8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH - HUẾ

  •  LM MINHANH HUẾ

    TRỞ NÊN VĨ ĐẠI HƠN

    “Ai có, sẽ được cho thêm!”.

    Tội lỗi, xét cho cùng, là phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa; và thánh thiện, xét cho cùng, là sống minh bạch trước nhan Ngài! Từ đó, Oswald Chambers đưa ra một nhận định khá sâu sắc, “Nếu vào giây phút thức dậy đầu tiên trong ngày, bạn học cách mở cửa trở lại để Chúa vào, mọi thứ công khai sẽ được đóng dấu sự hiện diện của Ngài!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cũng cho biết, Thiên Chúa luôn hiện diện, Ngài luôn nhìn thấy chúng ta! Đây là một sự thật đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ai nhận biết và sống sự thật này, Thiên Chúa vĩ đại, sẽ làm cho người ấy ‘trở nên vĩ đại hơn!’. Chúa đã làm cho Đavít thật nhiều, “Vậy mà Ngài vẫn cho là ít!”; Chúa Giêsu thì nói, “Ai có, sẽ được cho thêm!”.

    Bài đọc thứ nhất tường thuật buổi chầu của Đavít trước nhan Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này biểu lộ sự trong suốt nơi một con người khiêm hạ vốn phải choáng ngợp trước Đấng nhìn thấy mọi sự. Đavít tỏ ra ngạc nhiên khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa Ngài dành cho Israel trên ông, một con người hèn yếu, “Con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây?”. Vậy mà, Ngài sẽ tiếp tục gầy dựng công trình của Ngài thông qua sự yếu ớt của Đavít, miễn sao con người này biết mình luôn ở dưới mắt Ngài. Đavít nhận ra rằng, chính trong sự yếu hèn của ông, Thiên Chúa vẫn muốn làm cho triều đại ông nhiều hơn, vì Ngài nghĩ, ngần ấy là quá ít! Bởi lẽ, với Thiên Chúa, ai bước vào kế hoạch ngàn đời của Ngài, đều là vĩ đại, đều thuộc về vĩnh hằng. Đavít phó dâng tất cả cho Ngài, khấn xin Ngài chúc phúc, gìn giữ. Quả vậy, rồi đây, nơi Chúa Giêsu, con Đavít, chính Thiên Chúa sẽ làm cho vương triều ông ‘trở nên vĩ đại hơn’ đúng như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!”.

    Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Ai có, sẽ được cho thêm!”. Có cái gì? “Có” Thiên Chúa, “có” sự hiện diện của Ngài; người ấy nhận biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy mọi sự. Chỉ cần Ngài nhìn thấy! Ngài nhìn chúng ta với tình yêu, không ai có thể trốn tránh Ngài, trốn tránh chính mình; và càng không thể trốn tránh người khác. Tắt một lời, chúng ta sống minh bạch trong ánh sáng của Chúa; Ngài là ánh sáng chiếu soi cuộc sống chúng ta hầu mỗi người sống trong Ngài và bước đi trong Ngài. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy sự thật của bản thân, mà không cần phải xấu hổ khi người khác nhìn thấy sự thật của nó.

    Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta không chỉ dành cho bản thân, “Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng. Đèn phải đặt trên giá!”. Chúng ta được kêu gọi để trở thành một quà tặng cho người khác, một quà tặng dẫn người khác đến với Chúa. Và đây là điều tuyệt vời nhất của cuộc đời mỗi người; được mời gọi để cho đi sự sống, mà sự sống là chính ánh sáng đã đến thế gian, Chúa Giêsu. Chúng ta cho đi sự sống Giêsu bằng cách soi rọi Giêsu cho người khác, giúp người khác bước ra ánh sáng và bước đi trong Ngài; đó là một điều có thể trở nên hiện thực khi mỗi người biết từ bỏ chính mình, để chân thành đi về phía ánh sáng và không ngần ngại tỏ cho mọi người ánh sáng Giêsu. Ánh sáng Ngài toả ra từ cuộc sống chúng ta sẽ tạo nên một hiệu ứng thực sự trong chúng ta và nơi tâm hồn những ai chúng ta gặp gỡ. Chính Ngài là Đấng làm cho mọi sự và mọi người ‘trở nên vĩ đại hơn’ một khi họ ở trong ánh sáng của Ngài.

    Anh Chị em,

    “Ai có, sẽ được cho thêm!”. Có gì trên trần gian này trường tồn và quý giá cho bằng “Có” Thiên Chúa. Và như vậy, càng “có” Thiên Chúa, chúng ta càng ‘trở nên vĩ đại hơn’. Có ánh sáng của Ngài, mọi sự chúng ta làm đều được đóng dấu sự hiện diện của Ngài; và như thế, ánh sáng của Ngài nơi chúng ta ngày càng thuyết phục. Như vậy, rõ ràng, Thiên Chúa nhìn thấy từng người chúng ta, nhưng Ngài thấy, không phải để trừng phạt, xét xử, nhưng để cho thêm, để thương thêm. Lời Chúa hôm nay thúc giục chúng ta quan tâm đến tha nhân trong ánh sáng của Chúa, dũng cảm chiếu rọi tha nhân bằng chính ánh sáng của Ngài. Có như thế, chúng ta sẽ làm cho những người khác ngày càng ‘trở nên vĩ đại hơn’ trước mặt Chúa.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con luôn bước đi trong ánh sáng Chúa; với Chúa, con sẽ kiến tạo ánh sáng Giêsu nơi các tâm hồn; và như thế, thế giới sẽ bớt tăm tối hơn và con người được ‘trở nên vĩ đại hơn!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINHANH- HUẾ

 

  • LM MINH ANH - HUẾ

    CHỈ CẦN MỘT KẼ HỞ

     

    “Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”.

     

    William A. Ward nói, “Xét cho cùng, tha thứ là một điều buồn cười! Nó làm ấm trái tim và làm dịu vết đau. Bởi lẽ, sai lầm là của con người, tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”. 

     

    Kính thưa Anh Chị em,

     

    “Tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”, đúng như William A. Ward nói. Vậy mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói đến một thứ tội muôn đời không bao giờ được tha. Có thứ tội đó thật không? Câu trả lời là vừa có, lại vừa không! ‘Có’, khi con người khoá chặt lòng mình trước một Vị Thiên Chúa hết sức tôn trọng nó; và ‘không’, khi trái tim nó ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, vẫn đủ cho Thiên Chúa thổi vào đó lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!

     

    Sở dĩ Chúa Giêsu tuyên bố “Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”, vì sau khi Ngài trừ quỷ, các luật sĩ cho rằng, Ngài dùng sức mạnh của quỷ vương Bêelzêbul để trừ quỷ. Thật khó để tưởng tượng một đánh giá sai lầm hơn về Chúa Giêsu khi ai đó cho rằng, thần lực đang hoạt động trong thánh chức của Ngài là thần lực của Satan, đang khi thực tế, đó là thần lực của Chúa Thánh Thần. Như thế, tội không bao giờ được tha này sẽ là ‘có’! Không phải Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong Chúa Giêsu, không muốn tha thứ mọi tội lỗi, nhưng đúng hơn, tình yêu thương xót của Ngài không thể xuyên thấu những trái tim cố chấp, khước từ sự hiện diện của Thiên Chúa và coi Chúa Giêsu là dụng cụ của Satan. Ai nói như thế là báng bổ Thiên Chúa, xúc phạm đến Thánh Thần. Theo truyền thống, tội này được coi là tội không hoán cải, tội kiêu căng; họ xúc phạm đến phẩm vị Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô mà sau đó, không chút đau buồn, hoặc chỉ đơn giản là lạm dụng lòng thương xót của Ngài mà không hề ăn năn. Và dẫu thế nào đi nữa, việc thiếu vắng sự đau đớn này, sẽ đóng chặt cánh cửa trái tim người ấy trước lòng khoan dung của Ngài.

     

    Thứ đến, tội này cũng ‘không’ thể có; vì lẽ, bất cứ khi nào trái tim con người biến đổi, để tin vào Ngài; và Thiên Chúa, ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, ví dụ khi người ấy bắt đầu ý thức tội mình đã phạm, và lớn lên trong một nỗi buồn chân thành, thì Thiên Chúa ở đó, ngay lập tức chào đón người ấy trở lại với vòng tay rộng mở của Ngài. Vì Ngài sẽ không bao giờ quay lưng với một người khiêm nhường quay lại với một tấm lòng tan nát, dù tội họ nặng đến đâu!

     

    Anh Chị em,

     

    Các luật sĩ biệt phái tìm kẽ hở để giết chết Con Thiên Chúa; Con Thiên Chúa tìm kẽ hở để cứu lấy họ. Vậy mà, chỉ cần con người khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa và hé mở trái tim của nó cho Ngài, Ngài sẽ làm nên muôn điều vĩ đại hơn những gì lòng người dám ước mong. Một bài học khác chúng ta có thể rút ra ở đây là, hãy tập nhận ra Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của người khác. Theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần đang hoạt động theo mọi cách khác nhau nơi những con người khác nhau. Một số khía cạnh của hoa trái phong phú của Ngài có thể hiển hiện trong đời sống của chúng ta và trong đời sống người khác; bảy ân đức của Ngài sẽ ân sủng hoá cuộc sống chúng ta và cuộc sống của những người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chú ý đến những dấu hiệu của Thánh Thần và vui mừng trước những dấu hiệu đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ ai chúng ta tìm thấy chúng; nghĩa là làm sao có thể nhận ra những điều tốt đẹp ấy nơi anh chị em mình ngay cả khi nó bị che giấu.

     

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

     

    “Lạy Chúa, Chúa ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu nơi trái tim con, xin đừng để lòng con chai cứng trước bất cứ một tội lỗi nào, dù nó nhỏ đến mấy, để con có thể đón nhận sự thứ tha của Chúa”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH- HUẾ

 

  •  
    LM MINH ANH - HUẾ
     
     

    ĐẦY SỨC SỐNG VÀ NIỀM VUI

    “Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.

    James Flora cho biết, “Một nhóm kỹ sư điện ảnh phân loại mười âm thanh ấn tượng nhất trong phim: khóc chào đời; còi báo động; sấm phá đá; cháy rừng; còi tàu trong sương; nước rầm rì; vó ngựa phi; còi tàu rời bến; chó tru; và tiếng ồn tiệc cưới. Nhưng một âm thanh sâu sắc hơn bất cứ âm thanh nào khác, có sức mạnh thể hiện mọi cảm xúc con người, như buồn bã, ghen tị, hối tiếc, xót xa, nước mắt, cũng như niềm vui tột độ, thì đó là âm thanh của tiệc cưới! Giàu cảm xúc nhất!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật bất ngờ, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, ngay tại nơi phát ra loại “âm thanh giàu cảm xúc nhất” đó, Chúa Giêsu, các môn đệ của Ngài và Mẹ Maria đang có mặt! Thông điệp của các bài đọc Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng, Kitô giáo là một tôn giáo ‘đầy sức sống và niềm vui!’.

    Vậy thử hỏi, là một người Công giáo, “Có bao giờ bạn ‘cảm thấy tồi tệ’ khi đời sống Kitô hữu của bạn thoải mái, vui tươi?”. Bởi lẽ, với một số người hoặc với nhiều người, họ có thể nghĩ rằng, để trở thành một người Công giáo ‘tốt lành’, họ phải luôn từ bỏ chính mình; nghĩa là phải luôn ‘hy sinh’ điều này, ‘hy sinh’ điều kia. Nếu được dịp nghỉ ngơi, có một khoảng thời gian dừng hết mọi công việc… thì khi quay trở về, họ cảm thấy mình tội lỗi. Hoặc nếu họ nghĩ, họ đang thực sự tận hưởng cuộc sống, thì chắc chắn, có điều gì đó không ổn; vì họ cho rằng, họ đang ‘quá thế gian!’.

    Nếu vậy thì những gì xảy ra trong Tin Mừng hôm nay quả là một điều gì đó khó chấp nhận! Kìa, Chúa Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ dự tiệc cưới của một người bạn. Lẽ ra, Ngài chỉ nên tham dự ‘phần nghi lễ’ ở đâu đó, và tránh xa tiệc tùng; hoặc cũng không nên chút nào khi các tông đồ hoặc Đức Mẹ thưởng thức một hoặc hai ly rượu vang? Hoàn toàn không phải thế! Ngược lại là khác, bằng chứng là khi chủ nhà hết rượu, Chúa Giêsu lại là người cung cấp thêm cho họ; trên thực tế, Ngài cung cấp nhiều đến mức họ không thể uống hết. Ở đây, với Chúa Giêsu, Thiên Chúa mở ra cho nhân loại một xa lộ thênh thang, bất tận trong Vương Quốc Ngài. Nước lã biến thành rượu ngon cho thấy, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã lập nên một hôn ước vĩnh cửu với nhân loại này; để từ nay, không những con người được ‘đầy sức sống và niềm vui’ trong sự sung mãn của con cái Thiên Chúa, nhưng con người còn là niềm vui cho chính Ngài!

    Để con cái Chúa có thể luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’, chính Thánh Thần Thiên Chúa luôn ban cho Hội Thánh các đặc sủng; thánh Phaolô đã nói đến sự phong phú đó qua thư Côrintô hôm nay. Trong Chúa Thánh Thần, người thì được ơn làm thầy dạy, kẻ làm tiên tri, kẻ khác được ơn chữa bệnh, làm phép lạ… để con cái Hội Thánh, và qua họ, tất cả người tin hay không tin được hưởng nhờ. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân!”. Những quà tặng đặc sủng này chỉ nhằm mục đích xây dựng Hội Thánh ngày càng có một cuộc sống viên mãn hơn. Vì thế, Kitô hữu phải là người hạnh phúc nhất, ‘giàu có’ nhất, dẫu không miễn cho họ bất cứ một thử thách nào, kể cả thập giá mỗi ngày; Hội Thánh đó là Hiền Thê của Chúa Kitô. Thật tuyệt vời, Isaia trong bài đọc thứ nhất đã tiên báo hình ảnh Hội Thánh này, “Con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; như người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.

    Anh Chị em,

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Mọi sự một khi được Đức Kitô chạm tới đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống”. Sáu chum nước lã dùng để tẩy uế đã trở nên của uống làm vui say lòng người; cũng thế, cho dù cuộc đời chúng ta có nhạt nhẽo, vô vị đến đâu, nhưng nếu được Chúa Giêsu chạm vào, chúng ta vẫn sẽ có khả năng trải nghiệm một cuộc sống mới, một hạnh phúc mới, một bình an mới, một mối tương quan mới ‘đầy sức sống và niềm vui’ với Thiên Chúa và với tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta luôn mặc lấy thái độ và tâm tình hân hoan của một người con cái Chúa đi dự tiệc, một người luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’ hầu có thể tận hưởng niềm vui làm con cái Chúa; đồng thời, đem chia sẻ niềm vui ấy cho những người chúng ta gặp gỡ.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con u sầu ủ dột vì bất cứ lý do gì; xin lửa Thánh Thần thiêu đốt con, để ai nhìn thấy con, họ nhìn thấy một Giêsu, một Hội Thánh ‘đầy sức sống và niềm vui!’”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

     Kính chuyển:

     Hồng

     

     
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - KHOA HỌC, ĐỨC TIN

  •  
    Chi Tran



    KHOA HỌC GIÚP CỦNG CỐ ĐÚC TIN
    Kết quả khảo sát 4000 trải nghiệm cận tử chứng thực sự tồn tại của Chúa
     
    Một cuộc khảo sát hơn 4000 nghìn người từng hồi sinh từ cõi chết trong trải nghiệm cận tử cho thấy những kết quả đáng kinh ngạc
    Tâm linh là một trong những chủ đề nghiên cứu hấp dẫn trên thế giới hiện nay. Một cuộc khảo sát với hơn 18.000 người tại 23 quốc gia của Viện nghiên cứu xã hội Ipsos cho thấy 51% người tin rằng có kiếp sau, 23% cho rằng chết là hết và 26% người phân vân không rõ ràng.
    Năm 2016, một y học gia người Mỹ ra mắt cuốn sách “Thiên Chúa và Cuộc sống sau khi chết” (God and the Afterlife), bản tiếng Việt có tựa đề Sự sống Bất tử. Cuốn sách đã chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa dựa trên 4000 trường hợp cận tử (NDE). Một số người nhận thậm chí nhận được chỉ thị từ Chúa rằng họ vẫn còn nhiều việc quan trọng cần làm trong đời này, nên cần quay trở về chứ chưa thể chết đi,
    Kênh Fox News cho hay, bác sĩ Jeffrey Long đã tham khảo khảo sát năm 1982 của Viện Gallup – tổ chức chuyên thăm dò dư luận quần chúng – và nhận thấy rằng, khoảng 5% dân số Mỹ từng có ít nhất một trải nghiệm cận tử. Trên thế giới con số này có thể lên đến vài triệu.
    Hơn nữa, những người từng có trải nghiệm cận tử, sau khi được tái sinh từ cõi chết, thường mô tả lại việc gặp gỡ Chúa và nhận được chỉ thị rằng, vẫn còn nhiều việc quan trọng họ cần phải làm trong đời này, và họ cần phải quay trở lại.
    Bác sĩ Long cho hay:
    “Đây là những hiện tượng không thể giải thích được bằng y học hiện đại”.
    Những điều được mô tả trong trải nghiệm cận tử đều “là cảm thụ cá nhân của anh ta/hay cô ta, chứ không phải được kể lại cho họ bởi một ai khác”.
    Cùng lúc cảm nhận được chỉ thị của Chúa
    Trải nghiệm Cận tử (NDE) là một loại hiện tượng y học trong đó một người sống lại sau một thời gian chết lâm sàng.
    Theo Bác sĩ Long, những người trải nghiệm cận tử này có thể mô tả rất chi tiết về những cảnh nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được trong lúc chết lâm sàng. Ngay cả những người không có đức tin và những người vô thần cũng sẽ cảm thấy hoặc nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, thậm chí có thể nhớ rõ và mô tả lại chính xác trải nghiệm đó.
    Sau khi sống lại, người trải nghiệm thường có thể nhớ lại một cách sâu sắc sự từ bi của Chúa, như ánh mặt trời xua tan mây mù, có thể tiêu tan những đau khổ trong cuộc đời. (Ảnh: Iroxon/Đại Kỷ Nguyên)
    Sau khi họ gặp gỡ Chúa hoặc nhận được ý chỉ của Chúa, nhận thức và thế giới quan của họ đã thay đổi đáng kể.
    Trước sự ngạc nhiên của bác sĩ Long, những điều họ trải nghiệm rất rộng lớn. Chúng vượt quá phạm vi của các tín ngưỡng đơn thuần. Chúng không thể giải thích được bằng các niềm tin tín ngưỡng hay những khái niệm văn hóa mà những người đó có trước trải nghiệm.
    Cảm nhận sâu sắc về lòng từ bi của Chúa
    “God and the Afterlife” là tác phẩm chung của hai tác giả là bác sĩ Long và nhà báo Paul Perry. Trong ấn bản ngày 29/6 của tờ The Washington Post, ông đã mô tả chi tiết những cảm nhận của những người trải nghiệm về sự từ bi của Chúa trong quá trình.
    Bác sĩ Long viết, sự từ bi là một phần quan trọng trong trải nghiệm cận tử. Bởi vì trong trải nghiệm cận tử, người ta thường có thể cảm nhận được sự từ bi vô điều kiện của Thiên Chúa .
    Họ nói rằng:
    “Chỉ có thể dùng yêu thương mới có thể miêu tả được cảm giác đó”. “Tôi cảm nhận được sự từ bi thuần khiết ở khắp mọi nơi. Lòng từ bi bác ái đó là có thực, trong khi tất cả những hận thù, đau đớn, tổn thương, v.v… tất cả những thứ tiêu cực đó đều là giả, chúng là những suy nghĩ tiêu cực được hình thành nên bởi chính chúng ta”. “Tôi sợ hãi [bị trách phạt] vì đã từng phạm sai lầm trong cuộc đời, nhưng thay vào đó tôi lại nhận được sự yêu thương vô điều kiện từ Chúa”.
    Một trong những câu hỏi bác sĩ Long đặt ra cho 400 người từng có trải nghiệm cận tử là, “Bạn có tiếp nhận được những thông tin đặc biệt trong đó thẩm thấu lòng từ bi của Thiên Chúa hay không?”. Khoảng 58,1% người đã trả lời “có”. Những người còn lại thì trả lời “không” hoặc “không chắc chắn”.
    Năm 2010, bác sĩ Long và nhà báo Paul Perry cũng từng hợp tác xuất bản cuốn sách “Bằng chứng về cuộc sống sau khi chết: Khoa học về trải nghiệm cận tử (Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences)”. Cuốn sách này về sau đã lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do Thời báo New York bình chọn (The New York Times Best Seller list).
    Thêm vào đó, bác sĩ Long và các nhà khoa học khác đã thành lập một tổ chức nghiên cứu trải nghiệm cận tử để tiến hành công tác nghiên cứu trong lĩnh vực này.
    Bác sĩ Raymond Moody, chuyên gia nghiên cứu trải nghiệm cận tử đồng thời là tác giả cuốn sách “Life after Life (Sự sống sau khi kết thúc kiếp sống này)” cũng nhận định:
    “Nghiên cứu của bác sĩ Long có thể giúp con người hiểu rõ hơn về bí ẩn của thế giới bên kia”.
    Bác sĩ khoa thần kinh tại Đại học Montreal, Canada, cho biết:
    “Những cuốn sách về trải nghiệm cận tử có ý nghĩa rất quan trọng, cung cấp cho chúng ta bằng chứng xác thực chứng minh rằng: ý thức và hoạt động tinh thần của con người không chỉ đơn giản là những hoạt động não bộ thuần túy”.
    Nói cách khác, ý thức không chỉ là hoạt động sinh hóa thuần túy trong bộ não theo nhận thức của chủ nghĩa duy vật hiện tại. Mà trong đó có lẽ cũng tồn tại linh hồn, thứ mà chúng ta chưa thể thực chứng, “cân đo đong đếm, nhìn tận tay sờ tận mắt” được bởi các công cụ khoa học hiện nay.
    Hoán Tỉnh
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - VIỆC CẦU NGUYỆN

  •  
    Chi Tran

     
     
    DANH NGÔN CÁC THÁNH VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN
     
    ✝Càng cầu nguyện, chúng ta càng ước muốn cầu nguyện. Như một con cá lúc đầu bơi trên mặt nước, sau đó, lặn xuống và càng lặn sâu hơn nữa thế nào, thì linh hồn cũng bơi, lặn và mất hút trong hương vị ngọt ngào của cuộc chuyện vãn với Thiên Chúa như vậy.
    (Thánh Gioan Vianney)
    ✝Thiên Chúa sẽ không nhậm lời chúng ta cầu nguyện nếu như chúng ta không nhận mình là tội nhân. Chúng ta thực thi điều ấy khi chúng ta suy xét về tội lỗi của bản thân, chứ không phải tội lỗi của tha nhân.
    (Thánh Moses Ethiopi)
    ✝Lời cầu nguyện của chúng ta càng kiên trì và không chán nản, thì Thiên Chúa càng vui thích tiếp nhận và nghe lời chúng ta.
    (Thánh Jerome)
    ✝Để thực hành tốt việc cầu nguyện thì không cần nói nhiều lời, chúng ta biết Thiên Chúa ở đâu -Thánh Thể trong nhà tạm- chỉ cần mở rộng con tim thì hưởng được tình thân của Ngài, đó chính là cầu nguyện tốt nhất.
    (Thánh John Vianney)
    ✝Khi một vị hoàng hậu đi vào trong một thành phố, thì phải có rất nhiều phụ nữ quý tộc tháp tùng; cũng vậy, khi cầu nguyện tiến vào trong tâm hồn của con người, thì tất cả các đức hạnh cũng đều đến trong tâm hồn của con người, bởi vì đức hạnh và cầu nguyện thì không thể lìa nhau.
    (Thánh Gioan Kim Khẩu)
    ✝Giờ cầu nguyện giống như tấm gương có thể soi thấy cái tốt đẹp của đức hạnh và sự xấu xa của tội lỗi.
    (Thánh Nilus of Rossano)
    ✝Do cầu nguyện, chúng ta giống như xây cho mình một lô cốt chắc chắn.
    (Thánh Lawrence of Bindisi)
    #KhanhTran
     
     
    --------------------------