8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - NHỮNG CÂU NÓI THÂM THÚY

  •  
    Long Nguyen
    De : trung vo 
    Envoyé : lundi 12 septembre 2022 à 17:21:00 UTC+2
    Objet :  NHỮNG CÂU NÓI THÂM THUÝ VỀ CUỘC SỐNG SẼ KHIẾN BẠN TỈNH NGỘ
     

    NHỮNG CÂU NÓI THÂM THUÝ VỀ CUỘC SỐNG SẼ KHIẾN BẠN TỈNH NGỘ

    Click image for larger versionName:	9.jpgViews:	0Size:	49.4 KBID:	2100284  
    1. Ớt dù cay nhưng vẫn ăn cả vỏ, chuối dù ngọt nhưng cũng bỏ vỏ đi, có những quy luật tự nhiên của tạo hóa mà ta không thể không thừa nhận, vì vậy hãy bước tiếp dù đã từng vấp ngã, hãy hy vọng dù đã từng thất vọng. Hãy mỉm cười dù nước mắt từng rơi.

    2. Muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.

    3. Ở đời nhiều lúc hiểu lầm bởi chuyện thị phi chẳng đuôi đầu, cái lưỡi người đời luôn thêu dệt rồi tạo nên tuồng lắm bể dâu.

    4. Khi móng tay dài chúng ta cắt móng tay chứ không cắt ngón tay, cũng tương tự khi hiểu lầm hãy cắt bớt cái TÔI chứ đừng cắt đứt mối quan hệ.

    5. Cuộc đời sao lắm dối gian người hay bằng mặt, nhưng không bằng lòng, miệng cười chắc chẳng thế đâu , chỉ khi hoạn nạn biết đâu chân tình.

    6. Đã biết chốn ni là quán trọ, hơn thua thù oán để mà chi, thử ra ngồi trước bên phần mộ hỏi họ mang theo được những gì?

    7. Đời người là một hợp đồng bao gồm niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau….tất cả chỉ bán chung một gói, không thể mua riêng từng thứ được.

    8. Chơi với người tốt như đi trong sương tuy không ướt áo nhưng mát rượi. Chơi với người xấu như đi giữa rừng gươm tuy không bị thương nhưng thường sợ hãi.

    9. Đừng bao giờ nhìn vào giàu nghèo mà kết thân, dù người ta tiền vạn bạc tỷ cũng chẳng liên quan gì đến bạn. Trên đời có những người dù chỉ một cái bánh cũng vì bạn mà bẻ làm đôi, phải học cách nhìn người.

    10. Chẳng ai sinh ra mà đã hợp nhau, một chút nhường nhịn, một chút chịu đựng, thêm một chút nhẫn nại….và có cả một chút hy sinh vì nhau thì tình yêu mới bền vững!

    11. Lúc khổ chẳng ai thèm nhìn , phất lên một cái chín nghìn anh em!

    12. Càng trưởng thành, con người càng lười giải thích. Có khi ai đó hiểu lầm, ta thậm chí muốn để họ tự tìm ra câu trả lời theo thời gian. Ta chỉ cần những người ta thương hiểu là đủ, còn lại tùy! Cuộc sống là để sống, không phải để giải thích!

    13. Làm người không nên dùng trí thông minh của mình để lợi dụng người khác, cái ta có được chỉ là vật chất, cái ta đánh mất là nhân cách của con người.

    14. Cuộc đời như những chuyến xe, người lên, người xuống, người về, người đi. Lúc hội ngộ, lúc phân ly nụ cười tiếng khóc, có khi lặng buồn.

    15. Con người hơn nhau không phải ở địa vị, không phải ở trình độ, không phải ở kinh tế, mà là hơn nhau ở cách sống.

    16. Quần áo rách có thể vá, nhà cửa hỏng có thể sửa chữa, chỉ có lòng người một khi đã tổn thương thì khó mà hồi phục.

    17. Con người ta sinh ra với 1 cái miệng để nói 1 lời, với 2 cái tai để nghe từ 2 phía. Chứ không phải 1 cái miệng nói 2 lời và 1 cái tai chỉ để nghe từ 1 phía.

    18. Nếu kẻ xấu nói xấu bạn, phán xét bạn mặc dù không biết gì về bạn, đừng buồn mà hãy nhớ kỹ một điều “Chó sủa khi gặp người lạ”.

    19. Ai đã từng sống những ngày khốn khổ mới hiểu nhiều giá trị của bình an, ai đã qua cảnh đói khát, lang thang mới trân quý từng bát cơm lót dạ.

    20. Khi bạn ném bùn vào người khác có thể trúng, có thể không, nhưng tay bạn thì đã vấy bùn. Khi ai đó cố tình làm tổn thương bạn, thì bản thân họ cũng đã phải trả giá vì điều đó rồi!
     
    Lượm lặt.
     
     
     
     

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - 6 CÁCH ĐỂ BẠN GIỮ TÂM HỒN BÌNH AN

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     
     


     
    6 CÁCH ĐỂ NGƯỜI CÔNG GIÁO GIỮ TÂM HỒN BÌNH AN
     
    Những ý tưởng này có thể truyền cảm hứng cho bạn để sống với sự bình an mà Đức Kitô đã hứa để lại cho những ai theo Người.
    Trong những thời khắc khó khăn này, có nhiều người cảm thấy mất phương hướng và bên cạnh đó, họ không thể tìm thấy sự bình an đến từ Đức Kitô. Vậy, 6 ý tưởng sau đây có thể giúp chúng ta khám phá lại “món quà” mà Chúa Giêsu đã trao ban cho nhân loại, trước khi Người lên trời về cùng Cha Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14, 27)
    1. HÃY TRÁNH XA CƠN LỐC CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
    Các giác quan của chúng ta thường xuyên bị tấn công bởi những lời nói, âm thanh và hình ảnh. Chúng ta cần phải tách mình ra khỏi cảm giác hỗn loạn ấy, để tìm được sự nghỉ ngơi trong Đức Kitô. Thoát khỏi sự hỗn loạn, cho phép chúng ta tạo ra một bầu khí thinh lặng, mà chính nơi đó lời cầu nguyện được phát sinh.
    “Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!” (Tv 46, 11). Nghiện điện thoại thông minh, máy tính hay các loại khác như máy tính bảng, tivi…; tức là chúng ta bước vào một thế giới, nơi ngự trị bởi sự ảo tưởng và phi thực tế. Thật vậy, ngay cả khi chúng ta có xu hướng không thừa nhận điều này: chúng ta đã dần trở thành nô lệ cho những công nghệ mà ban đầu chúng được tạo ra để phục vụ con người.
    Tất nhiên, không phải mọi thứ trên các phương tiện truyền thông đều xấu, và chúng ta không thể để ngỏ hoàn toàn lĩnh vực này cho những người chối từ hoặc phớt lờ Tin Mừng. Nhưng đừng tự đánh lừa chính mình: Nếu chúng ta dành nhiều thời gian cho các nội dung trực tuyến hơn là dành thời giờ cầu nguyện cùng Chúa; chúng ta cần xem xét lại những sự ưu tiên của mình. Và nào có ai trong chúng ta, thỉnh thoảng không cần cân bằng lại cuộc sống của chính mình?
    2. SỐNG PHỤNG VỤ, ĐỪNG TRANH LUẬN KHÔNG NGỪNG
    Phụng vụ của Giáo Hội là phương tiện khởi đầu, là nguồn mạch dẫn chúng ta vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta nên thận trọng để không làm hỏng đi phụng vụ bằng việc “chính trị hóa” qua những cuộc tranh luận bất tận. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên phản ứng với những gì mà chúng ta cho là không phù hợp; luôn có nhiều cơ hội cho chúng ta đẩy mạnh phụng vụ để nên xứng hợp hơn với sự cao cả của Thiên Chúa, và thật tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ những cơ hội ấy.
    Mặc khác, việc tranh cãi về những điều thiêng liêng không phải là không có nguy hiểm. Nếu một số nghi thức hoặc phong tục bị lỗi thì cuối cùng cũng sẽ bị bỏ rơi. Có sự đa dạng hợp pháp trong cách diễn đạt phụng vụ của Giáo Hội, và không phải mọi thực hành phụng vụ được chấp nhận cũng đều làm hài lòng tất cả mọi người. Có lẽ đối với chúng ta, những gì có vẻ là thiếu sót thực sự có một phần giá trị.
    Trong mọi trường hợp, một đời sống thánh thiện là bằng chứng tuyệt hảo nhất cho sự biến đổi cách mạnh mẽ của phụng vụ được cử hành đúng đắn. Không thể có sự thánh thiện nếu không có đức ái, và đức ái thì không áp đặt, không nuôi hận thù, và “không đi tìm tư lợi” (1Cor 13, 5).
    3. HÃY CHỐNG LẠI TINH THẦN TRANH CHẤP
    Đôi khi, chúng ta được mời gọi để đưa ra lời chứng cách điềm tĩnh nhưng thẳng thắn về đức tin của mình, nhưng không phải là ngày nào cũng thế. Nói chung, tốt hơn là bạn nên tránh tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt với những người khác tôn giáo hoặc với những người anh chị em “mỏng giòn” hơn.
    “Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ: chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” (2 Tm 2, 14)
    Thay vào đó, chúng ta hãy làm chứng nhân cho thập giá Đức Kitô được thể hiện bằng hành động của chúng ta, sao cho có sức thuyết phục với những người cần phải xác tín.
    Sự kiềm chế càng trở nên cần thiết khi xảy ra những cuộc tranh cãi liên quan đến giáo lý hoặc thể chế của Giáo Hội. Những vấn đề ấy thường khó giải quyết và không có sẵn câu trả lời. Việc giải quyết chúng chỉ khơi dậy lên sự tức giận không cần thiết.
    Khi bắt đầu một cuộc thảo luận, chúng ta hãy tránh những kiểu luận điệu không hay và hãy khuyến khích một cuộc đối thoại lành mạnh xoay quanh “… những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” (Pl 4, ��
    4. ĐÁNH GIÁ ĐÚNG VAI TRÒ CỦA CHÍNH TRỊ
    Như những công dân khác, chúng ta phải chu toàn nghĩa vụ công dân của mình và với tư cách là người Kitô hữu, thật tốt khi chúng ta rao giảng thông điệp của Đức Kitô đến toàn thể cộng đồng.
    Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng đừng chính trị hóa mọi sự. Luôn có thời gian và địa điểm cho chính trị, cũng như mọi thứ khác.
    Hãy nhớ rằng không có phong trào chính trị hay ý thức hệ nào nói lên đức tin của chúng ta. Tóm lại, “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.” (Tv 146, 3), nhưng chúng ta hãy nhớ rằng: “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20).
    5. ĐỪNG ĐỂ ANH CHỊ EM CHÚNG TA VẤP NGÃ VÌ NHỮNG SỰ GÂY CHIA RẼ
    Cái chết và ơn cứu rỗi của Đức Giêsu trên thập giá bị người đời cho là “sự ô nhục” (1 Cr 1, 23; Gl 5, 11). Việc công bố về Đấng Cứu Thế bị đóng đinh là chướng ngại đối với nhiều người.
    Con đường đến với Đức Kitô thật không hề dễ dàng. Do đó, chúng ta hãy cố gắng đừng làm xáo trộn con đường của anh chị em mình bằng những từ ngữ gây chia rẽ, đặc biệt là khi họ quan tâm đến những vấn đề không là nền tảng quan trọng cho sự cứu rỗi.
    “Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã.” (Rm 14, 13).
    Tất nhiên, đôi khi chúng ta cần phải nói lên những điều chính trực, thẳng thắn. Nhưng đã biết bao lần chúng ta làm tổn thương Đức Kitô và người thân cận khi viện cớ là nói thẳng, nói thật?
    Không phải tất cả sự thật khi nói ra đều tốt, đặc biệt là khi những lời đó có thể làm tổn thương đến anh chị em chúng ta. Thường thì việc giữ im lặng sẽ tốt hơn và sẽ ít làm giảm đi giá trị của Tin Mừng, so với việc đưa ra những nhận xét thái quá không cần thiết.
    6. DÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CHO CHÚA, KHÔNG PHẢI CHO THẾ GIAN
    Các ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng tạm dừng mọi thứ và để kín múc nguồn ánh sáng của Thiên Chúa và sau đó chiếu tỏa ra thế giới. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua cơ hội này, chúng ta thường thích chơi thể thao, chạy các việc vặt hoặc không làm gì cả.
    Tất nhiên, việc đáp ứng một số nhu cầu trong đời sống hằng ngày là chính đáng, nhưng sẽ rất tốt nếu bạn tách riêng ngày Chúa Nhật ra, tận dụng nó để thực hiện các việc thúc đẩy sự suy gẫm và ca ngợi Chúa. Điều này sẽ giúp chúng ta bổ sung lại nguồn năng lượng và để ta cảm nếm được sự sống vĩnh cửu.
    Có lý do đằng sau điều răn “giữ ngày Chúa Nhật”. Suy cho cùng, chúng ta là những thụ tạo được nhập thể vào thời gian. Nếu chúng ta không cho Thiên Chúa thời gian để gặp gỡ chúng ta và ở với chúng ta, chúng ta sẽ không có sự mật thiết với Ngài.
    Chúng ta hãy cố gắng làm cho ngày Chúa Nhật trở thành một ngày dành riêng để tạ ơn Thiên Chúa và ca tụng danh Ngài là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Ngài là Đấng Toàn Năng! (Thánh Vịnh 91, 4).
    Tác giả: Magnús Sannleikur
    Chuyển ngữ: Maria Ngọc Tỷ
    Nguồn: aleteia.org (26.7.2021)
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - PHÉP MAU CỦA THINH LẶNG

  •  
    Kim Vu

     

    PHÉP MÀU CỦA THINH LẶNG

     

    Thinh lặng?  Xưa rồi Sơ ơi, thời nay không nói người ta bảo là tự kỷ đấy!

     

    Đó là phản ứng của một bạn trẻ trong một cuộc chuyện phiếm với các bạn trẻ khi tôi về quê nghỉ hè.  Tôi không rõ bạn ấy tên gì và cũng chợt quên mất không hiểu cả nhóm đang nói chuyện gì mà tôi lại nhắc đến hai chữ “thinh lặng” nữa, nhưng tôi nhớ sau lời phản ứng của bạn đó thì có một vài tiếng nữa xen vào: Đúng đấy, Sơ ơi!  Rồi các bạn ấy nhanh chóng chuyển sang một đề tài khác mà không hề để ý đến phản ứng của tôi.  Thế rồi tôi hiểu ý nên cũng không nhắc đến nữa.

     

    Câu nói của bạn đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: Có khi nào bạn ấy đúng, còn tôi đang lạc hậu chăng?  Nhất là trong một nền xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Con người luôn luôn trong tình trạng chạy đua với những thay đổi một cách chóng mặt, âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách của cuộc sống.  Thinh lặng thật khó!  Thế rồi, niềm vui bên gia đình, người thân và bạn bè trong những ngày hè khiến cái suy nghĩ đó cũng dần dần bị lãng quên.

     

    Rồi kỳ nghỉ kết thúc, tôi trở lại nhà dòng và chuẩn bị bước vào kì tĩnh tâm năm.  Không hiểu sao năm nào cũng vậy, tôi mong đợi những ngày này lắm.  Không phải để được ăn ngon, ngủ kĩ; cũng không phải lo lắng chuyện tông đồ hay bất cứ chuyện gì nhưng là tôi có nhiều giờ bên Chúa hơn để nhìn lại cuộc hành trình một năm đã qua của mình.  Vào mỗi dịp tĩnh tâm, ngoài những giờ cầu nguyện, tôi thường có một thói quen vẽ hay viết những suy tư của riêng mình theo các chủ đề mà Cha giảng phòng đưa ra.  Nhưng năm nay tôi quyết định không vẽ, không viết gì hết mà dành trọn thời gian thinh lặng trước Chúa.  Không hẳn vì câu nói của bạn trẻ đó mà tôi có quyết định như vậy đâu nhưng vì tôi cũng muốn có được những trải nghiệm riêng cho bản thân mình.  Tôi thinh lặng chiêm ngắm Chúa như đứa con ngồi dưới chân cha nó để chờ cha giải đáp cho một vấn nạn.  Và tôi bắt đầu lắng nghe…

     

    Khi tuần tĩnh tâm kết thúc thật bình an và những giây phút linh thánh vẫn còn vang vọng trong tôi.  Tôi quay trở lại với nhịp sống thường ngày của cộng đoàn.  Nhưng lạ thay, như vị khách không mời mà đến, cái cụm từ: Thinh lặng”, “xưa rồi” cứ lảng vảng trong cái đầu của tôi khiến tôi phải để ý đến nó.  Rồi mới đây, tôi được một người chị em cho mượn cuốn sách có tựa đề: “Sức mạnh của thinh lặng” của ĐHY Robert Sarah.  Tôi bắt đầu nghiền ngẫm nó và như có thêm nguồn động lực để xác quyết một điều vững vàng hơn.  Rằng: Quả thật, thinh lặng có phép mầu!  Và tôi quyết định viết cho bạn.

     

    Bạn thân mến!

    Đúng là thế giới mà chúng ta đang sống luôn tràn ngập những ồn áo náo nhiệt: Nào là tiếng vận hành của máy móc, xe cộ; nào là âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại; những tiếng ồn từ quán ăn, hàng nước…  Con người luôn phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm bởi tiếng ồn mà Tổ Chức Y Tế Thế giới vào năm 2011 đã gọi đó là một “dịch bệnh thời hiện đại.  Chúng ta làm sao có thể thinh lặng trong một môi trường như vậy?

     

    Thực tế, khi nhìn lại những chặng đường tông đồ trước đây của tôi: Ban ngày lên lớp hò hét với các cháu, tối về đi dạy hát, dạy múa rồi sinh hoạt các hội đoàn… có khi nào là ngưng nói đâu.  Mà đó toàn là những việc cần phải nói.  Và không biết tự lúc nào đời tu cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm tiếng ồn.  Chính vì thế, tôi có thể thông cảm được với nhận định của bạn.  Và có lẽ ở một góc độ nào đó, bạn đang đúng.

     

    Nhưng bạn biết không, có thể tôi và bạn, chúng ta luôn có những công việc của một ngày tất bật từ sáng đến tối.  Nó khiến ta lúc nào cũng ở trong tình trạng ồn ào, khó có thể thinh lặng nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thinh lặng.  Vì theo tâm lí, tự bản chất, sâu trong tâm hồn mỗi người vẫn luôn cần có những khoảng lặng.  Đã bao giờ bạn cầm một bản nhạc và ngân nga hát theo những giai điệu của nó chưa?  Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng, một bản nhạc hay không thể không có những dấu lặng hay những dấu nghỉ.  Tác giả đặt vào đó vừa là để thể hiện sắc thái của bài hát vừa là để cho người hát có chỗ lấy hơi, nếu không sẽ đứt hơi mất.  Hay đã bao giờ bạn đọc một bài văn mà không có dấu chấm nghỉ nào chưa?  Chuyện đó thật hiếm đúng không?  Như máy móc cần có lúc thay dầu nhớt, máy tính cần có lúc phải sạc pin,…  Cuộc sống của chúng ta cũng cần có những giây phút như vậy đó để làm mới lại bản thân theo một lập trình mới bạn ạ.

     

    Giả sử nếu chúng ta cứ làm việc, làm việc và làm việc; hay các bạn trẻ cứ học, học và học mà không nghe xem cơ thể mình nó đang muốn nói điều gì thì đến một lúc nào đó chắc chắn chúng ta sẽ phải nhập viện khẩn cấp vì kiệt sức.  Vậy điều gì sẽ giúp chúng ta lắng nghe được cơ thể của mình?  Thưa: Thinh lặng.  Thinh lặng giúp ta nghe được tiếng nhịp đập của con tim, những cung bậc cảm xúc để rồi tự sâu trong tâm hồn nó sẽ mách cho ta biết ta nên làm gì.  Và cũng chính thinh lặng sẽ giúp ta tìm lại được con người thật của chính mình.

     

    Hơn nữa, trong cuộc sống hằng ngày, thinh lặng có thể là điều kiện cần thiết để chúng ta sống được với tha nhân.  Bạn thử nghĩ xem, nếu cuộc sống lúc nào cũng ồn ào thì làm sao bạn có thể nhận ra đứa bạn ngồi cạnh mình hôm nay như có điều gì đó không vui?  Hay nhà hàng xóm bên cạnh nhà mình hình như hôm nay có chuyện buồn…  Nhất là trong thời đại dịch Covid-19 đang lan tràn như hiện nay.  Hỏi rằng chúng ta có thể hiểu được nỗi niềm của những gia đình đã mất đi người thân vì dương tính với Covid, hay ta có thể thấu được những nỗi niềm của các bệnh nhân ở tâm dịch đang phải chia sẻ không khí cho những con virus quái ác kia nếu như cuộc sống không có những khoảng lặng.  Chưa bao giờ tôi thấy người Ki-tô hữu đau khổ như hiện nay.  Họ khao khát những thánh lễ, những giờ kinh.  Họ ước ao được quỳ trước Thánh Thể Chúa để giãi bày những tâm tình nhưng điều đó thật khó!  Covid đã cướp đi tất cả những quyền lợi đó.  Tất cả giờ đây phải làm trong sự âm thầm.  Con người kêu trách Thiên Chúa: Tại sao?  Tại sao?…  Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nghe được tiếng Chúa nếu như không dành cho mình những phút thinh lặng để lắng nghe.  Bởi vì “Thiên Chúa nói bằng sự thinh lặng.  Sự Thinh lặng của Thiên Chúa là một lời nói” (x. Sức mạnh của thinh lặng, Robert Sarah).  Và tôi nghĩ cuộc sống luôn cần có những khoảng lặng mà tôi gọi nó là “giờ vàng” để con người có thể xích lại gần nhau hơn và nhờ đó mà chúng ta mới có thể hiểu mình và hiểu người hơn.  Như vậy thì thinh lặng đâu có lỗi thời mà rất hiện thời đấy chứ, phải không bạn?

     

    Bạn thân mến, có thể bạn sẽ cho rằng tôi hơi khùng khi nhắc đến một đề tài mà được coi là lạc lõng giữa một thế giới siêu kỹ thuật và ồn ào như hiện nay.  Con người đã quá quen với những tiếng ồn.  “Không có tiếng ồn con người cảm thấy bực bội và lạc lõng.  Tiếng ồn làm cho con người trở nên yên tâm hơn, nó như một thứ thuốc phiện mê hoặc khiến chúng ta không thể nhận ra đó là một loại chất rất nguy hại.  Nó khiến chúng ta không bao giờ đối diện được với khoảng lặng của mình là thế giới nội tâm.

     

    Nhưng tôi thiết nghĩ đó lại là một đề tài rất hữu ích cho bạn và cả cho tôi là những người đang phải sống trong một xã hội quá ồn ào.  Paul Xardel từng nói: “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe.  Vì vậy, hãy dành thì giờ để tìm thinh lặng, vì đó là lúc thuận tiện để gặp gỡ.  Gặp gỡ chính mình và gặp gỡ Đấng Vô Hình.  ĐHY Robert Sarah, khẳng định thêm: “Sự thinh lặng không thể thiếu để có thể lắng nghe âm nhạc của Thiên Chúa: CẦU NGUYỆN.  Vì chưng con người vốn nảy sinh từ thinh lặng và không ngừng chìm sâu vào thinh lặng để gặp gỡ Người.  Ai không chìm sâu vào thinh lặng thì có lẽ người ấy chẳng bao giờ đạt được sự thật, vẻ đẹp và tình yêu.  Và ĐTC Phaxicô giải thích: Thinh lặng này không phải là thinh lặng không lời nhưng là thinh lặng để nghe các tiếng nói khác: tiếng nói của tâm hồn và nhất là tiếng nói của Thần Khí.

     

    Nếu bạn cho rằng những điều tôi vừa nói không đáng tin thì ngay hôm nay bạn hãy cùng tôi, chúng ta hãy làm một trải nghiệm nhé.  Hãy dành cho mình những khoảng lặng nho nhỏ, chỉ khoảng 5-7 phút vào mỗi tối thôi như là những phút hồi tâm cuối ngày.

     Hãy để tâm hồn bạn thật trống rỗng trước Chúa và để cho Người lấp đầy bằng ân sủng và bình an.  Tôi tin chắc bạn sẽ khám phá ra một điều mà bấy lâu nay bạn đã bỏ qua, rằng: Thinh lặng có phép mầu!

     

    Chúc bạn luôn Bình an!

     

    Têrêsa nhỏ

     

     

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - GIỚI TRẺ NIỀM VUI

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     

    THƯ GỬI BẠN TRẺ CÔNG GIÁO:

    LÀM SAO ĐỂ TÌM THẤY NIỀM VUI


    Chúng ta thường thất bại trong việc tìm kiếm những gì chúng ta muốn làm. Chúng ta dễ bám vào những thú vui thấp hèn hơn...

     

    Bạn thân mến,

    Một trong những điều đầy tràn niềm vui nhất mà tôi từng đọc là một bức thư bắt đầu với hàng chữ: "Tôi bị u não." Tác giả là một phụ nữ ngoài 30 tuổi: vợ của một người chồng tận tụy, mẹ của 4 đứa con thơ, bạn của những người bạn rất thân thiện. Nhân được chẩn đoán bệnh giai đoạn cuối, Beth Haile biết mình sắp chết, và cô rất vui.

     

    Điều đó không có nghĩa là Beth mừng rỡ vì sắp chết. Beth yêu cuộc sống, yêu chồng, yêu con, và yêu mến bạn bè của mình. Beth không muốn rời bỏ thế giới này, và cũng không muốn những người cô yêu thương không còn có cô bên cạnh. Beth vẫn có được niềm vui dù cô không hài lòng về mọi sự xảy đến với mình.

     

    Bốn năm trước khi viết lá thư về tình trạng bệnh giai đoạn cuối, Beth đã viết một lá thư khác về việc cô sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho cuộc đời của mình. Sau 1 năm cầu nguyện và phân định, Beth quyết định cân bằng lại cuộc sống và công việc. Vì biết mình không thể làm tất cả mọi thứ, Beth đã lựa chọn cách có chủ đích về những gì cần được đặt lên hàng đầu, và những gì là thứ yếu trong cuộc sống. Vào thời điểm phát hiện ra khối u não, Beth đã sống được vài năm với những cam kết rõ ràng của mình. Cô đã tìm thấy niềm vui, mặc dù cô đã phải hy sinh nhiều thứ để thực hiện những cam kết này.

     

    Và rồi, 1 năm sau khi viết lá thư về tình trạng bệnh, Beth qua đời. Cô ra đi với nỗi buồn vì sự chia lìa chồng con, bạn bè, và thế giới này, nhưng đồng thời, cô ra đi với lòng biết ơn đối với tất cả. Hạnh phúc là một thứ hay thay đổi, nhưng niềm vui đủ rộng để chứa đựng nỗi buồn và lòng biết ơn.

     

    Tôi đã đọc lá thư công khai của Beth nhiều lần. Tôi xem cô ấy như một chứng nhân của niềm vui. Beth tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này và chờ đợi niềm vui trong cuộc sống mai hậu. Đó không phải là những niềm vui riêng biệt mà là cùng một niềm vui: Niềm vui đã bắt đầu trong cô ở đây, và sẽ nên trọn vẹn mai này.

     

    Tôi không kể cho bạn nghe câu chuyện của Beth để tuyên truyền rằng "bạn có thể sẽ chết vào ngày mai". Ngay cả khi Beth còn sinh thời, tôi vẫn xem cô ấy là chứng nhân của niềm vui. Niềm vui cô có được trong lá thư 4 năm trước đó cũng nhiều như niềm vui trong lá thư sau cùng. Có những thứ Beth yêu thích trước khi định hướng lại cuộc đời, và cô đã phải bỏ lại một số những thứ đó. Thật đau đớn khi làm điều đó nhưng Beth đã sẵn sàng để lưu tâm đến một lời mời gọi sâu xa hơn bằng cách vượt lên trên những gì đã trở nên thoải mái, quen thuộc, và mở ra cho mình một cuộc sống viên mãn, trong niềm vui.

     

    Việc chết sớm không phải là điều làm cho cuộc sống của Beth trở nên trọn vẹn, nhưng cách cô tiếp cận cái chết sớm của mình cho chúng ta thấy hoa trái của cuộc sống viên mãn ngay trong hiện tại. Beth đã tự do để ôm lấy nỗi buồn về những điều gây phiền muộn cho cô, và thể hiện lòng biết ơn về những gì đã khiến cô biết ơn. Beth cho thấy niềm vui nghĩa là gì.

     

    Chứng tá của Beth nói lên điều mà chúng ta cần nghe: Bạn phải sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc để tìm thấy niềm vui.

     

    Sự Hy sinh của Niềm vui

    Nhìn vào cuộc đời Mẹ Têrêsa Calcutta, một trong những vị thánh vĩ đại nhất của thế kỷ XX, chúng ta sẽ thấy nơi Mẹ điều gì đó rất giống với những gì chúng ta thấy nơi Beth. Mẹ cũng từ bỏ hạnh phúc để tìm kiếm niềm vui.

     

    Mẹ Têrêsa Calcutta hiếm khi nói về thời thơ ấu của mình, nhưng mỗi khi đề cập đến nó, Mẹ luôn nói rằng Mẹ xuất thân từ một ngôi nhà hạnh phúc. Cha của Têrêsa dạy cô đón tiếp mọi người, đặc biệt là người nghèo, đến nhà để chia sẻ những gì họ có. Mẹ của Têrêsa dạy cô cách đi ra khỏi ngôi nhà hạnh phúc của mình để hướng đến những người nghèo khổ trong cộng đồng. Têrêsa sớm nhận thức rằng ngôi nhà hạnh phúc của mình là nơi để chào đón và phục vụ mọi người. Khi còn là một thiếu nữ, Têrêsa được mời gọi gia nhập một cộng đoàn tu dòng phục vụ trẻ em ở miền Ấn Độ xa xôi, và cái giá phải trả cho việc đi theo tiếng gọi đó là việc rời bỏ ngôi nhà thời thơ ấu hạnh phúc của mình mãi mãi. Têrêsa đã lên đường.

     

    Nỗi đau của việc dời xa gia đình đã dẫn Nữ tu Têrêsa đến giáo dục những người nghèo Bengali ở Ấn Độ và ngài đã rất hạnh phúc về điều này. Thực sự, ngay cả sau này, Sơ nói rằng được sống như là một Nữ tu Loreto là điều hạnh phúc nhất mà Sơ từng trải nghiệm. Nhưng cuối cùng, khi được biết về những người thậm chí còn nghèo hơn những người mà mình đang phục vụ, và ngay sau đó, Sơ nhận ra tiếng gọi rất rõ ràng từ Thiên Chúa là hãy đi phục vụ những người “nghèo nhất trong số những người nghèo”. Sơ hạnh phúc ở Loreto, nhưng Sơ không bám víu vào hạnh phúc của riêng mình. Thay vào đó, Sơ bắt đầu xin phép các Bề trên trong dòng để đáp lại tiếng gọi cụ thể này. Sau 2 năm, khi được chấp thuận, Sơ đã bỏ Loreto lại phía sau mãi mãi.

     

    Nỗi đau khi phải rời bỏ Loreto đã đưa Mẹ Têrêsa - và các nữ tu Thừa sai Bác ái tiếp nối - đến với niềm vui yêu thương những người nghèo nhất trong số những người nghèo, trước hết là trên đường phố Calcutta, và sau đó là trên khắp thế giới. Nhìn thấy những người chết trên đường phố mà không có ai chăm sóc, Mẹ Têrêsa đã đưa họ vào nhà để họ được yêu thương và tôn trọng. Tìm kiếm những người mà nỗi khốn khổ bị che khuất tại những nơi bị lãng quên, Mẹ Têrêsa đã đến để bầu bạn, và mang lại cho họ ánh sáng của tình yêu.

     

    Theo đuổi niềm vui

    Mẹ Têrêsa trở thành chứng nhân của niềm vui. Một người đã được chứng tá của Mẹ Têrêsa biến đổi đó là một chuyên gia truyền thông rất thành công tên là Malcolm Muggeridge, người đã đến Ấn Độ để viết tiểu sử Mẹ Têrêsa. Dần dà, Muggeridge bắt đầu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước Mẹ Têrêsa và những nữ tu Thừa sai Bác ái, nhưng một chuyện khác cũng đã xảy ra, như Malcolm diễn tả:

    Đồng hành với Mẹ Têrêsa … đến Ngôi nhà dành cho người Hấp hối, đến với những người phong hủi và những đứa trẻ vô thừa nhận, tôi thấy mình đã trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là nỗi kinh hoàng xen lẫn sự thương hại, thứ đến là lòng trắc ẩn trong sáng, giản dị, và cuối cùng, sự vượt lên trên lòng trắc ẩn, điều mà tôi chưa từng trải nghiệm, đó là, nhận thức rằng những người đàn ông và phụ nữ đang chết dần chết mòn và vô thừa nhận này, những người phong hủi không còn bàn tay này, những đứa trẻ được không mong muốn này, không đáng thương, đáng ghê tởm hay đáng khinh bỉ, mà là rất thân thương và thú vị. (x. Something Beautiful for God)

     

    Vốn là người e ngại sự dị dạng, bệnh tật, và nghèo đói, Malcolm rất hài lòng với cuộc sống sạch sẽ, ngăn nắp của mình. Việc đi theo Mẹ Têrêsa đã dẫn anh đến với những gì anh sợ hãi. Nhưng, khi ở giữa những người nghèo khổ và đau khổ, Malcolm đã bắt đầu thay đổi, bởi vì anh không tháo chạy. Malcolm không chỉ động lòng trắc ẩn mà còn bắt đầu thấy hào hứng với chính những cảnh đời mà trước đây đã từng khiến anh sợ hãi. Malcolm cảm thấy có sự đồng hành với họ, hân hoan với họ, anh đã tìm thấy niềm vui.

     

    Nơi đặt trái tim của chúng ta

    Chúng ta thường thất bại trong việc tìm kiếm những gì chúng ta muốn làm. Chúng ta dễ bám vào những thú vui thấp hèn hơn, sự an toàn, tiện nghi, và thói quen của chúng ta. Chúng ta bỏ qua lời mời gọi đến với niềm vui.

    C.S. Lewis đã viết về điều này trong một bài giảng nổi tiếng:

    Dường như Đức Chúa nhận thấy những ước muốn của chúng ta không mạnh mẽ nhưng quá yếu đuối. Chúng ta là những sinh vật nửa vời, làm những chuyện ngớ ngẩn với rượu chè, tình dục, và tham vọng khi niềm vui vô hạn được ban tặng cho chúng ta. … Chúng ta quá dễ hài lòng với những gì mình có. (x. The Weight of Glory)

     

    Thiên Chúa không muốn chúng ta dập tắt ước muốn của mình; thực ra, ước muốn của chúng ta thấp kém và dễ bị kích động. Việc thiếu quả quyết đã ngăn cản chúng ta khao khát nhiều hơn - cho chính mình và cho nhau. Chúng ta được dựng nên để có được niềm vui giống như niềm vui mà Beth Haile đã nếm trải. Niềm vui mà Mẹ Têrêsa tìm kiếm không lớn hơn niềm vui được dành cho chúng ta. Chúng ta có thể cho rằng chúng ta không muốn có niềm vui giống như thế, nhưng chính sự chúng ta cảm thấy không thoả mãn đối với những điều thiếu hụt là một dấu chỉ cho thấy chúng ta được dựng nên không phải là những sinh vật nửa vời nhưng là những con người khao khát sự trọn hảo.

     

    Những gì đúng với Beth, với Mẹ Têrêsa và với Malcolm cũng đúng với chúng ta: Chúng ta phải sẵn sàng từ rời bỏ hạnh phúc để tìm thấy niềm vui. Đó là cùng một niềm vui duy nhất: niềm vui của Chúa Kitô.

     

    Nếu bạn không thể tin vào Đức Kitô, thì hãy tập làm những gì mà những người như Beth và Mẹ Têrêsa đã làm. Hãy sẵn sàng để lại hạnh phúc và sự thoải mái để hướng về phía những người cần được giúp đỡ. Hãy biến những đau khổ của người khác thành của riêng bạn. Hãy vui mừng trước điều tốt của người khác. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta đạt được niềm tin bằng hành động, ngay cả khi phải mất một thời gian dài để đạt được điều đó.

     

    Sự thật là: chẳng có niềm vui trọn vẹn nào nếu thiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực sự, tôi không vui vẻ như tôi phải như vậy. Xin cầu nguyện để tôi có thể lớn lên trong niềm vui, ngày càng biết dâng trao đời mình cho Thiên Chúa, và cho đường lối của Người. Đến lượt mình,  tôi cũng sẽ cầu nguyện cho bạn như vậy.

     

    Trân trọng,

    Tiến sĩ Leonard J. DeLorenzo

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
    Dòng Đa Minh Thánh Tâm
    Chuyển ngữ từ: 
    www.osvnews.com (01. 8. 2022)

    WHĐ (02.9.2022)

     


    [1] Tiến sĩ Leonard J. DeLorenzo, làm việc tại Viện McGrath về Đời sống Giáo hội và dạy thần học tại Đại học Notre Dame