CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
- Details
- Category: 21. Các Bài Độc Giả Gửi Tới
GIÁNG SINH VÀ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Mục sư Võ Bá Thanh, Hội thánh Kirkwood, Houston.
Không khí mát lạnh của mùa đông cùng với tiếng nhạc tươi vui báo hiệu mùa Giáng Sinh trở về. Từ rất lâu rồi, Giáng Sinh đã trở nên ngày hội lớn của cả thế giới và được nhiều người mong đợi. Giáng sinh là mùa của niềm vui họp mặt, của yêu thương đôi lứa, của sự ban cho tặng quà cho nhau, của liên hoan tiệc tùng… Tuy nhiên, trọng tâm của Giáng sinh là mùa ca ngợi tình yêu Thiên Chúa đã đến với nhân loại.
Bài hát “Where Do I Begin?” một bản tình ca lãng mạn cũng là nhạc phim Love Story, đã làm thổn thức không biết bao nhiêu trái tim giới trẻ của thập niên 1970, Bộ phim này dựa theo tiểu thuyết Love Story, xuất bản năm 1970 và là quyển sách bán chạy nhất, kể về mối tình của Oliver Barret do Ryan O’Neal thủ vai một sinh viên đẹp trai, giàu có, con nhà danh giá của dòng họ Barret với một nữ sinh viên cùng Đại học Harvard, Jennifer Cavilleri do Ali MacGraw đóng, nàng xinh đẹp, đàn piano rất giỏi, là con của một gia đình nghèo. Họ đã yêu nhau bằng một tình yêu chân thật nhưng gia đình Oliver không đồng ý.
Bất chấp sự ngăn cản và cấm đoán, đôi bạn trẻ đã không ngừng phấn đấu xây dựng cuộc sống tự lập để được gần bên nhau, và mơ ước một tương lai tốt đẹp sẽ đến. Tuy nhiên, không lâu sau đó tai họa ập tới khi Jennifer mắc bệnh ung thư. Nằm trên giường bệnh, giây phút cuối đời mình, Jennifer bảo Oliver hãy ôm nàng thật chặt và nàng đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay chàng. Mối tình vượt qua định kiến hẹp hòi, phân biệt giai cấp của đôi bạn trẻ dù có tuyệt đẹp họ vì đã sống hết mình cho người mình yêu thương, nhưng kết thúc đột ngột trong buồn đau khiến nhiều người xem hụt hẫng, xót xa và nuối tiếc. Khi Oliver thẩn thờ bước ra cửa bệnh viện, thấy cha mình đến xin lỗi vì những điều đã xảy ra. Oliver đã ngắt lời bố và đáp: "Yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc!" Có người nhận định câu thoại nổi tiếng này đã “thắp sáng cho cả tình sử Love Story đến hôm nay.”
Hình ảnh kết thúc phim khi Oliver ngồi buồn bã, cô đơn trong khung cảnh giá lạnh tuyết rơi trắng xóa, vang lên nhạc khúc bài “Where Do I Begin?” khiến người xem liên tưởng đến bức tượng “Người trầm tư” của nhà điêu khắc Rodin, với dáng người ngồi tay chống cằm đầu cúi xuống như đang miên man suy tư về các nan đề muôn thuở của nhân loại, như đang ray rức, băn khoăn về số phận mong manh, chóng vánh, bất định của nhân sinh và như đang tự hỏi về ý nghĩa và mục đích thật của đời sống mà vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp và cách giải quyết; cũng giống lời kết của bài Chuyện Tình mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Việt, dường như cũng có đồng một tâm trạng trăn trở, khắc khoải, kiếm tìm: “Sẽ còn được biết mấy? Một đời luyến ái yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn? Thật là khó đoán nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết. Loài người có chết sao sáng trên trời ngày nào sẽ tắt.“ Sự thực mà nhạc sĩ nêu lên là “tình yêu bất định”; “cuộc đời có hết và loài người có chết.” Ước gì có một phép mầu xảy ra khiến Jenifer sống lại, nhưng thực tế lại không phải là ảo tưởng. Một cuộc tình buồn và không được trọn vẹn. Có lẽ chính cái kết không có hậu đó khiến các phim như Cleopatra (1963), Love Story (1970), Titanic (1997), đã trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới về tình yêu.
Xưa nay nhân loại luôn khát khao yêu thương. Lý do mà tâm hồn con người trở nên trống vắng, khắc khoải khôn nguôi là vì họ thiếu tình yêu bền vững, nếu không được đổ đầy yêu thương, lòng người sẽ chứa chan hận thù, ghen ghét, ích kỷ, ưu phiền, tuyệt vọng… Các triết gia nói rằng tình yêu làm cho thế giới chuyển động và tình yêu chinh phục mọi sự. Ngôn ngữ Hy-lạp phân biệt 6 từ ngữ khác nhau để mô tả tình yêu:
Eros là tình yêu nhục dục, có khuynh hướng ích kỷ, thỏa mãn cá nhân.
Stergo là tình yêu trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái.
Philadelphia là tình yêu ruột thịt, giữa anh chị em với nhau.
Philia là tình huynh đệ, giữa những người bạn với nhau.
Philanthropia là tình nhân loại.
Agape là tình yêu vô điều kiện, cao hơn hẳn các tình yêu ở trên là tình yêu của bình diện con người. Đây là tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta.
Trong ánh sáng của Thánh Kinh, yêu thương là bản tính của Đức Chúa Trời, Ngài chính là nguồn của tình yêu. “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.” (I Gioan/Giăng 4:8-10). Thiên Chúa đã sáng tạo ra vạn vật và muôn loài, đặc biệt là Chúa tạo dựng con người để bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Dù con người đã bội phản, quay lưng với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn đến tìm và cứu con người. Lý do của Giáng Sinh là vì Chúa quá yêu chúng ta nên tự nguyện chịu chết trên thập giá để trả món nợ tội cho chúng ta như Kinh Thánh khẳng định: “Vì khó có ai chết cho một người công chính, họa may còn có người dám chết cho người tốt. Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta” (Rô-ma 5:7-8).
Một câu chuyện cảm động có đề tài là “Người gác cầu và đứa con yêu dấu”, trích từ film “The Most” (phát hành năm 2006). Chuyện kể về một người đàn ông có trách nhiệm canh giữ một cái cầu bắc qua một con sông lớn. Trên cầu có đường rầy cho xe lửa chạy qua. Cầu có một nhịp có thể được dựng đứng lên như cánh cửa cho tàu thuyền chạy ngang. Nhiệm vụ người gác cầu là mở nhịp cầu cho tàu thuyền đi qua, và nối nhịp cầu cho xe lửa lưu thông. Ông đã chu toàn với tinh thần trách nhiệm trong nhiều năm.
Một hôm, ông dẫn đứa con trai 10 tuổi đến khu vực này. Cậu theo cha đến đây để câu cá. Một lúc sau, bỗng cậu nhìn thấy từ xa khói của một chiếc xe lửa đang tiến đến, đang khi nhịp cầu còn dựng đứng lên cho một chiếc tàu chạy qua. Người con liền báo tin cho cha nhưng ông không nghe thấy. Kêu thêm mấy lần vẫn không thấy cha trả lời, cậu bé bèn chạy đến bộ phận điều khiển khẩn cấp, mở nắp hầm, chui xuống để kéo cái cần màu đỏ. Cha cậu từng nói khi cấp bách, chỉ kéo cần đỏ này thì cầu sẽ tự động hạ xuống. Khi người cha chợt nhận ra xe lửa đang đến gần, ông nhìn quanh và không thấy con mình câu cá nữa. Từ phòng điều khiển, ông kêu tên con, và hoảng hốt khi thấy đứa con chui vào hầm máy và bỗng hụt tay té xuống giữa những bánh xe và guồng máy dưới gầm cầu. Cuống quít, ông định leo xuống để cứu con mình, nhưng xe lửa thì đang tiến đến quá gần. Ông không có thì giờ để do dự, nếu hạ cầu xuống cho xe lửa chạy thì con ông sẽ chết; nếu cứ để cầu mở để cứu đứa con, thì xe lửa sẽ đâm xuống sông và số đông hành khách trên xe lửa sẽ thiệt mạng.
Đau xót nhưng cương quyết, người cha quyết định chạy đến bàn điều khiển, hạ cầu xuống cho xe lửa băng qua. Trong xe có đủ hạng người xấu tốt, họ đã được an toàn trong khi đứa con thơ ngây của ông phải chết! Sau lúc ấy, đôi mắt ông hoa lên, đầu óc quay cuồng như bị sét đánh. Ông thấy những hành khách cứ vô tư trò chuyện, một vài người vẫy tay chào ông. Những người trên đoàn xe hoàn toàn không hay biết thảm cảnh xảy ra dưới gầm cầu. Họ vẫn điềm nhiên tiếp tục cuộc hành trình, đâu có ai quan tâm đến lý do tại sao người cha nầy vừa gào lên trong nước mắt: “Các người có biết rằng tôi đã hy sinh chính con tôi để cứu mạng các người chăng?”
Thưa quí vị và các bạn, Người cha trong phim phản ảnh Cha trên trời đã hy sinh chính Con một để cứu bạn, cứu tôi và thế gian này. Kinh Thánh Giăng 3:16 khẳng định mục đích về sự giáng sinh của Jesus như sau: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con ấy đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu.” Câu Thánh Kinh này cho biết số phận bi đát của nhân loại sống trong tội phản nghịch Chúa là phải bị hư mất, hay còn gọi là «sự chết thuộc linh» tức là sự gãy đổ, phân cách trong mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với con người, mà còn đem đến hai sự chết khác nữa: sự chết thuộc thể, và sự chết đời đời nơi hỏa ngục. Lời Chúa khẳng định: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” (Gioan/Giăng 3: 36).
Quý vị có biết vì sao Đức Chúa Trời lại yêu con người không? Phải chăng Ngài yêu chúng ta vì chúng ta quá xứng đáng, dễ thương? Ngài yêu thương chúng ta không phải do công đức, việc lành của chúng ta, nhưng bởi bản tính của Ngài là yêu thương.
Cứu Chúa Jêsus đã giáng sinh cách đây hơn 2000 năm, giờ đây Ngài đang tiếp tục giáng sinh trong lòng những con người biết ăn năn và tin nhận Ngài. Bởi lòng ăn năn chân thành và bởi đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà người ấy tức thì nhận được sự cứu rỗi của Thiên Chúa “Còn nếu chúng ta xưng những tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ những tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Gioan/Giăng 1:9).
Những ai đã nhận được món quà yêu thương từ Cứu Chúa Jêsus, thì Giáng Sinh không chỉ là một mùa lễ hội trong năm, đến rồi lại đi, nhưng niềm vui Giáng Sinh là chính Cứu Chúa Jesus sẽ trường tồn. Thiên Chúa đã mở ra con đường sống trong tình yêu, hy vọng và đức tin sẽ cứ kéo dài mãi trong những tâm hồn này cho đến muôn đời bất tận.
*Mời quí vị tiếp nhận Chúa và hiệp ý với tôi trong LỜI CẦU NGUYỆN:
Kính Lạy Đức Chúa Trời là Cha yêu thương,
Con cảm ơn Ngài giúp cho con nhận biết tình yêu cao quí của Cha đã mở rộng vòng tay bao dung tha thứ cho con là tội nhân lạc mất.
Con cảm ơn Đức Chúa Jesus đã giáng sinh, chịu chết trên thập giá vì tội của con.
Ngài đã đắc thắng tử thần, sống lại trong vinh quang để cứu nhân loại khỏi sự chết đời đời.
Con xin rộng mở tâm hồn tiếp nhận Chúa Jesus vào làm Chúa và làm chủ cuộc đời con.
Cảm ơn Chúa đã tha tội cho con và ban cho con sự sống đời đời theo lời Ngài hứa. Xin Chúa giúp con sống xứng đáng là con của Cha, từ giờ trở đi và đến mãi về sau.
Con chân thành cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jesus. Amen!
--------------------------------