3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - LỄ MẸ SẦU BI

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
     
     
       

    TẮM TRONG ÁNH NẮNG PHỤC SINH

    - LỄ MẸ SẦU BI -

    TIN MỪNG GIOAN 19, 25-27. “Này là Mẹ của con!”.(CÂU 27)

    Mùa hè 1206, Phanxicô Assisi đi vào nhà thờ San Damiano. Nhìn lên thập giá, từ gương mặt thanh thản và rạng rỡ của Chúa Kitô, Phanxicô nghe một tiếng nói bên trong, “Hãy đi sửa chữa các nhà thờ cho Ta!”; về sau, “nhà thờ” mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Nhân vật trung tâm của thánh giá là Chúa Kitô, với kích thước hùng vĩ và ánh sáng lộng lẫy của nó. Bên dưới cánh tay Ngài là năm nhân vật, một bên là Maria và Gioan; bên kia là ba phụ nữ khác. Điều đáng nói là tất cả như đang mỉm cười! Phải chăng họ đang cùng Chúa Kitô ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    LMẹ Sầu Bi nhắc chúng ta rằng, thập giá Chúa Kitô không bao giờ có thể tách khỏi sự phục sinh của Ngài. Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói đến việc Chúa Phục Sinh hiện ra cho người này, người kia. Và dẫu không nói đến Maria, nhưng vì đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Con, thì không chút nghi ngờ, Mẹ Maria phải là người thông dự sớm nhất vào sự phục sinh của Con mình; Mẹ phải là một trong những người đầu tiên ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!’.

    Phaolô nói, “Ngài đã hiện ra với Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc… Ngài hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau cùng, Ngài cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non”. Nói cách khác, sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã cho những chứng nhân đầu tiên của Ngài ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”. 

    Có lẽ hơn ai hết, Mẹ đã hưởng nhận hồng ân sống lại của Chúa Con. Bởi lẽ, cũng một Maria ấy, Mẹ đã đứng dưới chân thập giá trong nỗi đớn đau tột cùng của Con; và rồi, chính trong LNgũ Tuần, Mẹ đã có mặt khi cùng cầu nguyện với các tông đồ. Bấy giờ, nỗi buồn của Mẹ và u sầu của nhóm môn đệ, trở thành niềm vui phớn phở trong Chúa Thánh Thần. Điều đáng chú ý là khuôn mặt Chúa Giêsu trên thánh giá ở Assisi, được miêu tả là điềm tĩnh và thanh thản đến lạ thường! Ngài như đang được siêu tôn trong vinh quang phục sinh; Mẹ Maria và Gioan cùng những nhân vật khác bên dưới tươi vui và như đang mỉm cười. Nó được rọi xuyên bởi ánh sáng và niềm vui của Đại Lễ Phục Sinh và ngay cả lễ Mẹ Sầu Bi hôm nay, cũng được tắm trong ánh nắng phục sinh. Vì thế, mọi nỗi buồn của chúng ta cũng được tắm gội trong đó, bởi Chúa Phục Sinh là ánh sáng trong mọi bóng tối; sức mạnh trong mọi yếu hèn của tất cả con cái Mẹ.

    Trong lễ Truyền Tin vừa qua, Đức Phanxicô đã cầu nguyện rằng, “Lạy Mẹ, ước gì những giọt nước mắt của Mẹ nhỏ xuống vì chúng con sẽ làm cho thung lũng cằn khô bởi hận thù này nở hoa một lần nữa! Ước gì sự vuốt ve của Mẹ sẽ xoa dịu những ai đang đau khổ khi chạy trốn những cơn mưa bom. Xin ủi an những ai bị buộc phải rời bỏ quê hương và nhà cửa. Cầu mong trái tim Mẹ Sầu Bi giục giã lòng trắc ẩn và truyền cảm hứng, để chúng con mở rộng cửa và quan tâm đến anh chị em mình. Lạy Mẹ, dưới chân thánh giá, Chúa Giêsu thấy người môn đệ đang đứng bên cạnh Mẹ; Ngài đã nói, “Này là con của Mẹ!. Bằng cách ấy, Ngài đã giao phó mỗi người chúng con cho Mẹ; và Ngài cũng đã nói với từng người chúng con, “Này là Mẹ của con!””.

    Anh Chị em,

    “Này là Mẹ của con!”. Đây là ‘di chúc sống’ mà Chúa Giêsu trao cho bạn và tôi. Ngài tặng chúng ta món quà quý nhất, Mẹ của Ngài, người vẫn mỉm cười dưới chân thập giá. Vì thế, hãy đón Mẹ vào lòng mình, nhà mình, cộng đoàn mình, giáo xứ mình. Mỗi người hãy dọn một căn phòng xứng đáng trong tâm hồn để đón Mẹ. Hãy học nơi Mẹ để hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa Giêsu hằng ngày mà cứu lấy bản thân, cứu lấy nhân loại. Có như thế, trên biển đời trần gian, cùng Mẹ, chúng ta vẫn mỉm cười mỗi ngày, vì luôn ‘tắm trong ánh nắng phục sinh!”. 

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Mẹ, một nhân loại mệt mỏi và quẫn trí đang đứng với Mẹ dưới chân thập giá, trong đó có con. Để con có thể ‘tắm trong ánh nắng phục sinh’; xin giúp con ôm lấy thập giá đời mình, và luôn mỉm cười với nó như Mẹ!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM TRẦN NGÀ - CN25TN-C

 
  • Sắm sẵn chỗ ở trên quê trời
    (Suy niệm Tin mừng Luca (Lc 16, 1-13) trích đọc vào Chúa nhật 25 thường niên)
    Bài Tin mừng hôm nay cho biết: Khi chủ nhà sắp sa thải người quản gia vì những
    hành vi mờ ám trong việc quản lý tiền bạc, anh vô cùng lo lắng vì mai đây, anh
    không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như lâu nay. Sau một đêm trằn
    trọc suy nghĩ, anh tìm được cách xử trí khôn ngoan.
    Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha
    bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi bị đuổi việc, những
    con nợ nầy sẽ đền ơn và sẽ đón rước anh vào nhà họ.
    Mỗi người chúng ta cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự như người quản gia nầy.
    Hôm nay, Chúa trao cho ta quản lý tài sản của Ngài và mai đây, Ngài đòi ta tính sổ.
    Tài sản Chúa trao gồm nhiều thứ: Có những thứ vô hình, tiềm ẩn trong ta như thời
    giờ, sức khỏe, trí tuệ, tài năng… Có thứ hữu hình bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, các
    loại đồ dùng, vân vân…
    Như ông chủ nói với người quản gia trong Tin mừng: “Anh hãy tính sổ đi, vì từ nay
    anh không được làm quản gia nữa!” thì mai đây, sớm muộn gì Chúa cũng nói với mỗi
    người chúng ta rằng: “Hãy tính sổ đi, vì hôm nay, con phải hoàn trả lại cho ta những
    gì Ta trao cho con quản lý và ra khỏi thế giới nầy để sang thế giới bên kia!”
    Đây thật là những lời hãi hùng, khủng khiếp!
    Khi nghe những lời nầy, nhiều người sẽ rất kinh hoàng, sợ hãi. Phải rời bỏ thế giới
    nầy ư? Phải trả lại tất cả những gì tôi đang có, không giữ lại được chút gì hay sao?
    Thưa đúng vậy, phải lìa bỏ hết, phải trả lại tất cả… Số phận mọi người trên đời đều
    như thế, không miễn trừ cho bất cứ ai.
    Vậy thì phải tính sao đây? Đâu là cách xử trí sáng suốt và khôn ngoan?
    Làm cách nào để mai đây khi phải tính sổ với Chúa và rủ bỏ mọi thứ trên đời nầy ra
    đi, chúng ta được đón nhận vào chốn vĩnh phúc?
    Người quản gia trên đây nghĩ được một diệu kế: đó là tranh thủ quyền hạn mình đang
    có, để xóa bớt nợ cho những con nợ của chủ, hy vọng rằng mai đây, khi bị sa thải,
    những người nầy sẽ đón anh vào nhà họ.
    Chúa Giê-su khen cách xử sự như thế là khôn và Ngài khuyên chúng ta hãy dùng tài
    sản của cải ta đang quản lý, để mua sẵn chỗ ở trên thiên đàng; Nếu ta chần chừ không
    dứt khoát, ngày tính sổ sẽ đến bất ngờ; bấy giờ ta sẽ trắng tay và chỗ ở trên thiên
    đàng cũng chẳng có! Bi thảm biết bao!
    Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng
    Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng là dùng mọi ân huệ Chúa ban như thời giờ, sức khỏe,
    tài năng, trí tuệ… cũng như tiền bạc, của cải để giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người
    đau bệnh, phục vụ người gặp hoạn nạn, tai ương. Phải thực hiện điều nầy ngay hôm
    nay, đừng chờ đến ngày mai.
    Những món quà được trao cho những người khốn khó không bao giờ mất đi, nhưng
    sẽ tồn tại mãi bên ta và là chìa khóa mở cửa cho ta vào thiên đàng.
    Lạy Chúa Giê-su,
  • Xin cho chúng con nhớ rằng chúng con không phải là chủ nhân của những gì mình
    đang có mà chỉ là người quản lý thôi và chẳng biết lúc nào Chúa đòi chúng con tính
    sổ. Vì thế, xin dạy chúng con biết tranh thủ thời gian còn lại, sử dụng của cải Chúa
    ban để mua chỗ ở trên thiên đàng. Amen.
    Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
    Tin mừng Luca 16, 1-13
    1
    Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản
    gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.
    2
    Ông mới gọi
    anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh,
    anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!
    3
    Người quản gia liền nghĩ
    bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất
    thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
    4
    Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức
    quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
    5
    "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ
    tôi bao nhiêu vậy?
    6
    Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm
    lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.
    7
    Rồi anh ta hỏi người
    khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo:
    "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
    8
    "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con
    cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
    9
    "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn
    bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.
    10
    Ai trung
    tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất
    nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.
    11
    Vậy nếu anh em không trung tín trong việc
    sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh
    em?
    12
    Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì
    ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
    13
    "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ
    kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi
    Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  • LM MINH ANH
     
    THỨ BA CN24TN-C
     
     

    KHÔI PHỤC NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT

    Đừng khóc nữa!” (Câu 13) - TIN MỪNG LUCA 7, 11-17

    Hai giọt nước mắt nhỏ xuống, cùng trôi ra dòng sông cuộc đời. Giọt này nói với giọt kia, “Bạn là ai?”. Giọt kia nói, “Tôi là giọt nước mắt của một cô gái đang yêu một người đàn ông và mất anh ta! Còn bạn, bạn là ai?”. “Ôi, tôi là giọt nước mắt của cô gái đã lấy được anh ấy!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những giọt nước mắt, không phải của những cô gái đang yêu, nhưng của một bà mẹ mất con; qua đó, tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ! Đó là một tình yêu lớn hơn sự chết! Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ trên từng khuôn mặt; vì Ngài là tình yêu, luôn ‘khôi phục những gì đã mất’, và luôn làm cho sống!

    Như quả phụ Nain mất đứa con duy nhất của mình, con người có nhiều “lý do” để tuyệt vọng, bởi nó vô phương giải quyết muôn vàn khó khăn, nhất là những lúc đối diện với cái chết; lúc ấy, nó bất lực thật sự trong việc giúp đỡ người khác. Vậy mà, Chúa Giêsu vẫn trấn an, “Đừng khóc nữa!. Quyền năng vô hạn của Ngài giải phóng chúng ta khỏi những giới hạn bi thảm của con người; hơn nữa, “Chúng ta biết rằng, mọi sự đều có ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa!”.

    Với tư cách Đấng Cứu Chuộc, Ngài hành động! Vì thế, “Đừng khóc nữa!” mang trọng lượng của một mệnh lệnh hơn là một ủi an. Như ngày tận thế, khi đau khổ và cái chết có thể xuất hiện, thì cuối cùng, Thiên Chúa bày tỏ một tình yêu luôn làm cho sống; sách Khải Huyền viết,Ngài sẽ lau mọi giọt lệ trên mắt họ, và sẽ không còn chết chóc, than khóc hay đau đớn nữa”. Quả phụ Nain sắp nhận được một ân sủng khôn lường, không thể tưởng tượng so với nỗi buồn của cô; vì rằng, con cô sống lại. Bạn và tôi cũng hãy hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa Kitô, Đấng ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi chúng tanơi cả những người thân yêu của chúng ta.

    Hỡi thanh niên, Tôi truyền cho anh hãy chỗi dậy!”. Chúa Giêsu không an ủi tôi chỉ đơn giản bằng cách loại bỏ cảm xúc hoặc để tôi tưởng tượng rằng, mọi thứ khác với thực tế. Thay vào đó, Ngài hành động để loại bỏ nguyên nhân gây ra đau khổ và buồn phiền; sách Xuất Hành viết, “Vì Ta Chúa, Đấng chữa lành các ngươi!”. Khi nói với quả phụ Nain, “Đừng khóc nữa!, Ngài không kết tội là một phụ nữ dễ xúc động và làm quan trọng mọi việc; ngược lại, Chúa Giêsu xót thương vì sự mất mát con trai yêu quý. Vì vậy, với tất cả trái tim và linh hồn, tôi phải tin để hy vọng rằng, cuộc sống của tôi nằm trong tay Chúa; cuộc sống của những người thân yêu của tôi nằm trong tay Chúa. Như Phaolô, bạn và tôi cần mạnh mẽ tuyên xưng, “Chúng ta sống, sống cho Chúa;chúng ta chết, chết cho Chúa!”.

    Anh Chị em,

    Đừng khóc nữa!”. Đó là lời một thanh niên có tên Giêsu nói với bà mẹ Nain đi ra từ trong thành; thứ Sáu tuần thánh, Giêsu ấy cũng ra khỏi thành, Mẹ anh cũng khóc. Ô hay! Anh không an ủi bà, anh không tự cứu mình mà đã chết thật; để rồi, nhờ cái chết của mình, Giêsu ấy đã kéo toàn thể nhân loại vào Giêrusalem thiên quốc, thành thánh trên trời. Luca viết, “Đoạn tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại”. Lòng từ bi vĩ đại đã hướng dẫn hành động của Chúa Giêsu! Ngài quyết định đương đầu với cái chết, có thể nói là mặt đối mặt; và sẽ đối đầu với nó cách dứt khoát, trực diện, trên Núi Sọ! Với thanh niên Nain đã chết, Ngài nói lớn tiếng cho mọi người nghe, “Hãy chỗi dậy!”; với mỗi người chúng ta, Ngài cũng nói, “Hãy chỗi dậy!. Giêsu muốn bạn và tôi chỗi dậy, đứng thẳng; Ngài tạo ra chúng ta để đứng thẳng và đứng vững trên đôi chân mình. Vì lý do này, lòng từ bi vĩ đại của Ngài cũng sẽ chữa lành bạn và tôi; điều quan trọng là “Hãy chỗi dậy! Đứng lên!”, và để Ngài ‘khôi phục những gì đã mất!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, trong dòng sông cuộc đời của con, xin gạt bỏ những gì trở ngại cho sự mới mẻ của cuộc sống mà Chúa gọi con chỗi dậy để sống. Xin ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN25TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C (18/9/2022)

    SỰ NGUY HIỂM CỦA ĐỒNG TIỀN

    [Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Chúa Giê-su có một nhận xét rất chính xác về lòng con người đối với của cải vật chất: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19). Cha ông chúng ta cũng đã từng nói: “Đồng tiền liền khúc ruột” như một đúc kết kinh nghiệm. Đồng tiền quả thật rất quan trọng trong đời sống con người.

    Đồng tiền càng quan trọng và được đề cao hơn trong nền kinh tế thị trường và trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế kỷ 21 này. Chả thế mà ở Việt Nam ngày nay ai cũng biết câu: “Tiền là Tiên, là Phật, là Sức Bật của Tuổi Trẻ, là Sức Khỏe của Tuổi Già, là Đà Thăng Tiến Xã Hội, là Cơ Hội có thêm Chức, thêm Quyền và thêm Tiền nhiều hơn nữa.”

    Tiền đã trở thành “thần”, thành “thánh” đối với nhiều người trong thời đại ngày nay cũng như trong thời Chúa Giê-su tại thế. Vì thế mà nhiều người chà đạp mọi giá trị đạo đức và lương tâm con người cũng như bất chấp mọi thủ đoạn (tham nhũng, lừa gạt, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, buôn bán phụ nữ, trẻ em và thực phẩm độc hại) để kiếm cho được nhiều tiền.

    Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và mở rộng tâm hồn để đón nhận giáo huấn của Chúa Giê-su về đồng tiền.                   

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Am 8,4-7): “Chống lại những kẻ lấy tiển mua người nghèo” Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát". Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: "Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng"

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Tm 2,1-8): "Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ" Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

    Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 16,1-13): "Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'.

    "Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

    "Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

    "Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

    "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Am 8,4-7) là một trích đoạn của Sách Ngôn sứ A-mốt cảnh cáo những người giầu có và quyền thế vì họ ỷ thế ỷ quyền mà âm mưu đàn áp, hãm hại người nghèo trong xã hội. Ngôn sứ A-mốt kêu gọi họ thay đổi cách sống để khỏi bị Thiên Chúa trừng phạt.   

    Trong đoạn Sách A-mốt trên (8,4-7) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng luôn đứng về phía những người nghèo khổ, túng thiếu, bị thiệt thòi, bị đàn áp và bị gạt ra ngoài lề xã hội; Thiên Chúa luôn bênh vực, bảo vệ những người ấy khỏi cách đối xử tàn ác, bất công của những người cậy có quyền và có tiền mà hà hiếp bóc lột họ.

    3.1.2 Bài đọc 2 (1 Tm 2, 1-8) là trích đoạn bức thư tuyệt vời mà Thánh Phao-lô viết cho ông Ti-mô-thê, một cộng sự thân cận của ngài. Trong trích đoạn này, Thánh Phao-lô kêu gọi mọi người hãy “dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để mọi người được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.”

    Trong đoạn thư gửi ông Ti-mô-thê trên (1 Tm 2,1-8) chúng ta được Thánh Phao-lô dậy cho biết: “Thiên Chúa là Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý; Thiên Chúa là Đấng duy nhất, và Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người!” Vì thế mà người giầu, người nghèo đều có phẩm giá và ơn gọi như nhau trước mặt Thiên Chúa và trong chương trình của Thiên Chúa.

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 16,1-13) là một đoạn Phúc âm của Thánh Lu-ca có vài điểm khó hiểu về mặt chú giải (như ông chủ khen người quản gia ‘bất lương’ và Chúa Giê-su nói đồng tiền là bất chính). Thật ra ông chủ (tượng trưng cho Chúa Giê-su, cho Thiên Chúa) chỉ khen hành động của người quản gia là khôn khéo, tháo vát, ứng phó kịp thời với hoàn cảnh bất lợi, chứ không hề khen cách sống ‘bất lương’ của anh ta. Còn đồng tiền bị Chúa Giê-su xem là ‘bất chính’ thì phải hiểu là đồng tiền chỉ có giá trị chóng qua trong cuộc sống trần gian này mà thôi (có bản dịch tiếng Anh dùng chữ worldly wealth), nên không thể so sánh được với giá trị đích thực (true wealth) của những gì liên quan tới Ơn Cứu Độ, tới Nước Thiên Chúa.

    Giáo huấn hay sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn trao cho chúng ta trong đoạn Phúc âm Lc 16,1-13 này là: Người Ki-tô hữu phải biết khôn ngoan và biến báo để ứng phó với mọi hoàn cảnh; đồng thời phải khôn khéo biết dùng của cải trần gian là thứ chóng qua mà mưu tìm phần rỗi đời đời cho mình và phải biết chọn làm tôi Thiên Chúa chứ không để mình làm nô lệ cho đồng tiền.               

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” bằng cách sống lương thiện và phụng thờ Thiên Chúa là Chúa của muôn người, muôn dân.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Suy nghĩ một chút, tôi nghe thấy Lời Chúa mời tôi kiểm điểm về nhận thức và hành động của mình liên quan tới đồng tiền:

    - Về cách đánh giá đồng tiền:  Dù đồng tiền tôi có/kiếm được mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm là do công lao khó nhọc, mồ hôi nước mắt thì tôi vẫn chỉ là người quản lý chứ không phải là ‘chủ nhân ông’ của đồng tiền ấy. Chính Thiên Chúa mới là CHỦ của đồng tiền, của tài sản của tôi. Vậy thì tôi có bổn phận phải quản lý cho tốt và sử dụng đồng tiền theo ý Thiên Chúa!

    - Về thực hành: Trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, tôi thường sử dụng đồng tiền như thế nào: tôi sử dụng cách khôn ngoan hay bất kể? cách tiết kiệm, chừng mực hay hoang phí, thả giàn? cách hợp lý hay tùy hứng? cách bác ái, vị tha hay vị kỷ? cách thực sự có ích hay chỉ có hại cho tôi và cho những người tôi có trách nhiệm nuôi dưỡng, giúp đỡ?  

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước, các chính quyền, các thế lực kinh tế, chính trị và tài chánh trong thế giới hôm nay, để những người/thế lực ấy nhớ rằng Thiên Chúa không bỏ sót một hành vi sai trái nào của họ.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết cảnh giác trước sự lôi cuốn của Mam-môn và cuơng quyết không làm nô lệ cho Đồng Tiền.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân lớn bé già trẻ không coi nhẹ những việc nhỏ trong đời sống đức tin vì trung tín trong việc nhỏ thì mới trung tín trong việc lớn.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người/thế lực đàn áp, bóc lột người dân nghèo để họ biết nghe theo tiếng nói của lương tâm là tiếng nói của chính Thiên Chúa, mà thay đổi cách sống.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 14/9/2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                    

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC = LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH

     

    THỨ HAI CN24TN-C

    THƯƠNG XÓT LÀ MỘT QUÀ TẶNG

    “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.

    (LUCA 7, 7)

    Jean-Pierre de Caussade, linh mục Dòng Tên người Pháp, nói, “Để thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi hối tiếc về quá khứ hay sợ hãi về tương lai, hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Chúa bằng việc trung thành với ân sủng. Vì lẽ, ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay chứng thực điều cha Jean-Pierre nói, “‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”. Sự thật này thể hiện qua thái độ khiêm nhường tuyệt vời của viên sĩ quan ngoại giáo, khi ông sai người đến xin Chúa Giêsu chữa cho đầy tớ mình, “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi; nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành!”.

    Một sự thật sâu sắc Tin Mừng hôm nay tiết lộ là khiêm nhường, đức tin và lòng thương xót gắn liền nhau. Viên sĩ quan dường như đã nhận thức được sự vĩ đại của Chúa Giêsu mà ông đã nghe biết; từ đó, ông cảm thấy mình bất xứng tột cùng. Tuyên bố của ông là một hành vi đức tin cao cả; và kết quả là lòng thương xót được gửi đến cho ôngngười đầy tớ của ông.

    Rất thường xuyên khi cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện như thể chúng ta có quyền hưởng mọi ân điển của Thiên Chúa. Đây là một sai lầm sâu sắc! Hãy học gương tự hạ của viên sĩ quan bằng cách hiểu rằng, chúng ta không có quyền trước bất cứ điềuđến từ Ngài. Thừa nhận khiêm hạ này là nền tảng cần thiết để đón nhận lòng thương xót dồi dào của Ngài; vì ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền! Nhưng tin tốt lành là trái tim Thiên Chúa luôn bùng cháy với ước muốn tuôn đổ quà tặng thương xót đó. Việc thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúa như một món quà tuyệt đối mà chúng ta không có quyền đòi hỏi, mở ra sức mạnh của nó trong cuộc sống chúng ta. Hiểu được lẽ thật này là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và làm vui lòng Ngài cách tuyệt đối và dồi dào nhất.

    Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nhắc đến Bí Tích Thánh Thể, một hồng ân thương xót nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế, một khi đến với Thánh Thể, tín hữu Côrintô phải nên tốt hơn, chứ không để nên tệ hơn. Thánh Thể biểu hiện rõ nét rằng, ‘thương xót là một quà tặng’. Vì thế, “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Thánh Lễ không là đặc quyền của ai, nhưng cho mọi người.

    Anh Chị em,

    Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Hôm nay, bạn và tôi cùng suy gẫm về những lời đầy cảm hứng của viên sĩ quan ngoại giáo giàu có này, lời mà chúng ta đọc mỗi lần trước khi rước Chúa,Nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh!”. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần, hãy để những lời này ứa trào từ trái tim chật hẹp của mình; hãy để chúng trở thành nền tảng của mối quan hệ giữa bạn với Chúa Thánh Thể. Với sự khiêm nhường này, bạn và tôi sẽ được ban phúc dồi dào cùng với niềm vui chứa chan. Không ai trong chúng ta dám nói, lòng tôi xứng đáng trở nên cung điện cho Vua muôn vua, Chúa các chúa; cũng không ai dám nghĩ tâm hồn mình trong ngần như tâm hồn một trẻ thơ! Chúng ta là những tội nhân khốn cùng, đáng chết ngàn lần, nhưng được xót thương. Và như vậy, rõ ràng, ‘thương xót là một quà tặng’ hoàn toàn miễn phí. Vấn đề còn lại, mỗi người sống sao cho xứng đáng với quà tặng xót thương đó!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con; xin giúp con bớt bất xứng mỗi ngày trước khi rước Vua các vua, Chúa các chúa, Chúa Cả Thiên Đàng!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

Subcategories