3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

HỌC MỪNG VUI

Thứ Bảy Tuần 2 Mùa Chay C

“Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.

“Nó phải trở về nơi nó thuộc về! Nó phải trở về dù nó đen đủi hơn một thằng quỷ!”. Đó là những gì kiệt tác “Đứa Con Hoang Đàng” của Mitch Irion mô tả! Cha nó vui mừng vì nó đã tìm được ‘nơi nó thuộc về’; ở đó, nó ‘mất hút!’. Vạt áo đỏ như máu - tượng trưng tình yêu - của ông đã lấp kín nó! “Thật lạ, khi một số người nói quá nhiều về những gì Chúa làm cho họ, nhưng lại quá tằn tiện nói về những gì người khác nhận được từ Ngài. Hãy ‘học mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng!” - Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Hãy ‘học mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng! Đó là những gì Tin Mừng hôm nay lưu ý. Người anh tỏ ra bất bình trước bữa tiệc người cha dành cho đứa em hư đốn trở về. Có công bằng không? Câu trả lời đúng sẽ là: đây là một câu hỏi sai! Vì lẽ, anh phải ‘học mừng vui’ như cha anh vui mừng!

Chúng ta dễ sống theo cách ‘mọi thứ phải công bằng’; và khi người khác nhận nhiều hơn, chúng ta có thể mím môi, tức giận và cay đắng. Hành động xót thương của người cha dành cho đứa con ‘tàn đời’ chính là điều người anh cần học. Anh cần biết, bất kể cậu em đã làm gì, nó đòi chia gia tài - khác nào mong cha chết - hoặc tự do tìm hạnh phúc ở bất cứ đâu - sống phóng đãng - ngoại trừ một nơi mà nó thực sự tìm thấy: Cha! Dẫu thế, người cha vẫn yêu nó và hân hoan khi nó trở về. Như vậy, đứa em cần lòng thương xót không chỉ của cha, nhưng của cả anh nó, để nó có thể tin rằng, nó đã lựa chọn đúng khi trở về.

Người anh chung thuỷ với cha suốt bao năm cũng không hề bị đối xử bất công! Sự bất bình của anh đến từ việc lòng anh ‘nghèo thương xót’, không như cha anh, một người ‘giàu xót thương’. Anh không thể thương đứa em ở mức độ tương tự cha anh thương nó; và do đó, không thấy được sự cần thiết cần có một lời ủi an như một cách giúp nó hiểu rằng, nó được tha, được chào và trở về là một chọn lựa đúng đắn. Lòng thương xót vượt quá những gì thoạt đầu được coi là công bằng. Vậy muốn được xót thương, bạn và tôi cần sẵn lòng trao nó cho ai cần nhất! “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!” - Thánh Vịnh đáp ca - cũng là “Đấng chịu đựng lỗi lầm”; “Sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển!” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về việc bạn sẵn sàng trở nên nhân hậu và rộng lượng đến mức nào, đặc biệt là đối với những ai xem ra không xứng đáng với điều đó. Hãy nhủ lòng rằng, ân sủng thường không tính đến công bằng; nó thường hào phóng đến mức gây sốc! Hãy cam kết vào lòng quảng đại sâu xa này đối với bất cứ ai, nhất là những ai đang thương tổn; đồng thời, tìm mọi cách mà bạn có thể ủi an người anh em bằng lòng thương xót của Chúa. Được như thế, bạn đã biết mừng vui như Thiên Chúa vui mừng, và tình yêu quảng đại đó sẽ đổ xuống lòng bạn vô vàn phước huệ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ủ dột khi thấy anh chị em con may mắn hơn mình; dạy con biết vui với người vui, khóc với người khóc!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

THÁNH GIUSE, MẪU GƯƠNG TIN TƯỞNG NƠI THIÊN CHÚA

Mặc dù các sách Tin Mừng không ghi lại bất cứ lời nào mà Thánh Giuse có thể đã nói, nhưng sự im lặng đó, vốn còn hùng hồn và đầy ý nghĩa hơn nhiều lời nói khác, cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về tính cách của Ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảng giải về sự im lặng này của Thánh Giuse:

  • Các sách Tin Mửng không chứa một lời nào do Giuse thành Nadarét thốt ra: không có lời nào, Ngài không bao giờ nói. Điều này không có nghĩa là Ngài ít nói, không phải thế: có một lý do sâu xa hơn tại sao trong các sách Tin Mừng Thánh Giuse không nói một lời nào. Với sự im lặng của mình, Thánh Giuse xác nhận điều mà Thánh Augustinô viết: “Lời - nghĩa là Ngôi Lời làm người - càng lớn lên trong chúng ta, thì lời nói càng giảm đi. Chúa Giêsu, vốn là sự sống Thiên Chúa, càng lớn lên, thì lời nói càng giảm đi. Những gì chúng ta có thể mô tả là “nói đi nói lại”, nói như vẹt, nói liên tục, sẽ giảm đi. Chính Gioan Tẩy Giả, là “tiếng nói của người kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường cho Chúa” (Mt 3:3) nói về Lời, “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga  3:30). Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu phải nói và tôi phải im lặng, và qua sự im lặng của mình, Thánh Giuse mời gọi chúng ta dành chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, cho Chúa Giêsu. Sự im lặng của Thánh Giuse không phải là câm lặng, ngài không ít nói; đó là sự im lặng đầy lắng nghe, sự im lặng cần mẫn, sự im lặng làm nổi bật nội tâm vĩ đại của Ngài” (Tiếp kiến chung, ngày 15 tháng 12 năm 2021, bài giáo lý số 3 về Thánh Giuse).

Thánh Giuse đã trải qua những khó khăn giống như chúng ta trong cuộc sống, nhưng Ngài đã sống một cuộc đời gương mẫu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy ngẫm:

  • Trong Tin Mừng Mátthêu, Giuse bước vào bối cảnh với tư cách là người đính hôn của Đức Maria, khi Ngài phát hiện ra việc Đức Maria mang thai và tình yêu của ngài bị thử thách dẫn đến việc chấm dứt hôn ước, Luật đã gợi ý hai giải pháp khả thi: hoặc là một hành vi pháp lý mang tính chất công khai, chẳng hạn như triệu tập người phụ nữ ra tòa, hoặc một hành động riêng tư như đưa cho người phụ nữ một lá thư từ chối. Giuse, người mà Tin Mừng xác định là người công chính, tuân theo Lời Chúa, đã hành động một cách chu đáo: Ngài không để bản thân bị chế ngự bởi những cảm xúc bản năng và nỗi sợ hãi khi chấp nhận Maria đi cùng mình, nhưng thích được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài chọn cách chia tay Maria một cách lặng lẽ, riêng tư. Và đây là sự khôn ngoan của Giuse, giúp Ngài không mắc sai lầm và khiến Ngài cởi mở và ngoan ngoãn trước tiếng nói của Thiên Chúa. Và vì vậy, Ngài nghe thấy một giọng nói vang vọng trong lòng mình qua giấc mơ, một yếu tố mà theo cách này, Giuse thành Nadarét gợi nhớ đến một Giuse khác, con trai của Giacóp, được mệnh danh là chúa tể của những giấc mơ, được cha mình vô cùng yêu quý và bị các anh em của mình rất ghét, người mà Thiên Chúa đã nâng lên bằng cách để ông ngồi trong triều đình của Pharaô. Giuse thành Nadarét không yêu cầu thêm bằng chứng; Ngài tin tưởng vào Thiên Chúa, chấp nhận giấc mơ của Thiên Chúa về cuộc đời Ngài và về người đính hôn của Ngài. Do đó, Ngài bước vào ân sủng của một người biết cách sống lời hứa của Thiên Chúa, với đức tin, đức cậy và đức mến” (Tiếp kiến chung, 29 tháng 01 năm 2025).

Thánh Giuse là một người có đức tin không lay chuyển và tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa. Thiên Chúa là trên hết và quan trọng nhất trong cuộc đời của Thánh Giuse. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích ý nghĩa tên gọi của Thánh Giuse:

  • “Tiếng Do Thái có nghĩa là xin Chúa tăng trưởng, xin Chúa ban cho sự phát triển. Đó là một lời chúc, một phúc lành dựa trên sự tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và đặc biệt ám chỉ đến khả năng sinh sản và nuôi dạy con cái. Thật vậy, chính cái tên này cho chúng ta thấy một khía cạnh cốt yếu trong tính cách của Thánh Giuse thành Nadarét: Ngài là một người tràn đầy đức tin vào Thiên Chúa, vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Mọi hành động của Thánh Giuse, như được thuật lại trong Tin Mừng, đều được xác quyết bởi sự tin chắc rằng Thiên Chúa làm cho lớn lên, làm tăng thêm, thêm vào: nghĩa là Thiên Chúa lo liệu để tiếp tục kế hoạch cứu độ của Ngài” (Tiếp kiến chung, hội trường Phaolô VI ở Vatican, 17 tháng 11 năm 2021).

Thánh Giuse là một người ngay thẳng, có đức tin và các nhân đức nổi bật. Thánh Giuse là người chính trực, vâng lời, trong sạch, khiêm nhường, im lặng suy ngẫm. Thánh Giuse là người chồng, người bảo vệ và người giám hộ của Đấng Cứu Thế và Đức Trinh Nữ Maria.Vì vậy, Ngài là một hình mẫu tuyệt vời cho chúng ta trong nền văn hóa hỗn loạn ngày nay.

Đối với Thánh Giuse, việc thực hiện ý Thiên Chúa là tối quan trọng. Thánh Giuse không bao giờ thắc mắc về những gì Thiên Chúa đã nói với Ngài. Thánh Giuse thực hiện những soi sáng của Thiên Chúa mà không do dự hay chậm trễ. Ngài thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh riêng của mình theo cách Thiên Chúa muốn. Sau khi thiên thần hiện ra với Ngài trong giấc mơ, đảm bảo với Ngài rằng người con Đức Maria cưu mang là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì Thánh Giuse đã đưa Đức Maria về nhà làm vợ:

  • Sau đây là gốc tích Chúa Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Ngài, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1: 18-24).

Khi Chúa bảo Thánh Giuse chỗi dậy và ra đi, Ngài không ngần ngại trỗi dậy và ra đi. Sau cuộc viếng thăm của các nhà thông thái, khi nhận được lời cảnh báo của thiên thần, Thánh Giuse không lãng phí thời gian, ngay lập tức chỗi dậy và đưa gia đình nhỏ của mình chạy trốn đến Ai Cập giữa đêm khuya để thoát khỏi cơn thịnh nộ chết người của Vua Hêrôđê:

  • Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai cập” (Mt 1: 13-14).

Sau khi Vua Hêrôđê qua đời, thiên thần một lần nữa chỉ dẫn Thánh Giuse rằng đã đến lúc trở về đất Israel, và có lẽ Ngài định trở về Bêlem ở Giuđê, nhưng Ngài đã chọn đến Nadarét ở Galilê sau khi được thiên thần cảnh báo rằng Áckhêlao, con trai của Hêrôđê, cai trị Giuđê thay cho cha mình:

  • Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Ngài về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Ngài sẽ được gọi là người Nadarét” (Mt 1: 19-23).

Thánh Giuse trung thành và dịu dàng yêu thương, bảo vệ và chăm sóc Chúa Hài Đồng Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là một người hành động, tuân theo ý Chúa trong những bổn phận thường ngày của cuộc sống, luôn luôn với tình yêu thương. Ngài tuân giữ luật Môsê một cách chu đáo:

  • Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2:22-24).

Ngài giữ ngày Sabát và lên Đền thờ ở Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua:

  • Hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2:41).

Bằng cách noi gương Thánh Giuse, tin tưởng và tuân theo Lời Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm thấy sự bình an trong tâm hồn khi biết rằng chúng ta đang trung thành làm những việc nhỏ nhặt, bình thường mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm mỗi ngày.

  • Xin cho anh chị em tìm thấy nơi Thánh Giuse chứng nhân và đấng bảo vệ để trông cậy. Xin Thánh Giuse, người luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và đã đưa ra những lựa chọn của mình theo sự hướng dẫn của Ngài, dạy chúng con đừng quá trông cậy vào những kế hoạch của riêng mình mà hãy trông cậy vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Là người đến từ vùng ngoại vi, xin Thánh Giuse giúp chúng con hoán cải cái nhìn và ưa thích những gì thế gian loại bỏ và gạt ra ngoài lề. Xin an ủi những ai cảm thấy cô đơn và nâng đỡ những ai âm thầm đấu tranh để bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Amen” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, buổi tiếp kiến chung, tại hội trường Phaolô VI, Vatican, 17 tháng 11 năm 2021).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Biến Hình

Mùa Chay mang mầu tím ảm đạm. Mầu tím buồn để ta nhớ đến thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Mầu tím buồn để đến cuộc sống mong manh chóng tàn nơi cõi thế. Mầu tím buồn đưa ta đi theo bước Chúa Giêsu trên đường khổ nạn. Mầu tím buồn nhắc ta nhớ đến cái chết đau khổ của Người trên thánh giá.

Giữa bầu khí ảm đạm của mùa Chay, hôm nay bỗng bừng lên làn ánh sáng chói chang từ đỉnh núi Ta bo. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng đổi khác. Thần tính phát lộ khiến dung mạo Người trở nên sáng láng, ánh sáng rực rỡ làm say mê tâm hồn các môn đệ. Được sống trong khung cảnh thần thiêng thánh thiên, các ông không muốn rời bỏ đỉnh núi nữa.

Ta hãy nhớ lại, trước đó 8 ngày, khi Chúa Giêsu loan báo Người đi lên Giêrusalem để chịu khổ và chịu chết, Phêrô đại diện cho các môn đệ đã phản đối. Ông không muốn chấp nhận thánh giá. Ông không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Thế mà hôm nay, đứng trước vinh quang của Thầy, ông đã say mê và đề nghị Thầy trò cùng ở lại trên ngọn núi hạnh phúc. Trốn khổ tìm sướng vẫn là cái thường tình của con người. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ xuống núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem chịu chết.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi như thế là có chủ đích. Người hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ông thấy vinh quang của thần tính để các ông chấp nhận con đường đau khổ Người sắp trải qua.

Việc Chúa biến hình ban cho các môn đệ niềm hy vọng. Hy vọng đó là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc. Cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Thiếu niềm hy vọng không ai có thể sống ở đời. Người nông phu chăm bẵm mảnh ruộng, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy, vì hy vọng vào mùa gặt bội thu. Người học sinh kiên nhẫn ngày ngày cắp sách đến trường, đêm đêm chong đèn đọc sách, vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp. Người cha, người mẹ tần tảo sớm hôm, quên mình để lo cho con cái, vì hy vọng tương lai con cái sẽ tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. Bên trong những thửa ruộng khổ đau có gieo sẵn hạt mầm hạnh phúc. Trong những vất vả nhọc nhằn tăm tối hôm nay đã hứa hẹn thành công tươi sáng của ngày mai.

Việc Chúa biến hình giúp các môn đệ hiểu biết định mệnh con người. Bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã chiếu sáng trên xác phàm con người. Con người được rạng ngời vinh quang Thiên Chúa. Đó là điềm báo trước: mang sẵn trong mình mầm mống thần linh, con người sẽ trở về với Thiên Chúa. Cuộc trở về phải vượt qua những đớn đau, những gian nan, những thử thách. Nhưng đã biết được đích đến, ta sẽ vui lòng đón nhận tất cả. Vì thế, đạo Công giáo tuy đề cao đau khổ, nhưng không rơi vào yếm thế, bi quan. Đau khổ chỉ là phương tiện. Chấp nhận thánh giá, vì đó là nhịp cầu cần thiết để con người vượt qua từ sự chết đến sự sống, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ tủi nhục đến vinh quang.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Những đau khổ góp phần rèn luyện bạn nên người. Bạn có kinh nghiệm gì về điều đó?
2. Bạn thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn nào? Qua diện mạo bên ngoài, hay qua giá trị bên trong?
3. Qua thập giá tới vinh quang. Bạn có quyết tâm gì để thực hiện điều đó trong mùa Chay năm nay?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Hãy Hiển Dung Hình Ảnh Chúa Cho Anh Em

Cái quý nhất của con nguời là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Cái hạnh phúc lớn nhất của con người là gìn giữ nét đẹp cao qúy đó nơi phẩm giá làm người của mình. Và điều cần thiết nhất để có một cuộc sống tốt với mọi ngừơi là nhận ra tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa.

Thế nhưng, nhiều người đã phủ nhận điều cao qúy nơi phẩm giá làm người của mình. Họ không tin rằng có Thiên Chúa. Họ chối từ sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Từ đó người ta cũng không lo gìn giữ cái đẹp của phẩm giá làm người của mình. Họ chỉ thấy con người là một loài vật có ăn có uống. Thế giới của họ là một thế giới mạnh thắng, yếu thua, và “cá lớn nuốt cá bé”. Họ không nhận ra sự liên đới giữa người với người đều là hình ảnh Thiên Chúa, cần phải tôn trọng và sống tốt với nhau. Con người đã tự khước từ phẩm giá cao qúy là hình ảnh Thiên Chúa nên cũng dễ dàng từ khước nhau và đầy đoạ lẫn nhau. Thế giới vẫn đầy những bất công và hận thù. Con người vẫn vì những tham sân si mà làm hại lẫn nhau.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.

Một lần kia nó nói với sư tử rằng:
-Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: “Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó”. Thằng cha này không coi ai ra gì cả!
Sư tử tức giận và bảo rằng: “Thế mày có nhắc đến tên tao không?”
-Thỏ trả lời: Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi.
Sư tử càng tức điên người lên và hỏi: Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay.
Thỏ liền dẫn sư tử ra sau núi, và chỉ một cái giếng ở đàng xa và bảo: Đấy, nó ở trong đó đấy!
Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy ngay một tên, với cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử rống lên một tiếng, tên kia cũng rống lên một tiếng. Sư tử xù lông cổ lên tên kia cũng xù lông cổ lên. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ dồn hết sức mình nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một trận. Thế là, con sư tử ngạo mạn tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu. . .

Thất bại của sư tử là không nhận ra mình nên đã lao vào cắn xé chính hình ảnh của mình. Sư tử chỉ muốn nhất. Sư tử chỉ muốn làm bá chủ nên sẵn sàng loại trừ tất cả các đối thủ có nguy cơ nguy hại đến vị trí số 1 của mình.

Nếu con người của mọi thời đại biết nhìn nhận mình là hình ảnh của Thiên Chúa và mọi người là anh em với nhau, sẽ có những cách hành xử tốt với nhau hơn. Nếu con người nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, chắc chắn sẽ không đối xử tàn bạo với nhau. Nhưng tiếc thay, nhiều người chỉ muốn làm chúa sơn lâm nên lao đầu vào cắn xé đồng loại, hành hạ đồng loại của mình và sẵn sàng làm đủ trò để loại trừ đồng loại.

Hôm nay, lễ Chúa hiển dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu. Đó chính là sứ điệp mà mùa chay đang mời gọi chúng ta: hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để anh em được chiêm ngưỡng. Hãy biểu lộ lối sống tinh tuyền, chân thật của phẩm giá làm ngừơi để anh em được hạnh phúc khi sống với chúng ta.

Mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm tẩy rửa những bợn nhơ tội lỗi làm hoen ố lương tri, và xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta luôn gìn giữ nét đẹp nơi phẩm giá làm người của mình và của tha nhân. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

CĂN TÍNH THẦN LINH VINH QUANG CỦA CHÚA KITÔ

Trong trình thuật Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu biểu lộ thiên tính của mình cho các môn đệ thân thiết nhất. Chúa Giêsu cho thấy Ngài là Đấng vinh quang, vượt trội hơn cả Môsê và Êlia, vốn là những nhân vật vĩ đại trong lịch sử của dân Israel thời Cựu Ước. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là để xác định lời công bố trước đó của Ngài về cuộc khổ nạn, cái chết và trên hết là Sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Cuộc biến hình của Chúa Giêsu cũng là để các môn đệ được chọn của Ngài biết rằng Ngài chính là Thiên Chúa vinh quang. Nhờ đó họ có thể từ bỏ ước mơ về một Đấng cứu thế chính trị, cùng với tham vọng trần tục cá nhân của họ, để kiên trung bước theo Ngài trong cuộc khổ nạn mà Ngài sắp trải qua. Cũng nhờ cuộc biến hình đó họ sẽ được củng cố trong những thử thách mà chính họ cũng sẽ trải qua sau này khi theo bước Thầy mình loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Thầy Giêsu của họ thực sự là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu thế được Chúa Cha sai đến để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Chúa Cha đã mặc khải điều đó qua những lời này: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài” (Lc 9: 35).

  1. Ngắm nhìn và lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng biến hình

Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài.” Đây cũng  là lời Chúa Cha đã công bố ngay từ đầu về Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan, mở đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3: 21-22). Vâng nghe lời Chúa Giêsu là lắng nghe Lời Ngài để Lời đó trở nên sống động trong cuộc sống chúng ta. Để được như vậy, chúng ta phải suy ngẫm Lời của Ngài, làm theo Lời của Ngài, ngày càng trở nên gần gũi với Ngài, đem lại niềm hứng khởi cho mọi việc chúng ta làm, giúp chúng ta trở thành những môn đệ thân tín của Ngài. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta mẫu gương của Abraham được biến đổi thành người thân tín của Thiên Chúa: “Chúa phán với ông Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi… Ông Abram ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12: 1,4). Abraham trở thành người được Thiên Chúa ký kết giao ước vì vâng nghe lời Thiên Chúa: “Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Chúa lập giao ước với ông…” (St 15: 17-18). Đó là giao ước đầu tiên mà Thiên Chúa ký kết với con người, với dòng giống Abraham, như một phần thưởng cho lòng tin và việc ông vâng nghe lời Thiên Chúa: “Chúa phán với ông Abram trong một thị kiến rằng: Hỡi Abram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn… Chúa đưa ông ra ngoài và phán: Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! Ông tin Chúa, và vì thế, Chúa kể ông là người công chính” (St 15:1,5).

Chúng ta ngày nay cũng vậy, vâng nghe lời Thiên Chúa là đồng ý thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta, vốn có xu hướng quy về cái tôi ích kỷ của mình, của gia đình riêng tư, của đoàn thể, của phe nhóm, đảng phái của mình…Vâng nghe lời Thiên Chúa là cắt tỉa, thay đổi lối sống, hoán cải tâm hồn, bước theo Ngài trong “cuộc xuất hành mà Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” để làm cho cuộc sống của chúng ta tỏa sáng, trong ánh sáng “rạng ngời vinh hiển…vinh quang của Chúa Giêsu” (Lc 9: 31-32). 

Ánh sáng rạng ngời tỏa ra từ khuôn mặt Chúa Giêsu cho thấy căn tính thần linh của Ngài, không chỉ trong cuộc Biến hình, mà mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi Ngài ẩn mình trong bánh thánh. Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, ở trước Mình Thánh Chúa, chúng ta có ý thức mình đang ở trước Thiên Chúa hiển vinh không?

  1. Cùng Chúa Kitô biến đổi mỗi ngày

Môsê và Êlia xuất hiện cùng với Chúa Giêsu, rất sống động: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Ngài, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9: 30-31). Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, và Sự Phục Sinh - sự sống đời sau - là có thật! Điều này quan trọng vì vào thời Chúa Giêsu, nhiều người, như nhóm Xa đốc, không tin vào sự phục sinh. Tất nhiên các tông đồ chưa thể hiểu điều này, do vậy các ông có phản ứng hoàn toàn trần tục, hoàn toàn con người: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33).

Chúng ta đón nhận Chúa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày? Liệu chúng ta có tin Ngài thực sự là Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến Sự Phục Sinh - sự sống vĩnh cửu - không, hay chúng ta chỉ muốn Ngài là người giúp đỡ chúng ta giải quyết những vấn đề trước mắt, những nhu cầu cụ thể hằng ngày? Nếu chúng ta chỉ cầu xin Chúa ban những của cải thế gian này, thì chúng ta cũng giống như Phêrô muốn bám víu vào cõi trần này, “dựng ba lều…chúng con ở đây, thật là hay” (Lc 9: 33). Đây là phản ứng của phàm nhân, của thế gian. Ngược lại, nếu chúng ta đón nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, và chúng ta đặt niềm tin cậy vào Ngài, thì ân sủng của Đấng mà “dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục Ngài trở nên trắng tinh chói loà” (Lc 9: 29) sẽ có thể hoạt động trong chúng ta và làm cho cách cư xử hằng ngày của chúng ta đổi khác, trở nên trắng tinh, được sự hiện diện của Thiên Chúa như “đám mây bao phủ” (Lc 9: 34), đưa vào cõi đời đời “rạng ngời vinh hiển… nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu” (Lc 9: 31-32).

Trong mỗi Thánh lễ, bánh và rượu chúng ta dâng trên bàn thờ được “biến hình”, biến đổi thành Mình và Máu sống động của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chết và phục sinh vinh hiển. Cũng như Cuộc biến hình của Chúa Giêsu đã củng cố các tông đồ trong thời gian thử thách, thì mỗi Thánh lễ, nhất là trong Mùa Chay thánh này, là nguồn sức mạnh từ trời cao dành cho chúng ta để chống lại những cám dỗ và đổi mới chúng ta.

  1. Được biến đổi nhờ cầu nguyện và năng lãnh nhận các bí tích

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chính “Đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài” (Lc 3: 21-22) và hôm nay cũng vậy, chính “Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác” (Lc 9:29). Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ rõ: “Cầu nguyện, cầu nguyện luôn thay đổi thực tại, chúng ta đừng quên rằng: cầu nguyện có thể thay đổi mọi thứ hoặc thay đổi trái tim chúng ta, nhưng cầu nguyện luôn thay đổi” (Vatican - 9 tháng 1 năm 2019)

Khi chúng ta cầu nguyện và đón nhận Chúa Kitô làm Đấng Cứu Độ của mình, chúng ta được biến đổi nhờ sự sống thần linh của Ngài trong chúng ta, chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa. Sự sống này hoạt động trong chúng ta và biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Chúa Kitô. Được biến đổi nên giống hình ảnh Chúa Kitô có nghĩa là được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô phục sinh và vinh hiển, trở nên giống Ngài: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định. Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8: 28-29).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài đã được dạy “cầu nguyện như một người con chứ không phải tìm kiếm viên kẹo an ủi... Cầu nguyện mở lòng với Chúa, và khi Chúa Thánh Thần ngự vào, Ngài thay đổi cuộc sống của bạn từ bên trong. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện: mở lòng và tạo không gian cho Chúa Thánh Thần…Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi trái tim chúng ta, ngự vào trái tim chúng ta và biến đổi nó” (www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-10).

Cụ thể hơn, mỗi ​​lần chúng ta lãnh nhận Bí tích, chúng ta được biến đổi. Bí tích Rửa tội biến đổi chúng ta thành con cái của Thiên Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Bí tích Thêm sức biến đổi chúng ta thành đền thờ của Chúa Thánh Thần và là chiến binh của Thiên Chúa. Bí tích Hòa giải, nhất là trong mùa Sám hối và chay tịnh này, Thiên Chúa đưa tội nhân trở lại con đường thánh thiện. Sự Biến hình của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một thông điệp khích lệ và hy vọng. Trong những lúc nghi ngờ và trong những khoảnh khắc đen tối tuyệt vọng đường cùng, suy ngẫm về sự biến đổi của chính chúng ta trên Thiên đàng sẽ giúp chúng ta vươn tới Thiên Chúa như lời an ủi của thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3:20-21).

Chúng ta có thể có  kinh nghiệm “lên núi cầu nguyện” trong cuộc sống của mình, như kinh nghiệm của Phêrô, Giacôbê và Gioan, khi chúng ta dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện trong Mùa Chay thánh này. Chay tịnh có thể giúp chúng ta tích trữ sức lực tâm linh, thay đổi cách nghĩ, lối sống và có được mối tương giao thân tình, cao cả, quý giá với Chúa Giêsu, Đấng đã hứa: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1: 50), đó là: “Thành Thánh Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21: 10).

                                                                                        

Phêrô Phạm Văn Trung

 

Subcategories