8. Đời Sống Tâm Linh

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 10: Đứa bé gái chỉ nói được hai tiếng “cám ơn” và lời đó nói lên tất cả

Việc ấy lại xảy ra một lần nữa mới ngày hôm qua.

Một đứa bé gái đến gõ cửa nhà chúng tôi vào lúc chập choạng tối. Nó đã sống ngoài đường phố suốt sáu tháng nay. Nó đã bị cha nó bỏ mặc, bị cha dượng lạm dụng tình dục, rồi bị mẹ đuổi ra khỏi nhà. (Một câu chuyện rất đặc trưng về các trẻ của chúng tôi).

Đứa bé gái xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà chúng tôi, bẩn thỉu, lạnh lẽo và đói khát.

Đôi mắt nó có một ánh nhìn hoảng sợ, kinh hãi, dường như nói rằng:

“Tôi biết tôi sắp sửa bị ruồng bỏ và lại bị tổn thương một lần nữa.”

Tôi thường xuyên nhìn thấy ánh mắt ấy nơi các đứa trẻ giống như đứa bé gái này. Dường như chút hy vọng trong tâm hồn của nó cũng đã tắt ngúm.

Tôi lên tiếng:

“Chào em, Cindy. Tôi rất vui mừng vì em đã đến đây.”

Cindy nhìn chằm chằm vào tôi, tìm hiểu ánh mắt của tôi.

Và rồi nó òa khóc. Nhưng không phải tiếng khóc than van của một đứa trẻ biểu lộ niềm đau. Cái khóc của Cindy là một hình thức nước mắt khác hẳn.

Đôi mắt Cindy dịu lại, rồi sau đó rực sáng lên. Tôi có thể nhìn thấy nước mắt đã ướt trên hàng mi và khóe mắt của nó.

Sau đó, những giọt nước mắt chảy xuống thành dòng khi tâm hồn Cindy đã làm nó tin tưởng rằng tôi thực sự quan tâm đến nó, và sau cùng nó cũng đã tìm được an toàn.

Cindy cố nhoẻn một nụ cười ngượng ngịu trong lúc đôi dòng nước mắt vẫn chảy xuống trên đôi má.

Tất cả những gì đứa bé gái có thể nói ra được là hai tiếng: “Cám ơn.” Và lời đó nói lên tất cả.

Các bạn đã bao giờ khóc như vậy chưa? Những giọt nước mắt chảy ra vì được thanh thản? Những giọt nước mắt chảy ra vì biết rằng hy vọng lại trở về giữa lúc hầu như tuyệt vọng?

Đó là điều nhất định sẽ xảy ra khi một đứa trẻ cuối cùng đã tìm được một cơ may… một cơ may thực sự cho cuộc đời.

Trong tất cả những gì chúng tôi đã làm cho các trẻ em, thì việc cho chúng biết vẫn có một ai đó quan tâm đến chúng là điều tạo ra nhiều tác dụng nhất. Tôi nghĩ đó thực sự là điều cốt yếu của Nhà Giao Ước chúng tôi.

Dĩ nhiên, chúng tôi cũng cung cấp cho các trẻ những vật dụng cần thiết. Chúng tôi cho chúng ăn. Chúng tôi cho chúng áo quần để mặc. Chúng tôi giúp đỡ chúng tìm được những mái ấm, trường học, và công việc, vân vân và vân vân….

Nhưng trên hết, điều tuyệt đối cần thiết là chúng tôi cho chúng biết chúng là người tốt, là người hữu ích và xứng đáng với tình yêu thương của chúng tôi; và rất nhiều người trong chúng tôi – các bạn, tôi và Thiên Chúa – đang quan tâm đến chúng.

Khi chúng nghe biết, nhìn thấy và cảm nghiệm được tình yêu thương ấy, nhất định chúng sẽ khóc.

Thật khó tin, nhưng rất nhiều đứa trẻ của chúng ta chưa bao giờ có được cảm xúc ấy. Chúng đã bị xua đuổi, bị hà hiếp. Chúng bị đánh lên đập xuống. Chúng bị lạm dụng tình dục. Chúng bị bức hiếp oan ức.

Và cuối cùng, khi chúng cảm thấy an toàn… Khi chúng tin, thực sự tin rằng thế giới này vẫn còn dành cho chúng tình yêu thương… thì sự thanh thản của chúng sẽ rất dạt dào.

Tôi không thể nói cho các bạn biết việc nhìn thấy điều ấy sẽ đem lại thỏa nguyện như thế nào… Tôi không thể nghĩ ra được một món quà nào có giá trị hơn để trao tặng cho một đứa trẻ đang trong lúc cùng quẫn.

Tôi không thể nghĩ ra được một cách thức nào hiệu quả hơn để biến những giọt nước mắt loại thứ nhất mà chúng tôi vẫn thường nhìn thấy tại ngưỡng cửa nhà chúng tôi, những giọt nước mắt của đau thương – thành những giọt nước mắt loại thứ hai – những giọt nước mắt nhẹ nhõm và hy vọng.

Cảm ơn các bạn đã nhớ đến chúng tôi trong lời cầu nguyện. Phần tôi, tôi không bao giờ ngưng cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã gặp thấy chúng tôi.

 

Lạy Chúa,

Con tin nơi Chúa nhưng con đầy hoang mang không biết mình sẽ đi về đâu – tất cả những gì con biết được là những nơi con đã từng đến. Con quá sợ hãi và chẳng có một ai để nói chuyện, ngoại trừ chính bản thân, và con giấu kín những cảm xúc của mình trong tiếng nhạc.

 

Lời kinh do một đứa trẻ viết
tại nguyện đường Nhà Giao Ước của chúng tôi

Sr. Mary Rose McGeady

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 17. Sốt Ruột

Bạn, ai trong ta đã không nhiều lần sốt ruột, vì cớ này hay vì cớ khác.

Chờ tàu, tàu không đến, sốt ruột; mong mẹ về, mẹ không về, sốt ruột; mong chóng đến ngày đi tu, ngày ấy không đến, sốt ruột; mong chóng được rửa tội, ngày ấy chậm đến, sót ruột; mong chóng được công ăn việc làm, mãi không được, sốt ruột… và bao nhiêu cái sốt ruột khác nữa. Trong đời Bạn, cũng như trong đời bất cứ ai, chúng ta đã gặp trăm cái sốt ruột, lắm lúc đến đổ mồ hôi, lắm khi đến quên ăn mất ngủ, lắm lúc đến phát điên phát khóc, phải không Bạn?

Nhưng ngồi nghĩ lại, sốt ruột làm gì cho mệt trí, và lắm khi sốt ruột chẳng ích gì… Mong tàu, tàu không đến, sốt ruột… được ích gì? Bạn có sốt ruột đến mấy nó vẫn không đến… Người khác không sốt ruột, thì tàu cũng đến một lúc với người sốt ruột. Thế có phải sốt ruột vô ích không?

Mong người Bạn đến chơi, người Bạn không đến như đã hẹn… sốt ruột, nhưng có ăn thua gì? Vì người Bạn vẫn chậm đến như lúc mình không sốt ruột.

Sốt ruột không ảnh hưởng gì đến giờ tàu, cũng không ảnh hưởng gì đến người bạn.

Sốt ruột thường đã không ích gì, nhiều khi có hại. Sốt ruột rồi đâm ra cáu, đâm ra gắt, cáu gắt với tất cả những người không có liên lạc gì đến căn cớ làm mình sốt ruột. Người chủ nhà sốt ruột, đâm ra la mắng hết cả vợ con, người giúp việc; người vợ sốt ruột, đâm ra lôi thôi to tiếng với tất cả chồng con, người nhà…

Thật là vô lý! Làm phiền cho người khác trong khi người ấy không đáng mình làm phiền. Ấy là chưa kể những lời nói phạm đến những người làm mình sốt ruột, nhưng thực ra họ không có lỗi gì… Một người Bạn đã hẹn lại thăm mình, nhưng rồi họ bị ngăn trở lớn mà chưa kịp báo tin cho mình, mình đâm ra nói hành, thóa mạ.

Sốt ruột đã làm phiền người khác, lại làm phiền cho chính mình, nhất là cho chính mình.

Trong khi chúng ta sốt ruột, chúng ta thấy mình tức bực, thấy mình đau khổ, trong người mất hẳn sự bằng yên, có phải thế không Bạn? Thì ai mượn mình sốt ruột, để làm cho mình đau khổ vô cớ?

Sốt ruột lắm khi đến cực độ, nó làm ta mất cả trí khôn, và nói, hoặc làm những điều phiền lòng Chúa. Người ta sốt ruột, không được nắng mưa như ý, người ta quên cả đức tin, cậy, kính mến, người ta nói phạm đến Chúa.

Tôi chắc Bạn chưa khi nào sốt ruột đến thế. Có một điều là người khác đã sốt ruột đến thế, thì có thể một ngày kia, nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sa vào cái lỗi ấy.

Chúng ta hãy lấy Chúa làm gương. Bạn thử xét xem Chúa làm gì không được? Thế mà Chúa đã vui lòng nhẫn nại, chờ những mấy nghìn năm, mới xuống thế chuộc tội cho loài người. Trong khoảng thời gian ấy, thiên hạ làm biết bao điều cực lòng Chúa. Nhưng Chúa cứ chờ đợi, chờ ngày Đức Chúa Cha đã định mới xuống thế gian. Xuống thế gian, Chúa có thể xuống như một người lớn, hai, ba, mươi tuổi. Nhưng không, Chúa đã ngự trong lòng Đức Mẹ chín tháng… Chúa biết dùng trí tuệ, ngay từ giây phút đầu tiên trong đời Chúa, nhưng Chúa đã vui lòng giam hãm chín tháng. Chúa có sốt ruột đâu. Sinh ra, Chúa có thể “vươn mình một cái”, rồi đi giảng, rồi làm phép lạ, rồi chinh phục cả thế giới, dễ như trở bàn tay. Nhưng không, Chúa theo luật tự nhiên, tuần tự lớn dần cho đến ba mươi tuổi mới đi giảng đạo.

Về sau, Chúa lập Giáo hội, cần gì Chúa phải lập một Hội hèn yếu như thế, Chúa có thừa sức chinh phục thế giới một cách dễ dàng. Nhưng Chúa đâu có sốt ruột như chúng ta. Mỗi việc Chúa làm, đã dự định sẵn. Khi đến giờ thì Chúa làm, lúc chưa đến thì Chúa chưa làm, Chúa sẵn lòng chờ đợi… Chúa không biết sốt ruột.

Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 16. Một Cái Gai

Đây là một nhận xét: trên đời, chính những cái làm ta khó chịu, thì nhiều khi ta lại cần đến nó.

Chẳng hạn, Bạn giẫm phải một cái gai, Bạn tức mình, đem nhổ nó đi ngay, rồi trong lúc bực mình, Bạn bẻ nó ra nhiều khúc và quăng cho xa… Phải, Bạn có quyền làm thế, và có lẽ phần đông chúng ta đều làm thế.

Nhưng ngờ đâu, một lúc sau, Bạn bị một cái dằm đâm vào thịt, nặn thế nào cũng không ra. Lúc ấy Bạn làm gì? Bạn đi tìm cái gai để lẩy nó.

Trên đời, nhiều truyện cũng như truyện cái gai ấy. Chúng làm ta khó chịu trong chốc lát. Nhưng, rồi có lúc chúng ta lại cần đến. Chúa không làm cái gì vô ích, miễn chúng ta hiểu Thánh ý Chúa, và vui lòng nhẫn nhịn.

Tôi muốn dẫn thật nhiều ví dụ, để khi gặp cái tôi nói đây, Bạn hiểu ngay bài học tôi muốn tặng Bạn lúc này và nhờ thế, Bạn thêm nhẫn nại để đền tội lập công.

Con nhện làm ta khó chịu, vì trong nhà luôn luôn phải quét những cái màng nó chăng tứ phía. Vừa quét buổi sáng, thì đến trưa đến chiều lại phải quét, vì nó lại đã chăng đầy nhà. Nếu thiếu nhẫn nại, thì ta đã tức bực chửi rủa những con vật vô tội ấy. Nhưng tôi hỏi Bạn, Bạn có biết chính những con nhện ấy đã giết cho nhà Bạn bao nhiêu con muỗi không, mà chính những con muỗi ấy, mới là những con vật làm hại cho Bạn hơn? Không những thế, đến khi Bạn đứt tay, Bạn làm gì? Chắc Bạn cũng biết ở nhà quê, người ta lấy trứng nhện để rịt chỗ đứt tay. Nhưng nếu bao nhiêu trứng nhện trong nhà bị đập dập hết, thì còn đâu để chữa những vết thương cho Bạn? Con nhện phải chăng là nguồn đau khổ cho Bạn? Bạn nhẫn nại một tí, thì nó đã mưu ích cho Bạn, Bạn thấy không?

Một người muốn thắp đèn, nhưng bị gió thổi tắt. Người ấy phát khùng, la lối, quăng cả diêm, cả chụp vào xó nhà: “Để tao làm giời cho, lúc gió thì không gió, lúc này thì gió như bão”. Đó là một truyện thật, chính tôi đã chứng kiến.

Nhưng Bạn ạ, gió, phải chăng là căn cớ làm ta khó chịu? Cũng con người tôi vừa nói đó, lúc nóng nực họ lại la: “Lúc cần gió, thì không gió”. Thế thì biết làm sao để chiều họ được? Cái mà lúc trước họ nguyền rủa, thì một lúc sau lại đi tìm.

Một ví dụ khác. Người ta thường nói: “Thủy khắc hỏa”, nước và lửa nghịch nhau. Cái ấy cũng có phần đúng. Nhưng người ta quên hẳn cách Chúa Quan phòng an bài mọi sự. Chúng ta cần cả hai thứ như nhau và bằng nhau. Nếu không có nước, thì nhiều khi tắt sao được lửa? Trong những đám cháy nhà, người ta làm gì? Người ta đi tìm nước. Không có nước là hỏng. Khi muốn nấu dọn đồ ăn, muốn có một chén nước, người ta làm gì? Người ta đi tìm lửa. Thì ra cả hai cái mà người ta cho là tương khắc nhau, lại bổ túc cho nhau, lại có thể dung hòa với nhau được, để mưu ích cho chúng ta.

Nói xa chẳng qua nói gần. Trong gia đình, có hai người, hai chị em chẳng hạn, khác tính nhau. Một người thì nóng nảy, một người thì chậm chạp. Người nóng nảy làm người chậm chạp khó chịu, và ngược lại, người chậm chạp cũng làm người nóng nảy khó chịu; nhưng hai người ấy đều cần cho nhau, và đều có thể giúp đỡ bổ túc cho nhau. Người nóng nảy có thể lấy người chậm chạp làm bài học cho mình, và người chậm chạp cũng có thể lấy người nóng nảy làm bài học cho mình. Vậy, cả hai người nếu biết lợi dụng, thì đều có thể, một người bớt chậm chạp, một người bớt nóng nảy, như thế cả hai sẽ hóa nên người đúng mực. Rồi có những việc phải giao cho người nóng nảy để họ thi hành cấp tốc, có những việc phải giao cho người chậm chạp để họ làm cho cẩn thận hơn. Hai người cùng bổ túc cho nhau, và giúp đỡ lẫn nhau ở những công việc mà người nọ làm không bằng người kia.

Bạn đã thấy chưa? Ở đời, Chúa không làm cái gì vô ích, chỉ cần một điều, là chúng ta biết lợi dụng, biết nhẫn nại để mưu ích cho mình, và mưu ích lẫn nhau.

Đó chỉ là những ví dụ. Và tôi không có ý nói, chẳng hạn, không được lẩy cái gai mắc ở chân. Tôi chỉ có ý lợi dụng những ví dụ tự nhiên ấy để dẫn Bạn đến phương diện khác, tôi có ý bàn đến ở đây, là phương diện siêu nhiên, vì những cái xung khắc ấy, những cái ngược ý ấy, giúp chúng ta rất nhiều trong việc luyện tập nhân đức. Mỗi giờ mỗi phút, chúng ta có dịp tập nhẫn nại, có dịp lập công.

Bạn hãy lấy truyện Đức Chúa Giêsu làm tỉ dụ. Trong ba năm ở với các tông đồ, Chúa làm gì? Trước hết Chúa có thể chọn những tông đồ sáng suốt, minh mẫn, dịu dàng và có đủ đức tính; hoặc Chúa làm ngay cho các ông nên thánh thiện, xứng với chức vị tông đồ. Đàng này Chúa làm khác, Chúa đã chọn những người tầm thường, có nhiều tật xấu. Chúa giảng đi giảng lại nhiều lần, mà các ông vẫn không hiểu những điều Chúa dạy. Sao Chúa làm thế? Là để Chúa có dịp hãm mình, để các tông đồ có dịp tập nhẫn nại, và chịu đựng sự khó với nhau.

Ấy cũng là một tấm gương để chúng ta cùng soi. Chúa không muốn chúng ta sống giữa những người hoàn toàn. Chúa muốn chúng ta sống cạnh những người có nhiều tật xấu, và chính chúng ta có nhiều tật xấu – ai dám tự phụ mình không có tật xấu? Nhân vô thập toàn, mà! – Như vậy để chúng ta có dịp giúp đỡ nhau lập công, do sự tập nhẫn nại. Nếu chúng ta không hiểu bài học ấy thì cuộc đời sống chung với nhau, sống cạnh những người không hợp tính, sẽ là một cuộc đời đau khổ. Phải sống cạnh những người từ sáng đến tối không hiểu nhau, và chỉ làm cho nhau khó chịu, thì còn gì đau đớn bằng? Trái lại, nếu chúng ta hiểu bài học ấy, nếu chúng ta biết lợi dụng hết những người chung quanh chúng ta để làm lợi cho mình, và mưu ích cho họ, thì cuộc đời chúng ta sẽ đỡ khổ nhiều, và những người sống chung với ta cũng được hạnh phúc.

Các Thánh đã hiểu thế, nên ít khi các đấng tránh những người không hợp tính với mình.

Chẳng hạn Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã tình nguyện săn sóc một chị nữ tu già khó tính, dù chị đã hết sức chiều chuộng, mà chị kia vẫn không khi nào được như ý… Nhưng Thánh nữ vẫn tươi cười, khiến chị kia phải ngạc nhiên. Nhờ thế, Bà đã lập được nhiều công, và chị nữ tu kia sau cũng được nhiều ích lợi.

Đời các Thánh không thiếu gì những truyện giống như thế. Bạn hãy đọc lại truyện thánh Catarina Siêna với một chị bạn Dòng Ba, tôi đã kể ở đoạn “Phải đổ máu”.

Bạn muốn làm Thánh không? Chắc là có. Vậy thì hãy soi gương các Thánh, đừng tránh trút những dịp làm mình khó chịu, nhất là khi không thể tránh được, thì lại càng nên nhẫn nại. Làm Thánh ở chỗ ấy, chứ không phải ở chỗ luôn luôn gặp những điều vừa ý.

Ta hãy đi xa hơn tý nữa. Bạn hãy tưởng tượng, nếu ở đời, cái gì cũng giống nhau, thì sẽ ra thế nào? Nếu ai cũng lớn như ai, ai cũng nhỏ như ai, nếu cái gì cũng đỏ, cái gì cũng trắng, cái gì cũng đen… nếu lúc nào cũng mưa, lúc nào cũng nắng… nếu chỉ có ngày, nếu chỉ có đêm… thì buồn chán biết mấy!

Trăm nghìn điều khác vậy. Chúa khôn ngoan vô cùng đã hiểu những cái ấy trước ta, nên Người đã an bài mọi cái cho khác nhau, khác nhau về vị trí, khác nhau về tính tình, khác nhau về sức khoẻ, khác nhau về học lực, khác nhau về nhiều phương diện khác, để trên thế giới có sự thay đổi, nhờ thế, có sự đẹp, và vì khác nhau, các vật mới có thể giúp đỡ lẫn nhau, và làm ích cho nhau.

Bạn hãy nghĩ, trong một đám rước nếu tất cả ban tổ chức, cùng tính tình như nhau, nên tất cả mọi cái đều theo một màu xanh, thì tuy có đẹp, nhưng không đẹp bằng biết nhiều màu, con mắt ta sẽ được thỏa mãn hơn…

Hay nếu các phần mình ta đều như nhau cả, nếu phần nào cũng là tay, thì lấy gì mà đi, nếu phần nào cũng là chân, thì lấy gì mà nói, nếu phần nào cũng là miệng, thì lấy gì mà nghe v.v… Đó chỉ là một ví dụ, nhưng nó giúp Bạn hiểu được các sự điều hòa trong thế giới, khi thấy các vật khác nhau, và người ta khác tính nhau.

Nói tóm lại, Chúa đã an bài mọi việc từ việc lớn đến việc nhỏ, với một trật tư hoàn toàn khôn ngoan, chúng ta hãy cúi đầu xuống để ca tụng Chúa và cảm tạ Chúa. Chả lẽ Chúa lại không bằng một họa sĩ khi vẽ một bức tranh, biết chỗ thì tô đậm, chỗ thì tô nhạt, có chỗ nét to, có chỗ nét nhỏ… Ta hãy vui lòng lĩnh nhận những cách Chúa an bài, không khi nào dám phàn nàn năn nỉ… chịu cho vui lòng, để tỏ mình biết vâng phục Thánh ý Chúa, để tập thêm nhẫn nại, để lập công, để mình được bình tĩnh mà sống… để nên thánh. Vậy từ nay Bạn hãy đem những ý tưởng ấy ra mà suy ngắm. Nhờ sự suy ngắm, ta có thể chôn chặt những điều ấy vào lòng, và như thế, mỗi khi gặp sự khó, ta có thể hiểu ngay Thánh ý Chúa, và ta sẽ vui lòng chịu được các sự khó Thánh ý Chúa gửi đến cho.

Ước gì được như vậy!

Lm. Nguyễn văn Tuyên, DCCT

Hạnh Phúc – Chương 1 - ĐỨC KHIÊM TỐN

Nguyên nhân chính khiến người ta không được hạnh phúc trong nội tâm là tính vị kỷ hay còn gọi là ích kỷ. Kẻ nào tự cho mình là quan trọng bằng cách khoe khoang thì thực sự kẻ ấy đang phô bày bằng cứ cho thấy hắn thuộc loại người vô giá trị. Tính kiêu ngạo là một nỗ lực gây ra ấn tượng về những gì thực ra chúng ta không hề có.

Người ta hẳn sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu thay vì tán dương cái ngã của mình đến vô tận thì lại biết đẩy lùi cái ngã ấy vào con số không. Lúc đó họ sẽ gặp được cái vô biên đích thực nhờ vào nhân đức quý hiếm nhất trong các nhân đức của thời hiện đại này đó là đức khiêm tốn. Khiêm tốn là đưa ra sự thực về chính mình. Một người cao 1,8m mà lại nói: “Tôi chỉ cao 1,5m” thì chẳng phải là khiêm tốn đâu. Một văn sĩ giỏi sẽ không được xem là khiêm tốn nếu ông ta nói: “Tôi là một nhà văn bất tài”. Những xác quyết như thế được nói ra chỉ nhằm mục đích từ chối hầu để được khen ngợi nhiều hơn. Tốt hơn ông ta nên khiêm tốn nói rằng: “Vâng, bất cứ tài năng nào tôi có được đều là quà tặng của Chúa và tôi xin cảm ơn Ngài về điều ấy”. Toà nhà càng cao thì nền móng càng sâu; chúng ta mong đạt đến những chiều cao luân lý càng to lớn thì chúng ta càng phải khiêm tốn nhiều hơn. Như thánh Gioan Tẩy giả đã nói khi ngài trong thấy Chúa chúng ta: “Tôi phải nhỏ xuống, Ngài phải lớn lên”. Vào mùa đông những bông hoa khiêm tốn rời khỏi cành để trở về với mẹ gốc. Chúng có vẻ như đã héo úa trước mặt thế gian vì chúng khiêm tốn nằm dưới lòng đất chẳng ai trông thấy. Nhưng nhờ khiêm tốn nên chúng được tán dương và ca tụng khi mùa xuân mới sẽ đến.

Chiếc hộp có trống rỗng mới có thể được chất đầy. Chỉ khi nào cái tôi xẹp đi thì Thiên Chúa mới có thể đổ vào ân phúc của Ngài. Một số người nhồi nhét đầy nghẹt cái ngã riêng của họ đến mức tình yêu mến Chúa và đồng loại chẳng thể nào lọt vào được. Vì cứ mải miết tìm kiếm cho riêng mình nên cuối cùng mọi người đều từ bỏ họ. Ngược lại lòng khiêm tốn khiến chúng ta tiếp nhận sự ban tặng của kẻ khác. Bạn không thể cho nếu như tổi chả lấy. Chính vì có kẻ nhận nên mới có kẻ cho. Cũng thế, trước khi Thiên Chúa muốn làm người ban phát thì Ngài phải tìm được kẻ muốn nhận đã. Tuy nhiên, nếu người ta không đủ khiêm tốn để nhận lãnh ân phúc của Chúa thì người ta sẽ chẳng nhận được gì hết. Một người bị quỉ ám nọ được mang đến cho một vị ẩn sĩ trong sa mạc, khi vị thánh truyền lệnh cho con quỷ rời bỏ người ấy, con quỷ liền hỏi: “Đâu là sự khác biệt giữa chiên và dê mà Chúa xếp ở bên phải và bên trái Ngài trong ngày phán xét?” Vị thánh trả lời: “Tôi là một trong những con dê”. Con quỉ đáp lại: “Vì đức khiêm tốn của ngài, tôi xin rời khỏi người này”. Nhiều người nói rằng: “Tôi đã khổ nhọc bao năm trời cho kẻ khác và ngay cả cho Chúa, thế mà tôi được gì đâu? Tôi vẫn không là gì hết”. Xin trả lời là họ đã có gặt hái chứ, họ đã gặt hái chân lý về sự nhỏ bé của họ và dĩ nhiên, cả công trạng lớn lao trong cuộc sống mai sau. Ngày nọ có hai người muốn vào trong một cỗ xe, một người bảo: “Chẳng đủ chỗ cho bạn ngồi đây đâu?” Người kia nói: “Chúng ta hãy yêu nhau thêm một chút nữa và lúc ấy sẽ có đủ chỗ mà!” Người nọ hỏi tiếp: “Bạn là một vị thánh à?” Nếu người này trả lời là phải thì bạn có thể tin chắc chắn anh ta chẳng phải là vị thánh đâu.

Người khiêm tốn chú tâm đến lầm lỗi riêng mình chứ không chú ý lầm lỗi kẻ khác, người ấy chỉ nhìn thấy nơi tha nhân những gì tốt đẹp và nhân đức, người ấy không mang lầm lỗi riêng mình trên phía sau lưng mà là mang chúng đằng trước mặt. Còn những khiếm khuyết của tha nhân thì anh ta mang nơi một túi xách trên lưng mình. Vì thế, anh ta sẽ không nhìn thấy những khiếm khuyết ấy. Ngược lại, người kiêu căng thì luôn phàn nàn về mọi người và tin rằng anh ta bị xử tệ hoặc không được đối xử cho xứng đáng. Khi bị xử tệ người khiêm tốn không phàn nàn vì anh ta biết mình còn đáng bị xử tệ hơn thế!

Đứng về quan điểm thiêng liêng mà xét, người luôn kiêu hãnh về trí thông minh, về tài năng hay ảnh hưởng của mình mà chẳng bao giờ biết cảm tạ Chúa về những điều ấy, thì anh ta là một kẻ cướp, anh ta đã nhận lấy những quà tặng của Chúa mà chẳng bao giờ nhận biết Đấng trao tặng. Những gié lúa mạch mang nhiều hạt nhất luôn luôn trĩu xuống thấp nhất. Người khiêm tốn không bao giờ ngã lòng, còn người kiêu ngạo thường rơi vào nỗi tuyệt vọng. Người khiêm tốn vẫn luôn có Chúa để kêu cầu, còn người kiêu ngạo thì chỉ có cái ngã riêng của mình là cái thường sụp đổ.

Một trong những lời nguyện đẹp nhất xin cho có được lòng khiêm tốn là lời nguyện của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Thầy chí thánh, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

GM. Fulton Sheen

 

Hạnh Phúc – Chương 1 - TÍNH HAY BẰNG LÒNG

Tính hay bằng lòng chẳng phải là một nhân đức bẩm sinh. Người ta sở dĩ có được nó là nhờ sự chuyên cần dốc quyết to lớn trong việc chế ngự những ước muốn hỗn loạn; vì thế đây quả là một nghệ thuật mà ít người chịu học hỏi. Bởi vì có đến cả hàng triệu tâm hồn bất mãn trong thế giới hôm nay cho nên việc phân tích bốn nguyên nhân chính gây ra bất mãn cũng như đề ra những phương cách đem lại sự bằng lòng quả là hữu ích cho họ.

Nguyên nhân căn bản thường gây ra sự bất mãn là tính vị kỷ hay còn gọi là ích kỷ tức là đặt cái ngã của mình vào trung tâm điểm và bắt mọi kẻ khác quay vòng chung quanh. Nguyên nhân kế tiếp gây bất mãn là lòng ganh tị. Tính xấu này khiến chúng ta nhìn của cải và tài năng của kẻ khác như thể là họ ăn cắp của chúng ta vậy. Nguyên nhân thứ ba là lòng ham muốn hay còn gọi là ước muốn không chừng mực trong việc đòi cho có thêm nữa nhằm bù đắp sự trống rỗng nơi tâm hồn. Nguyên nhân thứ tư gây bất mãn là lòng ghen tuông, khi thì biểu lộ qua sự sầu muộn, khi thì qua sự căm ghét những người có được những cái chúng ta ao ước cho chính mình.

Một trong những lầm lẫn to tát nhất là nghĩ rằng sự bằng lòng phát xuất từ một sự việc gì đó bên ngoài chúng ta chứ không do từ một đặc tính nơi tâm hồn. Một chú bé nọ từng chỉ ước muốn có được một viên bi, khi đã có viên bi rồi chú lại mong ước một quả banh, khi có banh rồi chú lại mong ước một con quay, có con quay rồi lại mong ước một cái diều và sau khi đã có được viên bi, quả banh, con quay và cái diều, chú bé cũng vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc. Cố gắng làm cho một kẻ luôn bất mãn được hạnh phúc khác nào cố gắng đổ đầy nước vào một cái rổ. Dù đổ cho nhiều mấy vào đó thì nó cũng chạy tuốt hết đừng hòng giữ lại được.

Cũng không phải hễ thay đổi nơi chốn là có được sự bằng lòng. Có một số người tin rằng giả như họ ở vào một nơi chốn khác trên mặt đất hẳn họ sẽ có được sự bình an tâm hồn nhiều hơn. Vào một ngày oi bức nọ, chú cá vàng trong bầu nước và chị hoàng yến trong lồng bắt đầu chuyện vãn. Chú cá vàng nói: “Hoàng yến ơi! Ước gì tôi biết bay như chị, ước gì tôi được lên ở trên chiếc lồng ấy”. Còn chị hoàng yến nọ thì nói: “Cá ôi! Được dìm mình trong làn nước mát lạnh như chú thì thú vị biết bao! Này chú cá, hãy lên ở trên chiếc lồng này đi”. Lập tức chúng thay đổi vị trí cho nhau nhưng rồi cả hai đều không hạnh phúc vì tự nguồn căn, Thiên Chúa đã ban cho mỗi con vật một vị trí tuỳ theo khả năng của từng con, phù hợp nhất với bản chất riêng của chúng.

Điều kiện để giúp chúng ta có được sự bằng lòng là chúng ta phải biết kiềm chế, biết nhận thức được các giới hạn. Bất cứ điều gì nằm bên trong tầm giới hạn thì chắc chắn được yên tĩnh. Một khu vườn có tường chắc hẳn là một trong những chỗ yên tĩnh nhất trên trần gian; thế giới bên ngoài bị đóng lại, và xuyên qua các cánh cổng, người ta có thể nhìn ra thế gian với lòng trìu mến có khoảng cách, dù vẫn say mê nó. Cũng thế, nếu người ta biết giữ tâm hồn mình nằm trong các giới hạn (nghĩa là không tham lam, ham hố, không vượt quá tầm tay hoặc ích kỷ) thì tâm hồn con người cũng sẽ được đóng khung trong sự bằng lòng an tĩnh, vui tươi. Con người biết bằng lòng thì dù bị giới hạn cũng như bị vây bọc bởi các hoàn cảnh, người ấy cũng sẽ làm cho những giới hạn này trở thành liều thuốc chữa trị cho sự áy náy âu lo của mình. Điều quan trọng chẳng phải là khu vườn rộng một hay ba mẫu, có tường rào hay không, mà điều quan trọng là chúng ta biết sống bên trong vòng đai của nó, dù vòng đai này rộng hay hẹp ngõ hầu chúng ta có thể có được một tinh thần an tĩnh và một trái tim hạnh phúc.

Vì thế, sự bằng lòng một phần đến do đức tin – nghĩa là do sự nhận biết được mục đích của đời sống và xác tín rằng dù cho những thử thách có thế nào đi nữa thì chúng cũng đều phát xuất từ bàn tay của người Cha Từ Ái. Thứ đến, để có được sự bằng lòng người ta cũng cần phải có một lương tâm tốt lành. Nếu bản ngã nội tâm không hạnh phúc vì những vấp ngã thuộc bình diện đạo đức cũng như vì lỗi lầm chưa được đền bù, thì lúc đó không một sự vật ngoại tại nào có thể đem lại an tĩnh cho tinh thần được. Điều cần thiết thứ ba và cũng là sau cùng chính là biết hãm dẹp các ước muốn, biết giới hạn các khoái cảm. Cái gì chúng ta say đắm quá, thì thường chúng ta sẽ phải lắm luỵ phiền. Sự bằng lòng làm gia tăng niềm thích thú đồng thời làm giảm nhẹ nỗi cơ cực của chúng ta. Mọi truân chuyên sẽ nhẹ bớt nếu chúng ta biết kiên nhẫn chịu đựng chúng và những ân huệ to tát nhất cũng có thể bị tổn thương do lòng bất mãn. Những cơ cực của cuộc sống cũng đủ sâu, đủ mạnh rồi cần gì chúng ta lại góp phần gia tăng một cách không cần thiết như thế!

Bằng lòng với điều kiện hiện tại của chúng ta không có nghĩa là cứ khăng khăng không muốn cải tiến. Đối với những người nghèo khổ nhất, Kitô Giáo không chỉ bảo họ hãy bằng lòng mà còn bảo phải siêng năng làm việc. Tuy nhiên phải biết bằng lòng ngay trong tình trạng hiện tại của mình, nghĩa là ngày hôm nay bị nghèo khổ, thì trong khoảng thời gian này đức tin truyền bảo ta hãy biết hài lòng; tuy nhiên điều tốt nhất cho ngày hôm sau là ta phải rán giải phóng mình ra khỏi cái nghèo và vì thế ta sẽ cố làm việc để gia tăng sự thịnh vượng cho mình. Có thể ta sẽ không gặp được thành công, tuy vậy nếu qua thêm ngày nữa mà vẫn còn nghèo khổ, thì ta vẫn cứ chấp nhận nó và rồi cố gắng thêm cho đến khi nào đỡ khổ hơn. Như thế, sự bằng lòng liên hệ đến tình trạng hiện thời của chúng ta chứ không tuyệt đối liên quan đến toàn bộ các nhu cầu thuộc bản thể chúng ta. Một con người biết bằng lòng thì không bao giờ nghèo dù anh ta có rất ít ỏi. Còn người luôn bất mãn thì chẳng bao giờ giàu cả dù cho anh ta có rất nhiều…

Gm. Fulton Sheen