8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - KHỎI SỰ OÁN GIẬN

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     


    CÁCH GIẢI THOÁT CHÚNG TA KHỎI SỰ OÁN GIẬN

     

    Trong cuộc sống, sự va chạm, hiểu lầm, tranh cãi… dẫn đến bực tức, giận dỗi là điều thường tình và dễ hiểu. Nhưng làm sao để không kéo dài hoặc gặm nhấm sự giận dữ đến mức biến nó thành sự oán giận làm cho chúng ta mất bình an, là điều không đơn giản.

     

    Dưới đây là một vài lời khuyên của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch hội đồng giám mục Ý, được trích trong cuốn sách của ngài có tựa đề: “Guarire le malattie del cuore” (Chữa lành những căn bệnh của trái tim), về cách chữa lành những căn bệnh tâm linh.

     

    Oán giận là một trong những căn bệnh tâm linh mà nếu được chữa trị cẩn thận, nó sẽ vô tác dụng. Thật thế, sự oán giận sẽ che khuất tầm nhìn khiến chúng ta không thể nhìn thấy gì khác ngoài những điều sai trái và những cảm giác oan ức mà chúng ta phải chịu đựng (mà những oan ức này đôi khi lại là do trí tưởng tượng của chúng ta).

     

    Căn bệnh của trái tim” này giống như một cơn sóng dữ, nó nhấn chìm mọi thứ và do đó, rất khó để chúng ta có thể tự thoát khỏi sức mạnh của nó. Chúng ta thường cho rằng sự bất công mà mình phải chịu là cách thế rõ ràng nhất để biện minh cho những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Nhưng, vấn đề là, nếu những cảm tiêu cực này không được loại bỏ, thì mầm mống xấu xa của sự oán giận sẽ tiếp tục phát triển và huỷ hoại tâm hồn chúng ta.

      

    Một chứng bệnh tâm linh lâu dài

    Sự oán giận thường âm thầm bén rễ và không gây hậu quả tức thì, nó cho phép chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân; chúng ta an tâm vì cho rằng mình không ghét người nào đó, nhưng chỉ muốn tránh mặt họ. Chúng ta dễ dàng để tự nhủ, “Tôi không có gì chống lại người ấy, nhưng chỉ là không muốn tiếp xúc, không muốn nói chuyện với, và không muốn chào hỏi người ấy nữa thôi”.

     

    Không dễ dàng để thoát khỏi

    Vì được ẩn sâu trong lòng, và được lý trí biện minh cho, nên, không dễ dàng để chúng ta thoát khỏi sự oán giận, nhưng, rất cần sự khiêm tốn, kiên trì và bao dung. Điều này có nghĩa là, chẳng thể cứ tự nhiên mà chúng ta có thể bỏ qua được sự oán hận đang âm thầm ngấm sâu vào tâm hồn chúng ta.  Đây cũng là lý do tại sao chúng ta phải tha thứ mà không tự đưa ra giới hạn hoặc điều kiện đối với hành vi của người mà chúng ta cho là xúc phạm đến mình. Vì thực, tha thứ không có nghĩa là tìm kiếm công bằng trước.

     

    Một bài tập đòi hỏi nỗ lực

    Chỉ có tha thứ mới thực sự giúp tìm ra công lý! Sự oán giận ẩn chứa trong nỗi sợ hãi, trong cảm giác bất công phải chịu đựng, và thậm chí trong sự kết án một cách tự tin của chúng ta. Chính vì điều này mà tha thứ là một bài tập đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì, để từng chút một, điều mà thoạt đầu tưởng như không thể sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Tha thứ luôn có cái giá phải trả! Nhưng chỉ có sự tha thứ mới giải thoát chúng ta khỏi những điều xấu xa mà chúng ta phải gánh chịu, và đó là phương thuốc duy nhất để đánh bại sự oán giận.

     

    "Công thức" của Chúa Giêsu

    Bảy mươi lần bảy là thước đo vô hạn của sự tha thứ mà Chúa Giêsu đưa ra, nhằm giải thoát chúng ta khỏi những tính toán và giới hạn. Cách duy nhất để chúng ta có thể tha thứ là yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới khước từ mọi thước đo và giới hạn, giống như người cha, người mẹ luôn đón nhận con cái của họ cách vô điều kiện. Tình yêu bao trùm mọi sự, tin tưởng mọi sự, và chịu đựng mọi sự. Đây cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu khuyên chúng ta “tha thứ hết lòng” (Mt 18, 35).

     

    Hơn nữa, chúng ta cần nhớ rằng, tha thứ không bao giờ là một vấn đề trừu tượng, mà luôn liên quan rất nhiều đến cách chúng ta trong sống cuộc đời của mình. Nếu chúng ta không lắng nghe Chúa Giêsu, không để Người yêu thương chúng ta, và nếu chúng ta không yêu mến Người, chúng ta ít cầu nguyện, chúng ta sống khép kín, thì chắc chắn, chúng ta sẽ thấy rất khó để lựa chọn tha thứ. Và, nếu thất bại, chúng ta sẽ tự biến mình thành nạn nhân của sự oán hận.

     

    "Trí nhớ khôn ngoan" của điều sai trái

    Trên thực tế, việc nhận thức rõ ràng về sự tha thứ sẽ giúp chúng ta có trí nhớ khôn ngoan về những điều sai trái mà chúng ta phải gánh chịu, hoặc gây ra. Nhờ đó, chúng ta có thể chiến đấu với điều ác một cách hiệu quả hơn, biết cách nhận ra nó chính xác hơn, và không bị dẫn vào mê cung nguy hiểm của sự oán giận.

     

    Tóm lại, chỉ có một cách để giải thoát chúng ta khỏi sự oán giận: Tha thứ! Có được như thế, chúng ta sẽ hạnh phúc với món quà tha thứ mà chúng ta dành cho người khác. Nhưng trên tất cả, chúng ta sẽ nhận ra rằng, khi càng tha thứ, chúng ta càng nhận nhiều hơn nữa sự bình an, niềm vui, và được giải thoát khỏi sự trói buộc của oán giận, ngay từ trong sâu thẳm trái tim mình.

     

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
    Dòng Đa Minh Thánh Tâm
    Chuyển ngữ từ: 
    aleteia.org (06. 7. 2022)

     

    Đức Hồng Y Matteo Zuppi
    Chủ tịch hội đồng giám mục Ý

     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - GM BÙI TUẦN - BIẾT ĐÓN NHẬN

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


    BIẾT ĐÓN NHẬN
    +ĐGM GB. Bùi Tuần
    --------------------------------------------
    1.
    Tôi là vực sâu tội lỗi, thế mà Chúa thương cho tôi được ẩn mình trong trái tim Chúa Giêsu và trái tim Mẹ Maria.
    2.
    Cảm nhận đầu tiên và sâu sắc nhất, khi tôi được ẩn mình trong trái tim Chúa Giêsu và trái tim Đức Mẹ là tôi được tha tội.
    3.
    Tôi thấy khi tôi được tha tội, thì cũng được xóa đi những hậu quả do tội lỗi tôi đã gây nên.
    4.
    Tôi cảm nhận rõ điều này: Khi tôi được Chúa tha tội và xóa đi những hậu quả xấu do tội tôi đã gây ra thì Chúa đổi tôi một điều: “Hãy tin mến Chúa thực nhiều và thực lòng”.
    5.
    Xin thú thực: Tôi rất muốn tin mến Chúa thực nhiều và thực lòng. Nhưng chỉ muốn mà thôi, chứ thực sự tôi không thực hiện được.
    6.
    Khi tôi thú nhận sự yếu đuối đó của tôi cho Chúa, thì Chúa tỏ ra càng thương yêu tôi.
    7.
    Chính Chúa chủ động giúp tôi đón nhận tình yêu xót thương của Chúa.
    8.
    Từ đó, tôi nhận ra: Điều quan trọng Chúa đã nói tới là biết đón nhận ý Chúa.
    9.
    Biết đón nhận, đó là điều không dễ.
    10.
    Riêng lúc này. Biết đón nhận thánh ý Chúa là điều quá khó.
    11.
    Hằng ngày, hằng giờ, tôi nghe nói về thánh ý Chúa bởi nhiều người, mà không biết ai đúng ai sai.
    12.
    Với tất cả tấm lòng thành thực, tôi xin những ai thông thạo về thánh ý Chúa, hãy thương cầu nguyện cho tôi rất nhiều.
    13.
    “Thánh ý Ngài là gia nghiệp đời con”. Tôi hay cầu nguyện theo bài hát quen thuộc đó.
    14.
    Tôi chỉ muốn vâng phục thánh ý Chúa mọi lúc mọi nơi.
    Nhưng nhận ra thánh ý Chúa là điều không dễ.
    15.
    Tôi hỏi Đức Mẹ, thì Đức Mẹ trả lời: Thánh ý Chúa rõ ràng và chắc chắn nhất là biết xót thương giúp đỡ những người đau khổ.
    16.
    Rồi Đức Mẹ khuyên tôi hãy đọc những gì Chúa Giêsu đã nói về cuộc phán xét chung.
    Tôi đọc đi đọc lại đoạn phúc âm thánh Matthêu về cuộc phán xét chung, thì không còn chút nghi ngờ gì về thánh ý Chúa gửi cho mỗi người chúng ta.
    Long Xuyên, ngày 03.7.2022
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TĨNH TÂM VỚI SÁCH TIN MỪNG

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỨC ME GIUP TRONG MỌI LÚC

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

    ... Câu chuyện xảy ra tại thành phố Hal nằm dọc theo kênh đào Charleroi. Hal chỉ cách Bruxelles - thủ đô vương quốc Bỉ -
     

    khoảng vài cây số. Tại đây có nhà thờ Công Giáo kiểu gô-tích tôn kính bức tượng ”Đức Mẹ Đen”. Bức tượng tạc từ thế kỷ XIII và nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ.


    Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi đã xảy ra tai nạn thảm thương. Một bà mẹ góa sống với đứa con trai duy nhất. Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh. Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà góa trượt chân rớt xuống kênh. Cậu bạn hoảng hốt chỉ biết gào lên kêu cấp cứu. Bà mẹ càng hoảng hốt hơn và cũng chỉ biết hét lên những lời kêu cứu thảm thiết.

    May mắn vào ngay lúc đó có một thanh niên đi về hướng này. Nghe tiếng kêu chàng đoán ngay sự việc. Chàng tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước. Mấy phút sau chàng vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của bà mẹ. Người ta xúm lại cấp cứu cậu bé. Cậu từ từ hồi tỉnh. Cậu thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.

    Trước công ơn to tát như thế làm sao cám ơn cho đủ người đã cứu mạng sống con mình??? Bà mẹ góa lại quá nghèo! Nghĩ lui nghĩ tới bà thấy không gì quý hơn là tặng chàng trai ảnh đeo có hình Đức Mẹ Đen của nhà thờ gô-tích thành phố Hal. Bà đưa tặng chàng và nói:
    - Chắc chắn Đức Mẹ MARIA nghe lời tôi cầu cứu nên đưa đẩy cậu đến và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn.
    Chàng thanh niên lúng túng trả lời:
    - Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là người không tin!

    Tuy nói thế nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ chàng chấp nhận ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Chàng cũng hứa sẽ mang ảnh như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà ..

    Gần mấy chục năm trôi qua .. chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, nay là người đàn ông lớn tuổi. Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ. Nhà thương do các nữ tu điều khiển. Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, có vị Linh Mục người Bỉ về đây nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng Cha đến thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu. Một ngày, Cha đang trên đường gần nhà thương thì thấy một nữ tu chạy đến xin Cha tới giúp một bệnh nhân đang hấp hối. Chị nói:
    - Xin Cha đến mau! Ông ta đang mê sảng!

    Khi vị Linh Mục đến bên giường Cha hiểu rằng người bệnh nói tiếng Flamand. Ông muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Bằng tiếng Flamand vị Linh Mục nói vào tai người bệnh:
    - Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông! Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi!

    Nói xong vị Linh Mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh ảnh đeo Đức Mẹ MARIA. Không giữ được bình tĩnh Cha ngạc nhiên nói:
    - Ông mang một ảnh đẹp như vậy mà ông lại không muốn tôi nói với ông về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức MARIA, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao???

    Người hấp hối bỗng chốc như hồi tỉnh. Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện vớt một cậu bé và lời hứa với bà mẹ cậu bé là sẽ mang ảnh Đức Mẹ MARIA suốt đời để ghi dấu cuộc gặp gỡ. Và ông đã giữ lời hứa. Vị Linh Mục thật cảm động. Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:
    - Chú bé mà ông cứu sống chính là tôi! Mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông .. Và ông không thấy là chính Đức Mẹ MARIA đưa tôi đến đây gặp lại ông để giúp ông trong giây phút trọng đại cuối đời sao?

    Người bệnh cũng cảm động không kém vị Linh Mục. Ông bỗng trở nên an bình hơn. Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU làm của ăn đàng. Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị Linh Mục.

    ... Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

    Lạy Rất Thánh Đồng Trinh MARIA, Mẹ đã vui lòng nhận lấy tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho được giục lòng chúng con trông cậy vững vàng, thì con nài xin Mẹ dủ lòng thương, cứu giúp con trong mọi nơi mọi lúc, khi phải các cơn cám dỗ, khi sa phạm tội, và khi gặp các sự khốn khó trong đời con, và nhất là trong giờ chết. Lạy Mẹ hay thương, xin cho con siêng năng chạy đến cùng Mẹ luôn luôn. Con tin rằng, con siêng năng chạy đến cùng Mẹ, thì làm cho Mẹ càng sẵn lòng nghe lời con. Xin Mẹ ban cho con ơn trọng này, là siêng năng cầu xin Mẹ, và được lòng trông cậy Mẹ như con thảo, ngỏ cho Mẹ nghe lời con hằng cầu xin, mà hằng cứu giúp con, và ban cho con được ơn bền đỗ đến cùng. Lạy Mẹ yêu dấu hay thương giúp, xin Mẹ ban phúc lành cho con, và cầu bàu cho con khi này và trong giờ lâm tử. AMEN.

    Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước Việt Nam con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục.

    Thánh MARIA, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bàu cho con. Lạy Thánh Anphongxô là quan thầy bào chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi khó ngặt thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà MARIA.

    Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu cho chúng con.
    Lạy Thánh Anphongxô, cầu cho chúng con.

    (Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Éditeur 1992, trang 57-58)
    Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - KHÔNG LÀ GÌ CẢ - CHÚA LÀ TÁT CẢ

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    CHẲNG LÀ GÌ CẢ
    Thật diễm phúc cho những ai dù được gọi là thầy mà ý thức mình chẳng là gì cả trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Thầy đó sẽ khiêm tốn đón nhận lời sửa dạy, được nhắc nhở, được học hỏi để ngày càng trở nên giống với vị Thầy Giêsu hơn.
    Anh bạn cùng nhà tâm sự rằng nhiều khi nghĩ cũng buồn, mấy người bên đạo Công giáo còn biết mình là thầy tu, hiểu ra chút ý nghĩa nào đó về con đường mình đang đi, còn mấy người ngoài Công giáo thì chịu. Anh kể có lần mấy đứa bạn cũ hỏi anh đang làm gì, anh trả lời là đang học. Nghe vậy họ phản ứng lạ lắm, ai đời thanh niên hơn ba chục tuổi đầu rồi mà còn phải đi học, không có công danh sự nghiệp gì ổn định, lại sống lang thang khắp nơi. Họ không hiểu về đời tu nên không kính trọng mình như những người trong đạo. Họ coi mình chẳng là gì cả. Tôi chia sẻ với anh rằng mình phải cám ơn những người như vậy mới đúng, bởi vì nhờ họ mà chúng ta được nhắc nhở một sự thật rất quan trọng về mình: chúng ta chẳng là gì cả!
    Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu Dòng Tên từ giai đoạn ứng sinh. Ứng sinh là những bạn đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học, sống chung với nhau trong cộng đoàn, được dạy dỗ và hướng dẫn làm quen với đời tu. Do vậy xét về mức độ trưởng thành nhân bản thì chúng tôi chẳng khác gì với các bạn sinh viên bên ngoài là mấy. Thường thì ít ai trong chúng tôi tự nhận mình là “thầy” trong giai đoạn này. Tất nhiên có nhiều bà con giáo dân với lòng sốt mến và kính trọng vẫn gọi chúng tôi là thầy, nhưng có vẻ như danh xưng đó không hợp với chúng tôi lắm, hoặc ít ra là không hợp với tôi. Những người thân quen hơn với nhà ứng sinh thì gọi chúng tôi là “chú”. Tôi thích cách gọi này hơn, vì nó liên tưởng đến các chú tiểu ở chùa trong giai đoạn đầu tu tập.
    Đời tu chính thức trong Dòng Tên được tính từ ngày bước vào nhà Tập. Do đó tuổi dòng được xác định từ cột mốc này. Bắt đầu từ giai đoạn này chúng tôi có thể được gọi là thầy một cách danh chính ngôn thuận, bởi vì chúng tôi đã thực sự sống đời tu. Nhà tập là giai đoạn có thể nói là cách ly với xã hội bên ngoài để chúng tôi có điều kiện trau dồi đời sống thiêng liêng, học hỏi và tìm hiểu thêm về Dòng, đồng thời qua đó cũng biết hơn về chính bản thân mình. Chính vì sống trong một điều kiện đặc biệt như thế nên trong 2 năm nhà Tập chúng tôi chẳng mấy quan tâm đến việc mình đã được gọi là thầy. Sự thật là khi chúng tôi sống chung với nhau chẳng có ai gọi người khác là thầy cả, chỉ xưng hô anh em với nhau thôi, riết mãi danh xưng “thầy” kia trở nên không cần thiết.
    Xong 2 năm nhà Tập chúng tôi khấn lần đầu, sau đó là bắt đầu giai đoạn ở Học viện. Rất khác với nhà Tập, đời sống ở Học viện mở ra nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Giai đoạn này chúng tôi tiếp xúc và làm việc với nhiều người hơn. Tất nhiên người ta gọi chúng tôi là thầy. Có lần tôi tự hỏi không biết mình là thầy của người khác theo nghĩa nào. Nếu giúp giảng dạy giáo lý thì tôi chỉ là giáo lý viên thôi, sao lại là thầy được. Còn nếu hiểu theo nghĩa là thầy dạy hay người hướng dẫn đức tin thì chính giáo dân là thầy của tôi mới đúng chứ. Một cụ già chân yếu không còn đi được nên phải nhờ đến chút sức lực còn lại từ đôi tay để chèo con thuyền ba lá men theo các con rạch đến nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật; cụ là thầy của tôi về lòng mến Chúa. Những đứa trẻ ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ thầy cô là thầy tôi về tấm lòng đơn sơ phó thác. Những cặp vợ chồng vượt qua nhiều trắc trở trong hôn nhân để sống trọn vẹn lời cam kết với nhau chính là thầy của tôi về tình chung thủy. Thầy của tôi về đức hy sinh chịu đựng chính là những người cha người mẹ chấp nhận sống kham khổ để lo cho tương lai con cái. Những tấm lòng quảng đại giúp đỡ người nghèo khổ khó khăn là thầy của tôi về tình yêu thương san sẻ. Tóm lại, tôi thấy người ta là thầy của mình chứ không phải ngược lại.
    Giáo dân ở Việt Nam nói chung rất kính trọng giới tu sĩ. Thật lòng là tôi thấy ái ngại vì có những người đáng tuổi ông bà lại khúm núm trước mình. Tôi thực sự không đáng được như vậy. Trong nhà Tập Dòng Tên có một giai đoạn anh em chúng tôi phải tự ra ngoài làm việc kiếm sống như người ta. Lý tưởng là chúng tôi không nên để lộ thân phận của mình để tránh những chiếu cố không cần thiết. Có người trong chúng tôi làm công việc lau dọn ở một bệnh viện, sau tan ca thường nán lại trò chuyện với các bệnh nhân, cắt móng tay móng chân cho những cụ già. Công việc đó vẫn diễn ra điều đặn cho đến một hôm không biết ai xì xào mà người ta biết được chúng tôi là thầy. Chúng tôi vừa lôi cái kìm bấm móng tay ra là các cụ đã chắp tay lạy: “Con lạy thầy, con xin lỗi thầy, con không biết. Con mà để thầy làm vậy nữa là con mắc tội chết.” Giáo dân họ đơn sơ vậy đó, cứ nghĩ thầy là Chúa của họ. Một nhóm khác trong chúng tôi làm phụ hồ xây dựng công trình là ngôi nhà thờ ở một giáo xứ nọ. Ban đầu giáo dân chỉ ngạc nhiên vì có một nhóm thanh niên làm việc chăm chỉ, nét mặt luôn tươi cười, lại chẳng bao giờ nghe tiếng chửi tục như những người thợ khác. Sau này vì biết chúng tôi là thầy tu nên khi thì họ cho miếng thịt, khi thì biếu đòn chả, có khi còn cho nguyên nồi cá kho sẵn, ăn xong rửa nồi trả lại. Chung quy cũng bởi chúng tôi được mang danh là thầy.
    Người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng không hẳn hoàn toàn là như thế. Sự thật là chiếc áo đã làm nên “thầy”, tức bất cứ người nam nào bước vào nhà tu dù ở giai đoạn nào đi nữa cũng đều được gọi là thầy, còn thầy đó có thực sự “tu” hay không thì lại là chuyện khác. Ngày nay các dòng tu rất đa dạng về thành phần và lĩnh vực hoạt động, dòng trong nước cũng có, dòng từ nước ngoài vào Việt Nam cũng có. Bởi vậy mà ngày càng có nhiều “thầy” hơn. Đó là chưa kể tuổi đời của các thầy rất trẻ, vì có những dòng nhận ứng viên tốt nghiệp phổ thông trung học. Nói vậy để hiểu rằng được gọi là “thầy” không phải là điều gì đó ghê gớm lắm. Nếu các thầy tự biết mình để trau dồi học hỏi cho xứng đáng là thầy thì quá tốt. Tôi có dịp sống chung với một cha lớn tuổi, dù ở trong nhà nhưng cha luôn gọi tôi là thầy. Cha giải thích là không phải vì cha câu nệ hình thức, nhưng là vì cha muốn đề cao tính chính danh. Khi người khác gọi mình là thầy thì mình cũng phải ý thức sống sao cho ra thầy. Tuy nhiên, không ít các gia đình hay chính đương sự coi đời tu như một vị trí danh vọng, dựa vào chữ “thầy” người ta gọi mình để tự hào tự đắc, hay tệ hơn nữa là luôn coi mình là thầy thiên hạ. Như thế thật đáng buồn.
    Thật diễm phúc cho những ai dù được gọi là thầy mà ý thức mình chẳng là gì cả trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Thầy đó sẽ khiêm tốn đón nhận lời sửa dạy, được nhắc nhở, được học hỏi để ngày càng trở nên giống với vị Thầy Giêsu hơn. Không liên quan nhiều lắm nhưng có lần tôi chứng kiến ông bà cố của một linh mục gọi con mình là “cha” ngọt xớt, nghe cứ trái tai làm sao ấy. Tôi thấy mình may mắn khi những người quen tôi không đề cao quá mức danh xưng “thầy” của tôi. Có người anh trong họ hàng thấy tôi làm điều gì đó sai liền nhắn tin nhắc nhở ngay. Có người giáo dân tôi quen cũng thẳng thắn góp ý rằng thầy không nên làm thế này hay thế kia. Tôi cám ơn họ vì đã nhìn ra được sự yếu đuối của tôi. Tôi càng phải cám ơn họ nhiều hơn nữa vì đã mong muốn và mạnh dạn sửa dạy tôi.
    Để kết thúc, tôi xin kể câu chuyện truyền miệng về Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của Ngài tới một nước nhỏ. Trước buổi gặp gỡ chung với tất cả mọi người ở quảng trường, một cha trong ban tổ chức đã chia sẻ riêng với Đức Giáo hoàng:
     
    “Ngài coi, nhiều người đến đây từ nơi rất xa. Họ phải đem theo cơm gạo, đi bộ đường rừng cả ngày lẫn đêm để hôm nay được thấy mặt ngài.” Đức Giáo hoàng trả lời: “Vâng, họ đến đây để được gặp đấng kế vị thánh Phêrô. Tôi thấy mình thật xấu hổ. Tôi chẳng là gì cả!”
    Lạy Chúa, con chẳng là gì cả, để Chúa là tất cả của con. Amen.
    Giuse Lê Đắc Thắng SJ(dongten.net)
    Không có mô tả ảnh.
     
     
     

    Facebook

     

     
     
     
    2Teresa Lieu và Phuong Nguyen