8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI

  •  
    DM Tran
     

    NGÔI  MỘ TRỐNG

    Chúa đã Phục Sinh. Alleluia.

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.

    Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.

    Nhưng Giêsu đã không ngủ yên. Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng, đã bị khua động trở lại. Mới sáng ngày thứ nhất trong tuần, người chết đã không nằm yên mà lại chỗi dậy ra khỏi mồ. Nhưng ai là nhân chứng của biến cố lạ lùng này? Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan (x Gio 20:1-10).

    Buổi sáng Shabbat hôm đó, khi người, vật còn đang ngái ngủ. Khi ánh bình minh vừa ló rạng. Vào thời điểm ấy, một vài phụ nữ đang âm thầm, lặng lẽ bước đi trong sương mai. Những cơn gió thoảng buổi sáng làm họ se lạnh. Họ đang nghĩ đến người đã chết, đến cách có thể tiếp cận được với người chết trong huyệt mộ. Nhưng khi đến mộ, họ bỗng phát hiện ra rằng ngôi mộ đã trở thành trống rỗng! Quá bỡ ngỡ, xúc động và sợ hãi: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Ngài ở đâu.” (Gio 20:2) Ðiều này cũng khiến cho Phêrô và Gioan bị lôi cuốn. Các ông đã muốn tìm ra sự thật.

     

    Ngoài Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan, ngôi mộ trống kia phải chăng cũng là một chứng tích lịch sử của Phục Sinh? Ngôi mộ bên triền đồi Golgotha, nơi mà buổi chiều thứ Sáu thảm sầu, một tử thi đã được chôn cất vội vã! Nhờ biến cố Phục Sinh, giờ đây đã khiến nó trở thành niềm vui cho các môn đệ, cho những phụ nữ nhiệt thành, và cũng là niềm hy vọng, sức sống mãnh liệt cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin này, và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin vào Chúa phục sinh.  

    Ngôi mộ ấy, tự nó đã có chỗ đứng lịch sử. Nếu nó đã bị phá hủy ngay đêm thứ Sáu do lính La Mã thì mọi chuyện đã đổi chiều. Hoặc nếu đám lính canh của các Thượng Tế gửi tới vẫn còn đang thức khi nhóm phụ nữ đến mộ thì sự việc cũng lại khác hẳn. Nhưng ngôi mộ mà xác thân của Giêsu đã được mai táng, đã sống lại vẫn ở đó nhưng trống vắng, và im lìm! Chỉ còn lại những giây băng, vải cuốn, và khăn liện. Chính vì vậy mà nó đã trở thành một dấu chỉ đầy ý nghĩa của biến cố Phục Sinh. Hình ảnh của nó gắn liền với buổi sáng phục sinh, với Maria Mađalêna, với Phêrô và Gioan, và tất cả những ai đang tin vào Con Thiên Chúa - Ðấng xóa tội trần gian - đã chịu cực hình thập giá, được mai táng trong đó. Và cũng từ đó, Ngài đã chỗi dậy.

    Có cần phải tình cảm và xúc động như Maria Mađalêna và những phụ nữ đã có mặt trong buổi sáng hôm ấy không: “Thưa ông, nếu ông mang Ngài đi đâu, xin làm ơn chỉ cho tôi chỗ ông đã đặt Ngài để nhận Ngài lại.” (Gio 20:15)

    Có cần phải hăm hở và nhiệt tình như Phêrô, như Gioan nhanh chân chạy ra mộ để tìm những chứng tích phục sinh không: “Phêrô và môn đệ kia bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Ông không vào trong nhưng cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất.” (Gio 20:3-5)

    Cuộc sống đạo, đời sống tâm linh đôi lúc cần được nuôi dưỡng bởi những động lực và thôi thúc tình cảm như thế. Có lúc cần phải xúc động, phải sốt sắng, phải để lòng lắng đọng khi gối quì một mình trong thinh lặng tại một góc của giáo đường. Và cũng có lúc phải để cho trái tim thổn thức một niềm cảm xúc trước những vẻ đẹp và sự cuốn hút của Thiên Chúa qua những người, những vật, mà mình đụng chạm tới.

    Nhưng đời nội tâm nếu chỉ dựa vào những rung động tình cảm sẽ dễ trở thành mê tín, dị đoan. Nhìn Chúa Giêsu mà lại tưởng là người làm vườn. Hoặc ngược lại, nhìn người làm vườn mà lại nghĩ là Chúa Giêsu như trường hợp của Maria Mađalêna. Đức tin, ngoài những yếu tố tình cảm còn đòi hỏi những dấu hiệu khả tín, và dựa trên những lý luận hợp lý. Có lẽ vì thế mà cả Phêrô lẫn Gioan đã hăm hở chạy ra mộ.

    Như vậy, đời sống tôi cũng phải như ngôi mộ trống trong ngày phục sinh. Nếu có ai nhìn vào nó, họ sẽ khám phá ra không phải là nơi chôn giấu tình cảm đạo đức, thông thạo giáo lý, hiểu biết, nhưng ở đó có dấu chứng của Chúa Giêsu phục sinh: là chiếc khăn liệm gói trọn quá khứ, một quá khứ từng làm cho hư hỏng và sa lầy trong tội, và hiện tại là sự đổi mới hoàn toàn như Tông Ðồ Phaolô đã viết: “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh.” (Rom 6:5)

     

    _________

    *Được hiệu đính, Chúa nhật Phục Sinh, 17 tháng 4, 2022.

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

 
TÂM HỒN THÁNH THIỆN TRONG NHỮNG VIỆC TẦM THƯỜNG ❤️
Chị thánh Têrêxa Hài Đồng đã sống một cuộc đời rất đơn sơ bình dị đến nỗi khi chị ốm nặng, một chị trong dòng đã nói: "Chừng nào chị Têrêxa chết, biết lấy gì để viết về chị trong Nhật ký của nhà dòng đây?"
Thế nhưng trong âm thầm khiêm hạ và qua những công việc tầm thường không ai hay, chị thánh Têrêxa đã đặt vào đó một lòng mến Chúa vô cùng cao cả.
Chị viết:
"Trong một thời gian kh lâu, vào giờ gẫm buổi chiều, chị ngồi sau lưng con hay có cử chỉ kỳ kỳ; đó là khi vừa quỳ vào chỗ, chị bắt đầu làm ra nhiều tiếng động lạ, giống như tiếng vỏ ốc cọ vào nhau; và chỉ có một mình con nghe thôi, vì tai con thính lắm (đôi khi lại quá thính). Thưa mẹ, con không sao diễn tả cho mẹ hiểu những tiếng sột soạt ấy làm cho con khó chịu đến mực nào; con muốn quay xuống nhìn một cái cho chị hiểu, vì chắc là chị không cố ý làm, và đó là phương thế duy nhất giúp chị thấy. Nhưng con nghĩ bụng: thà để như vậy thì hơn, trước là vì lòng mến Chúa, sau là khỏi làm phiền lòng chị em. Bởi đó, con ngồi yên và cố gắng kết hợp với Chúa cho quên những tiếng động ấy...
Nhưng vô ích, chúng như châm chích vào màng nhĩ, càng nghe càng khó chịu, không thể cầm trí mà nguyện gẫm được. Vì thế, con bèn tìm cách mà chịu đựng với tâm hồn thư thái, nghĩa là cố gắng cho mình yêu thích tiếng sột soạt khó nghe đó. Thay vì cố quên đi thì con lại tập trung tất cả trí khôn để nghe cho rõ như thể lắng nghe một khúc nhạc tuyệt diệu. Và như thế là việc nguyện gẫm của con (không phải là giờ nguyện gẫm an tĩnh đâu) đã biến thành việc dâng lên Chúa Giêsu khúc nhạc đó.
"Mẹ yêu mến, con là một tâm hồn thơ bé chỉ biết dâng lên cho Chúa những lễ vật nhỏ mọn như thế thôi, và những việc nhỏ mọn này làm cho tâm hồn con luôn thư thái an tịnh..."
Và chính lời Chúa giúp cho chị hiểu chị có thể nên thánh, có thể yêu mến Chúa bằng nhiều việc tầm thường nhất.
Chị có viết như sau:
"Thưa mẹ, như mẹ biết, con vẫn hằng ước ao được nên thánh. Song than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các thánh với con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi chót vót cao và một hạt cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một tiểu lộ vừa thẳng lại vừa không quá đài, một tiểu lộ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu đã thay thang cổ điển bằng thang máy hiện đại thật là tiện lợi.
Phần con, con cũng muốn một cái thang máy để nâng con lên với Chúa Giêsu vì con nhỏ bé quá sức, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác.
Thế là con đi tìm trong Kinh Thánh những chỉ dẫn cho biết thứ thang máy con ao ước và con đã đọc thấy những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn ngoan muôn đời: "Kẻ nào thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta" (Châm ngôn 9,4).
****
Tối áp lễ Đức Bà Núi Carmêlô, một chị nhà tập nói với chị Têrêxa rằng: "Nếu sáng mai chị rước lễ xong rồi lập tức lìa trần, có lẽ sự ra đi tốt lành ấy an ủi em khỏi hết phiền muộn".
Chị thánh Têrêxa đáp lại: "Rước lễ rồi lìa trần! Lìa trần trong ngày lễ trọng! Không, em không muốn thế đâu: những linh hồn thơ ấu không thể học đòi như vậy được. Trong tiểu lộ em đang đi, chỉ có những cái tầm thường, giản dị thôi. Việc gì mà em đã làm, phải là việc các linh hồn thơ ấu cũng làm được hết!"
Trong hội đồng quyết định việc phong thánh cho chị Têrêxa, có một giáo chức thuộc giáo triều đã nói: "Đời chị Têrêxa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những việc tầm thường thôi".
Đức Piô XI trả lời ngay: "Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường".
Nguồn :
Xuanha
 
 ------------------------------------------------
 
 
 
 
 

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỂ CÔ ẤY YÊN - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH - HUẾ

     


     
     

    CẦN CHO SỰ THÁNH THIỆN

    “Hãy để cô ấy yên!”.

    E. M. Bounds nói, “Với niềm tin, linh hồn đi vào vườn cây ăn trái, vượt quá những lời hứa tuyệt vời và quý giá của Thiên Chúa; với cả bàn tay và trái tim, nó hái trái chín mọng và ngon nhất!”. Anon thì bảo, “Có những thời điểm, bất kể thái độ của cơ thể và tâm thần thế nào, linh hồn vẫn quỳ gối; bởi lẽ, thờ phượng và yêu mến ‘cần cho sự thánh thiện’ của nó!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Maria trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay là kiểu mẫu cho một “linh hồn vẫn quỳ gối!”. Thật thú vị, cô cho biết, Chúa Giêsu đáng giá hơn bình dầu thơm trị giá 300 ngày công. Và còn hơn thế nữa! Ngài đáng để chúng ta đánh đổi cả bản thân. Tại sao? Bởi lẽ, Ngài là Đấng Thánh cứu độ, luôn mời gọi chúng ta nên thánh; Ngài ‘cần cho sự thánh thiện’ và hạnh phúc của chúng ta!

    Tông đồ Gioan đã tường thuật một cử chỉ hiếm hoi của Tin Mừng. Maria, một phụ nữ, rõ ràng đã ‘tỏ tình’ với Chúa Giêsu trước mặt mọi người! Cô không sợ dị nghị; thậm chí, còn lấy một cân nước hoa hảo hạng mà đổ lên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà lau. Cô đã dùng một cái gì kín đáo và quý giá nhất của phụ nữ để bày tỏ tình yêu với Đấng cô yêu mến. Điều lý thú là, Giuđa bất bình với hành động này; ông nghĩ, lẽ ra, bình dầu phải được bán để giúp người nghèo. Nhưng Tin Mừng cho biết, thực ra Giuđa chỉ quan tâm đến tiền, vì ông thường biển lận. Đáng chú ý hơn cả, là phản ứng của Chúa Giêsu; Ngài trách Giuđa và nói, “Hãy để cô ấy yên!”.

    Với Chúa Giêsu, đây là một hành động yêu thương, khiêm nhường và cao quý! Nước hoa này rất nhiều tiền. Đúng! Nhưng nếu ai khác nói điều này, thì có vẻ người ấy tự cho mình là trung tâm; đàng này, chính Chúa Giêsu nói, và Ngài thì hoàn toàn vô vị lợi! Vậy, điều này nói lên cái gì? Nó nói lên cái sâu thẳm nhất mà Maria đang cần! Khi đứng về phía cô, Chúa Giêsu cố tình tiết lộ điều mà mỗi người chúng ta cũng đang rất cần! Chúng ta cần tôn thờ Ngài, tôn vinh Ngài, biến Ngài trở thành trung tâm của cuộc đời mình. Không phải vì Ngài cần chúng ta đối xử với Ngài theo cách này, nhưng bởi ‘chính chúng ta’ cần đối xử với Ngài ‘theo cách này!’. Khiêm hạ tôn kính Ngài, yêu mến Ngài, là điều chúng ta ‘cần cho sự thánh thiện’ và hạnh phúc của chính mình! Chúa Giêsu biết điều này; vì vậy, Ngài thầm khen, nếu không nói là ‘tôn vinh’ Maria vì hành động này. Ngài tán thành hoàn toàn, và không ngần ngại bênh vực, “Hãy để cô ấy yên!”.

    Câu chuyện mời chúng ta cũng hãy làm như vậy. Nó mời chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, lấy Ngài làm trung tâm của niềm tin, yêu mến và tôn thờ; nó mời chúng ta sẵn sàng “đổ” hết công sức cho Ngài, tượng trưng bằng loại nước hoa trị giá 300 ngày công! Hãy cho phép “linh hồn luôn quỳ gối”. Không có gì là quá đắt đối với Chúa Giêsu! Không có gì đáng giá hơn một hành động thờ phượng! Vì nó ‘cần cho sự thánh thiện’ và hạnh phúc. Thờ phượng và yêu mến là một hành động sẽ biến bạn thành con người mà bạn phải trở thành, và vì bạn đã được tạo thành. Bạn được tạo thành để tôn vinh Chúa và yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Thật ý nghĩa với xác tín của Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Ngài là Ánh Sáng, ban ánh sáng; Đấng Hằng Sống, ban sự sống, “Đấng tác tạo và mở rộng các tầng trời, ban hơi thở cho dân” mà Isaia nói đến trong bài đọc hôm nay.

    Anh Chị em,

    Hãy cho phép “tâm hồn luôn quỳ gối”. Chúa Giêsu đã nhận ra sự “quỳ gối” ngoài thân xác và cả trong trái tim của Maria, vì thế, Ngài nói, “Hãy để cô ấy yên!”. Giờ khổ nạn đang được đếm từng ngày, và đã mấy lần Ngài tiên báo. Ấy thế, đang khi các môn đệ dường như không mảy may thấu cảm, không một lời ủi an, không một chút cảm thông; thì Maria lại thực hiện một hành động yêu thương, khiêm nhường và cao quý. Chúa Giêsu đã bênh vực cô! Trong những ngày này, Giáo Hội mời chúng ta học nơi Maria để nhận ra Đấng Cứu Độ của mình. Ngài đáng cho chúng ta đập vỡ không những bình dầu và mái tóc mà cả con người của mình để yêu mến và phụng thờ. Chúng ta phải sống thánh thiện bởi Đấng chuộc chúng ta về là Đấng Thánh.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin kéo con vào nơi sâu thẳm lòng con, cho con biết hạ mình trước vinh quang Chúa; hết lòng yêu mến, phụng thờ, vì Chúa ‘cần cho sự thánh thiện’ và hạnh phúc của con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH

  •  


    LADY LIBERTY.jpg
     

    BÍ ẨN CỦA TỰ DO

    “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”.

    Ngày kia, tượng Nữ Thần Tự Do xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí, một ký giả nhận xét, “Thấy đỉnh đầu của bức tượng, tôi rất ngạc nhiên với mái tóc! Nhà điêu khắc phải khá chắc chắn rằng, đôi mắt duy nhất có thể nhìn thấy những chi tiết này sẽ là đôi mắt tinh tường của chim mòng biển. Anh không mơ về một ngày, ai đó sẽ bay qua đầu cô ấy; tuy nhiên, với lương tâm chính trực đối với nghệ thuật, cũng là ‘bí ẩn của tự do’ nơi người nghệ sĩ, anh đã dành cho mái tóc cô ấy những gì đã dành cho khuôn mặt, cánh tay, và ngọn đuốc trên tay Nữ Thần!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Bí ẩn của tự do’, một điều gì đó chúng ta sẽ gặp thấy trong Tin Mừng hôm nay! Một khi đối diện với Chúa Giêsu và lắng nghe Ngài, sẽ ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu!’. Họ tự do chọn tin vào Ngài, hoặc loại trừ Ngài; đi về phía sự thật nơi Ngài, hoặc giết chết Ngài.

    Bối cảnh Tin Mừng là phép lạ Chúa Giêsu cho Lazarô trỗi dậy sau bốn ngày trong mồ. Gioan ghi nhận, “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”; nhưng những người khác thì không! Trong thực tế, những người này còn đi xa hơn, họ tìm gặp nhóm Pharisêu, vốn thù nghịch với Chúa Giêsu, để “đổ dầu vào lửa”; họ liên kết với nhóm này để tìm thêm lý do hầu kết án Ngài bất cứ giá nào. Hậu kết của những toa rập này là cái chết thảm khốc của Con Thiên Chúa mà chúng ta sắp tưởng niệm khi Tuần Thánh đã đến ngoài ngõ. Và ‘bí ẩn của tự do’ của Thiên Chúa được hé lộ!

    Với các nhà lãnh đạo tôn giáo, phải chăng ‘bí ẩn của tự do’ nơi họ chính là quyền lực! Chúa Giêsu đang nổi tiếng và họ sợ rằng, sự nổi tiếng này sẽ khuấy động mọi thứ cùng với tác động bên ngoài của người La Mã. Bên cạnh đó, họ ghen tị vì Chúa Giêsu đã quá thu hút. Trước tình thế đó, Caipha đã đưa ra một lập luận ‘không thể khôn ngoan hơn’, “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Nói cách khác, tốt hơn, nên “loại bỏ vấn đề” để mọi việc trở lại theo cách của nó! Họ quan tâm đến bản thân và địa vị hơn là lẽ thật. Mâu thuẫn biết bao, họ gán cho Chúa Giêsu là Ngài đã làm quá nhiều dấu lạ! Thì đã sao? Nếu quan tâm đến lẽ thật, họ đã thấy vinh hiển và quyền năng Ngài; đã tin nhận và đi theo Ngài. Ở đây, họ không thể nuốt trôi niềm kiêu hãnh, cũng như không thể buông bỏ quyền lực, ‘bí ẩn của tự do’ nơi họ!

    Vậy mà, thú vị thay, sự phản kháng và ý đồ đen tối của họ vẫn được Thiên Chúa tận dụng để đưa vào kế hoạch yêu thương của Ngài! Tự do của Thiên Chúa là tự do xót thương! ‘Bí ẩn của tự do’ nơi Ngài là điều lành được rút ra từ điều dữ. Vì thế, sự từ chối của con người dẫn đến việc Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, là logic dẫn đến ơn cứu độ cho cả nhân loại! Vì thế, logic đầy tính tiên tri của Caipha sẽ là một logic có thời hiệu vĩnh viễn, “Không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. Thật tuyệt vời, với bài đọc hôm nay, Êzêkiel tiên báo, “Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại!”; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!”.

    Anh Chị em,

    Điều quý giá nhất mà Thiên Chúa tặng ban con người khi sáng tạo nó giống hình ảnh Ngài là sự tự do. Vì thế, khi Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ, có kẻ tìm giết Ngài nhưng lại “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”. Đúng là ‘bí ẩn của tự do!’. Mang lấy phận người, Con Thiên Chúa cũng rất tự do. Ngài tự do khỏi ràng buộc của xác thịt để hoàn toàn làm theo ý Cha kể cả cái chết ô nhục trên thập giá. Trong những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, hãy cùng Ngài bước vào cuộc thương khó, để yêu mến Ngài nhiều hơn, nhất là để hiểu ‘bí ẩn của tự do’ của Thiên Chúa. Ước mong sao, chúng ta học được nơi Chúa Giêsu, có được tự do nội tâm như Ngài mà chọn Thiên Chúa, đi theo Chúa và nhất là mang lấy thánh giá đời mình một cách mạnh mẽ, kiên cường và đầy ý nghĩa thay vì ta thán, càu nhàu hay chạy trốn nó!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin dạy con nắm lấy ý muốn của Chúa với niềm thanh thản tuyệt đối, bất kể điều đó có thể gây khó khăn cho con thế nào. Bởi lẽ, đó là ‘bí ẩn của tự do’ nơi người môn đệ!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng