3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM TRẦM PHÚC - CN26TN-C

  •  LM TRẦM PHÚC
     

    GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

    Chúa Nhật 26 Thường Niên năm C

    Lời Chúa : Lc 16,19-31

     

         Chúng ta đều tin rằng có thiên đàng, hoả ngục và cuộc sống mai sau. Dụ ngôn chúng ta suy nghĩ tuần nầy xác định rõ điều đó. Với dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu không chỉ nói đến sự cứng lòng vô tâm của người giàu mà thôi, Ngài nhắm đến một mục tiêu xa hơn, đó là cho thấy lập trường của người Pharisêu là không đúng.

    Người Pharisêu chủ trương rằng, người lành sẽ được Chúa ban cho mọi ân huệ, giàu có, sung túc, đông con, lắm của nhiều may, còn người tội lỗi bị Chúa trừng phạt, phải nghèo đói, cơ cực, khốn khổ.  Đó là quan niệm thời các tổ phụ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng, của cải, tiên bạc, sự giàu có không phải là phần thưởng Chúa ban cho người lành mà chính đời sống đạo đức mới quyết định tương lai của mọi người.

         Của cải, tiền bạc thường làm cho người ta mờ mắt, không thấy gì  khác ngoài đồng tiền và ước muốn hưởng thụ. Trong dụ ngôn Chúa Giêsu đã cho thấy rõ điều đó. Trong thực tế, chúng ta thấy rõ điều đó. Có được mầy người giàu có mà có lòng nhân ? Có của nhiều, người ta muốn có nhiều hơn và tìm hết mọi cách để làm giàu, dù phải chà đạp lên người khác, khai thác người anh em.

    Người giàu trong dụ ngôn không làm ăn bất chính, nhưng đã làm ngơ trước sự nghèo đói thống khổ của anh Ladarô, mà chỉ lo hưởng thụ riêng mình. Chúa Giêsu không nói anh nhà giàu kia đã phạm tội gì nên xuống hoả ngục. Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng, không yêu thương anh em khốn khổ là một tội ác, đáng sa hoả ngục. Một điều đáng cho chúng ta suy nghĩ.

        Anh Ladarô, (tên anh có nghĩa là Thiên Chúa giúp), lại là một người khốn khổ, nghèo đói đáng thương, lê lết trước nhà anh nhà giàu, muốn ăn những gì rơi từ bàn ăn xuống mà lại không có. ( Người Do thái không dùng khăn ăn mà lau tay bằng ruột bánh mì, lau xong, quăng xuống cho chó).

    Chúa cũng không nói anh Ladarô đã làm gì mà sau khi chết lại được hưởng phúc thiên đàng. Chúng ta có thể hiểu rằng anh Ladarô đã chấp nhận thân phận của mình một cách bình thản, chỉ sống tin cậy vào Chúa thôi. Đó là điều kiện khiến anh được hạnh phúc sau khi qua đời. Đây chỉ là môt dụ ngôn, chúng ta có thể hiểu chung chung mà không cần đầy đủ chi tiết.

         Trong khi chịu khổ hình trong hoả ngục,anh nhà giàu còn nhớ đến anh em mình và cầy xin ông Ap-ra-ham sai Ladarô hiện về cảnh báo anh em mình kẻo họ cũng sa vào hoả ngục như anh. Cuộc đối thoại giữa anh nhà giàu và Ap-ra-ham thật ý nghĩa ! “ Chúng ta đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe theo các vị đó”. Anh nhà giàu đáp : “ Thưa tổ phụ, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. Ông Ap-ra-ham đáp : “ Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.

    Một khi tâm hồn đã ra chai cứng vì ham mê của cải và hưởng thụ thì vấn đề đạo đức sẽ bị xem như không có giá trị gì. Đây là một lời cảnh báo nghiêm trọng cho mọi người. Chúng ta dừng tưởng rằng chúng ta không bị cám dỗ bởi vật chất và thú vui trần gian. Cuộc sống của mỗi người chúng ta là một cuộc chiến sống chết giữa vật chất và Thiên Chúa. Nhu cầu vật chất luôn là một ám ảnh cho chúng ta. Chúng ta sợ thiếu thốn , nghèo đói, sợ thất bại.

    Chính nỗi sợ đó làm cho chúng ta luôn chú ý làm sao bảo đảm cuộc sống hôm nay, phải có tiền, phài có nhà cửa, tiện nghi. Làm sao cho cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng. Đó là một cơn cám dỗ liên tục và rất tinh vi. Nhiều người đã không đủ can đảm để theo Chúa. Chúa đã nói : “ Không ai làm tôi hai chủ được. Không ai có thể làm tôi tiền bạc vửa làm tôi Chúa được”. Chúng ta đừng mơ mộng và thực tế nhìn về ngày cuối cùng của đời mình.

    Cuộc sống nầy không tồn tại lâu đâu, một ngày nào chúng ta phải nằm xuống xuôi tay, trở về với Đấng đã tạo nên chúng ta và là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Hạnh phúc thiên đàng mới thực sự là đích điểm của cuộc sống hôm nay. Chúng ta có tin chắc chắn như thế không ?

           Chúng ta là những tội nhân, Chúa Giêsu đã đến cứu chúng ta, Ngài chấp nhận thân phận con người và chỉ sống theo ý Cha Ngài mà thôi. Nhờ đó, Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng ta, nhờ đó, chúng ta mới mong có một ngày huy hoàng về sống với Ngài trong hạnh phúc không tàn phai.

    Thế gian sẽ qua đi, Chúa vẫn còn. Ngài không bỏ rơi những kẻ tin cậy vào Ngài. Ngài còn đến với chúng ta qua tấm bánh tình yêu, nhờ đó, chúng ta có quyền ăn lấy Ngài, sống với Ngài nơi trần gian khốn khổ nầy và đạt tới hạnh phúc Ngài đã dành lại cho chúng ta. Sau cùng, chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới thực sự là hạh phúc thật của chúng ta.

    Lm Trầm Phúc
    Kính chuyển:
    Hồng
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ NĂM

  •  LM MINH ANH
     
     


    CỨ MÃI LẦN LỮA

    TIN MỪNG LUCA 9, 7-9

    “Ông Gioan, trẫm đã chém đầu!”.

    Nữ văn sĩ Margaret Millar nói, “Hầu hết các cuộc trò chuyện chỉ đơn giản là ‘một cuộc độc thoại’ trước sự chứng kiến của ‘một nhân chứng!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay không nói đến ‘một cuộc độc thoại’ của một ai đó trước ‘một nhân chứng’ nào đó, nhưng nói đến ‘lời tự thú’ của một quận vương trước cả một quần thần. Đó là một sự thật trần trụi mà Hêrôđê nhìn nhận, “Ông Gioan, trẫm đã chém đầu!”. Tiếc thay, việc nhìn nhận nó không giúp ông đau buồn mà cải tà quy chánh; nhưng khiến cho lòng ông chai cứng thêm! Vậy điều gì khiến Hêrôđê ‘cứ mãi lần lữa?’.

    Tin Mừng nói, Hêrôđê mong gặp Chúa Giêsu; nhưng mong ước gặp Ngài của ông, hoặc sự kính trọng của ông dành cho Gioan, không hoàn toàn dựa trên đức tin hay động cơ hoán cải. Thời gian Gioan bị giam cầm hẳn mang một ý nghĩa mời gọi Hêrôđê hoán cải; tuy nhiên, Hêrôđê vẫn trì hoãn sám hối. Tại sao? Ông không vượt được những ‘noạ tính’ của thế gian và xác thịt.

    Điều này có thể cũng đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta, những con người vốn rất cần biến đổi. Nói rằng, tôi vẫn ổn! Tôi tin nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi; tôi đã được “sinh lại” là chưa đủ! Chúng ta phải sống một đời sống mới bằng việc nên thánh mỗi ngày; tôi cần quyết tâm đổi mới lựa chọn của mình đối với Chúa Kitô; và nhất là đừng ‘cứ mãi lần lữa!’. Hôm nay, tôi muốn chuyển những điểm yếu, thiếu sót và sai lỗi của tôi sang một điều gì đó mà Chúa Giêsu mong chờ; và đó là sự thật giục giã tôi phải biến đổi, để tôi có thể đến gần Ngài!

    Sự thật là gì? Sẽ đến một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống khi chúng ta soi mình vào gương để thấy rõ con người thật của mình; gẫm suy thế sự vốn chỉ là phù vân khi mọi sự xoay vần tuần hoàn và “chẳng có chi mới lạ dưới ánh mặt trời” như sách Giảng Viên hôm nay lưu ý. Cần can đảm để mục kích trực tiếp và tự hỏi, “Tôi thực sự là ai? Tôi đã làm gì với hồng ân Chúa?”. Với Hêrôđê, không phải tất cả mọi thứ nơi ông đều ổn; một sự thật ông đã nhìn thấy, ‘ông giết người!’. Đây có thể là khởi điểm cho ông để bắt đầu một cuộc hoán cải thực sự hầu đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa; ít nhất, ông cũng nhận ra mình đã phạm tội. Hoán cải luôn bắt đầu bằng việc chúng ta chấp nhận thất bại khi đã nghiêng chiều về điều ác. Tiếc thay, Hêrôđê chỉ dừng lại ở đó! Ông không tìm nương thân bên Chúa để được Ngài xót thương; Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”.

    Anh Chị em,

    “Ông Gioan, trẫm đã chém đầu!”. Lời tự thú công khai của Hêrôđê cho thấy lương tâm ông vẫn cắn rứt; ông đã giết một người vô tội, một vị thánh đã nói sự thật. Ấy thế, Hêrôđê vẫn không thay đổi! Chính điều này cho thấy, hoán cải là việc của ân sủng chứ không phải của sức người. Chỉ có Thánh Thần của Thiên Chúa mới giúp chúng ta đủ sức bật dậy. Hãy cậy vào Chúa, đừng cậy sức mình! Bên cạnh đó, một khi trải nghiệm sự khó khăn của việc thay đổi bản thân, chúng ta cảm thông với sự đổi thay cần có thời gian của người khác! Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ tôi, sao tôi không nhẫn nhịn chờ đợi anh chị em tôi? Bắt chước Hêrôđê, bạn và tôi khởi sự bằng việc nhìn nhận tội lỗi đầu nậu của mình, đặt bàn chân mình vào khởi điểm của lộ trình hoán cải; nhưng đừng ‘cứ mãi lần lữa’ như Hêrôđê. Hãy cầu nguyện, van xin Chúa Thánh Thần, kết hợp với việc chay tịnh; quyết tâm đứng lên và đi tới. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ gặp được lòng thương xót Chúa… để bắt đầu một hành trình mới, một hành trình có tên “nên thánh!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con nhìn nhận chân tướng thật của mình, đừng để con vờ vịt, và ‘cứ mãi lần lữa’, khiến Chúa hoài công. Xin ân sủng Chúa giúp con quyết tâm đứng lên và đi tới!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THANH MATHEU

  • LM MINH ANH
     
     
                                                                                                           TIN MỪNG MATTHEU 9, 9-13                 

    ĐÔI MẮT KÍNH CỦA ĐỨC TIN

    KÍNH THÁNH MAT-THÊU

    “Anh đứng dậy, đi theo Ngài”. (CÂU 9)

    Mable Newcomer nói, “Điều quan trọng là biết bạn sắp đi đâu, hơn là nhanh chóng đến đó!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, Tin Mừng lễ thánh Matthêu cho thấy một điều ngược với những gì Newcomer nói! Matthêu không biết mình đi đâu, cũng biết rất ít người gọi mình; thế nhưng anh vẫn nhanh nhẹn đi theo! “Anh đứng dậy, đi theo Ngài”. Trình thuật toát lên một sự đơn giản, chóng vánh, đến nỗi có xoe mắt trông, bạn cũng chỉ có thể hiểu được khi có cho mình ‘đôi mắt kính của đức tin!’.

    Matthêu đã ký vào một tấm séc trống và đưa nó cho người gọi anh! Thật bất ngờ, hẳn anh là người có ‘đôi mắt kính của đức tin’ nên dám đánh cược cả cuộc đời còn lại của mình. Nếu tin rằng, Thiên Chúa vừa là quyền năng, vừa là Cha, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua những dự tính riêng để mau mắn làm những gì Ngài muốn. Và như thế, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những biến cố không vui xảy đến trong đời cũng như nơi những người thân yêu của mình.

    Matthêu, một người thu thuế, ‘được’ dán nhãn là “kẻ phản bội”. Một người Do Thái bình thường thậm chí sẽ không trò chuyện với anh; vậy mà Chúa Giêsu dừng lại, trìu mến nhìn anh, gọi anh! Và lập tức, không hỏi han hay đặt điều kiện… Matthêu ngơ khờ đứng dậy theo Ngài. Đơn giản đẹp đẽ làm sao! Anh không biết rằng, rồi đây, con người này sẽ biến anh thành một tông đồ; thay vì tiền bạc, sổ sách, anh sẽ viết lại đời Ngài. Đơn giản là hạnh phúc! Sau đó, đi một bước xa hơn, anh mời Chúa Giêsu về nhà dùng bữa. Với ‘đôi mắt kính của đức tin’, chúng ta nhận ra đó là dấu của thiết thân, tình bạn và tình yêu thiên linh của cái được gọi là ‘ơn thiên triệu!’.  

    Trái với sự ‘tiến về phía trước’ không tính toán của Matthêu là sự ‘lùi lại phía sau’ đầy toan tính của người Pharisêu. Việc dùng bữa với một tội nhân là “hành vi đáng xấu hổ” của ‘Rabbi’ này. Vấn đề là các biệt phái đã hỏng ngay từ điểm xuất phát, họ quá thiếu sót để không nhận ra nét đơn sơ nghèo khó của Đấng Messia. Họ nhìn Con Thiên Chúa từ góc độ duy, đang khi cái nhìn đúng đắn duy nhất là nhìn Ngài với ‘đôi mắt kính của đức tin’ và tình yêu.

    Điều này cũng thường xuyên xảy ra trong cuộc sống khi chúng ta bắt đầu phán xét tha nhân, các sự kiện, hoàn cảnh, mà không có đức tin và đức ái. Trước khi kịp nhận ra điều đó, có thể chúng ta đã từ chối; thậm chí xúc phạm người anh em, một Linh mục, một Giám mục. Chúng ta không nhìn mọi thứ từ một vị trí thuận lợi siêu nhiên với ‘đôi mắt kính của đức tin’, mà từ những tiêu chí nhân loại đơn thuần. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nhắn nhủ, “Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái”. Để từ đó, khi thấy chúng ta hoà hợp yêu thương, thế giới biết có một ‘Ai đó’ bên trong; như thế, Danh Chúa được nhận biết. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

    Anh Chị em,

    “Anh đứng dậy, đi theo Ngài”. Nhìn sự chóng vánh của Matthêu, bạn và tôi xem lại ơn gọi ì ạch của mình. Tất cả là ơn Chúa, Đấng đi bước trước, tìm kiếm, xót thương. Mỗi người chúng ta chỉ là một tội nhân không hơn không kém, một tội nhân được Chúa Giêsu cưu mang khiến Ngài chịu tiếng mang lời. Hãy nhận ra tình trạng đáng thương của mình, một người đau ốm cần đến thầy thuốc. Từ đó, bạn và tôi có thể nâng suy nghĩ của mình lên tầm siêu nhiên. Tại sao Chúa làm người? Sao Ngài lại cất công tìm tôi? “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế!”. Chúng ta biết mình “đi đâu”, đi với ai; để không còn lý do gì mà ì ạch! Hãy nhìn mọi sự với ‘đôi mắt kính của đức tin!’, hình thành “giác quan thứ sáu” này, thói quen này, qua cầu nguyện, tiếp xúc mật thiết với Chúa mỗi ngày, hầu có một cái nhìn mới về cuộc sống!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, may mắn hơn Matthêu, con biết mình đi đâu, đi với ai; xin giúp con trở nên đơn giản, chấp nhận Chúa với những đòi hỏi của Tin Mừng mà không tính toán và phức tạp!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN26TN-C

  •  
    Song Loi Chua

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C (25/9/2022)

    CÔNG LÝ NGHIÊM MINH

    LỜI CHÚA: [Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

    Nhiều người thấy cuộc đời này thật khó hiều và xem ra đầy bất công: nhiều người giầu sang phú quý sống xen lẫn với không ít người lầm than vất vả. Điều xem ra bất công và khó hiều là nhiều người giầu sang phú quý nhưng lại bất lương trong khi nhiều người lầm than vất vả nhựng lại lương thiện! Các bài sách thánh hôm nay, nhất là bài đọc

    Cựu ước và bài Phúc âm giúp người đọc hiểu rằng trên đời này giữa những bất công và khó hiều còn có một nền công lý nghiêm minh. Dù là những người phú hộ hay là kẻ hành khất chúng ta hãy chăm chú đọc và suy niệm các bài Thánh Kinh của Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C, để tìm thấy ánh sáng soi cuộc sống của mình và của những người chung quanh.

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Am 6,1.4-7): "Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày"  Đây Chúa toàn năng phán: "Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Đavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa".

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Tm 6,11-16): "Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến" Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Đấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Đấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Đấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 16,19-31): "Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

    " 'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

    "Người đó lại nói: 'Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu' ".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Am 6,1.4-7) là một trích đoạn của Sách Ngôn sứ A-mốt cảnh cáo những người quyền cao chức trọng trong dân Ít-ra-en chỉ biết sống trong cảnh giầu sang nhung lụa mà chẳng quan tâm gì đến tình hình và vận mệnh của dân tộc. Hậu quả là đất nước họ sẽ bị ngoại bang xâm chiếm và bản thân họ sẽ phải bị lưu đầy khốn khổ.   

    Trong đoạn Sách A-mốt trên (6,1.4-7) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất công minh: những người cầm quyền đã được giao trọng trách cai trị dân, được hưởng những đặc quyền, đặc lợi về vật chất, thì họ có trách nhiệm phải chăm lo cho dân, cho đất nước. Sống thờ ơ với đời sống thường ngày của dân, với vận mệnh của đất nước, chỉ biết hưởng thụ mà không chu toàn trách nhiệm, thì họ đáng bị trừng phạt. Đó là sự nghiêm minh của công lý được thể hiện!

    3.1.2 Bài đọc 2 (1 Tm 6,11-16) là những lời khuyên chân tình của Thánh Phao-lô dành cho ông Ti-mô-thê, một cộng sự thân cận của ngài. Lời khuyên có hai khía cạnh tiêu cực và tích cực. Khía cạnh tiêu cực là: “hãy tránh xa những điều đó” (là muốn làm giầu, ham tiền bạc); còn khía cạnh tích cực là: “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa” Nói cách khác là kiên cường chiến đấu “cho được sự sống đời đời” mà Thiên Chúa chỉ ban cho những ai “giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách qua Chúa Giê-su Ki-tô.”

    Trong đoạn thư gửi ông Ti-mô-thê trên (6,11-16) chúng ta được Thánh Phao-lô dậy cho biết: Thiên Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện và thưởng phạt công minh. Người yêu thương những con người sống đơn sơ, khó nghèo, thanh thoát (đối với địa vị, chức quyền và tiền bạc), giầu lòng tin và lòng mến.  Đó cũng là sự nghiêm minh của công lý được thể hiện!

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 16,19-31) là câu chuyện dụ ngôn trong Phúc âm Lu-ca nêu lên hai ‘số phận’ hoàn toàn trái ngược nhau của hai người, cả ở đời này lẫn ở đời sau. Thật vậy, ông nhà giầu (ngày nay đuợc gọi là đại gia) có tiền của, bạc vàng, châu báu dư thừa, nhưng không được Chúa Giê-su đặt cho một cái tên. Còn anh chàng “nghèo rớt mồng tơi” thì lại có tên đàng hoàng: La-da-rô. Ông đại gia sống trong nhung lụa, tiệc tùng sa hoa, dư thừa và sung sướng ở đời này nhưng lại cô đơn, khốn khổ ở đời sau. Còn anh La-da-rô sau cuộc sống đói khổ, túng thiếu ở đời này, lại tràn trề hạnh phúc ở đời sau. Một hố ngăn cách “không thể san bằng” được dựng nên giữa hai con người, giữa hai thế giới. Nguyên nhân tạo ra hố sâu ngăn cách ấy không hẳn là sự giầu có, mà là việc ông nhà giầu kia “không chịu thấy” (tức không quan tâm giúp đỡ) “anh chàng La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông nhà giầu rớt xuống.”

    Trong đoạn Phúc âm Lc 16,19-31 này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng  công minh chính đại trong đối xử với mọi người: Mọi ân huệ (vật chất, tinh thần) Người ban đều kèm theo một trách nhiệm; và mọi khổ cực hay thiệt thòi chỉ là tạm thời và có thể là nhân tố đem lại hạnh phúc đời đời. Vì thế không thể chỉ có hưởng thụ mà không có đền đáp; không thể chỉ biết có mình mà không biết đến người chung quanh đang cần được chia sẻ, giúp đỡ. Cũng vì thế, không có khổ cực, thiệt thòi nào mà không được bù đắp, miễn đương sự sống công chính và tin tưởng vào sự công minh của Thiên Chúa. Đó chính là sự nghiêm minh của công lý được thể hiện!

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai khía cạnh, khía cạnh tiêu cực (không nên/ không được) và khía cạnh tích cực (nên/phải):

    * Khía cạnh tiêu cực là các Ki-tô hữu không nên/không được ham hố chức quyền, địa vị và tiền bạc mà phải cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, nhẫn nại và hiền hòa.

    * Khía cạnh tích cực là các Ki-tô hữu phải biết dùng chức quyền, địa vị và của cải mà Thiên Chúa đã ban cho để tạo nên phúc đức bằng cách giúp đỡ những người nghèo khó, túng thiếu, bị thiệt thòi, kém may mắn …. sống  đầy dẫy trong xã hội.

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Đấng xét xử phân minh: người có công thì được thưởng, người có tội thì bị trừng phạt, không ở đời này thì ở đời sau, đúng như Chúa Giê-su đã dậy: nhận được nhiều thì phải yêu mến nhiều! nhận được “nhưng không” thì phải cho đi cách vô vị lợi!

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Suy nghĩ một chút, tôi nghe thấy Lời Chúa mời tôi kiểm điểm về cách sử dụng chức quyền, địa vị và tiền bạc mà Chúa giao cho tôi:

    * Trước sức quyến rũ của chức quyền, địa vị và của cải vật chất, tôi có thái độ nào: ham muốn, chạy theo và quỵ lụy hay cảnh giác, tự chủ và siêu thoát?

    * Khi được Thiên Chúa ban chức quyền, địa vị và của cải vật chất, tôi đã dùng những thứ ấy để tạo nên phúc đức hay gây nên tội lỗi? tôi đã dùng những thứ ấy để giúp đỡ tha nhân, cộng đồng hay chỉ phục vụ bản thân và gia đình mình mà thôi?   

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước, đang phải đương đầu với cảnh phân hóa giầu nghèo một cách trầm trọng, để những nước giầu và những người giầu biết chia sẻ của cải, phương tiện với những nước nghèo và những người nghèo khó túng thiếu trong xã hội, cộng đồng.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.2 «Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Tông Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế biết sống theo lời khuyên của Thánh Phao-lô để làm đẹp lòng Thiên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.3 «Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đòan giáo xứ khác, biết quảng đại chia sẻ của cải và tình thương với những người bất hạnh chung quanh.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.4 «Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người cầm quyền các quốc gia biết chu toàn trách nhiệm chăm lo cho đất nước và đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 21/9/2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.               

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     

    TIN MỪNG LUCA 8, 19-21 - THỨ BA CN25TN-C

    Họ không thể giáp mặt Ngài, vì dân chúng quá đông”. (CÂU 19)

    "MẸ TÔI VÀ ANH EM TÔI CHÍNH LÀ NHỮNG NGƯỜI NGHE LỜI CHÚA VÀ ĐEM RA THỰC HÀNH". (CÂU 21)

    Một nhà tu đức nói, “Ngài là Vua các vua, chói lọi vinh quang, Chúa vũ trụ vô tận, huyền ảo; toàn tri, toàn năng, toàn trị; thánh khiết không thể tả, không thể chạm tới, không thể giáp mặt, không thể đổi thay... Ấy thế, Ngài được bao bọc trong thân xác một con người thấp hèn, sinh ra như một con cái Giuđa bị khinh dể, trong một hang lừa bẩn thỉu, từ lòng một phụ nữ giản dị và không phô trương. Đấng ‘không thể giáp mặt’ nên rốt hèn, để mọi người ‘có thể giáp mặt!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Đấng ‘không thể giáp mặt’ nên rốt hèn, để mọi người ‘có thể giáp mặt!’”. Ngày xưa cũng như ngày nay, không ít người trong nhân loại khát khao giáp mặt Chúa Giêsu, một con người rất dễ gặp trên mọi nẻo đường cuộc sống của mỗi người; thế nhưng, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều xem ra ngược lại. Nhiều lúc, gặp Chúa Giêsu không phải luôn luôn dễ! Luca cho biết, “Mẹ và anh em Ngài đến tìm Ngài, nhưng họ không thể giáp mặt Ngài, vì dân chúng quá đông”.

    Mỗi người có lý do riêng của mình để tìm đến Chúa Giêsu! Một số người cần được chữa lành, như Bartimê, anh mù thành Giêricô, la hét cho đến khi được Ngài xót thương; một số vì tò mò, như Giakêu, người đã leo lên cây để xem cho được Ngài; một số muốn nghe Ngài, như đám đông chen lấn bên hồ Gênêzareth; một số muốn chăm sóc Ngài, như Mẹ Maria, chị em Matta Maria. Bạn và tôi, chúng ta có muốn gặp Chúa Giêsu không; tại sao tôi muốn gặp Ngài; điều gì đang ngăn cản khiến tôi ‘không thể giáp mặt Ngài?

    Rõ ràng, nhiều lúc, thật không dễ dàng để chinh phục Chúa Giêsu; thậm chí cũng không dễ gặp Ngài. Mặc dù chúng ta có thể tìm kiếm Ngài với ý định thuần khiết nhất, nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện. Chắc chắn sẽ có những trở ngại, và chúng ta phải chuẩn bị! Satan luôn tìm cách đẩy chúng ta ra xa Thiên Chúa qua tội lỗi, thậm chí đặt ra nỗi sợ, để cản ngăn chúng ta đến với phép Giải Tội, khiến chúng ta không nhận được ơn thứ tha và chữa lành. Thế giới ra sức lôi kéo chúng ta càng xa Thiên Chúa càng tốt; nó cung cấp hàng ngàn sự xao nhãng và thú vui khiến chúng ta rời bỏ việc cầu nguyện, hồi tâm và hoán cải. Bản thân chúng ta cũng rất ít có khuynh hướng thiên về điều lành, phục vụ tha nhân và sống các nhân đức. Ngay cả lười biếng và ươn ế cũng có thể dập tắt những gì tốt nhất nơi chúng ta. Vì thế, bạn và tôi, cần để Chúa Giêsu biết chúng ta đang tìm Ngài; nói cho Ngài lý do chúng ta ‘không thể giáp mặt Ngài.

    Anh Chị em,

    Họ không thể giáp mặt Ngài”. Tại sao bạn và tôi ‘không thể giáp mặt’ Ngài? Đó là một câu hỏi quan trọng! Vậy mà, với Chúa Giêsu, thật thú vị, được nhìn Ngài hay gặp Ngài vẫn không quan trọng! Quan trọng là làm sao ‘được Ngài chạm’ hay ‘chạm được Ngài’; nhờ đó, được chữa lành và biến đổi. Tuyệt vời thay! Tin Mừng hôm nay tiết lộ, có một cách khác để có thể thường xuyên ‘được Ngài chạm’ hay ‘chạm được Ngài’, đó là khi chúng ta trở nên những con người biết “nghe lời Thiên Chúa đem ra thực hành”. Bấy giờ, như Mẹ Maria, chúng ta sẽ sống mối tương quan với Chúa Giêsu đến một mức độ thân thiết còn hơn cả quan hệ huyết tộc. Đây chính là vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta đạt đến phẩm giá và sự thân mật ngày càng cao hơn với Ngài. Càng yêu mến Chúa, chúng ta càng yêu thương anh chị em mình. Sách Châm Ngôn hôm nay nói, “Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ”. Quý biết bao khi chúng ta sống Lời Chúa như Ngài mong ước; Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, xin đẩy xa mọi áp lực của ma quỷ và sự uể oải thiêng liêng nơi con; vì nó, con ‘không thể giáp mặt Ngài. Xin chạm vào con, cho con chạm được Ngài; để con được biến đổi!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories