8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - THÁNH GIÁ CỦA CHÚA- CỦA CON

  •  
    Đỗ Thị Kim Loan
    Tue, Apr 26 at 9:35 AM
     
     

    THÁNH GIÁ CỦA CHÚA
    THÁNH GIÁ CỦA CON
     
    Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
    đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
    trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
    và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
    bao lâu tùy ý Cha định liệu.
    Xin đừng để con trở nên chua chát
    nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
    với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
    và lòng khát khao nóng bỏng
    có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
    Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
    của những người đã yêu mến Cha,
    đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
    tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
    Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
    nói lên lòng tin của con
    vào những lời hứa của Cha,
    lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
    và lòng mến mà con dành cho Cha.
    Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
    và yêu Cha chỉ vì Cha,
    chứ không mong phần thưởng.
    Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
    là ánh sáng cho đêm tăm tối,
    nhờ đó con không còn coi khổ đau
    như một tai họa hay một điều vô lý,
    nhưng như một dấu chỉ cho thấy
    con đang thuộc về Cha mãi mãi.
     
    Thần học gia Karl Rahner
    Rabbouni số 63
     
    =========================

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LỮ KHÁCH BÌNH AN

  •  
    Hoc Pham CHUYỂN

                       LỮ KHÁCH BÌNH AN

               Bình an là một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì, bình an vừa là trạng thái hạnh phúc sống động lại vừa mang dấu ấn của Chúa Thánh Linh. Thật vậy, khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài chỉ ban cho các tông đồ một “món quà” duy nhất là  “Bình an cho anh em”. (Ga 20,19.20.26)

     

    Như thế, bình an là cái mà nhân loại luôn luôn khao khát và mong ước đạt đến, thế nhưng nhân loại sẽ không bao giờ đạt được nếu không có Đấng Phục sinh ban bình an. Thánh Luca đã thuật lại : khi Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau với dáng vẻ một lữ khách, nhưng rất bình an, bình an đến độ bình thường nên hai môn đệ không nhận ra Ngài. Khi Chúa lên tiếng hỏi họ : « Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ? » (Lc 24,17). Chưa được câu trả lời thì Chúa đã bị trách là người đứng ngoài cuộc : « Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay » (Lc24,18). Vì là khách nên bàng quang, nên không hay biết chuyện gì, chuyện cả thế gian đều biết riêng chỉ có mình ông là không biết… và vì là khách nên hai môn đệ mới mời Đức Giêsu ở lại: « Mời ông ở lại…» (Lc24, 28).

     

    Cũng vậy, Thánh Gioan tường thuật, khi bà Maria Macdala đến mồ Chúa, không thấy Chúa, bà khóc lóc; nhưng khi Chúa đứng trước mặt thì bà lại tưởng là người làm vườn (Ga 20,15). Với Maria, Đức Giêsu chẳng những bình thường mà còn rất tầm thường nữa, bình thường như một người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác người chết : « Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về. » (Ga20, 15).

     

    Đức Giêsu, không vì là Đấng ban bình an nên Ngài phải bình an. Nhưng vì Ngài đã yêu đến cùng, yêu đến không còn giữ lại cho riêng mình một khoảng cách, một sự khác biệt nào đó để người khác có thể nhận diện. Ngài trở nên bình thường như một lữ khách, như người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác. Tuy nhiên, dung mạo của Đức Giêsu dù là bình thường đến tầm thường đi nữa, nhưng chỉ những ai nhìn ở góc độ tình yêu thì mới có thể nhận ra Ngài. Thật thế, hai môn đệ trên đường Emmau không nhận ra Chúa qua giọng nói, hình dáng, quần áo… mà nhận ra Chúa cầm bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc24, 30-31). Còn Maria chỉ nghe Chúa gọi “Maria” là đã nhận ra Thầy. Trong tình yêu có những bí mật thật dễ thương là thế. 

     

    Nếu Đức Giêsu được xem là một lữ khách bình an, thì hai môn đệ của Ngài là những lữ khách không bình an. Hai môn đệ trên đường trở về quê hương với sự thất vọng đến chán chường, thất vọng vì cho rằng  những quyết định của mình là sai lầm, có lẽ các ông tiếc nuối vì đã bỏ công lao, sức khỏe, thời gian đã qua để đi theo một con người và hy vọng người ấy sẽ khôi phục Israel, hy vọng mình sẽ có một chỗ đứng trong vương quốc ấy. Maria cũng thế, chắc hẳn tuyệt vọng lắm, vì chỉ còn cái xác của Thầy thôi mà cũng bị lấy cắp. So với các tông đồ; Maria đơn giản hơn nhiều, bà không hy vọng Thầy khôi phục Israel hay trông đợi Thầy làm việc gì lớn lao vĩ đại, cũng không tranh giành chỗ ngồi bên hữu và bên tả Thầy như hai anh em con ông Giêbêđê. Đối với Maria; đơn giản chỉ là tình yêu. Tuy nhiên với bà, tình yêu đối với Chúa Giêsu có phần trở nên ích kỷ, có phần như sở hữu Chúa cho riêng mình, đành rằng bà rất yêu Chúa. Vì thế, Chúa trong tâm trí bà là do bà vẽ nên - một hình ảnh có phần chủ quan mà bà đã yêu thương. Hơn thế, bà muốn giữ mãi tình yêu đó, muốn Chúa ở mãi trong cuộc đời bà theo cách thức của bà, theo một khuôn mẫu bà vạch sẵn… Nhưng Chúa Giêsu là con người cho mọi người và tình yêu của Ngài được dành cho tất cả nhân loại chứ không của riêng ai. Vì Chúa Giêsu không như bà nghĩ, cho nên, dung mạo Chúa Phục sinh đứng trước bà vừa thân thương nhưng lại vừa xa lạ là thế.

     

    Thế thì, các tông đồ, mỗi người suy nghĩ và muốn Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Cha theo cách riêng của mình, nên khi không được như ý thì các ông lại không bình an. 

     

    Người lữ khách trong bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” của tôi là một lữ khách mang dấu ấn của người con được Thiên Chúa yêu thương. Người lữ khách này không đi trên đường về Emmau như hai môn đệ, cũng không trên đường ra mộ Chúa như Maria… mà đang lữ hành trong thân phận làm người, làm con Thiên Chúa của mình, người lữ khách ấy đang lữ hành trên con đường trần gian và đang tiến về miền đất yêu thương vĩnh cửu. 

     

    Khi viết bài hát này, hơn bao giờ hết tôi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và cảm nghiệm rất sâu sắc thân phận làm người của mình, một người con đã ngụp lặn trong thân phận bất toàn và đã cảm nghiệm hơn bao giờ hết nỗi bất lực ấy. Với những ước muốn rất là con người, rất ư tầm thường mà tôi đã viết lên ca khúc; không chỉ cho chính mình, mà cho cả anh chị em đang sống xung quanh, những người cùng đang chia sẻ thân phận làm người và làm con Thiên Chúa với mình và khao khát “BÌNH AN”.

     

    Cũng như hai môn đệ, Maria và các tông đồ… Người lữ khách ấy là tôi, là anh, là nhân loại đang khắc khoải trong cảm giác không bình an của mình. Không bình an vì nhiều nguyên do; với hai môn đệ và các tông đồ, rào cản cho sự bình an là nỗi thất vọng cho một dự tính nhằm vào vương quốc Israel, nhắm vào quyền hành, vào vị thế… rào cản của Maria là một tình yêu không ban phát. Còn tôi, anh và nhân loại… chắc hẳn mỗi người có một vị thế khác nhau trong xã hội, trong Giáo hội nên chắc chắn mỗi người có những rào cản khác nhau khiến chúng ta không bình an.

     

    Ca khúc thể hiện những cụm từ : tiền tài, danh vọng, kiêu căng, ganh tị và đau khổ… xem ra rất quen thuộc và rất tầm thường ấy nhưng lại là rào cản khó vượt cho những ai khao khát sống bình an. Đặt tâm trạng vào bài hát, sẽ cảm nghiệm những tranh giành ảnh hưởng lên nhau đều bắt nguồn từ mưu lợi; là sức mạnh, là tiếng nói có thế giá của con người, của chế độ. Nó có sức chi phối, thậm chí đè bẹp lên vị thế và nhân phẩm của người khác, khiến Thiên Chúa không còn là nguồn bình an, mà trớ trêu thay, trở thành rào cản cho những toan tính của chúng ta.

     

    Những toan tính ấy chắc chắn sẽ chi phối, sẽ biến thái tình cảm : “ganh ghét, giận hờn, so đo…”, là những ngôn từ thể hiện bản chất rất là con người của lữ khách. Nhưng lữ khách của tôi ý thức được những điều ấy không đẹp lòng Chúa, cũng chẳng hợp lòng nhau. Có thể thành công của người này lại là thất bại của người khác, hạnh phúc của mình có khi là đau khổ của những anh chị em khác. Vì thế, lữ khách của tôi tìm về nguồn xuất phát của sự bình an là Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã phó thác vào tay Cha, yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương, và tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ… tôi nhận thức rằng, tự bản chất “BÌNH AN” của Thiên Chúa và toan tính của thế nhân sẽ loại trừ nhau. “Bình an” phủ định danh vọng, tiền tài, ganh ghét, giận hờn, kiêu căng hay đau khổ; chúng sẽ không tồn tại bên nhau. Tuy nhiên, vì là con người nên “cỏ lùng và lúa” vẫn phải sống chung trong một ruộng của chủ cho đến ngày tận thế. 

     

    Còn tôi, là một dân đen, tôi không có tham vọng khôi phục “vương quốc” hay đạt được một vị trí nào đó trong xã hội hay trong Giáo hội… Vì thế, rào cản làm cho tôi không bình an chắc hẳn không phải là tiền tài, vì tôi không có nhiều tiền đến nỗi phải chi phối cuộc sống của người khác, cũng không phải là danh vọng, thế giá, vì tôi có “danh” đâu mà “vọng”, cũng chẳng có vị thế để đứng trên “giá”. Có thể, với tôi là một kiến thức giới hạn, vì có kiến thức là có suy tính, đúng sai, khoa học… và rồi trong tình yêu tôi cũng sẽ phán đoán đúng sai, cách khoa học như thế với Thiên Chúa, với anh chị em quanh tôi. Trong khi thước đo tình yêu là con tim mà con tim thì không cần kiểm chứng bằng khoa học, cũng như thể việc bác ái không cần phán đoán đúng hay sai… Điều mà xem ra rất nghịch lý nhưng lại rất hợp lý đối với tình bác ái, với tình yêu thương…

     

    Điều chắc chắn là Chúa không bảo tôi – trong xã hội này, hôm nay – yêu đồng loại mà không cần có kiến thức. Nếu như bình an và tính toán loại trừ nhau, thì kiến thức và con tim tồn tại song song bên nhau. Con tim cần có lý trí để thể hiện tình yêu cách phải lẽ. Tình yêu và lý trí bổ sung cho nhau, dung hoà lẫn nhau để tạo lòng bác ái, và để từ đó những lời nói xoa dịu những vết thương lòng, để từ đó phát sinh nghĩa cử, vì như Thánh Giacôbê đã nói : “Đức tin không hành động là đức tin chết”. 

     

    Xã hội hôm nay có thể nói là một xã hội điện toán, cho nên con người hôm nay là những con người có tính toán; tính như thế nào để có thể tiện lợi, đạt hiệu quả cao nhưng phải rất “nhanh như điện”. Tôi cũng vậy, dù muốn dù không cũng phải sống trong dòng chảy ấy. Và vì thế, trong cuộc sống thay vì tôi phải nằm trong chương trình của Thiên Chúa, phải là công cụ để Chúa điều khiển cho công trình cứu độ của Ngài, phải là người để được Thiên Chúa yêu thương, thì tôi lại đặt Thiên Chúa vào trong chương trình của tôi, vào sự sắp xếp của tôi, tôi chỉ dành riêng cho Chúa một góc trong tâm hồn và một khoảng thời gian giới hạn để gặp gỡ. Nhưng khoảng thời gian gặp gỡ ấy mấy khi được trọn vẹn và ở bên Ngài như ở bên một người xa lạ. 

     

    Bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” thấm đẫm tâm hồn tôi, vì những tính toán xem ra rất nhỏ nhoi ấy lại là rào cản rất lớn cho bước chân tôi đến với Chúa, đến với với tha nhân. Lời của ai đó làm tôi nhớ mãi : « Đừng thấy nhỏ nhoi mà tưởng trong nó thứ gì cũng nhỏ ». Thật vậy, tội nhỏ mà tôi thường gọi là tội nhẹ, cũng như những tật xấu cỏn con mà tôi xem thường, thật ra, có sức công phá mãnh liệt, và nếu không lưu tâm sẽ có thể làm tôi quỵ ngã bất cứ lúc nào. 

     

    Lời bài hát như vừa là một lời thầm nguyện cầu, như vừa khắc khoải sâu lắng từ trong cõi thâm sâu của tâm hồn, như vừa là một bài học nhắc nhở tôi luôn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là suối nguồn bình an. Nơi ấy, tôi học được bài học phó thác, yêu thương; tôi hiểu được Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu độ của Ngài trên sự yếu đuối, bất toàn của tôi và của anh chị em sống bên tôi.

     

    Xin mời Bạn cùng với tôi, chúng ta hãy bắt đầu nhón gót để làm người “LỮ KHÁCH” bước đi trong “BÌNH AN” cuộc đời.  

     

    Xin mở link youtube dưới đây để nghe bài hát LỮ KHÁCH BÌNH AN qua giọng hát của nam danh ca Phan Đinh Tùng, và diễn ảnh do Trúc Tiên thực hiện : https://youtu.be/8JMb6HTO1lA

     

     

     Văn Duy Tùng         

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - QUÀ TỪ BIỆT ĐẸP NHẤT

  •  
    Chi Tran
     
     
     

    MÓN QUÀ TỪ BIỆT ĐẸP NHẤT

     

    Chúng ta phải trao cả cuộc sống và cái chết cho người khác như một món quà. Nếu đúng là thế, thì cái chết của chúng ta sẽ là trao món quà hay gánh nặng cho những người quen biết chúng ta.

    Theo phúc âm Thánh Gioan, trong buổi tiệc ly, Chúa Giêsu bảo là Ngài sẽ đi xa, nhưng sẽ để lại cho chúng ta một món quà chia tay, đó là bình an của Ngài, và chúng ta phải trải nghiệm món quà này theo tinh thần Ngài để lại cho chúng ta.

     

    Vậy tinh thần này như thế nào? Làm sao chúng ta để lại bình an và di sản tinh thần khi ra đi?

     

    Đây không phải là một chuyện mơ hồ, nhưng là điều mà chúng ta trải nghiệm (có khi vô thức) trong mọi mối quan hệ của mình. Nó như thế này. Mỗi người chúng ta đem một sinh lực nhất định vào trong mọi mối quan hệ của mình, và khi chúng ta đến đâu, sinh lực đó tác động đến cảm giác của những người ở đó. Hơn nữa, nó còn ở lại với họ sau khi chúng ta đi. Thật vậy, chúng ta đã để lại tinh thần.

     

    Ví dụ như, nếu tôi bước vào một căn phòng, và con người của tôi phát ra sinh lực tích cực, như tin tưởng, vững vàng, tri ân, quan tâm, vui sống, hóm hỉnh, hài hước, thì sinh lực đó sẽ tác động đến mọi người trong phòng và sẽ ở lại với họ sau khi tôi đã rời căn phòng đó. Tôi đi, nhưng tinh thần đó ở lại. Ngược lại, dù tôi có nói hay chừng nào, nhưng nếu con người tôi phát ra sinh lực tiêu cực như giận dữ, ghen tương, cay đắng, dối trá, hỗn loạn, thì mọi người sẽ cảm nhận được, và sinh lực tiêu cực đó sẽ ở lại với họ cả khi tôi đã ra đi, phủ bóng lên mọi sự tôi để lại.

     

    Sigmund Freud đã nói, chúng ta hiểu thứ gì đó rõ ràng nhất khi nó vỡ, và câu đó đúng ở đây. Ví dụ, chúng ta thấy rõ chuyện này nơi tác động của những bậc cha mẹ nghiện rượu lâu ngày lên con cái. Dù không cố ý, nhưng người đó sẽ liên tục để lại sự bất ổn, bất tín, hỗn loạn trong gia đình, và nó sẽ còn ở lại đó sau khi người đó ra đi, tinh thần người đó sẽ ở lại, dù ngắn hạn hay dài hạn. Con người của người đó sẽ khơi lên cảm giác bất tín và hỗn loạn, ký ức về người đó cũng thế.

     

    Và đối với những người đem lại sinh lực tích cực, sự ổn định và tin tưởng, cũng vậy. Tiếc là, thường chúng ta không cảm được món quà thực sự mà những người này đem lại cũng như tác động của chúng. Nó hầu như là một sinh lực không lời, cảm nhận vô thức và phải về sau này (một thời gian lâu sau khi người đó đã ra đi) chúng ta mới nhận ra và ý thức cảm kích những gì mà sự hiện diện của họ đã làm cho chúng ta. Chuyện này cũng đúng với bản thân tôi khi nghĩ lại về sự an toàn và ổn định của mái ấm mà bố mẹ đã cho tôi. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi ước gì có những bố mẹ thú vị hơn, thậm chí còn ngô nghê cảm thấy sự an toàn và ổn định này là sự nhàm chán hơn là món quà. Nhiều năm sau, một thời gian lâu sau khi tôi rời nhà và biết được nhiều người thèm khát có được an toàn và ổn định cho thời thơ ấu đến như thế nào, tôi mới nhận ra món quà lớn lao bố mẹ đã tặng cho tôi. Bất chấp những bất toàn của con người, cha mẹ đã cho anh em tôi một nơi an toàn và ổn định để trưởng thành. Cha mẹ chúng tôi  qua đời khi chúng tôi còn trẻ, nhưng đã để lại cho chúng tôi món quà bình an. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong các bạn cũng cảm thấy thế.

     

    Động lực này (dù là ổn định hay hỗn loạn) là điều phủ bóng hàng ngày lên mọi mối quan hệ của chúng ta, và nó càng đúng hơn nữa đối với tinh thần mà chúng ta để lại khi qua đời. Cái chết làm rõ mọi sự, nhất là với cách chúng ta được tưởng nhớ và cách di sản chúng ta tác động lên người khác. Khi người thân qua đời, mối quan hệ của chúng ta với người đó cuối cùng được làm rõ và chúng ta sẽ biết chính xác người đó là món quà hay gánh nặng trong đời chúng ta. Có lẽ phải mất một thời gian, vài tháng, có khi vài năm, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ nhận tinh thần mà người đó để lại một cách rõ ràng, và biết đó là món quà hay gánh nặng.

     

    Do đó, chúng ta cần nghiêm túc với sự thật là cuộc đời chúng ta không chỉ của chúng ta mà còn là của người khác. Như thế, cái chết của chúng ta không chỉ thuộc về chúng ta, mà còn thuộc về người thân, những người thân yêu và cả thế giới. Chúng ta phải trao cả cuộc sống và cái chết cho người khác như một món quà. Nếu đúng là thế, thì cái chết của chúng ta sẽ là trao món quà hay gánh nặng cho những người quen biết chúng ta.

     

    Tôi xin trích lời của cha Henri Nouwen ở đây, nếu chúng ta chết với mặc cảm tội lỗi, hổ thẹn, giận dữ, cay đắng, tất cả sẽ cấu thành tinh thần mà chúng ta để lại, gắn chặt và đè nặng lên cuộc sống của người thân và bạn bè. Ngược lại, cái chết của chúng ta có thể là món quà cuối cùng chúng ta tặng cho họ.

     

    Nếu chúng ta chết mà không giận dữ, chết trong hòa giải, tri ân những người quanh mình, bình an với tất cả, không buộc tội, không làm cho ai phải thấy họ có lỗi, thì cái chết của chúng ta sẽ gây đau buồn nhưng không là gánh nặng gắn theo. Như thế, tinh thần chúng ta để lại, di sản thật sự của chúng ta, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng người khác với cùng sinh lực nồng ấm mà chúng ta từng đem đến cho họ khi còn sống.

     

    Ronald Rolheiser,

    J.B. Thái Hòa dịch

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỨC KITO VẪN SỐNG

  •  
    Kim Vu
     

    ĐỨC GIÊSU VẪN SỐNG

     

    Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó.  Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi chôn táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia.

     Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan.  Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa.  

    Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì.  

    Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc.16, 9-14).

     

    Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài.  Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông.  Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin.  Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu.  Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại.  Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được.  Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.

     

    Những người được Đức Giêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể tới để gặp họ.  Đức Giêsu Phục Sinh thì không như vậy.  Chỉ người nào Ngài muốn, người đó mới được gặp Ngài mà thôi.  Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có thể gặp Ngài (Cv.1, 3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh nữa.  Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào Ngài.  Đức Giêsu phục sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết.  “Phúc cho những ai không thấy mà tin.  Bao nhiêu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đều là những người được ơn đức tin.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao.  “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor.12, 3).

     

    Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một hành vi tự do.  Những lý chứng cho thấy Đức Giêsu phục sinh, không đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4.  Người ta vẫn tự do để tin Đức Giêsu phục sinh hay không.  Tin cũng là biết.  Hai anh chị yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin.  Tin vào người khác, là một cách biết người đó.  Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy.

     

    Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Giêsu Phục Sinh.  Sau đó những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của các tông đồ.  Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng những gì các ngài nói là sự thật.  Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm chứng.  Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật.  Tất cả các tông đồ đều tử đạo trừ tông đồ Gioan.

     

    Không tin Đức Giêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn.  Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn.  Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta.  Muốn ai tin Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó.  Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được.  Đó là hồng ân của Thánh Thần. 

     

    Để có thể đón nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời sống có thể đón nhận đức tin.  Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện.  Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để biện luận từ khước tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

     

    Kitô hữu không là những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn.  Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người.  Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng.  Và một khi biết Thiên Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình.

     

    Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CƯỜI MỪNG LỄ PHỤC SINH

 

  •   Le Van Hai
     

    Alleluia! Chút Nụ Cười Mừng Lễ Phục Sinh 2022!

    Chúa phán: “Hãy vui với người vui. Hãy khóc với người khóc!”

    Nhưng muốn “vui với người vui” thì cần phải có chút óc khôi hài. Là một trong những “nhân đức” cao quý của con người, mà ít người nhận ra. Nhất là những người lấy đức Bác Ái làm đầu, hiến mình trong lý tưởng phục vụ tha nhân rất cần đức tính này. Ai có óc khôi hài, là biểu tỏ, chứng tỏ mình là người hạnh phúc, an toàn. Từ đó, dễ gây tình cảm mến với những người chung quanh. Người có óc khôi hài, rất đễ mang đến cho người khác cảm giác an vui hạnh phúc.

    Chính vì thế, đây cũng là phương tiện phục vụ Chúa và tha nhân hữu hiệu nhất. Mục tử vui, con chiên vui, là cách sống đạo lý tưởng, tạo dựng thiên đàng ngay trên trần thế!

    “Cười là liều thuốc bổ!” đúng với bất cứ nơi nào, nụ cười không mất tiền mua, nhưng lại sinh lợi nhiều nhất!

    Câu chuyện sau đây chứng minh, nếu người Chủ Chăn có óc khôi hài, sẽ được thương mến ra sao:

    Ðức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII không những đã được thương mến trong Giáo Hội, mà còn được cả thế giới nhắc đến như một vị Giáo Hoàng hiền từ, nhân hậu và nhất là có óc khôi hài hiếm có, ghi đậm vào lòng người, nếu ai có cơ hội tiếp xúc với Ngài, dù chỉ một lần. Ngài luôn biết dùng nụ cười, hoặc một câu nói khôi hài, để đánh tan bầu khí căng thẳng, hoặc nâng đỡ tinh thần của những người đang nản chí thất vọng.

    Ngày kia, có một vị Giám Mục đến xin yết kiến và nói lên tất cả những nhọc nhằn lo âu mất ngủ vì trách nhiệm chủ chăn nặng nhọc của mình. Sau khi nghe biết tâm sự của vị Giám Mục, Ðức Gioan XXIII nở nụ cười và nói như sau:

    - Khi mới được bầu làm Giáo Hoàng, tôi cũng có bịnh lo âu và mất ngủ như Ðức Cha vậy. Thế rồi, một đêm kia trong giấc ngủ, có một thiên thần hiện đến với tôi, vỗ vào cái bụng to của tôi và nói: "Gioan ơi! Chớ có lo lắng thái quá, hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và nghỉ ngơi cho khỏe!" Thế là từ hôm đó trở đi, tôi cứ sờ vào cái bụng to phình của mình và tự nhủ nhớ đến lời Chúa “nghỉ ngơi cho khỏe!” Như thế, từ đó tôi không mất ngủ nữa!"

    Trong không khí vui Mừng Phục Sinh:

    - Hãy để cho nụ cười lạc quan của Chúa được luôn tươi nở trong gia đình, xã hội mọi nơi, mọi lúc. Alleluia!

    - Hãy để cho nụ cười của Thiên Chúa luôn tươi nở, qua sự chấp nhận lẫn nhau, tha thứ cho nhau và bằng tất cả những nụ cười trìu mến cảm thông giữa mọi người với nhau. Thương mến nhau hơn qua nụ cười, món quà ý nghĩa, độc đáo cho mùa Phục Sinh năm nay. Alleluia!

    --------------------------------------


     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

     

     

     

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

     

    --