3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Hãy tập tha thứ trong yêu thương

Thưa quý vị,

Khi chúng ta lâm vòng khổ luỵ, không tự cứu vớt được mình, chúng ta thường rơi vào bàn tay những kẻ vô lại mà bề ngoài xem ra là mạnh thường quân. Thế hệ ông nội tôi di cư từ nước Ý Đại Lợi sang Hoa Kỳ đã rơi vào trường hợp tương tự. Họ cập bến Ellis (New York). Các viên chức hải quan và biên phòng đón tiếp họ, niềm nở giúp đỡ và đổi tiền địa phương cho họ tiêu dùng. Các người mới đến còn lạ lẫm với phong thổ và hệ thống pháp lý, nên đưa cho họ hết gia tài nhỏ bé của mình, tin tưởng họ sẽ đổi thành tiền đôla qui giá. Ai ngờ khi vào đất liền, đem đôla ra dùng thì toàn là giấy giả và các đồng xu cọc cạch chẳng ai thèm nhận. Các nạn nhân không dám hé môi, vì sợ bị đuổi về. Hậu quả là các thế hệ con cháu nghi ngờ lòng tốt của hết mọi người, nhất là khách lạ. Biết đâu dưới bộ điệu nhân hậu lại là những tay vô nhân, cướp bóc không biết nương nhẹ. Một tu sĩ kia vừa mất một số tiền chung của nhà Dòng khi rời phòng không quá mười phút, vì bị gọi đi công tác. Trong nhà dòng toàn người thánh thiện cả. Chẳng kiếm ra thủ phạm. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Vô số những người già có số vốn ít ỏi để nuôi dưỡng mình những năm tháng còn lại, đều bị phá sản như thế. Những tay vô lại chẳng biết xót thương ai. Các nạn nhân chỉ còn ‘kinh nghiệm’ sự kiện mà nhủ mình rằng : Một lần dại thì dái (sợ) đến già, hoặc một sự bất tín, vạn sự chẳng tin.

Tất cả những điều này đưa chúng ta đến suy niệm bài đọc 1, Isaia hôm nay.

Khi rơi vào tuyệt vọng cần giúp đỡ thì người ta phải chắc chắn rằng sự giúp đỡ đó là có thật và nhân hậu, chứ không giả vờ rồi lừa dối bóc lột. Dân tộc Israel cũng ở trong tình huống đó: Họ bị đế quốc Babylon hà hiếp, không lối thoát, bị đày đi làm tôi đòi ở thế kỷ thứ 6 TCN. Trăm cay ngàn đắng đè nặng trên vai. Họ kêu cầu Đức Chúa và Ngài ra tay giải thoát. Nhưng lấy gì làm bằng chứng? Isaia phải nhân danh Đức Chúa mà tuyên hứa: “Đây là lời Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Đấng đã cho xuất trận nào chiến mã, binh hùng tướng mạnh – tất cả đã nằm xuống mà không còn trỗi dậy.” Người phán như sau: “Ta sắp làm một việc mới, việc đó đã manh nha rồi, các người không nhận ra sao?” như thế Đấng giải thoát Israel phải đưa ra bằng chứng làm tin. Đấng phải tỏ ra uy tín của mình là đáng tin cậy và chân thật. Nếu dùng ngôn ngữ cờ bạc thì chúng ta nói Isaia đã đặt tất cả bảo chứng của Chúa lên bàn cân để dân tộc Israel xem xét và quyết định. Đấng là Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công vĩ đại cho tuyển dân khi họ ở trong kiếp nô lệ Ai cập. Ngài đã dẫn đưa họ ra khỏi nước đó, xẻ đôi lòng biển để họ đi qua khô chân, phá huỷ đạo binh Ai cập đuổi theo. Như vậy, Lời Chúa là đáng tin cậy, bảo chứng của Ngài là vững chắc. Tuy nhiên Thiên Chúa không phải là của quá khứ, của thời oai hùng đã qua, mà là Thiên Chúa của thời hiện tại, thời của tuyển dân đang chịu đi lưu đày ở đế quốc babylon. Isaia nói thay Thiên Chúa trong ngôi thứ nhất: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện thời xưa, chớ quan tâm về những việc đã qua. Này ta sắp làm một việc mới.” Việc xuất hành lần thứ nhất đã là vĩ đại, xuất hành lần thứ hai vĩ đại hơn. Sự việc đã bắt đầu: “Việc đó đã manh nha rồi, các ngươi không nhận ra sao?” lần xuất hành khỏi kiếp nô lệ Ai cập, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tuyển dân con đường trong sa mạc, với manna và nước uống thích hợp cho cuộc ra đi. Trong rừng rậm thú dữ không hề làm hại họ. Nước từ trong mạch đá chảy ra dồi dào cho họ uống thoả thuê.

Như vậy Isaia muốn nói với tuyển dân Dothái: quý vị hãy đánh giá bảo chứng của Thiên Chúa. Khi cha ông chúng ta ở Ai cập, khô héo vì lầm than. Thiên Chúa đã đến cứu giúp và dẫn đưa các ngài qua các nẻo đường trong sa mạc và làm nhiều dấu lạ điềm thiêng để họ có thể trở về quê cha đất tổ ở Canaan. Thì bây giờ xin đừng tuyệt vọng trong hoàn cảnh hiện tại. Thiên Chúa sẽ cứu vớt anh em lần nữa. Tội bất trung của anh em đã dìm sâu anh em vào nô lệ Babylon. Nhưng Thiên Chúa đã lãng quên hết những sự dữ đó. Cái chi đã qua thì cho qua luôn (letting bygones be bygones). Thiên Chúa sẽ tái tạo anh em thành dân tộc mới. Xưa kia anh em không phải là dân Ngài. Thì nay Ngài làm cho anh em thành một dân trung thành và thánh thiện. Khi lời hứa, tôi nói với anh em trở thành hiện thực, thì anh em phải nên dấu chỉ cho thiên hạ, một sự công bố cương quyết về lòng trắc ẩn, tha thứ và ưu ái cho muôn dân và con cháu mai sau: “Phải, Ta sẽ mở con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông, từ vùng đất khô cằn, loài dã thú, chó rừng, đà điểu, đều sẽ tôn vinh ta. Vì Ta cho chúng nước chảy từ giữa sa mạc… Ta đã gây dựng cho Ta dân này. Chúng sẽ lên tiếng ngượi khen ta.” Còn lời nào vững chắc hơn? Khi tuyển dân bất trung bị ném vào kiếp sống nô lệ, nay lại được phục hồi thì chẳng thể gán cho ai công lênh ấy, ngoài Thiên Chúa, Đấng cứu vớt họ và là nguồn mạch tự do của họ. Họ chẳng thể nghi ngờ lòng nhân ái và xót thương của Thiên Chúa. Chẳng thể không ngợi khen Ngài. Tiên tri Isaia tuyên sấm rõ ràng như vậy.

Chúng ta đang trong tiến trình đến gần ngày lễ vượt qua của Đức Kitô. Ngài sẽ cứu thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi bằng cái chết và phục sinh. Khi lãnh nhận Phép rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa ban khả năng làm cuộc hành trình với Ngài tiến về Thiên đàng. Chúng ta sẽ vượt qua kiếp nô lệ xác thịt để tới bến bờ tự do của con cái Chúa, thì chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa, qua Đức Kitô, bỏ lại tội lỗi chúng ta đằng sau, mà ban cho đời sống mới: “Các ngươi đừng nghĩ lại chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thời trước”. Những chi chúng ta không tự thân làm được thì Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trong Đức Kitô, giống hệt như lời hứa của Isaia cho tuyển dân: “Này ta sẽ làm một việc mới!” và bảo chứng của Ngài về lời hứa cũng vững chắc như vậy. Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi kiếp nô lệ ích kỷ, say sưa, đĩ điếm, vô cảm, tức giận, gian dối, giả hình… Còn chi yên ủi hơn? Chúng ta nên cộng tác với ơn Ngài, trở về cùng Thiên Chúa qua trung gian Đức Kitô, lời hứa đã biến thành xác thịt. Đức Kitô sẽ chỉ cho chúng ta hay Thiên Chúa không phải là của quá khứ, tương lai hay tiểu thuyết hư cấu, mà là của hiện tại, sắp làm một việc mới, không ngừng làm những việc mới nơi chúng ta, nơi cộng đoàn giáo xứ, nơi nhân loại trong suốt mùa chay này.

Người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, được dẫn đến cho Chúa Giêsu. Theo luật Môsê, chị ta sẽ bị ném đá chết. Án phạt đã rõ ràng. Nhưng các thần học gia Dothái và cấp lãnh đạo đền thờ còn muốn sử dụng cô ta làm miếng mồi để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ biết rõ anh thợ mộc làng Nazareth bỏ nghề đi lang thang vốn to tiếng hô hào lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa. Anh ta còn tuyên bố mình là hiện thân của những thứ đó do Thiên Chúa sai đến. Vậy nếu anh ta tha thứ cho dâm phụ, thì công lý của Thiên Chúa nơi anh ta thất bại. Nếu anh ta truyền ném đá thì lòng thương xót mà anh hằng rêu rao biến đi đâu? Dù Chúa Giêsu trả lời thế nào, thì cũng bị sập bẫy. Mưu mẹo quá hiểm độc.

Nhưng giải pháp của Chúa thật bất ngờ, không ai nghĩ tới, nó chính xác và nhanh nhẹn hơn những phát súng của các cao bồi Texas. Ngài cúi xuống viết trên cát bằng ngón tay cho nên chữ lớn lắm, mọi người đều đọc được cả: “Tại sao lại rắc rối vậy?” rồi ngẩng lên Ngài tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Và lại cúi xuống viết tiếp những tội thầm kín trong lòng người ta. Thấy thế, các thượng tế, luật sĩ, pharisêu dần dần rút lui. Như vậy, Người Con của Thiên Chúa tuần này đã cứu sống một phụ nữ hoang đàng, hoà điệu với người Cha đón nhận đứa con hư hỏng tuần trước. Hai cha con giống nhau y hệt: tìm kiếm và cứu vớt những tội nhân.

Người ta kể rằng các phim trường ở Mỹ ưa khai thác bạo lực. Một người hùng chính hiệu phải có phẩm chất: tự tin, độc lập, không biết sợ hãi. Dĩ nhiên anh ta phải dùng đến bạo lực. Nhưng trong một cuốn phim người yêu của kẻ hùng bị nạn, cần cứu thoát, tuy nhiên cô ta từ chối bạo lực. Làm thế nào anh ta hành động nổi? Đạo diễn cuốn phim đành chịu thua không đưa ra được giải pháp thoả đáng làm hài lòng mọi người.

Nhưng trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài cứu vớt người yêu mà không cần bạo lực. Ngài đứng đấy một mình với cô ta. Có thể là cô ta nghĩ mình thực sự là người tình giữa nhân loại, dám liều mạng sống vì người yêu. Nhưng sự gì đã xảy ra? Người đàn ông này là ai? Cô ta nhìn thẳng vào mặt Đức Chúa Trời, vào trái tim Ngài và ngộ ra thân phận tội lỗi của mình. Tuy nguy hiểm đã qua, nhưng còn tội lỗi thì sao? Cô ta hết sức ngạc nhiên khi nghe bên tai lời Chúa phán: “Tôi không lên án chị đâu. Cứ đi về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa!” Thì ra tấm lòng của Đức Chúa Trời là như vậy. Trái tim cô ta bay bổng trong vui mừng vì cảm nghiệm được Chúa thứ tha và ban hy vọng. Cô thực sự bước vào một thế giới mới của ơn cứu chuộc mà người đàn ông này vừa tuyên bố. Cô ra đi còn mang trong trái tim hình ảnh của người ân nhân, biểu tượng mới của thế giới tình yêu chân thật.

Mùa chay này là thời gian thuận tiện để chúng ta canh tân linh hồn trong Đức Kitô. Câu truyện người đàn bà ngoại tình thật tuyệt vời. Nhiều hay ít, tất cả chúng ta đều mang hình ảnh của cô gái hoang đàng trong nhân cách mình. Và Thiên Chúa cũng nói với mỗi người “Ta không lên án ngươi cứ đi về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”. Giống như người phụ nữ, chúng ta cũng cần nhìn vào mắt Chúa và nhận ra tình yêu thắm thiết của Ngài. Phản ứng của chúng ta cũng là ý thức về các nhơ nhớp của mình: Nhơ nhớp khi không chia sẻ với những người nghèo khổ, nhơ nhớp khi kết án vô cớ, nhơ nhớp khi gian lận giả hình, khi không thứ tha, khi cố ý bảo lưu sai lầm, khi cường điệu, ức hiếp kẻ khác và còn nhiều thứ nhơ nhớp khác nữa.

Chỉ có Đức Kitô mới rửa sạch chúng ta khỏi những nhơ nhớp ấy. Tự bản chất, chúng ta là những kẻ ưa ném đá người khác, như lời nhà văn Nga Dostoyevsky: “No beast could ever be as cruel as man” ( chẳng súc vật nào độc ác như con người). Nên chỉ có Đức Kitô mới khoan dung thương xót như câu truyện hôm nay. Ngài sẽ xây dựng con đường an toàn cho chúng ta trở về cùng Thiên Chúa qua sa mạc khô cằn của cõi lòng con người. Chúng ta chẳng mấy khi tha thứ cho tội nhân, ngược lại, nhất định thanh toán, tẩy sạch cho bằng được. Chúng ta dùng những hình phạt ghê gớm, những thủ đoạn quỷ quyệt, bắt người khác phải khuất phục. Trong khi chúng ta nương nhẹ các lầm lỗi của mình, coi như chuyện nhỏ không đáng để ý. Chúng ta chẳng mấy khi dùng một tiêu chuẩn duy nhất để đo lường lỗi lầm của kẻ khác và của mình. Luôn khắc khe với thiên hạ và dễ dãi với mình. Vậy gương sáng của Chúa hôm nay là một bài học quí giá. Ngài tha thứ và cứu vớt, khác hẳn với thái độ khắc nghiệt của các thần học gia Dothái và thế lực đền thờ. Ném bùn nhơ vào thiên hạ thì tay mình cũng nhuốm bẩn. Cho nên Chúa Giêsu tha bổng cho người thiếu phụ ngoại tình. Chúng ta phải học lấy gương sáng ấy mà đối xử với nhau cho thanh sạch. Một khi đã kinh nghiệm sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải làm chứng nhân cho lòng thương xót của Thượng Đế. Đừng dùng sự phẫn nộ chính đáng tôn giáo mà kết án thiên hạ. Nhưng hãy rao giảng sự khoan hồng, thứ tha của Đức Chúa Trời cho muôn dân. Được như vậy mùa chay này mới mang ý nghĩa và Phúc Âm hôm nay mới thực là bài học. Amen.

LM Jude Siciliano, OP.

ĐỔI MỚI

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY 

(Is 43, 16-21; Phil 3, 8-14; Ga 8, 1-11). 

Trong chương trình cứu độ, dân Do-thái trở thành dân tộc trung gian và máng chuyển ân lộc của Thiên Chúa. Một dân tộc được tôi luyện đã trải qua nhiều gian nan thử thách. Thiên Chúa luôn hiện diện đồng hành để khuyến khích và thức tỉnh: Người phán như sau: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước (Is 43, 18). Đây là một lời khuyến khích yêu thương đổi đời. Cho dù dân từ bỏ Chúa chạy theo các thần dân ngoại và quay lưng lại với tình yêu của Thiên Chúa, Chúa vẫn giữ mối tình trung kiên.

Thiên Chúa sẽ thực hiện những sự đổi mới và khơi nguồn những phúc lộc chan hòa. Hy vọng chính là nguồn sống. Hy vọng ngày mai tươi sáng hơn, thành công hơn và sinh hoa kết qủa nhiều hơn. Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội tốt để hoàn thành những ước mơ. Mong chờ Đấng Cứu Độ đến giải thoát khỏi vòng u mê tội lỗi và sự chết là mơ ước tuyệt đỉnh của dân người. Trong cuộc sống, chúng ta thường có những hy vọng nho nhỏ nối kết từng ngày giúp chúng ta sống vui. Sống là một cuộc lữ hành hoàn thành các ước mơ. Kết thúc dự tính này lại hy vọng ước tính khác. Đời chỉ đẹp khi còn dang dở.

Chính sự dở dang tạo nên uẩn khúc cuộc đời. 

Bài Phúc âm hôm nay kể truyện người phụ nữ không may bị người ta bắt gặp đang khi có những liên hệ tình dục bất chính. Một hành động trái đạo lý luân lý, không đúng lúc và không đúng nơi. Chị ta bị phát hiện khi sự kiện còn dang dở. Chị ta không thể chối cãi và chỉ biết cúi mặt xấu hổ. Một phút giây lầm lỡ đã hủy phá danh dự cả một đời. Chị biết lỗi mình. Đứng đó, không có nơi nương tựa để giấu mặt hay trốn lánh. Sự thể đã rồi, biết làm sao bây giờ. Chúng ta cũng biết chị ta đâu phạm tội gì đến danh dự của các luật sĩ, biệt phái hay ai khác. Họ tố cáo chị với Chúa GiêsuHọ hiểu biết Luật của Môisen, nhưng vẫn muốn thử sự xét đoán của Chúa Giêsu. Đá đã cầm sẵn trong tay và chỉ chờ lời phán quyết kết tội của Chúa là họ ném đá người phụ nữ cho chết. Họ giữ luật vị luật và thiếu lòng nhân ái. Chúa đã cứu chị ta với một câu hỏi tuyệt vời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”(Ga 8, 7). Ai là người vô tội. Bằng một lời, Chúa Giêsu dẫn mọi người trở về với lòng mình. 

Những người tố cáo chị vẫn còn chút lương tâm nhậy cảm. Họ nhận ra ý nghĩa lời chỉ dậy của Chúa Giêsu ngay. Tâm phục khẩu phục. Qua vài câu đối thoại với Chúa Giêsu, mọi người đã thức tỉnh và những cục đá thù ghét rơi xuống khỏi lòng bàn tay. Họ đã bỏ đi từ kẻ già đến người trẻ. Có lẽ tâm hồn của họ cũng cảm thấy vơi bớt nỗi hờn ghen. Cuối cùng, Chúa Giêsu đầy lòng thương xót đã lên tiếngMột lời nhắn nhủ rất nhẹ nhàng và thuyết phục. Về đi. Như vậy Chúa đã tha thứ rồi. Chúa có uy quyền trên cả Luật Môisen. Chúa đã cất nỗi tủi hổ và nhục nhã cho người phụ nữ phạm tội. Chúa đã cứu sống người phụ nữ cả thân xác lẫn linh hồn. 

Khi cầm đất hay đá ném người khác thì tay chúng ta đã dơ và lòng đã bẩn. Có biết bao lần chúng ta đã xét đoán và kết tội người khác, trong khi chúng ta chỉ nghe có một chiều và biết một phần rất nhỏ của câu truyện. Vấn đề này xảy ra thường ngày như cơm bữa. Chúng ta nghe truyện xấu và rồi thêm mắm thêm muối cho câu truyện thêm đậm đà ý vị. Truyện xấu giật gân lây lan nhanh chóng như một thứ vi khuẩn xâm nhập. Cục đá kết án đã nằm sẵn trong tay chỉ chờ cơ hội là ném. Ném mạnh, ném nhanh và ném cho chết, thế là hả dạ. Chúng ta chẳng muốn tìm hiểu nguyên nhân, lý do hay hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng thế nào. Chúng ta biết rằng ai cũng có nhiều tâm tư nỗi khổ cần được thông cảm và giãi bầy chia sẻ. Hãy học lời khuyên của Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh, ai trong anh chị em sạch tội, thì ném đá trước đi. 

Chúng ta không nên nghi ngờ và đổ lỗi vội vàng. Có khi sẽ bị bé cái lầm. Truyện kể: Có người mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa. Nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn cắp búa. Mọi cử động của nó, tỏ rõ là tên đạo tặc. Ông bị yên trí. Sau khi ông tìm thấy búa, thì từ đó lại thấy thằng bé hiền lành, không có vẻ chi là ăn cắp, ăn trộm nữa. Ở đời không nên vội nghi ngờ, kẻo gây chia rẽ hay làm mất thanh danh người khác. Càng nghi kỵ thì càng nhen nhúm sự dữ trong lòng. Sự đời dối trá dễ lôi kéo chúng ta vào cuộc. Giống như câu truyện của chị phụ nữ, có thể chúng ta không dám ném đá người khác trước đâu. Một mình tôi thì chẳng dám ném, nhưng có vài người vào hùa, tôi sẽ hùa theo. 

Thánh Phaolô đã có Chúa Kitô làm gia nghiệp. Ngài có thể hy sinh và từ bỏ tất cả vì danh Chúa. Mối lợi của ngài là chính Chúa Kitô. Đôi khi chỉ vì cái tôi kiêu ngạo và vì tự ái, nhiều người lấy danh nghĩa Chúa Kitô để kết án và loại trừ lẫn nhau. Lịch sử Giáo Hội đã minh chứng qua sự ly khai của các giáo phái và các nhóm trong lòng giáo hội. Niềm tin của chúng ta là chỉ có một Chúa, một phép rửa và niềm hy vọng. Dù sống đạo hay hành đạo cách nào, nếu chúng ta chưa kết hợp được với Chúa Kitô, chúng ta vẫn còn lang thang chưa có đích điểm.

Sau khi gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, Phaolô đã trở thành một con người hoàn toàn mới. Saulô thay đổi từ một người hăng say bắt bớ và giam tù các Kitô hữu, đã trở thành tông đồ Phaolô rao giảng tin mừng nhiệt tình cho Nước Chúa. Ngài đã cam chịu cực khổ trăm bề để làm cho danh Chúa Kitô cả sáng. Mùa Chay là cơ hội cho mỗi người chúng ta thay đổi cách sống. Học hỏi, lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Gắn bó kết hợp với Chúa qua các Bí tích và việc cử hành phụng vụ. Chúa Kitô là trung tâm của tất cả các sinh hoạt sống đạo.

Lạy Chúa, chúng con đang còn lữ hành dưới trần thế để hướng về quê thật. Xin cho chúng con biết chuẩn bị những hành trang cao quí xứng hợp với cõi thiêng. Niềm hy vọng chính là ánh sao soi đường dẫn chúng con đạt tới sự sống bên Chúa đời đời. Amen.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng.

Hồi tâm, đứng dậy, quyết trở về

(" Mừng vui lên … - Lætare) là chủ đề của Chúa nhật  IV Mùa Chay. Từ phụng vụ lễ ca cho đến màu sắc phụng vụ, tím chuyển sang hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo hội tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm Phục Sinh. Nghỉ để cảm tạ Chúa vì những gì ta đã làm, xin Chúa ban thêm nghị lực để bước tiếp những chặng cuối.

Lời ca nhập lễ : ("Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành !... Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa") (Tv 121,1). Niềm vui dâng trào thể hiện qua các dụ ngôn : "Con chiên lạc" (x. Lc 15, 4-7); "Đồng bạc đánh mất" (x. Lc 15, 8-10). Nhưng cụ thể hơn cả vẫn là dụ ngôn "Tình phụ tử " (x. Lc 15, 11-32). Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Vì đồng bạc vô tình bị đánh mất, con chiên lạc có thế cố gắng tìm thấy đàn của mình, và người ta cũng có thể tìm lại được chiên lạc, nhưng không một trường hợp nào hồi tâm trở về với chính mình. Nên người con thứ sau thời gian bỏ đi nay trở về được cha mở cỗ mừng vui, là hình ảnh người tội lỗi trở về, Chúa Cha mở khao tiệc ăn mừng. Chúng ta không thể vui mừng sao được, khi có Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, rất mực yêu thương chúng ta như thế.

Cả thiên đang vui mừng khi ta tội lỗi trở về với Chúa. Người cha mất con, ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn : "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18). Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và sự hoán cải của người con tìm thấy được tình yêu trìu mến của cha.

Chúng ta nhớ lại Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót do Cha Marko I. Rupknik S.I họa vẽ Chúa Giêsu đang vác con người lầm lạc trên vai, là một minh hoạ tuyệt vời về lòng thương xót Chúa.

Lòng Thương Xót đã trở nên người, mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Khi vác con người trên vai, Thiên Chúa và con người hướng về nhau, đến nỗi có chung một con mắt. Như thế, Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt con người, để cảm thông, yêu thương và hoán cải con người. Từ nay con người nhìn vũ trụ vạn vật bằng đôi mắt của Thiên Chúa, mà hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa là đem lại hạnh phúc cho con người.

Con người bỏ Chúa ra đi, lầm đường lạc lối, đi vào ngõ cụt, bị thương tích. Thiên Chúa vẫn yêu thương mang về. Logo diễn tả, Chúa tay chân vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến vết thương đau đớn của chính mình, vẫn vội vã, chân thấp chân cao đi tìm con người. Tìm được rồi, Chúa không lên án lỗi lầm, Chúa vác con người trên vai mang về mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên, yêu thương đến tha thứ những phản bội, yêu thương đến quên mình, dám chết vì người mình yêu. Tình thương của Chúa thật cao cả, không ai hiểu thấu, không lý luận nào có thể cắt nghĩa.

Chúa Giêsu đồng bàn với người tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tệ hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người.

Người cha là hình ảnh của Thiên Chúa Giầu Lòng Thương Xót, người con thứ là thân phận bi đát của con người tội lỗi, cần phải trở về với Chúa. Hình ảnh người con trở về cho chúng ta thấy bản chất xấu xa của tội lỗi, và thái độ cần phải có để ra khỏi tình trạng tội lỗi là sám hối, nhận mình là kẻ tội lỗi, quyết tâm trở về với Chúa như đứa con thứ đã làm.

Có người nghi ngờ về lòng thương xót ấy mới nói : Tôi tội lỗi lắm, vào xưng tội, sợ cha mắng, và cho dù cha có tha, thi không biết Chúa có tha cho tôi không ?

Xin thưa : Để lãnh ơn tha thứ, cần phải có tội, và cho dù tội có đỏ như son Chúa vẫn tha thứ, vì Chúa là Đấng tha thứ không biết mệt mỏi. Thứ tha là việc của Chúa, lỗi lầm là của con người chúng ta. Con người tha cho nhau còn nhớ lại. Thiên Chúa tha thứ là xóa sạch tội khiên. Nếu xưng tội xong lại phạm, hãy đến tòa giải tội để lĩnh ơn tha thứ. Con nếu sợ cha mắng, xin bật mí là các cha luôn giữ ấn tín tòa giải tội, nghe xong quên luôn là việc các cha phải làm.

Có người còn hỏi : Khi ta phạm tội, ta xin Chúa tha thứ, Ngài thứ tha, vậy cần gì phải đến xưng tội với cha cho mất thời gian và thêm phiền toái ?

Quả thật, sau khi phạm tội chúng ta thật lòng hối cải ăn năn cách trọn thì đã được Thiên Chúa tha thứ rồi, nhưng nếu ta không đến tòa giải tội ta không lĩnh nhận được cách trực tiếp ơn tha thứ ấy. Cũng như anh chàng con thứ bỏ nhà ra đi, cha anh ở nhà đã sắm cho anh nhẫn vàng, áo đẹp và giầy sang, những thứ đó là của anh, nhưng nếu anh không về thì anh chưa nhận được trực tiếp.

Mùa chay còn mời gọi chúng ta trở về với chính mình, trở về với tha nhân. Người con trưởng tuy ở hằng ở cùng cha, nhưng anh đã đánh mất chính mình, tự nhận mình là kẻ làm tôi "con đã làm tôi cha ", đánh mất em, em mình mà anh gọi là "thằng con của cha kia". Đạo của chúng ta không phải là đạo ghen tị, được thua mà là đạo của tình thương. Chúng ta buồn vì anh em thành công, được ưu đãi hơn mình, tìm cách hạ bệ, thậm trí đối xử với đồng loại, cả đồng đạo, tệ hơn nữa là coi cha mẹ, anh em ruột thịt mình như kẻ thù, không bằng người dưng nước lã. Nếu ai trong chúng ta đang ở trong tình trạng ấy thì sám hối trở về là cần thiết, để tìm lại mình là con với Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh là em với ta, chứ không phải người xa lạ.

Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh.

Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp đỡ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

GÂY KINH NGẠC

Thứ Bảy Tuần 4 Mùa Chay C

“Vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ!”.

“Tình yêu và sự thật như muối - Natri Clorua. Không có sự thật, tình yêu mơ hồ, đôi khi mù quáng; sự thật, tự nó, vẫn có thể gây khó chịu, đôi khi là độc hại. Chỉ nói mà không yêu thương, người ta sẽ xa lạ với Phúc Âm. Tuy nhiên, khi sự thật và tình yêu tích hợp, nó trở nên “muối của đất” và là yếu tố gây kinh ngạc cho thế giới!” - David H. Johnson.

Kính thưa Anh Chị em,

Với ý tưởng “muối của đất”, Tin Mừng hôm nay tiết lộ, sống trong sự thật là cách chuẩn bị tốt nhất, hấp dẫn nhất để truyền đạt nó! Chúa Giêsu là một kiểu mẫu, Ngài trở nên “muối của đất”, một yếu tố ‘gây kinh ngạc’ đến nỗi “Vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ!”.

Một số người tin Chúa Giêsu là tiên tri; số khác, tin Ngài là Đấng Kitô; số khác nữa, không tin. Phản ứng của các vệ binh được sai đến bắt Ngài thì hoang mang và họ trở về tay không; giới lãnh đạo thì khinh thị. Đang khi biệt phái Nicôđêmô thì rụt rè; trái tim ông bảo ông bênh vực Chúa Giêsu, nhưng cái đầu ông bảo ông đừng mạo hiểm!

Vậy thì điều gì nơi Chúa Giêsu khiến cho nhiều người đương thời bất đồng? Sở dĩ họ bất đồng, chỉ vì Ngài đã trở nên một yếu tố ‘gây kinh ngạc!’. Khi Ngài giảng dạy, “Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền!”; chỉ một lời của Ngài, quỷ xuất khỏi và “Mọi người kinh hãi, lời gì mà lạ lùng thế?”. Đúng! Lời Ngài có sức mạnh biến đổi! Thật khó giải thích, nhưng rõ ràng là khi Chúa Giêsu nói, lời Ngài truyền đạt một sức mạnh, kêu gọi một niềm tin với sự hiện diện quyền năng mà chỉ một mình Thiên Chúa có. Điều đó không thể chối cãi và là một sự thật khiến Ngài trở nên quá hấp dẫn!

Một điều thú vị là những con người ‘gây kinh ngạc’ thường kéo theo những phản ứng! Trước Chúa Giêsu, ai có đức tin giản dị và trung thực, họ sẽ tích cực đáp lại; đang khi những người tự cao tự đại thì lên án, giận dữ. Họ ghen tị; thậm chí, họ miệt thị những ai có ấn tượng tốt với Ngài. Giêrêmia cũng đã trải nghiệm những gì Chúa Giêsu trải nghiệm, “Con đâu biết chúng đang mưu tính hại con” - bài đọc một. Người đương thời chống lại ông - một yếu tố ‘gây kinh ngạc’ - nhưng trong sự thật, ông vẫn nói và phó mình cho Chúa, “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ!”. Không chỉ những lời của Chúa Giêsu gây chia rẽ, mà là chính con người của Ngài. Tại sao? Bởi lẽ, trước Chúa Giêsu, ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’; một là họ chọn theo Ngài, hai là giết chết Ngài! Với chúng ta, cuộc thương khó của Ngài phải là yếu tố ‘gây kinh ngạc’ lớn nhất, cách riêng, trong những ngày Hội Thánh bước vào Tuần Thương Khó! Chúng ta không thể thờ ơ trước tình yêu hy tế của Ngài khi Ngài “như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” vì tội lỗi nhân loại; trong đó, có tội lỗi của bạn và tôi! Hy tế của Ngài là sự “tích hợp” của lời nói và tình yêu trọn vẹn nhất của Thiên Chúa. Từ đó, Ngài trở nên “muối của đất”, “muối của thế giới!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một ‘yếu tố gây kinh hoàng’ cho bất cứ ai. Cho con là ‘muối của đất’, ‘muối của thế giới’ và con cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Người cha nhân hậu

Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.

Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các Kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.

Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.

MÀN 1: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT.

Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.

Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài, ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng. Không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa. Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!

Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con. Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng. Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân. Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về.

Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ. Nó không hề nghĩ đến tình thương. Nó chỉ nghĩ đến cái bụng. Về nhà để được ăn no. Chỉ có thế.

Người cha hoàn toàn quên mình vì con.

Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.

Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.

Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.

“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.

“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.

“Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.

Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho! Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.

MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ

Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn. Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu. Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”. Nó muốn vun quén riêng tư. Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ”, đến “bạn bè” riêng của nó.

Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu. Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án. Thật là khác biệt ngàn trùng.

Cha đi tìm con. Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.

Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em. Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!

Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.

Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về. Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.

Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Xét mình, bạn thấy mình giống ai trong hai người con trong bài Tin Mừng?
  2. Bạn có thấy tình yêu thương của người cha không?
  3. Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” này?
  4. Bạn có cần sám hối để trở về với Chúa là Cha không?

TGM. Ngô Quang Kiệt

Subcategories