8. Đời Sống Tâm Linh

Trở Về

Nói trở về là nói tới mình đang ở xa. Xa nhà, nay tôi trở về. Cái khoảng cách không gian cho ta cảm tưởng rõ ràng một sự cách biệt.

Khi định nghĩa trở về trong ý nghĩa thiêng liêng, ta thấy khó hơn. Thí dụ, nói tôi trở về với Chúa. Cái khoảng cách giữa tôi và Chúa không biết ngắn hay dài. Lấy gì để mà đo. Nếu xét rằng tôi không phạm tội nặng, tôi vẫn đi lễ thì dường như tôi không xa Chúa. Tôi không cần đặt vấn đề trở về.

Ðọc dụ ngôn con chiên lạc, ta thấy ngay là con chiên đó xa đàn. Hình ảnh Chúa đi tìm làm ta thấy con chiên này cần trở về. So sánh mình với người khác, ta thấy có người bỏ nhà thờ, có người có đời sống tội lỗi công khai. Như thế, họ cần trở về hơn mình. Tuy nhiên, đọc kỹ đoạn Tin Mừng, ta thấy sự trở về có thể là cần thiết cho chính những con chiên không bỏ đàn đi, không bỏ nhà thờ, vẫn ở trong nhà thờ.

Bản văn không nói rõ lý do nào làm con chiên đã lạc đàn. Dụ ngôn chỉ nói “Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con” (Lc. 15: 4). Nguyên do nào làm nó lạc? Ta thấy có hai nguyên nhân. Một là nó bỏ đàn đi vì lầm lỡ đồi cỏ dại là hạnh phúc. Có thể nó bỏ đàn đi vì theo chủ thì dài và vắng vẻ, nó thích tiếng ca của bầy chồn hơn. Có thể trên những quãng đời nắng khát hạnh phúc nó đã bị giọng nói tinh vi của Satan lừa gạt. Lý do thứ nhất này nó sa ngã vì những cám dỗ.

Giữa những nguyên nhân lạc xa đàn, có khi nào nó bỏ đàn vì những con chiên khác trong đàn? Nghĩa là vì sự kết án, chia rẽ, phe nhóm ngay trong xứ đạo. Từ những nguyên nhân này làm con chiên tách xa đàn, rồi mới đi tới lạc đàn. Lý do thứ hai này là điều ta thử tìm hiểu.

Nhìn vào lịch sử, vết thương buồn vẫn còn là dấu chứng: Ðã bao lần chúng ta kết án nhau! Trong tiến trình ý thức về tội, Adam bảo tại Evà mà ông ta phạm tội. Evà bảo tại con rắn mà bà sa ngã (Stk. 3: 12-13). Không ai có nước mắt ăn năn. Không ai nhận rằng tôi phải trở về. Chỉ có kẻ khác phải trở về.

Hôm nay, trong đời sống thiêng liêng, có những linh hồn cũng đã phải xa xứ đạo của mình vì sự mất bình an giữa cộng đoàn tín hữu của họ. Nơi đây không phải là nhà. Nơi đây chẳng có lý tưởng. Có người phải sống mặc cảm dưới cái nhìn rẻ rúng của những kẻ chung quanh. Những tiếng xầm xì về một lỗi lầm của quá khứ. Những nghi kỵ về một xét đoán mù mờ, những thêu dệt về một sự thật không đúng sự thật. Có những góp ý xây dựng những đổ vỡ, nhưng lại đề cập đến khuyết điểm của kẻ khác để vì cái khuyết điểm ấy mà mình được nổi hơn. Có những cạnh tranh vì tháp nhà thờ mình phải cao hơn tháp nhà thờ bên cạnh. Có nhiều cuộc phải lên đường trở về vì có nhiều thứ xa Chúa. Mà xa Chúa nhất là xa Chúa ở trong đền thờ.

* * *

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm (Yn. 8:1-11) cũng là câu chuyện của bao nhiêu cánh cửa tâm hồn khắc nghiệt với nhau hôm nay. Lạc lối buồn bã nhất là ảo tưởng tiên tri thấy mình phải chỉ lối cho người lạc lối. Vì phải đi tìm chiên lạc nên không thấy mình lạc. Ðó là thái độ của các Biệt Phái. Chúa rộng lượng thứ tha. Ngài nâng lên cây sậy bị dập. Ngài che đậy ngọn đèn sắp tắt. Nhưng con người đối với nhau lại khắc nghiệt. Người thiếu nữ ngoại tình ấy đi tìm một miền đất để sống. Chẳng còn vùng trời nào khác ngoài sự đau khổ. Vì gian truân nên muốn đến với Chúa, cửa nhà thờ mở ngõ nhưng cửa tâm hồn người coi nhà thờ khắc nghiệt.

Có những tâm hồn vì yếu đuối đã sa ngã, Chúa thương băng bó vết thương, nhưng người chung quanh không để cho lành. Người phụ nữ ấy bơ vơ, muốn đến giáo đường tìm Chúa mà phải đến lén sợ người trong Giáo Hội trông thấy. Câu chuyện của Tin Mừng năm xưa cũng chưa phải là phai nhòa trong đời sống chúng ta hôm nay.

Có cha mẹ hắt hủi con mình, người trong gia tộc miệt thị nhau, giai cấp trong đạo lên án chỉ vì cây sậy đã bị dập, ngọn đèn đã leo lét. Ra đi tìm một miền đất sống, nhưng im lặng của các tâm hồn đó đã dọn đường trở về với Chúa rồi. Những đau khổ họ phải chịu vì người anh em mình đã nặng hơn lỗi lầm họ phạm. Vì thế, khi họ phải bỏ xứ đạo ra đi, trốn khỏi gia đình, quãng đường xa ấy biết đâu lại rất gần Chúa.

Vào một giã từ không tiếng nói. Thất vọng vì bị kết án. Chán nản trong một họ đạo đố kỵ. Lặng lẽ, một tín hữu nào đó bỏ nhà thờ. Trong đêm mờ tối ấy, đời họ chìm sâu hơn trong tội lỗi có khi chỉ vì muốn tránh những nhánh gai trong vườn gia đình, xứ đạo mình quá sắc.

Có những lỗi chung thủy đến từ người mà mình đã rất thuỷ chung. Có những đau khổ mình phải chịu đến từ người mà mình đã chịu khổ đau cho. Có những hố thẳm mà người cùng một lý tưởng tông đồ đào cho nhau. Có những vực sâu trước nhà thờ.

Khi Ðức Kitô hỏi các Ký Lục và Biệt Phái ai là người trong họ vô tội mà đòi ném đá người phụ nữ. Tất cả họ từ từ rút lui (Yn. 8:7-9). Kẻ cần phải trở về là chính người không đi xa, đang ở ngay trong đền thờ.

* * *

Lạy Chúa, nếu con không phải là con chiên lạc, là kẻ trong đàn nhưng đã là nguyên cớ làm cho tâm hồn khác xa đàn, thì, lạy Chúa, sự có mặt của con trong đàn có khi còn nguy hiểm hơn là vắng mặt. Vì sự có mặt ấy mà bao nhiêu người phải vắng mặt. Nếu vậy, lạc lối trong hồn con còn xa xôi hơn nữa. Con cần phải trở về biết bao. Con đã xa cách Giáo Hội khi con ở trong đền thờ.

Khi con bỏ đền thờ thì con biết mình xa nơi thánh. Khi con ở trong đền thờ mà làm cho người khác phải ra đi thì khó mà nhận ra là sự thánh thiện đã xa mình.

Khi phạm tội thì có thể con biết mình xa Chúa, nhưng khi làm cho người khác xa Chúa thì khó mà biết mình phạm tội.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

Hạnh Phúc – Lời Mở Đầu và Dẫn Nhập

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Cuốn sách này dành cho tất cả những ai muốn tìm một cuộc sống phong phú thoả mãn và hạnh phúc.

“Cho dầu thế giới này có xa cách Thiên Chúa đi nữa, thì con tim của mỗi người cũng không cách xa Ngài”.

Là một Giám mục thông minh và khôn ngoan đặc biệt, Đức cha Fulton Sheen đã phát động một cuộc tấn công đầy phấn khích chống lại những tác nhân có hại cho hạnh phúc con người: tính cay độc, sự chán nản và thất vọng.

Ngài nói với chúng ta: “Đức tính bằng lòng với số phận không phải là một nhân đức bẩm sinh”. Như vậy nghĩa là với nỗ lực và quyết tâm ta có thể tập luyện được đức tính ấy.

Trong cuốn sách đầy cảm hứng và gây thoả mãn này, Đức cha Fulton Sheen, với một nhãn quan sắc bén và tầm hiểu biết sâu rộng, chỉ cho chúng ta phương cách tạo cho mình một sự bình an vững chắc trong tâm hồn để luôn luôn hài lòng với cuộc sống, đồng thời chỉ cho ta cách tích luỹ nghị lực và can đảm để đối phó với những chán chường, thất vọng, để gây dựng lòng tin tưởng giúp ta nắm bắt được hạnh phúc trong tầm tay.

C.B.

DẪN NHẬP

Sơ đồ và mục đích

Tôi viết những bài này với mục đích đặc biệt, với phương pháp đặc biệt và với tinh thần cũng đặc biệt. Mục đích tôi nhắm là ủi an chữa trị và tạo hy vọng cho bao trái tim, đem chân lý và nguồn sáng cho bao tâm trí, đem điều thiện, sức mạnh và lòng quyết tâm cho mọi ý chí. Phương pháp tôi đề nghị ở đây chẳng qua chỉ là áp dụng các nguyên tắc luân lý và thiêng liêng trường cửu vào những vấn đề căn bản thuộc đời sống cá nhân cũng như xã hội của thời đại hôm nay. Còn tinh thần thấm nhuần xuyên suốt các đề tài này thực ra cũng không gì khác ngoài tinh thần bác ái: mến Chúa yêu người. Như thế, qua lời phi lộ này tôi muốn công bố những trọng điểm của cuốn sách như sau:

Thứ nhất: lưu tâm đến tình hình chính trị thế giới hôm nay, chúng ta thấy con người hiện đang bị cai trị chứ không phải đang nắm quyền cai trị. Tính cách phức tạp của nền văn minh hiện đại ép buộc chúng ta phải tự tổ chức thành những đơn vị ngày càng rộng lớn hơn, và vì quá lo cai trị những gì ở bên ngoài rốt cuộc chúng ta lơ là việc quản trị chính bản thân mình. Thế mà phải nói ngay rằng chìa khoá giúp xã hội thăng tiến chỉ có thể tìm thấy nơi sự thăng tiến cá nhân. Cải tạo con người tức là đã cải tạo thế giới nơi con người sống. Chúng ta cần khẩn thiết phục hồi lại cho con người lòng tự trọng và trao ban cho con người niềm danh dự thích đáng, điều này sẽ giữ cho con người không hèn hạ cúi mình trước những kẻ hăm doạ đòi nô lệ hoá nó, đồng thời ban cho con người lòng can đảm dám bênh vực lẽ phải, nếu cần thì vẫn dám chấp nhận đơn độc, mặc cho thế giới chung quanh toàn làm điều sai quấy.

Thứ hai: Xã hội do con người tạo thành, và tới phiên mình con người lại được tạo thành do những tư tưởng, quyết định và chọn lựa của họ. Không một sự gì từng xảy đến cho thế giới mà trước hết không từng được ấp ủ trong tâm trí một ai đó, chẳng hạn có xây nên toà nhà chọc trời thì chẳng qua cũng chỉ nhằm chu tất giấc mơ của nhà kiến trúc. Ngay cả chất liệu làm nên cái tôi vật lý của chúng ta cũng là đầy tớ của tư tưởng chúng ta, như các nhà tâm lý học từng cho thấy thân xác chúng ta mệt mỏi có thể chỉ vì tâm trí chúng ta bị mệt mỏi. Khi thân xác âu lo, xao xuyến sợ hãi chán nản, thì mệt mỏi tâm trí sẽ trở thành mệt mỏi thể lý.

Lý do nền tảng khiến tâm trí mỏi mệt chính là sự xung đột nơi chúng ta: xung đột giữa lý tưởng và sự hoàn tất, giữa cái chúng ta phải là và cái chúng ta đang là, giữa khát vọng và hiện thực, giữa năng lực hiểu biết của ta và mầu nhiệm khôn thấu của vũ trụ. Căn nhà bị phân cách làm sao đứng vững được! Cần phải nhìn nhận sự căng thẳng này nơi con người là cố hữu, đồng thời nhìn nhận rằng để giúp con người chịu đựng được căng thẳng ấy thì chỉ có phương cách duy nhất là bắt mình qui phục Thiên Chúa. Và từ đó, dẫu có gì xảy đến thì chúng ta cũng đón nhận như quà tặng của tình yêu; không gì có thể khiến chúng ta ngã lòng nữa vì chúng ta không còn giữ lại cho mình ý muốn ích kỷ đòi này hỏi nọ nữa.

Xã hội chỉ có thể được cứu rỗi nếu con người được cứu khỏi những xung đột hầu như không thể chịu nổi của mình, tuy nhiên con người chỉ có thể thoát được các xung đột ấy một khi linh hồn họ được cứu rỗi. Cách đây không lâu, con người từng đặt niềm hy vọng hạnh phúc của họ vào tiến bộ vật chất, giờ đây thì tâm thức lạc quan nông cạn ấy đã chấm dứt rồi; gánh nặng âu lo xao xuyến về tương lai nòi giống và cá nhân đã khiến con người phải ý thức đến linh hồn mình.

Thứ ba: Hạnh phúc chúng ta hệ tại việc chu toàn mục đích cuộc đời của mình. Mỗi người đều biết rõ là khi tạo dựng con người, Chúa đã phú cho họ khả năng tìm kiếm ba điều sau đây, và cơn đói khát ba điều này luôn dày vò tâm trí chúng ta: trước hết ai trong chúng ta cũng mong sống, dĩ nhiên chẳng phải là thêm vài ba phút mà là được sống vĩnh cửu, sống mà không sợ tuổi tác hay bệnh hoạn đe doạ; thứ đến chúng ta mong nắm được chân lý, dĩ nhiên không chỉ các chân lý toán học, địa lý… mà là toàn bộ chân lý; và cuối cùng ai trong chúng ta cũng mong ước tình yêu, không phải thứ tình yêu bị thời gian giới hạn, bị pha trộn với nỗi chán ngấy và cơn mộng vỡ mà là thứ tình yêu đạt đến trạng thái xuất thần ngây ngất.

Không thể tìm được ba điều ước muốn trên đây một cách viên mãn trong cuộc đời này bởi vì ở trần gian này, cuộc sống luôn bị thần chết dõi bóng, chân lý luôn bị pha lẫn lạc lầm, tình yêu luôn hoà chung niềm căm ghét. Tuy nhiên ai cũng biết rằng nếu không bao giờ có thể đạt được những niềm ước mơ đó thì chắc con người đã không thèm mơ ước gì. Vì thế bẩm sinh là con vật có lý trí, con người luôn gắng tìm kiếm cội nguồn từ đó phát sinh ra những cấp độ bất toàn pha tạp liên quan đến Sự sống, Tình yêu và Chân lý.

Đây là sự kiếm tìm y hệt sự kiếm tìm ánh sáng trong một căn phòng: ánh sáng ấy không thể đến với đêm đen và bóng mờ. Ánh sáng ấy chỉ có thể đến từ mặt trời, nơi đó ánh sáng tinh tuyền không hề bị bóng mờ và đêm đen ảnh hưởng. Trên đường tìm kiếm nguồn mạch Tình yêu, Ánh sáng và Chân lý, như chúng ta biết, chúng ta phải băng qua các giới hạn của thế giới mờ tối này mới mong đạt được thứ Chân lý tinh tuyền không bị trộn lẫn với bóng mờ của nó là sự sai lầm, mới mong đạt được Tình yêu không bị pha trộn lẫn với bóng mờ của nó là lòng thù ghét. Chúng ta phải tìm kiếm sự sống trinh nguyên, chân lý tinh tuyền và tình yêu thuần khiết. Và những điều này lại chính là nằm nơi định nghĩa về Thiên Chúa. Ngài vừa là Sự sống mật thiết của Ngôi Cha, vừa là Chân lý mật thiết khả thông nơi Ngôi Con vừa là Tình yêu sâu đậm thiêng liêng nơi Thần Trí.

Khi hội đủ số người kiếm tìm con đường dẫn đến hạnh phúc này thì con người sẽ gặp được nhau trong tình huynh đệ. Và lúc đó xã hội sẽ có được hoà bình.

Ðức cha Fulton J. Sheen

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 14. Luật Thành Công

Từ ngày ông bà nguyên tổ chúng ta phạm tội, sự đau khổ đã thành điều kiện cần thiết để thành công, trên bất cứ phương diện nào.

Đây, một cậu học sinh, nếu muốn một ngày kia đỗ đạt hoặc có một học vấn kha khá, thì cậu không thể không phải hy sinh, không thể không phải chịu đau khổ: thức khuya dậy sớm, hy sinh bao nhiêu thú vui… có khi phải hy sinh cả bao nhiêu tình bạn bè… biết bao nhiêu lần, cậu đứng trước những thử thách đủ thứ, nhất là về nhục dục, nhưng, vì muốn đạt được lý tưởng, cậu phải gạt bỏ những quyến rũ, những đòi hỏi của thể xác, của tình bạn… cả những thú vui tự nó chính đáng…

Cách đây ba mươi năm, tôi có đi tìm thăm một người bạn. Anh ta ở một ngõ hẻm khuất khúc tại thành phố Hà Nội. Tìm mãi mới ra. Nhưng, khi đã lên được cái thang hẹp, thì tôi thấy cửa phòng đóng. Ở ngoài, có mảnh giấy dán: “Không tiếp khách”.

Mấy hôm sau, tình cờ gặp anh, tôi có nói lại truyện đến thăm anh và hỏi sao anh lại không tiếp khách. Anh xin lỗi tôi và tiếp: “Anh tính, ở cái thành phố này, mình muốn học thì phải tìm chỗ hẻo lánh nhất, và cũng phải thất lễ cả với bạn bè, không vậy, thì đừng mong học được anh ạ”.

Đây, một nhà nông, nếu muốn rồi đây ruộng của ông ta đầy những bông lúa chín vàng, nếu muốn rồi đây trong gia đình được ấm no… ông phải chịu khó, phải hy sinh nhiều, rất nhiều. Có khi bốn giờ sáng đã phải bỏ giấc ngủ, có những ngày mười giờ đêm chưa được đặt lưng xuống giường… rồi bao nhiêu nhọc nhằn do mưa nắng, bao nhiêu mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời… Ông đâu còn tưởng đến truyện nay lên tỉnh xem xi-nê, mai lên tỉnh đi dự các cuộc dạ hội v.v…

Đây, một người thợ, một người lao động, họ đâu có ngồi yên một chỗ, rồi ngủ trưa, rồi say sưa, mà làm nên sự nghiệp, hoặc đủ mặc, đủ ăn. Bạn đã chẳng thấy họ đổ mồ hôi, tràn nước mắt mới hy vọng kiếm được của nuôi thân, nhiều người vẫn chỉ được bữa sớm lo bữa chiều. Đổ mồ hôi, có khi đổ cả nước mắt nữa, để đổi lấy manh áo bát cơm, cho mình, cho vợ con, cho gia đình: đó là đời sống hằng ngày của họ.

Vì không ai hiểu bằng ông bà ta xưa đã từng nói:

Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa,

Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.

Đây, một nhà buôn… thì Bạn đã chẳng thấy có những nhà buôn quanh năm phải bôn tẩu ngược xuôi, chẳng mấy lúc được ngồi yên để hưởng thú vui đầm ấm của gia đình; nào Bạn đã chẳng thấy có những người đã liều chết để cho cái quỹ gia đình khỏi càng ngày càng hao hụt… nào Bạn đã chẳng thấy có những người đã bị đưa vào nhà lao, chỉ vì quá lo cho cuộc sinh sống… Đói ăn vụng, túng làm càn…

Đây, một toán binh sĩ, ngày ngày phơi sương giãi nắng… nhiều khi cơm trộn lẫn với cát… tính mệnh của họ như treo lơ lửng bằng một sợi chỉ mỏng. Họ đau khổ, họ xa mọi thứ thú vui, cả đến những thú vui chính đáng trong gia đình. Họ lại còn liều chết nữa, để làm gì? Để giữ vững bờ cõi giang sơn… và có lẽ đối với một số người, đó là con đường tiến thân của họ.

Nhưng, thôi, Bạn hãy kể cho tôi nghe có một hạng người nào trên đời, muốn thành công mà không phải hy sinh, không phải chịu khó, không phải đau khổ? Nếu có, thì cái muốn ấy, chỉ là cái muốn vờ, cái muốn giả hiệu thôi.

Còn Bạn, còn tôi, chúng ta đều muốn thành công tất cả… nhưng đây là nói đến cái thành công trên đường siêu nhiên, thành công trên đường thánh thiện, thành công trên con đường về Thiên quốc… thành công trên con người cứu các linh hồn. Không lẽ chỉ có đường thiêng liêng, muốn thành công lại không cần chịu khó, không cần hy sinh, không cần chịu đau khổ?

Những kết quả trên đường thiêng liêng này, do những đau khổ chúng ta chịu, tôi đã và sẽ còn lần lượt trình bày với Bạn trong quyển sách nhỏ mọn này.

Ở đây, tôi chỉ cần xin Bạn in sâu vào tâm khảm chân lý này: Muốn thành công bất cứ phương diện nào, chúng ta phải hy sinh, phải chịu khó, phải chịu đau khổ, phải đổ mồ hôi, phải tràn nước mắt, nhiều khi phải đổ tràn máu nữa. Thành công càng lớn lao, càng rực rỡ, thì sự hy sinh, sự đau khổ cũng càng phải lớn lao, càng phải nặng nề.

Không muốn hy sinh, không muốn chịu khó, muốn gạt đau khổ ra ngoài cho hết sức, tức là Bạn đã từ chối không muốn thành công.

Nhưng, tôi chắc Bạn muốn thành công, phải không Bạn? Vậy thì đây, tôi chỉ cho Bạn cái bí thuật thành công ấy: nhẫn nại chịu đau khổ, tập cho biết vui chịu đau khổ. Chính Chúa cũng đã qua đường đau khổ, để bước vào chốn vinh quang kia mà, Bạn? Chúc Bạn thành công nhiều trên đường thiêng liêng của Bạn. Chúc như thế, cũng là chúc Bạn biết chịu đau khổ, biết vui chịu đau khổ, như Chúa xưa, như các môn đệ trung tín của Chúa từ xưa đến nay.

Gắng lên bạn !

Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 15. Chiếc Diều Sáo

Hôm ấy, một ngày mùa hạ, khí trời oi ả nóng nực. Chiều lại, một người nhờ cơn gió hiu hiu đem diều ra thả. Chiếc diều từ từ bay lên, hòa vào không gian những tiếng bổng trầm, khiến cho, không những người có diều, mà cả những người xung quanh, cũng được thư thái, bỏ những lúc thiêu đốt ban ngày.

Nhưng giữa lúc bao người đang sung sướng hưởng tiếng sáo thì trong một căn nhà nhỏ hẹp, một bà lão rên rỉ. Bà khó chịu, khó chịu vì bệnh và khó chịu vì một cớ khác nữa, một cớ tuy chỉ nhất thời, nhưng nó cũng đã làm tăng khó chịu cho Bà. Bà cất tiếng bảo người con: “Này con, con xem ai thả diều, thì xin họ làm ơn hạ xuống, kẻo mẹ khó chịu lắm”.

Đó là câu truyện có thật trăm phần trăm, và nó có thể cho ta một bài học.
Ở đời, chúng ta phải chung đụng với nhau, thành thử biết bao cái làm ta sung sướng thì đồng thời lại làm người khác đau khổ, và trái lại, có cái làm ta đau khổ, thì lại làm người khác sung sướng.

Những buổi chiều mùa hạ, đang lúc chúng ta mong được một luồng gió mát, nếu cơn giông đổ đến, chúng ta sẽ khoan khoái chừng nào! Nhưng biết đâu rằng: chính lúc ấy, thì những nhà có lúa phơi, đang khốn đốn chạy lúa vội, hơn nữa, những người đang vượt biển, hoặc trên sông lớn, lại lo lắng sợ hãi. Thế là cái làm ta vui, lại làm người khác khổ.
Trong lúc nhà ta có người nằm xuống, đang lúc ta lo lắng phiền muộn, thì biết đâu ở nhà nào đó, người ta lại không sung sướng, không phải vì ta buồn, nhưng vì họ bán được chiếc quan tài, hoặc mấy chục thước vải, nhờ đó họ có gạo trong nhà.

Chèo ngược gió, ta mong gió xuôi lại, nhưng ta quên rằng: những ngươi đang đi xuôi gió, họ lại mong cho gió đừng thổi, vì đổi gió thì khổ cho họ.

Bạn sắp đến một ngã ba, thình lình một chiếc ôtô đang tung bụi đàng trước, Bạn mong cho chiếc ôtô rẽ sang lối khác… mà quên rằng, ôtô mà rẽ, tức là nhả bụi cho những người đang đi bên ấy.
Đó chỉ là mấy ví dụ trong trăm nghìn câu truyện thường xảy ra trên đời.

Tôi có ý làm chứng rằng: nhiều sự đau khổ chúng ta gặp phải chưa chắc đã là sự khổ thật, hay nói đúng hơn, tự nó không phải là khổ. Nó chỉ khổ, đối với ai lâm vào cảnh ấy. Nhưng đồng thời, nó có thể là nguồn hạnh phúc cho nhiều người khác.

Vậy tôi định nói gì? Tôi muốn nói Chúa là Cha chung cả mọi người, mọi vật, Chúa phải quan phòng đến cả thế giới, không lẽ Chúa chỉ quan tâm đến một vật, một người, trừ khi có lẽ thật đích đáng. Chúa đã quan phòng cách chung, thì cố nhiên những phần tử riêng, phải chịu thiệt thòi vì ích chung, hoặc vì ích của người khác.
Cũng như mọi người trong gia đình nhiều khi phải hy sinh một hai sở thích riêng, để mưu ích chung cho cả gia đình. Bạn thích xem chớp bóng tức là bạn phải về muộn, lúc cả nhà đã đi ngủ, và thế là bạn làm cả nhà mất ngủ, để thỏa tính ham mê của bạn. Bạn sẽ đành hy sinh những buổi chớp bóng… để cả nhà vui lòng.

Một người dân cũng nhiều khi phải chịu hy sinh tư lợi, để mưu công ích. Đó chính là cái chết của những binh sĩ ngoài mặt trận, hoặc những y sĩ bỏ mình vì muốn cứu bịnh nhân trong những ngày dịch tễ.
Bạn thân mến, Bạn cũng chỉ là một phần tử cấu thành vũ trụ. Bạn cũng không ra ngoài các công lệ này: một người nhiều khi phải hy sinh tư lợi cho công ích.
Vì rất nhiều khi những cái đau đớn khổ sở của Bạn, lại là căn cớ cho người khác, hoặc nhiều người khác được vui mừng.
Đã đành Chúa có thể làm cách khác.

Nhưng Thánh ý Chúa đã muốn như vậy, thì Bạn nghĩ sao? Bạn phải tin chắc rằng: ta không khôn hơn Chúa, ta chỉ thấy những cái lợi nhỏ mọn, và nhiều khi nhỏ nhen của ta; Còn Chúa thì Chúa phải lo đến ích lợi chung cho cả toàn thể. Vậy cũng như trong gia đình người con thảo lúc nào cũng sẵn sàng để cho cha mẹ làm những việc, tuy không có lợi trực tiếp cho họ, hoặc đôi khi lại ngược với tư lợi của họ, nhưng họ nghĩ đến tình liên lạc trong gia đình, và ích lợi chung cho cả nhà hơn, nên họ cũng bằng lòng hy sinh tư lợi; hoặc bằng lòng chịu khó để mưu ích chung cho cả nhà. Và nếu có phải người con có hiếu thật, một người anh, người chị, người em có lòng yêu thương anh chị em thật, thì người ấy sẽ cho thế là vinh hạnh, vì thấy chính cái khổ của mình làm cho gia đình sung sướng.
Vậy nếu ta thực tình mến Chúa, nếu ta thực tình yêu nhân loại, là anh em ta, thì ta phải vui lòng chịu những cái đau đớn nhỏ mọn, ta phải vui lòng hy sinh những cái sở thích riêng để mưu ích cho người khác.

Ta phải nhận rằng: Chúa là Đấng thông minh và khôn ngoan vô cùng. Chúa không làm một cái gì, mà không do sự khôn ngoan và thông minh vô cùng ấy. Đã vậy ta còn phàn nàn kêu trách Chúa gì nữa? Sao ta còn năn nỉ, khi người khác vui còn ta khổ? Vì biết bao lần, người khác đã đành hy sinh những khoái lạc của họ để ta được hạnh phúc. Nhiều lần Chúa cũng đã bắt người khác đau đớn để ta được vui mừng. Thì Bạn hãy nhớ những sự hy sinh cố gắng cha mẹ Bạn đã chịu từ lúc Bạn chưa ra đời cho tới ngày nay, cho tới ngày Bạn trưởng thành, lúc không cần đến sự săn sóc của cha mẹ nữa.
Đó là lẽ tuần hoàn trong vũ trụ. Tôi muốn Bạn hiểu lẽ ấy, một lẽ rất đơn sơ, rất tự nhiên, mà nhiều người lại không để ý tới.

Nhưng Bạn đừng tưởng tôi muốn cấm Bạn không được cầu xin Chúa cất bớt những sự khốn khó Bạn gặp trên đời. Không, Bạn ạ, có đâu tôi độc ác đến thế. Trái lại, tôi cứ lời Chúa dạy trong kinh Lạy Cha, mà khuyên Bạn, khi gặp sự khó hãy lấy lòng trông cậy, chạy đến cùng Chúa, xin Chúa cứu Bạn thoát những sự khó ấy. Các Thánh cũng đã làm như vậy. Có Đấng đã xin Chúa cất mình khỏi thế gian, như Thánh Phaolô; và chính Chúa Giêsu trong vườn Diệt, cũng đã nguyện xin Đức Chúa Cha cất chén đắng cho Người. Vậy lẽ gì tôi lại cấm Bạn không được xin Chúa cất bớt sự khó Bạn gặp hàng ngày?

Nhưng tôi chỉ muốn nói điều này, là khi Bạn xin Chúa cất bớt sự khó đi cho, thì Bạn cũng hãy bắt chước Chúa mà thêm lời này: “Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con”. Đó là điều quan hệ. Chúng ta lúc nào cũng phải theo Thánh ý Chúa, vì duy Thánh ý Chúa là đường chắc đưa ta đến cùng Người. Không theo Thánh ý Chúa, là hỏng cả mọi việc, sự đau khổ đã không bớt, nhiều khi lại tăng thêm, nhất là thiệt mất bao dịp lập công đền tội.
Vậy, hỡi linh hồn đau khổ, hỡi Bạn thân yêu, tôi nhắc lại, mỗi khi ta thấy sự khốn khó đến dày vò, ta hãy suy đó là Thánh ý Chúa, vừa sâu nhiệm vừa đầy tình thương; rồi sự khó ta chịu hiện nay chắc sẽ là căn cớ cho ta được đầy công nghiệp, và biết đâu không là căn cớ cho người khác được vui mừng sung sướng. Không tình yêu nào to tát bằng chết cho người mình yêu, như tôi đã bàn giải vắn tắt trong bài “Yêu thật”. Chính Chúa đã dạy, và chính Chúa đã làm gương trước cho ta soi. Vậy ta còn ngần ngại gì mà không bắt chước Chúa, chịu khó để theo Thánh ý Chúa, chịu khó để nhiều lần, nhờ vậy, người khác được hạnh phúc?

Đó là mấy lời chân thành tôi trao lại cho Bạn. Nếu Bạn hiểu và thi hành những điều ấy, thì sau này triều thiên của Bạn sẽ sáng láng gấp nghìn gấp vạn lần.

Bạn nghĩ sao? Bạn có đủ can đảm để thi hành những điều ấy không? Tôi mong Bạn có đủ can đảm. Mà nếu Bạn thấy mình thiếu can đảm, Bạn hãy cầu xin hàng ngày. Thế nào Chúa và Đức Mẹ cũng ban cho Bạn.

Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 13. Một Nắm Rơm

Bạn thân mến, để chứng minh thêm cái chân lý tôi vừa diễn giải ở chương trên, nghĩa là những sự hy sinh nhỏ mọn hằng ngày, có một mãnh lực rất to tát để cứu các linh hồn, tôi xin hiến Bạn câu truyện cảm động, mà Cha Mathêuô, một vị tông đồ Thánh Tâm, đã kể:

Một hôm Cha được mời đi thăm một bệnh nhân đã bị vạ tuyệt thông, vì những cuộc vận động bài tôn giáo ghê gớm của ông.

Ông ta hết sức ngạc nhiên, khi thấy một vị linh mục đứng cạnh giường. Ông hằm hằm nói: “Xin ông ra khỏi đây lập tức”. – “Không, không giải tội được cho ông, nhân danh Thánh Tâm thì tôi không thể ra khỏi đây” – Ông ta càng la to: “Ông đừng nói đến truyện ấy, ông ra ngay cho, ông không biết ông đang nói với ai”. – “Thưa ông, tôi biết lắm, ông là kẻ thù của Người, ông đã đâm thủng Tim Người, nhưng lỗ thủng ấy đã biến thành cửa thiên đàng và cửa tha thứ cho ông, và Người sai tôi đến xin ông vui lòng nhận sự tha thứ của Người” – Ông ta đáp lại ngay: “Không đời nào, xin ông ra cho”.

Nhưng Cha Mathêuô nhất định không đi vì người nhất định không thả chiếc mồi của lòng nhân từ Chúa, Cha đòi Chúa một phép lạ. Cha liền van ông ta: “Thưa ông, ông ghét Người, nhưng Người yêu ông.  Xin ông đọc với tôi câu này: Lạy Chúa Giêsu, con mến Chúa vì Chúa là Chúa Giêsu”.

Nhưng mỗi lần, ông đều đáp lại với tất cả lòng thù ghét của ông. Cha Mathêuô lại càng nài: “Xin ông hãy đọc cùng tôi: Lạy Chúa Giêsu, con mến Chúa vì Chúa là Chúa Giêsu”. Cha nhắc lại, mười, hai mươi lần, và hơn nữa… cái câu có sức lạ lùng ấy. Và Cha thấy hình như càng ngày câu ấy càng đâm sâu vào tận đáy lòng ông. Phải, Cha cảm thấy ông ta cảm động, và không còn thấy hằn học tức tối nữa.

Cha Mathêuô lại nài nẵng thêm: “Xin ông đọc với tôi: Lạy Chúa Giêsu, con mến Chúa vì Chúa là Chúa Giêsu”. Đến một nửa giờ sau, sau những phút yên lặng nặng nề, ông ta mới ngửa mặt lên nhìn Cha Mathêuô, và trong khóe mắt, thấy ướt lệ. Ơn Chúa đã bắt đầu thắng. Cha lợi dụng ngay cơ hội, và giục ông ta: “Ông hãy đọc với tôi: Lạy Chúa Giêsu, con mến Chúa vì Chúa là Chúa Giêsu”.

Sau một lúc chiến đấu và quyết liệt, ông ta giơ tay lên cùng Cha Mathêuô, và nức nở: “Phải, tôi mến Người… vì Người yêu tôi”. Cha Mathêuô ôm ông ta vào người. Thánh Tâm Chúa đã thắng vinh hiển. Khỏi một lúc, cũng như Sao-lê, ông hỏi Cha: “Tôi phải làm gì?” – Cha đáp: “Ông phải xưng tội. Tôi sẽ giúp ông”.

Một giờ rưỡi sau, ông vui mừng sung sướng, gọi vợ chưa rửa tội, và ba con trai cũng chưa rửa tội đến và khuyên bắt chước gương ông ta.

Một tháng sau, cha Mathêuô được phép dâng lễ ngay trong phòng người bệnh ấy, chung quanh giường ông, là bốn người vừa mới được rửa tội hôm trước, vợ và ba người con trai… và trong căn phòng ấy đã vang dội bài ca Christus vincit (Chúa Kitô chiến thắng).

Cha Mathêuô kết luận: Bất cứ chỗ nào có một nắm rơm thành Bê-lem cháy, nghĩa là một linh hồn thánh, dù bề ngoài rất bé mọn, thì ở đấy, có nguồn mạch sinh sự sống, dù cần đến phép lạ.

Vậy nắm rơm trong gia đình ấy là ai? Là một người đàn bà, đã 25 năm làm người giúp việc trong gia đình ấy. Bà đã dâng hết mọi lời cầu nguyện, mọi sự hy sinh, mọi giọt nước mắt, mọi nỗi nhọc nhằn… rước lễ hàng ngày, thức đêm cầu nguyện, chỉ xin Thánh Tâm Chúa ban cho một ơn là thấy cả gia đình ấy ăn năn trở lại, trước khi mình nhắm mắt.

Vậy thì ai không làm tông đồ được, ai không cứu các linh hồn được?

Bạn hãy nhất định làm nắm rơm kia đi, rồi Bạn sẽ thấy chung quanh Bạn cháy sáng… như và có khi còn hơn gia đình Bạn vừa nghe kể truyện trên đây.

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT