3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

LUÔN KHÍCH LỆ

 

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

William Arthur Ward nói, “Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Và hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”.      

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”. Thật thú vị! Các nhân vật nổi bật của Lời Chúa hôm nay là những con người ‘luôn khích lệ’ mà Hội Thánh và thế giới sẽ không bao giờ lãng quên: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’.         

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được Hội Thánh Giêrusalem cử xuống Antiôkia để xem xét hiện tình. Vui mừng với những gì “ơn Chúa đã thực hiện”, Barnaba cổ võ mọi người “bền tâm vững chí”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, Barnaba đến Taxô tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”. Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm hân hoan, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói những lời thật khích lệ, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Ngài quan tâm đặc biệt đến hạnh phúc tối thượng là “sự sống đời đời” của mỗi con chiên. Tuy nhiên, không phải là những con chiên thụ động vì “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi”, bạn và tôi vẫn có một vai trò nhất định trong mối quan hệ của mình với Mục Tử! Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chúng ta, “Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”; nhưng mỗi người cần đóng góp phần tích cực của mình trong đó. Chúng ta phải im ắng đủ để lắng nghe tiếng Ngài qua Phúc Âm, qua từng biến cố, từng con người; siêng năng tìm đến với các Bí Tích, suối nguồn ân sủng. Bởi lẽ, ngày nay, có nhiều ‘tiếng người lạ’ đang tranh giật sự chú ý của chúng ta; và thật không dễ để bạn và tôi có thể nghe được những lời ‘luôn khích lệ’ của Ngài.

Anh Chị em,

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho bản thân và cho anh chị em mình. Như những con người ‘được gọi để khích lệ’, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên trong sự thân tình với Chúa, và sống liên đới với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để cùng nhau nên thánh mỗi ngày! Ước gì bạn và tôi có một trái tim lặng đủ để nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ khi nghe tiếng Giêsu, Mục Tử Nhân Lành và mau mắn thi hành ý muốn của Ngài! Từ đó, dám hy sinh, dấn thân, trở nên những con người ‘luôn khích lệ’ người khác, những ai đang bủn rủn và đầu gối rã rời! Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò quan trọng, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Hội Thánh trưởng thành và ngay cả với thế giới hiện đại!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa mến yêu luôn nung đốt lòng con; để ai gặp con, họ gặp được sự khích lệ của Chúa, khích lệ của Chúa là “sự sống đời đời” không chỉ đời sau, mà cả đời này!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TIẾNG NGƯỜI LẠ - Thứ Hai Tuần 4 PS

 

“Chiên sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Một người Mỹ du lịch Syria, thấy ba người chăn chiên dẫn chiên của mình đi chung trên một con đường. Một lúc sau, người thứ nhất hô to, “Men ah! Men ah!”, tiếng Ả Rập là “Hãy theo ta!”. Chiên của anh tách khỏi đàn, theo anh lên một ngọn đồi. Người thứ hai cũng làm như thế, chiên của anh đi theo anh. Người Mỹ nói với người thứ ba, “Vui lòng cho tôi mượn mũ, gậy và đồ đạc của anh, tôi sẽ gọi, xem chiên có theo tôi không?”; người ấy sẵn sàng. Người Mỹ gọi, “Men ah! Men ah!”, chẳng con nào ngẩng lên! “Thế chiên không nghe ai khác, chỉ trừ mình anh?”. Người chăn chiên trả lời, “Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”. Lời Chúa hôm nay bất ngờ hỏi chúng ta, “Bạn có khoẻ không?”. Và hy vọng, bạn khoẻ, để từ chối ‘tiếng người lạ’ và chỉ nghe tiếng Giêsu, Chủ Chiên, như lời Ngài nói, “Chúng sẽ không theo người lạ!”.

Có lẽ bạn và tôi thường tự trấn an rằng, ‘tiếng người lạ’ hàng ngày không ảnh hưởng mấy đến tôi! Thế nhưng, tiếng của truyền thông, của tình cảm, tiền bạc, dục vọng và các thứ khác… lại ảnh hưởng lên bạn và tôi nhiều hơn chúng ta tưởng. Và dù tin hay không tin, chúng vẫn tác động và áp lực mạnh mẽ! Tin Mừng hôm nay nói đến sự đối lập giữa tiếng Mục Tử Giêsu và ‘tiếng người lạ’. Thường thì chiên dễ thuần thục khi được dạy để phản ứng có điều kiện, vì chủ chăn thường nói chuyện với chiên. Quen giọng của anh, chiên sẽ quay lại và đi theo anh.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Bạn sẽ đi theo tiếng mà bạn quen thuộc! Bất cứ điều gì mà bạn đắm mình trong đó, sẽ lớn lên trong bạn mỗi ngày và lôi kéo bạn làm theo, dù là vô thức! Điều này đặt ra câu hỏi, vậy thì bạn quen với điều gì nhất? Lý tưởng là chúng ta dành đủ thời gian cho việc đọc Lời Chúa, học ngôn ngữ, giọng điệu và tiếng của Ngài; lý tưởng là chúng ta dành một phần thời gian trong ngày, mỗi ngày, để im lặng đủ mà chiêm ngắm, cầu nguyện. Khi làm điều này, bạn xây dựng cho mình một thói quen nghe tiếng Chúa và trở nên dễ chịu với tiếng Ngài. Một khi thói quen này được hình thành, chúng ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc nhận ra tiếng Chúa bất cứ khi nào Ngài gọi giữa những bận rộn của mình và làm theo ngay!

Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ. Những người đồng hương trách cứ Phêrô vì ông đã giao du với người ngoại. Nhưng nhờ cầu nguyện và lắng nghe, Phêrô nhận ra ý Chúa qua một câu chuyện dài mà ông đã kể cho họ, “Nghe xong, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa, ‘Vậy ra, Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống!’”.

Anh Chị em,

“Chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Chúa Giêsu không bao giờ nghe ‘tiếng người lạ!’; cuộc chiến của Ngài trong hoang địa 40 đêm ngày đã chứng tỏ điều đó. Ngài luôn hướng về Chúa Cha, quen với tiếng nói của Cha và Thánh Thần, nên Ngài luôn làm điều đẹp lòng Cha. Cũng thế, với chúng ta, đừng để ‘tiếng người lạ’ trong thế giới lấn át tiếng nói của Giêsu, Mục Tử và Thánh Thần của Ngài! Ngài không bao giờ xa lạ; Ngài là bạn, là anh em, nói to nói nhỏ với chúng ta mỗi ngày để chúng ta có thể ‘phản xạ có điều kiện’ mỗi khi nghe Ngài gọi. Nên biết, không phải lúc nào chúng ta cũng nhạy bén để nghe được tiếng Ngài giữa bao bận rộn. Vì thế, hãy cẩn thận! Bạn và tôi luôn có nguy cơ bị phân tâm bởi ‘tiếng người lạ’ vốn luôn ngọt ngào, lôi cuốn. Đừng để mình thuộc số “Vài con bị bệnh, sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘tiếng người lạ’ luôn hấp dẫn, nhưng chỉ khiến con bất an và lạc đàn. Giúp con chỉ quen với tiếng Chúa, để mau mắn ‘ngẩng lên’, theo Ngài ra đồi cỏ và suối bình an!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỞ RA MỘT TẦM NHÌN MỚI - Thứ Bảy Tuần 3 PS

 

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Alvin Jennings nói, “Nhiều Kitô hữu ngày nay sống một cuộc sống như trong ‘sương mù’. Họ để cho vô số rắc rối che khuất tầm nhìn và làm suy yếu tinh thần. Nhưng “Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí gây nhát đảm, mà là một Thần Khí khiến chúng ta mạnh mẽ”. Đừng để sương mù che khuất! Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”. Lời Chúa hôm nay ‘mở ra một tầm nhìn mới’ về Bí Tích Thánh Thể; nhờ đó, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn Bí Tích Tình Yêu này. Chúa Giêsu nói, “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Trước những lời này, người Do Thái sửng sốt. Thật dễ hiểu! Họ sợ máu! Với họ, máu thật linh thiêng, là nguồn gốc sự sống, không bao giờ được chạm vào. Vậy phải hiểu thế nào? Đừng hiểu theo nghĩa đen! Để biết sâu sắc hơn ý muốn của Chúa Giêsu, những lời này phải được soi rọi dưới ánh sáng đức tin. Trong đêm bị trao nộp, giữa bữa Tiệc Ly, Ngài đã hiến mình để nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta; vì thế, Mình Thánh chúng ta đón nhận đích thực là thịt máu Giêsu, Chiên Thiên Chúa. Mỗi khi rước Ngài, “ăn thịt và uống máu Tôi”, chúng ta đồng hoá ‘toàn bộ con người, toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ hành động’ của mình vào chính Ngài. Ngài đã không nói “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong tôi và Tôi ở lại trong người ấy” sao? Như vậy, đón lấy Ngài không chỉ hiểu trong bối cảnh “rước lễ”; nhưng như một dấu chỉ ‘mở ra một tầm nhìn mới’ của một ‘quan hệ rộng hơn’, ‘gắn bó hơn’; nghĩa là toàn bộ cuộc sống!

Thánh Thể trước hết là một cử hành cộng đồng về những gì ‘chúng ta là’, ‘chúng ta có’, ‘chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô’. Qua Lời truyền phép, bánh rượu trở nên Thịt Máu Chúa, đến với chúng ta, ‘mở ra một tầm nhìn mới’ trong tình bác ái hiến dâng; Ngài đến qua từng kinh nghiệm yêu thương chúng ta có với nhau. Tắt một lời, Thánh Thể không chỉ là việc rước Chúa trong nhà thờ, nhưng là ‘cả cuộc sống’ dù chúng ta ở đâu, đang làm gì.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, không bao giờ Phaolô hình dung con đường mình sẽ đi vào mấy mươi năm cuối đời; nhưng Chúa Phục Sinh thì có! Ngài ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho Phaolô; từ một người bắt bớ Hội Thánh, Phaolô được chọn làm sứ giả của Thánh Thể; Bí Tích này được Phaolô ghi lại chi tiết trong thư Côrintô. Như vậy, kế hoạch Chúa dành cho Phaolô, cho mỗi người chúng ta có thể táo bạo hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng; để rồi, cùng Phaolô, chúng ta “Đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” Thánh Thể như lời Thánh Ca Phúc Âm gợi ý.

Anh Chị em,

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”. Khổ thay, những của ăn mau hư nát thế tục lại chi phối và quấn lấy tâm trí chúng ta như lớp sương mù che khuất tầm nhìn, khiến chúng ta không thấy gì xa hơn. Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Hãy để Lời Chúa ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Vì vậy, mỗi khi rước Chúa, chúng ta trao cho Ngài cơ hội để Ngài uốn nắn và đồng hoá chúng ta với Ngài như đã đồng hoá và uốn nắn Phaolô. Có như thế, phong thái, suy nghĩ và toàn thể con người chúng ta sẽ hoà tan trong Đấng chúng ta rước lấy; và cuối cùng, mỗi người trở nên một Giêsu khác, tấm bánh bẻ ra cho muôn người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần rước Chúa, cho con ý thức, Chúa sống trong con, con sống trong Chúa. Ước gì con thuộc trọn về Chúa, làm điều Chúa muốn, muốn điều Chúa ưa thích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Có một tương quan thật lạ lùng - Chúa Nhật 4 PS A

Khi giới thiệu một nhân vật quan trọng cho công chúng thì người ta sẽ nêu lên tước vị, vai trò hay học vị cao nhất của người đó để cho mọi người nể trọng, chẳng hạn: Đây là ngài tổng thống… Đây là giáo sư tiến sĩ… Đây là khoa học gia nổi tiếng…

Thế mà qua đoạn Tin mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su tự giới thiệu Ngài bằng một danh hiệu thật lạ kỳ và đáng kinh ngạc. Ngài nói: “Tôi là cửa chuồng chiên!” (Ga 10,7).

Vì sao Chúa Giê-su lại tự giới thiệu mình với một vai trò quá đỗi tầm thường như thế? 

Xưa kia, tại Do-thái, để canh giữ đoàn chiên ban đêm, người chăn chọn một bãi đất trống ngoài đồng rồi rào dậu chung quanh, chỉ chừa một lối hẹp cho chiên ra vào mà không có cửa. Ban đêm, sau khi đã lùa chiên vào ràn, người chăn nằm ngay lối ra vào chật hẹp đó thay cho cánh cửa. Thế là chiên bên trong không thể ra bên ngoài được vì đã có người chăn chặn lối, kẻ trộm bên ngoài cũng không vào trong ràn bắt chiên được vì người chăn đã chắn lối đi. Như thế, người chăn trở thành một “cánh cửa sống” bảo vệ an toàn cho đoàn chiên.

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su tự xưng mình là “cửa chuồng chiên” như thế đó.

 

Thân thế của Chúa Giê-su

Chúa Giê-su, Đấng xưng mình là người chăn chiên, là cửa chuồng chiên… lại có thân thế rất diệu kỳ.

Ngài chính là Ngôi Lời, tức là Thiên Chúa ngôi hai, đã hiện hữu từ lúc vũ trụ chưa được tác thành, như Tin mừng Gioan cho biết: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời… Ngôi Lời là Thiên Chúa.”

Ngài cũng chính là Đấng tạo dựng nên vũ trụ càn khôn: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3).

Thế mà, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Ngài cư ngụ giữa chúng ta để làm gì?

– Để chia vui với người vui như Ngài đã tham dự tiệc cưới tại Ca-na và làm phép lạ đầu tay cho nước hóa nên nhiều rượu ngon cho mọi người vui hưởng;

– Để khóc với người khóc như Ngài đã khóc thương trước mồ La-da-rô khi thấy cô Maria nức nở khóc thương em mình đã chết;

– Để cảm thông với vô vàn đau đớn, khốn khổ của nhân loại, của những người bệnh hoạn tật nguyền… Vì thế, Ngài đã làm cho người mù được thấy, người què được đi, người câm được nói, người phong hủi được lành sạch…

Thế là Ngài đã tạo nên một tương quan rất đặc biệt, rất độc đáo với con người.

Tương quan đó thế nào?

– Ngài là Đấng Tạo hóa, đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận, so với Ngài, con người chẳng là gì cả. Vậy mà Ngài vẫn trân trọng chúng ta, yêu quý chúng ta, quan tâm chăm sóc từng người chúng ta.

– Ngài là Chúa tể trời đất, là vua hoàn vũ cao sang phép tắc, quyền năng vô lượng, còn chúng ta chỉ là thần dân nhỏ bé; nhưng Ngài vẫn quý mến chúng ta, không xem chúng ta như người dân đen vô danh tiểu tốt.

Vậy thì tương quan giữa Ngài với chúng ta như thế nào?

Thưa, đó là tương quan bạn bè! Ngài trở nên bạn hữu của chúng ta, Ngài thân ái gọi chúng ta là bạn, như lời Ngài nói:  “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Ga 15,15).

Và qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su xác lập thêm một tương quan mới giữa Ngài với chúng ta, đó là tương quan giữa người chăn và đoàn chiên. Như người chăn chiên tốt, Ngài thấu hiểu từng con chiên một, gọi đích danh từng con trong đoàn, Ngài đi trước dẫn chiên theo sau và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.

Và đặc biệt hơn nữa, Ngài tự ví mình như cánh cửa chuồng chiên.

– Cánh cửa này đóng lại vào ban đêm để bảo vệ chiên khỏi tay trộm cướp, khỏi nanh vuốt của thú rừng;

– Cánh cửa này mở ra vào ban ngày để đưa chiên đến đồng cỏ xanh, đến nguồn suối mát… vì mục đích Ngài đến trần gian là “để cho chiên Ngài được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa hạ mình xuống thật thấp để nâng chúng con lên thật cao; Chúa chấp nhận làm người để nâng loài người lên hàng con Thiên Chúa; Chúa tự xóa mình đi, gác bỏ vinh quang, quyền lực qua một bên để hóa thân làm người phàm yếu đuối, để đồng cam cộng khổ với chúng con, để nên bạn bè thân thiết, chia vui sẻ buồn với chúng con và thậm chí còn trở thành cánh cửa chuồng chiên để che chắn, bảo vệ chúng con là đoàn chiên của Chúa.

Xin cho chúng con hiểu cho thấu tình thương sâu đậm Chúa dành cho chúng con và sống sao cho xứng với tình yêu đó.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Tin mừng Gio-an 10,1-10

1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

MỞ RA MỘT TẦM NHÌN MỚI - Thứ Sáu Tuần 3 PS

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Alvin Jennings nói, “Nhiều Kitô hữu ngày nay sống một cuộc sống như trong ‘sương mù’. Họ để cho vô số rắc rối che khuất tầm nhìn và làm suy yếu tinh thần. Nhưng “Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí gây nhát đảm, mà là một Thần Khí khiến chúng ta mạnh mẽ”. Đừng để sương mù che khuất! Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”. Lời Chúa hôm nay ‘mở ra một tầm nhìn mới’ về Bí Tích Thánh Thể; nhờ đó, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn Bí Tích Tình Yêu này. Chúa Giêsu nói, “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Trước những lời này, người Do Thái sửng sốt. Thật dễ hiểu! Họ sợ máu! Với họ, máu thật linh thiêng, là nguồn gốc sự sống, không bao giờ được chạm vào. Vậy phải hiểu thế nào? Đừng hiểu theo nghĩa đen! Để biết sâu sắc hơn ý muốn của Chúa Giêsu, những lời này phải được soi rọi dưới ánh sáng đức tin. Trong đêm bị trao nộp, giữa bữa Tiệc Ly, Ngài đã hiến mình để nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta; vì thế, Mình Thánh chúng ta đón nhận đích thực là thịt máu Giêsu, Chiên Thiên Chúa. Mỗi khi rước Ngài, “ăn thịt và uống máu Tôi”, chúng ta đồng hoá ‘toàn bộ con người, toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ hành động’ của mình vào chính Ngài. Ngài đã không nói “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong tôi và Tôi ở lại trong người ấy” sao? Như vậy, đón lấy Ngài không chỉ hiểu trong bối cảnh “rước lễ”; nhưng như một dấu chỉ ‘mở ra một tầm nhìn mới’ của một ‘quan hệ rộng hơn’, ‘gắn bó hơn’; nghĩa là toàn bộ cuộc sống!

Thánh Thể trước hết là một cử hành cộng đồng về những gì ‘chúng ta là’, ‘chúng ta có’, ‘chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô’. Qua Lời truyền phép, bánh rượu trở nên Thịt Máu Chúa, đến với chúng ta, ‘mở ra một tầm nhìn mới’ trong tình bác ái hiến dâng; Ngài đến qua từng kinh nghiệm yêu thương chúng ta có với nhau. Tắt một lời, Thánh Thể không chỉ là việc rước Chúa trong nhà thờ, nhưng là ‘cả cuộc sống’ dù chúng ta ở đâu, đang làm gì.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, không bao giờ Phaolô hình dung con đường mình sẽ đi vào mấy mươi năm cuối đời; nhưng Chúa Phục Sinh thì có! Ngài ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho Phaolô; từ một người bắt bớ Hội Thánh, Phaolô được chọn làm sứ giả của Thánh Thể; Bí Tích này được Phaolô ghi lại chi tiết trong thư Côrintô. Như vậy, kế hoạch Chúa dành cho Phaolô, cho mỗi người chúng ta có thể táo bạo hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng; để rồi, cùng Phaolô, chúng ta “Đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” Thánh Thể như lời Thánh Ca Phúc Âm gợi ý.

Anh Chị em,

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”. Khổ thay, những của ăn mau hư nát thế tục lại chi phối và quấn lấy tâm trí chúng ta như lớp sương mù che khuất tầm nhìn, khiến chúng ta không thấy gì xa hơn. Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Hãy để Lời Chúa ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Vì vậy, mỗi khi rước Chúa, chúng ta trao cho Ngài cơ hội để Ngài uốn nắn và đồng hoá chúng ta với Ngài như đã đồng hoá và uốn nắn Phaolô. Có như thế, phong thái, suy nghĩ và toàn thể con người chúng ta sẽ hoà tan trong Đấng chúng ta rước lấy; và cuối cùng, mỗi người trở nên một Giêsu khác, tấm bánh bẻ ra cho muôn người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần rước Chúa, cho con ý thức, Chúa sống trong con, con sống trong Chúa. Ước gì con thuộc trọn về Chúa, làm điều Chúa muốn, muốn điều Chúa ưa thích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories