3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THƯ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ BA CN27TN-C
     

    HÃY QUỲ GỐI MÀ LÀM MỌI VIỆC!

    TIN MỪNG LUCA 10, 38-42

    “Maria đã chọn phần tốt nhất”. (CÂU 42)

    Alex Maclaren nói, “Tôi không biết chúng ta ở trên thế giới này để làm gì trừ phi là để học cách lên thiên đàng! Cuộc sống trên trái đất sẽ rất hoang mang trừ khi chúng ta được đào tạo ở đây cho một công việc siêu phàm bên kia nấm mồ. Vậy từ bây giờ, hãy ‘chiêm ngắm trong hành động’; nói cách khác, ‘hãy quỳ gối mà làm mọi việc!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ rất thú vị khi ý tưởng của Maclaren được tiết lộ một cách kín đáo qua câu chuyện Matta - Maria hôm nay mà Luca cố ý đặt sau câu chuyện người Samaritanô nhân hậu hôm qua! Nó khôi phục sự cân bằng trong việc theo Chúa của bất cứ ai. Bởi lẽ, trở nên ‘người thân cận’ có thể khiến một số người nghĩ, chỉ khi ‘hành động’, chúng ta mới yêu mến Chúa; không hẳn, nó còn là khi chúng ta ‘chiêm ngắm’ Ngài! Luca muốn nhắn nhủ, ‘hãy chiêm ngắm trong hành động’; nói cách khác, ‘hãy quỳ gối mà làm mọi việc!’.

    Matta, một người hành động đến mức ‘nhắng nhít’, ‘to chuyện’; cô được biết là người đã “tất bật lo việc phục vụ”. Điều này thật tốt! Thế nhưng, thật tiếc, cô đón Chúa Giêsu vào nhà mà không mời Ngài vào lòng! Ngài chưa là Thượng Khách của trái tim cô; vì thế, sự phục vụ của cô mất hết ý nghĩa. Bằng chứng là điều này đã dẫn đến sự so nài với cô em! Vậy mà, cả Matta lẫn Maria và chúng ta… mỗi người chỉ có một đời để sống, một thời gian để phục vụ, nhưng việc biết lắng nghe và sống Lời lại định đoạt số phận của mỗi người, cũng như làm cho giá trị của người này khác với người kia. Chính việc lắng nghe, để cho Lời lớn lên, đời sống chúng ta mới được biến đổi; chính lúc đó, chúng ta mới thật là môn đệ của Chúa Giêsu.

    Chúa Giêsu không ngừng nêu gương phục vụ, dạy các môn đệ và chúng ta phục vụ; thế nhưng, nó không được trở thành gánh nặng. Bằng chứng là sau khi Matta càu nhàu cô em gái, Chúa Giêsu lên tiếng, “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá!”. Một đầy tớ chân chính không nên quá lo lắng; nó bộc lộ một nội tâm thiếu bình an! Maria thì dường như không làm gì cả, và xem ra lười biếng, thậm chí ích kỷ; nhưng Chúa Giêsu lại nói, “Maria đã chọn phần tốt nhất”, và “sẽ không bị lấy đi”; điều này khiến Matta phần nào hụt hẫng! Phần tốt nhất đó là gì? Là không làm gì? Không! Maria ngồi dưới chân “lắng nghe lời Ngài”. “Lắng nghe” Ngài là điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ và dân chúng cần làm mọi lúc; nó liên quan với hiểu, chấp nhận và thẩm thấu Lời để Lời trở thành một phần cuộc sống của họ. Nếu không dành thời gian lắng nghe Chúa, làm sao có thể biết rằng hoạt động của bạn và tôi đã được định hướng đúng đắn!

    Như vậy, dừng lại để lắng nghe, phân định và cầu nguyện là điều không thể thiếu; và cuối cùng, hình thức hoạt động cao nhất trong cuộc sống vẫn là chiêm ngắm. Nếu thấy mình không có thời gian để cầu nguyện hoặc chiêm ngắm, thì hẳn đã có một sự mất cân bằng nghiêm trọng trong các ưu tiên và trong sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc yêu thương và phụng sự Chúa! Vì thế, câu chuyện Matta - Maria kết hợp tuyệt vời với câu chuyện người Samaritanô nhân hậu đã diễn tả những gì phải trở nên cốt lõi của đời sống Kitô hữu; đó là hành động vì người khác được định hướng bởi những gì chúng ta học được khi chiêm ngắm!

    Anh Chị em,

    “Maria đã chọn phần tốt nhất”; Chúa Giêsu đã chọn phần tốt nhất! Đây là khuôn mẫu trong cuộc sống của chính Ngài. Mỗi ngày, Ngài dành nhiều giờ chữa lành mọi người như một “người thân cận” của họ, nhưng cũng lui về nơi yên tĩnh để một mình ở với Chúa Cha. Đó còn là nhịp sống của mỗi người chúng ta, một nhịp sống có tên là ‘chiêm ngắm trong hành động!’. Được như thế, chúng ta sẽ nên như Chúa Giêsu, hoặc như Phaolô trong thư Galata hôm nay, để sống làm sao cho mọi người nhìn vào chúng ta, và “họ tôn vinh Thiên Chúa”. Ý nghĩa thay Thánh Vịnh đáp ca, đó phải là tâm tình của chúng ta mỗi ngày, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con lo lắng bối rối vạn chuyện. Giúp con chỉ lo một chuyện, lắng nghe và chiêm ngắm, hầu con có thể ‘quỳ gối mà làm mọi việc’ cho Chúa, cho anh chị em con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINHANH
                              THỨ HAI CN27TN-C

    THƯƠNG XÓT CÒN CÓ TÊN LÀ “CÙNG ĐAU ĐỚN

    TIN MỪNG LUCA 10, 25-37”

    “Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” - “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy!”(CÂU 37).

    Ngày kia, một tín hữu trí thức nói với một mục sư vốn thường giảng rất dài, “Bài giảng của ngài nhắc nhở tôi về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi nghĩ, ‘nó’ sẽ tồn tại mãi mãi; bởi lẽ, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. Câu nói sâu sắc pha chút mỉa mai của người tín hữu kia được gặp lại trong phần kết của Tin Mừng hôm nay; câu hỏi của Chúa Giêsu và câu trả lời của người thông luật, “Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?”; ông không trả lời, “Người Samaritanô!”, thay vào đó là, “Kẻ đã tỏ lòng thương xót!”. Thương xót mới là trọng tâm, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.  

    Thật dễ dàng để phán xét và khắc nghiệt với người khác. Đọc báo, nghe tin tức… chúng ta bội thực bởi những lời phán xét và lên án liên tục. Về mặt này, bản chất con người sa ngã dường như phát triển một cách ‘xuất sắc’; vì ai cũng có thể chỉ trích người khác một cách dễ dàng. Hoặc khá hơn, khi không chì chiết, phê phán, chúng ta lại rơi vào cám dỗ để hành động như thầy Lêvi và vị tư tế; chúng ta làm ngơ trước những người cần cứu giúp. Vậy điều quan trọng là phải luôn thể hiện lòng thương xót và thể hiện nó một cách siêu việt, anh hùng; nói cách khác, thương xót là phải chịu thiệt, chịu mất thời giờ, vì ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.     

    Ơn gọi của mỗi người chúng ta là trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa. Giữa biển khơi của một thế giới tục luỵ ích kỷ, các Kitô hữu phải là những quần đảo xót thương! Và để lòng thương xót đó có thể trở nên chính hiệu, nó phải đau đớn, phải “tổn thương” thực sự theo nghĩa đòi hỏi bạn phải buông bỏ lòng kiêu hãnh, ích kỷ và giận dữ. Thay vào đó, bạn chọn cách thể hiện yêu thương đến mức nó khiến bạn đau đớn. Tuyệt vời thay! Chính sự tổn thương đó lại là nguồn chữa lành hiệu nghiệm; qua đó, nó giúp bạn tẩy sạch tội lỗi mình. Mẹ Têrêxa nói, “Tôi đã tìm thấy một nghịch lý! Rằng, nếu bạn yêu cho đến khi đau đớn, thì không thể có thêm tổn thương nào nữa; lúc ấy, bạn chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn!”. “Chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn” là loại tình yêu thoạt đầu có thể tổn thương, nhưng cuối cùng, nó chỉ để lại tình yêu và tình yêu!

    “Yêu cho đến khi đau đớn, để không thể có thêm tổn thương nào nữa” chính là hoạt động của ân sủng vốn phát xuất từ Đấng đã từng “yêu cho đến cùng”. Trên thập giá, Đức Kitô không thể có thêm tổn thương nào nữa! Chính xác hơn, với Đức Kitô Phục Sinh, nói như thánh Phaolô, “Tội lỗi và sự chết không còn làm chi được Ngài!”.

    Anh Chị em,

    “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Người Samaritanô, “kẻ đã tỏ lòng thương xót”, chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Xót Thương; và nạn nhân chính là hình ảnh của cả nhân loại đáng thương; và dĩ nhiên, đó còn là phiên bản của chính bạn và tôi! Khi chúng ta không thể tự cứu mình, khi bạn và tôi bị Thiên Chúa ghẻ lạnh vì tội lỗi chúng ta gây ra, thì chính Chúa Kitô trong tình yêu của Thiên Chúa đã dừng lại để cứu lấy chúng ta. Với Chúa Giêsu, thương xót không chỉ là xúc động hay những tiếc xót đầu môi, nhưng còn chịu đau khổ cùng, liên lụy cùng; nơi Ngài, hình ảnh đó thật đẹp và rõ nét! Ngài đã mang thay những vết thương, để chúng ta được chữa lành; chịu sửa phạt thay, để chúng ta được bình an. Trên thập giá, Ngài đã thể hiện tất cả; ở đó, Ngài định hình và đặt tên cho thương xót, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. “Hãy đi và làm như vậy!”, Ngài đang nói với bạn và tôi hôm nay!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin biến những khoảnh khắc đau đớn của con thành những khoảnh khắc tuyệt vời của ân sủng; hầu con có thể chỗi dậy, trở nên quà tặng tình yêu Chúa cho anh chị em con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     


     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THÁNH TERESA

  •  LM MINH ANH
     
     
     

    CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC VỀ SỰ DỊU HIỀN TỪ ÁI CỦA CHÚA

    TIN MỪNG MAT 18, 1-4

    Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các con như vậy!”.

    Trong “Tiểu Sử Têrêxa Lisieux”, Lindsay Younce thủ vai Têrêxa. Điều đáng nói là sau khi hoàn thành bộ phim, cô trở lại đạo. Cô nói, “Điều tôi khám phá ở Têrêxa là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Chúa. Tôi cảm phục sự nhịn nhục và phục vụ ân cần của Têrêxa với nữ tu già Augustine, một nữ tu rất khó thương; ấy thế, Têrêxa vẫn yêu quý và biến hành vi ấy nên của lễ cứu độ; để rồi có thể nói, “Nếu có tình yêu thì dù cúi xuống nhặt một cây kim cũng đủ cứu độ thế giới. Quả Têrêxa là một ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa ngày lễ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một lần nữa, cho thấy sự dịu ngọt của Chúa. Sứ điệp này quả mang tính thời sự! Con người ngày nay cần tình thương, cần được quan tâm; cần tình Chúa, cần tình người, cần gặp những ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa!’. Vì thế, con đường của Têrêxa là con đường trở về được chuẩn bị cho những ai đã rời xa Chúa.

    Nơi Têrêxa, chúng ta tìm thấy sự lân mẫn của Chúa, điều Ngài đã nói tự ngàn xưa, “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các con như vậy!”; “Thiên Chúa là tình yêu”, Têrêxa không ngừng suy niệm những lời ấy, để từ đáy tâm hồn vị thánh trẻ, chúng ta đọc được những trang nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, như tiếng vọng từ con tim của một kẻ yêu mến Ngài hết lòng.

    Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời!”. Têrêxa đã áp dụng cho mình lời này bằng cách tái khám phá, vẽ lại nó khi phát hiện tình yêu Thiên Chúa qua Đức Giêsu trong lòng Giáo Hội. Độc đáo và táo bạo, Têrêxa nói, “Tôi hiểu, nếu Giáo Hội có một thân mình, gồm những chi thể khác nhau, thì chi thể cần nhất, cao quý nhất không thể thiếu là phải có một trái tim; và trái tim ấy nồng cháy tình yêu. Tôi hiểu, chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hành động; và nếu tình yêu ấy tắt lịm đi, các tông đồ sẽ không còn rao giảng Phúc Âm, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu. Tôi hiểu, tình yêu bao gồm mọi ơn gọi; tình yêu là tất cả; tình yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian. Tắt một lời, tình yêu là vĩnh cửu! Lúc ấy tôi kêu lên, ‘Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, ơn gọi của con, nay con đã tìm được! Ơn gọi của con chính là tình yêu. Thực vậy, con đã tìm được chỗ của con trong Giáo Hội; và chỗ đó, lạy Chúa, chính Chúa đã cho con. Trong con tim của Giáo Hội là Mẹ con, con sẽ là tình yêu!’”.

    Là tiến sĩ tình yêu, Têrêxa trải nghiệm thử thách của đức tin trong một thế giới nghi hoặc và vô tín vây bủa. Về phương diện này, Têrêxa trở nên hết sức thời sự! Trong một nền văn hoá quá chú trọng phương tiện nhưng ít quan tâm mục đích, tạo nên bất mãn sâu xa, gây nên trống rỗng sâu rộng, gợi lên những tiếng kêu âu lo… nhiều người ngày nay cảm thấy mang máng tiếng gọi tình yêu của Chúa, nhưng không biết tìm đâu ra. May thay, Têrêxa trở nên một con người đầy lửa, nói cho thế giới rằng, trong cuộc tìm kiếm tình thương và chân lý, ánh sáng và sự tươi đẹp của nó, chỉ Thiên Chúa mới có thể đáp ứng thực sự những mong đợi của con tim và trí tuệ loài người! Đức Gioan Phaolô II đã nói, “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì vẻ đẹp sâu xa, đơn sơ và trong trắng biểu lộ nơi Têrêxa, nguồn cảm hứng cho Giáo Hội và thế giới. Vẻ đẹp này có sức quyến rũ; một ơn gọi đặc biệt thu hút bằng vẻ đẹp của tâm hồn!”. Têrêxa đã trở nên một ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa’ vậy!

    Anh Chị em,

    “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy!”. Được tình yêu Chúa chiếm hữu, ủi an, Têrêxa lớn lên trong chiều hướng “điều tốt tự toả lan”; từ đó, khám phá cái nhìn của Thiên Chúa về người khác, cái nhìn của Đấng Tạo Hoá say mê tạo vật. Trong thời đại ngày nay, con người bị ảnh hưởng bởi thứ văn hoá phù du và duy khoái lạc; noi gương Têrêxa, chúng ta cũng hãy trở nên ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa’ trong việc soi sáng tâm trí những ai đang khao khát sự thật và tình thương.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, trong một thời đại mà con người đói tình yêu hơn đói cơm bánh, xin giúp con trở nên ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa’; để ai gặp con, họ gặp Chúa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN27TN-C - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH
     
     

    LỚN CỠ HẠT CẢI - CN27TN-C

    TIN MỪNG LC 17, 5-10
     

    “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”. (CÂU 6)

    Một nhà thần học nói, “Lời mời gọi của Chúa để bạn làm việc với Ngài luôn dẫn bạn đến một cuộc khủng hoảng về niềm tin, vốn đòi hỏi bạn phải có đức tin và hành động. Nhưng thật mỉa mai, Ngài chỉ cần nó ‘lớn cỡ hạt cải!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Ngài chỉ cần nó ‘lớn cỡ hạt cải!’”. Thật thú vị, tư tưởng của nhà thần học kia được gặp lại qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay! Lời Chúa sẽ đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Tin Mừng mở đầu bằng một lời cầu không thể ngạc nhiên hơn của các tông đồ, “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con!”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cũng đầy bất ngờ, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”, nghĩa là ‘Giá mà các con có đức tin chỉ cần ‘lớn cỡ hạt cải!’’.

    Chúng ta thường sống tâm lý “vượt trội”. Mọi thứ phải lớn! Phiếu đặt hàng tại Amazon hoặc Tiki phải lớn; nhà cửa, phương tiện phải lớn… Thế mà, đặt “niềm tin thật lớn vào Chúa”, điều quan trọng nhất, chúng ta lại không quan tâm. Ngài có khả năng làm điều đó mỗi ngày nếu chúng ta cầu xin với lòng chân thành và khiêm tốn. Đức tin của chúng ta sẽ sâu sắc hơn tuỳ vào thước đo chúng ta áp dụng nó trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thật ý vị, Habacuc trong bài đọc thứ nhất hôm nay trải nghiệm đức tin ít ỏi đó; ông nói khó với Chúa, “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao?”. Và lạ thay, Thiên Chúa lại thích điều đó, Ngài vui với loại đức tin ‘lớn cỡ hạt cải’ này! Ngài nói, “Hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn!”. Hy vọng Ngài không cuội!

    Tiếp đến, Chúa Giêsu kể cho các tông đồ dụ ngôn người đầy tớ đi cày ruộng về; và khá bất ngờ, Ngài kết luận, “Khi đã làm xong mọi việc, hãy nói, chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”. Điều này nghe thì dễ nhưng khó để sống! Thông thường, khi chúng ta hoàn tất tốt một việc nào đó trong nhiệm vụ, chúng ta tìm kiếm sự công nhận và khen ngợi. Dẫu đây có thể là một phản ứng “bình thường”, nhưng đó không phải là phản ứng khiêm tốn nhất. Tốt nhất, hãy tạ ơn Chúa để lớn lên trong đức tin.

    Trong quan hệ của chúng ta với Chúa, mọi thứ thường khác. Trước tiên, cần nhận ra rằng, ý muốn của Thiên Chúa là tốt; nó áp đặt một nghĩa vụ tình yêu nơi chúng ta. Khi thực hiện ý muốn của Chúa, chúng ta ý thức rằng, đó là một hồng ân. Bằng cách đó, việc thực hiện ý Ngài trở thành nguồn vui, chứ không phải sự công nhận của thế gian, dù đức tin của chúng ta chỉ ‘lớn cỡ hạt cải’. Trong thư gửi cho Timôthê hôm nay, Phaolô cũng nói đến sự khiêm tốn đó, “Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa”; nghĩa là ‘Con hãy làm hết sức có thể những gì được trao cho con’ dù đức tin của con chỉ ‘lớn cỡ hạt cải’. Điều này đòi hỏi một sự mềm mỏng. Thánh Vịnh đáp ca thật thâm thuý, “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, ‘Đừng cứng lòng!’”.

    Anh Chị em,

    “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”. Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta ham hố, cái gì cũng phải lớn, kể cả đức tin! Chúa Giêsu lại nói, ‘Không cần! ‘Lớn cỡ hạt cải’ cũng đủ!’. Vậy mà, chúng ta thường có nhiều niềm tin hơn chúng ta nghĩ. Nhìn vào đức tin mình, chúng ta thấy nó yếu làm sao; đang khi nhìn vào nó, Chúa thấy nó mạnh! Ngạc nhiên thay! Ngài trấn an chúng ta, ‘Đừng băn khoăn về kích cỡ đức tin của con; đúng hơn, hãy biết ơn vì bất cứ niềm tin nào con có, dù nó chỉ ‘lớn cỡ hạt cải!’’. Ngài đang rót vào tai chúng ta rằng, trong quan hệ với Ngài, Ngài là đối tác chính, vốn luôn tác động trên chúng ta, dù chúng ta đáp lại Ngài một cách ti tiện. Ngài giữ chúng ta cách vững chắc; và với ân sủng, Ngài lôi cuốn chúng ta cách mạnh mẽ!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì Chúa chấp nhận đức tin èo uột của con; xin giúp con biết đầu tư vào Chúa hơn, may ra, đức tin của con có thể ‘lớn hơn hạt cải nhỏ nhất’ và như thế, có lợi cho Nước Chúa hơn!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA 
    01/10/22 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN

    Th. Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT                
    TIN MỪNG Mt 18,1-5

    “TRỞ LẠI MÀ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ”

    Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

    Suy niệm: Để trả lời cho câu hỏi về vị ithứ trong Nước Trời của các môn đệ, Chúa Giê-su đặt một em nhỏ ở giữa các ông và cho biết điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời là trở lại mà nên như trẻ nhỏ.” Cánh cửa Nước Trời là cánh cửa hẹp chỉ những người “bé nhỏ” theo tinh thần Tin Mừng mới vào được mà thôi.

    - “Nên như trẻ nhỏ” là luôn sống với tâm hồn thanh khiết, vì ai có tâm hồn trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,8).

    - “Nên như trẻ nhỏ” là tín thác giao phó đời mình trong tay cha mẹ. Người môn đệ của Chúa luôn đi theo sự hướng dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần chứ không tìm cách “điều khiển” Chúa theo ý mình muốn.

    - “Nên như trẻ nhỏ” là luôn vâng phục làm theo những gì cha mẹ dạy bảo theo mẫu gương Người Con Chí Ái của Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha “vì điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19).

    Mời Bạn: Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã chọn con đường thơ ấu thiêng liêng là trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Bạn hãy cùng thánh nhân bước đi trên đường thơ ấu dẫn đến Nước Trời này bằng cách nỗ lực sống với tâm hồn thanh khiết, luôn nương tựa đời mình vào Chúa và sống đức ái theo châm ngôn: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường.

    Sống Lời Chúa: Sống tinh thần phục vụ, yêu thương vô vị lợi với tha nhân thay vì tìm tiếng khen, danh dự.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin chọn Chúa là phần sản nghiệp, là chén phúc lộc dành cho con. (x. Tv 16,4)

    gplongxuyen.

     

Subcategories