8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

  •  
    Chi Tran CHUYỂN

     
    LƯƠNG TÂM CHÚNG TA
    Đây là lý do tại sao chúng ta phải học cách lắng nghe tiếng lương tâm nhiều hơn nữa. Nhưng hãy cẩn trọng! Vì điều này không có nghĩa là chiều theo cái tôi của mình, làm những gì mình thích hay những gì phù hợp với mình… Không phải vậy!
    Lương tâm là nơi thẳm sâu để lắng nghe sự thật, điều thiện hảo, và lắng nghe Thiên Chúa.
    Đó là nơi diễn ra tương quan giữa tôi với Người, Đấng nói trong tâm hồn tôi và giúp tôi biết phân định, nhận ra con đường tôi phải đi và một khi đã chọn lựa thì tiến bước và trung thành.
    --- Kinh Truyền Tin, ngày 30 tháng 6 năm 2013 ---
    Khi bạn có những nghi vấn quanh vấn đề lương tâm, bạn có tìm đọc những quyển sách hay gặp gỡ người có kinh nghiệm có thể giúp bạn suy nghĩ theo đường hướng của Hội Thánh không?
    Hãy xin Thiên Chúa ban ơn giúp bạn thực hiện việc này, cho dù hậu quả có thế nào.
    Trích: "365 ngày với Đức Phanxico" - Học viện Đaminh
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

 

  • LM MINH ANH


     

    TIẾT LỘ MỘT ƯỚC MUỐN

    “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Tin Mừng hôm nay bất ngờ đặt một câu hỏi tối quan trọng, đến nỗi, trừ phi nó được trả lời trước; bằng không, những gì Chúa Giêsu nói, sẽ không mảy may ảnh hưởng gì đến chúng ta! “Tôi có muốn đi theo Chúa Giêsu không?”. Như thế, rõ ràng, nó đã manh nha ‘tiết lộ một ước muốn!’.

    Thật dễ dàng! Ai trong chúng ta cũng có thể khẳng định thưa, “Vâng, lạy Chúa, con muốn đi theo Ngài!”; vậy mà, sẽ còn nhiều điều hơn thế! Hơn là một quyết định, “Ai muốn theo Tôi” còn ‘tiết lộ một ước muốn’ đáng kinh ngạc! Nó tiết lộ rằng, ước muốn đi theo Chúa Giêsu thường không phải là bước đầu tiên, mà là bước cuối cùng! Bởi lẽ, bước đầu tiên, là chúng ta đến với sự hiểu biết chân lý và tin nhận nó; bước thứ hai, muốn những gì đã chọn; và bước thứ ba, một khi ân sủng đã hoạt động và biến đổi, chúng ta bắt đầu “khao khát” và “ước ao” tất cả những gì Chúa Giêsu muốn; đồng thời, muốn “ôm lấy” tất cả những gì Ngài kêu gọi mỗi người!

    Vậy, nếu hết lòng đi theo Chúa Giêsu, tôi sẽ thấy mình “ước muốn” điều gì? Này đây, tôi sẽ muốn những gì Chúa Giêsu muốn! Cụ thể, tôi muốn bỏ mình, vác thập giá và dõi bước theo Ngài. Bạn có mong muốn điều đó không? Tình yêu đích thực của Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta đạt thấu ‘cấp độ khát vọng’ của một tình yêu hy sinh và vị tha. Đây là ‘đỉnh cao toàn thiện’ của tình yêu! Chúng ta được kêu gọi để yêu thương mà không tính toán hay sợ hãi những đòi hỏi mà tình yêu vẫy gọi. Hoặc, xa hơn, chúng ta được đề nghị ôm choàng cả những đau đớn và khó khăn, vì đó là ý muốn Thiên Chúa. Ý muốn của Ngài chắc chắn bao gồm cả những hành động hy sinh; nhưng cuối cùng, tình yêu đích thực sẽ ước muốn ngay cả những hy sinh ấy!

    Thánh Giacôbê, trong bài đọc hôm nay, gọi những hành động hy sinh và vị tha ấy là những việc làm của đức tin. Ngài nói, “Cũng như xác không hồn là xác chết, thì đây, đức tin không việc làm là đức tin chết”. Tình yêu đòi hỏi chúng ta ôm trọn tất cả những gì Thiên Chúa muốn; đôi khi, đó là tha nhân; và đôi khi, đó còn là những giới răn của Ngài như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cho biết, “Hạnh phúc thay người nào, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban!”.

    Trong cuốn “Hãy Trở Thành Ánh Sáng Của Tôi!”, “Come Be My Light!”, Mẹ Têrêxa kể, “Một ngày nọ, tôi thấy một trong những thanh tuyển bước ra khỏi nhà với khuôn mặt thườn thượt, tôi gọi em ấy lại và nói, “Chúa Giêsu đã nói gì, vác thập giá đi trước Ngài hay đi theo Ngài?”; cô ấy mỉm cười, ôm lấy tôi, đáp lại, “Đi theo Ngài”. Tôi hỏi, “Vậy tại sao con lại tìm cách đi trước Ngài?””. Thập giá Chúa Kitô không chỉ là một giả định đúng đắn sức nặng của một đời sống thánh thiện, nó còn là một thái độ! Thái độ sai lầm có thể đè bẹp tinh thần, khiến chúng ta đau khổ như một người ngoại đạo: ‘cô đơn’; đang khi một đức tin khiêm hạ lại bày tỏ Đấng mà chúng ta đi theo Ngài; Đấng chỉ đường, Đấng nâng đỡ, thắp lên hy vọng, và là Đấng dẫn chúng ta đến một niềm vui Kitô sâu sắc. Rõ ràng, đức tin đó ‘tiết lộ một ước muốn’ được nên giống Thầy!

    Anh Chị em,

    “Tôi có muốn đi theo Chúa Giêsu không?”. Hôm nay, suy gẫm câu hỏi căn bản nhất này, mỗi người chúng ta tự hỏi, ‘Tôi có sẵn sàng tự nguyện đón nhận và thậm chí, mong muốn ôm trọn tất cả những gì tình yêu Chúa Kitô đòi hỏi không?’. Hãy đưa ra sự chọn lựa; và Chúa Giêsu sẽ đặt ước muốn của Ngài vào trái tim chúng ta. Hãy nói “Có” với Chúa và “ôm lấy” thập giá của Ngài, thập giá đời mình! Đó có thể là một người thân nghiện ngập, một người con bất hiếu, một bề trên khắt khe, một người anh em hay chị em nghễnh ngãng trong cộng đoàn; hoặc đó còn là một cơn bạo bệnh, mất việc hay dịch tễ… Để cuối cùng, chúng ta sẽ mãi mãi biết ơn chính mình, vì đã yêu như vậy; bởi lẽ, Thiên Chúa sẽ không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa đã ‘tiết lộ một ước muốn’ của Chúa cho con, xin cho con đừng từ chối. Con muốn ôm lấy thập giá đời con, đạt đến một mức độ tình yêu mà qua đó, con trao trọn bản thân cho Ngài, thậm chí, dám ước mong những hy sinh lớn lao hơn!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh Hue)

    Kinh chuyen:

    Hong

     

     


      
     
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINHANH - HUẾ

  •  
    Hong Nguyen


     
     

    GIỮ MÃI MỘT KÝ ỨC

    “Các con không nhớ sao?”.

    Ở Valladolid, sừng sững một tượng đài tôn vinh Christopher Columbus, người con vĩ đại khám phá tân thế giới. Điều thú vị nhất ở đó là, tượng con sư tử phá một chữ Latin vốn là một phần phương châm của Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Trước khi Columbus bắt đầu hành trình, người Tây Ban Nha nghĩ, họ đã đến tận cùng trái đất; phương châm của họ là “Non Plus Ultra”, “Không Còn Đâu Nữa!”. Con sư tử phá hỏng chữ “Non”, “Không”, khiến nó được đọc là “Plus Ultra”. Columbus đã chứng minh rằng, thực sự, “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa!”. Hơn 500 năm qua, người Tây Ban Nha ‘giữ mãi một ký ức’, không bao giờ nghỉ ngơi trên những vòng nguyệt quế!

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật kỳ thú, Lời Chúa hôm nay cho thấy sự cần thiết để ‘giữ mãi một ký ức’ tốt lành về Thiên Chúa; vì lẽ, “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa” từ Ngài! Vậy mà không ít lần, chúng ta đã bỏ lỡ những thông điệp Ngài trao; vì thế, trái tim chúng ta bất an, cuộc sống chúng ta mất phương hướng. Đó là hậu quả của việc trái tim và cuộc sống của chúng ta không được đặt trên đá; thế nhưng, đối với một linh hồn luôn toạ lạc trên Ngài, nền đá đích thực, mọi sự sẽ tốt đẹp đến diệu kỳ!

    Tin Mừng cho biết, các môn đệ bảo nhau, “Tại mình không có bánh”. Như họ, chúng ta thường bận tâm đến những gì trước mắt! Khao khát thành công, ước ao một người bạn hay một thành viên trong gia đình làm hoà với mình, ám ảnh về tài chánh… và cứ như thế, chúng ta lo lắng. Như các môn đệ, chúng ta quên mất những ký ức trước đó, “Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh”, “Khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh”, “Các con thu lại bao nhiêu giỏ?”; “Các con không nhớ sao?”.

    Một trong những tội lỗi nặng nề nhất của Israel là lãng quên những biến cố vĩ đại Thiên Chúa đã làm cho họ. Vì thế, điều quan trọng là phải thường xuyên suy gẫm và biết ơn về bao ân phúc đã nhận được từ Thiên Chúa. Muốn được vậy, người môn đệ Chúa Giêsu phải ‘giữ mãi một ký ức’ về Ngài. Và thú vị thay, Thiên Chúa tạo dựng mỗi người cho một mục đích riêng; và tựu trung, mỗi người được mời gọi nên thánh! Đó là điều quan trọng nhất. Chính Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng công việc nên thánh của mỗi người. Và nếu Thiên Chúa đã đưa chúng ta đi xa đến mức này chỉ với một phần cộng tác khiêm tốn về phía chúng ta, thì chúng ta sẽ tiến xa hơn biết bao nếu mỗi người dành cho Ngài tất cả sự cống hiến toàn diện của mình! Bao điều tốt đẹp, rồi đây, sẽ nảy nở trong cuộc sống chúng ta; bao nhiêu vấn đề mà bàn tay Thiên Chúa sẽ uốn nắn vì lợi ích của từng người và mọi người!

    Ước gì, người môn đệ Chúa Giêsu luôn có cho mình một sự ngờ vực lành mạnh về những gì chúng ta cho là nhu cầu tuyệt đối của cuộc sống. Chúng ta cần đến “một sự giải độc” tinh thần để tự giải phóng khỏi những ám ảnh về những mục tiêu thứ yếu. Phương thức giải độc này chỉ được tìm thấy trong trường học cầu nguyện. Cầu nguyện là nơi chúng ta thanh luyện những ước muốn, nơi trái tim được thanh tẩy, và là nơi tình cảm và lòng sùng kính Đấng Yêu Dấu được mở rộng. Ngọn lửa của tình yêu Ngài có thể chữa lành nhiều chia cắt và phức hợp trong tâm lý của chúng ta, nếu mỗi người biết mở lòng đón nhận. Bấy giờ, việc ‘giữ mãi một ký ức’ về Thiên Chúa, Đấng giải thoát và quan phòng, sẽ không còn là một việc quá khó! Thật trùng hợp, cuộc thanh luyện này lại được thánh Giacôbê nhắc đến trong bài đọc hôm nay, “Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, họ sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống. Ý nghĩa biết bao tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn!”.      

    Anh Chị em,

    “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa!”. Trong Chúa Giêsu, mỗi ngày, Thiên Chúa ban cho chúng ta “nhiều điều ‘mới mẻ’ hơn nữa”, ân sủng của Ngài luôn luôn mới! Thánh Phaolô nói, “Trong Ngài, chúng ta không thiếu một ơn nào!”. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy cầu xin cho mình khỏi chứng ‘chán ăn thiêng liêng’, khiến chúng ta không còn khao khát sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và nếu phải ‘giữ mãi một ký ức’ về tình yêu của Thiên Chúa giữa bao ký ức, thì cái chết thập giá của Con Một Ngài là một ký ức vĩ đại nhất mà chúng ta đừng bao giờ lãng quên!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con cảm thấy thiếu thốn bất cứ một điều gì ngoài Chúa; đừng để những đam mê ngổn ngang cản trở con nên thánh. Cho con luôn ‘giữ mãi một ký ức’ rằng, Chúa đã cứu chuộc con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - NGHE THIÊN THẦN BẢN MỆNH

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


    LẮNG  NGHE  THIÊN  THẦN  BẢN  MỆNH
    Trầm Thiên Thu
     
    Cha Thánh Padre Pio đã gặp gỡ và biết rõ các Thiên Thần Bản Mệnh. Ngài cũng có cách phát biểu nội tâm, cũng phải nhận biết và có cách phản ứng với các thiên thần.
    Trong lá thư gởi cho Annita, đề ngày 15-7-1913, ngài đưa ra lời khuyên vô giá nói về cách phản ứng khi giao tiếp với các Thiên Thần Bản Mệnh, cách phát biểu và cầu nguyện.
    Ái nữ của Chúa Giêsu thân mến,
    Xin cho tâm hồn con luôn là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, xin cho Chúa Giêsu gia tăng lửa mến trong linh hồn con, và xin cho Ngài luôn mỉm cười về con, như Ngài làm với các linh hồn Ngài yêu quý. Xin cho Đức Mẹ cũng mỉm cười về con trong mọi sự kiện trong đời con, và đền bù cho con về sự vắng mặt của người mẹ trần gian của con.
    Xin cho Thiên Thần Bản Mệnh của con luôn canh giữ con, và hướng dẫn con trên con đường gồ ghề của cuộc sống. Xin cho Thiên Thần Bản Mệnh luôn gìn giữ con trong ân sủng của Chúa Giêsu và dắt tay con để con không vấp chân vào đá. Xin Thiên Thần Bản Mệnh che chở con dưới bóng cánh của ngài để con thoát khỏi mọi sự lọc lừa của thế gian, ma quỷ và xác thịt.
    Này Ái nữ Annita, hãy sùng kính Thiên Thần Bản Mệnh. Thật an ủi biết bao khi biết rằng chúng ta có một thần linh, từ khi làm người tới lúc lìa đời, không bao giờ rời xa chúng ta dù chỉ trong khoảnh khác, ngay cả khi chúng ta phạm tội. Và vị thần linh này luôn hướng dẫn và bảo vệ chúng ta như một người bạn, một người thân.
    Cũng rất an ủi khi biết rằng thiên thần này còn không ngừng cầu nguyện cho chúng ta, dâng lên Thiên Chúa mọi hành động tốt lành, mọi ý nghĩ và mọi ước muốn của chúng ta, nếu chúng thuần khiết.
    Ôi! Vì sự tốt lành, đừng quên người bạn vô hình này, hằng hiện diện, hằng sẵn sàng lắng nghe và an ủi chúng ta. Ôi, sự thân mật tuyệt vời! Ôi, tình bạn phúc lành! Ước gì chúng ta có thể hiểu như thế! Hãy luôn đặt ngài trong tâm trí của chúng ta. Hãy thường xuyên nhớ tới sự hiện diện của Thiên Thần Bản Mệnh, cảm tạ ngài, cầu nguyện với ngài, luôn duy trì tình bạn tốt lành. Hãy cởi mở với ngài và tâm sự với ngài về đau khổ của mình. Hãy luôn sợ xúc phạm sự thần khiết trong mắt ngài. Hãy biết điều này, và hãy nhớ đến ngài. Ngài dễ bị tổn thương, rất nhạy cảm. Hãy hướng tới ngài trong những lúc đau khổ, rồi con sẽ cảm nghiệm sự giúp đỡ hữu ích của ngài.
    Đừng bao giờ nói rằng con đơn độc trong cuộc chiến chống lại kẻ thù; đừng bao giờ nói rằng con không có ai để trải lòng ra và tâm sự. Như vậy thì thật là rất bất công với Thiên Thần Bản Mệnh.
    Về các phát biểu nội tâm, đừng lo lắng, hãy bình tĩnh. Điều con phải tránh là tâm hồn con bám chặt vào các phát biểu nội tâm đó. Đừng đề cao chúng; hãy chứng tỏ rằng con dửng dưng. Con không nên coi thường cũng không yêu thích hoặc ước muốn những điều như vậy. Hãy luôn phản ứng với các tiếng nói đó thế này: “Lạy Chúa Giêsu, nếu đúng là Ngài nói với con, xin cho con hiểu các sự kiện và các lời nói của Ngài, đó là nhân đức thánh thiện trong con.”
    Hãy hạ mình trước Thiên Chúa và tín thác vào Ngài; hãy dùng năng lực của con, nhờ sự trợ giúp của ân sủng, khi thực hành các nhân đức, và hãy để cho ân sủng tác động trong con như Thiên Chúa muốn. Các nhân đức là những gì thánh hóa linh hồn và không là hiện tượng siêu nhiên.
    Đừng lầm lẫn khi cố gắng hiểu cách phát biểu nào đến từ Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là tác giả của chúng, một trong các dấu hiệu chính là ngay khi con nghe thấy các tiếng nói đó, chúng sẽ làm đầy linh hồn con bằng sự sợ hãi và lẫn lộn, nhưng rồi chúng sẽ làm cho con ở trong sự bình an của Thiên Chúa. Ngược lại, khi tác giả của chúng là kẻ thù, chúng bắt đầu bằng một sự an toàn giả tạo, sau đó là sự dao động và sự phiền muộn không thể diễn tả.
    Cha chắc chắn rằng Thiên Chúa là tác giả của những cách phát biểu đó, nhưng chúng ta phải rất cẩn trọng bởi vì kẻ thù thường pha trộn nhiều công việc của nó với những cách phát biểu đó. Nhưng điều này sẽ không làm con sợ: đây là thử thách đối với cả các vị thánh lớn và đa số các linh hồn được soi sáng, và họ có thể được chấp nhận trong cách nhìn của Thiên Chúa. Con phải cẩn thận để không tin vào những cách phát biểu quá dễ dàng, xử lý các điều đó có liên quan cách con phải hành động và điều con phải làm. Con nên đón nhận chúng, rồi trình bày với cha linh hướng của con và chấp nhận quyết định của ngài.
    Vì thế, đó là cách tốt nhất để đón nhận các phát biểu nội tâm với sự cẩn trọng, sự khiêm nhường và sự dửng dưng. Hãy hành động theo cách này và mọi thứ sẽ gia tăng công trạng của con trước mặt Thiên Chúa. Đừng lo lắng về linh hồn con; Chúa Giêsu yêu thương con rất nhiều. Hãy cố gắng đáp lại tình yêu này bằng cách tiến bộ cáng ngày càng nhiều về sự thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và loài người.
    Hãy cầu nguyện, thời gian chưa đến lúc ngưng cầu nguyện. Hãy ủng hộ các khó khăn mà con trải nghiệm khi làm việc này với lòng kiên nhẫn và khiêm nhường. Cũng hãy sẵn sàng chịu đựng sự chia trí và sự khô khan, con không nên bỏ cầu nguyện và suy niệm trong bất cứ trường hợp nào. Chính Thiên Chúa muốn đối xử với con theo cách này để con tiến bộ về tâm linh.
    Hãy tha thứ cho cha nếu cha kết thúc ở đây. Chỉ có Thiên Chúa biết khó khăn như thế nào khi cha viết lá thư này. Cha rất mệt. Hãy cầu xin Chúa có thể sớm giải thoát cha khỏi thân xác này.
    Cha chúc lành cho con, cùng với Bề Trên Francesca. Cầu chúc con sống và chết trong vòng tay của Chúa Giêsu.
    Ký tên LM PADRE PIO
     
    TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ catholicfb.com)
     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - NỖI ĐAU TÂM LINH

  •  
    LM MINH ANH - HUẾ

     

    NỖI ĐAU TÂM LINH

    Chúa Giêsu thở dài mà nói, “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”.

    Một người kia, sau 25 năm, vẫn một công việc với một mức lương cố định; anh đến gặp ông chủ và than phiền, “Tôi cảm thấy mình đã bị lãng quên, tôi đã có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm”. Ông chủ anh thở dài và nói, “Bạn thân mến, bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm; bạn chỉ có một kinh nghiệm trong một phần tư thế kỷ!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”. Một trùng hợp đầy thú vị, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thở dài, vì xem ra, giới biệt phái cũng chưa có kinh nghiệm về Ngài. Ngài thở dài khi họ kéo nhau đến tranh luận với Ngài; và sau đó, đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Tiếng thở dài của Ngài đã tiết lộ một ‘nỗi đau tâm linh’ sâu sắc bên trong!

    Rất giống với bản dịch BJ của Pháp và NAB của Hoa Kỳ, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch câu này là, “Tự tâm thần, Ngài rên lên”. Rõ ràng, đây không phải là một tiếng rên hay một tiếng thở dài bình thường; nó nói lên nhiều điều hơn là một cảm xúc. Vậy thì điều gì đã xảy ra với Chúa Giêsu khiến Ngài não nuột đến thế? Tiếng thở dài này cho thấy một nỗi xót xa bên trong con người Ngài; đó là một ‘nỗi đau tâm linh’ đến từ việc một tình yêu bị từ chối, một nỗi đau vì yêu. Đó là kết quả của việc Ngài chân thành yêu thương những con người này; nhưng đáp lại, họ từ chối ân điển Ngài đem đến và thay vào đó, là sự thù hận, giết chóc. Chính điều này khiến Chúa Giêsu tê tái; Ngài đau đớn vô cùng khi tình yêu vô bờ Ngài dành cho họ hoá ra công cốc!

    Một điều lý thú là, hiếm khi chúng ta nghĩ đến tình yêu Chúa Giêsu dành cho những người biệt phái và ký lục! Sự thường, chúng ta chỉ nghĩ đến những lời khắt khe thẳng thừng của Ngài; thế nhưng, mọi lời mạnh mẽ Ngài hướng đến họ không ngoài mục đích biến đổi họ, để họ có thể nhận ra tình yêu của Ngài. Về phần Ngài, đó là một nỗ lực để lay động và thức tỉnh họ khỏi sự thờ ơ và từ chối ân điển Ngài tặng ban. Hành động của Ngài là một hành động của tình yêu!

    Câu hỏi đặt ra hôm nay là, ‘Có bao giờ Chúa Giêsu phải thở dài vì sự thờ ơ hay cứng lòng nơi mỗi người chúng ta?’. Thật bất ngờ, phải chăng Ngài cũng thở dài vì chúng ta ‘hoài nghi’, ‘giao động’ hoặc ‘hai lòng’ như gợi ý của thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai hôm nay, “Ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động!”; “Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa!”. Thật ý nghĩa với tâm tình thống hối của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin chạnh lòng thương cho con được sống!”.

    Anh Chị em,

    “Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”. Phải, cả chúng ta, phải chăng chúng ta cũng chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm về Chúa Giêsu! Nếu có một kinh nghiệm già dặn về Ngài, kinh nghiệm về ân sủng, kinh nghiệm về cầu nguyện, kinh nghiệm về thống hối… hẳn chúng ta đã nên thánh từ lâu! Tắt một lời, Chúa Giêsu chưa được chúng ta yêu mến! Vậy mà Chúa Giêsu sẽ không để cho Ngài được yêu mến nếu Ngài không phải là Ngài, là một Giêsu nào đó; cũng như Ngài sẽ chẳng khát khao chúng ta khi chúng ta không phải là chính mình! Ngài phải là Ngài và chúng ta phải là chính mình! Chúng ta có thể muốn nhiều điều cho hạnh phúc của mình, nhưng Chúa Giêsu lại muốn chúng ta chấp nhận rằng, ý muốn của Thiên Chúa phải là trọng tâm của ‘đỉnh cao toàn thiện’ nơi mỗi người chúng ta!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu mến Chúa bằng một tình yêu trong sáng và thánh thiện. Cho con biết cảm nhận một ‘nỗi đau tâm linh’ về tội lỗi mình và tội lỗi người khác, mà vì đó, Chúa phải thở dài!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng