3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Con Người Hơn Loài Vật

Thứ Bảy Tuần Thánh C

Người ta kể rằng: Có một nhà vua kia cảm thấy rất buồn. Nhà Vua mới nghe tin có một thiền sư rất thông thái và có tình hài hước có thể làm nhà vua nguôi cơn buồn. Nhà Vua mới mời thiên sư vào trong hoàng cung. Và nói: Trẫm nghe nói ngươi có thể làm cho ta vui. Vậy hôm nay ta đang buồn, ngươi có thể làm gì đó cho ta vui được không. Thiền sư mới nói: Xin bệ hạ nói một câu nào trước rồi hạ thần mới nói được. Nhà vua bèn nói: Ta nhìn ngươi giống y con heo. Vị Thiền sư liền đáp: Thần nhìn bệ hạ giống y như Phật. Nhà Vua thắc mắc tại sao ta nói ngươi là heo mà ngươi lại cho ta là Phật. Thiền sư đáp: Vì nếu trong tim của mình chứa Phật thì mình sẽ nhìn thấy tha nhân là Phật, còn nếu chứa heo thì sẽ nhìn thấy tha nhân là heo.

Khi con người chỉ mang tâm địa loài vật, ắt hẳn nó cũng cư xử theo bản năng như bao loài vật. Khi con người mang tâm địa loài vật chắc chắn nó cũng nhìn đồng loại với cái nhìn hẹp hòi, thiển cận. Loài người có lý trí để suy nghĩ điều hay lẽ phải, có ý chí để tự chủ bản năng trước cám dỗ, có tự do để chọn lựa, đây là nét đẹp cao quý của con người mà các loài khác không có. Đây là những khả năng làm nên sự cao quý nơi phẩm giá của con người hơn muôn loài muôn vật.

Ky-tô giáo cũng nhắc chúng ta: loài người là hình ảnh Thiên Chúa. Con người là họa ảnh của Thiên Chúa. Con người ngoài sự sống thể xác như loài vật còn có sự sống siêu nhiên là linh hồn trường sinh, bất tử. Con người sinh ra trong cuộc đời này chỉ là bến tạm để chuẩn bị một cuộc sống hoàn hảo và viên mãn hơn. Đó là thiên đàng, là cõi phúc, là nước trời hằng sống. Con người phải biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình là sống yêu thương, là ăn ngay ở lành theo lề luật mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm khảm con người.

Thế nhưng, nhìn vào cuộc sống hôm nay, xem ra rất nhiều người đã không sống đúng với phẩm giá cao quý của mình. Họ phạm tội. Họ sống mất lương tri. Họ tranh giành và giết hại lẫn nhau thật dễ dàng và thảm khốc. Nếu theo dõi báo chí thì hàng ngày biết bao tin chẳng lành xảy ra, khiến con người ngày càng lo sợ, bất an. Nguyên những ngày đầu năm người ta đã cảm thấy sững sờ trước những tin giật gân như: Chồng dùng búa đập vợ chết vì bị “ép” sống chung với vợ bé, nữ sinh bị hiếp, bị giết sau va chạm giao thông … là những thảm án đau lòng xảy ra trong dịp nghỉ Tết nguyen đán Qúy Tỵ 2013.

Đây chính là một dấu chứng của một xã hội đang đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa đã làm cho xã hội loạn lạc, bạo lực. Một xã hội không Thiên Chúa chính là hỏa ngục tại thế mà con người hiện nguyên hình là quỷ dữ cắn xé đồng loại của mình. Khi con người không nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân, thì họ chỉ nhìn đồng loại mình như những con vật để rồi dễ dàng ra tay sát hại lẫn nhau.

Thế nên, trước những tục hóa và bạo lực ngày một gia tăng do con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, và hiểu lệch lạc về phẩm giá của mình. Thiết nghĩ, người ky-tô hữu chúng ta cần đào sâu đức tin để sống đức tin và làm chứng cho tin mừng trong một thế giới đang vắng bóng Thiên Chúa hôm nay.

Hôm nay lễ Chúa Phục sinh là lời nhắc nhở chúng ta có sự sống đời sau. Có một sự sống thần linh vượt lên sự sống vật chất tạm bợ trần gian. Cuộc sống đó hoàn hảo hơn sự sống trần gian này. Chúa Giê-su đã đi qua kiếp người này bằng cái chết thập tự giá. Người ta tưởng rằng thế là hết. Công sức, sự nghiệp của Ngài cũng tiêu tan. Thế nhưng, Chúa đã sống lại. Chúa nói, Chúa về cùng Cha. Chúa nói, Chúa được chia sẻ vương quyền với Cha sau cuộc đời làm đẹp lòng Chúa Cha. Nhìn vào sự kiện Chúa Phục sinh cũng giúp chúng ta biết sống có trách nhiệm hơn với cuộc sống hôm nay. Đời sau là hệ quả của kiếp sống này. Đời sau con người được ân thưởng hay bị phạt trầm luân cũng tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay.

Thiên Chúa ban cho con người có lý trí để biết làm điều lành tránh điều dữ. Ngài cũng cho con người có ý chí để vượt thắng cám dỗ và có tự do để chọn lựa. Hạnh phúc đời sau tùy thuộc vào những chọn lựa cách sống hôm nay. Vâng nghe lời Chúa hay bất tuân? Sống theo đạo lý hay vô đạo lý? Tất cả sẽ nhận lại ở đời sau khi mà Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho con người. Hạnh phúc hay bất hạnh đời đời? Tất cả tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại hôm nay.

Xin cho chúng ta dám sống điều mình tin thể hiện qua việc tuân theo Lời Chúa, biết sống theo giáo huấn của Chúa, biết thực thi công bình và bác ái. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết tin tưởng vào Chúa phục sinh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này trong niềm trung kiên theo Chúa. Amen

 

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN

Thứ Sáu Tuần Thánh C

“Chính tôi đây!”.

“Không ai luôn nói về Chúa cho bằng những người nói rằng, không có Ngài. Cũng không ai biết Chúa Giêsu là Chúa mà lại đóng đinh Ngài. Vậy mà mỗi lần phạm tội trọng, họ đóng đinh Ngài, đóng đinh một vị Thần!” - Heywood Broun.

Kính thưa Anh Chị em,

Ghi lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chỉ Gioan có được khẳng định này: “Chính tôi đây!”. Khẳng định đó đưa chúng ta về một sự thật vô cùng quan trọng. Rằng, Ngài là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa! Vì thế, đóng đinh Giêsu, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.

“Chính tôi đây!”, “Tôi Là!” hay “Tôi Hằng Hữu!” - những danh xưng chỉ dành cho Thiên Chúa. Chính Ngài đã sử dụng tước hiệu này để tự mặc khải cho Môsê; Kitô giáo sử dụng nó để chỉ Đấng tạo dựng muôn loài. Lạ lùng thay, “Chính tôi đây!” cũng là lời Chúa Giêsu công khai tuyên bố trước quân dữ. Chẳng vô tình chút nào, Ngài công khai thần tính siêu việt! Vì lý do đó, Gioan viết, “Nghe thế, họ lùi lại và ngã xuống đất!”. Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa, bạn đừng quên; Ngài là một Thiên Chúa bị đóng đinh để cứu độ thế giới, một thế giới ‘đóng đinh một vị Thần!’.

Cũng trong bối cảnh này - thật thú vị - Phêrô tuyên bố một lời hoàn toàn ngược lại, rất phàm nhân: “Không phải tôi!”. Đó là lời nói dối của ông trước một tớ gái, không phải trước một nữ hoàng! “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình trước ân sủng và lòng thương xót Chúa. Về điểm này, bạn và tôi nên đồng ý với Phêrô!

Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc Phêrô chối Thầy; và dẫu cái chết của Chúa Giêsu vẫn xảy ra nếu không có sự chối Thầy của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến ông. Ngài đã chết thay cho Phêrô, cho mọi người; nhờ đó, cứu chuộc cả nhân loại. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi quay trở lại và tin, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”. Tác phẩm “Thập Giá Chiến Thắng” của Janice Alexander đã diễn tả sự vui mừng của Chúa Kitô với đôi mắt mở to, mặt hớn hở, dang rộng đôi tay trên thập giá như một vị Vua đang ôm chầm thế giới!

Anh Chị em,

“Chính tôi đây!”. Thứ Sáu Tuần Thánh là thời điểm đỉnh cao của tình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu - Đấng đã phó mình cho Chúa Cha trên thập giá để ban ơn cứu độ cho toàn thế giới - diễn tả tình yêu trao ban đến cùng, một tình yêu không có hồi kết. Một tình yêu tìm cách ôm trọn mọi người, không loại trừ một ai. Một tình yêu trải dài qua thời gian và không gian: nguồn ơn cứu độ vô tận mà mỗi người chúng ta - những tội nhân - có thể rút ra. Hãy để mình được bao bọc trong lòng thương xót này, lòng thương xót đến gặp gỡ chúng ta; và trong những ngày này, khi hướng mắt về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy đón nhận trong lòng mình tình yêu vô biên của Ngài. Và như Đức Mẹ, trong thinh lặng, chúng ta chờ đợi Sự Phục Sinh!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, con đóng đinh Chúa. Giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai như Phêrô, đó là khả năng thống hối và quay trở lại!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Càng đi sâu vào mùa Chay, ta càng đi sâu vào tình yêu của Thiên Chúa. Tuần trước ta đã được tắm gội trong tình yêu tràn trề của người cha nhân hậu. Tuần này ta lại được hưởng nếm lòng khoan dung nhân hậu của Chúa Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một phiên toà. Bị cáo là người phụ nữ. Nguyên cáo là các Kinh sư và những người Pharisêu. Tội phạm là tội ngoại tình. Bản án là tử hình bằng cách ném đá. Thực ra họ không cần đến Chúa Giêsu làm quan toà. Họ có thể căn cứ vào luật Môsê để thi hành án. Họ đến hỏi ý kiến Chúa Giêsu không phải với thiện ý nhưng nhằm gài bẫy Người. Tha cho người phụ nữ là Người chống lại luật Môsê. Kết án người phụ nữ là Người mâu thuẫn với chính mình vì Người vẫn giảng dậy về lòng nhân từ thương xót. Cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án của người phụ nữ chính là bản án dành cho Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu im lặng, cúi xuống viết trên đất. Người im lặng vì không đồng tình với thái độ của họ. Người im lặng để mọi người có thời gian lắng đọng tâm hồn. Người không trả lời vì câu hỏi họ đặt chưa đúng chỗ. Người không trả lời câu hỏi của họ để đưa ra cho họ một câu hỏi khác cơ bản hơn.

Người cúi xuống để người phụ nữ khỏi xấu hổ. Người cúi xuống để những Kinh sư và những người Pharisêu biết nhìn vào tâm hồn mình. Người cúi xuống buồn phiền vì sự độc ác của con người.

Vì họ cứ hỏi mãi nên Người đành ngẩng lên. Họ chờ đợi Người lên tiếng thì Người lên tiếng. Nhưng lời Người khiến họ chới với. “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Họ mời Chúa Giêsu làm quan toà xét xử người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại trở thành quan toà xét xử họ. Họ đợi chờ Chúa Giêsu kết án người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại ném một hòn đá vào lương tâm họ.

Có điều, họ muốn Chúa Giêsu làm quan toà giết chết, nhưng Chúa Giêsu lại là quan toà cứu sống. Hòn đá họ mang đến với mục đích ném chết người phụ nữ. Hòn đá Chúa Giêsu ném vào lương tâm giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình tội lỗi, nên họ đã lần lượt rút lui không dám kết án người phụ nữ nữa.

Xét xử các Kinh sư và những người Pharisêu rồi, Chúa Giêsu mới xét xử người phụ nữ. Với ánh mắt dịu dàng, lời lẽ hiền từ, Người đã đưa ra lời phán xét: “Tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Thật là một lời phán xét lạ lùng. Lời phán xét của Chúa không tàn nhẫn độc đoán nhưng dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Chúa không soi mói xét nét nhưng đại lượng bao dung. Lời phán xét của Chúa không cay đắng trách móc nhưng ân cần vỗ về. Lời phán xét của Chúa không sỉ nhục con người tội lỗi nhưng phục hồi nhân phẩm cho ta. Lời phán xét của Chúa không giam cầm tội nhân trong quá khứ, nhưng mở ra cho ta một tương lai. Chúa đã dứt bỏ và quên hết quá khứ lầm lỗi của ta. Chúa không nghi ngờ ta vốn hay phản bội. Chúa hoàn toàn tin tưởng khi trao tương lai vào tay người phụ nữ: “Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô điều kiện. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng con đáng quý trọng không phải ở quá khứ nhưng ở tương lai, không phải ở cái họ đã là nhưng ở cái họ sẽ là. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi yên tâm đóng lại quá khứ để bắt đầu một tương lai mới, bước đi trong tình yêu thương và niềm tin tưởng của Thiên Chúa. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng lòng thương xót của Chúa là vô biên. Người không lên án người phụ nữ phạm tội, cũng không lên án những người tố cáo chị.

Lạy Chúa, con cảm tạ lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Lên án và tha thứ, bạn làm điều nào nhiều hơn?
  2. Mỗi khi xét người, bạn có xét mình trước không?
  3. Bạn có cảm nhận được lòng thương xót của Chúa trong đời sống của bạn không?
  4. Khi đã tha thứ cho ai, bạn có hoàn toàn tin tưởng vào thiện chí của người đó không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

CÔNG LÝ HAY LÒNG THƯƠNG XÓT

Theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, “Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình” (Ga 8:3). Họ làm như thế là “nhằm thử Ngài, để có bằng cớ tố cáo Ngài” (Ga 8: 6).

  1. Bối cảnh câu chuyện

Đây là cái bẫy ‘tiến thoái lưỡng nan” mà nhóm kinh sư và Pharisêu giăng ra một cách tinh quái nhằm buộc tội và triệt hạ Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu bảo không được ném đá người phụ nữ, Ngài sẽ bị buộc tội là vi phạm Luật Môsê: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14 ) và như thế Ngài sẽ mất uy thế trước mặt dân chúng, bị dân Israel coi là nghịch đạo. Còn nếu Chúa Giêsu đồng ý việc ném đá, Ngài làm ngược với những gì Ngài giảng dạy. Vì Ngài đã từng tuyên bố: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngai, mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,15). Như thế, Ngài không đáng tin vì ngôn hành bất nhất. Những kẻ đem người phụ nữ ngoại tình đến cho Chúa Giêsu là những kẻ có quyền thế: các Kinh sư tinh thông Lề luật, và các Pharisêu nổi tiếng là những người tuân giữ Lề luật cách tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày. Thực ra, họ không tốt lành gì, ít là trong việc này. Nếu họ thực sự quan tâm đến việc thực thi công lý thì hẳn họ đã đem người phụ nữ này đến những kỳ mục địa phương, chứ không đem đến Chúa Giêsu, vì Ngài không phải là thẩm quyền chính thức giải quyết các vấn đề về Luật Môsê. Hơn nữa, họ đã tự ý thao túng Lề luật theo ý đồ riêng của họ, bởi vì trong trường hợp ngoại tình, Luật Môsê qui định cả người đàn ông và người phụ nữ phải chết: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10), và “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà” (Đnl 22,22). Vậy mà, họ chỉ đem người phụ nữ đến, không nói gì tới người đàn ông kia. Họ hẳn biết người đàn ông đó là ai chứ? Có gì mờ ám ở đây không? “Bị bắt gặp đang ngoại tình” mà sao không bắt luôn người đàn ông?

  1. Người phụ nữ ngoại tình là ai?

Tác giả sách Tin Mừng Gioan mô tả rõ ràng “Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8: 3-5).

Tuy nhiên, theo trình thuật này của Gioan, người ta không biết gì về người phụ nữ này. Bà ấy quê ở đâu? Bà ấy tên là gì? Bà ấy không van xin Chúa Giêsu bất cứ điều gì. Người ta có thể khẳng định rằng lúc này bà là một người bất hạnh. Nhưng cuộc sống trước đó của bà như thế nào? Không lẽ bà ấy không biết đến rủi ro to lớn mà bà sẽ phải chịu khi gần gũi một người đàn ông không phải là chồng mình? Bà ấy hẳn phải biết rõ cái giá phải trả nếu bị phát hiện. Nhưng bà ấy vẫn chấp nhận rủi ro này. Để làm gì? Dường như không ai quan tâm đến hoàn cảnh sống riêng của bà. Nếu có ai đó để ý đến bà thì chỉ là mấy ông kinh sư và Pharisêu; họ hẳn đã bàn tán lên kế hoạch theo dõi, rình mò nhiều ngày đêm hòng bắt quả tang bà. Lúc này, gia đình bà đâu rồi, cả người chồng của bà nữa? Vì nếu chồng của bà thực sự yêu bà, bà đã không cần phải đi tìm kiếm tình yêu nơi người đàn ông khác. Người đàn ông đã quyến rũ bà giờ ở đâu? Anh ta không chung tình, không đủ dũng cảm, nên đã bỏ trốn và bỏ rơi bà. Hẳn bà tuyệt vọng khi đối mặt với phán quyết không thể tránh khỏi của Luật Môsê, biết rằng mình không có cơ hội thoát khỏi việc bị ném đá. Sẽ không có ai dám bảo vệ bà. Tất cả dường như chống lại bà. Bà thấy mình đang ở ngõ cụt, không có lối thoát. Chỉ trong vài phút nữa thôi, những viên đá sẽ chấm dứt cuộc sống của bà, một cuộc sống không có tình yêu đích thực.

Người phụ nữ ngoại tình vô danh tính đó là ai? Câu hỏi này có thể dẫn đến một câu hỏi khác: người ngoại tình có thể là ai khác nữa không, kể cả tôi, người đang đọc bài Tin Mừng này? Trong Cựu Ước, lòng chung thủy trong hôn nhân bắt nguồn từ Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, một mối tương giao trung tín mãi mãi. Do đó, lệnh cấm ngoại tình được nêu rõ trong Mười Điều Răn: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14). Lệnh này nhấn mạnh đến sự thánh thiện của hôn nhân và tầm quan trọng của lòng chung thủy hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã tái khẳng định lệnh này, mở rộng ý nghĩa ngoại tình không chỉ là hành vi thể xác mà còn cả những suy nghĩ dâm ô dẫn đến hành động: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28). Điều này chỉ ra rằng, theo quan điểm của Kitô giáo, ngoại tình bắt đầu từ trong cõi lòng và tâm trí, không chỉ là một lỗi phạm về thể xác mà còn là một lỗi phạm về đạo đức và tâm linh. Một trong những hậu quả tâm linh của việc ngoại tình là xa rời Thiên Chúa. Tự bản chất, tội lỗi đã tách con người ra khỏi Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện. Khi một người phạm tội ngoại tình, họ chủ động chống lại lề luật của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài dành cho các mối tương quan giữa con người. Sự bất tuân này tạo ra một rào cản tâm linh trong mối tương quan giữa mỗi người và Thiên Chúa. Bài thánh vịnh ăn năn của Đavít sau khi ông phạm tội với Bétsabê đã cho thấy rõ sự xa rời này và nỗi khao khát được Thiên Chúa phục hồi: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv 51:10-11). Như thế, ngoại tình là từ bỏ Thiên Chúa, đi thờ ngẫu tượng, bất trung không chỉ với chồng/vợ của mình mà trước hết là bất trung với Thiên Chúa.

Đối với chúng ta ngày nay, bất trung với Thiên Chúa không nhất thiết phải là ngoại tình thể xác hay tư tưởng, hoặc thờ ngẫu tượng gỗ đá, nhưng là dành thời gian và sức lực của mình cho những thứ khiến người ta từ bỏ Thiên Chúa. Những ngẫu tượng đó chiếm vị trí số một trong cuộc sống của chúng ta và cuối cùng thống trị chúng ta. Những ngẫu tượng đó có thể là tiền bạc, giầu sang, danh tiếng, khao khát người khác biết về mình, khao khát cảm giác mới lạ, thú vui, thèm muốn một người cụ thể nào đó, v.v. Mỗi người chúng ta đều bận tâm đến một điều gì đó trong trần thế này mà chúng ta không muốn bỏ qua, dù điều đó buộc chúng ta phải để lại mọi thứ khác phía sau, kể cả Thiên Chúa.

Ngẫu tượng của chúng ta là gì? Điều gì khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa? Điều gì thu hút chúng ta đến mức chúng ta mạo hiểm sức khỏe, mạng sống và nhất là không cần lắng nghe Lời Thiên Chúa trong tiếng lương tâm cảnh báo?

  1. “Ai trong các ông sạch tội?

Đã hơn một lần các kinh sư và người Pharisêu muốn thử thách Chúa Giêsu để gài bẫy buộc tội Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy, chúng tôi có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Lc 20: 21-22). Nhưng điều khác biệt và xảo quyệt ở đây là họ sử dụng con người, một người phụ nữ cô thân cô thế, như một kế sách, không chỉ trước mắt là đẩy bà vào cái chết, mà còn đẩy chính Chúa Giêsu vào chung một số phận, loại trừ kẻ mà họ coi là nguy hiểm cho uy thế và quyền lực của họ.

Ở đây, Chúa Giêsu giữ im lặng, giống như trước mặt Philatô sau này (Ga 19: 9). Ngài không chấp nhận việc sử dụng con người cho mưu kế gian trá này, cũng như kiểu ăn nói gây hấn và qui kết tội lỗi. Ngài phát biểu bằng cách dùng ngón tay viết trên mặt đất: ngôn ngữ Ngài viết trong trường hợp này không phải là ngôn ngữ của các kinh sư và người Pharisêu. Ở đây, việc Chúa Giêsu dùng ngón tay để viết xuất hiện lần đầu trong sách Tin mừng theo thánh Gioan. Cử chỉ này nhắc tới “Hai tấm bia đá do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18) và câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11: 20). Chúa Giêsu, với “ngón tay của Thiên Chúa,” đã viết lên một điều luật mới, thiết lập Triều Đại Thiên Chúa, nơi nguồn gốc mọi tội lỗi là quỷ dữ bị trừ khử, và con người tội lỗi được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. Chúa Giêsu sắp thực thi luật mới này cho người phụ nữ ngoại tình đang câm lặng và cam chịu giữa vòng vây của những người vin vào lề luật nhưng không biết tinh thần tối thượng của lề luật: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”  (Ga 15: 17). Sự im lặng của Chúa Giêsu như muốn nói với mọi người hãy bỏ đi những qui kết ầm ĩ bên ngoài để có thể im lặng bước vào bên trong đáy sâu tăm tối lòng mình và nhận ra rằng không ai không là người ngoại tình, không là tội nhân đáng chết.

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8: 7). Lời của Chúa Giêsu “Ai trong các ông sạch tội,…” khiến các kinh sư và người Pharisêu phải có một lối nhìn nhận khác. Thay vì chỉ kêu gọi người ta đứng ra làm chứng về tội ngoại tình của người phụ nữ, Chúa Giêsu kêu gọi bất cứ ai vô tội hãy bắt đầu thi hành án. Như thế, Ngài chỉ ra tình trạng tội lỗi những người buộc tội người phụ nữ và vạch trần sự giả hình của họ: cứ vin vào luật lệ, quy tắc, nhất là chuẩn mực của riêng mình, để bắt lỗi người khác, mà không biết tự xem xét lại lòng dạ, lương tâm và đời sống riêng tư của mình.

Khi không biết xét lại bản thân mình cách trung thực thì người ta rất dễ thấy người khác là kẻ tội lỗi mà quên mất rằng bản thân mình cũng tội lỗi không kém. Chúa Giêsu soi sáng cõi lòng của mỗi người chúng ta và vạch trần những tội lỗi ẩn kín nơi đó. Chúa Giêsu thúc giục mỗi người chúng ta, vốn hay phán xét và kết tội những người khác với thái độ tự cho mình là đúng, hãy xem xét lại cuộc sống của chính mình. Chúng ta hãy bỏ những viên đá xuống và trở về nhà mình, vì biết rằng chính mình cũng đáng bị ném đá như vậy.

Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian để cứu chúng ta khỏi sự lên án mà chúng ta đáng phải chịu: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Sự thật này được diễn tả một cách hoàn hảo trong cung cách Chúa Giêsu thấu hiểu, xót thương và mở ra con đường sự sống mới cho người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.

Chúng ta cần nhớ rằng không ai trong chúng ta có quyền ném đá người khác vì chính chúng ta đã được Chúa Giêsu tha thứ và mong mỏi chúng ta được sống kết hợp với Ngài nhiều như thế nào. Như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ nhất, Chúa Giêsu muốn chúng ta “được kết hợp với Ngài… cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết… chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Chúa Kitô Giêsu” (Philípphê 3:8-14).

Phêrô Phạm Văn Trung

 

Trở về với nội tâm

Trở về với nội tâm để thấy được tội lỗi của mình là điều kiện tiên quyết để cải thiện bản thân.

Con người có đôi mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi hướng vào nội giới, vào nội tâm mình. Chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người chung quanh nhưng khuôn mặt duy nhất trên đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy trực diện, đó là khuôn mặt của chính mình! Một nốt ruồi nhỏ trên khôn mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không nhìn thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác, ta thấy tỏ tường; còn những lầm lỗi tệ hại của mình thì lại không hay biết. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán người khác mà chẳng mấy khi phê phán bản thân.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của họ. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của bản thân. Chính vì thế, Chúa Giê-su muốn dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách mình trước rồi trách người khác sau. Cổ nhân cũng thường dạy như thế: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân.”

Bấy giờ, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giê-su. Họ hối thúc Chúa Giê-su đưa ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Về phần mình, Chúa Giê-su muốn dẫn dắt những người tưởng mình vô tội trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi mình mà hoán cải trước đã.

Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giê-su im lặng. Người thinh lặng và tạo nên bầu khí tĩnh lặng để tạo cơ hội cho mọi người tự vấn lương tâm. Người muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết trên đất.

Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giê-su lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”.

Rồi Người lại ngồi xuống thinh lặng, tiếp tục viết, viết trên đất để tạo bầu khí yên tĩnh cho mọi người hồi tâm.

Sau một hồi nhìn lại nội tâm mình trong yên lặng, những con người hăm hở kết tội người phụ nữ giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi của họ, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là những viên đá trên tay họ lụp cụp rơi xuống. Ai nấy xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giê-su và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm lên án người khác, có khi còn ít tội hơn mình!

Trở về với nội tâm để thấy được tội lỗi của mình là điều kiện tiên quyết để cải thiện bản thân.

Nếu tôi biết được mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.

Nếu tôi biết khuôn mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc; bao lâu chưa thấy những vết dơ trên mặt, thì không hi vọng có khuôn mặt sạch sẽ hơn.

Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình.

Lạy Chúa Giê-su, trở về với nội tâm để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó thực hiện và cũng chẳng được bao người quan tâm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con thực hiện công việc hệ trọng nầy.

Xin cho Lời Chúa trở nên tấm gương soi tâm hồn, giúp chúng con nhận ra những nết xấu làm vấy bẩn lòng trí, làm suy thoái nhân cách và giúp chúng con cải thiện kịp thời để trở nên người có phẩm chất cao đẹp đáng được Chúa và mọi người mến yêu.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Subcategories