3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Khi Bóng Tối Tràn Ngập

Chủ đề: "Muốn được sống, chúng ta phải chú tâm vào Đức Giêsu chứ không phải vào những vấn đề của chúng ta"

Một chiếc tàu đánh cá Xô Viết được đưa vào sửa chữa bên cạnh chiếc tàu tuần dương Hoa Kỳ tại bờ biển New England. Các quan chức Mỹ- Xô cùng ngồi trong chiếc tàu Nga bàn luận sôi nổi về kỹ thuật đánh cá ở Bắc Đại Tây Dương. Cuộc hội thảo đang tiến hành tốt đẹp thì vào đêm nọ, một sự cố bất ngờ đã đe doạ bầu khí thuận thảo giữa hai bên.

Chuyện xảy ra là có một thuỷ thủ người Nga tên Simas Kudirka lẻn ra khỏi tàu Xô Viết, bơi khỏi mười bộ (khoảng 3m) qua bên tàu Mỹ. Kudirka nài nỉ được tỵ nạn chính trị, nhưng vị chỉ huy tàu Mỹ từ chối. Quyết định này về sau bị các thượng cấp quở trách. Còn chàng thuỷ thủ hụt hẫng ấy bị giao lại cho nhà cầm quyền Xô Viết, bị trả về Nga, sau đó bị giam vào tù. Trong thời gian ở tù, chàng đã nhiều lần tuyệt vọng. May thay giữa cơn thử thách ấy, một tù nhân khác đã dạy chàng vần thơ của thi sĩ Ruydyard Kipling người Anh. Về sau, Kudirka cho hay rằng chính những dòng thơ này đã gíup chàng đương đầu với tương lai. Một đoạn trích từ những dòng thơ ấy:

"Nếu dành được chiến thắng hay gặp cơn hoạn nạn, con vẫn xử sự như nhau,
Nếu điều chân thực con nói ra, lại bị những tên vô lại vu khống là gian dối hại người, mà con vẫn tỏ ra bình thản.
Nếu nhìn toàn bộ sự nghiệp đời mình đang vỡ tan, mà con vẫn bình tâm nhẫn nhục xây dựng lại, bằng những phương tiện cùn lụt.
Nếu con vẫn có thể dồn toàn bộ năng lực của tâm hồn, thần kinh và gân cốt, để tiếp tục sinh hoạt như bình thường, sau khi chúng gần như bại liệt…
Và nếu con vẫn kiên gan bền chí, khi tất cả mọi sự đã tiêu tùng, chỉ còn lại ý chí trong con bảo con phải kiên trì…
Nếu con làm được như thế, thì trái đất và mọi sự trên đó sẽ thuộc về con.
Hơn thế nữa, hỡi con Ta, con sẽ là một con người đích thực."

Thỉnh thoảng, Kudirka lại nhẩm đi nhẩm lại những lời trên, dần dà chúng đem lại cho chàng một sức mạnh đáng kể giúp chàng kiên vững. Câu chuyện còn dài nhưng tôi xin rút ngắn lại Kudrika vẫn sống sót sau khi bị tù, và hiện nay anh đã được tự do. Kudirka cho rằng sở dĩ anh sống sót chính là nhờ sức mạnh tinh thần do bài thơ của Kipling đem lại. Bài thơ ấy giúp cho anh có sức mạnh để kiên trì khi nơi anh chẳng còn lại gì ngoài ý chí truyền bảo anh: hãy cứ bền gan.

***

Câu chuyện trên cho ta thấy rõ điểm trọng yếu trong bài Tin Mừng hôm nay, điểm trọng yếu đó là: Trong cuộc đời, có những lúc chúng ta dường như bị dồn vào chân tường và hầu như đang sắp sửa mất tất cả. Có những lúc chúng ta cần phải có một cái gì gíup chúng ta đừng nản chí. Chúng ta cũng thấy tâm trạng đó trong bài Tin Mừng hôm nay. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng bị đẩy vào chân tường. Niềm tin của các ông nơi Đức Giêsu bị thử thách trầm trọng, vì trong bài giảng Ngài nói rằng Ngài sẽ hiến chính thịt Ngài cho họ ăn.

Các môn đệ phản ứng lại thách đố này bằng hai cách: Một nhóm cảm thấy không thể nào chấp nhận được những lời Đức Giêsu nói ấy, nên họ từ giã Ngài, không còn theo Ngài nữa. Nhóm còn lại thắng được cơn thử thách và vẫn trung thành với Đức Giêsu. Tại sao nhóm thứ nhất thất bại và nhóm thứ hai thành công trong cuộc thử thách ấy?.

Tin Mừng không trả lời câu hỏi ấy, nhưng đã ghi lại một manh mối để trả lời. Manh mối đó là: khi Chúa Giêsu hỏi nhóm thứ hai: "Các con cũng bỏ Ta chứ?". Phêrô trả lời thay cho cả nhóm: "Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai đây? Thầy có lời ban sự sống đời đời. Và bây giờ chúng con biết và tin rằng Thầy là Đấng Thánh duy nhất từ Thiên Chúa đến". Bị dồn vào chân tường, nhóm này biết dán mắt vào Chúa Giêsu. Những lời Đức Giêsu nói ra không hề khiến họ chao đảo. Bị dồn vào chân tường, họ vẫn tin tưởng vững chắc vào Đức Kitô, đang khi nhóm thứ nhất làm ngược lại. Họ chỉ biết chú tâm vào vấn đề của họ, thắc mắc của họ. "Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?". Tóm lại, họ không biết nhìn đăm đăm vào Đức Giêsu.

Một đằng biết chú tâm vào Đức Giêsu, một đằng chỉ biết chú tâm vào những vấn đề của mình. Hai hình ảnh ấy cũng được diễn tả rõ ràng trong một đoạn Tin Mừng khác liên quan tới Chúa Giêsu và Thánh Phêrô:

Một đêm nọ, các tông đồ đi thuyền trên hồ thì một cơn bão lớn thổi tới. Khi cơn bão mạnh đến cực điểm thì Đức Giêsu hiện ra đi trên sóng tới với họ. Các tông đồ kinh khiếp quá la lên: "Ma! Ma!" Lập tức Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy can đảm lên! Ta đây! Đừng sợ!". Bấy giờ Phêrô lên tiếng: "Lạy Thầy, nếu quả thực là Thầy, xin hãy ra lệnh cho con bước trên mặt nước mà đến với Thầy!". Chúa Giêsu trả lời: "Cứ đến đi!". Thế là Phêrô bước ra khỏi thuyền và bắt đầu đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy gió mạnh quá, ông liền kinh sợ, thế là ông bắt đầu chìm xuống nước… ông vội la to lên: "Thầy ơi, cứu con với!". Lập tức Chúa Giêsu đưa tay nắm lấy ông và nói: "Sao đức tin của con kém thế! sao con lại hồ nghi trong lòng?" (Mt 14: 26-31)

Câu chuyện trên cho thấy: Bao lâu Phêrô biết vững tâm nhìn vào Chúa Giêsu, thì ông được an lành. Nhưng khi ông rời mắt khỏi Ngài và bắt đầu chỉ chú tâm lo vấn đề của riêng mình, thì lập tức ông lâm vào nguy hiểm ngay.

Từ đó chúng ta có thể rút ra những kết luận thực tiễn:

Khi gặp bão tố, chúng ta đều xử sự giống như Phêrô. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những cơn bão tố cực kỳ nguy hiểm. Trong cuộc sống có những lúc chúng ta cảm thấy mình như muốn chìm lỉm như Phêrô. Khi gặp những cảnh như thế, chắc chắn chúng ta sẽ gặp trong tương lai, chúng ta đừng vấp phải cùng một lỗi giống như Phêrô. Chúng ta đừng chỉ biết chú ý đến cơn bão, nghĩa là chỉ biết chú tâm tới những vấn đề chúng ta. Tốt hơn, chúng ta hãy chú tâm vào Chúa Giêsu đang đứng trên thuyền và khích lệ chúng ta. Hoặc chúng ta có thể nghĩ tương tự như thế qua câu chuyện bài Phúc Âm hôm nay, tức câu chuyện Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về bí tích Thánh Thể. Trong cuộc sống sẽ có những giây phút chúng ta cũng bị thách đố bị cám dỗ từ bỏ Chúa, không theo Ngài nữa. Những lúc đó, chúng ta đừng vấp phải những lầm lỗi giống như các tông đồ ngày xưa đã vấp phải. Nghĩa là đừng chỉ lo chú tâm đến vấn đề đang xảy đến cho chúng ta, mà hãy đưa mắt nhìn vào Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xác nhận lại niềm tin vào Ngài như Thánh Phêrô đã làm và hãy thưa cùng Ngài:

"Lạy Chúa, Chúa có những lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin… Ngài là Đấng Thánh duy nhất từ Thiên Chúa đến…."

Cha Mark Link, S.J.

Người Tín Hữu

Lương Thực Của Người Khôn

Ở đời ai cũng cho mình là khôn. Không ai muốn bị người khác bảo mình là dại dột. Ai cũng cho mình là hay, là hơn, là nhất, và cái gì của mình cũng hay, cũng hơn, cũng nhất. Không ai muốn thua ai đến nỗi chỉ giữa hai người mà người ta cũng dùng phép so sánh nhất: “Nhà tôi với nhà chị thì nhà tôi giàu nhất”, “Con tôi với con chị thì con tôi học giỏi nhất”. Thậm chí ngay trong gia đình, vợ giành khôn hơn chồng, chồng giành khôn hơn vợ. Ai cũng giành cái khôn nhất cho mình, khôn từ kiến thức, kinh nghiệm, đến lời ăn tiếng nói, đến cả cách ăn cách mặc, cách ứng xử, cách kiếm sống, cách hưởng thụ tiêu khiển, cách ăn chơi.

Cuộc đời trần gian như một cuộc lữ hành. Con người cho mình là khôn và tự sức mình đi tìm hạnh phúc, đi tìm đất sống. Cuối cùng là khi chưa tìm được hạnh phúc, chưa tìm được đất sống và cũng không muốn tìm đất để chết, cũng đã phải chết và trở về lòng đất, nơi mà có thể cả đời mình chưa hề bận tâm tới. Một cuộc lữ hành gần như vô định hướng.

Biết bao người “tự cho mình là khôn” đang nhan nhản giữa chúng ta, và có khi cả chính chúng ta nữa, những người Công Giáo. Mấy chục năm nay, thêm một khẳng định trơ trẽn mà người ta vẫn cho như là chân lý của người khôn thời đại vô thần rằng: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Không thấy có chút khái niệm nào về sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của thần linh trong suy nghĩ của người vô thần. Đến khi biết được “bàn tay ta” cũng có hồi bại liệt, “sức người” cạn kiệt thì mới vỡ lẽ ra hết đời, rồi liều mình tuyến bố “chết là hết”. Ôi, thật là tệ hại cho cái túi khôn của con người kiêu ngạo, như “con chim hay nói, nó nói tào lao, không có đứa nào, dạy cho tao nói”.

Với các Kitô Hữu Công Giáo, thiết tưởng phải ý thức rất rõ về sự hiện diện của mình trên trần gian nhờ và trong thánh ý của Thiên Chúa, phải ý thức về sự mỏng dòn của đời người để biết tìm một nơi nương tựa vững chắc là Thiên Chúa, phải ý thức rất chuẩn về cùng đích của cuộc đời là được sinh ra bởi Tình Yêu và sẽ trở về với Tình Yêu của Thiên Chúa… Vì thế, cuộc đời là một cuộc hành hương. Hành hương đi tìm đất sống, tìm hạnh phúc thật, hạnh phúc vô biên.

Cuộc hành hương ấy là cuộc lữ hành ý nghĩa, có địa chỉ, có định hướng, có niềm hy vọng, có mục đích. Ý nghĩa cuộc đời không phải là sự chết của thân xác hay hư nát, nhưng chính là sự sống và sự sống lại của thân xác cần phải hư nát.

Người đi trong cuộc lữ hành cần ăn để có sức đi. Nhưng tiếc là, đến một lúc chắc chắn rằng con người không còn sức để ăn nữa, và hiểu là cũng không còn sức để đi. Và lúc ấy mới hiểu ra lương thực trần gian cũng tạm bợ, cũng hư nát như cuộc đời trần gian vậy. “Tay ta làm nên tất cả” mà tất cả ấy là thứ tất cả chóng vánh, hư nát. “Sỏi đá cùng thành cơm”, nhưng rồi cơm bánh trần gian chỉ nuôi ta một thoáng đời ngắn ngủi.

 Lời Chúa hôm nay chỉ ra cho thấy thế nào là khôn hay dại đích thực trong cuộc lữ hành trần gian. Và đặc biệt hơn cho biết lương thực của người khôn là lương thực không hề hư nát để có một cuộc sống không hề hư nát. Lương thực ấy chính là Thánh Ý của Thiên Chúa và Thánh Thể Chúa Giêsu.

Từ Cựu Ước, lương thực ấy được sách Châm Ngôn đề cập đến: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan” ( Cn 9, 5 – 6 ).

“Bước theo đường lối khôn ngoan” là hãy tìm thánh ý của Đấng Khôn Ngoan, Đấng thượng trí tuyệt đối. Tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa và thưởng nếm sự thiện hảo của Ngài khi để cho sự thiện hảo của Ngài khẽ chạm vào cuộc sống, để sự thiện hảo của Ngài hướng dẫn mọi suy nghĩ, mọi hành vi.

Đừng trơ trẽn cậy dựa vào sức mình nhưng hãy cậy vào sức của Chúa.
Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” ( Tv 33, 9a ).

Thánh Phaolô lại khuyên “Hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa” ( x. Ep 5, 15 – 20 ).

Và đặc biệt hơn cả, Tin Mừng theo Thánh Gioan cho biết Lương Thực của người khôn ngoan là chính Thịt Máu Chúa Giêsu:

“Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” ( x. Ga 6, 51 – 59 ).

Người khôn ngoan là người tin có đời sau, và biết lo cho mình được sống không chỉ ở đời này, mà còn được sống ở đời sau.

Biết bao người trong chúng ta cũng đang sống theo cách sống của những người không tin có đời sau, nên chẳng tha thiết với lương thực trường sinh của người khôn ngoan theo thánh ý Chúa. Đã vậy, lại còn tiếp tay với những kẻ vô thần bằng cách thinh lặng trước những xúc phạm tày trời đối với Thiên Chúa, đối với những người tin Chúa, và cả với Thánh Thể Chúa Giêsu.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ơn khôn ngoan biết chọn Chúa làm noi nương tựa vững chắc trong cuộc đời, và biết sống nhờ sức sống nơi Thánh Ý và Thánh Thể Chúa. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG

THUỘC VỀ

“Ngươi thuộc về Ta!”.

“Hôn nhân không phải là thiên đường, chẳng phải là địa ngục; đơn giản, nó là luyện hình!” - Abraham Lincoln. “Người độc thân là một sinh vật không hoàn chỉnh; người ấy như một nửa kỳ quặc của chiếc kéo!” - Benjamin Franklin. Một nhà tu đức lại bảo, “Dù sống đời hôn nhân, hay độc thân; bạn không thuộc về mình mà thuộc về Chúa!”. 

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi “Thuộc Về” là một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Êzêkiel là một áng văn tuyệt vời diễn tả Giêrusalem như một đứa trẻ sơ sinh giữa đồng vắng được Thiên Chúa nhặt về. Với Chúa Giêsu, dù ở bất cứ bậc sống nào, bạn và tôi ‘không thuộc về mình’ mà ‘thuộc về’ Chúa! 

Qua miệng Êzêkiel, Thiên Chúa sánh Giêrusalem như một đứa trẻ rốn chưa cắt, giãy giụa trong máu, bị vứt giữa đồng… Ngài lượm về, tắm rửa, dưỡng nuôi và yêu thương nó. Nó lớn phổng, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, được trang sức với những gì quý giá nhất. Nhưng, hỡi ôi! Cậy vào nhan sắc, nó làm điều ghê tởm. Dẫu thế, Thiên Chúa vẫn một dạ xót thương, “Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân!”. Ngài tha thứ tất cả, “Ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ tất cả những việc ngươi đã làm”. Thiên Chúa không để mất nó, nó ‘thuộc về’ Ngài! Thánh Vịnh đáp ca tỉ tê, “Giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Chúa lại ban nguồn an ủi”.

Với bài Tin Mừng, nhân câu hỏi của giới biệt phái, “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?”, Chúa Giêsu trả lời bằng cách đưa họ về buổi đầu tạo dựng, nói cho họ kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa; rằng, hai người nam nữ kết hợp với nhau sẽ trở nên bất khả phân ly. Họ được tạo ra cho nhau; đó là những người sống trong tình yêu Chúa, sinh sôi nảy nở như ý định của Ngài. Họ thuộc về nhau, nhưng vẫn ‘thuộc về’ Ngài; bởi lẽ, họ có ra, gặp nhau, cốt cho vinh quang Ngài! Tuy nhiên, giữa họ, một khi ích kỷ của một người chiếm ưu thế thì tình yêu của họ mất hết ý nghĩa; bấy giờ là “luyện hình!”.

Chúa Giêsu còn đặt ra lý tưởng cao đẹp cho những ai bị coi là “sinh vật không hoàn chỉnh” vốn tự do từ bỏ hôn nhân vì Nước Trời. Ơn gọi trong mọi bậc sống đều đến từ Thiên Chúa, Ngài ban sức mạnh, ân sủng và niềm vui cho những ai hăm hở trên đường nên thánh riêng của mình - một con đường kỳ diệu - cho từng người, không ai giống ai.

Anh Chị em,

“Ngươi thuộc về Ta!”. Sẽ dễ hiểu khi nói những “nửa chiếc kéo kỳ cục” ‘thuộc về’ Chúa; nhưng xem ra khó hiểu khi nói những người sống đời hôn nhân - thuộc về nhau - nhưng vẫn ‘thuộc về’ Chúa! Nhưng đó là sự thật, vì ai cũng phải sống cho vinh quang Ngài! Ân sủng dẫy đầy trên mỗi người dù người ấy ở bậc sống nào. Nhờ ân sủng, những con trai con gái của Chúa được biến đổi trong Chúa Kitô, được ban quyền để sống trong sự thánh khiết và lẽ thật trọn vẹn. Vì thế, dù sống đời hôn nhân, hay dâng hiến, bạn hãy cộng tác với ân sủng; hãy để ân sủng mang lại sức sống và sự tươi mới! Từ đó, chúng ta có thể tạo nên một sự khác biệt, cống hiến một điều gì đó mới mẻ, đầy hy vọng. Tắt một lời, dù là gì, ở đâu, bạn và tôi vẫn ‘thuộc về’ Chúa, sống và làm vinh danh Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù là “nửa chiếc kéo kỳ quặc” hay đang ở “luyện hình”, dạy con tận dụng ân sủng Chúa hầu có thể tạo nên một sự khác biệt cho cộng đồng, cho thế giới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Thịt Ta là của ăn

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu:. Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?
2) Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?
3) Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?
4) Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

THẦN LƯƠNG

(1V 19, 4-8; Ep 4, 30- 5, 2; Ga 6, 41-52).

Sách Các Vua kể câu chuyện tiên tri Êlia thách thức các tiên tri thờ thần Baal và thần Asherah. Tại núi Carmel, Êlia đã trách móc vua Ahab về sự nhu nhược đã tôn thờ các thần ngoại bang và qụy lụy người vợ ngoại là Jezebel. Chỉ một mình Êlia, vị tiên tri của Chúa còn sót lại phải đối đầu với 450 tiên tri của thần Baal và 400 tiên tri của thần Asherah. Để nhận diện Thiên Chúa thật, Êlia đã tổ chức cuộc dâng hiến lễ toàn thiêu lên thần minh của mình. Nếu thần nào chấp nhận của lễ dâng hiến sẽ là thần chính thật. Các tiên tri Baal đã dâng của lễ và gào thét nguyện cầu cả ngày nhưng chẳng có thần minh nào đón nhận của lễ. Êlia đặt bàn thờ, giết chiên và đổ ngập tràn nước trên của lễ toàn thiêu. Êlia cầu khẩn và Thiên Chúa đã nhậm lời cho lửa thiêu đốt của lễ. Tiên tri Êlia đã toàn thắng và theo khế ước đã được chấp thuận trước, Êlia giết tất cả các tiên tri của Baal. Jerebel, vợ vua Ahab ghen tức muốn trả thù và đòi lấy mạng Êlia. Êlia đã trốn lên núi.

Tiên tri Êlia lo sợ chạy trốn lên núi than van cùng Chúa và ông xin cho được chết và nói: "Lạy Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con (1V 19, 4). Theo lệnh truyền của Thiên Chúa, các tiên tri có bổn phận loan báo chương trình của Chúa cho muôn dân. Khi vua quan và dân chúng sống trong lầm lạc, các ngài hướng dẫn đưa họ trở về cùng Chúa. Khi dân chúng sa vào những mê lầm thờ kính các thần gỗ đá vô minh, các tiên tri giúp họ tìm ra con đường chính thật. Thường các tiên tri bị các vua chúa, ngay cả các tư tế và dân chúng tẩy chay, từ chối và bị xua đuổi bắt bớ. Trên đường trốn chạy, thiên thần của Chúa đã mang cho Êlia của ăn và nước uống. Tiên tri đã hưởng dùng thần lương này và đủ sức đi bốn mươi ngày đêm tới núi Horeb.

Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta rằng: Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Ep 4, 32). Hãy đối xử tốt với nhau vì chúng ta cùng có một Cha trên trời là Đấng tác tạo muôn loài, cùng chung hưởng biết bao gia sản quí báu trong vũ trụ, cùng hít thở một bầu khí quyển, uống chung một nguồn nước, cùng chia sẻ những tấm bánh và đồng hành với nhau trong thời gian và không gian của vũ trụ. Tất cả mọi người cùng sống theo những lý tưởng để tiến đến một mục đích cuối cùng vì không ai có thể sống viên mãn một mình. Cũng thế, chúng ta không thể nên trọn lành đơn lẻ. Sống là sống cùng và sống với người khác, mọi người giúp nhau nên hoàn thiện. Kẻ giàu người nghèo, kẻ khôn người dại, kẻ sang người hèn, mọi người đều đi về cùng một cõi. Chúng ta cùng nương nhau để sống an lạc và bình an.

Kinh nghiệm cho thấy, cũng vì tranh dành miếng cơm manh áo mà loài người gây ra biết bao nhiêu khổ lụy ở đời. Hậu quả của chiến tranh bành trướng, dành dân chiếm đất và muốn sở hữu chủ nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham muốn. Hằng ngày chúng ta phải miệt mài lao động để kiếm tìm của ăn nuôi sống. Từng bước, nhu cầu cần yếu là kiếm bát cơm manh áo, rồi ăn no mặc ấm, tiến tới ăn ngon mặc đẹp và rồi ăn sung mặc sướng. Tuy nhiên, những thỏa mãn về nhu cầu vật chất không thể đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người. Mọi thứ của ăn trên trần gian dù là sâm ngàn năm, sâm bổ lượng, trái trường sinh và các món ăn đại bổ cũng không thể nuôi sống con người mãi mãi. Dù vất vả ngày đêm bon chen thu quén cải vật chất hoài cũng chẳng bao giờ no thỏa.

Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một thần lương vô giá. Bánh hằng sống từ trời xuống lại chính là thịt của Con Thiên Chúa, nguồn ban sự sống. Khi nghe về bánh lạ, nhiều người quá ngỡ ngàng không thể tin vào tai của mình nữa vì Lời của Chúa vượt trên trí hiểu của con người. Với các phép lạ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị tư tưởng cho dân chúng qua việc hóa bánh ra nhiều hai lần để nuôi cả ngàn người. Chúa cũng nhắc lại bánh Manna do Cha trên trời ban xuống cho dân trong hoang mạc. Bánh hóa nhiều để dưỡng nuôi thân xác yếu hèn của con người. Mọi người ăn để sống qua ngày rồi cũng sẽ chết. Nay Chúa ban bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống đời đời.

Chúng ta có thể minh chứng sự hiểu biết của mình qua Kinh Thánh, Triết học và Thần học, qua Huấn quyền và các nguồn học hiểu của Giáo hội về Bí Tích Thánh Thể nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần có sự cảm nghiệm, hòa nhập và tin yêu phó thác. Lãnh nhận bánh thiêng nuôi hồn, bánh thánh hòa nhập biến đổi trở nên máu thịt của chúng ta. Tự thân chúng ta cũng phải biến đổi để mỗi ngày trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Bí Tích Thánh Thể luôn là mầu nhiệm đức tin. Đừng bao giờ chúng ta rời xa nguồn sống ban phúc trường sinh. Thánh Thể luôn là trung tâm điểm đời sống của người Kitô hữu khắp mọi nơi.

Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin để chúng con vững bước theo Chúa. Xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa như thánh Phêrô xưa: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Lạy Chúa, chúng con tín thác vào Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Subcategories