ĐẤNG PHỤC SINH ĐẦY SỰ QUAN TÂM CHU ĐÁO
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Hôm nay chúng ta được Tin Mừng kể về Chúa Giêsu phục sinh hiện ra lần thứ ba với các môn đệ, trên bờ Biển Hồ Tibêria, với mẻ cá kỳ diệu (Ga 21:1-19). Sau những ngày khổ nạn và cái chết khủng khiếp của Chúa Giêsu, các tông đồ trở lại công việc thường ngày của họ: đi đánh cá. Chắc chắn họ thấy những chuyện đã xảy ra thật là khó hiểu. Có lẽ họ vẫn còn hoang mang, và sống trong một nỗi buồn như một đêm tối bao phủ. Thêm nữa, việc đánh cá tối nay chẳng mang lại kết quả gì. Mọi thứ dường như đã kết thúc, nhưng ngay lúc đó Chúa Giêsu lại đến tìm kiếm các môn đệ của Ngài. Chính Ngài là người đi tìm gặp họ.
- Thiên Chúa đến với chúng ta
Tin Mừng hôm nay bắt đầu vào ban đêm. Đây là thời điểm thích hợp để bắt cá. Đối với Thánh Gioan, ban đêm không chỉ hiểu theo nghĩa đen, mà còn ám chỉ đêm tối bên trong tâm hồn, sự vắng mặt của Thiên Chúa, sự cô đơn và khốn cùng, sự cám dỗ: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13: 30). Cõi lòng các tông đồ bị sự tối tăm bao phủ, đó là trạng thái tâm hồn của các ông: “Nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21: 3). Họ vẫn còn sợ hãi, mặc dù họ đã rời khỏi căn phòng có “các cửa đều đóng kín” nơi họ đã thấy Chúa Kitô Phục sinh “đến đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em!” (Ga 20: 19. 26). Họ trở về Galilê, nơi họ gặp Chúa Kitô lần đầu tiên, nơi họ đã từ bỏ mọi thứ để theo Ngài. Việc không bắt được gì trong chuyến đánh cá này càng khiến họ cảm thấy mình bất lực, không thể có được những gì họ mong muốn. Hẳn họ vẫn còn nhớ mẻ cá lạ lùng mà họ có được trong những ngày đầu họ đi theo Rabbi Giêsu, và có lẽ họ đang âm thầm mong sự xuất hiện của Đấng có thể đem lại cho họ thứ mà họ không thể đem lại cho chính mình. Đêm tối đang dần chuyển sang bình minh, và “Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển” (Ga 21: 4).
Sáng nay, chính Chúa Kitô đã xua tan bóng tối của chúng ta: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5). Chúa Giêsu có mặt “nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu” (Ga 21: 4) đúng như thánh sử Gioan đã khẳng định ngay từ đầu sách Tin Mừng của Ngài: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài” (Ga 1: 9-10). Ngài cất tiếng gọi họ: “Này các chú” (Ga 21: 5). Xin cho chúng ta có thể nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh và nghe được tiếng Ngài gọi trong đời sống mỗi ngày của chúng ta.
- Nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh.
“Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: Chúa đó!” (Ga 21: 7). Trước đây, thánh Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20: 8). Nay qua mẻ cá kỳ diệu này, hoặc qua giọng nói mà ông rất quen biết, hoặc qua ký ức về mẻ cá đầu tiên, nhưng trước hết chính qua mối tương quan “thương mến” (Ga 20: 2) rất riêng của ông với Thầy Giêsu mà Gioan có đủ sự nhạy bén để mau chóng nhận ra “Chúa đó” (Ga 21: 7). Còn thánh Phêrô, vốn có lòng nhiệt thành hơn, nên ông “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển đã đến với Chúa” (Ga 21: 7). Vấn đề là các ông đã nhận ra “Chúa và Thiên Chúa của họ” (Ga 20:28). Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã tỏ mình ra cho họ. Như thế không chỉ có một, nhưng nhiều phép lạ xảy ra, từ không có con cá nào trở thành có đủ các loại “cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con” (Ga 21: 11), từ không biết đến nhận ra được Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc mưu sinh của đời mình: “các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21:12), từ “không bắt được gì cả” đến “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21: 9). Chính Chúa Phục Sinh phục vụ các ông: “Chúa Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy” (Ga 21: 13).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chúng ta không dễ nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh trong đời sống hàng ngày biết chừng nào. Chúng ta hiểu rất ít về Đấng Phục Sinh. Ngài vượt quá xa chúng ta dù Ngài vẫn rất gần gũi và chân tình với chúng ta. Không phải bởi lý luận nhưng trên hết chính bởi tình yêu thương mà chúng ta nhận ra và biết Ngài, như Thánh Gioan, “người môn đệ được chúa Giêsu thương mến” (Ga 21: 7).
Chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của Chúa Giêsu để nhận ra Ngài luôn sống trong cuộc đời của chúng ta, và có được kinh nghiệm về Đấng đã khẳng định: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11: 25). Ngài sống và có mặt luôn mãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và mời gọi chúng ta đến với một cuộc sống mới, là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chú ý lắng nghe tiếng Chúa, đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Ngài; “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1: 37). Chúng ta cùng nhau cất tiếng ca tụng: “Chúa nay thực đã phục sinh, Allêluia.”
- Vâng theo Đấng Phục Sinh đem lại kết quả dồi dào
Bất ngờ, một người “đứng trên bãi biển…nói với các ông: Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21: 4-6). Và, vâng theo lời người đàn ông này, mẻ cá “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá…Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con” (Ga 21: 6-11).
Hôm nay, Đấng Phục Sinh đi tìm gặp các môn đệ của Ngài. Ngài đến để tập hợp họ lại và an ủi họ bằng sự hiện diện của Ngài. Giống như thế, Chúa Giêsu không để chúng ta đơn độc. Ngài liên tục đi tìm gặp và có mặt đúng thời đúng chỗ để giúp đỡ chúng ta. Chúa Kitô vẫn có mặt nơi sâu thẳm cơn đói khát nhiều mặt trong cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta bị nỗi tuyệt vọng áp đảo. Ngài tìm kiếm và mời gọi chúng ta đến với Ngài để được nuôi dưỡng và dự phần vào sứ mệnh “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy” (Ga 21: 17).
Từ khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ có vè như giữ khoảng cách với Chúa Giêsu. Vị Thầy rất thân quen trước đây của họ nay rất lạ và nhiệm mầu. Các tông đồ không dám tiếp tục ứng xử với Chúa Giêsu theo thói quen trước kia của họ nữa, dù “các ông biết rằng đó là Chúa”, nên “Không ai trong các môn đệ dám hỏi Ông là ai?” (Ga 21: 12). Sự hiện ra của Chúa Giêsu với các tông đồ được biểu lộ qua những dấu hiệu nhiệm mầu nhưng hiển nhiên đến nỗi không ai dám phủ nhận, hoặc thậm chí nghi ngờ. Sự nhiệm mầu đó đã tạo ra một sự kính sợ nơi các ông đối với Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu với lòng nhân từ vốn có nói với họ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây” (Ga 21: 10) và mời họ: “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21: 12). Đó là bữa sáng mà Ngài đã chuẩn bị cho họ. Đó là bữa ăn dành cho các tông đồ, và cho tất cả những ai bước theo các ông, tượng trưng cho niềm vui trên thiên đàng mà một ngày nào đó họ sẽ vui hưởng muôn đời, như ngôn sứ Isaia tiên báo: “Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25:6), hoặc như sách Khải huyền khẳng định: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19:9). Bữa ăn sáng đạm bạc này như muốn nhắc lại cho các tông đồ sứ mệnh Thầy Giêsu đã giao cho các ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5: 4) và: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1: 14) mà dường như các ông đã quên mất khi trải qua những biến cố bi thảm của Thầy mình. Chúa Giêsu đang chuẩn bị các môn đệ của Ngài cho những sứ vụ tương lai của các ông. Chính qua tình yêu khiêm hạ đối với Chúa Kitô mà Phêrô, các Tông đồ và mỗi người chúng ta trong Giáo hội được trao cho sứ vụ “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21: 17). Lời Chúa Giêsu kêu gọi Phêrô cũng là lời Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta. Tất cả chúng ta đều thuộc về đàn chiên của Chúa Giêsu, và chúng ta được kêu gọi chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta được kêu gọi để biến tình yêu của chúng ta dành Chúa Giêsu trở nên cụ thể bằng cách chăn dắt và nuôi dưỡng các chiên con của Ngài, về mặt tinh thần, tình cảm cũng như thể chất, như cùng nhau đọc kinh chung trong gia đình, trong khu xóm, hội đoàn, và dành thời gian thăm hỏi, giúp đỡ nhau, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, như những người thân thiết.
Chúng ta có thể làm được gì nếu không có Chúa Kitô? Không làm được gì, hoàn toàn không làm được gì. Không có Ngài, cuộc sống của chúng ta sẽ trống không, “không bắt được gì cả” (Ga 21: 3). Chúng ta có tin chắc rằng nếu không có Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng ta sẽ mất đi sắc màu vui tươi, nhưng khi có Ngài thì mọi việc sẽ đổi khác không? Chỉ khi liên hệ sâu xa và nghe Lời Đấng Phục Sinh thì những phép lạ mới có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Vâng theo Chúa Kitô, Ngài sẽ không để chúng ta thiếu gì. Nhưng liệu chúng ta có muốn từ bỏ những suy nghĩ vị kỷ, những mưu tính cá nhân, lối sống tục hóa, rồi ra đánh mất ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình vì “không bắt được gì cả” (Ga 21: 3), để vâng lời Thiên Chúa, tin và vui mừng làm chứng rằng Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng Cứu Độ mọi người không?
Xin cho chúng ta, như trong bài đọc thứ hai, có được “quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban” (Cv 4: 33) để sống như lời rao giảng của thánh Phêrô và các Tông Đồ: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Chúa Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Ngài trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Ngài lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Ngài” (Cv 5: 29-32).
Phêrô Phạm Văn Trung