn đệ mệt nhọc sau những ngày truyền giáo, Chúa Giêsu bảo, “Hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Ấy thế, khi thuyền của họ vừa cập bờ, đã có một đám rất đông đợi ở đó. Không thể tin được! Chúa Giêsu chẳng bực nhọc; thay vào đó, “Ngài chạnh lòng thương” và “bắt đầu dạy dỗ họ”. Ngài chấp nhận thay đổi kế hoạch vì người khác - ‘chịu thiệt’ - và chọn lấy sự bất tiện vì người khác!

Như Chúa Giêsu và các môn đệ, ai trong chúng ta cũng cần nghỉ ngơi sau những ngày phục vụ. Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài sẵn sàng gác lại mọi dự tính để thoả mãn mong ước của những con người đang tìm kiếm Ngài. Nơi Ngài, xem ra không có ‘vacation’ - kỳ nghỉ; chỉ có ‘salvation’ - cứu độ! Cũng thế, với bất cứ bậc sống nào, bạn có quyền và có thể nghĩ đến một kỳ nghỉ; nhưng đôi khi, bác ái buộc chúng ta chọn lựa một cách khác. Hãy làm như Chúa Giêsu, chúng ta ‘chịu thiệt’ - chọn lấy sự bất tiện - ‘chọn lựa gián đoạn’ ngay cả giữa kỳ nghỉ và giờ nghỉ.

Chìa khoá để có một con tim như Chúa Giêsu chính là sự sẵn sàng cho đi thời gian, của cải và sức lực. Khi điều này xảy ra, hãy biết, Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của ai; Ngài sẽ ban những ơn mà bạn không bao giờ ngờ tới. Và tuyệt vời hơn, chính ở những thời điểm ngặt nghèo ‘bất tiện’ này, Chúa lại thường cho bạn gặt hái những hoa trái mà đôi lúc suốt nhiều tháng, nhiều năm, bạn vất vả mà luống công. “Anh em chớ quên làm việc thiện, vì Chúa ưa thích những hy lễ như thế!” - bài đọc một. Chúa bảo đảm phần phúc này, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Với chúng ta, được nghỉ ngơi - ‘vacation’ - bên Chúa Giêsu, nên giống Ngài, con tim chúng ta đầy sự cứu rỗi - ‘salvation!’. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, với Kitô hữu, việc nghỉ ngơi không mâu thuẫn với việc nghĩ đến và phục vụ người khác. Chúng ta thường không thể giải thoát mình khỏi những nghĩa vụ - con cái, vợ chồng, công việc - vì điều đó xem ra phản bội chính mình! Thế nhưng, cần phải tìm thấy Chúa trong những thực tại này. Nếu có sự gắn kết với Chúa, nếu lòng chúng ta nghỉ ngơi trong Ngài, chúng ta sẽ ‘tương đối hoá’ những căng thẳng vô ích và điều này sẽ thể hiện tốt hơn ‘dấu ấn’ của Thiên Chúa. Trong Ngài, chúng ta được nghỉ ngơi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn vui tươi, sẵn sàng ‘chịu thiệt’, ‘chọn lựa gián đoạn’ khi bác ái đòi hỏi. Có như thế, con tim của con mới có thể xót thương như con tim của Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

HỘI TỤ VÀ XUẤT PHÁT

Thứ Năm Tuần 4 Thường Niên C

“Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy sức mạnh đích thực của công cuộc truyền giáo xuất phát từ đâu? Từ Chúa Giêsu! Ngài là trung tâm quy chiếu - ‘hội tụ’ - hàng đầu và cũng là điểm ‘xuất phát’ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng!

Marcô ý tứ kể ra một loạt động từ có chung một chủ ngữ, “Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại”, “Sai đi từng hai người một”, “Ban cho các ông quyền trên các thần ô uế”, “Chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy”. Công việc của nhóm toả ra từ một trung tâm; đúng hơn, một con người - chính Ngài. Và điều này tái khẳng định sự hiện diện và hành động của Chúa Giêsu trên mọi hoạt động truyền giáo lớn nhỏ của các tông đồ ‘thuộc mọi thời’. Sự thật này chứng tỏ các tông đồ không có gì riêng để tuyên bố, không có một khả năng nào biểu lộ từ tài trí của mình; họ chỉ nói và hành động như ‘những đặc phái viên’ được sai đi nói Lời của Ngài, Đấng vừa là điểm ‘hội tụ’ vừa là điểm ‘xuất phát’.

Chúa Giêsu đã “gọi” các ông đến với Ngài; đó là một cuộc gặp riêng tư giữa Ngài với từng người. Chính Ngài lôi kéo họ đến “cùng vị Trung Gian giao ước mới” - bài đọc một. Trong hành động này, các tông đồ đã đích thân gặp gỡ một Thiên Chúa làm người, nhận được ân sủng và quyền năng Ngài; để từ đó, biết mình được xót thương. Chính họ sẽ thốt lên, “Lạy Thiên Chúa, chúng con đón nhận tình Chúa yêu thương!” - Thánh Vịnh đáp ca.

“Sai đi từng hai người một”, điều này cũng đáng kể! Chúa Giêsu biết yếu đuối của mỗi người, một người chiến đấu sẽ dễ thất bại; với sự hỗ trợ của một đồng đội, môn đệ sẽ được củng cố rất nhiều. Sứ vụ rao giảng không là việc của cá nhân ai, nhưng là một sứ vụ ‘cộng đồng’; mỗi người là một mảnh trong toàn cảnh. Để hoàn thành sứ vụ đó, chúng ta cần được yêu thương và sự hỗ trợ của người khác. Xông vào chiến trận thì ‘hai’ luôn tốt hơn ‘một’; cũng thế, hai cái đầu - sự thường - sẽ tốt hơn.

Trong nội chiến Hoa Kỳ, ngày kia, một tiểu đội buộc phải vượt sông trên lưng ngựa. Cạnh bờ nước chảy xiết, một thương binh không thuộc nhóm đứng một bên quan sát. Nhiều người lao xuống, sang bờ bên kia. Người lính kia tự hỏi liệu ai có thể giúp anh? Sau đó, một người đồng ý, không do dự. Người lính lên ngựa và cả hai vượt sông. Một kỵ sĩ đến hỏi, “Tại sao anh chọn Thomas Jefferson?”. Người ấy sốc, thừa nhận không biết tổng thống đã giúp anh. Anh nói, “Tất cả những gì tôi biết là trên khuôn mặt của phần lớn các bạn viết ‘Không’; và trên khuôn mặt một số khác viết ‘Có’. Khuôn mặt của ông ấy viết ‘Có!’”.

Anh Chị em,

Hơn cả Jefferson, khuôn mặt Chúa Giêsu luôn tỏ ra ‘Có’. Ngài không chỉ giúp chúng ta vượt sông nhưng còn xuống ngựa, chăm sóc vết thương và ẳm chúng ta lên cùng Ngài. Trên hành trình chiến đấu ‘vượt sông’ chốn dương gian của mỗi người, cũng như lúc mỗi người lìa xa cõi tạm này, Chúa Giêsu luôn tỏ ra ‘Có’; Ngài luôn đồng hành với mỗi người. “Trong Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu!”. Chỉ ngần ấy cũng đủ cho bạn và tôi sống trong niềm vui. Hãy đến với Ngài, múc lấy sức mạnh; và từ Ngài ra đi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, cho con biết, con được chính Chúa gọi - điểm ‘hội tụ’ cũng là điểm ‘xuất phát’ - nơi con ‘ra đi’ và nhất là nơi con ‘trở về’ mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

GIẾT CHẾT LƯƠNG TÂM

Thứ Sáu Tuần 4 Thường Niên C

“Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mời chúng ta xét xem phản ứng của hai con người vốn đã dẫn đến cái chết tức tưởi của Gioan Tẩy Giả. Đó là vua Hêrôđê và bà Hêrôđia, những con người ‘giết chết lương tâm!’.

“Nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe”. Điều đó cho thấy lương tâm của Hêrôđê vẫn còn, đang lên tiếng và hoạt động. Tiếc thay! Nơi ông, tiếng nói kia quá yếu ớt, quá nhỏ so với những âm thanh sôi động cuốn hút hơn của sắc dục, của vũ trường, tiệc rượu và của thách thức danh dự. Thiên Chúa luôn tìm cách khơi gợi trong chúng ta tiếng nói của Ngài qua những con người, các biến cố - đôi khi rất trầm lắng đôi khi rất hãi hùng. Đó có thể là một cuốn sách hay, một bài suy niệm, một kỷ niệm, một cảm giác phân vân, một gương sáng hay thậm chí, một tai nạn… Điều quan trọng là chúng ta có đủ nhạy bén, cởi mở, lắng đọng để tiếp tục đón nhận, đào sâu và nghiệm ra cho mình một thông điệp? Hoặc khác nào Hêrôđê, chúng ta vẫn phớt lờ và ‘giết chết lương tâm’, để rồi, tất cả lạc trôi ơ hờ.

Khác với Hêrôđê, trước những lời cảnh tỉnh ‘trần trụi’ của Gioan, bà Hêrôđia không hề hời hợt nhưng phản ứng của bà là cảm thấy tức tối, căm thù. Không chỉ phớt lờ lương tâm, bà đã giết chết nó từ trứng nước. Từ đó, mối bận tâm của bà là xoá sổ Gioan. Mối bận tâm ấy đã trở nên nỗi ám ảnh cừu hận; và lòng dạ ám muội của bà được tìm thấy trong câu trả lời lạnh lùng, quyết đoán và gọn lỏn cho con gái mình, “Đầu của Gioan!”.

“Sự thật và sự thiện” chỉ có đất sống trong lòng chúng ta nếu chúng ta biết yêu quý cũng như biết nuôi dưỡng nó. Để chúng có thể lớn lên, hãy xét xem điều gì đang vướng bận trong tâm hồn bạn và tôi! Điều vướng bận đã nằm ở đó bao lâu và liệu chúng ta có đủ nghị lực để cầu nguyện, van xin, hầu ân sủng Chúa có thể giải gỡ nó cho con tim mình được thanh thản? Trước một vướng bận, chúng ta đừng bao giờ dập tắt lương tâm!

Nói về sự hư đốn của con tim, Đức Phanxicô đã có một so sánh tuyệt vời giữa Đavít và Salomon. “Đavít từng là một tội nhân được Chúa thứ tha và đã trở thành thánh nhân; Salomon tuy khôn ngoan, vĩ đại nhưng Chúa lại chối từ. Điều khá lạ lùng và thú vị ở đây là chúng ta không biết Salomon đã phạm những tội nào, vì xem ra Salomon có một đời sống quân bình, chuẩn mực hơn; đang khi phụ vương Đavít lại có một đời sống không tốt vì đã phạm tội rỡ ràng. Ấy thế, Đavít đã làm thánh, được gọi là thánh vương; Salomon bị coi là người có tâm hồn xa lìa Thiên Chúa!”.

Anh Chị em,

Lương tâm là mẹ của linh hồn! Mỗi khi chiều xuống, đêm về, bạn và tôi hãy dừng lại ít phút cho tâm hồn mình trầm lắng hầu có thể nghe được tiếng thì thầm tự cõi lòng. Và ngạc nhiên thay, tiếng lương tâm cũng là tiếng nói của chính Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động không ngưng nghỉ để biến đổi tâm hồn mỗi người, cũng là Đấng sẵn sàng đổ đầy ân sủng cho những ai có lòng sám hối, đứng lên và đi tới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ma quỷ luôn đi những bước rất tiệm tiến, dẫn con vào mê hồn trận. Giúp con đủ thanh tịnh hầu nghe được tiếng thì thầm của Thánh Thần; nhờ đó, con có thể nhảy xộc vào lòng thương xót Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

GẶP GỠ CHÚA KITÔ

Chúa Nhật 4 Thường Niên C

Tin Mừng Luca hôm nay kể về “bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa theo luật Môsê” (Lc 3: 22). Chúng ta học được gì từ câu chuyện này để chính mình ngày càng trở nên Kitô hữu đích thực hơn? Chúng ta cần học cách kiên nhẫn mong chờ và khát khao tìm gặp “Thiên Chúa cứu độ” như cụ già Simêon và bà Anna nơi Đền thánh của Ngài (Lc 3:38). Chính Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, đến tìm gặp con người chúng ta. Chúa Giêsu Kitô cũng là vị Thượng tế bước lên thập giá trên đồi Canvê, như tiến vào Đền thánh, để dâng lễ hy sinh, là chính Thân Mình Ngài, để cứu chuộc và đem lại cho chúng ta niềm vui chan chứa: “Như vậy, nhờ cái chết của Ngài, Ngài đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ…trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Hípri 2: 14,17).

  1. Cuộc gặp gỡ của Israel với Chúa Kitô

Trong trình thuật Tin Mừng họm nay, thánh sử Luca cho chúng ta thấy hai vị cao niên, kính sợ Chúa, đã chờ đợi Đấng Mêsia đến: “Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2:25). Đó là ông Simêon. “Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna…Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa... mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2: 36-38).

Cả ông Simêon và bà Anna đều đã già. Bà Anna đã 84 tuổi, bà đã chờ Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện của mình không phải một vài tháng, nhưng hơn một ngàn tháng! Thế mà các ngài vẫn chờ đợi trong tin tưởng vững vàng. Sự kiên trì chờ đợi ấy cuối cùng đã được đền đáp bằng niềm vui thỏa nguyện.

Đây là khoảnh khắc đầu tiên Israel gặp gỡ Chúa Kitô. Cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna, đại diện cho Israel, đã được nhìn thấy cháu bé này, ngẫu nhiên được đưa đến trước mặt họ trong đền thờ sau khi Israel, dân Chúa, đã chờ đợi hàng trăm năm. Lời ngôn sứ Isaia tiên báo đã ứng nghiệm: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9: 5). Trẻ thơ này cũng là Vua công chính của Israel: “Ngài gánh vác quyền bính trên vai…Ngài sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Ngài sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9:5-6). Vị vua này đem lại niềm vui lớn lao cho Israel: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (Is 9: 2).

Không có gì có thể so sánh được với việc sống trong mối tương giao mật thiết với Chúa Giêsu, vị vua chính trực công minh, và biết rằng những khát khao trong đời của chúng ta được Ngài đáp ứng. Đôi khi, chúng ta không thấy Chúa đáp lại lời cầu xin của chúng ta trong một thời gian nào đó, chúng ta bắt đầu nghi ngờ liệu Chúa có nghe lời cầu nguyện của chúng ta hay không. Chúng ta đều biết rằng chờ đợi Thiên Chúa nhận lời cầu xin của chúng ta, như cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna, thì khó khăn như thế nào. Nhưng thật sự Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta và đến với chúng ta trong từng khoảnh khắc mỗi ngày. Liệu chúng ta có bền lòng mong chờ, để rồi nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh cuộc sống không? Có Chúa Giêsu, chúng ta có hy vọng ngay trong hiện tại và trong tương lai. 

  1. Cuộc gặp gỡ của cụ già Simêon với Chúa Kitô

Thiên Chúa đã hứa ban cho cụ già công chính, đạo hạnh Simêon ân huệ được thấy ơn cứu độ: được nhìn thấy Thiên Chúa bằng chính đôi mắt của ông. Đây là sự hưởng kiến ​​hạnh phúc mà, nếu Chúa muốn, tất cả chúng ta sẽ trải nghiệm khi được diện kiến ​​Thiên Chúa vinh quang rực rỡ trên Thiên đàng. Cụ già Simêon muốn tận mắt nhìn thấy ánh sáng này chiếu rọi trên mọi quốc gia. Ông mong mỏi Chúa đến, mang lòng thương xót, công lý và chân lý của Ngài đến với thế gian tan vỡ. Giống như ông Gióp, cụ già Simêon mong mỏi được nhìn thấy Đấng Kitô của Thiên Chúa trên trần gian: “Tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Ngài, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (Gióp 19:26-27). Cụ già Simêon đã nhận được phúc lành khi được “ẵm lấy Hài Nhi trên tay” (Lc 2:28). Nhờ ân huệ thị kiến Thiên Chúa, ông đã công bố sứ mệnh thực sự của Chúa Giêsu trên thập giá: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2: 34-35). Cụ Simêon cũng đã gặp Mẹ Maria, đem đến cho Mẹ một loại Truyền tin “thứ hai”. Mẹ Maria sẽ dự phần riêng của mình trong nỗi đau khổ của thập giá: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2: 35). Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta chắc chắn cũng sẽ chia sẻ nỗi đau khổ cứu chuộc của Ngài, bằng nhiều cách, nhưng cuối cùng sẽ là niềm hân hoan như cụ già Simêon lên tiếng chúc tụng Thiên Chúa: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2: 30).

  1. Cuộc gặp gỡ của bà Anna với Chúa Kitô

Bà Anna, dù là một phụ nữ, lại già cả, nhưng bà là một phụ nữ đạo hạnh và can đảm. Bà có khả năng đem lại niềm hứng khởi cho những người khác. Bà được biết đến như một nữ ngôn sứ, nghĩa là bà cũng được phúc thị kiến Thiên Chúa, như trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Malakhi đã từng báo trước: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Ngài. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (Ml 3: 1). Thánh Luca đã nói về bà như một nhân vật có gia thế rõ ràng trong lịch sự hình thành dân tộc Israel: “Con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase” (Lc 2:36). Bà đã kết hôn và góa chồng, sau đó dành cả cuộc đời để phục vụ Chúa trong đền thờ, liên tục thờ phượng, cầu nguyện, ăn chay và trông đợi Đấng Mêsia. Khi nhìn thấy Chúa Giêsu, bà biết rằng đó là thời điểm Thiên Chúa viếng thăm, không giống như nhiều người Israel “đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Luca 19:44). Khi gặp Chúa Giêsu, bà ngay lập tức thể hiện vai trò ngôn sứ của mình: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Luca 2:38).

Chúng ta có tin tưởng và mong chờ Thiên Chúa không? Làm thế nào để chúng ta gặp được Chúa Kitô trong lời cầu nguyện và các bí tích và sau đó giúp cho người khác gặp Chúa Kitô qua chúng ta? 

  1. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô

Cụ già Simêon đã cầu nguyện với Chúa: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2: 30-32). Sau này Chúa Giêsu xác nhận điều đó: “Ta là ánh sáng của thế gian” (Ga 8:12). Chúa Giêsu là ánh sáng của thế gian và của cuộc đời chúng ta. Ngài muốn chiếu sáng vào mọi góc tối tăm trong cuộc sống của chúng ta và biến đổi chúng nên tươi sáng. Chúa Giêsu muốn mang lại cho chúng ta niềm vui, sự bình an và một tương lai đáng hy vọng bằng cách sẵn lòng chịu chết trên thập tự giá vì chúng ta. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Trên Thập giá, Chúa Giêsu sẽ được xác nhận một cách dứt khoát như một dấu chỉ của sự mâu thuẫn, và chính tại đó, trái tim của Mẹ Ngài sẽ bị đâm thủng bởi lưỡi gươm đau thương. Chúng ta được kể tất cả mọi điều ngay từ đầu, vào ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ, vào ngày thứ 40 sau khi Chúa Giêsu sinh ra...” (Bài giảng, Chúa Nhật, ngày 2 tháng 2 năm 1997).

Đây cũng là khoảnh khắc Thiên Chúa mặc khải Chúa Kitô, là Thầy thượng tế đích thực cho chính đền thờ: “Chúa Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Hípri 9:11). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Đấng đã được mong đợi trong nhiều thế kỷ đã bước vào đền thờ Giêrusalem, Đấng thực hiện lời hứa của Giao ước Cũ: Đấng Mêsia đã được báo trước… Người Con mới sinh của Mẹ Maria đến Giêrusalem là một biến cố quyết định trong lịch sử cứu độ…Đền thờ đang chờ đợi, một cách đặc biệt nhất, Đấng đã được hứa. Do đó, sự xuất hiện của Ngài có ý nghĩa tư tế: “Ecce sacerdos magnus”; kìa, Thượng tế đích thực và vĩnh cửu bước vào đền thờ” (đã dẫn trên).

Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5:14). Chúng ta cần chia sẻ ánh sáng đó với người khác. Đó là món quà chúng ta dành ban tặng cho người khác.

Dù ở nhà, ở nhà máy, ở nơi làm việc hay nơi khu xóm, đường phố, mỗi chúng ta đều được Chúa Giêsu chọn để tỏa sáng như ánh sáng của Ngài, để phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Do vậy, bất cứ nơi nào có thể, vì là người theo Chúa Giêsu, chúng ta cần phải chiếu sáng bằng tình yêu thương, bằng lời nói tử tế, bằng sự tha thứ và bằng thái độ dịu dàng, bằng cử chỉ thân tình đối với người khác để chiếu tỏa tình yêu của Thiên Chúa cho họ. Chúng ta hãy là ánh sáng và đem lại niềm hứng khởi cho cuộc sống của những người khác.

Ngay cả các bậc cao niên cũng có vai trò riêng trong việc phản chiếu tình yêu thương của Thiên Chúa. Các bậc lớn tuổi nên tin tưởng rằng có nhiều sứ vụ cần làm trong Hội Thánh và công việc Chúa Giêsu giao cho chúng ta có thể chỉ mới bắt đầu. Những người trẻ cần trân trọng các bậc cao niên, đừng quên vai trò của các ngài trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ. Các ngài có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình, xã hội và tâm linh, để cống hiến và tất cả chúng ta đều có thể học hỏi rất nhiều điều từ các ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con kinh ngạc khi Chúa đến với chúng con trong lịch sử, như trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúng con kinh ngạc khi Chúa đến với chúng con trong Bí tích Thánh Thể nhiệm mầu và trong Lời Chúa. Chúng con sẽ còn kinh ngạc hơn nữa khi Chúa lại đến trong uy nghi, khi “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Luca 3:6). Xin Thánh Thần Chúa soi sáng và dẫn dắt chúng con gặp được Chúa, như cụ già Simêon và cụ bà Anna, để chúng con xây dựng Nước Chúa, chuẩn bị cho Chúa lại đến. Amen.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

 

Subcategories