3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA -THỨ SÁU - LM MINH ANH

  •  
    LM MINH ANH


     


     
     
       THỨ SÁU CN26TN-C

    MỘT NHẠC CỤ ĐÍCH THỰC

    TIN MỪNG LUCA 10, 13-16

    “Ai nghe các con là nghe Thầy; ai khước từ các con là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”.

    J. B. Phillips nói, “Thiên Chúa không được khám phá hay chứng minh bằng các phương tiện khoa học thuần tuý; thật không may cho những người có đầu óc khoa học! Bởi lẽ, nó thực sự không chứng minh được gì. Đơn giản chúng chỉ là những ‘khí cụ tồi’ may mắn được sử dụng cho bản hợp xướng vĩ đại của Ngài. Vấn đề của bạn là, hãy trở nên ‘một nhạc cụ đích thực’ trong bản hợp xướng vĩ đại mang tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với thế giới!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ khá bất ngờ khi ý tưởng của J. B. Phillips được gặp lại qua Tin Mừng hôm nay! Chúa Giêsu tiết lộ cho chúng ta một mối liên hệ ‘gấp ba!’. Ngài liên kết bạn với Ngài; và Ngài với Chúa Cha. Vì thế, khi bạn hành động như ‘một nhạc cụ đích thực’ của Chúa trong buổi trình tấu của Ngài, người khác lắng nghe hoặc từ chối những gì bạn cống hiến cho họ, thì họ đang lắng nghe hoặc từ chối không chỉ bạn, mà còn cả chính Chúa Giêsu và Cha Trên Trời.

    Điều này cho thấy trách nhiệm cao cả của bạn và tôi khi phải mang tình yêu và lòng thương xót Chúa đến với những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Liệu chúng ta sẽ trở thành ‘một nhạc cụ đích thực’ của Chúa hay một khí cụ ‘hữu danh vô thực’, một ‘khí cụ tồi?’. Điều này tuỳ thuộc bạn và tôi! Khi tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa chúng ta - với chính Ngài và Chúa Cha - Chúa Giêsu nâng cao phẩm giá mỗi người chúng ta lên một tầm mức đáng kinh ngạc!

    Tin Mừng hôm nay còn tiết lộ một sự thật khác, Thiên Chúa cũng có thể dùng ai đó như ‘một nhạc cụ đích thực’ dành cho mỗi người chúng ta. Điều này thật quan trọng! Nếu có ai đó đến, hành động nhân danh Chúa Kitô, mà chúng ta từ chối, chúng ta thực sự đang từ chối chính Cha Trên Trời. Điều này buộc chúng ta dừng lại và xét xem cách thức chúng ta đối xử với những người khác. Cần ý thức rằng, những người khác luôn có một tiềm năng to lớn để trở thành ‘một nhạc cụ đích thực’ trong bản giao hưởng dành cho chúng ta. Chúa nói với chúng ta qua họ!

    Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khiển trách dân thành Corozain và Bethsaiđa; bởi lẽ, họ không nhận Ngài như ‘một nhạc cụ đích thực’ trong bản hợp xướng Chúa Cha tặng ban, “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain; khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa!”. Chúa thấu suốt lòng dạ con người, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay viết, “Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi”. Vì thế, như trong bài đọc thứ nhất, ý thức giới hạn của mình, Gióp chỉ thưa với Chúa, “Con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài!”. Thái độ đúng đắn của chúng ta là một chỉ cậy trông vào Ngài, “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời”.

    Anh Chị em,

    “Ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”. Hôm nay, bạn và tôi hãy suy gẫm về những tiết lộ này, suy gẫm về những món quà tuyệt vời Chúa ban cho chúng ta. Mỗi người phải hoạt động như ‘một nhạc cụ đích thực’ trong dàn giao hưởng yêu thương của Chúa; đây là một nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là một đặc ân sâu sắc mà chúng ta không được xem nhẹ. Đồng thời, hãy đón nhận tha nhân như ‘một nhạc cụ đích thực’ Thiên Chúa gửi đến để cống hiến cho chúng ta buổi trình tấu miễn phí vĩ đại. Hãy biết, Cha Trên Trời đang nói với bạn và tôi qua những con người đôi khi ‘rất đỗi ít ỏi’ này. Hãy dành cho Ngài sự quan tâm, kính trọng với lòng biết ơn sâu sắc những con người được sai đến.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, ơn gọi của con là trở nên ‘một nhạc cụ đích thực’ phục vụ cho bản hợp xướng mang tên “Sự Thánh Thiện và Lòng Thương Xót” Chúa. Xin đừng để con trở nên ‘một khí cụ tồi!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ SÁU

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    30/09/22 THỨ SÁU TUẦN 26 TN
    Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ HT
    TIN MỪNG Lc 10,13-16

    DỬNG DƯNG HAY HOÁN CẢI? 

     “…thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.” (Lc 10,13)

    Suy niệm: Kẻ thù đáng sợ của luân lý là sự dửng dưng; đối thủ của đức tin không phải là bè rối, nhưng là sự dửng dưng; điều đáng sợ với sự sống không phải là sự chết, mà là sự dửng dưng… Ta có thể tìm thấy vô vàn câu nói tương tự của các danh nhân cảnh báo về mối nguy của lòng dửng dưng, sự lãnh đạm trong đời sống hằng ngày, mối nguy tác hại hơn ta tưởng nhiều. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng cho thấy do sự dửng dưng, lãnh đạm, người dân các thành quanh bờ hồ Ga-li-lê đã phớt lờ, không chú tâm đến các phép lạ kỳ diệu, cũng chẳng quan tâm gì đến lời rao giảng ấn tượng của Ngài. Hậu quả là họ không hoán cải, chẳng thay đổi đời sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, và vì thế, bị chúc dữ. 

    Mời Bạn: “Khi đời bạn dửng dưng với Đức Ki-tô phục sinh, chỉ quan tâm nửa vời tới vài điều răn thì có ngày bạn sẽ… khóc than vì đã không thay đổi” (D. Akin). Cảnh báo trên đây có thể hợp với bạn –dù bạn là môn đệ Chúa Ki-tô– khi bạn chưa dành cho Đức Ki-tô phục sinh vị trí cao nhất trong đời mình, cũng chẳng xác tín sống điều răn mến Chúa yêu người tóm tắt tất cả cách hành xử của một môn đệ Chúa Ki-tô như bạn.

    Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng đọc giờ kinh tối tại gia đình, quan tâm ghi nhớ Lời Chúa đọc trong giờ kinh tối, cũng như trong bài Tin Mừng trong thánh lễ.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì nhiều lúc làm cho Chúa buồn sầu, thương tiếc khi con vô cảm, lãnh đạm, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi hay chểnh mảng không thực hành điều răn mến Chúa yêu người. Xin giúp con thật sự hoán cải, thay đổi lối nghĩ, cách sống của mình. Amen.

     gplongxuyen.


SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ NĂM

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    29/09/22 THỨ NĂM TUẦN 26 TN
    Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en


    Ga 1,47-51

     
    PHỤNG SỰ VÀ PHỤC VỤ
     
    Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. ” (Ga 1,51)
     

    Suy niệm/SỐNG: Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa là ‘Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.’ Các thiên thần chính là những tạo vật vô hình đó. Sứ mạng của các ngài là phụng sự Thiên Chúa (Mi-ca-en,

       Gáp-ri-en; bài đọc I, Tin Mừng) và phục vụ con người (Ra-pha-en). Các ngài cũng bị thử thách để tỏ lòng trung tín với Chúa, và một số thiên thần bội phản bị phạt là ma quỉ (GLCG số 311; 391; cf bài đọc II).

       Tuy thiêng liêng, các ngài lại rất gần gũi với chúng ta như bạn hữu để giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng. Giáo Hội muốn chúng ta sống thân mật với các thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Các thiên thần là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.

       Học gương của các thiên thần trong việc phụng sự Thiên Chúa. Đừng nói “Non serviam” (Tôi bất tuân phục) như Sa-tan, nhưng mau mắn thực hiện ý Chúa như Gáp-ri-en.

       Cũng học gương các ngài để tận tình phục vụ anh chị em như Ra-pha-en (cf. truyện Tô-bi-a).

     

    Sống Lời Chúa: Tin Mừng kể lại rằng khi Chúa giáng sinh, các thiên thần ca hát chúc tụng Chúa (cf. Lc 2,13); khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, các thiên thần đến hầu hạ Người (cf. Mt 4,11),

       Và trong cơn hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Đức Giê-su cũng được các thiên thần đến an ủi (cf. Lc 22,43). Bạn hãy là một ‘thiên thần’ chia vui sẻ buồn với anh chị em xung quanh.

    Cầu nguyện: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, con xin đàn ca kính Chúa” (Tv 137,1).

     gplongxuyen

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN27TN-C

  •  
     Sống Lời Chúa Hôm Nay

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM C (2/10/2022)

    (KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI)

    TÔI  ĐÂY LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA!

    [Lời Chúa: Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-36]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Trong Cựu Ước không có nhân vật nào có thể so sánh được với ông Mô-sê. Thế mà Danh Xưng đẹp nhất, xứng hợp nhất với ông là TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, ngoài Chúa Giê-su, thì không có nhân vật nào đáng kính, đáng trọng, đáng mến cho bằng Đức Ma-ri-a. Thế mà Danh Xưng đẹp nhất, xứng hợp nhất với Mẹ là NỮ TỲ CỦA THIÊN CHÚA. (Theo ngôn ngữ của báo chí bình dân ngày nay, Đức Ma-ri-a là Ô-SIN của Thiên Chúa)

    Mừng các Lễ kính Đức Mẹ, trong đó có Lễ Mân Côi, Hội Thánh cho chúng ta đọc lại đoạn Tin Mừng của Thánh Lu-ca về câu truyện Truyền Tin, để chúng ta chiêm ngắm dung nhan Đức Mẹ, suy gẫm về ơn gọi và sứ mạng của Đức Mẹ, học với Đức Mẹ mà sống trọn vẹn tư cách cao trọng nhất của chúng ta là tôi tớ của Thiên Chúa như Đức Mẹ đã sống.   

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 1,12-14): “Họ chuyên cần cầu nguyện cùng với Bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su”  Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rôGio-anGia-cô-bêAn-rêPhi-líp-phê, Tô-maBa-tô-lô-mê-ôMát-thêuGia-cô-bê con ông An-phêSi-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Gl 4,4-7): “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” 4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 1,26-36):Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai” Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

    Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

    Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

    Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ. .

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 1,12-14) là một trích đoạn của Sách Công Vụ Tông Đồ nói về sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn Tông Đồ sau khi Chúa Giê-su Ki-tô đã về trời và trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Giai đoạn này dài bao lâu, sách Công Vụ không nói. Điều mà sách Công Vụ cho ta biết là các Tông Đồ “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” cùng với mấy người phụ nữ, trong đó có Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su và một ít thân nhân của Chúa Giê-su.   

    Trong đoạn Sách Công Vụ Tông Đồ (1,12-14) này, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa đã quan phòng sắp đặt mọi sự, để sau khi Chúa Giê-su chết trên thập giá thì Đức Ma-ri-a có chỗ trong cộng đoàn các Tông đồ. Điều đó là hiển nhiên về mặt con người, vì Chúa Giê-su đã giao cho Thánh Gio-an việc chăm lo cho Đức Mẹ. Nhưng điều đó lại là nhiệm mầu về mặt Giáo lý, vì từ nay Đức Ma-ri-a sẽ luôn ở bên các Tông Đồ, với tư cách là một thành viên của cộng đoàn những người tin theo Chúa Giê-su và loan báo Tin Mừng Chúa Ki-tô Phục Sinh cho mọi người.

    3.1.2 Bài đọc 2 (Gl 4,4-7) là những lời giảng dậy của Thánh Phao-lô dành cho tín hữu Ga-lát về kế hoạch hay chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đó là Thiên Chúa để cho Con của Người đầu thai làm người trong cung lòng một phụ nữ và sống trong bối cảnh ràng buộc của Lề Luật (Mô-sê). Nhưng sứ mạng của Con Thiên Chúa là giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ của Lề Luật và trở thành con cái tự do của Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần của chính Chúa Giê-su đã được ban cho mỗi người Ki-tô hữu ở giếng Rửa Tội.

    Trong đoạn thư gửi tín hữu Ga-lát (4,4-7) chúng ta thấy Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần (tức Thiên Chúa Ba Ngôi) hành động nhịp nhàng một cách tuyệt vời, nhằm lợi ích đích thực của con cái Thiên Chúa: Chúa Cha có kế hoạch, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng thực hiện kế hoạch nhập thể và cứu độ ấy.

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 1,26-36) là câu truyện Truyền Tin trong Phúc Âm Lu-ca được tường trình như một buổi trao đổi, chia sẻ cởi mở thân tình giữa một cô thôn nữ vừa đính hôn là Đức Ma-ri-a và sứ thần Gáp-rien của Thiên Chúa cao sang. Thiên sứ có sứ mạng thông tin cho Đức Ma-ri-a biết ý định và kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a nêu thắc mắc một cách “hợp tình hợp lý” và được thiên sứ giải đáp thỏa đáng. Kết cục là Đức Ma-ri-a đón nhận thánh ý của Thiên Chúa, bằng thái độ và lời vâng phục không thể tuyệt vời hơn: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

    Trong đoạn Phúc âm Lc 16,19-31 này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất gần gũi yêu thương loài người vì Người có kế hoạch cứu chuộc từ đời đời. Thiên Chúa lại rất tôn trọng quyết định hợp tác của Đức Ma-ri-a. Đồng thời chúng ta còn thấy Thiên Chúa là Đấng rất quyền năng vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

    Chúng ta có thể thêm vào đây điều mà chúng ta khám phá ra nơi Đức Ma-ri-a: Mẹ có một tâm hồn thật đơn sơ, thánh thiện, sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình để đón nhận chương trình vĩ đại của Thiên Chúa. Mẹ tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa trong một cuộc phiêu lưu không biết sẽ đưa Mẹ đến đâu.  

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa       

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa đã mời và cho phép Đức Ma-ri-a cộng tác vào chương trình Nhập Thể và Cứu Độ của Con Một Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô. Đức Ma-ri-a đã xác nhận tư cách của ngài là nữ tỳ của Thiên Chúa, nên ngài vâng phục và hợp tác trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi.

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Đấng đã chọn Đức Ma-ri-a làm Mẹ Chúa Cứu Thế trong kế hoạch cứu độ nhân trần.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy mình phải làm 3 việc sau đây để thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay:

    Thứ nhất là cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã chọn Đức Trinh Nữ Ma-ri-a làm mẹ Chúa Cứu Thế là Đức Giê-su Ki-tô.

    Thứ hai là ngưỡng mộ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: vì Ngài đã XIN VÂNG bằng Lời Nói và Hành Động, để Thiên Chúa Ngôi Hai xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại.

    Thứ ba là nhìn lại xem chúng ta đang sống tư cách là tôi tớ của Thiên Chúa như thế nào: chúng ta có biết nói lời XIN VÂNG trước tiếng gọi (hay ơn soi sáng) của Chúa Thánh Thần, để ý định của Thiên Chúa về tôi và về những người thuộc trách nhiệm của tôi, được thực hiện không?

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn»  Cùng với Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và là Mẹ chúng ta, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới để họ được ơn khám phá ra Chương Trình Cứu Độ lớn lao của Thiên Chúa được thực hiện qua những con người đơn sơ, bé nhỏ và vâng phục như trinh nữ Ma-ri-a của làng Na-da-rét.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói» Cùng với Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và là Mẹ chúng ta, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết sống tin yêu và tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà»  Cùng với Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và là Mẹ chúng ta, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân lớn bé già trẻ cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của mình là có Thiên Chúa ở cùng.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» Cùng với Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và là Mẹ chúng ta, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người kém lòng tin để họ khám phá ra Thiên Chúa quyền năng và huyền nhiệm.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 29 tháng 9 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

                                                                                                               

     

     

     

    --

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ TƯ

  •  LM MINH ANH
     
     

    MỘT GIÁ CẢ TIỀM N

    TIN MỪNG LUCA 9, 57-62

    Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”. (CÂU 57)

    Paul Dickson nói, “Thiên Chúa ban cho con người mọi sự, để nó toàn quyền sử dụng chúng cho vinh quang Ngài. Thế nhưng, thiên nhiên luôn có những khuyết điểm tiềm ẩn của nó; vì thế, con người phải chấp nhận ‘một giá cả tiềm ẩn!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Như Dickson cho biết, việc sử dụng thiên nhiên đòi hỏi con người chấp nhận rủi ro, phương chi việc đi theo Đấng tạo thành nó. Trong Tin Mừng hôm nay, một người khoe, “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”; Chúa Giêsu nói, “Con Người không có nơi gối đầu”. Câu trả lời khá bấp bênh của Ngài khiến chúng ta tự hỏi, liệu người ấy có hiểu điều anh ta sẽ làm không? Bởi lẽ, việc theo Chúa luôn đòi hỏi ‘một giá cả tiềm ẩn’, vì không phải lúc nào cũng hào nhoáng!

    Chúng ta có thể ước mơ làm nhiều điều cho Chúa, nhưng cuộc đấu tranh ngày này qua ngày khác nhiều lúc thật khó chịu. Những thách thức không đáng có thì muôn mặt. Một người vợ mới cưới thất vọng khi khám phá chồng cô không thể cáng đáng tài chánh; một người mẹ tuyệt vọng khi hay tin đứa con kỳ vọng bỏ học; một người cha vui mừng khi vừa nhận một công việc tốt, nhưng sớm phát hiện, ông chủ mới là một bạo chúa. Cũng thế; việc theo Chúa có những rủi ro tương tự, người môn đệ sẽ trả ‘một giá cả tiềm ẩn’; vì không phải lúc nào cũng huy hoàng.

    Chúa Giêsu còn nói với một người được gọi, khi người này xin về chôn cất người thân, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!”. Ý của người ấy là anh cần phải về nhà để chăm sóc cha mình cho đến khi ông qua đời. Theo Origen, câu nói này còn mang một ý nghĩa thần học sâu sắc, “‘Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết’ ngụ ý về mặt tâm linh. Không lãng phí thời gian cho những thứ đã chết! Vô luân, ô uế, đam mê, ham muốn xấu xa và tham lam; đó là việc tôn thờ ngẫu tượng. Những thứ này làm cho bạn chết. Hãy đuổi chúng đi! Hãy cắt chúng như cắt khối u để toàn thân khỏi nhiễm bẩn, để bạn không nghe nó nói, ‘Hãy để kẻ chết “tâm linh” chôn kẻ chết tâm linh!’. Việc cắt bỏ này là ‘một giá cả tiềm ẩn’ phải trả. Với một số người, điều này có vẻ mâu thuẫn khi Đấng Cứu Rỗi không cho phép người môn đệ chôn cất cha mình; trên thực tế, Ngài không cấm điều đó; đúng hơn, Ngài đặt trước điều này ‘một lời công bố về Vương Quốc thiên đàng’, nơi mọi người sống. Còn người chết, thì ai cũng chôn được!”.

    Tin Mừng còn nói đến một người thứ ba được gọi, người này xin “về từ giã gia đình trước đã”. Chúa Giêsu nói, “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Ngài không khắt khe và thô lỗ với những người sẽ là môn đệ, nhưng một khi chọn theo Ngài, Chúa muốn chúng ta tính toán, ngã giá cách tự do, cho dù đó là ‘một giá cả tiềm ẩn’.

    Thật thú vị, Gióp, một con người tuyệt đối tin vào Đấng tạo dựng các sao trời, Đấng mà “Chỉ một mình Ngài trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển”. Ấy thế, Gióp cũng phải trả ‘một giá cả tiềm ẩn’ khi phải bước đi trong đức tin; từ đáy tuyệt vọng, Gióp thốt lên những lời tuyệt vời, “Khi Chúa nhậm lời tôi kêu, tôi cũng không chắc Ngài nghe tôi”. Dẫu thế, Gióp vẫn kiên trì khấn xin; Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa!”.

    Anh Chị em,

    “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”. Theo Chúa Kitô, bạn và tôi phải sẵn sàng trả ‘một giá cả tiềm ẩn’. Điều này nghe có vẻ liều lĩnh nhưng đó là sự thật. Việc theo Ngài đòi tôi trả giá mỗi ngày, nhưng việc trả giá mỗi ngày này lại giúp tôi có khả năng để trả những giá cao hơn cho những hy sinh lớn hơn. Nhưng bạn đừng quên, như hai mặt của đồng tiền, giá tiềm ẩn cũng có hai mặt! Giá để ‘trả’; và giá để ‘nhận!’. Bước theo Giêsu, chúng ta đi trên đường thập giá của Đấng tự huỷ chính mình; nhưng bước theo Giêsu, chúng ta còn nhận được không chỉ gấp trăm ở đời này mà còn được cả Nước Trời, được Giêsu, được Con Thiên Chúa, được thiên đàng.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa biết sức con hèn yếu, xin trợ lực con; cho con biết, Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai, một ai dám trả ‘một giá cả tiềm ẩn’ để được cả Nước Trời!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories