13. Tìm Gặp Chúa Thật Nhanh

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH -ĐÁM TAM LỚN NHẤT

Phóng sự của CNN về đám tang khổng lồ sáng thứ Ba 23/4 tại nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, Sri Lanka
 
Đặng Tự Do
23/Apr/2019
 
Các phóng viên Ivan Watson, James Griffiths, và Rebecca Wright có bài tường trình sau từ Negombo, Sri Lanka vào sáng thứ Ba 23/4/2019.



Sáng thứ Ba 23 tháng Tư, hàng trăm anh chị em giáo dân, hầu hết mặc đồ trắng, buồn bã đứng chật trong sân Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo, để tham dự thánh lễ an táng cho hơn 100 người đã chết tại nhà thờ này. Chính phủ Sri Lanka đã công bố thứ Ba 23 tháng Tư là ngày quốc tang. Con số người bị thiệt mạng đã lên đến 310 người.

Sau vụ nổ tại nhà thờ vào Chúa Nhật Phục sinh, phần lớn nội thất của ngôi thánh đường đã bị hư hại nặng nề. Mái ngói đỏ của nhà thờ cũng không còn nữa. Những mảnh vỡ thủy tinh có thể được nhìn thấy rải rác xung quanh sân nhà thờ, khi các công nhân dọn ra ngoài những hàng ghế dính đầy máu của anh chị em giáo dân, cùng với một đống quần áo và giày dép của những người bị thương và những người đã chết.



Một cái lều lớn, màu trắng đã được dựng lên trong khuôn viên của nhà thờ, che chắn cho một bàn thờ tạm để dâng các thánh lễ. Người ta phải rùng mình trước một rừng các quan tài của những người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật.

Cha Ivan, một linh mục cao niên, là người điều hành một số trường Công Giáo ở Colombo, nói với CNN rằng ngài chưa từng thấy một đám tang lớn như thế tại Nhà thờ Thánh Sebastian từ năm 1984, ngay sau khi cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ.

Hơn 100 người đã chết trong các lễ Phục sinh tại nhà thờ, nằm ở trung tâm của một cộng đồng nơi có đông người Công Giáo tại thành phố Negombo. Đây là một trong số ít các khu vực ở quốc gia này mà Kitô hữu chiếm được đa số. Mọi người trong cộng đồng đều biết ít nhất một người thiệt mạng hoặc bị thương.

Đoạn phim do hệ thống an ninh của nhà thờ thu được về những khoảnh khắc trước khi vụ tấn công xảy ra cho thấy đó là một buổi lễ chật cứng anh chị em, tràn ra đến ngoài cổng nhà thờ, và mọi người đang chăm chú lắng nghe. Một linh mục nói rằng toàn bộ nhà thờ bị bao phủ bởi bụi và những mảnh vụn gây ra bởi vụ nổ.

Một số người được CNN phỏng vấn cho biết họ hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công, không có bất kỳ sự căng thẳng nào với các tín hữu của các tôn giáo khác hoặc bất kỳ mối đe dọa nào chống lại người Công Giáo.

An ninh được thắt chặt - cảnh sát xếp hàng dài trên đường đến ngôi nhà thờ, là một trong ba địa điểm bị đánh bom vào ngày Chúa Nhật Phục sinh.

Các lực lượng an ninh, bao gồm quân đội và các bộ phận khác nhau của cảnh sát, lục soát túi xách và nắn trên thân thể từng người tham dự thánh lễ tại ba trạm kiểm soát khác nhau. Các lực lượng an ninh còn được trang bị cả những con chó đánh hơi.

Rebecca Wright của CNN, có mặt tại hiện trường, cho biết cô trông thấy anh chị em giáo dân khi đi qua một căn nhà gần nhà thờ đã dừng lại để tỏ lòng tôn kính, có lẽ là nhà của một trong những nạn nhân được nhiều người biết đến. Hàng trăm người đang tập trung tại cổng ngôi nhà bị hư hại, hát những bài thánh ca được dùng trong các lễ an táng.


Source:CNN
 
 
Bài có liên quan
23/04/2019
23/04/2019
22/04/2019
22/04/2019
22/04/2019
22/04/2019
22/04/2019
21/04/2019
21/04/2019
21/04/2019
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   

© 2018 - VietCatholic Network - Designed by J.B. Đặng Minh An

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH--KHỦNG BỐ ĐẪM MÁU

HĐGM Hoa Kỳ: Tội ác khủng bố ngày Chúa Nhật Phục sinh ở Sri Lanka không thể dập tắt được hy vọng nơi Chúa Cứu thế
 
Đặng Tự Do
21/Apr/2019
 
Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau nhân danh các Giám Mục Hoa Kỳ về các vụ đánh bom đồng loạt nhắm vào cộng đoàn Kitô hữu thiểu số Sri Lanka vào sáng Chúa Nhật làm ít nhất 207 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương.

Đức Hồng Y DiNardo viết như sau:

Sáng nay tại Sri Lanka, một loạt các vụ đánh bom phối hợp đã giết chết hàng trăm tín hữu trong các nhà thờ Công Giáo và những người khác thuộc mọi tín ngưỡng trong các khách sạn gần đó.

Các nhà thờ bị tấn công là nhà thờ thánh Sebastian ở Negombo, đền thánh Antôn Colombo và nhà thờ Zion ở thành phố phía đông Batticaloa.

Tội ác kinh tởm này nhắm vào các nhà thờ chật cứng những người thờ phượng đang mừng lễ Phục sinh, ngày mà người Kitô giáo trên khắp thế giới kỷ niệm sự sống lại của Vua hòa bình từ cõi chết.

Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Và chúng tôi hiệp với tất cả những người thiện chí trong việc lên án những hành động khủng bố này. Tội ác này không thể dập tắt được hy vọng nơi Chúa Cứu thế Phục sinh của chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa của hy vọng, là Đấng đã cho Con của Người sống lại, lấp đầy mọi trái tim với khát khao hòa bình.


Source:USCCB
 
 

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH -ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ TẠI PHI

Đóng đinh vào thập giá tại Phi: Giáo quyền ra sức khuyên lơn - Bộ du lịch ra sức quảng cáo
 
Đặng Tự Do
10/Apr/2019
Giáo quyền ra sức khuyên lơn; giáo dân hăm hở chuẩn bị; bộ du lịch ra sức quảng cáo; các hãng máy bay giảm vé để khuyến mãi cho các chuyến bay đến San Fernando, Bulacan, Cebu và Angeles City; trong khi bộ y tế khuyến khích chích ngừa phong đòn gánh. Đó là các phản ứng chính thức mà tờ Inquirer của Phi Luật Tân ghi nhận được xung quanh phong trào đóng đinh vào thập giá trong Tuần Thánh tại Phi Luật Tân.

Đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân là một hoạt động thể hiện “lòng đạo đức bình dân” (trong ngoặc kép) được tổ chức vào mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, và được nhiều người xem là một nét đặc thù của Tuần Thánh tại Phi Luật Tân. Những người sùng đạo hay hối nhân, tiếng địa phương gọi là “magdarame” sẵn sàng bị đóng đinh để diễn lại sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Cũng với một tâm tình tương tự nhiều người khác vác thánh giá bằng gỗ trên các chặng đường dài, có người bò lết trên mặt đường gồ ghề, bụi bặm và đánh roi vào thân thể mình. Các hối nhân coi những hành vi này là sự hành xác để cầu xin sự tha thứ cho các tội lỗi, hay để thực hiện một “lời thề”, tiếng Tagalog gọi là “panatà”, hoặc để bày tỏ lòng biết ơn đối với những ân huệ đã nhận được.

Những “phong tục” này bị Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân ngăn cản quyết liệt. Hàng giáo sĩ Phi Luật Tân coi những điều này là là những biểu hiện cuồng tín, mê tín và tự làm hại bản thân mình trái với những giáo huấn lành mạnh về thân xác. Mỗi lần Mùa Chay đến, trong các thư mục vụ, giáo quyền tại Phi Luật Tân lại phải lưu ý và năn nỉ anh chị em giáo dân tránh những biểu hiện của “lòng đạo đức bình dân” đã bị bóp méo thái quá.

Trong khi đó, Bộ Y tế thường khẳng định rằng những người tham gia các “nghi thức” này nên tiêm ngừa phong đòn gánh và các vết thương phải được khử trùng.

Trong các ngày thứ Sáu trong suốt Mùa Chay, từng đoàn người rủ nhau đánh tội công khai trên đường phố. Các hối nhân trùm đầu mình bằng bao bố chỉ khoét hai lỗ nhỏ để thấy đường đi, rồi dùng roi tre đánh túi bụi vào chính mình để đánh tội và thể hiện tâm tình sám hối. Việc trùm đầu bằng bao bố là để tránh bị cho rằng họ phô trương lòng đạo đức của mình. Các roi tre được chẻ ra ở đầu roi và có khi còn được buộc thêm những mảnh thiếc từ những lon coca cola. Nhiều người tự đánh mình đến độ máu me ra lênh láng. Có người phải vào nhà thương.

Hình thức kinh hoàng nhất khiến hàng giáo phẩm Phi Luật Tân lo lắng là việc đóng đinh vào thập giá. Đóng đinh thật sự vào tay, chứ không phải là đóng kịch, và treo trên thập giá trong nhiều giờ.

Việc đóng đinh vào thập giá xảy ra ở hầu hết các giáo phận nhưng tình hình là nghiêm trọng nhất tại 4 thành phố là San Fernando, Bulacan, Cebu và Angeles City.

Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từ mờ sớm đã có hàng đoàn người đi trên các con đường làng để đánh tội, liên tục cho đến tối.

Sau đó, hàng trăm người, có cả những phụ nữ, nhờ những người khác đóng đinh họ vào thập giá. Một số người ăn mặc như quân lính Rôma lấy dây thừng cột tay hay thậm chí đóng đinh những người khác vào thập giá và dựng lên trong nhiều giờ dưới trời nắng gắt. Việc đóng đinh diễn ra đúng theo nghĩa đen của từ này. Tay họ bị đóng những mũi đinh lớn và nhọn vào thập giá cách thực sự. Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo tử vong nào nhưng đa số phải vào nhà thương vì mất nhiều máu.

Phong trào đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân đã bắt đầu từ năm 1946 và mặc dù giáo quyền lên tiếng nhiều lần, những lời khuyên bảo xem ra không có mấy tác dụng. Con số người chịu đóng đinh mỗi năm có xu hướng tăng lên.

Chính quyền không bao giờ ngăn cản. Trái lại, họ còn xúi thêm. Đúng thế, năm 2011, chính quyền thành phố Cebu phát hành khoảng 10,000 tờ quảng cáo miêu tả thành phố là một trung tâm “du lịch tôn giáo” với đầy những hình ảnh về các cuộc đóng đinh.

Nhiều nhân vật chịu đóng đinh được ghi vào Guiness

Nhiều người tham gia vào phong trào đóng đinh vào thập giá tại Cebu nổi tiếng đến mức tên tuổi của họ được ghi vào Guiness thế giới.

Ông Ruben Enaje, 56 tuổi, được xem là người nổi tiếng nhất. Tính cho đến hết Mùa Chay năm 2018, ông đã chịu đóng đinh vào thánh giá 30 lần. Năm 1986, ông Ruben Enaje té từ lầu 3 xuống, nhưng không chết. Sau lần thoát chết đó, ông quyết chí năm nào cũng chịu đóng đinh vào thập giá.

Nhân vật nổi tiếng thứ hai là ông Alex Laranang, 62 tuổi đã chịu đóng đinh vào thánh giá suốt từ Mùa Chay năm Thánh 2000 cho đến nay.

Về phía phụ nữ có thể kể đến bà Percy Valencia, năm nay 44 tuổi cũng đã từng chịu đóng đinh vào thánh giá nhiều lần.

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - THỨ SÁU TUẦN THÁNH

THỨ SÁU TUẦN THÁNH - NGÀY 19/04/2019

BÁNH SỰ SỐNG: Tin Mừng theo Thánh Gio-an (Ga 18: 1-19)

   CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - QUYẾT TÂM TRỞ VỀ

1 Sau khi nói những lời đó, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào.2 Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ.3 Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới.4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: "Các anh tìm ai? "5 Họ đáp: "Tìm Giê-su Na-da-rét." Người nói: "Chính tôi đây." Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ.6 Khi Người vừa nói: "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất.7 Người lại hỏi một lần nữa: "Các anh tìm ai? " Họ đáp: "Tìm Giê-su Na-da-rét."8 Đức Giê-su nói: "Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi."9 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: "Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai."10 Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô.11 Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống? 12 Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại.13 Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó.14 Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.15 Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế.16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào.17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô: "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao? " Ông liền đáp: "Đâu phải."18 Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ.19 Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người.

SUY NIỆM / TÔI ĂN-NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Hội Thánh mời gọi mỗi người TÍN HỮU cùng chiêm ngắm bức tranh về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Bức tranh này không chỉ phơi bày tội lỗi của con người, mà còn cho thấy tình yêu vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người.

Bức tranh này cho thấy toàn bộ sự sa ngã của con người. Sự loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống được thể hiện qua rất nhiều khuôn mặt khác nhau như: khuôn mặt của Giuđa, Phêrô và các môn đệ; khuôn mặt của Philatô, Hêrôđê và quân lính; khuôn mặt của Khanan, Caipha và dân chúng ; v.v. Khi chiêm ngắm bức tranh này, mỗi người chúng ta dường như cũng khám phá ra khuôn mặt của mình phảng phất đâu đó nơi những nhân vật trong bức tranh.

Bức tranh thương khó của Chúa Giêsu không chỉ phơi bày tội lỗi của con người, nhưng còn cho thấy tình yêu vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Con người lãnh nhận ơn tha thứ không phải bởi vì tội lỗi của họ đáng được tha thứ, nhưng là bởi tình yêu của Thiên Chúa dàng cho con người. Thật vậy, chúng ta sẽ mạnh dạn và can đảm đến xin lỗi người mà chúng ta xúc phạm, nếu ta nhận thấy nơi người mà ta xúc phạm tình yêu và sự sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.

*SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM TRỞ VỀ: Xin Chúa cho mỗi người TÍN HỮU khi chiêm ngắm bức tranh thương khó của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh này, không chỉ nhận ra tội lỗi của mình, mà còn nhận ra tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho mỗi người, để QUYẾT TÂM SÁM HỐI- TRỞ VỀ VỚI CHÚA.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng

-----------------------------

*LUÔN THỐNG HỐI: "Con muốn trở về cúi đầu bên Chúa xin Ngài xót thương.

               Con vẫn còn vương mê đắm phù hoa lạc bước đường lầm...."

------------------------------------

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH- ĐTC-NGHI THỨC HÒA GIẢI

ĐTC Phanxicô - Bài Gảng cho Nghi Thức Hòa Giải Thứ Sáu 29/3/2019

 

Pope Francis receives the Sacrament of Reconciliation in St. Peter's Square

 

 

Mỗi năm, vào Thứ Sáu tuần III Mùa Chay, từ năm 2014, ĐTC đã phát động "24 giờ cho Chúa / 24 hours for the Lord", từ Thứ Sáu sang Thứ Bảy, trước Chúa Nhật IV Mùa Chay, trong đó, hai sinh hoạt thiêng liêng chính yếu là Chầu Thánh Thể và Xưng Tội cho những ai có thể ở các nhà thờ trên thế giới, nếu giáo xứ nào có thể thực hiện. Ở Vatican, ĐTC Phanxicô, sau bài giảng cho nghi thức này, ngài cũng xưng tội và Chầu Thánh Thể ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đây là bài giảng của ngài cho nghi thức thống hối Thứ Sáu 29-3-2019.

 

24 hours for the Lord initiative

 "Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ"

"Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ" (In Joh 33, 5). Thánh Âu Quốc Tinh đã tóm gọn như thế ở cuối bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe. Những ai đến để ném đá người đàn bà này hay để cáo buộc Chúa Giêsu liên quan đến Lề Luật đều đã bỏ đi, không còn hứng thú gì nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn ở đó. Người vẫn ở đó vì những gì vốn có giá trị trong ánh mắt của Người vẫn còn đó: một người phụ nữ, một con người. Đối với Người, tội nhân này hiện hữu trước tội lỗi. Tôi, anh chị em, mỗi một người trong chúng ta xuất hiện trước hết trong cõi lòng của Thiên Chúa: trước các lỗi lầm, các luật lệ, các phán quyết và các thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn có được một ánh mắt như của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin có được nhãn quan Kitô giáo về đời sống. Chúng ta hãy nhìn tội nhân một cách yêu thương trước khi thấy tội lỗi của họ; nhìn những ai sai lạc trước lỗi lầm của họ; nhìn con người trước lịch sử của họ.

"Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ". Người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, đối với Chúa Giêsu, không tiêu biểu cho một khoản Luật Lệ, mà là một trường hợp cụ thể Người cần phải can thiệp. Bởi vậy mà Người vẫn ở đó với người phụ nữ này, hầu như chỉ đứng thinh lặng. Trong lúc Người thực hiện hai lần một cử chỉ có tính cách bí nhiệm, đó là Người lấy ngón tay viết trên đất (Gioan 8:6,8). Chúng ta không biết Người đã viết những gì và có lẽ không phải là yếu tố quan trọng nhất, ở chỗ việc chú trọng của Phúc Âm là ở sự kiện Chúa viết trên đất. Chúng ta nghĩ đến đoạn Thánh Kinh ở Núi Sinai, khi Thiên Chúa viết trên hai tảng đá Lề Luật bằng ngón tay của Ngài (xem Xuất Hành 31:18), như Chúa Giêsu đã làm bấy giờ. Sau đó, Thiên Chúa, qua các vị tiên tri, đã hứa rằng Ngài sẽ không còn viết trên các tấm đá nữa, mà là trực tiếp viết trên cõi lòng (xem Giêrêmia 31:33), trên các tấm bia đá bằng xương bằng thịt của cõi lòng (xem 2Corinto 3:3). LTXC hiện thân nơi Chúa Giêsu, thời điểm viên trọn khi mà Thiên Chúa viết trên cõi lòng của con người nam nữ, khi Ngài cống hiến một niềm hy vọng vững vàng cho nỗi khốn khổ của nhân loại, ở chỗ không ban bố quá nhiều lề luật bề ngoài thường gây ra tình trạng xa cách Thiên Chúa và nhân loại, mà là lề luật của Thần Linh thấm nhập vào tâm can và giải phóng nó. Điều này đã xẩy ra cho người phụ nữ ngoại tình ấy, nhân vật gặp gỡ Chúa Giêsu và làm lại cuộc đời mình: chị ra đi không còn phạm tội nữa (xem Gioan 8:11). Chính Chúa Giêsu là Đấng, bằng quyền năng của Thánh Linh, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ chúng ta vốn có ở bên trong chúng ta, khỏi tội lỗi mà Lề Luật có thể ngăn cản nhưng không loại trừ.

Cũng thế, sự dữ cũng mạnh mẽ, nó có sức thu hút: nó hấp dẫn và mê hoặc. Nỗ lực riêng của chúng ta không đủ để tách mình khỏi nó: chúng ta cần một tình yêu mạnh liệt hơn. Không có Thiên Chúa, chúng ta không thể thắng vượt được sự dữ. Chỉ duy có tình yêu của Ngài mới có thể thăng hóa chúng ta từ bên trong, chỉ có tình yêu êm ái dịu dàng của Ngài tuôn đồ vào lòng chúng ta mới giải thoát chúng ta. Nếu chúng ta muốn thoát được sự dữ, chúng ta cần phải giành chỗ cho Chúa là Đấng tha thứ và chữa lành. Ngài hoàn thành việc này trước hết nhờ bí tích chúng ta sắp cử hành. Việc xưng tội là cuộc vượt qua từ tình trạng khốn khổ sang lòng thương xót; chính Thiên Chúa viết trên cõi lòng. Ở đó - trong cõi lòng của chúng ta - chúng ta liên tục đọc thấy rằng chúng ta là những gì quí báu trước nhan Thiên Chúa, Ngài là Cha của chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta thậm chí hơn cả chúng ta yêu thương bản thân mình.

"Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ". Chỉ có hai người thôi. Biết bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy lẻ loi cô độc một mình, chúng ta bị lạc loài trong đời sống. Biết bao nhiêu lần chúng ta không còn biết làm sao để bắt đầu lại nữa, bị choáng ngợp bởi nỗ lực chấp nhận lấy bản thân mình. Chúng ta cần bắt đầu lại, thế nhưng chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Kitô hữu được sinh ra từ ơn tha thứ họ lãnh nhận nơi Phép Rửa. Họ luôn được tái sinh từ cùng một nơi chốn: từ ơn tha thứ lạ lùng của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Ngài làm cho chúng ta phục hồi. Chỉ khi nào được tha thứ chúng ta mới có thể bắt đầu bằng niềm tin tưởng mới mẻ, sau khi đã trải qua niềm vui được Cha hết tình yêu thương. Chỉ nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa thì những điều mới mẻ mới thực sự xẩy ra trong chúng ta mà thôi. Chúng ta hãy nghe lại những lời Chúa nói qua tiên tri Isaia: "Này đây Ta đang thực hiện một điều mới mẻ" (43:19). Ơn tha thứ cống hiến cho chúng ta một khởi điểm mới, làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới, giúp chúng ta theo đuổi một đời sống mới. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không phải là bản sao chép được sản xuất một cách y hệt nhau ở hết mọi giai đoạn nơi tòa giải tội. Việc nhận lãnh ơn tha tội qua một vị linh mục bao giờ cũng là một cảm nghiệm mới mẻ, khác biệt và đặc thù. Chúng ta chuyển từ tình trạng lẻ loi cô độc một mình với những nỗi khốn cùng và các tên cáo buộc chúng ta, như người phụ nữ trong bài Phúc Âm, sang tình trạng được thăng hóa và can trường nhờ Chúa là Đấng cống hiến cho chúng ta một khởi sự mới.

"Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ". Chúng ta cần đến những gì để tiến đến chỗ yêu mến lòng thương xót, để chế ngự được nỗi sợ hãi Xưng Tội? Một lần nữa chúng ta hãy chấp nhận lời mời gọi của tiên tri isaia: "Các người không thấy nó sao" (43:19). Cần phải nhận thấy được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thật là đẹp sau khi Xưng Tội, vẫn còn đó như người phụ nữ ấy, ánh mắt của chúng ta vẫn gắn chặt vào Chúa Giêsu là Đấng giải thoát chúng ta: không còn nhìn vào những nỗi khốn khổ của chúng ta nữa, mà là vào lòng thương xót của Người. Hãy nhìn vào Đấng Tử Giá mà ngây ngất nói rằng: "Đó là nơi chấm dứt của tội lỗi tôi. Chúa đã nhận lấy chúng cho Chúa. Chúa không qui trách con; trái lại, Chúa đã mở rộng cánh tay và đã tha thứ cho con một lần nữa". Cần phải nhớ đến ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhớ đền tình yêu êm ái dịu dàng của Ngài, và nếm hưởng mãi mãi an bình và tự do chúng ta đã cảm nghiệm thấy. Vì đó là tâm điểm của việc Xưng Tội: không phải là tội lỗi chúng ta xưng thú, mà là tình yêu thần linh chúng ta lãnh nhận, những gì chúng ta hằng cần đến. Chúng ta vẫn có thể ngờ vực: "Xưng tội là việc vô bổ, vì tôi luôn tái phạm cũng những thứ tội ấy". Tuy nhiên, Chúa là Đấng biết chúng ta; Ngài biết rằng cuộc đối chọi nội tâm thì khó khăn, chúng ta lại yếu hèn và hướng chiều về việc sa ngã phạm tội, chúng ta thường trở lại với những gì là sai trái. Bởi vậy mà Ngài mời gọi chúng ta bắt đầu trở lại với những gì thiện hảo, trở lại kêu xin với lòng thương xót. Ngài sẽ nâng chúng ta lên và làm cho chúng ta thành những tạo vật mới. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu lại từ việc Xưng Tội, chúng ta hãy phục hồi vị thế mà bí tích này đáng hưởng trong đời sống và trong thừa tác mục vụ!

"Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ". Hôm nay, trong khi Xưng Tội, chúng ta cũng kín múc lấy sự sống từ việc gặp gỡ cứu độ này: Chúng ta với các nỗi khốn khổ và tội lỗi, và Chúa là Đấng biết chúng ta, yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Chúng ta hãy tiến vào cuộc gặp gỡ này, xin ơn tái nhận thức được quyền năng cứu độ này của nó.

 https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-03/pope-francis-homily-penitential-celebration-full-text.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu