- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.
“All Hallows College”, một đại học danh tiếng ở Ái Nhĩ Lan, nơi đào tạo các linh mục truyền giáo tại các nước nói tiếng Anh. Trên cánh cửa của đại học, người ta có thể đọc thấy khẩu hiệu ghi rõ mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật Thăng Thiên hôm nay ghi lại mệnh lệnh dứt khoát của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài về trời, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.
Vào thời Chúa Giêsu và những năm đầu tiên của Giáo Hội, thật khó để tưởng tượng Phúc Âm sẽ được rao giảng cho mọi quốc gia. Bởi lẽ, cộng đồng những người tin chỉ là một nhóm thiểu số, rải rác trên một khu vực rất nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay, Giáo Hội đã có mặt khắp cả địa cầu; Tin Mừng đã đến với mọi đất nước, mọi dân tộc; Thánh Kinh được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ và các môn đệ của Chúa Giêsu tiếp tục được đào tạo, tiếp tục được sai, ‘Hãy đi!’.
Vậy mà, không ít người trong chúng ta có thể dễ dàng chán nản khi chỉ tập trung vào những gì đang xảy ra trong đời sống Hội Thánh ở một nơi nào đó. Edward Schillebeeckx từng cho rằng, “Chúng ta đang sống chính sự nản lòng của các tông đồ tiên khởi trong thời gian giữa ‘cái chết của Chúa Giêsu và lúc họ nhận ra Ngài đã phục sinh’. Như họ, chúng ta có cùng cảm nhận, cùng hoài nghi với sự mơ hồ của họ trên đường Emmaus. Chúng ta biết Chúa Kitô, nhưng là một Chúa Kitô từng bị đóng đinh; vì thế, chúng ta không nhận ra Ngài đang đi, đang sống giữa chúng ta hơn bao giờ hết, dù theo một cách khác. Như các môn đệ Emmaus, chúng ta thường cúi mặt bước đi đầy hoang mang. Phải, chúng ta cần Chúa Kitô xuất hiện trong một hình hài mới để tái định hình chân dung của Ngài, hầu có thể nhận ra Ngài đang hiện diện!”.
Đồng ý một phần với Schillebeeckx, cha Ron Rolheiser còn có một cái nhìn khác, “Giáo Hội ngày nay đang ở trong khoảng thời gian ‘giữa phục sinh và thăng thiên’; Giáo Hội cảm nhận sự nản lòng đáng kể, với những ‘dung mạo’ phù hợp của một nhận thức cũ về Chúa Kitô, nên không nhận ra Ngài trong giây phút hiện tại. Với những ai lớn lên trong một nhận thức đức tin nào đó, thì Chúa Kitô đã bị đóng đinh. Thế nhưng, Chúa Kitô không chết, Hội Thánh không chết. Cả Chúa Kitô và Hội Thánh đang rất sống động bước đi với chúng ta; Ngài đang dần dần tự mình tái định hình ‘dung mạo’ cho chúng ta, diễn giải Thánh Kinh cho chúng ta, và một lần nữa nói với chúng ta rằng: Không phải Chúa Kitô và Hội Thánh cần chịu nhiều đau khổ sao?”.
Anh Chị em,
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”. Lễ Chúa Lên Trời mời gọi chúng ta đến với một sự thật; rằng, có một Đấng đã chết! Nhưng có một sự thật khác còn phong phú hơn; rằng, Đấng ấy cần từ bỏ cách thức hiện diện trước đây để có thể hiện diện theo một cách mới. Thần học và linh đạo thăng thiên, căn bản gói gọn trong những lời này: Từ chối bám chặt vào những gì từng có, buông bỏ nó, để có thể nhận ra sự sống mới; đón nhận sinh khí của sự sống ấy và thi hành mệnh lệnh ‘Hãy đi!’ Ngài giao phó. Vì thế, lễ Thăng Thiên là lễ của niềm hy vọng; lễ mời gọi chúng ta hãy hy vọng về Chúa Kitô, về Hội Thánh. Nó không phải là một lễ kỷ niệm sự ra đi của Chúa Giêsu; đúng hơn Ngài đi vào trong một sự hiện diện mới với các tông đồ, với chúng ta cách tuyệt vời hơn trong Thánh Thần và qua Thánh Thần.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dù con gần đất hơn gần trời, xin đừng để lòng con nặng ‘mùi đất’; cho con luôn hướng lên cao, để có thể ngát thơm ‘mùi trời’ và sẵn sàng ra đi để toả hương!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Cứ nói đi, chớ làm thinh; vì Ta ở cùng con!”.
Trong cuốn “A Holy Rebellion”, “Cuộc Nổi Loạn Thánh”, Thomas Ice & Robert Dean đặt vấn đề, “Khi nào chúng ta hành động như Satan?”. Câu trả lời đơn giản là “Khi bạn và tôi đặt lợi ích bản thân trên lợi ích của Chúa Kitô; và khi chúng ta coi khổ đau và thử thách trong cuộc sống như một bế tắc, thất bại, thay vì coi đó chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có cùng một quan điểm với hai tác giả “Cuộc Nổi Loạn Thánh”. Rằng, khổ đau, bắt bớ, chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui!’. Vì thế, thông điệp “Ta ở cùng con!” gửi cho Phaolô qua bài đọc thứ nhất cũng là thông điệp Ngài gửi cho các môn đệ mọi thời; trong đó, có bạn và tôi!
Khi căn dặn, “Cứ nói đi, chớ làm thinh!”, Chúa Giêsu muốn xác nhận những gì rồi đây Phaolô sẽ chịu là có thật! Việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là có thật! Việc chống đối lời Phaolô rao giảng là có thật! Vì thế, Ngài trấn an, “Ta ở cùng con, không ai tra tay hại được con!”. Qua đó, Chúa Giêsu cho biết bách hại, tù đày Phaolô sẽ chịu, là những gì phải đến trước; và nó sẽ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’, niềm vui được nên giống Thầy. Và hơn thế, nó còn là niềm vui ‘Thiên Chúa được nhận biết’. Dân thành này rồi sẽ tuyên xưng cùng dân các thành khác, “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín!
Khẳng định của Chúa Giêsu về những gì phải đến sẽ đến càng rõ ràng hơn với bài Tin Mừng. Ngài thừa nhận những gì đang ở phía trước; đó là đau đớn và buồn phiền, “Các con sẽ khóc lóc; thế gian, sẽ vui mừng”. Nhưng Ngài kịp hứa với họ, “Thầy sẽ gặp lại các con!”; nghĩa là, “Thầy sẽ ở cùng các con, với các con, trong các con!”. Và không thể tin được! Chúa Giêsu dùng một hình ảnh sống động, thú vị, tưởng như Ngài từng trải nghiệm, “Người phụ nữ sinh con rồi, thì không còn nhớ đến gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui”. Ngài bảo đảm với chúng ta rằng, sự hiện diện thường xuyên của Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào; bất cứ điều gì xảy ra cũng chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn, niềm vui có Ngài!
Anh Chị em,
“Vì Ta ở cùng con!”. Đó cũng là điều Thiên Chúa thường hứa với những ai Ngài gọi để trao một sứ vụ. Khi sai Môisen đi giải phóng dân, ông hỏi một đàng, “Con là ai mà dám ra trước Pharaô?”; Chúa trả lời một nẻo, “Ta sẽ ở cùng ngươi!”. Thật lý thú, vì từ đó, xem ra Môisen còn có thêm một cái tên mới, “Ta Sẽ Ở Cùng Ngươi”. Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần chào Maria, “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng, ‘Chúa ở cùng bà!’”. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta chào nhau, “Chúa ở cùng anh chị em!”, “Và ở cùng cha!”. “Có Chúa ở cùng”, đó là một sự thật đáng vui mừng! Đừng quên, Ngài là Emmanuel; Ngài ở cùng chúng ta như đã ở với Con Một Giêsu trọn cuộc sống dương gian. Vì thế, bao khốn khổ, đớn đau Chúa Giêsu trải qua, kể cả cái chết trên thập giá… tất cả chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn, “Niềm Vui Phục Sinh”. Và còn hơn thế, “Niềm Vui Phúc Kiến” bên Cha đời đời, vốn đã tiềm tàng ở cuối chân trời mà chúng ta đang hướng về Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết rằng, Chúa đang cầm trên tay triều thiên long lanh của con; vì thế, mọi ‘thánh giá mềm cứng’ đời con chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)