3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

LÀM CHO LỚN LÊN - Thứ Năm 08/06

 

“Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật!”.

“Xin coi tôi như một con người, tôi muốn là một diễn viên nghiêm túc!”. Đó là lời van của Marilyn Monroe, nữ tài tử xinh đẹp một thời của Hollywood, ngỏ với giới điện ảnh. Để cuối cùng, ở tuổi 35, “‘Nữ Thần Tình Yêu’ không bao giờ tìm thấy bất kỳ tình yêu nào” đã kết liễu đời mình. Vào đêm định mệnh, cô điện thoại cho Rhett Butler, một nam tài tử; nói với anh rằng, cô đã uống đủ thuốc ngủ để tự sát. Butler lạnh lùng, “Thành thật mà nói, em yêu, anh không quan tâm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Giới điện ảnh, những người khai thác sắc đẹp của Marilyn Monroe, không làm cho cô lớn lên; hoặc chỉ làm cho cô lớn lên như ‘một ngôi sao’ theo định hướng lợi nhuận. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi ‘làm cho lớn lên’ một tình yêu cho Thiên Chúa; cùng lúc, cho tha nhân.

Bài đọc thứ nhất cống hiến một câu chuyện ly kỳ. Thiên thần Chúa đích thân dẫn ‘Tôbia con’ đến nhà Raguel để hỏi vợ cho cậu. Thế mà, chuyện của Sarah, nàng dâu, lại ly kỳ hơn! Đã có đến bảy ‘đức ông’ muốn cưới nàng làm vợ, nhưng họ đã chết trước khi đến với nàng. Raguel hoảng sợ khi biết ý định của Tôbia; nhưng thiên thần kịp trấn an, “Ông đừng sợ gả con gái cho người này!”. Thiên Chúa đã làm cho họ lớn lên, Ngài chúc phúc. Tôbia - Sarah trở nên cặp đôi mẫu mực cho hôn nhân Kitô giáo; lời cầu nguyện thánh thiện của họ trong ba đêm đầu gặp nhau thi thoảng được đọc trong các lễ hôn phối. Qua đó, Lời Chúa cho thấy chìa khoá hạnh phúc lứa đôi vẫn là ‘làm cho lớn lên’ tình yêu của người phối ngẫu trong niềm kính sợ Chúa! Cũng một tâm tình, Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, một luật sĩ hỏi Chúa Giêsu đâu là giới răn trọng nhất; Ngài cho ông một ‘câu trả lời kép’: ‘kính mến Chúa, yêu thương người’. Ông hỏi một, Ngài trả lời hai; tưởng đi một bước, ông sẽ đi hai bước. Ngài mời ông ‘nhất hoá’ tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Kitô giáo không chỉ là chuyện giữa tôi với Chúa; nhưng giữa tôi với Chúa và anh em tôi! Việc yêu Chúa bảo đảm cho việc yêu người lớn lên! Chính mối tương quan này sẽ giúp mỗi người yêu như Chúa yêu. Thánh Ignatiô Loyola cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, hiểu biết và ý chí của con; hết những gì con có. Chúa trao cho con tất cả; con trao lại Chúa tất cả!”. Trao lại Chúa tất cả qua việc con ‘làm cho lớn lên’ những người anh em.

Anh Chị em,

“Yêu thương ai là làm cho người ấy lớn lên!”. ‘Kính mến Chúa, yêu thương người’ không chỉ thực hiện bằng lời nói, nhưng bằng một cách sống tốt lành. Thế giới sẽ được truyền cảm hứng khi họ nhìn thấy tình yêu, niềm đam mê, sự khao khát, sự tận tâm và cam kết của chúng ta đối với Thiên Chúa cùng lúc, với tha nhân. Nhân loại nhìn thấy và bị thu hút bởi nó, một tình yêu thiên linh mà trong thực tế sẽ thật hấp dẫn. Chứng kiến ​​một tình yêu đầy cảm hứng như thế, làm sao họ có thể cưỡng lại khả năng hướng thiện của chính họ để bắt chước bằng được cách sống yêu thương của bạn và tôi, những người “không xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con cách thức ‘làm cho lớn lên’ những ai Chúa trao cho con; không vì lợi nhuận, nhưng vì họ phải trở nên những con người Chúa muốn họ trở thành!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

VŨ ĐIỆU TÌNH YÊU - Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi A

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống đời đời”.

Một số giáo phụ đầu tiên, đặc biệt Giáo Hội Đông Phương, thích sử dụng thuật ngữ “Vòng Tròn Quay” để diễn tả Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh này gợi lên một vũ điệu mạnh mẽ được ví như chuyển động bên trong Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần xoay quanh nhau, hoà quyện nhau trong một tương tác sống động. Vũ điệu tình yêu này lôi kéo tất cả chúng ta hoà vào những uốn khúc, những dòng chảy tràn đầy năng lượng tình yêu của Ngài.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Vũ điệu tình yêu’ Ba Ngôi là một hình ảnh có thể giúp chúng ta cảm nhận phần nào ý nghĩa của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Chúa Nhật kính trọng thể này.

Đó là một cộng đồng yêu thương Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh Thần tương tác nhau cách năng động như một ‘vũ điệu tình yêu’; ở đó, Thiên Chúa dang tay ôm lấy tất cả mọi người. Sự sống yêu thương bên trong Ngài biểu hiện đầy đủ nhất ra bên ngoài nơi con người Chúa Giêsu, Ngài là tình yêu của Chúa Cha bày tỏ trọn vẹn nhất để lôi kéo chúng ta vào mối quan hệ yêu thương với Ngài. Chúa Giêsu nói, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống đời đời”.

Với cách nói “sự sống đời đời”, chúng ta có xu hướng nghĩ ngay đến cuộc sống đời sau. Tuy nhiên, “sự sống đời đời” là sự sống yêu thương của Chúa Ba Ngôi, và Ngài mong muốn chúng ta hoà nhập vào sự sống đó, ‘vũ điệu tình yêu’ đó, ngay ‘lúc này và ở đây’ trong cuộc sống trần thế này. Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm, thì đó là một mầu nhiệm tình yêu cần thể hiện nơi thân xác con người Chúa Giêsu. Nhờ đó, Ngài có thể lôi kéo tất cả chúng ta vào trong chính sự sống thần linh của Ngài. Bài đọc Xuất Hành cho biết, đó là một Thiên Chúa rất gần gũi. Môisen gặp gỡ Ngài, đứng trước mặt Ngài, xin Ngài xót thương dân mình.

Một biểu hiện khác của sự sống yêu thương trong Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Nếu Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian, thì Ngài và Chúa Con cũng sai Thần Khí đến thế gian. Chính Thánh Thần cho phép tình yêu Thiên Chúa đi sâu vào nội tâm chúng ta, chính Thánh Thần hấp dẫn chúng ta vào ‘vũ điệu tình yêu’ này. Trong thư Rôma, Phaolô nói, “Tình yêu Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần”. Nhờ Thánh Thần, sự sống Thiên Chúa, sự sống yêu thương, có thể ngự trị trong nơi sâu thẳm của mỗi người.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta rằng, Thiên Chúa Là Tình Yêu! Động cơ chính của Ngài là tình yêu, Ngài yêu chúng ta trước. Việc Thiên Chúa hướng về chúng ta trong tình yêu luôn luôn là một sự cho đi; nó không phụ thuộc vào việc bạn sẽ tốt như thế nào hay đang sống tốt như thế nào. Thách thức ngày lễ đặt ra không phải là vấn đề hiểu biết mà là vấn đề chấp nhận. Bạn và tôi được yêu cầu chấp nhận chuyển động của Thiên Chúa đối với chính mình; đồng thời, được mời gọi tin vào sự dịu dàng của Ngài đang hoạt động trong cuộc sống mình như Ngài đang hoạt động trong thế giới. Việc bạn và tôi ‘chấp nhận và tin’ chỉ thể hiện qua cách sống yêu thương, cùng hoà nhịp với ‘vũ điệu tình yêu’ Ngài mời gọi. Như vậy, chỉ ai sống yêu thương, người ấy mới biết Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ích kỷ thường làm con lạc phách. Xin Thánh Thần lôi cuốn con vào ‘vũ điệu tình yêu’ Ba Ngôi; nhờ đó, con có thể hoà nhịp để sống một tình yêu chỉ luôn muốn cho đi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

THEO CẤP SỐ NHÂN - Thứ Ba 30/05

 

“Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần!”.

Ngày kia, Alexander bất ngờ dừng lại trước một người ăn xin, người này chẳng có gì dâng vua ngoài một nụ cười. Vua lấy mấy đồng vàng ra tặng. Ngạc nhiên, một cận thần thưa, “Bẩm ngài, vài xu cũng phù hợp với nhu cầu của một gã ăn xin!”. Vua đáp, “Vài xu phù hợp với nhu cầu của một kẻ ăn xin, nhưng những đồng vàng phù hợp với sự hào phóng của một đại đế!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trở lại mùa Thường Niên, một sự trùng hợp thú vị khi cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cùng nói đến sự hào phóng: hào phóng của con người, hào phóng của Thiên Chúa. Qua đó, con người luôn ‘dâng một, nhận mười’. Bài đọc Huấn Ca nói, “Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần!”. “Bảy lần” theo Thánh Kinh là rất nhiều lần, nhận ‘theo cấp số nhân!’.

Nói đến sự hào phóng đối với Thiên Chúa, con người thường nghĩ đến những lễ phẩm. Thế mà tác giả Huấn Ca bất ngờ tiết lộ một điều gì đó cao hơn, ‘phi vật chất’ hơn, “Ai tuân giữ lề luật, là dâng nhiều lễ vật”, “Ai làm phúc bố thí, là dâng lễ hy tế”, “Lánh xa bất công là dâng lễ đền tội”. Thánh Vịnh đáp ca cũng nhắc lại sự thật ‘dâng một, nhận mười’; nhận cả thiên đàng, nhận ơn cứu độ của Chúa, “Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ!”.

Ơn cứu độ! Đó cũng là nội dung Tin Mừng khi Phêrô nói, “Đây, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?”. Chúa Giêsu cho biết, họ không chỉ được ân thưởng sự sống đời đời mai ngày nhưng ngay cả đời này. “Cùng với sự bắt bớ!”. ‘Bắt bớ’ là một phần của ‘phần thưởng’ và điều đó sẽ chứng tỏ, các môn đệ thực sự thuộc về Ngài. Hy sinh và khổ đau chẳng có giá trị gì; nó chỉ giá trị khi được thực hiện vì tình yêu Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Như thế, bằng cách chứng minh tình yêu của mình ngay bây giờ, người môn đệ sẽ hưởng trước thiên đàng ngay hôm nay và cả mai ngày; họ sẽ hưởng ‘theo cấp số nhân’ cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng!

Thánh Ignatiô chia sẻ, “Nếu Chúa ban cho bạn một mùa bội thu từ những thử thách, thì đó là dấu hiệu của sự thánh khiết Ngài muốn bạn đạt được. Bạn muốn trở thành một vị thánh vĩ đại? Hãy cầu xin Ngài ban cho bạn thật nhiều đau khổ! Mọi thú vui trần gian sẽ không tài nào sánh được với vị ngọt trong mật và giấm đã được dâng cho Chúa Kitô. Cũng thế, những khó khăn, đau khổ mà chúng ta phải trải qua ‘cho Ngài’, ‘với Ngài’ và ‘vì Ngài!’”.

Anh Chị em,

“Chúa sẽ trả lại cho con gấp bảy lần!”. Đôi khi, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa yêu cầu chúng ta quá nhiều. Đúng! Ngài yêu cầu rất nhiều! Toàn bộ cuộc sống của chúng ta! Và không chỉ điều này, điều kia, Ngài ‘đòi bằng được’ cả chính ‘cái tôi’, sự ích kỷ của mỗi người. Vì lẽ, từ bỏ tất cả nhưng không từ bỏ ý riêng, ‘cái tôi’, là chưa từ bỏ gì cả. Ngài mời chúng ta hiến mình cho Ngài mà không có ngoại lệ, cũng chẳng trả giá. Nếu hiểu rằng, chúng ta ‘dâng một, nhận mười’ và nhiều hơn nữa ‘theo cấp số nhân’, thì phần thưởng hôm nay và mai ngày sẽ vô cùng lớn lao so với những gì chúng ta từ bỏ. Những hy sinh ấy sẽ rất nhạt nhoà so với “những đồng vàng” Ngài ban tặng; từ đó, nhất định, bạn và tôi sẽ không từ chối với Ngài bất cứ điều gì!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhiều lúc, con quá bủn xỉn với Chúa! Đừng để con quên, con ‘dâng một, nhận mười’, ‘theo cấp số nhân’, đến đỗi không vác nổi. Và con không bao giờ mặc cả, ngã giá!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỘT LỄ HIỆN XUỐNG MỚI - Thứ Tư 31/05

 

“Bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần”.

M. Bounds nói, “Điều Giáo Hội cần ngày nay không phải là máy móc tốt, không là những tổ chức mới lập hay là các phương pháp mới mẻ. Điều Giáo Hội cần là những con người mà Chúa Thánh Thần có thể sử dụng - những người kiên cường trong cầu nguyện. Chúa Thánh Thần không tuôn chảy qua các phương pháp, mà qua con người. Ngài không đến bằng máy móc, mà bằng con người. Ngài không xức dầu cho các kế hoạch, mà là những con người - những con người cầu nguyện. Ở đâu có họ, ở đó có ‘một lễ Hiện Xuống mới!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ở đâu có họ, ở đó có ‘một Lễ Hiện Xuống mới!’”. Tin Mừng ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng cho thấy Maria, là một trong những con người đó.

Vậy thì điều gì đã thôi thúc Maria mạo hiểm thực hiện một cuộc du hành đầy rủi ro và vội vã đến thế? Thưa đó là sức mạnh không thể cưỡng lại đang tác động bên trong Mẹ! Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần từ ngày Truyền Tin đã làm lu mờ và đã lấp đầy ‘thiếu nữ Sion’ này. Chính Thánh Thần giục giã Mẹ cất bước, cùng lúc với sự thôi thúc bên trong của hài nhi Giêsu Mẹ đang cưu mang. Để rồi, Mẹ cùng Con, đồng hành với Thánh Thần trong niềm vui. Và như thế, lời sấm của Xôphônia trong bài đọc hôm nay được ứng nghiệm, “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!”. Cũng chính Thánh Thần đó, đã ngập tràn Elizabeth khi bà vừa nghe lời chào của người em họ, đến đỗi, Gioan trong dạ mẹ cũng nhảy lên vui sướng.

Có thể nói, cuộc viếng thăm của Đức Maria là ‘một Lễ Hiện Xuống mới’ mà Elizabeth tự coi mình bất xứng để hưởng nhận, “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm?”. Câu hỏi bồi hồi của Elizabeth phản ánh một đức tính cần thiết nơi một người được Thánh Thần rợp bóng, đó là sự “khiêm nhường!”. Elizabeth ý thức sâu sắc sự thấp hèn của mình trước cuộc viếng thăm của Mẹ Chúa; và Maria đã lặp lại tâm tình khiêm nhượng này trong khúc Magnificat của mình. Vậy thì đâu là lý do mà Đấng Tạo Thành đã làm cho Mẹ những điều cao cả, đến mức muôn thế hệ sẽ gọi Mẹ là người có phúc? Điều đó không do bất kỳ một tài năng hay một phẩm chất nào; cũng không do sự hùng vĩ tráng lệ nào mà thiếu nữ này đã quyến rũ được Đấng Chí Thánh… nhưng đơn giản, vì “Chúa đã đoái thương nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn!”.

Anh Chị em,

“Bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần”. Nhờ cuộc thăm viếng của Maria, Elisabeth cũng ngập tràn niềm vui và Thánh Thần. Đức Bênêđictô viết, “Đây là niềm vui mà trái tim cảm nhận khi chúng ta quỳ gối để tôn thờ Chúa Giêsu trong đức tin. Niềm vui mang Chúa Kitô, đầy Thánh Thần với lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vốn thúc đẩy chúng ta mang Chúa đến cho người khác”. Vì thế, khi cất lên Magnificat, Mẹ không còn giữ kín niềm vui cho mình, nhưng nghĩ tưởng về những gì Chúa làm cho dân tộc mình; một dân tộc, rồi đây, sẽ nhận biết ơn cứu độ. Kìa! “Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi!”, Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc! Ước gì, niềm vui có Chúa Thánh Thần trong chúng ta cũng mang đến ‘một Lễ Hiện Xuống mới’ cho gia đình, cho những người thân yêu, cho những anh chị em chung quanh từ cuộc sống của bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một cỗ máy vô hồn, nhưng là một con người cầu nguyện đầy Thánh Thần; để ở đâu có sự hiện diện của con, ở đó có ‘một Lễ Hiện Xuống mới!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

RA KHỎI NHÀ TÙ TỰ TẠO - Chúa Nhật 28-05

 

“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín!”.

Một nhà thần học nói, “Satan, thủ lãnh thế giới, giam hãm chúng ta vào nhà tù riêng của mình bằng các chấn song tính hư nết xấu và tội lỗi. Nhưng Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Thế Giới, đã giải thoát chúng ta. Ngài bẻ gãy các chấn song, đưa chúng ta ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’ của mình!”.      

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Thế Giới, đã đưa chúng ta ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’ của mình!”. Đúng thế! Tin Mừng Chúa Nhật Hiện Xuống chứng tỏ điều đó với một chi tiết khá thú vị, Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ khi “các cửa đều đóng kín!”. Với Ngài, cửa khoá không là vấn đề! Ngài không ngại cửa khoá! Không chỉ đi vào, Ngài còn đi ra; mở toang các cửa, cửa tâm hồn, cửa trái tim. Ngài giục chúng ta mau ‘ra khỏi nhà tù tự tạo!’. 

“Các cửa đều đóng kín!”, nghĩa là cửa ‘khoá phía trong!’. Vậy điều gì khiến trái tim bạn ‘khoá phía trong’, và lạnh lùng chững lại trên con đường hoán cải và dấn thân? Không lẽ chỉ vì sự ươn lười nội tâm mà bạn và tôi mù quáng đến mức không nhận ra quyền năng sống động của Chúa Phục Sinh? Chúng ta hoàn toàn có thể ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’, chỉ bằng cách tin vào Chúa Kitô. Hôm nay Ngài lại đến qua những cánh cửa ‘khoá phía trong’; Ngài yêu cầu bạn và tôi mở khoá bằng những ‘trải nghiệm phục sinh’ của riêng mình trong quyền lực Thánh Thần. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Thánh Thần”. 

Một trong những ‘trải nghiệm phục sinh’ của các tông đồ là bình an của Chúa Phục Sinh, “Bình an cho các con!”. Nào xem, bình an của bạn có phải là “bình an” của phòng Tiệc Ly? Hãy xem, trong tuần qua, những nơi nào mà bạn đã cố tìm sự ủi an; bạn “thoả mãn”, “hài lòng” hay “bình an?”. Bình an của Chúa Kitô hoàn toàn khác! Bạn có thể biết ơn một số thoả mãn vốn là một phần cuộc sống; nhưng khi tìm chúng vì ích kỷ, bạn có thể dễ dàng nhấn chìm sự sống của Chúa Thánh Thần, Đấng mang cho bạn bình an đích thực! Lễ Hiện Xuống phải thuyết phục bạn và tôi trên hết và trước hết ‘về sự cầu nguyện và về trật tự cuộc sống’, vốn cho phép mỗi người ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’. Nhờ đó, có thể tiếp cận các nguồn ân sủng và soi dẫn của Thánh Thần, Đấng “canh tân bộ mặt trái đất”, “đổi mới tâm hồn” như Thánh Vịnh đáp ca công bố!

Trong Bí Tích Cáo Giải, bạn được thứ tha nhờ tác động của Thánh Thần. Bạn tin ơn tha thứ, tin sự biến đổi nhờ lòng thương xót Chúa; vậy tại sao bạn không tin ân sủng từ Thánh Thần có thể giúp bạn ‘ra khỏi tù’ để trở nên những vị thánh anh hùng, chiến thắng trong thử thách, nhẫn nại trong gian truân và hiệu quả trong tư cách tông đồ? Chúa Kitô luôn ở với chúng ta; vì vậy, không lý do gì để bạn và tôi “trung lập” hay “thoả hiệp” sau một vài sự cố tồi tệ trong cuộc sống!

Anh Chị em,

“Các cửa đều đóng kín!”. Thế giới càng mở ra bao nhiêu, tâm hồn mỗi người càng khép kín bấy nhiêu! Tại sao? Thế giới mở ra với bao chèo kéo, chào mời, nhằm cuốn hút con người vào vòng xoáy cơn lốc của chủ nghĩa hưởng thụ; nó mồi chài con người bằng sự dễ dãi của thuyết tương đối. Từ đó tâm hồn con người ngày càng đóng kín, ích kỷ, nếu không nói là ‘khoá chặt phía trong’. Không, chúng ta sẽ không để mình vong thân, bạn và tôi không phải là những tù nhân của thế giới. Chúa Phục Sinh, “Đấng bẻ gãy các chấn song tính hư nết xấu và tội lỗi” sẽ giải thoát chúng ta vốn là con cái tự do của “Đấng làm mọi sự trong mọi người” như bài đọc hai hôm nay nói đến. Ngài đang làm hết sức để chúng ta sớm mở khoá, mà ‘ra khỏi nhà tù tự tạo!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, giúp con mở những ‘cánh cửa khoá phía trong’; bẻ gãy ‘các chấn song’ bằng ân huệ Chúa. Đưa con ra khỏi ‘chốn tù đày’ mà không bao giờ có chút vấn vương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

Subcategories