3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

NẺO ĐƯỜNG THEO CHÚA KITÔ

Chúng ta tuân giữ các giới răn mà Tin Mừng khuyên tuân giữ để trở nên “Kitô hữu tốt lành”. Rồi đôi khi giống như người giàu có trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy mình tương đối hài lòng về chính mình. Chúng ta tin rằng chúng ta đã đạt đến một mức độ hoàn hảo nhất định, bởi vì chúng ta đã tuân giữ lề luật của Thiên Chúa và Hội Thánh khá trọn vẹn… nhất là khi so sánh với bao người khác còn “bê tha lỗi tội nặng nể”.

  1. Đến và theo Chúa Giêsu: chuẩn mực để có được sự sống đời đời

Người giàu có đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Có lẽ ông ta nghĩ rằng mình có điều gì đó tốt lành ông ta đã làm được khiến ông ta xứng đáng được hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Não trạng này là điều hoàn toàn có thể xảy ra nơi dân Do thái thời Chúa Giêsu khi mọi thứ trong đời sống đều được đánh giá theo mức độ tuân giữ lề luật Môsê, nhiều khi đến mức chi li, ngặt nghèo. Vì thế điều trước tiên Chúa Giêsu làm là đặt ra một câu hỏi: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc10:18). Qua đó Chúa Giêsu xác định chuẩn mực của sự nhân lành: chỉ một mình Thiên Chúa là nhân lành.

Việc tuân giữ các điều răn, trọn vẹn bao nhiêu có thể, giúp con người sống tốt lành ở trần gian. Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của các giới răn đó. Chính Ngài kể ra các giới răn mà người ta, bất kể ở nơi nào và thời đại nào, chủng tộc, văn hóa, xã hội, hệ thống pháp luật nào, đều cần phải thực hiện nơi trần thế này: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:19) và Ngài hỏi người giàu có: “Hẳn anh biết các điều răn đó” (Mc 10:19). Người ấy trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Vấn đề là ông ta không chỉ muốn những phúc lành mà việc tuân giữ các lề luật đem đến cho ông ta trên trần gian mà còn cả cuộc sống vĩnh cửu. Một mức độ hoàn toàn khác, đúng hơn đó là một cảnh giới khác biệt “một trời một vực”. Mặc dù ông ta không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, nhưng những điều này không thể mang lại cho ông ta phúc lành đời đời. Chỉ có một con đường mà Chúa Giêsu đã đến thế gian này để mở ra. Cần phải theo Ngài đi vào con đường ấy với tấm lòng xa khỏi những dính mắc trần gian. Vì vậy, Chúa Giêsu trả lời anh: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21).

Câu nói của Chúa Giêsu chứa đựng những động từ: “đi, bán, đến và theo”. Chính mối tương quan gắn kết “đến và theo” Chúa Giêsu mới là chuẩn mực để có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chính Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi người giàu có khi xưa, và chúng ta ngày nay, đi vào trong tương quan gắn kết đó, bất kể chúng ta đã tuân giữ lề luật đến mức độ nào.

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10:22). Biết bao nhiêu người như anh ấy! Dù họ biết rằng còn thiếu điều gì đó để hạnh phúc vẹn tròn khi nghĩ về tương lai; nhưng họ vẫn muốn bám giữ vào của cải đời này, không từ bỏ bất cứ điều gì, đặc biệt là không “đến và theo” Chúa Kitô. Họ thấy rằng Chúa không có sức hấp dẫn đối với lòng họ. Những trò vui trần thế còn nhiều và chẳng tội gì hy sinh thực tế hiện tại này cho một tương lai không chắc chắn, chưa tới. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nhiều vất vả, khốn đốn, mới tạo ra được của cải hiện tại, không thể bỏ đi mà không ảnh hưởng tới những ngày sắp tới “biết ra sao ngày mai”. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ đi theo con đường này thì rốt cuộc, sớm muộn, chúng ta sẽ phải mất tất cả, chịu bất hạnh vĩnh viễn: “Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Khi “đến và theo Chúa”, sử dụng của cải đời này vì lợi ích xác hồn của những người nghèo, những người thiếu thốn vật chất, tinh thần chung quanh mình, chúng ta không đánh mất của cải đó; trái lại, chúng được biến đổi thành những phúc lành trên trời và vĩnh cửu: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu… Vậy hãy lo tìm Nước của Ngải, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho… Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12: 15, 30, 33).

  1. Của cải trần gian và sự sống đời đời

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10: 23). Câu nói này khiến các môn đệ sững sờ (Mc 10:24) vì trong Cựu Ước, giàu sang phú quý được coi là phần phúc lộc của Thiên Chúa, và sự giàu sang ấy là ngay chính: “Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. Gia đình họ phú quý giàu sang, đức công chính của họ tồn tại muôn đời” (Tv 112: 2-3). Giàu sang như ông Abraham (St 13) hay ông Gióp (1-2;42,10-15) là phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đấng khai mở Tân Ước, không dừng lại trước sự ngạc nhiên lớn lao của các môn đệ, Ngài nhấn mạnh thêm nữa: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10: 25), trong đó “phúc lành” không còn là một vùng đất hay của cải trần gian nhưng là Thiên Chúa, sự sống đời đời. Ở đây một lần nữa, các môn đệ không đi vào suy nghĩ của Chúa Giêsu. Họ ngạc nhiên và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10:26). Trong sự cai quản của Thiên Chúa, của cải trần gian thuộc về tất cả mọi người, là “của đồng lần thiên hạ tiêu chung”, nhưng Thiên Chúa giao cho những người giàu “quản lý” không phải để họ tiêu xài, thỏa mãn những ham muốn của riêng mình,  nhưng phải phân phối lại cho những người khác. Thiên Chúa ban phúc cho họ: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình… Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc” là để “đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ” (Tv 112:5-9). Nhưng người ta ngày nay, giống như các môn đệ ngày xưa, vẫn hiểu rằng những của cải trần thế này không liên quan gì đến sự sống vĩnh cửu, vì những của cải ấy chỉ có thể được hưởng thụ ở dưới trần gian này mà thôi. Thậm chí chúng ta tin rằng những người giàu có, dường như là đối tượng được Chúa ưu ái, có đủ điều kiện làm những việc lành để vào Nước Chúa dễ dàng hơn. Chúng ta xem xét mọi việc theo công trạng của con người chứ không theo quan điểm ân sủng của Thiên Chúa. Sự thật là những của cải này có ma lực nắm giữ trái tim và gắn chặt lòng dạ con người vào trần gian, tạo ra một trở ngại to lớn ngăn cản người ta từ bỏ mọi thứ để chiếm lấy một kho báu thiêng liêng và vĩnh cửu, có thật, dù tạm thời còn mờ nhạt: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cor 13:12). Kho báu ấy đang ẩn giấu trong một Chúa Kitô “sống vô gia cư chết vô địa táng”, không có chỗ tựa đầu (Lc 9:58), trong một thế giới mà con người duy vật coi của cải vật chất là giá trị tuyệt đối. Trong thế giới đó, những người nghèo, hầu như không có gì để hưởng thụ, bị coi khinh, bỏ rơi, lãng quên, lại dễ dàng mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18). 

  1. Sức mạnh của Thiên Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta

Khi các môn đệ hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10: 26). Chúa Giêsu trả lời: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Thiên Chúa có thể làm mọi sự, và Ngài đã làm mọi sự cần thiết để những người lạc lối, hư hỏng, đáng thương, không có khả năng làm gì, có thể tìm thấy một ơn cứu độ hoàn hảo mà Ngài ban tặng miễn phí cho bất cứ ai chấp nhận nhờ đức tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn con người bằng con mắt khác hơn là con mắt của quan tòa xử án theo luật: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Chúa Giêsu nhìn chúng ta trước và Ngài yêu thương chúng ta không vì bất cứ công trạng nào của chúng ta!

Mọi sự bắt đầu từ ánh nhìn yêu thương của Chúa Giêsu. Chính vì Ngài yêu thương con người vô điều kiện, nên Ngài tin tưởng khích lệ người giàu có, cũng là khích lệ chúng ta: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Mục đích của việc “đi và bán những gì anh có mà cho người nghèo” chính là “đến và theo tôi” Thực tế, người giàu có đã đến với Chúa Giêsu rồi, nhưng có điều ông ta đến nhưng chưa theo Chúa. Lối sống của người giàu có này có vẻ rất đáng kể. Chính ông ta chủ động đến với Chúa Giêsu, hỏi một câu hỏi nghiêm túc và quan trọng nhất trong đời người: làm gì để được sự sống đời đời. Câu hỏi của ông rất thực tế: nên làm gì? Ông dường như sẵn lòng làm theo những gì Chúa Giêsu Kitô bảo để đạt được sự sống đời đời. Chúa Giêsu ban cho ông một món quà. Ngài yêu cầu ông ta đi theo Ngài, giống như Ngài đã từng nói với các tông đồ: “Các anh hãy theo tôi” (Mc 1:16-20). Chúa Giêsu yêu mến những người có thiện chí. Ngài cho chúng ta biết điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời: từ bỏ mọi sự để hiến thân hoàn toàn cho Ngài. Đề nghị của Chúa Giêsu dường như đảo ngược mọi nỗ lực của chúng ta. Sự sống đời đời không phải là kết quả của mọi dự tính hay cố gắng trở nên hoàn thiện của chúng ta, mà từ ân huệ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính khi coi mọi sự trần gian là không đáng kể và bước theo Chúa Giêsu mà chúng ta nhận được sức mạnh để bắt đầu chu toàn lề luật và thậm chí hơn cả lề luật, để sống trong Thánh Thần. Chúng ta hãy để cho mình được cái nhìn yêu mến của Ngài đánh động và đáp lại lòng yêu mến đó.

Đôi khi chúng ta quá bận tâm đến công ăn việc làm kiếm tìm tiền của vật chất đến nỗi không thể dành một chút thời gian để cầu nguyện, dạy giáo lý, thăm nom phục vụ những người cơ nhỡ chung quanh mình. Mỗi chúng ta đều có một hình thức gắn bó nào đó với mọi thứ trên trần gian. Xin Chúa giúp chúng ta đừng để của cải trần gian lấp đầy tâm hồn chúng ta: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6:7), nhưng chính Chúa Giêsu Kitô mới là “nguồn giàu sang phú quí” (2 Cor 8:9) đích thực của chúng ta. Chọn Ngài là chọn mọi sự như Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm 6:17-19).

Phêrô Phạm Văn Trung.

Túp lều lý tưởng

Thật tuyệt vời biết bao khi hai thanh niên nam, nữ yêu thương nhau và được kết hợp thành vợ chồng, rồi cùng sống trong một “Túp Lều Lý tưởng”, luôn có anh và em để xây dựng một gia đình hạnh phúc:

“Đời mình đẹp mãi với Em và Anh,
Đời mình đẹp mãi dưới túp Lều Tranh!”

(Hoàng Thi Thơ)

Dù chỉ là một túp lều tranh, nhưng có hai tâm hồn yêu thương nhau cùng chung sống, “Túp Lều Tranh” trở nên “Túp Lều Lý Tưởng!”

Một cách đơn giản, mọi sinh vật “giống đực” và “giống cái” trên mặt đất, khi ‘đến thời đến lúc’ là có một sức thu hút lẫn nhau theo bản tính tự nhiên, chung sống với nhau và sinh sản con cái để nối dõi dòng giống. ‘Người Nam’ và ‘Người Nữ’ khi đến tuổi “cập kê” cũng có sức thu hút nhau theo bản tính tự nhiên, thương yêu nhau, rồi kết hiệp với nhau ‘nên một thân xác’ (Matcô 10:8) để sinh con cái tiếp nối cộng đồng nhân loại. Trong Bài Đọc I (Sách Sáng Thế 2: 18-24) Chúa đã chúc lành cho cuộc hôn phối của Adong và Evà, và bảo “Hãy sinh sản ra đầy mặt đất!” Trong Bài Phúc Âm (Matcô 10: 2-16),Chúa Giêsu đã vui vẻ chúc lành cho các em nhỏ người ta đưa đến với Chúa. Vì thế, hôn phối luôn luôn phải là sự kết hợp giữa một “Người Nam” và một “Người Nữ” để sinh con cái, không thể là sự phối hợp giữa hai người cùng phái tính, nam với nam hoặc nữ với nữ.

Hơn nữa, đời sống vợ chồng là một kết hiệp vĩnh viễn ‘mãi mãi dưới túp lều tranh’ không thể phân ly như Chúa Giêsu đã quả quyết “Điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân ly!” (Matcô 10:9). Con người
khác với các loài vật khác, con người đã được Chúa “dựng nên theo hình ảnh Chúa” (Sách Sáng Thế 1:27), nên có tình yêu tự do và trách nhiệm. Trước khi kết hôn thành vợ chồng, các bạn trẻ luôn được tự do để suy nghĩ và lựa chọn, không thể “yêu cuồng, sống vội” để đưa đến tan vỡ đáng tiếc, phá họai hạnh phúc gia đình, và ảnh hưởng đến tương lai con cái. Để nói lên sự kết hiệp bền vững giữa vợ chồng, Bài Đọc I hôm nay đã lấy hình ảnh câu chuyện Chúa lấy chiếc xương sườn của ông Adong mà dựng nên bà Evà, người vợ của ông (Sách Sáng Thế 2: 21-23)

Hôn phối là điều rất quan trọng chẳng những cho gia đình, mà còn cho quốc gia và xã hội. Có những quốc gia ngày nay thiếu ‘giới trẻ” vì nhiều đôi vợ chồng không muốn sinh con, hạn chế sinh sản bừa bãi, phá thai tự do, và ly dị dễ dàng khi gặp những khó khăn thử thách.

Thiên Chúa đã chúc phúc cho đôi tân hôn đầu tiên của nhân loại là ông Adong và bà Evà ngay trong vườn địa đàng. Chính Chúa Giêsu cũng đã mở đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng việc cùng đi với Mẹ Maria và các Tông đồ đến dự tiệc cưới Cana, và làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu để cứu vãn danh dự cho đám cưới nửa chừng hết rượu này.

Chúa Giêsu khi ‘xuống thế làm người’, Ngài cũng đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dù nghèo khó và trải qua bao gian truân thử thách, nhưng vẫn luôn gắn bó và chia sẻ tình thương, hạnh phúc; đó thật là một gia đình gương mẫu cho các gia đình chúng ta. Thánh Giuse và Mẹ Maria là gương mẫu cho các bậc làm cha mẹ, và Chúa Giêsu là gương mẫu cho các người làm con ‘luôn biết vâng lời cha mẹ’ (Luca 2: 51). Khi chịu nạn chịu chết đổ máu ra để chuộc tội nhân loại, một lần nữa Chúa Giêsu lại “thánh hóa chúng ta và cho chúng ta trở nên anh em với nhau trong cùng một gia đình nhân loại!” (Bài Đọc II, Thư Do Thái 2: 9-11).

Sự bền vững và hạnh phúc gia đình đặt tại đâu?

Trước đây, tôi có nghe chuyện các bạn trẻ ở Hà Nội, sau năm 1954, sống trong cảnh nghèo khó, khi lập gia đình thì đặt hạnh phúc nơi ba chữ “B” đơn giản: ‘Buồng’ (tiếng Bắc, có nghĩa là phòng ngủ) tượng trưng một ‘căn hộ’ chính phủ cấp cho để ở; ‘Bìa’ là phiếu mua thực phẩm (theo chế độ quốc doanh thời đó); ‘Bà’ là mẹ già để gởi con khi vợ chồng đi làm. Sau này, tôi lại nghe nói tại các quốc gia tự do, thì các bạn trẻ đặt hạnh phúc gia đình trên ba chữ “C”: Car (xe), Condo (nhà), và Credit Card (Thẻ Tín Dụng).

Nhưng hạnh phúc gia đình không chỉ cần những điều kiện vật chất, mà còn cần những điều kiện tinh thần, nên các nhà đạo đức đưa thêm vào những chữ “C” khác: Communication: Vợ chồng phải biết thành thực và thẳng thắn bầy tỏ tâm tư, nguyện vọng với nhau để luôn ‘hiểu được nhau’ và cùng cộng tác (Cooperation) với nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Những sự thiếu thông cảm thường đưa đến chỗ hiểu lầm, nghi ngờ và ghen tuông, là những căn nguyên đưa đến bất hòa, và đổ vỡ đáng tiếc. Khi đã quyết tâm sống đời sống vợ chồng, các bạn trẻ phải quyết tâm dấn thân (Commitment) chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, cùng chia vui, sẻ buồn để vượt qua mọi khủng hoảng mà đời sống chung luôn xẩy ra. Sau đó, vợ chồng cũng cần biết ‘thương cảm nhau’ (Compassion), nghĩa là phải biết quên mình, từ bỏ ích kỷ, để nhận ra những ‘khó khăn’, những ‘khủng hoảng’ của nhau để an ủi, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, thay vì giận hờn, phiền trách hoặc xa tránh.

Ý thức được sự quan trọng của cuộc sống hôn nhân, nên cha ông chúng ta, từ thuở xa xưa, đã có những tục lệ, tuy có vẻ rườm rà, nhưng thật sự cần thiết, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống lứa đôi, như ‘làm mối’, ‘xem mắt’, ‘dạm ngõ’, ‘đính hôn’ trước khi thật sự ‘thành hôn’ với nhau để nên vợ chồng và xây dựng một gia đình mới.

Giáo hội cũng luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy cầu nguyện và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định cuộc sống hôn nhân. Sau đó, phải qua một khóa học “Dự Bị Hôn Nhân” để cùng nhau học hỏi giáo lý Công Giáo về đời sống gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Nghe các kinh nghiệm của các vị đã sống lâu năm trong đời sống gia đình kể lại mà học hỏi và chuẩn bị chu đáo hành trang ‘vào đời’ để khởi sự một cuộc hành trình dài, đầy hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những khó khăn thử thách.

Xin hiệp lời cầu nguyện chung: Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse, và các Thánh, ban muôn ơn lành cho các gia đình chúng ta, cho các bạn trẻ mới bước vào đời sống lứa đôi, cho các bạn trẻ đang tìm hiểu và chuẩn bị đời sống hôn nhân.

LM. Anphong Trần Đức Phương

VietCatholic Network

LÝ DO VUI MỪNG

Thứ Bảy Tuần 26 Thường Niên B

“Hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời!”.

John Wesley - nhà truyền giáo nước Anh - ngay trước khi qua đời ở tuổi 88, đã ngồi dậy, nhìn những người thân yêu bên giường bệnh và nói, “Sao lại khóc, hãy vui mừng chứ? Điều tuyệt vời nhất cũng là lý do vui mừng nhất là Chúa ở cùng chúng ta!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng, “Chúa ở cùng chúng ta!” hay nói rằng, “Tên anh em đã được ghi trên trời!” có chung một ý nghĩa. Đó là những ‘lý do vui mừng’ đích thực mà cả Wesley và Chúa Giêsu nói với những người thân yêu.

Tin Mừng hôm nay cho biết, sau chuyến truyền giáo tốt đẹp, các môn đệ trở về, lòng đầy hân hoan. Họ bộc lộ với Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con!”. Tốt! Nhưng với Chúa Giêsu, còn có một điều gì đó hơn thế, Ngài tiết lộ cho họ một lý do căn bản hơn: tên họ được ghi trên trời!

Tự hào về công việc là điều tự nhiên, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy đã làm tốt công việc đó. Chúa Giêsu không phủ nhận sự thành công của các môn đệ, nhưng Ngài tập trung vào một điều lớn hơn: mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Đây mới là nguồn vui đích thực! Chính mối quan hệ đó làm cho công việc của họ có kết quả. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu tiếp tục nói, “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!”.

Điều đáng mừng hơn cả là các môn đệ ‘đã thấy, đã nghe’ và nhất là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Thầy mình. Họ đã cảm nhận một mối quan hệ đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa và họ đã để mình ‘được lôi kéo’ vào mối quan hệ đó. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng, sự chia sẻ của chúng ta trong mối quan hệ của Chúa Giêsu với Thiên Chúa mới là niềm vui và là kho tàng đích thực, và đó là ‘lý do vui mừng’ lớn nhất chứ không phải là sự thành công hay nói cách khác, những gì chúng ta làm.

Chính hồng ân chia sẻ mối quan hệ này cho phép chúng ta nhìn và nghe những điều mà nhiều tiên tri và vua chúa mong ước được thấy được nghe, đây là lý do thực sự để tạ ơn và vui mừng. Ngay cả khi công việc của chúng ta ngừng lại - thậm chí là thất bại - vì bất cứ lý do gì, dù là tuổi tác, sức khoẻ kém hay thiếu cơ hội… thì hồng ân chia sẻ mối quan hệ của chính Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha vẫn tồn tại.

Anh Chị em,

“Hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời!”. Chúa Giêsu không quan tâm những chiến thắng trước Satan. Điều quan trọng với Ngài là “Chúa ở cùng chúng ta” và “chúng ta ở cùng Chúa” trên thiên đàng. Kitô giáo không chỉ đơn thuần là đánh bại ma quỷ. Đức tin của chúng ta là đức tin cực kỳ tích cực, được thiết kế để giúp mỗi người phát triển tình yêu dành cho Thiên Chúa noi theo các nhân đức của Chúa Kitô. Đó là một bài tập về tình yêu. Đức tin này không có giới hạn, luôn mời gọi chúng ta ‘yêu mến Chúa’, làm nhiều hơn cho người khác và cho Chúa Kitô. Tình yêu không có giới hạn, vì vậy chúng ta không nên nghĩ rằng mình “đã đến đích”. Tôi có hiểu rằng tôi được kêu gọi để sống mối tương quan với Chúa và sống tình yêu của Ngài cho đến giây phút cuối đời?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, thành công của con trước hết và trên hết là sống thân tình mối tương quan giữa con với Chúa, mọi chuyện khác đều là phụ tuỳ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TÔN TRỌNG VÀ QUÝ MẾN GIA ĐÌNH

Sứ điệp: Gia đình đáng quý trọng vì đó là Hội thánh tại gia và là đền thờ của Thiên Chúa.

Chưa bao giờ các gia đình lại gặp nhiều đe doạ và sóng gió hung tợn như ngày hôm nay. Hàng loạt rồi hàng loạt gia đình bị rạn nứt, bị sụp đổ trước những cơn địa chấn kinh hồn do chủ trương hưởng lạc và đời sống vô luân gây nên như nạn ly dị tràn lan, hôn nhân thử cũng như kết hôn đồng tính gia tăng ngày càng đáng sợ…

Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra giá trị cao cả của gia đình để chúng ta trân trọng yêu mến gia đình và từ đó quyết tâm xây dựng gia đình nên tốt lành thánh thiện hơn.

Theo Lời Chúa dạy, chúng ta có thể khẳng định rằng gia đình có một giá trị rất cao quý, vì những lý do sau:

  1. Gia đình là công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Thiên Chúa là kiến trúc sư đã thiết kế và xây dựng gia đình.

Bài đọc sách Sáng thế hôm nay viết: “Thiên Chúa nói: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta.” Rồi Thiên Chúa đã dựng nên A-đam và lấy sườn A-đam dựng nên E-va, rồi trao E-va cho A-đam làm bạn đời. Thế là gia đình đầu tiên của nhân loại được tạo thành. Đây là kiệt tác tuyệt vời nhất, vượt lên trên mọi kỳ quan khác, nên chúng ta phải hết lòng quý trọng.

  1. Gia đình là Hội thánh nhỏ của Chúa

Chúa Giê-su đã dùng bí tích Thánh tẩy để rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa Ki-tô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Vì thế mỗi tín hữu đã rửa tội được xem là thánh. Gia đình Công giáo bao gồm những người đã được hiến thánh, nên đây chính là Hội thánh tại gia.

Công đồng Vatican II cũng gọi gia đình là Hội thánh tại gia.”[1]

Vì thế, chúng ta phải tôn trọng, quý mến gia đình như chúng ta vẫn luôn tôn trọng và quý mến Hội thánh Chúa; phải góp phần xây dựng gia đình nên thánh thiện như chúng ta vẫn đóng góp công sức xây dựng Hội thánh.

  1. Gia đình là đền thờ Chúa ngự

Thánh Phao-lô dạy rằng: “Anh em không biết rằng anh em là Đền thờ Thiên Chúa và Thánh thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người đó. Vì Đền thờ Chúa là nơi thánh và Đền thờ đó chính là anh em.” (I Cor3,16).

Người chồng cũng như người vợ trong gia đình đều là đền thờ của Thiên Chúa. Vì thế, khi 2 người nầy kết hợp với nhau thì gia đình của họ cũng là đền thờ Chúa ngự. Họ có thể thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa ngay trong gia đình mình.

Vì thế, phải hết sức trân trọng, yêu mến gia đình như chúng ta luôn trân trọng nhà thờ giáo xứ.

Nếu ai làm cho gia đình tan vỡ bằng bạo lực, bằng ngoại tình, ly thân ly dị… là phá hủy đền thờ Thiên Chúa và phải mang lấy hậu quả tai hại, như thánh Phao-lô nói: “Ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy.”

Lạy Chúa Giê-su,

Gia đình là quà tặng tuyệt vời nhất mà Chúa ban cho chúng con. Xin cho chúng con hết sức trân trọng, yêu quý gia đình, cố công xây đắp gia đình cho xứng là đền thờ Chúa ngự và đừng bao giờ phá hoại Hội thánh nhỏ này bằng những hành vi sai trái của chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 2-12)

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

[1] (LG 11. GLHTCG 1.656).

 

HÃY BIẾT CHỌN LỰA CAN ĐẢM VÌ ĐỜI VĨNH CỬU

Chọn lựa can đảm và biết hy sinh trong đời sống hiện tại nhằm hướng tới đời sống vĩnh cửu mai sau là viễn tượng của người Kitô hữu theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ để các ngài biết cách sống của người môn đệ cũng như biết chọn lựa can đảm trong hành động hằng ngày để hướng về tương lai của đời vĩnh cửu. Ngay từ bài đọc thứ nhất từ sách Dân số, chính Môisen là người phải sửa dạy thái độ của Giôsuê là người phục vụ lâu năm của mình. Khi Thiên Chúa ban phát Thánh Thần cho Môisen thì người cũng lấy một phần Thánh Thần ban cho Môisen để ban cho bảy mươi kỳ mục khác khiến cho họ cũng nói tiên tri. Lúc bấy giờ có hai người không ở cùng với nhóm bảy mươi trong lều, nhưng vốn có ở trong danh sách với bảy mươi kỳ mục và hiện đang ở trong trại, thì Thánh Thần cũng được ban cho họ, và họ cũng nói tiên tri khiến cho Giôsuê sinh lòng ghen tức và báo cáo sự việc cho Môisen khiến ông phải nhắc nhở Giôsuê không được ghen tức với người khác vì việc ban Thánh Thần là tùy thuộc quyền của Thiên Chúa để mời gọi những người khác nhau cùng tham dự vào công việc theo thánh ý Thiên Chúa.

          Trong câu chuyện Tin mừng theo thánh Marcô, hoàn cảnh xảy ra cũng khá tương tự. Gioan là một môn đệ của Chúa Giêsu, theo tâm lý bình thường, ông báo cáo với thầy có kẻ không thuộc nhóm nhưng lại làm phép lạ nhân danh thầy, Gioan muốn xin phép thầy để đi ngăn cản không cho người này làm phép lạ. Chúa Giêsu đã ngăn không cho Gioan ứng xử hẹp hòi như vậy: “Đừng ngăn cản anh ta, không có ai làm phép lạ nhân danh thầy mà lại nói xấu thầy được. Ai không chống lại chúng ta là cùng thuận với chúng ta”. Tinh thần phe nhóm hẹp hòi vốn là tinh thần mà người ta tìm cách bảo vệ. Trong hoàn cảnh một Giáo hội đang phải chịu nhiều bách hại, thì các kitô hữu càng dễ  co cụm hơn nữa. Lời Chúa Giêsu có một tầm quan trong đặc biệt, thúc đẩy các môn đệ có một tinh thần cởi mở nhiều hơn để có thể gặp gỡ với những người, dù họ thuộc nhóm người nào đi nữa. Tiêu chuẩn để đánh giá đó là những việc làm tốt mà những người khác làm được nhân danh Chúa Giêsu. Có thể nói có hai dạng môn đệ của Chúa Giêsu. Những người tuy không thuộc nhóm các môn đệ của người cách rõ rệt, nhưng lại làm được những phép lạ nhân danh người, và những người thuộc cùng nhóm những môn đệ của Chúa Giêsu. Vì thế, thách đố của các môn đệ của thầy Giêsu là họ càng phải hành động như chính thầy của mình hơn nữa, họ cũng phải sống những giá trị như thầy của họ đã sống và làm những điều tốt đẹp cho người khác như thầy của họ đã làm.  Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ hiểu được giá trị lớn lao của một việc làm bác ái nhỏ bé của bất kỳ người nào làm cho các môn đệ của người, dù là một ly nước lả, thì họ cũng không mất phần thưởng trong ngày phán xét. Trong một thế giới có nhiều thù hận, một việc làm bác ái nhỏ bé của bất kỳ ai cho một người môn đệ của Chúa Giêsu thì được chính người đón nhận và vì thế người môn đệ của thầy Giêsu phải biết vượt qua những hạn hẹp phe nhóm của mình để sống chính tinh thần của thầy.

          Chúa Giêsu còn cảnh giác nguy cơ của việc làm gương xấu, nhất là làm gương xấu cho các môn đệ Chúa Giêsu là những người đức tin còn yếu ớt, mới bắt đầu tin vào người:”Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đâyphải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” . Vì thế mỗi người, khi sống với những người khác, cần phải cẩn thận cân nhắc những việc làm của mình, xem việc làm của mình có gây ảnh hưởng hay tác hại gì đến những anh em chung quanh không. Đồng thời cũng phải cảnh giác xem những việc làm nào của mình là nguyên cớ cho chính mình bị hư mất không. Cần phải can đảm loại bỏ những nguyên cớ của việc làm xấu này với bất cứ giá nào, ngay cả khi phải hy sinh chính một phần thân thể của mình : “ Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục; nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà phải bị ném vào hỏa ngục; nếu mắt anh làm cớ cho anh vấp ngã, thì móc nó đi, thà chột một mắt mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”. Hỏa ngục là dịch từ “Gêhenna” là một địa danh nằm phía nam của ngọn đồi Giêrusalem. Vào thời Chúa Giêsu, ngọn đồi này được dùng làm nơi đổ rác của thành Giêrusalem. Nơi đây tập trung mọi thứ rác thải, kể cả xác loài động vật và các loại hoa màu để rồi các loài giòi bọ tha hồ rúc rỉa. Nơi đây người ta thường phải đốt để thiêu hủy và vào thời xảy ra nạn dịch thì còn chứa cả những xác người.

Những lời cảnh giác này thật là nghiêm trọng. Mắt, tay, chân đều là những phần cơ thể quan trọng và cần thiết cho mọi hoạt động của con người. Vì thế nói đến mắt, tay, chân cũng là nói đến con người toàn vẹn. Phải có can đảm loại bỏ những nguyên nhân gây cớ phạm tội để cứu được cuộc sống đời đời của mình. Đây là những lời lẽ rất cứng rắn, nghiêm trọng cảnh giác về cái chết của tội nhân với sự hư nát đời đời, bị giòi bọ đục khoét và lửa thiêu đốt đời đời, nhằm thúc đẩy người môn đệ Chúa Giêsu biết mạnh mẽ quả quyết xa lánh tội lỗi và nguyên nhân tội lỗi để bảo vệ cho mình được hạnh phúc sự sống muôn đời. Đây chính là thành công hay thất bại của đời người. Nếu người ta có tất cả : hai tay, hai chân hay hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục thì cũng bằng không. Cuộc sống hạnh phúc đời đời đổi lại với sự đau khổ tủi nhục muôn đời quả là điều đáng cho chúng ta phải chọn lựa cương quyết và hy sinh biết chừng nào. Làm môn đệ của Chúa Giêsu không phải chỉ là việc mình thuộc về nhóm này hay nhóm khác, mà chính là sống và hành động như Chúa Giêsu đã làm. Người đã dùng những lời nói rất mạnh mẽ như cụt tay, cụt chân, mất một mắt để cảnh giác chúng ta phải biết loại bỏ những gì không phù hợp với những đòi hỏi của hạnh phúc vĩnh cửu. Bất kỳ hành động nào, nguyên nhân nào gây cho mình hay gây cho người khác phạm tội thì đều cần phải loại bỏ. Mỗi người được mời gọi can đảm loại trừ những nguyên nhân của tội lỗi nơi chính mình và nơi người khác để được hưởng sự sống đời đời. Đó là một sự chọn lựa quyết định không chút khoan nhượng vì hạnh phúc đời đời vô cùng lớn lao.

Lm. Phêrô Lê văn Chính

Subcategories