8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH
    ĐỜI SỐNG TÂM LINH


     


     

    KHÁM PHÁ LẠI NHỮNG GÌ QUEN THUỘC

    “Ở đây còn có người hơn Giôna nữa!”.

    Gordon Lester nói, “Sự quen thuộc và gần gũi không giống nhau! Sự quen thuộc là điều không thể tránh; nó xảy ra gần như không thể thấy. Sự gần gũi thường khó có được; nó phải được kiếm tìm, mở ra và đáp lại. Sự quen thuộc mang lại thoải mái. Sự gần gũi lo lắng tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc và cảm kích cá nhân; nó đòi hỏi ‘khám phá lại những gì quen thuộc!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ý tưởng ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ của Gordon Lester. Nó cho thấy sự cần thiết của một nỗi lo thánh thiện về số phận đời đời của mỗi người. Thật thú vị, cả hai bài đọc liên kết với nhau qua một nhân vật khá độc đáo, Giôna! Giôna kêu gọi Ninivê trở lại cùng Chúa; Chúa Giêsu, kêu gọi người đương thời ‘khám phá lại những gì quen thuộc’.

    “Quen quá hoá coi thường!”. Trong Tin Mừng hôm nay, với Chúa Giêsu, những người đương thời của Ngài rơi vào thái độ này. Ngài đã làm bao phép lạ, dạy dỗ bao điều; và sự thánh thiện trong cách sống của Ngài là điều không ai phủ nhận. Ấy thế, một số người vẫn không hài lòng; họ đòi thêm dấu lạ, và Ngài đã khiển trách! Cũng thế, sẽ rất dễ dàng để chúng ta rơi vào thái độ tương tự với đức tin của mình. Thay vì đánh giá cao sự giàu có được bảo tồn trong Giáo Hội, nhiều người vẫn chạy theo những dấu lạ bất thường. Các Mối Phúc, các phép lạ trong Tin Mừng Chúa Giêsu làm, kể cả việc người chết sống lại nghe có vẻ nhàm chán; đang khi những mặc khải tư, chuyện các linh hồn hiện về… lại thu hút trí tưởng tượng của nhiều người. Mùa Chay, thời điểm tốt để mỗi người quay lại những gì căn bản, ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ trong đời sống thường nhật, gặp lại Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Lễ như thể lần đầu!

    Chúa Giêsu nói, “Sẽ không ban cho họ điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna”. Thật ra, sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong hành tinh này đã là một phép lạ cả thể cho nhân loại; nhưng với lời này, Ngài nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Trên thực tế, không có dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ này, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Đây là mùa hy vọng, mùa mà chúng ta ‘khám phá lại những gì quen thuộc’, thanh tẩy chính mình bằng việc sám hối để tham gia vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô!

    Vì lẽ, tất cả chúng ta đều là tội nhân! Trước Thiên Chúa, không ai phủ nhận sự yếu hèn của mình. Thật đúng đắn với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung!”. Thế nhưng, nói đến trở lại cùng Chúa, không ít người cứ hẹn rày, hẹn mai; với lý do này, lý do khác. Hãy nghe một tội nhân, người đã ‘từng trở lại’ tâm sự, “Đừng trì hoãn trở về, vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!”; “Bạn đừng nghĩ, Thiên Chúa có thể chịu đựng lâu dài với bạn đến mức Ngài không nghiêm phạt. Bạn nói, “Ngày mai tôi sẽ hoán cải, sẽ làm đẹp lòng Chúa; tất cả những gì tôi làm hôm nay, cũng như hôm qua sẽ được Ngài tha thứ”. Đúng! Chúa đã hứa, sẽ thứ tha nếu bạn quay lại với Ngài; nhưng Ngài không hứa, bạn sẽ có ngày mai để có một cơ hội!”. Đó là tâm sự của thánh Augustinô. Mùa Chay, mùa ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ để tạ ơn và có thể quay trở lại cùng Chúa đang khi còn kịp!

    Anh Chị em,

    “Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!”. Phép lạ Thiên Chúa chờ đợi, là mỗi người hoán cải để được biến đổi! Phần Ngài, phép lạ dành cho chúng ta không đâu xa, nó xảy ra hằng ngày trước mắt! Mỗi Thánh Lễ, chúng ta dâng lên trời sản phẩm của đất do tay mình làm ra; Thiên Chúa đón nhận và làm cho nó trở thành Bánh thiêng, linh dược chữa lành và nuôi sống chúng ta; giây phút này đây, chúng ta đang hít lấy khí trời mà không trả đồng nào. Đó không phải là phép lạ sao? Thế nên, lời mời gọi hoán cải hôm nay không phải là một điều gì quá xa vời, nhưng là ‘khám phá lại những gì quen thuộc’; để thay vì ta thán, ủ dột hay mộng mơ viển vông, chúng ta dâng lên Chúa lời tạ ơn. Đừng chờ đợi thêm phép lạ nào nữa! Câu hỏi đặt ra là, “Tôi sẽ ở đâu trong ngày phán xét?”. Thomas A Kempis, thời Trung Cổ, đã tự hỏi như thế. Ông lo cho phần rỗi của mình và ông được đáp trả cho lời cầu nguyện của mình rằng, “Hãy làm ngay bây giờ những gì bạn muốn làm đẹp lòng Chúa, và bạn sẽ không có gì phải lo lắng về điều đó!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, “Con sẽ ở đâu vào ngày phán xét?”. Xin giúp con ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ để tạ ơn và có những quyết định cho mình ngay hôm nay và mỗi ngày, kể từ bây giờ”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - HOA TRÁI CỦA THINH LẶNG

  •  
    LM MINH ANH
     


     
     

    HOA TRÁI CỦA THINH LẶNG

    “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất!”.

    Trong cuốn “Thoughts in Solitude”, được người viết dịch ra tiếng Việt, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1], Thomas Merton viết, “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe và đáp trả là của con; nhờ đó, con được cứu độ. Chính vì thế, đời con phải lặng thinh!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến sự tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một chuyển động kép! Một từ trời xuống, Lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người! Lời ân sủng của Thiên Chúa lặng lẽ thấm xuống đất, mạnh mẽ và hiệu năng; “Kinh Lạy Cha” con người thì thầm dâng lên, hiệu năng và mạnh mẽ. Đó chính là ‘hoa trái của thinh lặng!’.

    Qua bài đọc thứ nhất, chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa…; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng! Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo”.

    Với “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, không ồn ào, lải nhải. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Lạy Cha là ‘ma trận’ của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo, tất cả lời cầu của con người đều được thể hiện trong Kinh Lạy Cha. Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng sự huyền bí, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần cho cuộc sống, để sống đúng đắn. Chúng ta có một sự chắc chắn rằng, Thiên Chúa yêu tôi; Chúa Giêsu hiến mạng sống cho tôi; Chúa Thánh Thần ở trong tôi. Đó là một bảo đảm tuyệt vời!”.

    Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’; vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó! Họ thích nói chuyện, muốn được lắng nghe, nhưng không có cùng sở thích lắng nghe. Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen im lặng! Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế đặt câu hỏi và dành bản thân để lắng nghe. Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!

    Chúa Giêsu nói với chúng ta, Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức rằng, có những nhu cầu mà chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của chúng ta, mới có thể ban mỗi người. Hãy học cách thức hỏi Chúa Giêsu về điều gì chúng ta cần nhất cho sự cứu rỗi của mình! Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và do đó, mọi người thực sự là anh em của nhau.

    Anh Chị em,

    “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua Lời của Ngài, qua những con người, cũng như qua các biến cố. Ngài ước mong mỗi sứ điệp của Ngài như mưa tuyết từ trời thấm vào lòng chúng ta và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Thiên Chúa chờ mong có lẽ là con người biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ đôi tai của trái tim trong giây phút hiện tại, để sau đó, vượt lên chính mình, và làm theo tiếng nói ấy! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi vậy!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, nhiều lúc kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; xin dạy con yêu quý ‘hoa trái của thinh lặng’ khi con là một người con trước Chúa là Cha!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)


    [1] Quý Anh Chị có thể đọc toàn bộ tác phẩm “Hoa Trái Thinh Lặng” tại đây: https://bit.ly/3IWvpO8

     

    Kính chuyển:

    Hồng


     

     

    --

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TGP SAIGON

  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Sáu sau Lễ Tro (Mt 9,14-15)

    Tin mừng: Mt 9,14-15

    14 Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không ?”

    15 Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Việc chay tịnh phải là hành vi đức tin hướng về Đấng sẽ lại đến, và là việc con người đi tìm Đấng mình yêu thương.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Tân Lang của tiệc cưới Nước Trời. Chúa đem lại cho con niềm vui được kết hiệp với Chúa. Ngày xưa Chúa đã muốn dân riêng Chúa giữ chay để nuôi dưỡng lòng khát vọng mong chờ Chúa. Họ ăn chay để sám hối, để trở về, để nhận biết Chúa khi Chúa đến cư ngụ giữa loài người. Các môn đệ đã được diễm phúc bước đi theo Chúa. Dù không ăn chay như bao người khác, nhưng các ngài đã không ngừng trở về, không ngừng khát mong được Chúa tỏ mình ra. Con thấy các ngài có một trái tim đang yêu đi tìm kiếm Đấng mình yêu thương. Và các ngài bước đi theo Chúa trong niềm tin.

    Trong khi ấy, Chúa đang hiện diện giữa dân, nhưng bao người chẳng đón nhận Chúa. Họ vẫn giữ chay tịnh nghiêm ngặt, nhưng lại chẳng tin Chúa. Việc họ giữ chay trở nên vô nghĩa, bị lạc hướng. Còn con, con vẫn giữ chay kiêng thịt, nhưng con chưa gặp Chúa, chưa nhận ra và bước đi theo Chúa trong từng phút giây cuộc sống. Giờ đây, khi hồi tâm, con đã nhận ra biết bao ngăn trở - như những sợi xích ràng buộc - không cho con sống thân tình với Chúa. Chúa ơi, xin cho con biết sống mùa chay trong thái độ biết tích cực cộng tác với ơn Chúa, để bỏ đi những ngăn trở, những ràng buộc đang trói cột con. Xin cho con cởi bỏ con người cũ với những đam mê lệch lạc, như tính chấp nhất, như lòng ích kỷ, như ý riêng xấu. Xin cho con không ngừng khát mong kiếm tìm Chúa và bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Xin ban cho con niềm vui được kết hợp mật thiết với Chúa.

    Lạy Chúa, xin thương cứu giúp con. Amen.

    Ghi nhớ: “Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH
     

     

     

    LINH HỒN CỦA SỰ THÁNH THIỆN

    “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”.

    D. L. Moody nói, “Những ngọn hải đăng không bao giờ hụ còi, chúng chỉ toả sáng! Cũng thế, Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm; nơi họ, bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm”; đồng tình với Moody, Lời Chúa hôm nay bất chợt cho biết, sự thánh thiện cũng có một linh hồn! Linh hồn của nó có tên “Bác Ái”; nói cách khác, bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’. Thánh thiện đích thực lại chỉ bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng qua Môisen, hôm nay nói với dân, “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”.

    Sự thánh thiện, về căn bản, là tìm kiếm điều tốt cho người khác! Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết, “Bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện’ mà mọi người được kêu gọi đạt tới: nó hướng dẫn, nắn đúc và hoàn thiện mọi phương tiện giúp nên thánh”; giáo lý còn trích lời của chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Nếu Hội Thánh là một thân thể gồm những bộ phận khác nhau, nó không thể thiếu bộ phận cao quý nhất trong tất cả các bộ phận; nó phải có một trái tim, một trái tim cháy bỏng tình yêu. Và tôi nhận ra rằng, chỉ tình yêu này mới là ‘động lực thực’ giúp các thành viên khác của Hội Thánh hành động; nếu nó ngưng hoạt động, các tông đồ sẽ quên rao giảng Phúc Âm, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu mình!”.

    Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ân thưởng Nước Trời cho “chiên đứng bên phải”, những ai đã làm điều tốt cho người khác, tức là những “anh em bé mọn nhất” mà Ngài tự nhận là chính mình. Ngược lại, Ngài cũng gửi đến lời nguyền vĩnh viễn cho “dê đứng bên trái”, những ai đã không làm gì để giúp đỡ người khác, những “anh em bé mọn nhất” mà Ngài cũng coi là chính bản thân Ngài. Họ là ai? Họ là tất cả những người chúng ta phục vụ! Những người tội lỗi nhất, yếu đuối nhất, bệnh tật nhất; những người mất khả năng lao động, người đói và vô gia cư. Cũng không loại trừ, họ là những người trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, những người không làm ra tiền, không thể tự phục vụ… Họ là con cái Thiên Chúa, những người vốn có một phẩm giá cao quý mà chúng ta phải triệt để tôn trọng. Cụ thể, sách Lêvi hôm nay nêu ra, ‘Các ngươi đừng nhục mạ, đừng hà hiếp, nguyền rủa, thiên tư, gièm pha, mắng nhiếc hay báo oán...’. Được như thế, chúng ta sẽ trở nên con cái Thiên Chúa, Đấng cho biết, không có sự thánh thiện đích thực nào ngoài sự triệt để hướng đến lợi ích tinh thần và vật chất của tha nhân. Nói cách khác, đường dẫn đến thánh thiện là yêu thương; yêu thương là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’.  

    Anh Chị em,

    “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”. Đây là một đề nghị; đúng hơn, một mệnh lệnh bất di bất dịch vốn định hướng đời sống của tất cả những ai được gọi là môn đệ của Chúa Giêsu, những người đang dõi bước theo Ngài. Như thế, sự thánh thiện không phải là nên làm, hay không được làm điều này, điều kia; nhưng sự thánh thiện chính là tình yêu dành cho Thiên Chúa và lòng kính sợ Ngài, một Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh, nhưng chỉ vì quá yêu thương, lại hoá nên một tội nhân để có thể cứu mọi tội nhân! Thiên Chúa là Tình Yêu, là bác ái, là ‘linh hồn của sự thánh thiện’ vậy! Hôm nay, những ngày Mùa Chay, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, vì “Lời Chúa là thần khí và là sự sống” như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắn nhủ, chúng ta hãy làm tất cả như “ngọn hải đăng không bao giờ hụ còi nhưng âm thầm toả sáng” với một trái tim vì Chúa, cho Chúa, để nên giống Chúa, và thuộc trọn về Chúa!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa chính là ‘linh hồn của sự thánh thiện’; xin đừng để con bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để thể hiện tình yêu Chúa đối với thế giới; một thế giới ở xa, một thế giới ở gần, đó là những anh chị em bên cạnh con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TRO CÕI LÒNG


  •  
    Hung Dao CHUYỂN
     
     
     
     
    Lễ Tro Lo Cõi LòngLời Chúa Thứ Tư Lễ Tro nói nhiều về Lòng: Lòng Chúa lòng con.
    1. Hết lòng trở về. Bài Đọc 1 mời gọi chúng ta hết lòng trở về cùng Chúa bằng câu nói giàu hình ảnh “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.” Sám hối là hết lòng trở về cùng Chúa.
    2. Lòng Chúa thương xót. Bài Đọc 1 diễn tả lòng Chúa “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” Bài Đáp Ca làm nổi bật hình ảnh một Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu thương xót bằng việc rộng lòng tha thứ xóa sạch mọi tội lỗi cho dân Người.
    3. Lòng con thay đổi. Câu Tung hô Tin Mừng kêu gọi “anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.” Hãy thay đổi cứng lòng thành m��m lòng và mở lòng, để Chúa biến đổi chúng ta từ lòng chai dạ đá thành lòng ngay dạ thẳng, lòng tội lỗi thành lòng trong trắng, lòng bất trung thành lòng chung thủy, lòng xác thịt thành lòng đầy Thần Khí.
    4. Chúa thấu lòng thành. Bài Tin Mừng nhấn mạnh Thiên Chúa là Cha thấu suốt những gì kín đáo trong lòng. Vì vậy, khi làm phúc, cầu nguyện, ăn chay, thì hãy làm thật lòng, làm với tất cả lòng thành chứ không phô trương hình thức bề ngoài.
    Tin yêu Chúa, tin yêu nhau thực sự thì rất cần một tấm lòng thành để sống hết lòng và thật lòng. Thế nên, Lễ Tro là dịp để lo cõi lòng mình. Amen.
     
    NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG
    Bắc Ninh, Việt Nam
    Phone: 0866 015 060

    -------------------------------------------------