3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ NAM

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
     Lễ SINH NHẬT ĐỨC MẸ, 8/9 (Thứ Năm, Tuần XXIII Thường Niên,
     
    Năm Chẵn  -  Mk 5, 2-5a  -    Mt 1,1-16.18-23
     

    MỘT LỊCH SỬ CÓ TÊN EMMANUEL

    “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”. (CÂU 23)

    Truyền thống kể rằng, Gioakim và Anna có một cuộc hôn nhân “chẳng đi đến đâu”; họ son sẻ! Vô cùng thất vọng, Gioakim đi theo đoàn chiên vào sa mạc, lưu lại chốn hoang dã một thời gian dài. Ở đó, sứ thần hiện ra báo cho ông, một đứa trẻ sẽ chào đời. Gioakim trở về với vợ ở Bethesda, ôm ấp hy vọng; quả thế, Anna đã mang thai, sinh hạ Maria. Thiên Chúa lấy những gì vô dụng để làm nên điều hữu dụng nhất, kiệt tác Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, người sẽ cưu mang Giêsu, Emmanuel; với Ngài, lịch sử nhân loại nay trở nên ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tường thuật mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại với gia phả của Chúa Giêsu; trong đó, Con Thiên Chúa mặc lấy lịch sử tốt xấu của tổ tiên Ngài. Vậy mà, nhờ Ngài, lịch sử đó được định hình để làm nên lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!

    Đó là một lịch sử được báo trước! Mikha, trong bài đọc hôm nay, đã nói tiên tri về Đức Mẹ; vị ngôn sứ nói đến ‘cái kết cứu độ’ của gia phả, “Ngài sẽ bỏ dân Ngài, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Với khôn ngoan thế gian, chúng ta không hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn trở thành một người. Trong gia phả của Chúa Giêsu, xuất hiện kẻ tốt, người xấu; hạng trung thành, kẻ bất tín; người hữu dụng, kẻ vô dụng. Thật khó hiểu, tại sao Thiên Chúa lại chuốc lấy những gì lầm lỗi, kém cỏi để biến nó thành của mình. Hoặc sao Ngài mặc lấy dòng dõi của tôi, lịch sử cá nhân tôi - cả điều tốt lẫn điều xấu - để định hình nó, cho nó trở thành lịch sử cứu rỗi cho chính tôi và cho những người khác; tại sao Ngài tiếp tục làm điều này? Khi nào thì đủ? Vậy mà Thiên Chúa nói, và sẽ luôn có thể nói, Ta có thể làm được gì nữa cho con?”.

    Gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu với Abraham, một con người thánh thiện, đầy niềm tin; nhưng qua năm tháng, lịch sử của dòng dõi ấy vấy bao tội lỗi. Vì thế, khi mang lấy huyết thống của dòng tộc này, Con Thiên Chúa muốn cứu lấy không chỉ dòng dõi Abraham, nhưng còn cứu lấy cả nhân loại trước Abraham và sau Abraham; cả những ai thuộc về Abraham hay không thuộc về Abraham. Tắt một lời, Ngài ôm lấy kiếp người, trọn vẹn với vui buồn nhân thế của nó; một kiếp nhân sinh đang bị xâu xé bởi tội nguyên tổ. Ngài đi vào trong chính lịch sử của nó, một lịch sử mà Ngài sẽ định hình nên lịch sử cứu độ. Và để làm được công việc đó; Ngài phải đi vào nhân loại này, và nhất định Con Thiên Chúa cần có một người mẹ.

    Sinh Nhật Maria báo trước Sinh Nhật Chúa Giêsu. Ngài đã làm người; có cha, có mẹ, có huyết thống. Ngài khiêm nhường chen mình vào dòng tộc con người chán chường, đầy khiếm khuyết này, hầu cứu độ nó. Để làm điều đó, Ngài phải ở với con người, ở cùng con người; và nhờ Ngài, lịch sử con người trở nên ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!

    Anh Chị em,

    “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”. Chúng ta không biết mầu nhiệm Nhập Thể và nhiệm cục Cứu Độ của Thiên Chúa sẽ thế nào nếu không có Đức Maria. Chiêm ngắm con người tuyệt vời của Mẹ, chúng ta thấy Mẹ như hòn đất sét trong tay người Thợ Gốm tài hoa có tên là Thiên Chúa, Đấng nắn nên Mẹ. Mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta nhớ đến sinh nhật thiêng liêng của mình ngày được rửa tội. Chớ gì, mỗi người chúng ta cũng biết ngoan nguỳ và khiêm hạ như Đức Mẹ, và Chúa cũng sẽ nắn đúc chúng ta nên một kiệt tác của Ngài; và lịch sử mỗi người cũng được định hình để trở nên một lịch sử cứu rỗi cho chính mình, cho người khác và cho cả nhân loại. Và rồi đây, như Đức Mẹ, bạn và tôi cũng có thể reo lên, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca; vì lẽ, với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, lịch sử của cuộc đời bạn, cuộc đời tôi, cũng là ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, một lịch sử được Thiên Chúa xót thương!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, như Mẹ, xin giúp con mềm mỏng với ân sủng Thánh Thần; nhờ đó, lịch sử đời con cũng được định hình nên lịch sử cứu rỗi cho linh hồn con và linh hồn anh chị em con!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN24TN-C - VIETBUI

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ BA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    06/09/22 THỨ BA TUẦN 23 TN
    TIN MỪNG Lc 6,12-19

     
    ĐƯỢC CHỌN ĐỂ NÊN MỘT
     
    Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)
     

    Suy niệm/SỐNG: Đức Giê-su chọn các tông đồ nhưng không cất khỏi họ những yếu tố con người, cả những yếu đuối.

       Điều lạ lùng, dẫu có nhiều khác biệt, thậm chí trái nghịch nhau nữa, các tông đồ vẫn sống chung được với nhau và cùng thi hành sứ mệnh truyền giáo.

       Chẳng hạn, giữa Mát-thêu và Si-mon “nhiệt thành”: Mát-thêu làm nghề thu thuế, tiếp tay với người Rô-ma đô hộ; Si-mon chủ trương đối đầu với quân Rô-ma và những người làm tay sai.

       Ấy thế mà khi thuộc về Nhóm Mười Hai của Đức Giê-su, họ sống với nhau trong hòa bình và cùng chung lo công việc Chúa. Đúng như cha Teilhard de Chardin nói: “Đăng giả hội”, càng lên cao càng hội tụ lại. Các tông đồ càng vươn lên tới Đức Giê-su thì họ càng hiệp nhất với nhau trong Ngài.

       Và chính đời sống hiệp nhất ấy đã là một bài rao giảng sống động về một Thiên Chúa duy nhất là Cha mọi người.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Trong gia đình, trong nhóm hay trong cộng đoàn, bạn là tác nhân của sự hiệp nhất hay của sự chia rẽ?

        Khi có những mâu thuẫn trong nhóm/cộng đoàn của bạn, bạn có tìm nguyên nhân và phương thế sửa chữa?

     

    Sống Lời Chúa: Bạn gia nhập một nhóm hoạt động tông đồ giáo dân trong giáo xứ và cùng làm việc với anh chị em.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được cùng với Chúa mà thân thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, xin cho chúng con hiệp nhất nên một”, hầu giáo xứ chúng con trở nên cộng đoàn yêu thương, lánh xa những mưu mô chia rẽ, bè phái, hờn căm, để thế gian tin rằng chúng con thuộc về Chúa.

     GPLONGXUYEN

     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA


  • Chi Tran
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    07/09/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 23 TN
    TIN MỪNG Lc 6,20-26

    BIẾN HOẠ THÀNH PHÚC
    “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

    Suy niệm/SỐNG: Người nghèo đói được Chúa chúc phúc không phải vì đó là công trạng của họ, mà vì Chúa đứng về phía họ, những người yếu thế, dễ bị tổn thương. Và điều đó càng rõ ràng hơn khi họ chọn đứng về phía Chúa, chịu khổ nhục “vì danh Ngài”. 

       Ngược lại, những người giàu có, no đầy “phải khốn”, phải chuốc hoạ vào thân không phải vì họ nhiều của cải mà vì họ đã không đứng về phía Chúa – nghĩa là phía người nghèo, – để cảm thông chia sẻ; trái lại họ cậy dựa vào của cải mà hưởng thụ cách ích kỷ, đắm chìm trong đam mê lạc thú.

       Ông phú hộ trong dụ ngôn bị trầm luân chỉ vì đã không chia sẻ cho anh La-da-rô nghèo túng, là hình ảnh minh hoạ chân lý ấy (x. Lc 16,19-26).

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là chìa khóa để được chúc phúc, và hơn nữa, để biến hoạ thành phúc. Một khi bạn để những ham mê của cải và thú vui choán hết tâm hồn, ta không còn chỗ dành cho Chúa và tha nhân nữa.

       Nhưng nếu bạn bán đi tất cả những gì bạn có mà cho người nghèo” (x. Lc 18,22), bạn biến mối hoạ thành mối phúc cho mình: bạn trở nên người nghèo của Thiên Chúa (anawim), và được Nước Trời làm gia nghiệp.

     

    Sống Lời Chúa: Hy sinh tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để trợ giúp những người túng thiếu.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, họa hay phúc là do chúng con tự tạo. Nghèo chúng con nương tựa vào Chúa. Giàu chúng con cũng phó thác trong tay Chúa và tương trợ anh em mình. Chúng con xin Chúa thêm ơn, để trong hoàn cảnh của mình, chúng con luôn biết tín thác vào Lời Chúa dạy. Amen.

    GPLONGXUYEN 

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    Thứ Bảy, Tuần XXII Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  1Cr 4, 6-15 hoặc 9-15  -  Lc 6,1-5
     

    HỒN NHIÊN NHƯ THIÊN THẦN

    “Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn”. (CÂU 1)

    William Davis nói, “Tính cách của bạn là những gì nói cho Chúa biết bạn là ai. Danh tiếng của bạn là những gì người ta nghĩ về bạn. Tốt nhất, đơn sơ như trẻ thơ, ‘hồn nhiên như thiên thần!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Câu nói của Davis được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay qua hình ảnh rất dễ thương mà chúng ta thường bỏ lỡ cách đáng tiếc, đó là sự ‘hồn nhiên như thiên thần’ của các môn đệ. Luca ghi lại cách chơn chất, “Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn”. Thật đơn sơ! Vậy mà thước phim ghi nhanh đó nói lên rất nhiều điều!

    Các môn đệ quả là thanh thản và tự do! Họ tự do tận hưởng cuộc sống, vói tay hái những gié lúa để lót lòng thay cho một bữa lỡ, hầu có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tại sao họ thanh thản? Bởi họ đang ở với Chúa! Ngài là bảo đảm an sinh và sức mạnh tinh thần của họ, những con người sẽ làm bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào Thầy họ muốn; họ không câu nệ giờ giấc, ăn uống hay ngủ nghỉ. Các môn đệ không bị cuốn vào những quy tắc và tính toán của con người; họ chỉ tập trung vào Chúa Giêsu. Niềm tin nơi họ tăng lên khi họ biết Chúa Giêsu và tìm học những gì cần thiết để phụng sự Ngài; họ học cách quên mình vì tình yêu. Họ đi theo Ngài và sẽ đi đến bất cứ nơi đâu Ngài dẫn họ đến; họ không phân tâm bởi các chuẩn mực xã hội hoặc những gì người khác nghĩ. Các môn đệ đơn sơ như trẻ thơ, ‘hồn nhiên như thiên thần!’.

    Tương phản với các môn đệ hào hiệp là các Pharisêu hẹp hòi. Các biệt phái mất tự do khi khoác cho mình nhiệm vụ bảo vệ luật, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”. Ôi! Đó không phải là nhiệm vụ mà là một nỗi sợ, sợ lỗi luật. Họ không được lôi kéo bởi tình yêu Thiên Chúa khi tự cho mình là đúng vốn được thúc đẩy bởi đố kỵ. Thật quái dị khi họ may dài tua áo, gắn nhiều thẻ kinh… cốt để rình rập Chúa Giêsu! Họ đã làm gì trên đồng lúa hửng chín? Dò thám, tìm điều gì đó để chỉ trích! Xem ra họ muốn kể công, “Chúng tôi không lên tiếng, thì ai đây?”. Bi thảm ở chỗ là ‘các nhà lãnh đạo tôn giáo’ này không có gì tốt hơn để làm, họ lãng phí cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu Chúa Giêsu, học biết Ngài, may ra hiểu hơn đôi chút lề luật mà họ rất yêu quý. Nơi họ, vắng bóng sự ‘hồn nhiên như thiên thần’ của các môn đệ!

    Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói, “Đừng đi ra ngoài những gì đã viết!”. Không những không đi ra ngoài, Phaolô còn đi vào tận trong ý nghĩa, mục đích, của điều được viết. Điều quan trọng nhất được viết là gì nếu không phải là “Thiên Chúa và Chúa Kitô?”. Chính vì thế, Phaolô chấp nhận bị coi là điên dại, chịu khinh thị vì Chúa Kitô; ngài tâm sự cách ‘hồn nhiên như thiên thần’, “Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài”.

    Anh Chị em,

    Như vậy, để có thể ‘hồn nhiên như thiên thần’, các môn đệ, Phaolô và cả chúng ta không để cho lề luật điều khiển mình mà là Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô thu hút bạn và tôi, chúng ta mới thật sự nên tự do và trí lòng thanh thản. Các biệt phái không có Chúa Kitô nên cuộc sống họ bị vận hành bởi lề luật.

    Vì thế, họ nhìn người khác, xét đoán người khác trên luật; luật đã chi phối cuộc sống của họ, họ mất tự do! Trước những con người hãnh tiến đó, chúng ta học cách Chúa Giêsu xử thế! Ngài kiềm chế, nhẫn nhịn, và mời gọi một sự cảm thông từ phía những kẻ chống Ngài; Ngài khích lệ họ với sự tôn trọng, kèm theo một thách thức,

    ‘Các ông đã không đọc Cựu Ước sao?’. Ngài nói với họ những lời yêu thương, hy vọng, và ‘hồn nhiên như thiên thần’; nhẹ nhàng nhưng kiên quyết; thách đố nhưng thuyết phục. Ngài muốn gợi cho họ rằng, họ nên nhìn xa hơn lề luật, hướng về Đấng đặt ra lề luật, “Con Người làm chủ ngày Sabbat!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đơn giản hoá cuộc sống của con để con ‘hồn nhiên như thiên thần’; dạy con cách gỡ rối và giúp những ai đã phức tạp hoá cuộc sống của họ với bao lắng lo, sợ hãi!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyễn:

    Hồng

     

Subcategories