8. Đời Sống Tâm Linh

Mượn Xác

Có một loài ốc mang tên ốc “mượn hồn”. Nó là con ốc đã chết từ lâu, sóng biển trôi nó dật dờ. Rồi có kẻ đi mượn nó để sống. Kẻ mượn nó là một con cua nhỏ. Gặp chiếc vỏ ốc lăn lóc này, con cua nhỏ chui vào nương thân, lấy vỏ ốc làm nhà. Từ đó, nó lê đi trong đời. Không biết câu chuyện có thật vậy không. Nghe như có vẻ hoang đường. Tuy nhiên có điều chắc chắn, vỏ ngoài là ốc nhưng bên trong lại là con cua nhỏ có còng cứng.

Không biết gốc tích nó từ đâu. Ai mượn hồn ai, ai mượn xác ai. Chuyện chắc là không thật. Nhưng lối đặt tên cho loài ốc nhỏ đó: Ốc “mượn hồn”, tự cái tên ấy có phần mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa là hồn xác ấy thuộc về nhau, sống với nhau. Nghe như đâu đây, trong Kinh Thánh cũng có câu chuyện mượn hồn, mượn xác na ná: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2:20). Xác thì xác Phaolô, mà hồn lại là hồn Kitô.

* * *

Ðã là cuối mùa. Ðức Kitô đứng trên đê nhìn trời chiều mênh mông. Nắng hoàng hôn nhuộm đỏ ối cả một đồi dâu. Tóc Người bay rối trên trời chiều cô tịch. Cánh đồng vẫn mông mênh ngát vàng. Dạt dào. Một không gian lúa đến mùa rũ chín vào nhau. Người vung tay hái, nhưng kỳ lạ thay, Người chỉ là hồn. Cánh tay Người chỉ là vô hình với vào thinh không hụt hẫng. Lúa cứ là lúa. Thời gian từ từ xuôi mùa. Rồi đi buổi chiều. Rồi về buổi sáng. Gió xạc xào đưa lúa chín mùa quá độ rơi trên đồng vắng. Người xôn xao lòng dạ. Nhìn đồng lúa không người gặt mà bối rối khôn nguôi.

Có người nông phu bước qua. Ðức Kitô vội vã vui mừng bảo anh ta dừng chân. Nói chuyện về đồng lúa thiếu thợ gặt rồi hồn Người muốn mượn đôi tay anh ta để bước xuống cánh đồng. Lưỡng lự, người thanh niên chối từ cúi đầu bước. Thế là, Ðức Kitô bùi ngùi khoé mắt băn khoăn. Cứ nhìn đồng lúa không thợ gặt mà xót xa. Người muốn mượn đôi tay để cho hồn Người ký thác.

* * *

Sau khi Ðức Kitô đặt nền tảng Giáo Hội của Ngài trên Phêrô, về trời rồi, Ngài tiếp tục xây dựng Giáo Hội. Nhưng Ngài xây dựng Giáo Hội của Ngài bằng cách nào? Hai khuôn mặt tông đồ cột trụ, Phêrô và Phaolô đã sống xác của mình nhưng với hồn của Ðức Kitô. Nói cách khác, Ðức Kitô xây dựng Giáo Hội bằng cách lấy hồn mình rồi đi “mượn” xác thân con người.

Phaolô nổi tiếng với các tông thư mục vụ, chúng ta sẽ dựa vào Thánh Kinh Thư này để khai triển đề tài. Rồi lấy việc làm của Phêrô để soi sáng thêm cho căn bản trong Thánh Kinh Thư của Phaolô.

Xác Phaolô nhưng hồn Kitô

Trong văn viết, nhiều lần Phaolô kêu gọi tín hữu của mình hãy mặc lấy hồn Kitô. Hoặc diễn tả cách khác là để hồn Ðức Kitô sống trong thân xác mình. “Anh em hãy bỏ những hành vi ám muội và mặc lấy con người mới” (Col. 3: 10). Nhưng rõ hơn là chính lời trực tiếp thú nhận mình đã để cho hồn Ðức Kitô sống trong thân xác mình.

“Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2:20).

“Tôi sẽ không dám nói đến điều gì Ðức Kitô đã không dùng tôi để thi thố ra” (Rom. 15: 18).

“Chính Người làm bật sáng nơi lòng chúng tôi, để chúng tôi làm cho thiên hạ nhìn biết, trong ánh sáng ấy, vinh quang của Thiên Chúa chói lòa nơi Ðức Kitô” (2 Cor. 4: 6).

Xác Phêrô nhưng hồn Kitô

“Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tùy ý” (Yn. 21: 18). Ðây là lúc xác Phêrô mà hồn cũng Phêrô, xác ông đi đâu thì hồn ông đi đấy. “Khi về già, ngươi sẽ giang tay ra và NGƯỜI KHÁC sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Yn. 20: 18). Lúc này, xác thì xác Phêrô mà hồn là hồn NGƯỜI KHÁC, hồn Ðức Kitô.

Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại chuyện Phêrô chữa người què như sau:

Có người què từ khi lọt lòng mẹ sinh ra, được người ta khiêng đến đặt thường ngày bên cửa Ðền thờ để xin của bố thí với khách Ðền thờ. Nó thấy Phêrô và Yoan sắp vào thì xin của bố thí. Phêrô nhìn thẳng vào nó, Yoan cũng thế, và nói: “Nhìn lên chúng tôi!” Nó chú ý vào các ông, hy vọng cũng được chút gì. Nhưng Phêrô nói: “Bạc vàng tôi không có, song điều tôi có là Ðức Kitô người Nazareth, nhân Danh Ngài anh hãy chỗi dậy mà bước đi!”. Nó nhẩy vùng lên, đứng dậy vào Ðền thờ cùng các ông, vừa đi vừa nhẩy, và ngợi khen Thiên Chúa.

Sau đó, người què níu lấy Phêrô và Yoan, còn toàn dân, theo lời tường thuật kể tiếp, “họ chạy ùa tới các ông ở hành lang Salômôn, họ rất kinh ngạc.” Bấy giờ, Phêrô lên tiếng khẳng định không phải ông, mà chính hồn Ðức Kitô đã dùng ông mà thực hiện ơn sủng:

Các ông, người Israel, tại sao lại đăm đăm nhìn chúng tôi, như thể bởi quyền phép riêng gì, hay lòng đạo đức của chúng tôi mà chúng tôi làm cho người què này bước đi được? ? Ðức Yêsu, kẻ các ông đã nộp. Vị khơi nguồn sự sống, các ông đã giết đi, Ðấng mà Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết. Chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ tin vào Danh Ngài, chính danh Ngài làm cho anh ta lành mạnh (Tđcv. 3: 1-16).

Rồi một lần khác nữa, trên đường xuống Lyđa, ông gặp Ênê, một người đã tám năm trời liệt giường vì bất toại. Ông nói: “Ðức Kitô chữa lành anh. Hãy chỗi dậy, dẹp chõng đi!” Lập tức người ấy chỗi dậy (Tđcv. 9: 32).

Phêrô chối không phải ông chữa lành những người tật nguyền này, nhưng là chính Ðức Kitô. Nói cách khác, vì tin vào Danh Ngài mà hồn Ðức Kitô, qua lời nói của Phêrô đã chữa họ. Khi nói Phêrô xây dựng Giáo Hội bằng những việc làm cả thể, đó chỉ là cách diễn tả ông đã để hồn Kitô mượn xác mình mà xây dựng nhiệm thể ấy. Ông luôn luôn khẳng định rằng không phải ông hành động. Khi nói “mượn hồn”, điều ấy không hàm ý loại bỏ sự tự do chấp nhận lời mời gọi, là sống trọn vẹn trong tự do đích thực là Ðức Kitô.

* * *

Lạy Chúa,

Hôm nay có những việc Chúa muốn làm mà Chúa không làm được nữa vì Chúa không còn xác thân như con. Ngay trên quê hương của con vì nghèo đói mà nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá con người. Vì nghèo đói mà bao nhiêu tuổi thơ phải lầm than không được học hành. “Trong tâm tư biết bao người ngày đêm cô đơn buồn không nói. Nhưng ai đâu đến với họ để hát tiếng hát của niềm vui”. Chúa muốn mượn bàn tay con để xoa dịu một nỗi bất hạnh. Chúa muốn mượn đôi chân của con để dìu em đến trường. Con có dám để Chúa mượn đời con cho hồn Chúa sống không.

Con xin lấy lời ca của Nguyễn Duy như kinh chiều phụng vụ mơ ước dâng Chúa đêm nay. “Xin cho con suốt một đời tình yêu cho đi là lẽ sống. Xin cho con biết trung thành hoàn tất những bước chân đẹp xinh. Nguyện một đời con tìm đến, đến với hết những ai chân tình để tình người vẫn còn xanh ngát hương như hoa xuân trên cành.”

Lm. Nguyễn Tầm Thường

 

TIN YÊU TRONG CHÚA GIÊSU KITÔ

Đức tin theo Kinh thánh không phải là niềm hy vọng rằng mọi việc ở trần thế này sẽ ổn thỏa. Đó là niềm tin trống rỗng. Đức tin trong Kinh thánh không phải là tin rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại. Đó là niềm tin tự dựa vào sức mình. Đức tin theo Kinh thánh không phải là một cảm giác đến rồi đi. Đó là niềm tin sai hướng. Đức tin theo Kinh thánh là một hành vi đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa cũng như vào tình yêu và ý muốn hoàn hảo của Ngài cho cuộc sống của chúng ta.

Đức tin không chỉ là thứ chúng ta sở hữu. Đức tin là đặt niềm hy vọng, sự tín thác và lòng tin tưởng của chúng ta vào Chúa. Đó không chỉ là niềm tin rằng Thiên Chúa có thể làm điều gì đó mà còn là sự tin tưởng và hy vọng, một sự xác tín rằng Thiên Chúa sẽ làm điều tốt nhất cho chúng ta theo ý muốn tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Ngài.

Đôi khi, lớn lên trong đức tin, chúng ta không “cảm thấy” mình đang lớn lên. Trên thực tế, chúng ta có thể thực sự cảm thấy dường như Thiên Chúa không còn ở gần như trước. Điều này xảy ra khi chúng ta dựa dẫm quá nhiều vào cảm giác và cảm xúc của mình. Ví dụ, có lẽ bạn đã có cơ hội tuyệt vời để tham gia một khóa tĩnh huấn thú vị và đầy cảm hứng. Những khóa tĩnh huấn có thể mang lại cho chúng ta một “tinh thần phấn chấn”. Chúng ta có thể rời khỏi một khóa tĩnh huấn với cảm giác gần gũi với Chúa hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể đưa ra những quyết tâm mới, tràn ngập niềm vui, hứng khởi với cuộc sống, và sau đó, trong vòng vài tuần, chúng ta sẽ trở lại con người cũ của mình - mong chờ kỳ tĩnh huấn tiếp theo để chúng ta có thể có lại cảm giác đó. Tất cả điều này là tốt. Và những cuộc tĩnh huấn, bao gồm cả những cuộc tĩnh huấn có mức độ thiêng liêng cao, là những cách rất hữu ích để đức tin tăng trưởng. 

Nhưng về lâu dài, điều chúng ta cần biết là cảm giác gần gũi với Chúa không giống với tình trạng thực sự gần gũi với Thiên Chúa. Đôi khi, Thiên Chúa sẽ lấy đi những cảm xúc tâm linh tốt đẹp của chúng ta trong một thời gian để Ngài có thể giúp chúng ta củng cố sự cam kết của mình với Ngài. Chính sự cam kết của chúng ta với Ngài sẽ làm đức tin của chúng ta sâu sắc hơn. Nếu chúng ta chỉ theo Ngài vì chúng ta cảm thấy muốn theo Ngài, thì chúng ta có thực sự dấn thân không? Nhưng nếu Thiên Chúa lấy đi một số cảm giác tốt lành ban đầu đó và chúng ta vẫn cam kết như trước, thì chúng ta biết rằng mình đang đi đúng đường. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng đức tin của chúng ta đang được đào sâu.

Cụ thể bạn hãy lần chuỗi Mân Côi, đi lễ thường xuyên, đọc truyện các thánh, nghiên cứu giáo huấn của Giáo hội, tham gia tĩnh tâm, đọc và suy niệm Kinh thánh hàng ngày, và dành thời gian yên tĩnh để cầu nguyện cá nhân mỗi ngày, v.v. bạn có thể đắm mình trong các hoạt động này càng nhiều thì càng tốt.

Một cách cần thiết khác để đào sâu đức tin của bạn là lớn lên trong đức ái. Đức tin và lòng bác ái đi đôi với nhau, và điều này sẽ củng cố điều kia. Vì vậy, hãy tìm cơ hội để thể hiện tình yêu với người khác.

Tình yêu là một trong những chủ đề lớn của Thánh Gioan, dù trong sách Tin Mừng của ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13: 34- 35), hay trong các bức thư của ngài: “Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4: 12). 

Những điều nhỏ nhặt tạo nên sự khác biệt lớn trong đời sống đức tin của chúng ta. Ví dụ, hãy tìm cơ hội để tạm đứng lại và chỉ cần mỉm cười với ai đó. Nói một lời tử tế và nâng đỡ tinh thần của nhau. Tại sao không đi ra khỏi nếp sống của bạn để giúp đỡ ai đó? Điều này có thể chỉ đơn giản là mở cửa cho ai đó, giúp con cái làm bài tập hoặc dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để làm việc bác ái. Tất cả những gì chúng ta cần làm là tìm kiếm những cơ hội này, dù chúng nhỏ nhoi đến đâu, và đưa ra lựa chọn sáng suốt để hành động theo chúng. 

Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta đảo lộn thế giới, nhưng yêu cầu chúng ta làm việc cho một thế giới nhiều tình thương hơn, quảng đại hơn, và chính trong cuộc sống hàng ngày mà Chúa đang chờ đợi chúng ta thực hiện tình thương mến ấy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Rm 13: 8-9). Một ly nước nhỏ mà chúng ta dâng cho Chúa có giá trị vô cùng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9: 41). Ly nước đó là sự chia sẻ hàng ngày, tương trợ lẫn nhau, phục vụ láng giềng, bạn bè... Là chuyện trò, thăm viếng người đau yếu, nghĩa tình với người già...Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là những điều nhỏ nhặt, nhưng chúng không thể diễn ra mà không thay đổi thế giới và chúng là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta, vốn tùy thuộc vào chúng ta có làm những việc đó không: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25: 35-36). Nếu không có tất cả sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau như vậy thì tình bạn, đoàn kết, thế giới sẽ không thể an hòa, sẽ chỉ còn luật rừng như câu tục ngữ La tinh “Homo homini lupus est” nghĩa là “người với người như là sói”. Khi đó sức mạnh và bạo lực có quyền trên tất cả và dễ dàng gây bất lợi cho những kẻ bé nhỏ và yếu đuối. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này rất rõ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học bài học rửa chân mà Thánh Gioan thuật lại: “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13: 13-15). Chính bằng cách phục vụ người khác mà chúng ta làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người 

Không phải lúc nào cũng dễ dàng học bài học này. Chúng ta cần rất nhiều ơn Chúa để kiên trì sống lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hiểu rõ điều này: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14: 18). Ngài biết rằng chúng ta có nguy cơ bị cuốn theo những lo toan của cuộc sống rồi trở nên thờ ơ. Ngài chỉ ra cho chúng ta thấy rằng người ta thường dễ quên những người khác đang sống bên cạnh chúng ta và chúng ta tự nhốt mình trong chủ nghĩa cá nhân nhỏ nhoi của mình… Có lẽ hơi giống các tông đồ sau khi Chúa sống lại: họ không còn chắc chắn về bản thân, họ sợ hãi, họ rút lui, họ co cụm lại một chỗ. Chúa Giêsu hứa ban cho họ Thần Khí: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14: 16-17). Thần Khí mà họ sẽ lãnh nhận vào ngày Lễ Ngũ Tuần và sẽ thúc đẩy họ công bố tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người đến tận cùng thế giới. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Ngài luôn ở trong chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta, chính Ngài giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, hiểu sứ điệp của Chúa Kitô, hiểu giới răn yêu thương mà Ngài đã để lại cho chúng ta: chính Ngài yêu tôi, Ngài vẫn mãi trung thành với tình yêu đó.

Vì vậy, hãy cầu nguyện nhiều, tìm hiểu đức tin của bạn, cố gắng sống một cuộc sống bác ái, và hãy tin chắc rằng đức tin của bạn sẽ phát triển, ngay cả khi không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy như vậy. Và bạn đã đi đúng đường chỉ bằng cách mong muốn có một đức tin sâu xa hơn. Hãy tiếp tục mong muốn đó, và hãy tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện mong muốn đó!

Xin Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Thánh tẩy, vả còn lãnh nhận lại vào những lúc chúng ta kêu cầu Ngài, giúp chúng ta mỗi ngày xây dựng một thế giới nhân bản hơn!

 

Phêrô Phạm Văn Trung

tổng hợp từ mycatholic.life

BUÔNG BỎ…

Chuyện Nghe kể:

Đầu làng có cây cao to,

cổ thụ thì chưa hẳn

nhưng cũng thuộc hàng ông- cụ nếu tính thế hệ trẻ mới sinh...

Cây che bóng mát cho bao người,

bao thế hệ,

nhất là những ngày hè nóng nực, đi đồng ruộng mệt mỏi

và ngang qua...

Cây cũng lạ, cũng biết thương người,

Mùa hè thì càng sum suê cành lá,

còn mùa đông trơ trụi lá như thể dồn lực cho mùa hè thêm xanh tươi, thêm che mát,

thêm yêu thương...

Ai đó 'suy tư' thế...

Thể là Cây To cao ấy mặc nhân linh

người làng ban đầu chỉ có lòng biết ơn,

Qua bảo vệ, chăm sóc

rồi sau nâng thành Cây Thần...,

Có nghi thức cúng bái, mâm gà vịt, trái cây...

luôn có bát nhang ngút khói.

Có thờ có thiêng...

Mỗi lần ngang qua đều chắp vái,

cung kính như Bàn thờ Tổ tiên…

Nhiều câu chuyện huyền bí thêu dệt của ai đó,

qua nhiều người, nhiều thế hệ...

Cây To thêm huyền sử....

Bỗng...

Một trận cuồng phong nổi lên,

giữa mùa hè,

giữa đêm khuya...

Sáng ra, Cây thiêng thần ấy đổ gãy, bật gốc...

Cây chết...

Cây hết thiêng.

Người làng chặt về làm củi !

Có điều lạ, cả làng thắc mắc:

Tai sao nhiều trận cuồng phong mùa đông xem ra nhiều hơn, mạnh hơn mà Cây không bị quật đổ, trong lúc Cây rụng hết lá, chỉ trơ ít cành, tức đang ốm yếu...

Thế sao chỉ trận cuồng phong mùa hè, ít ỏi, cấp độ nhẹ hơn, Cây lại đang độ sung sức sum suê, sức sống mạnh nhất trong năm... Cây lại bị đổ, lăn cu đơ,

chết khô... dễ thế.

Thế là cây hết thiêng.

Hết thiêng thì hết kiêng.

Cây thành củi khiên về đun cám heo

Những câu chuyện huyền bí làm tăng thêm mê tín dị đoan chỉ là câu chuyên bịa dặt, thêu dệt....

Mua vui như kỷ niệm đẹp,

thời dại khờ, u minh.

* Vụn vặt suy tư:

Thắc mắc xem như khó hiểu, đáng cho ta suy nghĩ lắm.

Mùa đông, Cây trơ trụi lá, lên không có sức cản nhiều,

Cuồng phong có đến không có sức cản nên cũng hôn nhẹn, lọt qua...

Cây vẫn đứng vững, bình an vô sự.

Mùa hè cây nhiều cành lá, xanh tươi,

cuồng phong đến, gặp ngay nhiều sức cản, chống đất trời thiên nhiên,

thêm sức cuồng điên...

Bật đổ, không lạ…

Cuộc sống Trần gian ta cũng thể...

Mỗi khi mình Buông Bỏ,

cuộc đời thêm thanh thoát, nhẹ nhõm...

Càng thuận thiên

Biển cả cuộc đời dẫu có cuồng phong bão táp...

Không sao quật ngã.

Cuộc đời Tươi vui- Thanh thoát - Tự do,...

Trái lại, mỗi khi tích lũy, ham tích lũy...

Của có hàng ngày dùng ĐỦ chưa xong,

của DƯ chưa đủ;

của THỪA vẫn thiếu,

của THÃI không thỏa...

Lòng Tham vô đáy, tích mãi không vừa...

Ai ngờ, mỗi lần tích lũy ấy, cuộc đời mình thêm gánh nặng,

thêm mất tự do;

Thêm lưng còng, bám đất

thêm sức cản thanh thoát...

Và khi sóng gió đến,

chưa cần mức cuồng phong cũng dễ bị quật đổ.

Tham sân si chưa buông bỏ,

lại lạm dụng sức mạnh thần quyền, thế quyền…

Càng tệ hơn.

Hào nhoáng, hoành tráng, lắm tiền…

càng cho thấy mong manh, yếu đuối,

Thiếu vững bền…

Có thiêng cũng hết kiêng,

hết siêng cúng bái

Giật Mình:

Phúc Thật đầu tiên trong Tám Mối Phúc Thật:

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ'

TINH THẦN NGHÈO KHÓ khó chính là BUÔNG BỎ.

Buông bỏ dần,

Buông bỏ để nên giống Thầy Giê-su,

Buông Bỏ để thêm cho Giê-su hữ lơn hơn,

Đấng 'Là Đường- Sự Thật- Sự Sống'.

Buông bỏ để có Tự do trong tư cách là- làm Chủ- Là- làm Vua

điều mà ngay từ đầu Cha Trời đã trao cho Con Người- Thụ tạo ưu tuyển được dựng nên Giống Hình Ảnh Thiên Chúa.

Buông Bỏ như Thầy Giê-su:

'Chim có tổ,

cáo có hang

còn Thầy không có chỗ gối đầu'

Buông bỏ như Thầy Giê-su trên thập giá,

không một tấm vải che thân,

nhưng lại toát sáng hình ảnh đẹp: Tình Yêu Tha Thứ cho chính người gây ra oan tử cho mình

'Lạy Cha, xin tha cho chúng,

vì chứng không biết việc người làm',

Buông bỏ mà không có Tình Yêu- Không có Giê-su thì buông bỏ ấy chưa phải là buông bỏ...

Và nếu có buông bỏ, coi chừng buông bỏ thừa.

(Sinh thời, Thầy Giê-su từng kêu mời: Bỏ mình vác Thập Giá mình mỗi ngày mà theo Thầy...

Thập giá là đau khổ, thất bại nhưng Thập Giá theo Thầy Giê-su lại thành Thánh Giá - Tin Mừng Cứu Độ

Yếu tố 'theo Thầy' thiết yếu mới làm Thập Giá thành Thánh Giá

Đau Khổ có Tin vui, thành Tin Mừng)

Lm. Đaminh Hương Quất

CÓ PHẢI THIÊN CHÚA ĐÃ TẠO RA CÁI ÁC?

Một vị giáo sư đại học đã hỏi sinh viên của mình câu hỏi sau:
- “Có phải tất cả mọi thứ tồn tại được tạo ra bởi Thiên Chúa?”
 
Một sinh viên đã mạnh dạn trả lời:
- “Vâng, được tạo ra bởi Chúa.”
 
Vị Giáo sư hỏi lại:
- “Chúa đã tạo ra mọi thứ?”
 
Cậu sinh viên trả lời:
- “Vâng, thưa ngài.”
 
Giáo sư hỏi:
- “Nếu Thiên Chúa tạo ra mọi thứ, thì Thiên Chúa đã tạo ra cái Ác vì nó tồn tại. Và theo nguyên tắc rằng: hành động của chúng ta định nghĩa chúng ta, thì Thiên Chúa là xấu xa.”
 
Sau một câu trả lời như vậy, cậu sinh viên im lặng.
 
Vị Giáo sư rất hài lòng với chính mình vì đã chứng minh được cho các sinh viên rằng, niềm tin vào Chúa là một huyền thoại.
 
Bất chợt, một cậu sinh viên khác giơ tay và nói:
- “Tôi có thể hỏi Ngài một câu hỏi không, thưa Giáo sư?”
 
Vị Giáo sư trả lời:
- ‘Tất nhiên,”
 
Cậu sinh viên đứng dậy và hỏi:
- “Giáo sư, Ngài có lạnh không?”
 
Vị Giáo sư trả lời:
- “Loại câu hỏi nào vậy? Tất nhiên là có.”
 
Các sinh viên khác bắt đầu cười nhạo câu hỏi của chàng sinh viên trẻ.
 
Cậu sinh viên tiếp tục:
- “Thật ra, thưa Ngài, không có thứ gọi là Lạnh. Theo định luật vật lý, những gì chúng ta nghĩ là lạnh thực sự là sự vắng mặt của nhiệt. Một người hoặc đối tượng chỉ có thể được phân tích nếu họ có sở hữu hoặc chuyển hoá năng lượng nhiệt.
 
Số 0 tuyệt đối (-460 độ Fahrenheit) là một sự vắng mặt hoàn toàn của nhiệt.
 
Tất cả vật chất trở nên đông cứng và không thể phản ứng với nhiệt độ này. Cái Lạnh như vậy, không thực sự tồn tại. Chúng ta đã tạo ra từ này để mô tả cảm giác của chúng ta trong trường hợp không có sự nóng ấm.”
 
Cậu sinh viên lại tiếp tục:
- “Vậy, thưa Giáo Sư, Bóng Tối tối có tồn tại không?”
 
- “Tất nhiên nó tồn tại.”
 
- “Không hoàn toàn chính xác, một lần nữa, thưa Ngài, ngay cả Bóng Tối cũng không tồn tại. Bóng Tối thực sự là sự vắng mặt của Ánh Sáng. Chúng ta có thể nghiên cứu Ánh Sáng, nhưng không thể nghiên cứu Bóng Tối.
 
Chúng ta có thể sử dụng lăng kính của Newton để khuếch tán, phân giải ánh sáng trắng thành nhiều màu và khám phá các bước sóng khác nhau của mỗi màu.
 
Nhưng chúng ta không thể làm tương tự như vậy với Bóng Tối, chúng ta không thể đo Bóng Tối.
Một chùm ánh sáng đơn giản có thể xâm nhập vào thế giới của bóng tối, và chiếu sáng nó.
 
Làm thế nào ta có thể biết một căn phòng tối như thế nào?
 
Đo lường mức độ ánh sáng được chiếu đến bên trong đó, có phải vậy không?
Bóng tối là một thuật ngữ chúng ta sử dụng để mô tả những gì xảy ra trong trường hợp không có Ánh Sáng.”
 
Cuối cùng, chàng sinh viên trẻ đã hỏi giáo sư:
- “Thưa Ngài, vậy cái Ác có tồn tại không?”
 
Lần này pha lẫn một chút do dự, vị Giáo Sư đã trả lời:
- “Có thể lắm chứ, như tôi đã nói. Chúng ta nhìn thấy cái Ác mỗi ngày. Sự tàn nhẫn, độc ác, và bạo lực trên toàn thế giới. Những ví dụ này không có gì khác ngoài biểu hiện của cái Ác.”
 
Chàng sinh viên trả lời:
- “Cái Ác không thực sự tồn tại, thưa Ngài, hoặc ít nhất nó không tồn tại bởi chính nó.
 
Cái Ác chỉ đơn giản là sự vắng mặt của Phúc Lành, của Tình Yêu Thương, của Thiên Chúa.
Về mặt ngôn ngữ, Cái Ác cũng giống như Bóng Tối và sự Lạnh Lẽo - là từ mà chúng ta tạo ra, dùng để mô tả sự vắng mặt của Tình Yêu Thương.
 
Thiên Chúa đã không tạo ra cái Ác.
 
Cái Ác - cũng không tồn tại giống như Bóng Tối và sự Lạnh Lẽo.
Cái Ác - là sự thiếu vắng của Đức Tin và Tình Yêu Thương, thứ mà ta luôn có thể cảm nhận và hiện hữu;
Cái Ác là kết quả của sự vắng mặt Tình Yêu thiêng liêng trong trái tim con người.
 
Đó là loại cảm giác Lạnh khi không có nhiệt, hoặc loại Bóng Tối xuất hiện khi không có Ánh Sáng.”
 
Vị Giáo Sư nín lặng, cả lớp vắng bặt đi những tiếng cười chế giễu lúc ban đầu.
 
Cậu sinh viên trong mẩu chuyện này chính là nhà khoa học lỗi lạc, mà sau này thế giới được biết đến với cái tên: Albert Einstein.
 
Chia sẻ bởi Manuel Cadonau (sao chép từ Raymond Bloch).
Biên tập & phiên dịch: Tạ Minh Trãi.

Khi Người Không Ðáp Trả

Ai trong các con có bạn hữu nửa đêm đến nhà mình nói: Bạn ơi, cho tôi mượn mấy tấm bánh, vì bằng hữu ở xa tới mà tôi hết đồ ăn rồi. Người kia ở trong trả lời: Ðừng quấy rầy người ta, cửa đóng rồi, trẻ nhỏ ngủ hết, ai dậy mà lấy cho ông được. Nhưng nếu họ cứ gõ hoài. Ta bảo thật, người ấy không dậy mà cho vì tình bạn bè thì ít ra vì họ quấy rầy nên cũng ráng dậy mà lấy cho họ. Nên Ta bảo cho các con rõ: Vì hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho (Lc. 11: 5-10).

Chúa bảo tôi đến gõ cửa, ở đấy có chờ đợi. Ðó là lời xác định của Chúa. Như vậy, chắc chắn tôi sẽ bắt gặp nếu tôi kiếm tìm, tôi sẽ tìm thấy nếu tôi van xin.

* * *

Nhưng trong đời, tôi đã kinh nghiệm một nỗi bận tâm khó hiểu. Tôi gọi mà Chúa không đáp trả. Tôi xin mà Chúa không cho. Có những vực sâu của tâm hồn, có những đêm dài bất an, tôi hướng về Chúa nhưng tôi không gặp. Tôi không ước mơ những ước mơ lớn. Tôi chẳng xin sang giàu. Tôi chỉ xin cho tôi nhẹ bớt khổ đau tâm hồn. Tôi chỉ xin cho đỡ kéo dài bệnh tật của thân xác. Tôi chỉ xin Chúa soi cho tôi một ánh đèn khi tôi phải quyết định những vấn đề quan trọng. Tôi chỉ xin Chúa giữ tôi lại trước đêm đen mịt mùng cám dỗ. Nhưng tiếng tôi từ vực sâu lại vọng về với tôi trong nỗi vắng. Những lúc tôi cần Chúa nhất thì Ngài lại bỏ tôi đi xa. Vì sao Người im tiếng?

* * *

Ngài im tiếng. Hay có phải Ngài đang nói mà tôi không nghe? Ngài chối từ. Hay có phải cánh cửa đã mở mà tôi không vào vì có vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh? Ngài im lặng. Hay có phải Ngài bảo tôi: Hãy vào sa mạc, hãy ra bờ đá lặng thinh, hãy khép lại bớt cửa lòng rồi con sẽ nghe thấy tiếng Cha. Nhưng tôi chán những bờ đá vắng vẻ, và tôi đã yêu những vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh. Làm sao tim tôi nghe được tiếng con họa mi đang hót khi mà bày ve sầu đam mê đang kêu inh ỏi trong hồn?

Ngài thờ ơ. Hay có phải Ngài không đáp trả vì tôi bất xứng với ân sủng của Ngài. Chẳng ai có thể trách vì sao không có mặt trời nếu họ cứ sống dưới hầm tối, vực sâu. Chẳng ai có thể trách vì sao không có bình an nở giữa khu vườn tham lam. Người cha tốt là người cha đóng cửa nhà mình để đứa con khỏi ngày ngày về lấy gia tài đi hoang đàng, phung phí.

? Vì sao Chúa không cho tôi điều tôi xin? Ðã bao lần Chúa bắt tôi đi. Gian nan. Mỏi. Tôi muốn ghé tạm xuống đường ngồi nghỉ. Nhưng Chúa biết để tôi ngồi nghỉ, dần dà tôi sẽ nghe theo tiếng nói của đất thấp, tôi sẽ lười biếng đối với tiếng gọi của trời cao. Tôi trách vì sao Người không cho tôi lập nghiệp trên những ước mơ của tôi, xin làm quê hương trên những ý nghĩ riêng tư của tôi. Ngài chẳng đáp trả, vì Ngài biết đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi. Trong những đêm đen như mù mịt, tôi gõ nhưng cánh cửa chẳng mở. Phải chăng chỉ có Ngài, Ngài mới biết những gì là tốt nhất cho phần rỗi của tôi. Như vậy, không đáp trả có là dấu chỉ của tình thương?

* * *

Khi không đáp trả, đấy cũng là một cách trả lời. Trả lời bằng lặng im nhiều khi lại là câu trả lời thâm sâu và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Tôi không đến với ai mà tôi biết chắc rằng tôi không thể tin cậy. Khi đến xin Chúa trợ giúp là tôi đặt niềm tin nơi Ngài. Nếu đã đặt niềm tin thì sao lại có thể phân vân. Khi Ngài im lặng như không đáp trả, tôi lo âu, thì đấy là dấu hiệu niềm tin đó không vững vàng.

Niềm tin là lời cầu nguyện để xin được biến đổi. Như thỏi đất sét tin mình nằm trong tay người thợ lành nghề. Người thợ gốm biết loại đất sét nào có sức chịu đựng để đúc gạch lót đường, loại nào có thể tạc tượng. Niềm tin vững vàng là phó thác trong tay người thợ gốm vì tin rằng mình được yêu thương và săn sóc. Tin vững vàng hệ tại phó thác rằng Chúa là người thợ gốm khôn ngoan và không lầm lẫn trong công trình sáng tạo. Chứ tin vững vàng không có nghĩa là tin mình sẽ biến đổi được ý định của Chúa để đạt được điều mình xin. Có những lời xin chẳng bao giờ được đáp trả nhưng lại là một ân sủng thật lớn lao.

* * *

Ngày còn bé tôi không biết cầu nguyện thế nào. Những ngày bom nổ nhiều là những ngày mẹ tôi càng lo. Mỗi tối, mẹ tôi bảo tôi ngồi lần hạt cầu nguyện cho cha ngoài trận tuyến. Trong trí óc non dại, tôi cầu nguyện cho cha tôi được bình yên. Một lằn đạn hiểm nghèo. Một trái mìn kín đáo. Ðời sống bếp bênh như treo bằng sợi chỉ. Chỉ một giấy báo tin thôi, tôi sẽ là đứa mồ côi. Mẹ tôi sẽ là góa phụ. Tôi đã thấy nhiều lá cờ trải lên mộ đất. Tôi đã thấy nhiều chuyến xe nhà binh chở đơn độc một quan tài, người thiếu phụ đội nón trắng ngồi lặng lẽ không còn nước mắt để khóc.

Rồi chuyện một đêm đã đến. Chiến tranh đổ xuống trên mảnh đất quê tôi. Tôi còn bé, nhưng tôi hiểu những nghẹn ngào của người có thân nhân vừa mới vĩnh biệt. Mưa ướt lẹp xẹp, tôi nghển cổ nhìn qua cửa sổ đông chật người. Một chiều mưa ảm đạm, lạnh lẽo làm sao. Mái lá thấp đổ những dòng mưa thảm não. Tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều xám nặng nề ấy cho tới hôm nay. Ðôi chân của cậu X. chết nằm sóng sượt trên cái phản gỗ. Bùn dính lem luốc. Mợ X. khóc thảm thiết bên xác chồng mới chết trận. Ai đã bắn chết cậu? Có phải kẻ mà cậu chưa kịp bắn?

Tò mò, tôi theo những đứa trẻ khác ra ven rừng xem xác chết. Những hố bom cày tung đất còn mới nguyên. Vải băng trắng còn lẫn với xác người chưa kịp thu. Giữa những xác người ấy, tôi thấy một người nằm chết cong queo, cụt chân vì bom nổ, máu bầm khô bết vào áo đầm đìa. Mặt cháy đen. Nhìn kỹ trên khuôn mặt ấy, tôi không quên được là chuỗi tràng hạt vẫn quàng vòng quanh cổ. Kẻ chết là một bộ đội miền Bắc. Ðiều làm tôi ngỡ ngàng là bộ đội cộng sản cũng tin vào Chúa như tôi sao?

Từ ngày đó, mỗi lần giúp lễ, nhìn lên thánh giá mà hồn tôi bâng khuâng. Tôi thấy Chúa buồn. Quỳ đây, tôi cầu nguyện xin Chúa chở che cha tôi ngoài chiến trận. Nhưng người cán binh bộ độ ấy, có thể cũng có một đứa con trai bằng tuổi tôi ở ngoài miền Bắc. Nó cũng là cậu bé giúp lễ. Cứ mỗi sáng, mẹ nó cũng đánh thức nó dậy thật sớm để giúp lễ, cầu nguyện cho cha đang ở mãi trong miền Nam heo hút. Năm tháng bặt tin, chắc chiều chiều, tối tối, mẹ nó cũng rối bời lòng trí, thẫn thờ nhìn về phương Nam, dục nó đọc kinh. Chúa nghe lời tôi để cha tôi giết họ? Chúa nghe lời cậu bé kia để cha cậu giết cha tôi? Cả hai cậu bé đều cầu nguyện, Chúa biết nghe lời ai?

Tôi không tin là Chúa có câu trả lời. Tôi chỉ cảm thấy rằng Chúa khó xử ghê gớm lắm. Chúa trên thập giá như càng thêm đau đớn. Mỗi lời cầu của tôi là một vết thương cho Ngài. Mỗi nỗi lo âu của cậu bé ngoài miền Bắc kia làm Ngài thêm khổ tâm.

Tôi hình dung Chúa như một người cha. Ðứa con thứ nhất chạy đến: Cha ơi, đưa con dao cho con để con chém nó. Ðứa con kia chạy lại, sợ hãi: Cha ơi, đừng đưa! Cha có biết rằng con cũng là con của cha sao? Và người cha chỉ còn biết đớn đau mà thôi, vì cả hai con đều là con của mình.

Từ đó, mỗi buổi sáng giúp lễ, tôi thấy Chúa trên thập giá như ngậm ngùi. Tay giang rộng cứ thêm mãi khổ thương. Từ ngày đó, trong cái trí óc non nhỏ của tôi, tôi hiểu mơ màng rằng bất cứ hành động nào gây thương tích cho nhau cũng là làm khổ cho Cha trên trời.

* * *

Lạy Chúa,
Mỗi khi con cầu nguyện thì cho con biết xin được biến đổi, chứ đừng biến đổi Chúa. Làm sao con có thể biến đổi sự khôn ngoan của Chúa thành sự vụng về của con. Khi con nài Chúa làm theo ý con là con muốn đem sự hoàn hảo của Chúa thành những bất toàn giống như của con.

Con ngỡ tiếng sói sủa là vui tai. Con ngỡ lời mời của Satan là tha thiết. Con ngỡ trái táo hồng có hương thơm, nào ngờ đâu con có biết sâu độc làm tổ ở bên trong. Những lời con xin nhiều khi rất đẹp, nhưng chỉ là đẹp theo cái nhìn của con mà thôi.

Lạy Chúa,
Xin cho con hiểu rằng có những lời xin mà Chúa chẳng thể đáp trả được. Và chính lúc Chúa im lặng lại là lúc Chúa đang nói với con bằng ngôn ngữ nhiệm mầu nhất.

Lm. Nguyễn Tầm Thường