16. Sống Tình Thức

SỐNG TỈNH THỨC - CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
 
      Con người sống trên đời luôn bị quay cuồng bởi nhiều cám dỗ.  Nhà thơ Trần Tế Xương đã gọi mặt đặt tên những cám dỗ ấy thành “ba thứ lăng nhăng nó quấy ta,” đó là trà, rượu và đàn bà.  Người ta vẫy vùng muốn thoát khỏi những cám dỗ, nhưng không dễ dàng, vì cám dỗ như chiếc lưới bủa vây ràng buộc, càng vùng vẫy càng mắc sâu hơn.
    Với cuộc sống tiện nghi của thời đại hôm nay, cám dỗ không dừng lại ở “ba cái lăng nhăng" như thời Cụ Tú Xương, nhưng đa dạng và nguy hiểm hơn nhiều.  Một trong những cám dỗ nghiêm trọng nhất lôi kéo chúng ta, đó là chối bỏ Thiên Chúa, tự cho mình có thể thay thế Ngài trong đời sống hằng ngày.
 
   Thực ra, đây không phải là một cơn cám dỗ mới.  Chính Chúa Giêsu cũng đã bị ma quỷ cám dỗ.  Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta lại được chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện và ăn chay trong sa mạc.  Nơi đây, Người đã chiến đấu với ma quỷ đang dụ dỗ Người từ bỏ sứ mạng thiên sai mà Chúa Cha trao phó.  Ma quỷ còn hứa cho Chúa tất cả vinh hoa phú quý ở đời, miễn là sấp mình thờ lạy nó.  Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ.
     Cám dỗ phủ nhận Thiên Chúa và muốn thay thế Ngài, đó cũng là cám dỗ của ông bà Nguyên tổ ở khởi đầu của lịch sử.  Ông Ađam và bà Evà đã nghe con rắn dụ dỗ, muốn được thông minh và quyền năng như Thiên Chúa.  Ông bà đã muốn đổi ngôi, từ thân phận thụ tạo thành vị trí “đấng sáng tạo.”  Cơn cám dỗ ở đầu lịch sử vẫn luôn hoành hành và gặm nhấm mỗi người chúng ta, nhất là trong xã hội hiện đại hôm nay, khi con người cậy dựa vào những phát minh của khoa học và tự cho rằng kỹ nghệ sẽ đem lại hạnh phúc cho con người.  Nhiều phong trào xã hội mượn danh “dân chủ”, “văn minh” đã muốn loại bỏ Thiên Chúa và giáo huấn của Ngài và thay thế vào đó là những ý thức hệ vô thần, hoặc nền văn hóa sự chết.  Có những cơn cám dỗ mang khuôn mặt khả ái, những chức danh mỹ miều hoặc nhân danh lòng đạo đức, nhưng thực ra nó chứa nọc độc, nhằm lôi kéo con người xa Chúa.  Khi chối bỏ Thiên Chúa, nhiều người muốn tôn thờ vinh hoa phú quý như một thứ thần linh.  Họ coi của cải, giàu có là mục đích tối thượng của cuộc đời.  Họ quên rằng, tiền bạc không phải bao giờ cũng đem lại cho con người hạnh phúc.  Một khi vắng bóng Thiên Chúa, cuộc đời này sẽ thiếu vắng tình yêu và tràn lan những hận thù.
    Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2016 này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tình trạng sự mù lòa của con người thời nay trước nỗi khổ của tha nhân, và do đó, họ ảo tưởng trong những quan điểm về cuộc sống.  Ngài viết: “Lời ma quỷ nói với Bà Evà: Bà sẽ nên giống Thiên Chúa” (St 3, 5), là gốc rễ của mọi tội lỗi.  Ảo tưởng này có thể mang những hình thức xã hội và chính trị, được biểu lộ nơi hệ thống độc tài toàn trị của thế kỷ XX, và trong thời đại của chúng ta, nơi những ý thức hệ độc quyền về tư tưởng và khoa học công nghệ, loại trừ Thiên Chúa và giảm thiểu con người thành thứ vật chất đơn thuần để khai thác bóc lột.  Ảo tưởng này cũng có thể được thấy trong những cơ cấu tội lỗi liên quan đến mô hình phát triển sai lầm đặt nền trên việc tôn thờ tiền tài, dẫn đến việc thiếu quan tâm về thân phận người nghèo nơi một số cá nhân và xã hội giàu có hơn; họ đóng chặt cửa mà chẳng thèm đếm xỉa đến người nghèo.”
    Mùa Chay giúp chúng ta nhìn nhận thân phận mình, với biết bao yếu đuối và lỗi lầm, rất cần được Chúa tha thứ và đỡ nâng.  Ông Môi-sen đã chỉ dẫn cho người Do Thái, khi đến dâng của lễ, hãy thưa với Chúa về nguồn gốc du mục của mình và nhớ lại những điều tốt lành Ngài đã làm với tổ phụ họ (Bài đọc I), nhờ đó, họ dâng của lễ với lòng tri ân chân thành và đáng được Chúa chấp nhận.  Nhìn nhận thân phận mình sẽ giúp chúng ta khiêm tốn và sám hối sửa mình, và nhờ đó, chúng ta được đón nhận lòng Chúa xót thương.
   “Đã có lời chép: ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”  Chúa Giêsu đã tuyên bố với tên cám dỗ như vậy.  Đây cũng là lời giáo huấn dành cho chúng ta, là những tín hữu.  Như Chúa Giêsu đã trung thành với sứ mạng, dù phải chấp nhận thập giá, mỗi chúng ta được kêu mời kiên vững trong Đức tin, dù phải trải qua phong ba bão táp của cuộc đời.
     Lửa thử vàng, gian nan thử đức.  Những cám dỗ chúng ta gặp trong đời là thước đo sự trưởng thành của chúng ta trong Đức tin và sự tín thác vào Chúa.  Thánh Phaolô nói với chúng ta về một Đức tin đích thực: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Bài đọc II).  Lời cầu nguyện của Phụng vụ khi bước vào Mùa Chay: “Hôm nay, chúng con bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng…” đã nói lên mục đích của mùa Phụng vụ này.  Xin cho Mùa Chay thánh này giúp chúng ta tìm được sức mạnh, sự bình an và niềm vui thánh thiện.  Amen!
 Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

SỐNG TỈNH THỨC - NHẬN BIẾT ƠN GỌI TU TRÌ

  •  
    Chi Tran
     

    NHẬN BIẾT ƠN GỌI TU TRÌ

     

    Thưa cha, xin cha cho biết làm cách nào để nhận ra một người có ơn gọi đời sống tu trì? Ơn gọi tu trì dù ở dưới góc độ nào cũng bao gồm hai yếu tố: lời mời gọi từ phía Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người.

     

     

    Hỏi: Thưa cha, xin cha cho biết làm cách nào để nhận ra một người có ơn gọi đời sống tu trì?

     

    Đáp:

    Để trả lời đầy đủ cho câu hỏi trên lại cần đến khá nhiều giấy mực và cả những kinh nghiệm của những nhà đào tạo trong các Dòng tu. Tuy nhiên tôi cho rằng thắc mắc của bạn không đòi hỏi nhiều đến thế. Điều bạn ưu tư cũng trùng hợp với những nỗi băn khoăn của các bậc làm cha làm mẹ khi tự hỏi không biết con mình có ơn gọi đi tu hay không nhất là khi thấy con cái có vẻ ham thích việc đạo đức, ưa bắt chước các cha hay các bà sơ...

     

    Tôi cũng không muốn bàn sâu về đời tu dưới cái nhìn Thần học hay Giáo luật mà chỉ muốn trao đổi với bạn về đời tu theo cách nhìn thông thường không phân biệt tu dòng hay tu làm linh mục.

     

    Ơn gọi tu trì dù ở dưới góc độ nào cũng bao gồm hai yếu tố: lời mời gọi từ phía Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người.

     

    Làm sao biết được Thiên Chúa kêu gọi mình để có thể đáp lại tiếng gọi ấy?

     

    Chỉ trừ những ơn gọi đặc biệt nghe được tiếng Chúa trong những hoàn cảnh khác thường, còn thông thường thì tiếng Chúa gọi có thể đến từ những thôi thúc nội tâm làm cho ứng sinh cảm thấy ước muốn hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Ơn gọi có thể đến qua các biến cố như một dịp tĩnh tâm, một lần dự lễ phong chức, một chuyến thăm viếng vùng truyền giáo... Ơn gọi có thể đến từ việc tiếp xúc những vị lãnh đạo trong Hội thánh hoặc tiếp xúc với một cộng đoàn tu hay một vị tu sĩ linh mục mà mình cảm thấy yêu mến và ngưỡng mộ. Có thể ơn gọi được triển nở trong một môi trường mà giá trị đời tu luôn được cổ võ và khích lệ. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp ơn gọi nẩy sinh từ những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi cho đời sống đạo. Thậm chí ơn gọi có thể manh nha từ một ước muốn vụ lợi nữa.

     

    Tất cả những tình huống nêu trên chỉ muốn trình bày tiếng gọi của Chúa có thể đến từ nhiều bối cảnh khác nhau và những thôi thúc ban đầu ấy mới chỉ là những dấu hiệu sơ khởi còn cần được củng cố hay thanh luyện bằng những hướng dẫn cụ thể trong suốt quá trình huấn luyện và đào tạo.

     

    Để có thể đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, người được kêu gọi cũng cần có một mức độ trưởng thành và được hoàn toàn tự do cũng như thực sự ý thức về quyết định dấn thân của mình. Vì thế mà ứng sinh cũng phải đạt đến một độ tuổi mà sự phát triển về tâm lý cũng như tinh thần tương ứng với đòi hỏi của ơn gọi.

     

    Tùy theo đặc sủng và mục đích của các dòng tu hay điều kiện của các chủng viện mà những tiêu chuẩn có sự khác biệt. Nhìn chung, ta có thể nêu ra những điều kiện cơ bản như sau:

     

    - Có ý hướng ngay lành chứ không bị thúc đẩy bởi những động cơ vụ lợi, không vì áp lực bởi gia đình hay những người xung quanh, không bị tác động bởi môi trường xã hội khiến cho ý hướng tu trì bị vẩn đục

     

    - Có một sức khỏe ổn định để đảm nhận sứ mạng và đòi hỏi của đời tu.

     

    - Có sự quân bình về tâm lý để có thể vượt qua những thách đố của đời tu, để có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường, để có những mối tương giao tốt đẹp với người khác về mặt tình cảm cũng như hoạt động.

     

    - Có khả năng trí tuệ thích hợp để có thể đảm trách những công tác được trao phó, và có thể tự trang bị cho mình một vốn kiến thức đầy đủ làm nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin theo kịp nhịp tiến bộ của xã hội.

     

    - Có khả năng sống đời tu một cách tích cực nghĩa là tìm thấy niềm vui, sự bình an, hăng say chứ không chỉ là một gánh nặng phải cố mà mang lấy cho xong.

     

    - Có một đời sống luân lý trong sáng và đời sống thiêng liêng tiến triển cách vững chắc. Đời sống ấy phải có hướng đi tới chứ không chỉ là những hăng hái nhất thời và nhạt dần theo năm tháng.

     

    Là những người có trách nhiệm hay có những ưu tư về ơn gọi khi nhận thấy có những dấu hiệu sơ khởi, tích cực ta nên khuyến khích, nâng đỡ những mầm non ơn gọi. Chính đương sự cũng cần phải cầu nguyện để nhận ra tiếng gọi của Chúa. Cần tìm đến với những người khôn ngoan, đạo đức và hiểu biết về đời tu để được hướng dẫn. Điều quan trọng vẫn là thực hiện ý Chúa trên đời mình chứ không phải là tìm cách đeo đuổi ý định của mình hoặc cố gắng làm vui lòng người dù đó là cha mẹ hay người thân. Nếu Chúa đã mời gọi Ngài cũng sẽ ban cho những ơn huệ và năng lực để đáp trả.

    (dongten.net)

     
     

SỐNG TỈNH THỨC - LO SỢ TRƯỚC ĐAU BUỒN CỦA CHÚA

Lo sợ trước nỗi đau buồn của chúa Giêsu

1.

Từ vài tháng nay, tôi nghe trong lòng một Lời Chúa vang lên da diết, khiến tôi lo sợ. Lời đó là thế này:

“Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23, 37).

Lời đó Chúa Giêsu đã vừa nói vừa khóc, khi nhìn thành Giêrusalem. Người diễn tả nỗi đau buồn của Người trước cảnh Giêrusalem đã không đón nhận tình yêu thương xót của Người. Không đón nhận như thế sẽ khiến Giêrusalem rơi vào cảnh khổ ghê gớm.

2.

Ðược nghe Chúa nhắc lại trong tôi lời xưa nhuốm lệ của Người, tôi hiểu Chúa muốn nhắn gởi tôi tâm tình của Người về Hội Thánh hôm nay. Tâm tình của Chúa là nỗi đau buồn của Người, trước cảnh nhiều con cái Chúa không chịu đón nhận tình yêu thương xót của Chúa, để rồi, sẽ không tránh được một chuỗi dài thảm họa đang tới.

Nhiều con cái Chúa đã không chịu đón nhận tình yêu thương xót Chúa, đó là một sự thực rất đau đớn. Tôi đã thấy và tôi đang thấy.

3.

Với tâm tình sám hối, liên đới trong trách nhiệm, tôi xin được kể ra đây một số những hình thức không chịu đón nhận tình yêu thương xót Chúa đang lan tràn hiện nay như:

Hình thức dửng dưng,

Hình thức tránh né,

Hình thức bất cần,

Hình thức chống đối,

Hình thức thách thức.

Nguyên nhân chính là nhận biết sai về mình và về Chúa.

4.

Nhận biết sai về mình là điều rất phổ biến. Chúa cảnh báo điều đó nhiều lần nhiều cách. Thí dụ trong sách Khải Huyền, Chúa cho thấy hạng người chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng, thường ảo tưởng cho mình là chẳng thiếu thốn chi. Nhưng trước mặt Chúa, họ là kẻ khốn nạn, nghèo khổ, đui mù (Kh 3, 15- 17).

Nhận biết sai về mình như thế, thì đâu có sám hối, cậy nhờ tình yêu thương xót Chúa.

5.

Nhận biết sai về Chúa cũng là điều rất phổ biến, Chúa cũng cảnh báo nhiều lần nhiều cách. Thí dụ trong sách Khải Huyền, Chúa ví Mình như một kẻ lữ hành đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Chúa và mở cửa ra, thì Chúa sẽ vào và ở lại với người đó (Kh 3, 20).

6.

Thú thực là nhiều người chúng ta, nếu không tỉnh thức và có ơn Chúa giúp, đều có thể không nhận ra Chúa gõ cửa lòng mình, nên đã khóa cửa lòng mình lại. Ðó là một cách chối từ tình yêu thương xót, đôi khi cũng trở thành thách thức và chống đối tình yêu thương xót Chúa.

Những trường hợp như vậy đang diễn ra đó đây. Nhiều người nhận ra. Nhiều người không nhận ra do cứng lòng. Cứng lòng là một hình phạt rất nặng dành cho những người kiêu ngạo.

Xin Chúa thương cứu giúp chúng ta khỏi hình phạt nặng nề đó.

7.

Thực sự, Chúa đã và đang cứu những ai để cho Chúa cứu, bằng sự họ tỏ ra một chút khiêm nhường.

Tới đây, tôi nhớ lại dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế. Phúc âm Thánh Luca kể:

“Ðức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thuộc phái Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.

Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.

Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt nhìn lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi.

Tôi nói cho các người biết: Người này khi trở về, thì đã được nên công chính, còn người kia thì không. Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 9- 14).

8.

Với dụ ngôn trên đây, Chúa Giêsu cho thấy chỉ những ai khiêm nhường mới đón nhận được ơn Chúa xót thương cứu độ. Còn những ai kiêu ngạo thì không. Có những kẻ giàu sang mà vẫn khiêm nhường. Có những kẻ nghèo túng mà lại kiêu căng.

9.

Thánh Phêrô quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5).

Như vậy đã rõ kẻ kiêu căng sẽ không đón nhận được tình yêu xót thương của Chúa. Giờ đây, câu hỏi đặt ra cho tôi và cho mỗi người chúng ta là: Tôi là kẻ khiêm nhường hay kẻ kiêu ngạo?

Mỗi người sẽ trả lời. Nhiều người cũng có ý kiến. Nhưng trả lời sau cùng sẽ là Chúa. Chúng ta hãy hỏi Chúa. Trả lời của Chúa mới chính là sự thực. Hỏi Chúa thì cũng phải rất khiêm nhường. Nhưng ai đã quen sống kiêu ngạo, thì không dễ gì lại biết khiêm nhường, khi hỏi Chúa và khi nghe Chúa trả lời.

10.

Vì thế, khiêm nhường là một đức tính tôi cần rèn luyện thường xuyên một cách kiên trì, dựa vào ơn Chúa.

11.

Tôi tin ở Chúa, tôi cầu xin Chúa cho tôi biết sống khiêm nhường. Cùng với việc cầu nguyện, tôi cũng phải để mình được đào tạo bởi Hội Thánh, bởi cộng đoàn, bởi những người của Chúa sai đến.

Xin nhắc lại: Ðối với tôi, vấn đề quan trọng nhất đang đặt ra cho tôi, cho Hội Thánh và cho cả nhân loại, là “Có đón nhận tình yêu thương xót Chúa không?”. Ðể đón nhận thì phải khiêm nhường.

12.

Mấy ngày nay, khi suy nghĩ về khiêm nhường, tôi thường được Ðức Mẹ nhắn nhủ chỉ một điều này: “Con hãy noi gương Mẹ”.

Khi còn ở bên Chúa Giêsu, Ðức Mẹ luôn âm thầm xin vâng. Khi Chúa Giêsu đã về trời, Ðức Mẹ ở bên Thánh Gioan tông đồ, cũng luôn âm thầm xin vâng.

13.

Ðức Mẹ có lúc đã nói với tôi: “Mẹ đang khóc. Chúa Giêsu cũng đang khóc. Vì bao người hôm nay vẫn không chịu đón nhận tình yêu thương xót Chúa”. Nghe vậy, tôi xót xa và lo sợ khác thường.

14.

Tôi lo sợ cho tôi và cho Hội Thánh của tôi. Biết đâu, chúng ta không những thiếu khiêm nhường, mà còn lạm dụng ơn Chúa, để tự hào về những quyền nọ chức kia trong lãnh vực thiêng liêng, coi kẻ khác là hèn kém hơn mình.

Lạy Chúa, con xin sám hối. Xin Chúa thương cứu chúng con.

 ĐGM GB BÙI TUẦN
“Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

SỐNG TỈNH THỨC - THÁNH GIUSE SỐNG ƠN GỌI

Thánh Giuse sống ơn gọi bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ

1.

Hơn lúc nào hết, những ngày trong tháng kính Thánh Giuse này, tôi nghe Chúa gọi tên và thúc giục tôi: “Con hãy bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong con và trong cộng đoàn của con. Vì Hai Đấng đang bị bắt bớ và xua đuổi bởi nhiều quyền lực trong đạo ngoài đời. Xưa đã là thế, nay cũng như vậy”.

2.

Trước hết, hãy sống mật thiết với Hai Đấng, lắng nghe Hai Đấng.

Quả thật, Thánh Giuse đã thực hiện điều quan trọng đó.

Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa (Ga 15, 9).

Hãy gắn bó mật thiết với Chúa (Ga 15, 6).

3.

Được ở lại trong Chúa và sống gắn bó với Chúa, Thánh Giuse đã thờ phượng Chúa theo như ý Chúa, đó là:

 

4.

Sống tinh thần Tám mối phúc chính là cách bảo vệ Chúa và Đức Mẹ. Làm ngược lại là xua đuổi và bắt bớ Chúa (x Mt 5, 1-12).

 

5.

Sống khiêm tốn, tránh phô trương khi cầu nguyện, ăn chay, bố thí, chính là cách bảo vệ Chúa và Đức Mẹ. Làm ngược lại là xua đuổi và bắt bớ Chúa (x Mt 6, 1-17).

 

6.

Quan tâm phục vụ người nghèo khổ, chính là bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Làm ngược lại là xua đuổi và bắt bớ Chúa (x Mt 25, 34- 46).

 

7.

Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong nội bộ cộng đoàn tôn giáo của mình. Bởi vì ngài biết trong nội bộ có những lớp người tự nhận là đạo đức sẽ ra tay bắt bớ và xua đuổi Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

 

8.

Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách khôn ngoan, nghĩa là không lên tiếng khích bác và chống đối ai, nhưng chỉ lặng lẽ sống những giá trị Phúc Âm một cách tích cực.

 

9.

Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách tế nhị. Nghĩa là ngài luôn lui vào địa vị kẻ phục vụ, vui lòng nhận vào mình những việc nặng nề vất vả nhọc nhằn, để che chở cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

 

10.

Bố tôi hay nhắc cho tôi biết một lời trối của ông nội tôi. Trước khi tắt thở, ông nội chúng tôi gọi các con lại bên giường mà nói: Thánh Giuse rất có lòng thương những kẻ nghèo khổ, nếu các con gặp cơn khốn khó, hiểm nghèo, các con hãy chạy lại Thánh Giuse, xin ngài thương cứu giúp.

11.

Ngay lúc này, khi tôi đang viết những dòng chia sẻ đây, tôi rất mệt, rất đau do già yếu bệnh tật, nhưng Thánh Giuse đang cứu giúp tôi. Ngài cho tôi nhìn thấy bao ơn lành Chúa ban cho tôi chỉ trong giờ phút này, thật là cao quý khôn tả.

12.

Dựa vào kinh nghiệm đó, Thánh Giuse dạy tôi hãy tín thác mình cho lòng Chúa xót thương một cách đơn sơ mà triệt để. Hãy theo gương ngài, mà luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa. Vâng ý Chúa mới là môn đệ Chúa (x Mt 7, 21-23).

 

13.

Chọn lựa của Thánh Giuse những lúc đó là tăng thêm khiêm nhường, tăng thêm tình thương, ngài coi đó là thánh ý Chúa. Tôi cũng sẽ như vậy.

Thêm khiêm nhường, thêm tình thương, là những điều không dễ. Phải nhờ ơn Chúa, phải nhờ vào cộng đoàn những người thiện chí.

 

14.

Điều quan trọng là phải để ý nhiều đến đời sống nội tâm, chứ nếu chỉ thích nghi bề ngoài cho qua, thì sẽ tệ hại cho chính mình và cho đạo Chúa.

Đời sống nội tâm nơi Thánh Giuse là rất khiêm tốn. Ngài không cho mình là kẻ đạo đức hơn người khác, nhưng luôn biết mình yếu đuối, không ngừng và trong mọi sự đều nhờ ơn Chúa, để cùng với ơn Chúa mà dấn thân phục vụ, chia sẻ, hiệp thông.


15.

Để được như vậy, tôi phải noi gương Thánh Giuse mà tỉnh thức và cầu nguyện thường xuyên.

Tôi hiểu tỉnh thức và cầu nguyện là rất cần cho tôi, để tôi có hy vọng và niềm vui khi gặp những khó khăn trắc trở không sao tránh được.

 

16.

Niềm vui và hy vọng, mà Chúa ban cho tôi, như đã ban cho Thánh Giuse xưa, chính là Chúa. Để đón Chúa, tôi phải tỉnh thức, phải cầu nguyện thật nhiều.

 

17.

Có tỉnh thức và cầu nguyện, tôi mới có thể đón được Chúa vào lòng, nhất là Chúa là Đấng đã nói rõ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Ta” (Mt 15, 24).

ĐGM. GB. BÙi TUẦN

 “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

SỐNG TỈNH THỨC - LÒNG KIÊN NHẪN ĐÃ CẠN

LÒNG KIÊN NHẪN ĐÃ CẠN

 

Kinh thánh bảo chúng ta là không bao giờ được mệt mỏi, nản lòng khi làm những chuyện đúng đắn. Tất nhiên, chúng ta gần như không có đủ sức mạnh để làm được như thế. Hầu hết chúng ta chỉ làm điều đúng đắn cho đến khi sự kiên nhẫn của chúng ta bị rút cạn.

 

 

Cách đây 30 năm, trước khi có vụ cướp máy bay ngày 11 tháng 9 năm 2001, trước vụ giấu bom trong giày, và trước khi có các kiểu khủng bố máy bay khác thì việc di chuyển bằng đường hàng không rất đơn giản. Bạn không cần phải bỏ giày để kiểm tra an ninh, bạn có thể đem chất lỏng theo mình, và nếu bạn có đem theo laptop hay các thiết bị điện tử khác, bạn chẳng phải lấy chúng ra khỏi xách hành lý của mình, cánh cửa phòng lái cũng chẳng phải bọc thép, và người ta cũng ít hoang tưởng về vấn đề an ninh hơn. Bạn thậm chí còn được gặp các phi công nữa.

 

Tôi nhớ một lần cách đây 30 năm, khi tôi gặp anh phi công thì anh đang thoải mái nói chuyện với một hành khách khác. Đó là chuyến bay sớm từ Dublin đến Luân Đôn, loại thông thường và không có khoang hạng thương gia. Tôi đang ngồi hàng ghế đầu ở giữa, và ngay hàng ghế bên kia là một phụ nữ trung niên, bà nhanh chóng tỏ ra cho biết mình sợ đi máy bay. Không lâu sau khi chúng tôi ngồi vào ghế, bà gọi tiếp viên hàng không và nói với cô rằng gia đình bà bảo bà nên đi máy bay, nhưng bà đang sợ chết khiếp và không muốn ở lại trên máy bay. Cô tiếp viên nhẹ nhàng cố gắng làm bà yên lòng, rằng tất cả mọi chuyện đều an toàn, thực sự trên máy bay còn an toàn hơn trên mặt đất nữa. Nhưng một người bị nỗi sợ ám ảnh thì họ chẳng dễ gì nghe theo lô gíc. Bà yên lòng được vài phút, chỉ vì máy bay chưa cất cánh và bà đang ngồi cách cánh cửa 5 mét, lúc đó vẫn đang còn mở.

 

Nhưng khi cánh cửa đóng lại và máy bay bắt đầu chạy lùi, thì bà bắt đầu bồn chồn hoang mang hơn. Cô tiếp viên lại đến và xoa dịu bà, nhờ đó có hiệu quả trong vài phút. Bà dần dần bình tĩnh và máy bay đi vào đường băng chuẩn bị cất cánh. Bất ngờ, bà rơi vào tâm trạng hốt hoảng hoàn toàn, hét gọi tiếp viên xin cho mình xuống máy bay gấp. Cô tiếp viên, đã hai lần không thể trấn an bà đành phải mở cửa phòng lái để nói chuyện với phi công, và trong vòng một phút, viên phi công xuất hiện, bắt đầu nói chuyện với người phụ nữ đang hoảng hốt.

 

Ông có vẻ là nhà tư vấn chuyên nghiệp, với lòng kiên nhẫn và cảm thông dành cho bà khách. Ông cầm tay bà, nhẹ nhàng trấn an: “Cảm giác này của bà rất bình thường! Nhiều người có nhiều nỗi sợ khác nhau. Bà tuyệt đối an toàn ở đây. Tôi đã lái đường bay này bằng chính chiếc máy bay này vô số lần rồi, tôi bảo đảm nó an toàn. Gia đình bà sẽ chờ bà ở Luân Đôn, bà tưởng tượng xem họ sẽ vui đến như thế nào khi thấy bà xuống máy bay! Và một khi bà đã làm được chuyện này rồi, bà sẽ không còn sợ bay nữa đâu. Đích thân tôi sẽ hộ tống bà bước xuống máy bay ở Luôn Đôn!”

 

Những lời của ông phi công như có phép màu, bà khách dịu lại và gật đầu ra dấu sẵn sàng. Đúng, bà đang chuẩn bị sẵn sàng để bay. Viên phi công về lại phòng, và tôi ngồi đó cảm phục sự kiên nhẫn của ông.

Nhưng chứng ám ảnh sợ vẫn còn đó. Chỉ vài phút sau, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, bà lại lên cơn kích động, lần này còn tệ hơn lần trước. Tiếp viên đến ngay và nhanh chóng vào phòng lái nói cho phi công biết chuyện này. Không ai bước ra nói lời nào hết, và cánh cửa phòng lái đóng lại, máy bay chuyển hướng chầm chậm về lại cửa sân bay. Khi đến nơi, viên phi công tuyên bố rằng chúng tôi phải về sân bay vì có một hành khách ở trong “tình trạng khẩn cấp” nhưng chúng tôi sẽ không phải ở lâu lại đây. Cầu thang máy bay cập đến và cửa máy bay được mở ra. Cô tiếp viên mở cửa phòng lái và tôi nghe tiếng viên phi công, rất rõ ràng. Bất bình, phẫn nộ, với một giọng cứng rắn, ông nói với tiếp viên: Đưa bà ta ra! Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay! Sự kiên nhẫn, ân cần, nồng hậu, và cảm thông của ông ấy đã không còn nữa. Ông đã cố gắng mà chẳng được gì. Bà khách đã có cơ hội để làm quen với máy bay. Và giờ đây đã hết rồi. Đưa bà ta ra! Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay!

 

Tất cả chúng tôi đều cảm thông với sự mất kiên nhẫn của viên phi công. Chúng tôi cũng mất hết kiên nhẫn với bà này rồi. Chúng tôi cần phải bay đúng lịch trình của mình. Không thể nói là viên phi công đã không cố gắng. Ông đã hết kiên nhẫn, đã chịu hết nổi, thế là đủ rồi. Việc ông làm có thể hiểu được và đáng chấp nhận. Ông đã làm tốt, thực sự là tốt… nhưng đến cuối cùng, vẫn không đủ.

 

Cuối cùng ông đã mệt mỏi với chuyện này, mà Kinh thánh lại bảo chúng ta là không bao giờ được mệt mỏi nản lòng khi làm những chuyện đúng đắn. Tất nhiên, chúng ta gần như không có đủ sức mạnh để làm được như thế. Hầu hết chúng ta chỉ làm điều đúng đắn cho đến khi sự kiên nhẫn bị rút cạn, và rồi lúc đó là: Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay!

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

 

gplongxuyen
---------------------------