3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ TƯ

  •  GIÁO PHẬN LONG  XUYÊN
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    28/09/22 THỨ TƯ TUẦN 26 TN
    Th. Lô-ren-xô Ru-y và các bạn tử đạo


    Lc 9,57-62

     
    THEO THẦY GIÊ-SU
     
    “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” (Lc 9,57)
     

    Suy niệm/SỐNG: Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta về ba loại ứng viên môn đệ của Thầy Giê-su: - tự nguyện xin theo; - được chính Thầy Giê-su gọi; - đi theo với điều kiện.

    Thầy Giê-su có câu trả lời rất riêng với từng loại người, tựu trung đòi hỏi ba điều kiện: (1) chấp nhận đời sống phiêu lưu,  nghèo khó; (2) đặt Nước Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất; (3) dứt khoát và hy sinh. 

    Theo Thầy Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài, là  “Một sự lựa chọn tự do và có ý thức, xuất phát từ tình yêu thương, để đáp lại ân sủng vô giá của Thiên Chúa, chứ không phải là đánh bóng bản thân” (Đức Phanxicô). 

    Theo Thầy Giê-su là cùng mơ, hiện thực ước mơ của Ngài: lửa mến bùng cháy. Theo Thầy Giê-su là cùng Ngài “lên Giê-ru-sa-lem” (c.51).

     

    Mời bạn CHIA SẺ: Sequela Christi” (theo Đức Ki-tô) là việc họa lại nếp sống tại thế của Ngài, tận hiến cho sứ vụ phục vụ Nước Thiên Chúa, thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua.

       Lời mời gọi này không phải lúc nào cũng dễ đáp trả, đòi hỏi người môn đệ luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, làm chứng cho các giá trị Tin Mừng. Bạn có muốn và sẵn sàng đáp lại, bước theo Thầy Giê-su chưa?

     

    Sống Lời Chúa: Quan tâm, nghiêm túc “xem xét” tiếng gọi Theo Thầy Giê-su trong lòng bạn, trong bậc sống, để dấn thân cho Ngài cách cụ thể, hiệu quả hơn: sống ơn gọi tu trì hay gia đình, làm chứng trong hoàn cảnh, môi trường riêng của mình.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời mời gọi của Ngài luôn mới mẻ, đang khi cách chúng con đáp trả chẳng luôn dứt khoát và sẵn sàng. Xin cho chúng con nghiệm thấy tình thương của Chúa trong đời mình và dấn thân hơn nữa cho tình yêu ấy.

    gplongxuyen
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
                                                                                                                 

    BUÔNG BỎ VÀ BƯỚC TIẾP

    “Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

    Một chiến lược gia nói, “Những gì bạn muốn luôn có giá của nó! Thất bại tạm thời có thể là giá phải trả. Nếu nó xảy ra, hãy chấp nhận và tiếp tục! Sự vắng mặt của thất bại tiết lộ nỗ lực của bạn có thể đang ở mức tối thiểu, khả năng chiến thắng rất ít. Trong nhiều trường hợp, thất bại có thể là điều tốt nhất tiếp theo để thành công; với điều kiện, bạn phải ‘buông bỏ và bước tiếp!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ là một trùng hợp thú vị khi ý tưởng ‘buông bỏ và bước tiếp’ của nhà chiến lược kia, được Lời Chúa hôm nay minh hoạ với hai nhân cách dám sống, dám chết cho ‘ý lực kép’ này! Đó là hai con người dám ‘lên Giêrusalem!’; một Gióp của Cựu Ước, một Giêsu của Tân Ước!

    Bài đọc Cựu Ước giới thiệu chân dung thật của Gióp, nhân chứng của một đức tin không chấp nhận bất kỳ “bức tranh biếm họa” nào về Thiên Chúa. Gióp lớn tiếng phản đối khi đối mặt với sự dữ; nhưng ngạc nhiên thay, lại chấp nhận ‘buông bỏ và bước tiếp’ cho đến khi Thiên Chúa đáp lại và ‘ló dạng’. Cuối cùng, Ngài tỏ bày cho Gióp vinh hiển Ngài mà không đè bẹp ông. Bản thân chúng ta những người khác cũng có thể có những trải nghiệm tương tự với những nỗi đau khủng khiếp bên trong và bên ngoài, khi mỗi người tự hỏi tại sao Thiên Chúa thờ ơ đến thế? Điều này dẫn đến việc một số người chọn “cái chết êm dịu”. Riêng Gióp, dẫu hối tiếc vì đã được sinh ra, nhưng Gióp không bao giờ nghĩ đến việc tự vẫn; đặc biệt, Gióp không hề hé môi than trách Chúa, dù nửa lời! Sở dĩ Gióp có thể kiên trung đến thế; bởi lẽ, Gióp không ngớt van xin Ngài, “Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa!” như tâm nguyện của Thánh Vịnh đáp ca.

    Nhân vật thứ hai, Giêsu; Luca viết, “Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”. Như vị tướng xuất quân, Chúa Giêsu bắt đầu một chiến lược không mấy phổ biến! Đội quân nào xuất trận cũng mang hy vọng chiến thắng; hay ít nhất, mong ước nó. Chúa Giêsu thì không! Ngài biết thất bại đang chờ Ngài, cái chết! Nhưng đó là ý Cha! Là con người, không dễ chấp nhận thất bại, vậy mà Chúa Giêsu đã ‘buông bỏ và bước tiếp’; buông ý riêng, buông khôn ngoan thế gian hầu có thể hoàn tất sứ mạng. Ngài buông bỏ vinh quang Thiên Chúa, buông bỏ thần tính cao cả để hành quân lên Giêrusalem, nơi ý Cha thành toàn. Tuy nhiên, tham gia vào trận chiến này, Ngài không thể hiện theo cách nhân loại; nhưng tiến vào đó như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Chiến lược của Ngài là khiêm tốn! Khiêm tốn, bom nguyên tử mà Ngài sẽ thả vào địa đạo của Satan. Nhờ đó, Ngài đã đánh bại sự kiêu hãnh và ngạo mạn của chúa thế giới.

    Tin Mừng còn nói đến sự từ chối của dân làng Samaria, khiến các môn đệ phẫn uất; và họ đã nhanh chóng học được rằng, vũ khí tấn công là lòng tốt, sự dịu dàng, bác ái và khiêm tốn. Nếu Chúa Giêsu phàn nàn hoặc trả đũa, thì đó sẽ là một thất bại; thay vào đó, “họ đi đến một làng khác”. Đơn giản đến thế! Ngài chiến thắng bằng tha thứ, quên đi; ‘buông bỏ và bước tiếp!’.

    Anh Chị em,

    “Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”. “Cương quyết”, từ ngữ Luca dùng để diễn tả cuộc chiến nội tâm tàn khốc của Chúa Giêsu. Với Ngài, dù bất cứ giá nào, ngay cả phải chết, ý Cha phải kiện toàn! Đây là bài học cho chúng ta. Ngài đã sử dụng ‘vũ khí tự huỷ’ vâng phục, khiêm tốn và hiền lành. Đây là chiến lược của ‘người tôi tớ’ mà căn cứ của ma quỷ sẽ phải nổ tung. Là môn đệ Chúa Giêsu, cùng chiến đấu với Ngài, chúng ta không có một vũ khí nào khác ngoài những khí tài này. Đó cũng là cuộc chiến nội tâm mà bạn và tôi phải chiến đấu đến cùng. Chiến thắng của chúng ta là cương quyết từ bỏ ý riêng, tội lỗi, cừu hận, ghen ghét và đó là ‘lên Giêrusalem’ với Ngài; tắt một lời, bạn và tôi ‘buông bỏ và bước tiếp!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, ‘ôm lấy và thoái lui’ luôn dễ dàng và dễ chịu, xin giúp con ‘buông bỏ và bước tiếp’ bằng việc lớn lên qua những bài học thất bại mà chính Thánh Thần sẽ dạy cho con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - CN26TN-C

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
     

    ĐỪNG CHỈ LÀ NGƯỜI TỬ TẾ! - CN26TN-C

    NGƯỜI GIẦU CÓ VÀ ANH LAZARO

    TIN MỪNG 16, 19-31

    “Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm!” (CÂU 26)

    Charles Hodge nói, “Một thế giới của những người tử tế, vốn hài lòng với sự tốt đẹp của chính họ, không nhìn xa hơn, quay lưng lại với Chúa… sẽ rất cần sự cứu rỗi như một thế giới khốn khổ - và thậm chí có thể khó cứu hơn!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Ai cũng mong làm người tử tế! Nhưng thật bất ngờ, cùng với Charles Hodge, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay yêu cầu chúng ta nhiều hơn, ‘đừng chỉ là người tử tế!’. Vì nếu chỉ là người tử tế, với Chúa Giêsu, xem ra vẫn không đủ! Ngài sẽ tiết lộ sự thật này qua dụ ngôn người phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khó, mà giữa họ là ‘một vực thẳm!’.

    Người phú hộ trong Tin Mừng được Amos, bài đọc thứ nhất, phác thảo là những con người chỉ biết có mình, họ sống an nhàn mà quên đi những người khốn khổ bên cạnh. Thiên Chúa của Cựu Ước và của Tân Ước cũng chỉ là một, “Ngài là Vua các vua, Chúa các chúa” như Phaolô nhắn nhủ qua thư Timôthê, bài đọc hai; rồi đây, Ngài sẽ đứng ra hạch tội những kẻ vị kỷ. Cũng chính Ngài sẽ nâng cao và phục hồi phẩm giá cho kẻ cô thế cô thân. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”, “Đấng trả lại quyền lợi cho người bị áp bức”.

    Trở lại bài Tin Mừng, ai cũng biết người phú hộ trong dụ ngôn là người “tử tế”; ít là ông không ác tâm, không hại ai. Kết thúc cuộc đời, ông cam phận cách hiền lành; ông không yêu cầu được rời khỏi địa ngục, nhưng chỉ xin một giọt nước để làm dịu cơn khát đang cháy bỏng. Và khi không được đáp ứng ‘nhiều’ đến thế, ông xin một người đưa tin về gia đình, với hy vọng những người anh em của mình không chịu chung một số phận. Ông, ít nhất, đã nghĩ đến phúc lợi của người khác. Tuy nhiên, tất cả những điều tử tế đó vẫn không cứu được ông khỏi hình phạt đời đời. Tôi có bao giờ suy nghĩ rằng, chỉ cần trở thành một người “tử tế”, tôi sẽ đạt thấu thiên đàng? Có thể tôi đang sử dụng tiêu chí riêng của mình để đánh giá sự xứng đáng của bản thân, thay vì sử dụng những tiêu chuẩn của Chúa?

    Người phú hộ dường như không bao giờ bận tâm đến sự có mặt của Lazarô. Ông không đuổi, cũng không nhờ người khác đuổi; thay vào đó, ông ‘không thấy’ Lazarô. Và đó là sai lầm của ông; tội của ông là tội thiếu sót. Ông mất linh hồn không vì những gì ông đã làm, mà vì những gì ông đã không làm! Tuy nhiên, dù đang bị lên án, ông lại tỏ ra quan tâm đến năm anh em còn ở nhà. Có lẽ, họ đang sống một cuộc sống “tử tế” như ông trước đó; và rồi đây, chắc cũng có chung số phận với người anh em ruột thịt đi trước của mình. Mối quan tâm của người phú hộ là đúng đắn, nhưng thời gian của ông đã quá muộn. Giá mà ông thể hiện sự quan tâm đến linh hồn những người cật ruột khi ông còn sống, thì có thể ông đã tạo ra một sự khác biệt.

    Anh Chị em,

    “Giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm!”. Bỏ qua một người nghèo là tạo thêm một vực thẳm, phớt lờ người nghèo là coi khinh Chúa! Nhiều người thường giả vờ như không nhìn thấy người nghèo! Với họ, người nghèo không tồn tại. Vậy mà, không một sứ giả nào, không một sứ điệp nào có thể thay thế những người nghèo mà chúng ta gặp trên hành trình cuộc đời; bởi chính trong họ, Chúa Giêsu đến gặp chúng ta! Người phú hộ xem ra không có lỗi gì, ông chỉ quá bận tâm về mình; và hầu như cuộc đời ông chỉ biết tìm thoả mãn bản thân mà quên mất giới răn trọng nhất, “kính mến Chúa, yêu thương người!”. Bạn và tôi đừng quên, Lazarô có thể là người ở bên ngoài cánh cổng; nhưng Lazarô cũng có thể chính là người nhà trong gia đình chúng ta. Hãy sống làm sao để đừng hối tiếc vì đã không làm nhiều hơn cho họ!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa muốn con ‘đừng chỉ là người tử tế!’; đừng để con tạo thêm cho mình một vực thẳm giữa Chúa và con ngay hôm nay, điều sẽ khiến con bẽ bàng và vỡ vụn mai ngày!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH- THỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
       

    TRỞ NÊN VĨ ĐẠI - THỨ HAI CN25TN-C

    TIN MỪNG 9, 46-50: AI LÀ NGƯỜI NHỎ NHẤT?

    “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.(C.48)

    Phillip Brooks nói, “Cách thực sự để khiêm tốn không phải là khom lưng cho đến khi bạn nhỏ hơn chính mình, mà là đứng ở ‘độ cao thực’ so với một bản chất cao hơn nào đó. Điều này cho thấy sự ít ỏi thực sự của cái ‘được gọi’ là vĩ đại nơi bạn. Vậy mà, càng nên bé nhỏ, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Càng nên nhỏ bé, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”. Tư tưởng của Phillip Brooks được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Ai ‘hạ mình’ trước Chúa, ‘nhún mình’ trước người; kẻ ấy ‘trở nên vĩ đại!’. Như một em bé, Gióp hạ mình trước Chúa; cũng với một em bé đứng bên cạnh mình, Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường, “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

    Bài đọc Gióp kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa và Satan. Thật thú vị, đầu dây mối nhợ, Chúa đem Gióp ra khoe như khoe ‘cục cưng’ của mình; đúng hơn, Ngài ném Gióp trước Satan như một thách thức, “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Chẳng có ai trên đời này giống như nó: vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh xa điều ác!”. Satan dể duôi, “Ngài cứ thử đưa tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, hẳn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”. Phóng lao theo lao, Chúa phó mọi tài sản của Gióp vào tay Satan, trừ mạng sống ông. Vậy là tai ương dồn dập ập xuống Gióp; Gióp mất con trai, con gái, chiên bò… không còn gì cả. Nhưng chẳng một lời trách móc; trái lại, Gióp thêm lòng yêu mến, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng; Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Danh Chúa”. Nhờ cậy trông vào Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu!”, Gióp vượt qua tất cả. Hú hồn! Chúa toàn thắng Satan; Ngài ban cho Gióp nhiều hơn trước. Gióp ‘trở nên vĩ đại!’.

    Với bài Tin Mừng, khi biết các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng, bằng cách đặt một đứa trẻ bên cạnh mình để cho họ thấy ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất! Chúng ta không làm điều tương tự sao? Ham muốn địa vị và quyền lực dường như đã tiềm ẩn trong máu mỗi người. Ai lại không ấp ủ tham vọng trở thành một “ai đó”, được người khác ngưỡng mộ, hơn là trở nên “không ai?”.

    Vậy một trẻ nhỏ có thể tiết lộ cho chúng ta điều gì về sự vĩ đại? Trẻ em trong thế giới cổ đại không có quyền, vị trí hoặc ưu tiên; trẻ ở dưới cùng của bậc thang xã hội, phục vụ người lớn như một tôi tớ. Cử chỉ đặt một trẻ bên cạnh, nâng nó lên trước các môn đệ cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giêsu. Ngay cả ngày nay, chủ nhà vẫn để vị khách danh dự ngồi bên phải của mình. Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Kẻ khiêm nhường mang thân phận của một tôi tớ!

    Anh Chị em,

    “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”. “Tiếp đón em nhỏ này” nghĩa là nên bé nhỏ! Chúa Giêsu là khuôn mẫu “trở nên bé nhỏ” của chúng ta. Trong Thánh Thể, Đấng Vĩ Đại trở nên bé nhỏ để đến với chúng ta. Đón tiếp Đấng Vĩ Đại, ngày càng nên giống Ngài, con người ‘trở nên vĩ đại’. Chúa Giêsu ước mong mỗi người chúng ta ngày càng nên giống Ngài. Giống Ngài trong yêu thương, giống Ngài trong phục vụ; giống Ngài trong việc buông mình cho Thiên Chúa Cha, giống Ngài trong việc tự hiến cho con người. Cũng thế, khi chúng ta làm những việc nhỏ mọn bởi tình yêu dành cho Đấng Vĩ Đại, Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta ‘trở nên vĩ đại’. Chúa muốn chúng ta trở nên những chiếc bình rỗng để Ngài có thể đổ đầy vinh quang, quyền năng và tình yêu Ngài; để từ đó, chúng ta trở nên những dụng cụ ân sủng của Ngài, tràn dâng cho người khác. Chính lúc ấy, chúng ta thực sự ‘trở nên vĩ đại!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, để làm vinh danh Chúa, những gì con nhận cũng là những gì con trao. Cho con biết cúi xuống, trở nên một người phục vụ. Và đó là phương thế con ‘trở nên vĩ đại!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
    Kính chuyển:
    Hồng 
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  
    Hong Nguyen
     
     
                                                                                                                   

    VẪN CÓ MỘT AI ĐÓ -THỨ BẢY CN25YN-C

    TIN MỪNG LUCA 9, 44-45

    “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.

    Một nghiên cứu xã hội học ở San Francisco cho biết, tại một cuộc phỏng vấn các cô gái bán hoa; các cô được hỏi, “Điều gì bạn cần nhất và không thể có được?”. Luôn đi kèm với nỗi buồn và nước mắt, các cô có chung một câu trả lời, “Điều tôi cần nhất là ‘có một ai đó’ lắng nghe tôi; một người đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Còn hơn ‘Có một ai đó’ lắng nghe tôi; một người đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”, Lời Chúa hôm nay cho thấy, dẫu phận người mong manh; nhưng ‘vẫn một Ai đó’ ở với nó! Ngài cầm cân nẩy mực mọi sự, trường tồn vạn đại, và là Đấng mà nơi Ngài, con người tìm nương thân! Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.

    Bài đọc Giảng Viên cho thấy những thước phim lãng mạn về sự mòn hao của tuổi trẻ, nghiệt ngã của tuổi già và bẽ bàng của cái chết! Nó mời gọi chúng ta “đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn”. Tác giả báo trước về sự héo hon khi các kỹ năng, sự linh hoạt, thị giác, thính giác, sức lực của tuổi trẻ giảm dần, cho đến khi thần chết viếng thăm; đời người bấy giờ, chỉ như một sợi dây đứt đoạn! Tuy nhiên, trong khi cuốn sách kết thúc với những lời mà nó bắt đầu, “Phù vân trên mọi phù vân, mọi sự đều là phù vân!”, thì ở giữa nó, tiết lộ những chân lý. Nó nhắc nhở chúng ta về sự khốn cùng và bất lực của con người; cùng lúc, nói lên sự vĩ đại của bằng cách cho thấy ‘vẫn có một Ai đó vĩ đại hơn thế giới, đang ở giữa thế giới và cũng đang điều khiển thế giới! ‘Vẫn có một Ai đó’ đang chăm bẵm chúng ta, để cho dù cuộc đời thật vắn vỏi, thế sự quá đỗi phù vân; nhưng ‘vẫn có một Ai đó’ hằng yêu thương và chỉ nơi Ngài, chúng ta nương ẩn.

    Cùng với cái nhìn của Giảng Viên, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều tương tự! Đang khi mọi người phấn chấn, ngưỡng mộ và thán phục, Chúa Giêsu lại báo cho các môn đệ về cái chết cận kề của Ngài. Thật trùng hợp! Ngài cũng nói đến kiếp phù sinh, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời!”. Đó là một cái chết trọn nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Ngài nói đến bị nộp, phản bội, oan sai… rồi đây, Ngài cũng run rẩy xin cất chén đắng này, “nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha”; để rồi, phó mình trong tay Cha và đầu phục nó như con đường tất yếu phải bước đi, hầu có thể chìm sâu vào tình yêu dành cho Cha và cho con người. Ngài sẽ chết trên thập giá, dang tay cứu lấy kiếp phù hoa của phận người, làm cho nó vững bền đến thiên thu.

    Anh Chị em,

    “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”. Thánh Vịnh 89 thật ủi an, “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi”. Sống dưới bóng cánh của Đấng mà “ngàn năm tựa hồ hôm qua”, thì trước bất cứ khó khăn nào, bạn và tôi luôn nhớ đến Ngài; điều đó giúp chúng ta hình dung cuộc sống mình như một hạt cát trên nền vũ trụ, một hạt cát được yêu thương. Cũng thế, thật an ủi, Chúa Giêsu sẽ không để chúng ta một mình khi chúng ta bước trên con đường Ngài đi. Ngài luôn ở bên, yêu thương; và ‘vẫn có một Ai đó’ luôn trợ giúp, chính Thánh Thần của Ngài! Chúa Thánh Thần luôn có mặt, đỡ nâng chúng ta trong bất kỳ sự suy giảm nào, khi già đi hoặc lúc thần chết ngấp nghé. Càng cầu xin, ân sủng Thánh Thần càng đổ xuống, chúng ta yên tâm bước đi trong tự do, vui tươi, lòng trắc ẩn và bình an. Sống theo phẩm cách con cái Thiên Chúa là sứ mệnh của chúng ta; không chỉ sống, chúng ta còn làm chứng cho một thế giới vốn đang chạy tìm bao mê đắm phù hoa, một thế giới có các giá trị rất khác với thế giới của Chúa Giêsu, nơi trú ẩn của mỗi người.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, giữa những hao mòn của cuộc đời, khi con còn trẻ hoặc khi con về chiều, xin cho con ý thức rằng, ‘vẫn có một Ai đó’ hằng yêu thương con, luôn ở gần con, ở trong con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    KÍnh chuyển:

    Hồng

     

Subcategories