8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH


     
     

    ĐƯỜNG TẮT ĐỂ NÊN THÁNH

    “Tôi không cần người đời tôn vinh!”.

    M. R. De Haan nói, “Sự khiêm tốn là điều chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện, nhưng đừng bao giờ cảm ơn Chúa vì chúng ta có nó! Hãy quên mọi việc tử tế ngay khi bạn vừa làm xong; và quên ngay những khen ngợi, khi bạn vừa giành được. Đó là ‘đường tắt để nên thánh!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Hãy quên ngay những khen ngợi, khi bạn vừa giành được!”. Đó cũng là một trong các chủ đề của Lời Chúa hôm nay! Bởi lẽ, vinh quang và danh dự không thuộc về con người; nó thuộc về Thiên Chúa! Ý thức được điều này, chúng ta sẽ tìm được một ‘đường tắt để nên thánh’.

    Thật là sai lầm khi chúng ta thường tìm kiếm những khen lao của con người! Đang khi Thánh Kinh nói, “Hãy dâng về Chúa vinh quang xứng Danh Ngài!”; còn Chúa Giêsu thì bảo, “Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Tại sao? Vì lẽ, chỉ Thiên Chúa mới xứng đáng nhận lấy tất cả công lao và chúc tụng cho bất cứ vật thể nào tồn tại, dù lớn hay nhỏ; vì rốt cuộc, chính Ngài tạo thành mọi sự! Ý thức và chấp nhận điều này, chúng ta quả đã bước đi trên đường thánh thiện một cách nhanh chóng! Chúa Giêsu là một gương mẫu tuyệt vời về việc phải tìm kiếm vinh quang không cho bản thân, nhưng cho Đấng Tạo Thành. Vì thế, mỗi khi tìm kiếm ‘những người hâm mộ’, chúng ta thực sự đang tước đi vinh quang mà chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng.

    Vì phải ăn mày sự bố thí lời khen của con người, chúng ta lao vào công việc một cách chăm chỉ để có thể được chấp nhận; vậy mà, khi làm thế, khác nào chúng ta tự tạo cho mình một chiếc máy chém không hơn không kém! Vì vậy, khi thanh tẩy những ý định quy ngã này, để tôn vinh một mình Thiên Chúa qua mọi lời nói, hành động và suy nghĩ, thì sự sống đời đời sẽ được ban tặng chúng ta và cho nhiều linh hồn, và đó là ‘đường tắt để nên thánh’ dành cho mỗi người.

    Đối lập với sự chấp nhận của con người là sự khước từ của nó. Chúa Giêsu đã trải nghiệm nỗi tuyệt vọng của sự khước từ này khi Ngài bị treo lên. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm mất hết sự chấp nhận của con người, Ngài vẫn được Chúa Cha chấp nhận; Thiên Chúa, Đấng trung thành, cũng là Đấng đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Mầu nhiệm Vượt Qua, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho thấy, việc không được con người chấp nhận, không nhất thiết có nghĩa là không có sự chấp nhận của Thiên Chúa! Chúa Giêsu muốn nói, được sự chấp nhận và lời khen của Thiên Chúa còn quý hơn vạn lần so với sự chấp nhận và lời khen của con người.

    Thật thú vị, Israel trong bài đọc Xuất Hành hôm nay đã làm điều tương tự. Họ không chấp nhận Thiên Chúa, Đấng cứu thoát; họ không tôn thờ Ngài như Ngài đáng được tôn thờ. Họ đúc một con bò vàng, quỳ xuống thờ lạy nó! Thánh Vịnh viết, “Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng bò ăn cỏ”. Điều đó khiến Thiên Chúa nổi giận đến nỗi Ngài nhất tâm tru diệt họ; và Môisen, một lần nữa, đứng ra, xin Chúa thương tha thứ. Thật xúc động với lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài”; và Chúa lại xiêu lòng!

    Anh Chị em,

    “Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Đó là lập trường, cũng là tiêu chí hành động của Chúa Giêsu. Điều này tiết lộ cung cách của Ngài khác hẳn với cung cách của con người. Với Ngài, chỉ có Cha, sống đẹp lòng Cha, và hiến dâng thân mình để cứu độ nhân loại. Đó là mục đích sống của Ngài; và phải chăng cũng là mục đích của cuộc đời chúng ta! Trong những ngày này, thế giới đang chứng kiến những tang thương do cuộc chiến tham tàn của những kẻ ‘tham nhũng quyền lực và khát khao nó một cách bệnh hoạn’, chúng ta được mời gọi hãy trở nên những Môisen, những con người của cầu nguyện, hy sinh và quên mình, hầu khấn xin Chúa thương nhân loại khốn cùng này. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta dâng lên Chúa những khó khăn âm thầm nhỏ bé hằng ngày, cốt chỉ để Thiên Chúa nhìn thấy và tôn vinh Ngài. Vâng! Đó chính là con đường thật nhỏ, thật dễ thương, thật ngắn, một ‘đường tắt để nên thánh’ trong đời thường!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con tránh xa những huyễn danh, một chỉ tìm vinh quang Chúa. Xin cho con khả năng cuốn hút thật nhiều người, không phải về phía con, nhưng cuốn về phía Chúa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)  

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH - HUẾ
     


     
     

    LÀM NÊN SỰ SỐNG VÀ CỨU SỐNG

    “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!”.

    Một nhà tu đức nói, “Cuộc sống con người là một tiến trình liên tục làm quen với những điều không ngờ! Thiếu nhi trìu mến, thiếu niên dễ dạy, hai mươi hãnh tiến, ba mươi không mệt mỏi, bốn mươi bốc lửa, năm mươi mạnh mẽ, sáu mươi nghiêm túc, bảy mươi trầm mặc, tám mươi đau đớn; thở gấp, và đợi chết… Thế nhưng, ở bất cứ giai đoạn nào, một cuộc sống ‘chỉ có ý nghĩa’ khi cuộc sống ấy ‘làm nên sự sống và cứu sống!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thiên Chúa là đời đời, hằng hữu, và hằng sống; Ngài không trải qua một giai đoạn nào! Vì thế, Ngài luôn là Đấng ‘làm nên sự sống và cứu sống’. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa dịu dàng và trìu mến như một người mẹ; sáng tạo và kiên định như một người cha. Từ các thuộc tính ấy, thánh Gioan đã có một định nghĩa tuyệt vời, “Thiên Chúa là Tình Yêu!”.

    Bài đọc Isaia gợi lên hình ảnh một phụ nữ đang cho con bú. Mối liên kết giữa người mẹ và đứa con thót lọt trong lòng bà trở thành hình ảnh một mối dây ràng buộc giữa Thiên Chúa và chúng ta. Như một phụ nữ không thể quên đứa con mình đã cưu mang, Thiên Chúa càng không thể quên mỗi người chúng ta. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuy gọn ghẽ nhưng thật sâu sắc, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”; qua đó, nó lột tả tất cả những gì tốt đẹp nhất và còn hơn thế, tình yêu của một người mẹ, của một người cha có thể có, để dành cho đứa con của mình.

    Thiên Chúa không phải là nam, cũng không phải là nữ; “Thiên Chúa là Tình Yêu!”. Tình yêu nam nữ của người cha và người mẹ thuỷ chung kết hợp với nhau làm nên sự sống, cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về tình yêu Thiên Chúa. Hình ảnh Ngài như một người mẹ nhắc chúng ta rằng, đừng hiểu cách Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha trong Tin Mừng hôm nay theo nghĩa đen! Hình ảnh chính yếu Chúa Giêsu nói ở đây thực sự là, Thiên Chúa, Đấng ‘làm nên sự sống và cứu sống!’. Ngài nói, “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy, ban sự sống cho họ”.

    Nếu về mặt con người, cần có một người nam và một người nữ để mang lại cuộc sống mới trên thế giới; thì về mặt thiên linh, Chúa Giêsu, hiện thân quyền năng ban sự sống của Thiên Chúa, cũng sẽ ban cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài. Ngài đã đến thế gian; nhờ Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta có sự sống của Thiên Chúa và có nó một cách trọn vẹn! Khi nói đến ‘giờ’ của Ngài, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một phụ nữ sắp sinh con; ở đây, Ngài muốn nói, chính qua ‘cuộc sinh nở’ tử nạn và phục sinh của Ngài, Ngài ban sự sống mới! Ai mở lòng trước sự hiện diện của Ngài, tức là tin vào Ngài, Đấng đã chết và sống lại cho họ, người ấy được sự sống này, một sự sống từ trên cao, sự sống vĩnh cửu; và sau sự chết, họ đi vào đời đời với sự sống ấy. Vì thế, các môn đệ Chúa Giêsu, nam hay nữ, kết hôn hay độc thân, đều được kêu gọi chia sẻ công việc hiến dâng của Ngài trên thế giới; cùng Ngài ‘làm nên sự sống và cứu sống’.

    Anh Chị em,

    “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!”. Tìm đâu được ngôn từ của con người hay của thần minh trên trần gian một câu ngọt ngào, yêu thương và trìu mến đến thế! Ngài là Đấng Tạo Hoá, Cha chúng ta, Đấng ‘làm nên sự sống và cứu sống!’. Cảm nghiệm được hạnh phúc khi làm con Chúa, không ai được phép sống tầm thường! Họ cảm thấy buộc phải chọn sống một đời sống có ý nghĩa! Vậy, hãy thôi sống lây lất, thôi ‘sống qua ngày đợi qua đời!’. Tuỳ sức mình, hãy tái tạo tình yêu, tái tạo niềm vui, tái tạo bình an cho tha nhân. Được như thế, chúng ta đang cùng Thiên Chúa ‘làm nên sự sống và cứu sống’ vậy!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, xin cho con đừng bao giờ chểnh mảng với bổn phận cao cả của con, cùng Chúa ‘làm nên sự sống và cứu sống’ hầu mở rộng Vương Quốc của Cha!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH



     

    CHÌM VÀO VỰC THẲM BẤT XỨNG

    “Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”.

    A. Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Chúa, là cây cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa chúng ta vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất là một lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’ của chính nó!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất là một lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’ của chính nó!”. Cao điểm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là tính cách của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn Tin Mừng! Đó là lời cầu nguyện phát xuất từ một tâm hồn khiêm tốn thẳm sâu nơi một người thu thuế; đúng hơn, của “một linh hồn đã ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’ của chính nó!”. Qua đó, Chúa Giêsu tiết lộ điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người, đó là một sự hiểu biết đúng đắn về Ngài, Đấng chỉ “muốn tình yêu” mà không cần bất cứ điều gì khác!

    Qua bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi”; và Ngài chỉ muốn một điều, đó là tình yêu, “Ta muốn tình yêu, chớ không cần hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng chỉ lặp lại ngần ấy!

    Trái với điều Thiên Chúa muốn, người biệt phái trong Tin Mừng là một minh hoạ. Ông đứng cầu nguyện trong đền thờ; và ông nghĩ, ông đã đến đúng nơi, đang quy về đúng hướng, và đang làm điều đúng đắn! Thế nhưng, lời cầu nguyện của ông đã bị bóp méo, bởi ông chỉ độc thoại, mà không đối thoại. Ông đã kể công với Thiên Chúa và tệ hơn, ông lấy những ‘kỳ tích’ của mình để so sánh và khinh chê người khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện; đó là diễn văn biện minh cho bản thân. Tuy bề ngoài, ông không phải là người xấu; ông không phạm tội trọng, ông thật thà, chung thuỷ, rộng lượng... nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm đến tình yêu trong mối quan hệ sâu sắc hơn nhiều đối với Thiên Chúa. Ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội trọng; ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu nguyện ông là ‘vô trùng’, khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”.

    Nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ cầu nguyện, một người thu thuế! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”, Chúa Giêsu cho biết. Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội lỗi mình. Lời cầu nguyện của ông thật sự xuất phát tận đáy lòng; ông ý thức sự bất xứng trước một Đấng Toàn Thánh. Và có lẽ, thậm chí đã nghe thấy những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến ông xúc động hơn để ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’ của mình, và ông chỉ đủ sức đấm ngực van vỉ, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”. Lạ thay, điều này lại đẹp lòng Chúa, và Ngài rất thích!

    Anh Chị em,

    “Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”. Đúng thế, mọi sự trên trần gian đều thuộc về Thiên Chúa, Ngài cần gì hy lễ của ai! Thế nhưng, Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người vốn được thốt ra qua lời cầu nguyện. Đừng quên, “Lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất là một lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’ của chính nó!”. Khi đi cầu nguyện, chúng ta đến gần Chúa để nhận biết sự vĩ đại và tốt lành của Ngài; đồng thời, nhận ra tội lỗi và sự yếu đuối của mình và sự thật là, chúng ta đã nhận mọi điều tốt lành từ Ngài. Đây là điều làm cho lời cầu nguyện của chúng ta có kết quả! Chỉ những ai tự nhận mình không có gì mới có thể nhận được tất cả; những ai trống rỗng mới có thể được lấp đầy bởi Ngài. Mùa Chay, mùa chúng ta ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’, để chỉ biết cầu xin lòng thương xót của Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa biết con hơn cả con biết con! Xin đừng để con sống theo bề mặt của lòng mình, nhưng biết ‘chìm vào vực thẳm bất xứng’ của con trong những ngày hôm nay!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM TẠ DUY TUYỀN

 
 
 
 
 
15h suy tôôn LTX Chúa-hãy dành ít phút suy niệm cuộc khổ nạn Chúa
( 60 – NK LTX )
Hôm ấy
Khi đọc gần xong kinh cầu Các Thánh, tôi nhìn thấy một vầng sáng chói chang, giữa vầng sáng là Thiên Chúa Cha.
Ở khoảng giữa vầng sáng và địa cầu, tôi thấy Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh trên thập giá trong tư thế khiến Chúa Cha khi muốn nhìn xuống địa cầu phải nhìn qua các thương tích của Chúa Giêsu.
Và tôi hiểu rằng chính nhờ Chúa Giêsu mà Chúa Cha đã chúc lành cho trần gian.
Trích NHẬT KÝ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
NƠI LINH HỒN TÔI
( Thánh nữ Faustina )
 
 -------------------------------------------------

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH -HUẾ


     
     

    MỘT MÓN NỢ KHÔNG BAO GIỜ TRẢ NỔI

    “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!”.

    Mark Twain mỉa mai, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Ađam, vị đại ân nhân đầu tiên của loài người, đã mang cái chết xuống trần gian!”. Một nhà tu đức lại an ủi, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Giêsu, vị đại ân nhân đầu tiên của loài người, mang sự sống đời đời cho nhân loại; Ngài đã thay nó, trả cho Thiên Chúa ‘một món nợ không bao giờ trả nổi!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Một món nợ không bao giờ trả nổi’, cũng là một trong những chủ đề chúng ta dừng lại hôm nay! Lời Chúa đưa chúng ta về một Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện! Một Đại Thực Thể có tên là Thiên Chúa, Đấng toàn trí, toàn trị và toàn tri! Mọi tạo vật, kể cả con người, không ai và không thọ tạo nào mà không mắc nợ Ngài. Tuy nhiên, dẫu quyền phép và mạnh mẽ vô song; Ngài vẫn là một Thiên Chúa rất mực nhân từ, hằng xót thương và luôn tha thứ!

    Sách Đaniel tường thuật câu chuyện ba người bạn của ông vốn bị đày từ Giêrusalem về Babylon; bất tuân lệnh vua, buộc họ bái lạy tà thần, họ bị ném vào lò lửa. Giữa hoả hào, họ kêu cầu danh Chúa không chỉ cho mình, mà cho cả dân tộc, sản nghiệp của Ngài, “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Chúa uy quyền đã cứu họ! Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài!”.

    Với bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Chúa Giêsu, “Khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần?”. Chúng ta có khuynh hướng nói, “Tôi không thể tha trừ khi…”; đối với Chúa Giêsu, không có “trừ khi!”. Chúng ta thích nói, “Tôi chỉ có thể tha đến…”; đối với Chúa Giêsu, không có “đến…!”. Ngài trả lời Phêrô dứt khoát, “Bảy mươi lần bảy!”; nghĩa là phải tha cho người khác theo cấp số nhân, tha luôn và tha mãi. Lời dạy này không có nghĩa là chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước một người không ngừng làm tổn thương mình! Tha thứ không chỉ đơn thuần là nói ra lời; nó liên quan đến việc khôi phục một mối quan hệ đã tan vỡ; liên quan đến sự hàn gắn của cả hai bên. Mối quan tâm chính của chúng ta không phải là bản thân mình, nhưng là hạnh phúc của người khác mà hành động của họ đang thực sự làm họ tổn thương! Mẹ Têrêxa nói, “Nếu thực sự muốn yêu thương, chúng ta phải học cách tha thứ!”.

    Sau đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người mắc nợ; qua đó, Ngài cho thấy, chúng ta nợ Thiên Chúa ‘một món nợ không bao giờ trả nổi!’. Từ đó, chúng ta hiểu đầy đủ ý nghĩa câu đọc trong Kinh Lạy Cha, “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Những lời này chứa đựng một sự thật quyết định: không ai có thể đòi hỏi sự tha thứ của Thiên Chúa nếu người ấy không tha thứ cho anh em mình. Đó là một điều kiện! Thánh Phaolô nói, “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô”. Chỉ có lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài trong Chúa Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta khỏi một món nợ như vậy. Nếu Thiên Chúa tha cho chúng ta món nợ rất lớn, thì chúng ta cũng phải tha cho người khác món nợ họ có đối với chính mình.

    Anh Chị em,

    “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!”. Thiên Chúa thương chúng ta vô ngần, Ngài đã sai Con Một đến thế gian để trả ‘một món nợ không bao giờ trả nổi’ thay chúng ta; nhờ đó, chúng ta được sống muôn đời. Vậy khi yêu thương và tha thứ cho người khác, thì không phải chúng ta nhân đức hay vì người xúc phạm chúng ta tỏ lòng ăn năn hoặc biết lỗi, nhưng chỉ vì Thiên Chúa, Đấng đã tha thứ cho chúng ta! Khi yêu thương và tha thứ, chúng ta đang nên giống Thiên Chúa, Đấng không ngừng yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Những ngày Chay Thánh, Giáo Hội muốn con cái mình hướng lên Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện để kết hiệp mật thiết với Ngài; nhờ tương quan thân tình đó, chúng ta biết sống cho Ngài, như Ngài và vì Ngài… bằng cách tỏ lòng xót thương đối với anh chị em mình!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Máu Thánh Chúa đã chuộc lại con, trả cho con ‘một món nợ không bao giờ trả nổi’; xin dạy con nhân từ và biết xót thương anh chị em con, như Chúa đã thương xót con!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

    LM