8. Đời Sống Tâm Linh

KHIÊM NHƯỜNG: NỀN TẢNG CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Để chúng ta thực sự lớn lên trong sự thánh thiện, nhân đức quan trọng nhất là bác ái - một tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng bên cạnh nhân đức bác ái đối thần là nhân đức khiêm nhường. Theo một nghĩa nào đó, chúng là hai trụ cột hay hai viên đá nền tảng cho những người thực sự theo đuổi một đời sống thánh thiện đích thực.

Đối với vị thánh nữ vĩ đại Tiến sĩ Hội thánh, Tiến sĩ Cầu nguyện, Thánh Têrêsa Avila, khiêm nhường đơn giản là Sự Thật. Đó là nhận thức được chúng ta thực sự là ai từ quan điểm thiêng liêng, từ con mắt của Thiên Chúa, Tác giả của mọi sự thật. Trên thực tế, phẩm giá của chúng ta cao cả - được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được biến đổi thành biểu tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Định mệnh của chúng ta không thể diễn tả bằng lời - được hiệp nhất với các thiên thần và các thánh trên thiên đàng để ngợi khen Chúa Ba Ngôi đến muôn đời. Tuy nhiên, vì bị sinh ra trong tội nguyên tổ, có dục vọng và là tội nhân nên con người mang bản chất thực sự sa ngã.

Thật vậy, một người thực sự khiêm nhường nhận ra hết sức rõ ràng rằng tất cả những điều tốt lành mà họ đã làm và có khả năng làm là kết quả của quyền năng Chúa, của ân sủng và lòng tốt lành của Chúa trong cuộc sống của họ. Mặt khác, người khiêm nhường thừa nhận rằng tất cả những thất bại của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo lý, tội lỗi là do họ lạm dụng các khả năng mà Chúa đã ban cho họ.

Do đó, chính vì sự khiêm nhường là điều tối quan trọng, chúng ta hãy cố gắng theo đuổi nhân đức này trong cuộc sống của mình; chúng ta hãy cố gắng đạt được nhân đức đó và để cho nhân đức ấy cắm rễ sâu vào chính trung tâm cõi lòng của chúng ta. Cầu mong cho lời nói, hành động, việc làm và ý định của chúng ta luôn được hấp thụ và thấm nhuần tinh thần khiêm nhường thực sự.

Tất nhiên, Chúa Giêsu và Mẹ Maria là mẫu mực của chúng ta. Thật vậy, cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria đều là những người thánh thiện nhất từng sống trên trần thế, nhưng cũng là những người khiêm hạ nhất. Chỉ một lần Chúa Giêsu mô tả các phẩm tính của Thánh Tâm Ngài - Trái Tim Ngài vừa hiền lành vừa khiêm nhường. Ước gì lời cầu nguyện vang vọng trong sâu thẳm trái tim chúng ta là lời cầu nguyện về sự khiêm hạ vĩ đại của Trái Tim Chúa Giêsu: LẠY CHÚA GIÊSU HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG, XIN UỐN LÒNG CHÚNG CON NÊN GIỐNG TRÁI TIM CHÚA.

Phần sau đây là những bước đi nhất định mà chúng ta có thể thực hiện để đạt được nhân đức cao cả nhất này, nhân đức khiêm nhường.

CÁC BƯỚC CHIẾN LƯỢC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NHÂN ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG CAO CẢ

  1. Hãy trân trọng giá trị của nhân đức khiêm nhường. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được bất cứ điều tốt đẹp nào trong cuộc sống của mình nếu chúng ta không thấy giá trị và sự đáng giá của nhân đức khiêm nhường. Những kẻ keo kiệt theo đuổi vàng bạc; những kẻ hão huyền theo đuổi những hư danh trong lòng, và những kẻ nhục dục theo đuổi khoái lạc xác thịt. Tại sao? Bởi vì họ coi những thứ này là có giá trị - mặc dù chúng là ngẫu tượng và là giá trị giả. Chúng ta phải xem và đánh giá cao sự khiêm nhường có tầm quan trọng lớn nhất trong tòa nhà thánh thiện và là nền tảng cho sự thánh thiện. Nếu không, việc theo đuổi sự thánh thiện trong đời của chúng ta sẽ bị xây dựng trên cát và sụp đổ nhanh chóng!
  1. Những kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa. Thánh Augustinô, được trích dẫn trong Giáo lý của Giáo hội Công giáo, khẳng định rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn xin trước mặt Chúa. Chúng ta rất cần Chúa trong mọi sự; chúng ta phụ thuộc vào Ngài trong mọi việc. Đặc biệt nhất là chúng ta cần có Chúa để sống cuộc đời nhân đức và từ bỏ tính kiêu căng - trái ngược với đức khiêm nhường - trong mọi mức độ và hình thức. Chúa Giêsu truyền lệnh cho chúng ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7) Còn lời cầu nguyện của chúng ta là gì? Lạy Chúa, xin ban cho con hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
  1. Ngoan ngùy khi được hướng dẫn tâm linh. Tất cả chúng ta đều có những điểm mù trong cuộc sống và đặc biệt là trong đời sống tâm linh. Một vị linh hướng được đào tạo tốt lành sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên Con Đường Lên Thiên Đàng.
  1. Vâng lời khi được hướng dẫn. Điều đó có nghĩa cụ thể là trong khi được hướng dẫn chúng ta phải đủ khiêm tốn để vâng lời Vị hướng dẫn, là kênh đem lại Sự thật và Ân sủng của Thiên Chúa. Không còn nghi ngờ gì nữa, một trong những dấu hiệu cho thấy sự thánh thiện đích thực của Thánh Faustina Kowalska là sự ngoan ngoãn và vâng phục của chị khi được hướng dẫn tâm linh. Nếu không có sự vâng lời, thì thực sự không có sự phát triển trong sự khiêm nhường và sự thánh thiện bị ngăn chặn và cản trở.
  1. Chấp nhận sự sửa dạy của anh em. Điều này thực sự nhức buốt, nhưng cần thiết cho sự trưởng thành tâm linh và sự trưởng thành của chúng ta trong sự khiêm nhường: chấp nhận sự sửa dạy của anh em. Thông thường, do lòng kiêu hãnh bẩm sinh của chúng ta, khi ai đó chỉ ra điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta cần phải sửa chữa, chúng ta nổi giận, lùi lại trước sự sửa dạy đó, và đôi khi chúng ta quay cổ lại tấn công trực diện để phòng thủ. Chúng ta chỉ đơn giản là chống lại việc những thiếu sót của chúng ta bị chỉ ra - điều này là do sự tự hãnh thái quá. Thánh Đaminh Savio đã làm bạn với một cậu bé khác trong Nguyện Đường Thánh Gioan Bosco. Saviô nhất quyết yêu cầu bạn mình phải thẳng thắn chỉ ra cho mình những thất bại của mình để Saviô có thể thăng tiến trong sự thánh thiện. Trước khi lên 15 tuổi, Saviô đã đạt được nhân đức anh hùng và sự thánh thiện.
  1. Chấp nhận sự sỉ nhục. Có lẽ còn khó hơn cả việc chấp nhận sự sửa dạy của anh em là sẵn sàng chấp nhận những sỉ nhục giáng xuống chúng ta. Dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ nhận lấy những sỉ nhục. Cơ hội ngàn vàng của chúng ta chính là lúc Chúa cho phép chúng ta bị hạ nhục. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là trả đũa. Còn phản ứng của các thánh khi lãnh nhận một nhục hình là im lặng, cầu nguyện cho kẻ xúc phạm và hiệp nhất sự nhục nhã của mình với những nhục nhã của Chúa Giêsu mà Ngài đã trải qua trong cuộc Khổ nạn cay đắng, tàn nhẫn và ô nhục. Nếu không có ân sủng của Thiên Chúa thì điều này là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì tất cả đều có thể!
  1. Bác ái và phục vụ. Đây là một bước ngoặt thú vị: bác ái và phục vụ như những cánh cổng dẫn đến sự khiêm nhường. Thật vậy, mỗi khi chúng ta đặt mình phục vụ người khác, thực hành bác ái và yêu thương người khác, thì đồng thời chúng ta cũng lớn lên trong sự khiêm nhường. Thật ra, khi chúng ta thực hành lòng bác ái - tình yêu thương siêu nhiên dành cho Thiên Chúa và người lân cận - thì chúng ta phát triển tất cả các nhân đức khác, và điều đó bao gồm cả nhân đức khiêm nhường. 
  1. Hãy suy niệm ba chiều kích trong cuộc đời Chúa Giêsu: biểu lộ sự khiêm hạ lớn lao của Ngài:
  1. Sự nhập thể của Ngài. Việc Chúa Giêsu, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, thực sự mặc lấy xác phàm và làm người là một bước nhảy vĩ đại của sự hạ mình và khiêm nhường. Thiên Chúa làm người để chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa.
  2. Cuộc khổ nạn của Ngài. Tất cả các yếu tố và chi tiết về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô và Đấng Cứu Độ chúng ta đều biểu lộ một sự khiêm hạ đáng kinh ngạc và đáng chú ý. Tuy nhiên, bạn có thể chỉ suy niệm về mão gai của Chúa Giêsu - Mầu Nhiệm Thứ Ba mùa Thương của Chuỗi Mân Côi. Những lời nhạo báng, mỉa mai và lăng mạ, bị bịt mắt, bị đấm và bị đánh vào mặt, bị giật râu, khạc nhổ vào mặt Ngài, và quan trọng nhất: bị đội mão gai sắc nhọn. Trong tất cả những điều này, theo lời của Tiên Tri Isaia, Ngài giống như một con cừu hiền lành, im lặng bị dẫn đến lò sát sinh. Bằng cách suy gẫm về Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, lòng kiêu hãnh của chúng ta sẽ chìm xuống vực sâu.
  3. Chúa Giêsu trong Thánh lễ và hiện diện trong Thánh Thể. Nhiều người Công giáo bỏ dự Thánh lễ Chúa nhật. Nhiều người lại coi Thánh lễ là điều đương nhiên. Nhưng vẫn còn những người khác đón rước Chúa Giêsu trong tình trạng tội trọng, vì thế đóng đinh Ngài một lần nữa. Tựu chung, Chúa Giêsu, hiện diện trong Nhà Tạm, bị lãng quên, bị bỏ rơi và bị bỏ quên trên khắp thế giới. Tất cả những điều trên là nguồn sỉ nhục đâm thủng và xuyên thấu Chúa Giêsu, Chúa của các chúa, Vua của các vua, Người yêu vĩ đại nhất trong mọi Người yêu.
  1. Nhận thức về tội lỗi quá khứ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ tự cao tự đại, điều đó có thể rất thuận lợi và có ích cho sự tăng trưởng tâm linh của chúng ta trong sự thánh thiện và khiêm nhường để nhớ lại rằng nhiều lần chúng ta đã không làm theo Chúa Giêsu và bị xấu hổ sau những hành động này. Thật vậy, nói một cách nhẹ nhàng thì điều này có thể giữ cho chúng ta khiêm nhường, rất khiêm nhường!

 

  1. Mẹ Maria: gương mẫu thánh thiện và khiêm nhường. Trong số tất cả các thụ tạo của Chúa cho đến nay, Mẹ Maria là người vĩ đại nhất. Nhưng Mẹ cũng là người khiêm tốn nhất trong tất cả phụ nữ. Những lời nói của Mẹ thể hiện sự khiêm nhường tuyệt vời của Mẹ: “Tôi là nữ tỳ của Chúa… Linh hồn tôi vui mừng trong Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi, vì Ngài đã đoái thương phận hèn tôi tớ Ngài… Vâng, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…” Vài lời mà chúng ta có về Mẹ Maria trong Kinh Thánh làm nổi bật đặc biệt sự thánh thiện cao vời của Mẹ Maria, nhưng nhất là sự khiêm hạ của Mẹ.

Một lời cuối cùng để tăng trưởng trong sự khiêm nhường. Một trong những phương thế hữu hiệu nhất mà nhờ đó chúng ta có thể lớn lên trong sự khiêm nhường là đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể khi Rước Lễ với sự chuẩn bị tốt nhất. Khi rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta nên nài xin Ngài ban Trái Tim Ngài cho chúng ta và nói một cách sốt sắng và tin tưởng: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho trái tim con nên giống Trái Tim Chúa.” Đây thực sự là con đường tắt dẫn đến cả sự thánh thiện lẫn sự khiêm hạ sâu xa của cõi lòng.

Lạy Chúa, chúng con thường biến cõi lòng mình thành ngôi nhà của sự kiêu ngạo, tự hãnh và tham lam hơn là ngôi nhà của tình yêu và lòng tốt, nơi Chúa có thể cảm thấy là nhà của Chúa. Xin hãy phá hủy đền thờ tội lỗi trong chúng con, xua đuổi mọi điều ác ra khỏi tâm hồn chúng con và làm cho chúng con trở thành những viên đá sống động của một cộng đoàn nơi đó Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, có thể sống và trị vì mãi mãi. Amen

 

Tác giả: LM Ed Broom, OMV.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

https://catholicexchange.com/humility-the-cornerstone-of-holiness/?mc_cid=28c629c026&mc_eid=f6dbaa40f3

Tặng vật cho cuộc đi tìm

Có người Biệt phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Biệt phái và lên giường ăn. Và này: Một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành. Biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt phái, người phụ nữ ấy xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Ðứng phía đằng sau chân Ngài, khóc nức nở, sa nước mắt đẫm ướt chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, cố lau sạch. Và tha thiết hôn chân Ngài và xức dầu thơm (Lc. 7: 36-38).

Mai Ðệ Liên đã tìm gặp Chúa. Tìm là giai đoạn sôi bỏng nhất của tình yêu. Gặp mặt nhau nhưng chưa chắc biết tên nhau. Biết là một chuyện nhưng có để ý nhau không lại là một chuyện khác. Cho dù có để ý nhau nhưng chưa chắc đã tìm nhau. Bởi đó, những chuyện tình đi tìm nhau bao giờ cũng là những chuyện tình không quên. Tìm nhau là giai đoạn đồng cảm nhất trong tiến trình của yêu thương. Nói đến phải đi tìm là nói đến vất vả, nên những chuyện tình tìm nhau thường là những chuyện tình gian nan.

Tặng vật là niềm tin

Ðến với Ðức Kitô, người đàn bà này đã mang theo ba tặng vật: Niềm tin, mái tóc và bình dầu quý. Tìm là xác định một điều có trong khi chưa có. Tin là có để rồi miệt mài theo đuổi điều chưa có là một thứ gian nan không dễ. Niềm xác định có càng nhiều thì mới càng có nỗ lực. Những đêm bâng khuâng gọi hồn, tiếng con tim ngập ngừng đếm từng khoảnh khắc. Và bữa tiệc chiều nay, đôi khi nghe cõi lòng chùng xuống khi hình dung ra những cái nhìn soi mói, nhưng người đàn bà này vẫn chuẩn bị cho một cuộc đi tìm rất nhiệm mầu trong linh hồn. Bà cần gặp Ðức Kitô.

Xét theo khung cảnh thì đây không phải là bữa ăn thường mà là bữa tiệc. Tôi không nghĩ rằng người phụ nữ này được mời, vì Biệt phái kết án “gái điếm và thu thuế”. Người phụ nữ này đã nổi tiếng tội lỗi trong châu thành vì ai cũng biết. Nếu vậy, càng không thể là khách mời của Biệt phái. Khách được mời sẽ được lấy nước rửa chân, xức dầu và hôn chào. Vậy làm sao người phụ nữ tội lỗi này lọt được vào? Ðối với một kẻ tội lỗi bị xã hội kết án thì đi tới đâu cũng phải đương đầu với những con mắt tò mò. Có thể người phụ nữ này phải giả dạng để vào được phòng khách. Có thể cô ta lẩn đi vào ngõ sau. Có thể cô ta bất chấp mọi ngịch cảnh xông đại vào. Trong bao nhiêu giả thuyết, ta không biết cách nào là đúng. Hoặc cho dù có được vào tự do, thì điều ta biết chắc là người phụ nữ này đã phải chấp nhận những lời kết án cho một lần gặp gỡ.

Chợt đọc qua đoạn Tin Mừng, tôi thấy hình ảnh người phụ nữ ngồi khóc bên chân Chúa là một hình ảnh êm đềm. Thoáng qua, tôi thấy người phụ nữ có thể gặp Chúa một cách nhẹ nhàng. Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy gặp gỡ với Chúa, cô ta phải lên đường vô cùng quyết liệt. Mình không phải là khách. Người ta dòm ngó xầm xì. Bao nhiêu người chỉ trỏ. Có khi phải bẽ mặt vì bị đuổi đi.

Trong quá khứ, không biết có khi nào tôi liều thân đi gặp Chúa như thế chưa. Những kỷ niệm tìm nhau trong gian nan là những kỷ niệm khó quên. Nếu tôi không nhớ có khi nào tôi vất vả đi tìm Chúa như thế chưa, điều đó có nghĩa là tôi chưa có những “chuyện tình gian nan”, dù có đôi ba lần liều thân tìm gặp Chúa, sự liều thân ấy cũng chắc là nhạt nhẽo lắm.

Dầu thơm của khổ đau

Cho cuộc đi tìm này người phụ nữ đã mua một bình bạch ngọc, tìm loại dầu thơm quý. Tặng nhau một cành hồng, gởi nhau một lọ nước hoa là chuyện thường. Nhưng dầu thơm ở đây là hương thơm có thể bay ngược chiều gió. Bởi, nó là hương thơm của trắc ẩn, là đóa hoa lòng. Chắc hẳn tiền mua bình bạch ngọc đến từ những đêm nhục nhằn câm nín, từ nước mắt dàn dụa trên những đồng bạc bất hạnh nằm rơi vãi trên giường. Ðời là hoang vu. Cúi mặt đi trong phố vắng khi đèn chiều cứ ảm đạm. Người khách ra về, cánh cửa sập lại, cúi nhặt những đồng bạc trong cơn mệt mỏi chán chường. Người gái điếm ấy gom số tiền đã chắt chiu từ những tháng ngày cùng cực. Xuống phố, không tiếc lòng, mua một bình ngọc quý, một cân dầu thơm. Rồi, từ từ, đổ hết cho phí đi cân dầu hảo hạng, cho phí đi những đồng tiền khổ đau.

Trọn vẹn mái tóc xám hối

Tặng vật thứ ba là mái tóc của cô ta. Người con gái nào không thương mái tóc. Ở Mai Ðệ Liên chắc hẳn cũng có những ngày mới lớn như những nàng thiếu nữ Jêrusalem. Cô cũng cũng có những áng mây hồng của tuổi bâng khuâng, có cánh bướm nhỏ trong giấc mơ về đậu trên bờ tóc. Tóc mai cũng đã thương những sợi vắn sợi dài. Hôm nay, thương yêu có thể là muộn màng. Thương nhớ có khi đã mất mát. Bây giờ, thương đau là gương soi. Những sợi tóc ấy, giờ đây thả xuống cho xuôi dòng. Những sợi tóc đó nếu có một thủa mây bay tà đạo, thì hôm nay ngoan ngoãn theo lời xin xám hối. Cài vào những sợi tóc ấy là niềm tin để chải xuống một dòng đời lỗi lầm.

* * *

Lạy Chúa,
Người phụ nữ ấy đã lấy tất cả thương đau đời mình để mua cân dầu rồi đổ đi, đổ cho cạn đến giọt sau cùng. Con chỉ nhìn vào hình ảnh Chúa tha thứ tội lỗi một cách nhẹ nhàng, mà ít nhìn vào thái độ ao ước tận cùng của niềm tin, của sự quyết liệt trọn vẹn trong trái tim người phụ nữ.

Ở trong con, nhiều lần cũng tìm gặp Chúa, nhưng không bao giờ đổ tất cả cho một cuộc gặp gỡ. Bởi đó, gặp gỡ nào giữa con với Chúa cũng cứ là những gặp gỡ dang dở.

Lm. Nguyễn Tầm Thường

GIỮ ĐẠO VÀ SỐNG ĐẠO

Ta thường nghe nói: “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo”. Lời khuyên trên hàm ý phân-biệt “Sống đạo” với “Giữ Đạo”. Bởi lẽ người giữ đạo chưa hẳn đã sống Đạo, chưa thể-hiện được tinh-thần của phúc-âm, cốt lõi của Đạo. Bởi thế mới kêu gọi, cổ-võ phúc-âm-hoá và hơn thế nữa tân phúc-âm-hoá đời sống của Kitô-hữu.

1- Người giữ Đạo chưa hẳn đã sống Đạo. Những người này chỉ biết nhai đi nhai lại thói quen kinh hạt, khấn vái cầu xin ban ơn vật-chất hơn là cầu nguyện để kết-hợp với Chúa, chưa thấm nhuần vì chưa hề hoặc ít khi đọc và suy niệm Kinh Thánh, do đó chưa nhận-thức đúng được vai trò của người Kitô-hữu để trở thành chứng-nhân đích thực của Chúa như lời sách Thánh chép“Không phải là tôi sống, nhưng là Thiên-Chúa sống trong tôi”, tóm lại là để “trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ tư tếchức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ vương giả của Chúa Kitô”, như Hiến-Chế “Ánh Sáng Muôn Dân” đã giải-thích.    

 

* Bề ngoài nhìn vào, ai chẳng bảo là họ rất ngoan đạo, nhưng thực ra chỉ là giữ đạo cách giả dối. Siêng năng đến thánh-đường, mở miệng là kêu tên cực trọng “Giêsu Ma…! Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng!”, nay viếng đền thánh nọ, mai hành hương đại hội kia, có mặt khắp mọi buổi cầu kinh phụng-vụ, có chân trong nhiều hội-đoàn, v.v., nhưng ra khỏi thánh-đường giao tiếp với người xung quanh thì đem chuyện nói xấu người này, kể tội người khác, đâm bị thóc chọc bị gạo, ăn gian nói dối, ích-kỷ, phạm đức công-bằng, lỗi đạo thương yêu, điều mà thế-gian thường gọi là “khẩu Phật tâm xà”. Họ không nêu gương tốt lành, trái lại làm gương mù gương xấu. Làm sao thuyết phục được người ngoài đạo, đem Chúa đến cho người xung quanh?

* Cũng có nhiều người tâm-địa rất tốt, nhưng thờ-ơ biếng nhác việc phụng vụ Lời Chúa, biện-hộ là “giữ đạo tại tâm”. Trái hẳn với người giữ đạo hoặc theo thói quen tập- tục, cảm-tính, hoặc quá sốt-sắng đến mụ-mẫm, nặng tính giáo-điều (dogmatic), nhất nhất vin vào lề luật mà xử sự hơn là đem Chúa đến cho tha-nhân để họ nhận ra hình ảnh đích thực của Con Thiên-Chúa làm người đồng hành nơi trần thế. Họ không “thực thi ơn gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc-Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia-đình và xã-hội của họ” (Hiến-Chế Lumen Gentium, 35). Họ không thể-hiện được trong bản thân mình có sự hiện-diện sống động của Thiên-Chúa.

 

2- Người sống Đạo thì thể-hiện trung thực tinh-thần phúc-âm, nói khác là đã phúc-âm hóa đời sống.

* Trong cuốn “Kitô-Hữu Trước Thềm Thời-Ðại Mới”, cổ- võ việc phúc-âm hoá, Ðức cố Hồng-Y Suenens (1) nói rằng: “Một Giáo-Hội chỉ có người ‘giữ đạo’ mà thôi thì chưa đủ, cần phải có một Giáo-Hội ‘tuyên xưng đức tin’. Chúng ta cần làm chứng cho đức tin của chúng ta và phải sống đức tin ấy… Chúng ta đã từng nỗ-lực ‘ban bí-tích’ (sacramentaliser) cho dân Chúa thật càng nhiều càng tốt, thế nhưng chúng ta đã không ‘phúc-âm-hoá’ (évangéliser) dân ấy một cách đầy đủ” và phải “làm thế nào để Kitô-hoá từng khối người chỉ có danh là Kitô-hữu mà thôi, để họ sống đức tin Kitô-giáo thực sự?”. Rồi Ngài giới-thiệu bài thơ tuyệt-diệu mang tên “Phúc-Âm Của Bạn” của tác-giả Wallace E. Norwood, đại-ý là (1):  

“….Bạn viết Phúc-âm, mỗi ngày, mỗi chương, bằng cách sống của mình, sai lạc hay ngay thật, khi kẻ khác đọc thấy, họ sẽ nghĩ gì về cuốn Phúc-Âm bạn đang viết đây?.... Bạn vẫn viết cho mọi người, mỗi ngày một chữ, hãy cố làm sao viết cho ngay thật, tốt lành, vì Phúc-Âm mà người ta có thể đọc được thì chỉ có Phúc-Âm do chính cuộc đời bạn viết nên mà thôi.” (1).

* Sống Đạo chính là phúc-âm-hoá đời sống. Tuy nhiên, trước nền văn minh đa dạng ngày càng phức-tạp, với  những thay đổi sâu rộng về mọi mặt, sự xuất-hiện đa giáo cùng với những quan-điểm lệch lạc với đức tin, sự phúc-âm-hóa xem ra vẫn chưa đủ để đáp ứng sứ-vụ loan báo Tin Mừng Cứu-Độ, vấn-đề tân phúc-âm-hoá được đặt ra. Đây không phải là phúc-âm mới mà là canh-tân việc phúc-âm-hoá, canh-tân phương-pháp, ngôn-ngữ và cách diễn-tả Tin Mừng sao cho thích-hợp với nhu-cầu thời đại và con người hôm nay. Tại hội-nghị các Giám-mục châu Mỹ La-tinh, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Loan báo Tin Mừng phải đi kèm với hành-động dấn thân; dấn thânkhông phải để tái phúc-âm-hóa, mà là tân phúc-âm-hóaMới trong sự nhiệt-thành, trong phương-pháp, trong lối diễn-tả".

3- Thật vậy, ngay như những người đã dâng mình cho Chúa, chưa hẳn đã thực sự sống đạo, vì chưa thể-hiện mình là chi-thể của Chúa Ki-tô, như là “cành nho trong một cây nho” vì vẫn vụ luật của con người hơn là vụ luật của Thiên-Chúa là Đấng ban sự sống: Có một cuốn phim năm 2016 mang tựa-đề “Les Soeurs Innocentes” (Các Nữ-Tu Trong Trắng) đã được đón nhận nồng-nhiệt tại Vatican. Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ Phụ Trách Đời Sống Thánh-Hiến và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông đồ, phát-biểu rằng: "Đây là một phim điều-trị cho Giáo Hội (C’est un film thérapeutique pour l’Église)”

http://fr.aleteia.org/2016/01/12/les-innocentes-lhistoire-vraie-de-religieuses-violees-en-quete-desperance/

http://bomtan.org/xem-phim/cac-nu-tu-trong-trang-15239/full.html

Cuốn phim dự-trù chiếu ở Pháp ngày 10 tháng 2, được chiếu trước vào chiều thứ bảy 30-1 tại phòng chiếu phim của Viện Văn-Hóa Pháp, khán-giả là các nữ-tu, các linh-mục, thuộc mọi quốc-tịch về Rôma dự lễ kết thúc Năm Thánh-Hiến. Họ từng người một, đã đến cám ơn nữ đạo diễn Anne Fontaine: “Xin cám ơn, phim hay lắm, cuốn phim đã làm chúng tôi xúc-động, chúng tôi thực sự đã dao-động.” Cuốn phim dựng từ chuyện có thật xảy ra tại Ba-Lan, tháng 12 năm 1945. Trong một nữ tu-viện Dòng Biển-Đức, tiếng hét của một nữ tập-sinh trẻ làm náo động giờ hát kinh chiều. Sơ Maria vội lẻn đi tìm một nữ y-tá trẻ của Hội Chữ Thập Đỏ Pháp, đang đóng quân bên cạnh đến giúp đỡ. Cô này đến nơi, phát-hiện một bí-mật khủng-khiếp: Lính Đức và Xô-Viết từng ba lần ập vào tu-viện cưỡng hiếp các nữ-tu, bảy người mang thai. Cả nhà đều muốn từ bỏ. Cô y-tá bất mãn khi các bệnh-nhân không chịu cho khám bệnh và giải-phẫu, không muốn cho đụng vào thân thể mình, vì sợ mang tội “phải xuống địa-ngục” bởi đã không giữ lời khấn tiết hạnh, đâm ra mất đức tin vì mặc-cảm đã mang thai. Bà mẹ Bề Trên thì muốn giấu kín, sợ người ngoài chê-bai, gièm-pha làm mất uy-tín thể-diện của nhà dòng. Ngay chính bà mẹ cũng là nạn-nhân, nhưng “thà cắn răng chịu đựng”, chứ không cho cô y-tá chạm đến thân thể bà và các sơ kia cũng “không được phép xét đoán mà chỉ biết vâng lời bà”. Cô y-tá là người Cộng-Sản nhưng đã dũng-cảm, động lòng, quyết thi-hành sứ-mạng cứu nhân. Lần sau đến, cô hỏi đứa bé của sơ Zophia kia đâu. Theo lệnh của bề trên Jadwiga Oledzka, sơ Maria nói là đã gửi cho người dì của Zophia. Thực ra, đêm khuya tuyết giá, bà Bề Trên đã lén đem đứa bé ra nghĩa-trang, đặt nó dưới chân Thánh-Giá, đọc kinh, làm phép rửa tội rồi bỏ đi. Một đêm kia, sơ Zophia lo lắng tất-tả đi tìm con, té bất tỉnh ngoài trời. Sơ Maria tìm đến bà dì báo tin Zophia qua đời, trao đôi vớ mà Zophia đan cho con mình. Bà dì ngạc-nhiên vì bà đâu có cháu nhỏ nào. Chuyện vỡ lở. Sơ Maria vặn hỏi, bà Bề Trên vẫn một mực quả-quyết: “Ta phó thác cho Chúa… Ta tin Chúa là đấng toàn năng đã đón nhận đứa bé”. Trong bữa ăn chung, bị sơ Maria chất-vấn, sự thật bị phơi trần, bà Bề Trên bẽ-bàng đành nại cớ tuyên-bố: “Ta muốn tránh cho các sơ khỏi xấu hổ và nhục nhã”, rồi lẳng lặng ra khỏi phòng giữa tiếng giận dữ của cộng-đoàn lên án bà: “Kẻ Giết Người!” 

Rõ là một đức tin chết, đức tin khép kín, một đức tin vô- thức, trốn trách-nhiệm, một đức tin mù quáng, “giáo-điều”, chỉ biết kêu van "Xin Chúa cứu vớt đứa trẻ đó!" Rõ là ích-kỷ vô lương-tâm, không một chút vị tha, tình người, không có Chúa thực sự ở trong lòng. Bà là hiện-thân của con người chưa được Phúc-Âm soi chiếu, chưa được phúc-âm-hoá, không biết rằng Chúa hạ sinh giáng thế là để cứu chuộc ta khỏi làm nô-lệ cho lề-luật, tội lỗi, và ban sự sống cho nhân-loại. Họ không biết rằng phẩm-giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên-Chúa, các lề luật Ngài ban là để bảo-vệ và phục-vụ con người, nó chỉ là phương-tiện, chứ không phải là cứu-cánh. Thấy bọn Pharisiêu đến xem Chúa Giêsu chữa lành bệnh trong ngày Sabbat, tính bắt bẻ Ngài không giữ luật, Ngài bảo họ rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay làm sự dữ, cứu sống hay giết chết?” (Luca:6, 6-11) vì “Ngày Sabbat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbat” (Mc: 2, 27).

Đóng lại câu truyện, cuốn phim mở ra một cảnh-tượng tràn đầy tình người: Cô y-tá cùng sơ Maria, mỗi người ẵm một em bé dẫn các trẻ vào phòng ăn chung, trước khi chất-vấn bà mẹ Bề Trên, cô hân-hoan giới-thiệu với cả nhà: “Những đứa trẻ này vô gia cư sống lang-thang, quý sơ có thể chăm sóc chúng”. Các Sơ đã hiểu rõ thế nào là dấn thân, nhà dòng nay thành trung-tâm nuôi trẻ mồ-côi trong chiến tranh, những trẻ đã sinh ra trong hoàn-cảnh mà mẹ chúng đã bị cưỡng hiếp. Trước đó, một sơ kia đã gửi con lại cho các chị em chăm sóc, nhận ra ơn gọi mới để hoàn tục sau khi nở nụ cười khoe với sơ Maria: “Đây là con tôi, nó có quyền được yêu thương”. Quả thực “Đây là phim trị-liệu cho Giáo-Hội”, tiếng nói của Đấng thẩm-quyền đã nói lên xác-quyết của Thánh Giáo-Hoàng Gioan Phaolô II: "Loan báo Tin Mừng phải đi kèm với hành động dấn thân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa, mà là tân phúc-âm-hóa.”

Kết:

Thế-giới hôm nay đang bị ô-nhiễm bởi văn-hoá sự chết muốn dập tắt nền văn-hóa Sự Sống (2). Bây giờ, phá thai, trợ tử, hôn-nhân đồng tính không còn là điều cấm kỵ, nay được định-chế đồng-loã, công-khai thừa-nhận, tán-trợ. Đã có cả một mặt trận chống Satan, vì “ma qủy đang hoành-hành khắp thế gian và rất nhiều người đã sa vào lưới của nó đến mất cả tính người, trở thành con cái của chúng”. Mới đây, Giáo-Hội được thỉnh-cầu đến trừ quỷ trên trực-thăng cho cả thành phố Detroit ở Mỹ vốn đầy tội ác do ma quỷ lộng-hành (3).

Tại Việt Nam, những bài giảng vang động vạch trần sự thật nơi thánh-đường, lời kêu gọi thiết-tha của các đấng, những tiếng kêu oan tức-tưởi của đám đông tuần hành nơi công cộng, hình như chưa đủ để xoá màn đêm của sự chết đang bao trùm. Thảm-họa môi-trường nhiễm độc, dẫn đến diệt chủng cho các thế-hệ mai sau, quả là khối u bộc-phát hiển-hiện, nhưng di căn ngấm ngầm mọc rễ trong cơ thể èo-ọt đã không cần được biết đến, hoặc đã thấy mà làm ngơ không thấy, đó mới là nọc độc của ung thư. Ấy là não-trạng tham-lam, ích-kỷ, vô-cảm đã tiếp tay cho tội ác lên ngôi. Còn những kinh-doanh nhơ nhớp để cho sống chết mặc bay, miễn sao vét cạn cho đầy túi tham, thì vẫn còn khói mù ô-nhiễm phủ kín quê hương. Bởi vì lương-tâm con người còn bị khoá chặt chẳng cho Chúa ngự vào, Lời Chúa chưa thể thấm nhuần hầu thức-tỉnh nhân-tâm. Lúc này hơn bao giờ hết, tân phúc-âm-hoá là việc làm bức-thiết, nhất là đối với người Ki-tô-hữu cần sống đạo thực sự, để từ bản thân mình biết lan toả ánh sáng phúc-âm ra xung quanh. Quả như lời Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nhận định: “Tôi thấy cái chết của cá nó chỉ là cái ngọn vấn-đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm-hồn con người. Tôi thấy có ít nhất bốn cái chết: cái chết của lương-tâm, cái chết của luân-lý, cái chết của lý-trí, cái chết của chính-trị”.

Lạy Chúa, “xin cho con biết lắng nghe lời Ngài trong đêm tối”, xin lay động cho con biết “KHI NÀO CHÚA ĐÃ GỌI CON”:

https://bit.ly/3fNUMG1

 

Khi con nghe những con tim thổn-thức

Khóc cuộc đời dông bão quét rạng đông,

Khi con nghe lời gièm-pha tranh-chấp,

Vì ghét ghen, vì oán thù bất đồng,

Khi vọng tiếng kêu não lòng chẳng dứt,

Mang oan khiên bị luận tội bất công,

Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.

Khi con nghe dấy lên tâm vị-kỷ

Chẳng phục-vụ, nhưng muốn chỉ được hơn,

Khi con nghe lòng mình không tự-chủ,

Vì trí khôn bị cảm tình lấp mờ

Khi tầm mắt con giới hạn bảo-thủ,

Không trông xa, hẹp hòi, chẳng dám cho,

Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.

Khi con nghe tiếng kêu van nài nỉ,

Khóc cuộc đời cơm áo hết còn đâu.

Khi con nghe luận-điệu xa chân-lý,

Lạc đức tin vì cao ngạo cứng đầu.

Khi nhìn Thánh Kinh lửa hồng triệt huỷ,

Quân ma vương cuồng dậy định tóm thâu

Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.

Con nghe gõ cửa trong mơ,

Chạy ra thấy Chúa đứng chờ gọi con

Gọi con lội suối trèo non,

Gọi con đi khắp lối mòn nhân-gian,

Gọi con gieo rắc bình-an,

Gọi con làm đúng chứng-nhân của Ngài.

Ben. Đỗ Quang-Vinh

Hẹn gặp lại 

--------------------------------------------------------------------

Cước-chú: Xin mời đọc thêm

(1) Xin mời đọc thêm bài “KI-TÔ HỮU VÀ SỨ-VỤ TÔNG-ÐỒ ” http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=11271

(2) Xin mời đọc thêm bài “Văn hoá sự sống”

http://doquangvinhvenguon.com/uploads/3/5/3/0/3530842/van_hoa_su_song_new.pdf

(3) Xin mời đọc thêm:

Trừ quỷ cho cả một quốc gia

http://yeumen.blogspot.ca/2015/08/tru-quy-cho-ca-mot-quoc-gia.html

      * Mặt Trận chống Satan=>Trừ qủy từ trực thăng

http://vietcatholic.org/News/Html/140649.htm 

Nỗi Lòng Cha

Trong Phúc Âm thánh Luca, dụ ngôn Chúa bỏ chín mươi chín con chiên trong hoang địa để tìm một con chiên lạc có lối kết luận nghịch với tiền đề. Chúng ta hãy đọc toàn bản văn:

Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang địa, để ruổi theo con chiên lạc, cho đến khi tìm được nó ư? Tìm được rồi, há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, và về đến nhà, mà lại không gọi cả bạn bè hàng xóm, mà phân phô với họ thế này sao: Bà con hãy chia vui với tôi, nay tôi đã tìm thấy con chiên lạc của tôi!?

Tiếp đó dụ ngôn được kết luận như sau:

Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn (Lc. 15: 4-7).

Bản văn được chia làm 2 phần. Ta có thể vẽ thành họa đồ sau đây

Phần một diễn tả câu chuyện, có bốn chi tiết:

– nói về con chiên đi lạc,
– người chăn chiên đi tìm,
– tìm thấy rồi ôm trên vai,
– vui mừng khoe với bà con,

Phần hai kết luận:
– Nước Trời vui mừng vì một người sám hối.

Xét qua bản văn ta thấy kết luận rất lạ với tiền đề câu chuyện, vì cả câu chuyện không hề nói tới lòng sám hối. Có một con chiên lạc, rồi Chúa đi tìm. Người chăn chiên đi tìm chứ đâu có phải con chiên tìm lối trở về, như thế làm sao mà gọi là lòng sám hối được?

Xem ra lối kết luận trên đây không hợp luận lý. Tuy nhiên, thinh lặng một chút ta sẽ thấy có điều phải suy nghĩ lại trong lối viết văn của Luca. Luca không trình bày rõ lòng sám hối của con người nhưng làm nổi bật lòng xót thương của Chúa. Ở Luca tôi thấy dựa vào lòng xót thương của Chúa mà ta có thể về chứ không phải sự tốt lành của ta. Lối kết luận này vẫn hợp lý, và chỉ hợp lý khi ta giả sử là người chăn chiên tìm thấy, rồi con chiên đồng ý trở về. Sự đồng ý trở về ấy Chúa coi như lòng sám hối.

Một đêm dừng chân trên lưng núi, Chúa thao thức vì một tâm hồn. Giờ này con tôi ở đâu? Tiếng lòng vọng về đáp trả giữa đêm đen vẫn chỉ là một khoảng không cô tịch. Cũng trong tiếng lòng ấy, vọng về nỗi thương, Người phải đi tìm vì đó là con của Ngài. Ruổi rong cho đến khi gặp, nhưng vì còn tự do của nó, Ngài chỉ có thể thương yêu hỏi:

– Cha muốn con về.

Ánh mắt người chăn chiên có nỗi đau thương vì Satan đã lừa gạt con của Ngài. Nhưng khổ tâm, Satan cũng đã không cưỡng bách được sự tự do của con cái Ngài. Ra đi vẫn là một lựa chọn tuỳ ý. Trở về cũng thế, Ngài chỉ có thể hỏi đứa con ấy:

– Con có muốn trở về?

Trong cái gật đầu mệt mỏi của con chiên lạc, Ngài mừng rỡ vác lên vai mà đem về. Chỉ ở điểm này, gọi đó là lòng sám hối, ta mới có thể chấp nhận kết luận kia hợp lý.

* * *

Lạy Chúa, một lần ra đi, một quãng đời nào của con vương trong bụi gai chẳng còn lối thoát. Chúa thương tìm con về. Bụi đất làm con xơ xác. Chúa chẳng ngại, Chúa bế con rồi ôm trên vai. Chúa không sợ dơ áo của Chúa vì những vết thương của con lâu ngày mưng mủ.

Lối trình bầy Tin Mừng của thánh sử Luca cho con thấy rực lên lòng thương xót của Chúa đi tìm con hơn là con sám hối ăn năn.

Lm. Nguyễn Tầm Thường

Đôi điều suy nghĩ

Chúa đem con vào đời, nhưng mục đích chính yếu của cuộc sống lại là chờ đợi một chuyến đi. Sân ga không phải là quê hương của con để con bám víu và xây đắp, nhưng chỉ là bến tạm để đợi chờ con tàu. Khi nào thì con tàu sẽ đến để đem con đi? Khi nào con từ giã cuộc sống? Con chẳng biết được thời giờ định mệnh này. Thưa Chúa, có điều con muốn nói là trong khi chờ đợi, trong lúc nhìn thời gian tiến về điểm mốc trọng đại ấy, con luôn luôn cần hạnh phúc.

* * *

Con đã cảm nghiệm được nhiều thứ hạnh phúc. Hạnh phúc khi nhận được tin vui. Hạnh phúc đến từ một tâm hồn biết thông cảm. Hạnh phúc đến từ sự thành công trong công ăn việc làm. Nhưng, những hạnh phúc ấy vẫn chẳng làm con an lòng. Con vẫn lo âu. Những hạnh phúc ấy vẫn là bấp bênh. Quá khứ minh chứng rằng nhiều lần con đã mất hạnh phúc ấy.

Vì những hạnh phúc ấy có thể mất nên cũng có những ngày tháng con sống không niềm vui, chung quanh con là sa mạc. Mà đời người thì chẳng thể sống không niềm vui. Nên con đi tìm niềm vui mới. Có khi con oán giận Chúa, bỏ đời sống đức tin để tìm bất cứ một an ủi nào đó. Trong những giây phút ấy con thường tìm hạnh phúc trong tội lỗi. Con không nhìn thấy những tàn phá của tội mà con chỉ thấy những hứa hẹn và bóng mát của tội mà thôi. Thật sự con chẳng muốn bỏ Chúa bằng con đường chủ tâm sống trong tội. Con vẫn biết con không thể sống thiếu Chúa, nhưng trong yếu đuối của đời mình, con đã thấy quyến rũ nơi tội mạnh hơn hạnh phúc do đời sống đức tin đem lại.

Hạnh phúc thật thì chỉ có một định nghĩa. Nếu con đi tìm bất cứ hạnh phúc nào ngoài thứ hạnh phúc thật đó, con sẽ hoang mang và hụt hẫng. Hạnh phúc thật đó chỉ có Chúa mới cho con được mà thôi. Chúa là nguyên ủy của tất cả, thì hạnh phúc cũng phải do Chúa là nguyên nhân. Bởi đấy, khi con đi tìm niềm vui ngoài nguyên nhân tối thượng là Chúa, con sẽ gặp thất vọng.

* * *

Khi con phạm tội, tội cũng cho con một chút “niềm vui”. Nhưng tội làm con xa Chúa. Niềm vui hay hạnh phúc là lúc trầm mình thưởng thức trong dòng nước chảy của dòng sông. Mức độ và sắc thái khác nhau của hạnh phúc tùy thuộc vào nguồn gốc của dòng sông ấy. Chúa là nguyên nhân của một thứ hạnh phúc. Tội cũng sinh ra một dòng hoan lạc. Nguyên nhân khác nhau thì hạnh phúc hay hoan lạc đến từ các nguyên nhân đó phải khác nhau. Từ sự khác nhau ấy, con chọn lựa cho mình một dòng sông. Dòng sông hạnh phúc của Chúa hay đôi bờ hoan lạc của tội.

Con là một tạo vật hữu hạn. Thứ hạnh phúc của tội cũng là một sản phẩm hữu hạn, bởi vì chính con tạo nên nó. Vì con tạo nên nó, do đấy, nó chẳng bao giờ thỏa mãn con được. Hạnh phúc của con hệ tại bám vào hạnh phúc tự thể là Chúa. Nên khi con mất cái tự hữu để ký sinh thì con chênh vênh và hao hụt ngay.

Tội làm con xa Chúa. Chúa xa con không phải vì Chúa bực mình, ghen tức. Dù con thánh thiện tới đâu đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà sự trọn hảo của Chúa thêm trọn hảo hơn. Dù con có cầu nguyện thiết tha đến đâu đi nữa thì chẳng vì thế mà Chúa được cao cả hơn. Tự Chúa đã tràn đầy tất cả. Chúa chẳng cần gì. Nếu con cầu nguyện là con bám vào sự trọn hảo của Chúa để được thương ban mà thôi.

Tội là thái độ tự do để lựa chọn một đối tượng ngoài Chúa. Khi phạm tội là con nghe theo một tiếng gọi khác, chấp nhận một đối tượng khác. Khi con chấp nhận một đối tượng khác rồi thì lẽ dĩ nhiên là Chúa phải xa con. Chúa không áp bức con bằng sức mạnh, bằng quyền năng, nhưng Chúa kính nể sự tự do của con. Khi con phạm tội, khi con lựa chọn một đối tượng rồi thì Chúa muốn ở với con cũng không được vì con đã dành khoảng trống của lòng mình cho một chủ khác rồi.

Khi con kiếm tìm niềm vui nơi tội là con tạo nên cơn bão táp cho chính vườn rau của mình. Càng để tội lỗi làm chủ con tim mình thì Chúa càng phải ở xa. Mà Chúa càng xa thì hạnh phúc thật càng mù tăm, khuất bóng. Lý tưởng cuộc đời con là kiếm tìm và quy về nguồn cõi hạnh phúc thật đó. Do vậy, càng xa nguồn hạnh phúc thật thì con càng đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Mà không còn ý nghĩa thì cuộc sống trở nên man dại, tính toán, lo âu, giành giật, hận thù và chán chường.

* * *

Khi con phạm tội là con phá hủy hết tất cả tự do của con. Cơn bão táp ấy xóa nhòa nhân phẩm của con. Tội là điều xấu. Con không muốn để người khác biết những điều xấu xa của con. Từ đó, con có hai khuôn mặt. Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt để “show up”, trình diễn để tha nhân nhìn vào. Khi con giấu kín khuôn mặt thật tội lỗi để phô bày khuôn mặt giả cao thượng là con xây dựng giá trị của mình trên sự lầm lẫn của tha nhân. Con lừa dối kẻ đối diện. Nếu con còn may mắn để nhìn thấy rằng mình có hai khuôn mặt mỗi khi xét mình thì con còn lương tri để biết rằng mình chỉ lừa gạt người chứ không lừa dối mình. Nhưng ngày nào đó, con lẫn lộn giữa thực và hư. Ngày nào đó, con người để trình diễn kia rợp bóng đến nỗi con chỉ thấy nó là chính mình và con tin nó là khuôn mặt thật của mình, con không còn thấy bóng khuôn mặt thật của con đâu nữa thì ngày đó con chẳng còn gì. Con đã là nạn nhân của sự giả tạo. Gian dối với tha nhân đã nên lừa đảo chính mình.

Khi tha nhân tưởng con là gương mẫu của đời mà con không là gương mẫu thì con sẽ lo âu cho cái ngưỡng mộ kia bị đổ vỡ nếu tha nhân nhận ra con người thật tội lỗi của con, cho nên con lại càng phải cất giấu con người đó kỹ hơn. Bởi đấy, tội cướp mất tự do. Sống trong tội, con phải sống trong hồi hộp, gian dối, lo âu.

Chẳng có người cha nào không mủi lòng khi thấy đứa con mình sắp xuống tắm trong dòng sông ngầu vẩn rác đục. Vì kính trọng tự do Chúa đã ban cho con, nên Chúa biết con xa Chúa là đời con sẽ chán chường, Chúa cũng đau khổ, nhưng Chúa chẳng thể cưỡng bách con chọn Chúa được. Mà thật sự con cũng không muốn mất tự do. Hành vi chọn lựa là một thú vui chan chứa của tự do. Không có tự do sẽ là gỗ đá. Nếu con không phải là gỗ đá, nếu con có tự do, thì con phải biết lo âu biết bao về sự tự do của mình.

Lm. Nguyễn Tầm Thường