Phải thừa nhận một điều là ở nội thành Thành phố rất ít hoặc hiếm khi có sự kỳ thị đối với người tu xuất, vì người có đạo trong nội thành thường sống tương đối rải rác, lại theo phong cách “đèn ai nhà nấy rạng” nên thậm chí không biết nhà ai có người đi tu chứ chưa nói đến tu xuất, hơn nữa giáo dân nội thành thường có người yêu từ rất sớm, tầm những năm cuối Trung học cơ sở (lớp 8, lớp 9), nên rất ít người đi tu, và vì vậy hầu hết các vị tu sĩ là ở Nông thôn, một số ít có nguồn gốc ngoại thành.
Nhưng ở Nông thôn, càng lạc hậu, cổ hủ thì sự kỳ thị với người tu xuất càng lớn, thậm chí tới mức đi ngược lại với Đức bác ái Ki-tô:
1 – Cho rằng người tu xuất là người kiêu ngạo, rằng: “Gớm, tưởng mình khôn ngoan đạo đức lắm, chơ cũng xuất về đấy” hay là: “Cứ tưởng làm cho ba mẹ thành Ông Cố, Bà Cụ mà ghê, chức thánh đâu có dễ chứ”,…
2 – Cho rằng người tu xuất yêu đương lăng nhăng, rằng: “Thằng ấy / con bé ấy mà tu gì, yêu đương vớ vẩn như nó tu tiếc gì, có mà tu hú ấy,…”
3 – Cho rằng người tu xuất không chịu khó, chịu khổ, rằng: “Tưởng đi tu mà dễ à, không có tinh thần khó nghèo thì đừng mơ mà tu”, hay là: “Ở nhà sướng thế, vào Dòng chịu thế quái nào được mà đòi tu”,…
4 – Cho rằng người tu xuất là “gà công nghiệp”, rằng: “Ở ngoài không làm ăn được, lại ế chỏng chơ/ thất tình nên mới đi tu chứ gì. Đi tu mà gà công nghiệp vậy ai nhận”,…
Vân…vân… và mây…mây…
Nói chung là “khẩu nghiệp” thì khủng khiếp, đặc biệt là từ những “trang trại buôn dưa lê”. Chính vì vậy có nhiều người tu xuất chịu không nổi mà phải bỏ Xứ ra đi, thậm chí lấy người ngoại và bỏ đạo luôn, hoặc đi theo Tin lành!
2. Nguyên nhân tu xuất
Khó có thể thống kê được nguyên nhân khiến tu xuất, nhưng phải khẳng định rằng 4 nguyên nhân mà những người “khẩu nghiệp” đưa ra chỉ chiếm một con số vô cùng nhỏ trong các nguyên nhân tu xuất. Bởi vì:
1 – Kiêu ngạo? Không phải vậy, những người tự thấy mình có Ơn Gọi Thánh Hiến hầu hết là người khiêm tốn, thậm chí rất khiêm tốn. Tuy nhiên khi vào Dòng, vào Chủng, họ vấp phải những điều không như ý muốn, không như họ nghĩ và họ đã tìm mọi cách để chống trả lại, nhưng lực bất tòng tâm nên mới xuất tu.
2 – Yêu đương lăng nhăng? Không hẳn như vậy. Đôi lúc sự hấp dẫn giới tính là một sức hút khủng khiếp, chưa kể hóóc-môn giới tính của nhiều người khá cao, nên không cưỡng lại được. Có những vị đã khấn lần 1, lần 2 nhưng trong một lần tình cờ đi tĩnh tâm lại yêu giáo dân nào đó, hay thậm chí là một tu sĩ khác. Ta có thể tạm hiểu là “Chúa không chọn” thì đành chịu, không nên quy kết họ “yêu đương lăng nhăng”, vì được biết những đôi này thường khá hạnh phúc, sống đạo đức và con cái của họ thậm chí đã thay họ trở thành các tu sĩ bền đỗ. Đơn giản vì căn cơ đạo nghĩa của hai vợ chồng đều tốt.
3 – Không chịu khó, chịu khổ? Không hẳn vậy. Có người rất kỳ lạ là ở ngoài thì không sao, cứ vào Dòng là ốm lên ốm xuống, đủ thử bệnh lý và tâm lý, phải đưa ra ngoài, rồi khi ra thì lại khỏe mạnh ngon lành, cứ như là “giả vờ” vậy. Cũng có những người chọn sai Dòng, nên cái khó, cái khổ của họ không phải là họ không muốn chịu đựng mà là chịu không nổi, nên mới tu xuất. Có người xuất mấy Dòng hai, ba lần rồi chọn đến Dòng thứ 4, thứ 5 mới hợp đấy thôi. Cũng có nhiều thầy Chủng học không nổi, đến 40, 50 tuổi không thể qua được một số môn học, đành phải về.
4 - “Gà công nghiệp”? Cái này càng sai bét, người hiền lành nhút nhát thì lại càng dễ tu thành hơn, người “thất tình” bền đỗ và thậm chí thành Hiển thánh cũng không hiếm, nên điểm quy kết này là sai lầm nghiêm trọng!
3. Phương án sau khi tu xuất
Người tu xuất thường nhận biết được “mức độ nghiêm trọng” của việc xuất tu, nên họ thường chuẩn bị tâm lý sẵn để “đối phó”. Một số là lấy vợ hay lấy chồng luôn rồi lập nghiệp xa xứ. Một số công bố rằng về nhà đợi tìm hiểu Dòng khác.
Tuy nhiên có một số vị xuất tu khi tuổi đã “xế chiều”. Họ thật sự gặp khó khăn, vì tuổi thanh xuân đã cống hiến trong Nhà Dòng, Chủng Viện rồi, nay ra ngoài rất bỡ ngỡ và “sức ì” cũng đã lớn. Nhưng thay vì nhận được sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của người trong Xứ, thì họ lại phải nhận những “khẩu nghiệp” kia, chẳng phải là đau khổ chồng lên đau đớn ư?
4. Kết luận
Bài viết này không muốn bênh vực người tu xuất hay khuyến khích các tu sĩ xuất tu, chỉ mong rằng những ai đang có định kiến với người tu xuất thì hãy nghĩ lại, bằng không những người đã cất bước lên đường Dâng Hiến mà không trưởng thành trong Đức tin thì bị kẹt cứng vì “cấm kỳ trở lại”.
Nhưng cũng mong rằng các bạn dự tu cần hết sức nghiêm túc với Ơn Gọi của mình, bởi hai chữ “tu xuất” nó nghiêm trọng lắm thay!