- Details
-
Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Đứa trẻ nói:
“Đêm nào ông ấy cũng bắt em phải ngủ ngoài xe hơi, để ở bên ngoài.
“Cho dù trời lạnh đến mấy, thời tiết xấu đến mấy, ông ấy cũng bắt em phải ngủ ngoài xe hơi.
“Ông ấy bảo em không đáng ở trong nhà ông ấy nữa.”
Đứa trẻ nhìn tôi một lúc để cho những lời của nó thấm xuống, rồi nhắm mắt lại, và lắc đầu. Sau đó, nó đến đứng trước mặt tôi, thỉnh thoảng mở miệng như muốn nói một điều gì đó, nhưng sau đó lại thở dài và lắc đầu mạnh hơn nữa. Nó là một đứa trẻ gặp khó khăn ngay cả trong việc tin vào những lời chính mình đang nói….
Tôi hỏi:
“Soeur không hiểu… Ai bắt em đêm nào cũng phải ngủ ởû bên ngoài?”
Thằng bé trẻ lời:
“Cha dượng của em.
“Ông ấy nói trong nhà chỉ đủ chỗ cho hai đứa trẻ… hai đứa con của ông ấy mà thôi. Ông ấy nói em không được phép sống trong nhà ông ấy nữa. Ông ấy bảo em là đồ cặn bã.”
Tôi lại hỏi:
“Sao cha dượng của em lại giận dữ như thế với em?”
Mitchell lại mở miệng định nói, nhưng rồi lập tức không nói nữa. Thái độ, gương mặt và điệu bộ của nó thay đổi liên tục trước mặt tôi – một đứa trẻ thay đổi từ một người bị xúc phạm và tủi hận thành một người bỗng nhiên cảm thấy bất an, yếu đuối và xấu hổ.
Mitchell cắn môi đến gần chục lần, và sau cùng, nó nhìn nghiêng qua chỗ khác và bắt đầu nói. Những lời của nó rất nhỏ nhẹ, tôi phải tập trung lắm mới nghe được.
Mitchell nói:
“Soeur biết đó, một đêm kia, em đã thổ lộ với mẹ em, em nói hình như em hơi khác người ta…
“Em nói với mẹ em rằng em nghĩ mình là một người đồng tính…
“Thế rồi ngay khi nghe biết điều đó, cha dượng của em nói rằng em không được phép ngủ trong nhà ông ấy nữa.”
Lúc ấy, Mitchell mở mắt ra để ướm chừng phản ứng của tôi và rồi nhắm lại. Một giọt nước mắt lặng lẽ trào ra từ khóe mắt, rồi chảy xuống má của nó.
Tôi hỏi:
“Thế mẹ em thì sao? Bà ấy có cố gắng làm cho cha dượng của em thay đổi ý kiến hay không?”
Mitchell đáp:
“Dạ có. Mẹ em muốn bênh vực em, nhưng mỗi lần mẹ em cố gắng như vậy, cha dượng của em lại đánh đập bà ấy…
“Soeur ơi, thật khổ lắm. Khổ lắm. Khổ lắm.”
Giọng nói của Mitchell càng lúc càng nhỏ dần, hầu như chỉ còn tiếng sụt xịt.
Tôi nói:
“Soeur rất buồn vì ông ấy đã cư xử như vậy.
“Quả thật, bị đối xử như thế là một điều rất đau lòng.
“Mitchell à, em là một đứa trẻ tuyệt vời. Nhẽ ra em không đáng phải chịu đối xử như thế.”
Mitchell vẫn nhắm nghiền đôi mắt, trong khi một giọt nước mắt nữa ứa ra, trào xuống, chảy trên khuôn mặt của em.
Mitchell quá nghẹn ngào nên không nói thêm lời nào nữa.
Mitchell lắc đầu nhè nhẹ, dường như muốn nói rằng:
“Ước gì Soeur nói thật lòng như vậy.”
Một số đứa trẻ nhắm mắt lại vì muốn quên hết mọi người, để đi đến một cõi riêng của chúng. Một số khác nhắm mắt lại vì không an tâm, chúng yên chí về tình trạng bất xứng của mình, đến độ sợ không dám nhìn thẳng vào mắt bạn… mặc dù chúng rất cần một người để cảm thông.
Cái nhìn thứ hai là cái nhìn tôi vẫn thường nhìn thấy ở nơi những đứa trẻ như Mitchell – những đứa trẻ bị người ta coi là xấu xa, là bất xứng, là không đáng được yêu thương tự bản chất chỉ vì chúng là người đồng tính.
Thật oái oăm, chính những đứa trẻ như thế mới là những đứa trẻ cần được một ai đó nhìn vào đôi mắt của chúng và cảm thông với chúng hơn hết….
Tôi nói:
“Soeur rất vui mừng vì em đã tìm được chúng tôi, Mitchell à.
“Thế làm sao em lại đến đây được?”
Như tôi đoán trước, câu trả lời sẽ đến hầu như lập tức, Mitchell khao khát được có một người biết lắng nghe.
Em nói:
“Cuối cùng, em không thể chịu được nữa. Vì thế, em đành phải bỏ đi. Em lang thang ngoài đường phố để không còn bị ngược đãi nữa.
“Tuy nhiên, em không biết phải đi đâu. Em chỉ biết mình phải đi đến một nơi nào khác.
“Hoặc là như vậy, hoặc là tự tử mà thôi.”
Từ ánh mắt của Mitchell, tôi biết nó không hề phóng đại. Tỉ lệ tự tử nơi những đứa trẻ đồng tính khá cao, cao hơn rất nhiều so với mức bình thường. Các bạn thử tưởng tượng xem những đứa trẻ như thế nếu phải sống thì sống thế nào? Chúng bị ngược đãi và hà hiếp, bị người ta cho là xấu xa, không đáng được yêu thương. Nếu như các bạn cũng bị người ta nói như thế, nhất là từ phía các bậc phụ huynh là những người đáng lẽ ra phải yêu thương các bạn, thì các bạn sẽ sống làm sao? Các bạn tiếp tục sống nữa được không? Các bạn sẽ đi đâu?
Những đứa trẻ như thế thường sa vào những điều không thể tưởng tượng được.
Đó thật là một thảm trạng thương tâm làm tan nát lòng tôi….
Tôi nói:
“Soeur rất vui mừng vì em đã không tự hại bản thân em.
“Em có rất nhiều điều tốt để cống hiến cho thế giới này.”
Mitchell vẫn nhắm mắt và nói:
“Cảm ơn, Soeur.
“Em cần được nghe những lời như thế.”
Tôi cho rằng vì quá nghẹn ngào nên Mitchell không thể nói thêm được gì nữa.
Tôi hỏi tiếp:
“Vậy sau đó thì sao?”
Mitchell đáp:
“Em quá giang xe người ta vượt hơn một ngàn dặm đường cho đến khi đến được nơi đây. Thật là khủng khiếp.”
Mitchell vừa nói, vừa gắng nhoẻn một nụ cười, nhưng không sao mở miệng để cười nổi.
Nó chậm rãi kể tiếp:
“Em không có tiền. Em chẳng quen biết một ai. Em không biết gì cả, chẳng biết đi đâu cả…. Vì thế, em cứ vất vưởng trên các đường phố suốt một tuần lễ, ngủ qua đêm trên các hẻm phố, và gặp được gì thì ăn nấy…”
Nói đến đó, Mitchell mở mắt ra, nhìn tôi, và tiếp tục nói:
“Thế rồi, có người nói cho em biết về Soeur.”
Ánh mắt của Mitchell rất ngây thơ và dễ thương, dễ thương đến mức làm tôi đến kinh ngạc. Đôi mắt ấy như gào lên trong tuyệt vọng:
“Xin làm ơn giúp tôi, tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi không muốn làm hại ai, tôi chỉ muốn được một cơ hội, tôi nghĩ mình đáng được có một cơ may, có ai chịu lắng nghe tôi hay không?”
Mitchell nhìn tôi và nói:
“Cảm ơn Soeur đã lắng nghe em nói.” (Sau cùng, đứa trẻ đã cảm thấy dễ chịu phần nào).
Rồi nói tiếp:
“Em xin được ở lại đây một thời gian, nếu không có gì trở ngại.”
Tôi đáp:
“Soeur cũng thích như vậy. Bao lâu em thích thì em cứ ở lại đây.”
Denise, một người cố vấn tài năng và kinh nghiệm nhất của chúng tôi, nắm tay và dắt Mitchell đi đến chiếc bàn phía trước. Tôi biết em ấy cần được giúp đỡ trong một thời gian lâu dài.
Tôi thầm thĩ trong lòng:
“Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã giúp cho đứa trẻ ấy tìm được chúng con. Con xin cảm tạ Chúa.”
Chú thích: Tôi biết một số người có thể khó chịu về đề tài bức thư của tôi trong tháng này. Nhưng tôi biết chắc chắn các bạn cũng sẽ yêu thương Mitchell nếu như các bạn gặp được em ấy. Tôi có ý nói rằng, tôi nhìn thấy nơi Mitchell mọi điều tôi vẫn gặp thấy nơi mọi đứa trẻ khác. Tôi không nhìn một đứa trẻ để xem nó cao hay thấp, mập hay gầy, đen hay trắng, nam hay nữ, đồng tính hay bình thường. Tôi nhìn đó là một kỳ công được Thiên Chúa tạo dựng, một con người đã đến với chúng tôi vì đã bị khước từ những điều căn bản mà mọi đứa trẻ đều được hưởng; tôi biết đứa trẻ ấy xứng đáng, tốt lành, vô giá, và được yêu thương.
Chúng tôi có 1.400 đứa trẻ tại các tổ ấm của hế thống Nhà Giao Ước của chúng tôi đêm nay – đủ mọi vóc dáng và hình dạng, có em mới 10 tuổi, vô cùng cần đến một người như các bạn để chăm sóc và hướng dẫn.
Tôi đang cầu nguyện để lúc này các bạn có thể đưa tay giúp đỡ. Xin làm ơn? Nhu cầu tháng này hết sức cấp thiết!
Xin cảm ơn các bạn và xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn!
Lạy Chúa Giêsu yêu quí của con,
Con đau đớn quá. Viết ra tất cả thì có lẽ sẽ kín cả quyển sổ này. Chúa biết những khó khăn của con, Chúa biết những vấn đề của con, và Chúa biết những giải đáp cho con. Xin Chúa thương giúp con. Xin Chúa ban cho con sức mạnh và những gì con cần thiết để được hạnh phúc. Xin Chúa thương và chăm sóc cho những chú mèo của con, tất cả những người đói khát và những thụ tạo trên trần gian này.
Lời kinh do một đứa trẻ viết
tại nguyện đường Nhà Giao Ước
Sr. Mary Rose McGeady
- Details
-
Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Tính loài người quen ỷ lại, cái gì mượn hoặc sai người khác làm được, là ta không muốn làm. Có những hạng người chỉ quen miệng sai khiến, không khi nào, hoặc rất ít khi, họ chịu bắt tay vào công việc gì; từ những việc to tát, đến những việc nhỏ mọn… nhất nhất cái gì cũng sai hoặc mượn người khác làm thay.
Nhưng việc gì thì việc, chứ đến việc “ăn thay” thì quả là không ai mượn được: có đời nào Bạn ăn thay cho tôi mà tôi lại no được?
Trên đường thiêng liêng cũng có những thứ không ai làm thay được. Thứ ấy là thứ gì? Thứ ấy là Triều thiên của mỗi người. Mỗi người có triều thiên của mình, chính mình phải kết lấy, không thể cậy người khác kết thay. Triều thiên ấy quý hay không, đẹp nhiều hay đẹp ít, có đầy hạt trai đá ngọc hay không, có sáng chói ngần nào, là tùy ta có biết tô điểm cho nó hay không.
Nhưng mua đâu được những thức tô điểm triều thiên của mình? Bạn phải sắm cho thật nhiều vàng, vì có vàng thì Bạn sẽ mua được các thứ hạt trai, đá ngọc ấy. Vàng ấy là gì?
Truyện thần thoại có kể: Bà tiên nọ có một cái gậy, hễ chọc cái gậy ấy vào vật gì, thì vật ấy tức khắc biến ra vàng. Chắc Bạn ước được cái gậy ấy.
Nhưng Bạn chớ quên, cái gậy ấy có thể làm hại cho Bạn, vì nó có thể làm cho cơm Bạn ăn hóa vàng, nước Bạn uống hóa vàng… thì Bạn chết mất.
Về đàng thiêng liêng, ta không cần nhờ đến gậy của bà tiên, ta có một thứ gậy làm cho tất cả việc ta làm, hóa thành vàng. Gậy ấy là lòng mến. Vậy Bạn muốn có thật nhiều vàng để sắm triều thiên, thì Bạn hãy chịu khó vì lòng mến.
Vậy cũng như vàng vật chất ở đời không phải tự nhiên người ta có, nhưng người ta phải sắm nó, và phải vất vả chịu khó mới sắm được. Vàng mến cũng vậy. Phải cố công chịu khó mới sắm được, và mỗi người phải tự sắm lấy cho mình, chứ không ai sắm thay được cho ai. Đấy là chỗ khác với vàng vật chất, vì thứ vàng này còn có thể sắm thay người khác. Cũng vì thế vàng Mến khó sắm hơn, và Chúa bắt như vậy.
Bạn phải lấy gì mà sắm, mà mua vàng Mến ấy? Bạn phải sắm. Nghĩa là phải mua nhất là bằng sự đau khổ. Chúa muốn cho ta sắm vàng ấy, thì Chúa cũng đã chịu khổ trước. Đến lượt ta, ta muốn sắm cho ta, thì ta cũng phải làm cho Chúa, nghĩa là chịu đau khổ. Phi đau khổ, chúng ta khó sắm được triều thiên chúng ta.
Bạn thân ái, Bạn muốn sắm triều thiên ấy không? Hẳn là có, Bạn có muốn cho triều thiên Bạn được sáng láng chói lòa, được xinh đẹp mỹ miều không? Hẳn là có. Vậy thì Bạn hãy dùng sự đau khổ mà mua cho nhiều vàng, vàng ấy sẽ giúp Bạn sắm những hạt trai, những đá ngọc, một mai sẽ giát vào triều thiên Bạn. Mỗi ngày, mỗi việc, mỗi sự hy sinh nhỏ mọn, phải là một viên ngọc giát vào triều thiên ấy.
Tôi muốn nói, Bạn không được để qua ngày nào mà không chịu hết các sự khó, để triều thiên Bạn được nhiều hạt ngọc, nghĩa là được thêm vinh quang, hạnh phúc trước mặt Chúa. Tôi lấy một ví dụ. Một cậu học trò làm một bài toán. Một bài toán có biết bao con số phải viết. Có bài dài đến một trang giấy, hoặc hơn nữa. Nhưng cậu học trò không nản lòng. Cậu không nói: Thôi, nhiều con số thế này, thì bỏ bớt ra cho tiện. Cậu biết bỏ đi không được, vì mỗi con số đều quan hệ đến cả bài toán. Bỏ một con số, là có thể làm tổn hại đến cả bài, càng bỏ nhiều càng hỏng.
Đời ta cũng vậy. Mỗi ngày là một phần bài toán Chúa đã ra cho ta làm. Câu trả lời đúng, tức là điều kiện để được triều thiên Chúa đã hứa thưởng ta. Những con số tỉ mỉ chi chít làm đi làm lại trong bài toán tức là những sự khó chúng ta chịu hàng ngày. Nếu mọi con số đều quan hệ đến cả bài, nhất là đến câu trả lời, thì mỗi sự khó chúng ta chịu, cũng quan hệ đến cả đời ta, nhất là đến triều thiên Chúa bắt ta kết sau này. Bỏ một sự khó không chịu cho nên, tức là bỏ mất con số trong bài toán. Ta bỏ nhiều sự khó, tức là bỏ nhiều con số, tức là làm hỏng triều thiên ta. Mà hỏng triều thiên ấy ta mong gì khác nữa?
Đã đành, đó chỉ là một ví dụ, để so sánh, nhưng nó cũng không xa sự thực bao nhiêu.
Vậy Bạn thân mến, xin Bạn chịu khó làm xong bài toán Chúa đã ra cho Bạn. Bạn hãy kiên tâm, hãy nhẫn nại, viết cho hết các con số trong bài toán ấy và cặn kẽ làm cho đến cùng, vì nếu Bạn sơ suất bỏ quên, hoặc viết sai một con số, tức là bài toán của Bạn có thể đi đến chỗ hư hỏng. Sáng ngày dậy, Bạn hãy bảo mình: “Hôm nay tôi phải lo làm bài toán của tôi cho tử tế. Mỗi sự khó tôi chịu, là một hạt ngọc giát vào triều thiên của tôi, cũng như mỗi con số là một điều kiện cần thiết để tôi làm xong bài toán của tôi”
“Lạy Chúa, con xin nhất định làm xong bài toán của con, dù phải bóp trí nặn óc, con cũng vui lòng, miễn đến cuối ngày, nhất là đến cuối đời, con nộp bài cho Chúa, và sẽ được Chúa phê cho ba chữ: Tối ưu hạng.”
Trước khi kết luận bài này, tôi xin kể Bạn nghe vài câu truyện.
Có lẽ Bạn muốn thấy một điềm lạ, như thày ẩn tu nước Đan Mạch đã được. Thày ấy bị đau đớn quá sức, và bị đã lâu ngày. Để thêm sức mạnh cho Thày, Chúa cho Thày thấy nhiều thiên thần trên thiên đàng đang mải miết chạm một triều thiên bằng vàng và triều thiên ấy sắp xong. Bệnh nhân hỏi: “Triều thiên của ai thế?” Có tiếng đáp: “Triều thiên của con đấy! – Khi nào xong?- Khi nào con chịu khó đã đủ”. – Thầy hiểu bài học ấy, và để triều thiên của mình được hoàn thành, Thày đã nhẫn nại chịu khó đến chết.
Tôi xin hỏi Bạn: Bạn sẽ cảm tưởng thế nào với cảnh này. Sau khi Bạn tắt nghỉ, Chúa mở trước mắt Bạn sách Hằng sống và bảo Bạn: “Này con xem, hết các sự đau đớn con chịu đều đã được ghi chép bằng nét vàng. Nay là giờ lĩnh thưởng, con hãy đến chiếm ngai đã dọn sẵn thưởng con”. Bạn lên… và thoáng thấy một ngai lộng lẫy. Bạn hỏi: “Có phải tòa kia không, lạy Chúa? – Chưa phải, con hãy lên cao hơn”. Bạn sẽ ngạc nhiên và hỏi: “Lạy Chúa, con đã làm gì cho đáng những sự vinh hiển ấy?”. Chúa đáp lại: “Là vì con đã đau khổ nhiều và đã biết chịu đau khổ”. Tôi xin hỏi lại: Đứng trước cảnh tượng ấy, Bạn nghĩ thế nào?
Và sau đây là vài truyện nữa, trước khi kết luận hẳn truyện này.
Hôm ấy là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Một bà công tước nói với hai cô con gái: “Hai con hãy mặc những áo đẹp nhất, mang triều thiên vàng, chúng ta sẽ cùng nhau đi lễ tại Nhà Thờ Đức Bà”. Hai cô công chúa trang điểm như mẹ bảo. Vào nhà thờ, họ quỳ trước một tượng Chuộc tội. Nhìn thấy Chúa chịu treo mình đầy những thương tích và hấp hối, cô em liền hạ triều thiên trên đầu xuống với tất cả các thứ nữ trang, rồi xuống quỳ trên nền gạch. Bà Mẹ thấy thế, tỏ vẻ không bằng lòng. Cô con liền nói: “Mẹ xem kìa, trước mặt con là Chúa Giêsu hiền lành nhân hậu, đầu đội mũ gai nhọn sắc, thân người trần trụi đầy những máu. Còn con, con chỉ là một loài thụ sinh hèn hạ, không lẽ con dám ở trước mặt Người, đầu đội triều thiên vàng và đầy những hạt trai… Làm thế, tức là con làm sỉ nhục Người”. Nói rồi cô khóc lóc thảm thiết và tình yêu tự Trái Tim Chúa đã bắn ra đâm thủng tim cô. Cô bé lớn dần… cô đã vui lòng từ bỏ triều thiên vàng, để nhận lấy triều thiên gai Chúa trao cho… về sau, cô đã biến thành Bà thánh Elizabeth, Hoàng hậu nước Hung-Ga-Ri.
Phải, muốn được triều thiên bất diệt trên nơi hằng sống, từ đời này, ta cũng phải bắt chước Chúa, và các tôi trung của Người, ta hãy vui vẻ nhận lấy triều thiên gai, với tất cả các sự đau khổ trong cuộc đời ta.
Vua Carolô thứ năm nước Pháp, một hôm muốn thử hoàng tử, thì bảo đặt trên bàn triều thiên và vương trượng của Vua, còn trên bàn khác thì đặt một cái gươm. Vua cho gọi hoàng tử đến và bảo hoàng tử chọn. Vua ngạc nhiên biết mấy, khi thấy hoàng tử không nhìn gì đến triều thiên và vương trượng, lại chọn thuẫn và gươm. Vua hỏi? “Sao thế?”. Hoàng tủ đáp: “Nhờ cái này mà được cái kia, nhờ thuẫn và gươm, người ta chiếm được triều thiên và vương trượng.”
Chúa cũng xử với Bạn như thế, Chúa dọn sẵn triều thiên cho Bạn trên trời, nhưng khi Bạn còn sống, thì Bạn phải nhận lấy thuẫn và gươm mà chiến đấu. Ngày nào Bạn thắng trận, sau khi đã nhẫn nại chịu đau khổ, ngày ấy Bạn sẽ được lĩnh triều thiên. Gươm đau khổ chính là khí cụ để Bạn chiếm triều thiên hạnh phúc. Tô điểm triều thiên Bạn, đó phải là nguyện vọng tha thiết của đời Bạn, cũng như tô điểm triều thiên tôi, phải là nguyện vọng tha thiết của đời tôi. Chúng ta hãy giúp nhau bằng sự cầu nguyện và hy sinh, để triều thiên chúng ta được đúng với kích thước và khuôn mẫu Chúa đã chỉ cho mỗi người.
Chúc Bạn thành công.
Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT