3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LỄ CHÚA BA NGÔI

  • Jerome Nguyen Van Noi
    Thu, Jun 4 at 4:44 PM
     
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

    ----oooOooo----

     

    CHÚA NHẬT X THƯƠNG NIÊN NĂM A (05/06/2020)

     

    HUYỀN NHIỆM BA NGÔI

     

    "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người

    để tất cả những ai tin ở Con của Người,

    thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”

     

    I. DẨN VÀO LỜI CHÚA

    Chỉ cần quan tâm một chút chúng ta sẽ thấy các lễ của Phụng Vụ được sắp xếp một các rất lô gích: Sau Cuộc Khổ Nạn là Sự Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Giêsu Kitô. Rồi đến biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ khai sinh Hội Thánh Kitô giáo. Lễ Chúa Ba Ngôi là tột đỉnh và là điểm kết thúc của lô-gích ấy. Nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần) là một huyền nhiệm chứ không phải là chuyện dễ hiểu đối với trí khôn loài người.

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIO-AN 3,16-18: Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".

    III. HUYỀN NHIỆM BA NGÔI  (BÀI VIẾT CỦA BẢO LỘC)

    http://gxdaminh.net/hinhanh/tinmung/bangoi8.jpg

    Bạn thân mến,

    Trong mặc khải Thánh Kinh, có lẽ các bản văn trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ rất khiêm tốn.  Câu văn nổi tiếng nhất nói về Thiên Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêu đoạn 28, câu 19 mà chúng ta vừa nghe:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Và phụng vụ đã không ngần ngại chọn lời chúc lành trong thư thứ  hai của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô làm lời chào nhân danh Chúa Ba Ngôi đầu Thánh lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…”  (2 Cr 13:13).

    Tín điều Một Chúa Ba Ngôi là cách người Kitô chúng ta hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.  Cũng như anh em Do thái giáo và Hồi giáo, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất, chứ không phải là ba Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa này được mạc khải cho chúng ta trong quan hệ ba chiều của yêu thương giữa ngôi Cha, ngôi Con, và Thánh Linh.  Ba Ngôi đồng hình đồng dạng thành một đơn vị yêu thương duy nhất, nhưng lại có sự khác biệt:  Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Linh. Trong tương quan giữa Ba Ngôi, cả ba không phải là các cá vị đơn lẻ, nhưng là mối tương quan hài hoà – hiệp nhất trong khác biệt, đấy chính là bản thể của Thiên Chúa.

    Thánh I-nhã thành Loyola đã cảm nghiệm Ba Ngôi như ba nốt nhạc của một hợp âm – hài hoà nhưng không đơn điệu. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là một vị Thượng Đế cô độc ở một cõi xa xăm nào đó, nhưng là một cộng đoàn hiệp thông yêu thương.

    Đã có thời người ta cho rằng khoa học và tôn giáo không đi đôi với nhau.  Nhiều người cho rằng với óc quan sát và phương pháp thực nghiệm, khoa học có thể giải thích tất cả những hiện tượng trên cõi đời này.  Một số người cực đoan hơn thì cho rằng khoa học có thể thay thế tôn giáo.  Tin vào khoa học thì không cần phải mê tín dị đoan, đi theo những tín điều lỗi thời không thể kiểm chứng.  Chẳng hạn như làm sao Ba lại bằng Một!  Phản logic!

    Thực ra về bản chất, khoa học thực nghiệm không mâu thuẫn với tôn giáo.  Càng khám phá sâu xa về vũ trụ bao la, con người càng thấy mình nhỏ bé hơn, khiêm tốn hơn trong chiều sâu tri thức của mình.  Ngay cả trong đời sống con người, không phải điều gì cũng có thể giải thích được bằng khoa học thực nghiệm.  Tình yêu chẳng hạn.  Ai có thể cân đong đo đếm được tình yêu bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm?  Ngay cả khoa tâm lý học cũng chẳng định nghĩa được tình yêu.  Chỉ có ai đang yêu mới thực sự biết tình yêu là gì. Thế nên Một Chúa Ba Ngôi không phải là điều gì có thể giải thích hoặc nghiên cứu thấu đáo.  Con kiến không thể nghiên cứu về con người một cách trọn vẹn được.  Những gì con kiến biết được về loài người chỉ thích hợp với ngôn ngữ của loài kiến mà thôi.

    Đứng trước huyền nhiệm Thiên Chúa, cách hay nhất là thinh lặng khiêm tốn biết ngôn ngữ của chúng ta có giới hạn.  Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, không một hình ảnh, một ngôn từ nào có thể diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được.  Tuy vậy, chúng ta có thể tạm dùng một vài hình ảnh từ cuộc sống để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Ba Ngôi trong cuộc đời mình.

    Khi nhìn vào mặt trời chẳng hạn, chúng ta có thấy được ánh sáng, sức nóng, và sức cháy.  Cả ba đan quyện lấy nhau, đến đỗi không thể tách biệt được đâu là ánh sáng, đâu là sức nóng, và đâu là sức cháy của mặt trời.  Nguồn năng lượng cháy bỏng là hình ảnh của Chúa Cha, ánh sáng mặt trời là hình ảnh của Chúa Con, sức nóng bức xạ mặt trời là hình ảnh của Chúa Thánh Thần.  Ai nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì biết mặt trời.  Ai cảm nghiệm được sức nóng của mặt trời thì biết mặt trời.  Mặt trời mang lại sự sống cho muôn loài muôn vật.  Không có mặt trời thì sự sống trên trái đất này không thể tồn tại như chúng ta đang thấy.

    Ba Ngôi cũng có thể ví như một dòng sông mang sự sống đến cho con người và muôn vật.  Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông.  Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người.  Chúa Con là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy.  Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.

    Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết.  Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy.  Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca.  Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Bạn thân mến,

    Chuyện kể rằng: Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi “De Trinitate”, thánh Augustine thành Hippo đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện.  Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát.  Augustine dừng chân hỏi: “Em làm gì thế?”  Em bé trả lời: “Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.”  Augustine mỉm cười và nói:  “Làm sao tát hết được?”  Nhưng cậu bé nghiêm nét mặt và nói: “Tôi làm việc này còn dễ hơn ngài đang ảo vọng muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.”

    Nói đoạn, em bé biến mất.  Augustine hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.   Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài.  Thực vậy, mạc khải về Ba Ngôi đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.

    Mầu nhiệm Ba Ngôi không chỉ là lời nói xuông, nhưng cần được đưa vào cuộc sống.  Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô.  Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào.  Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Đấng Sáng Tạo, Cứu Rỗi và Thánh Hóa.

    Mỗi khi chúng ta cùng với Thiên Chúa sáng tạo thế giới này, hàn gắn, chữa lành, và thăng hoa nó là chúng ta đang đi sâu vào mầu nhiệm Ba Ngôi.  Mỗi khi chúng ta tập sống trong mối tương quan yêu thương và hiệp nhất trong sự khác biệt là chúng ta đang tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

    Hôm nay, mừng kính lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu nguyện để được ơn cảm nghiệm và sống mầu nhiệm ấy.  Có như thế đời sống chúng ta ngày càng triển nở hơn, hạnh phúc hơn.

    Bảo Lộc

    Sài-gòn ngày 05 tháng 06 năm 2020

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội sưu tầm

     

    --
    Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "SLCHN".
    Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/slchn/CAMfwAgo9cZhNcCVT9oCafTKO8YOb7Cp7fK9EGniTrw4iky15YA%40mail.gmail.com.
    •  
      HUYEN NHIEM CHUA BA NGOI.doc
      74.5kB

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -THỨ NĂM CN9TN-A

  • Hong Nguyen


    THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN A

    NGÀY 04/06/2020



     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 28-34)

    Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?". Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
     
    SUY NIỆM

     

    Thánh Gioan đã quả quyết: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa là Đấng họ không thấy, mà lại không yêu thương anh em là kẻ mà họ thấy trước mắt, đó là người nói dối” (1Ga 4, 20).

    Thiên Chúa đã tạo dựng con người và Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, để con người nhận ra Thiên Chúa ngay trong chính anh em mình, để chúng ta có thể dễ dàng yêu thương anh em mình hơn. Nên khi những người luật sĩ chất vấn Đức Chúa Giêsu xem giới răn nào là quan trọng nhất, Người đã trả lời một cách xác quyết rằng: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".

    Chính lời xác quyết và thái độ của người luật sĩ đã cho chúng ta một sự khẳng định cách chắc chắn về giới răn yêu thương đối với Thiên Chúa và với tha nhân là điều quan trọng hơn tất cả. Nếu con người có được tất cả nhưng thiếu tình yêu thương dành cho Thiên Chúa và tha nhân thì cũng là không không mà thôi.

    Qua Lời Chúa dạy hôm nay, giúp mỗi người chúng ta nhận ra, tình yêu thương Chúa không chỉ là lời nói suông từ môi miệng Chúa Giêsu, nhưng đó chính là giới răn, là lệnh truyền mà Chúa kêu mời mỗi người chúng ta vâng theo. Nếu làm được đúng như Lời Chúa dạy chắc chắc chúng ta cũng được Chúa nói với chúng ta như đã nói với người luật sĩ: con không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu.

    Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Xin mở rộng tim con và tâm hồn con, để con vũng vàn tin yêu vào Chúa và nhân ái với tha nhân hơn. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
    Kính ch
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

CHIA SẺ TIN MỪNG HÀNG TUẦN

 

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(31-05-2020)

Bình an tâm hồn là điều kiện cần thiết
để phát triển đời sống tâm linh

ĐỌC LỜI CHÚA

  • Cv 2,1-11:(1) Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, (2) bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (3) Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

 

  • 1Cr 12,3b-7.12-13:(4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (5) Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (7) Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

 

  • TIN MỪNG: Ga 20,19-23

 

Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ


(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.


CHIA SẺ

 

Câu hỏi gợi ý:

  1.  Từ xưa đến nay, bạn có quan tâm tới bình an trong tâm hồn, thứ bình an luôn tồn tại trong lòng bất chấp giống tố hay thử thách trong cuộc đời không? Ðã bao giờ bạn cảm thấy hạnh phúc vì nếm được sự bình an ấy chưa? Nếu chưa, bạn hãy xét xem tại sao? Vì đúng ra, đã là Kitô hữu thì phải có sự bình an ấy!

    2.   Bạn có biết sự bình an mà Ðức Giêsu cầu chúc cho các môn đệ của Ngài rất cần thiết để phát triển đời sống tâm linh không? Muốn có sự bình an ấy phải làm thế nào?

    3.   Có bao giờ bạn nghĩ rằng tính ích kỷ, thiếu bụng chung của mình là nguyên nhân khiến mình không lãnh nhận được Thánh Thần không? Bạn có biết tại sao không?

 

Suy tư gợi ý:


  1. Bình an tâm hồn, điều kiện quan trọng để phát triển tâm linh

    Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Ðức Giêsu sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương» (Lc 2,14). Ðiều Ðức Giêsu khuyên các môn đệ làm khi vào nhà mọi người để loan báo Tin Mừng là: «Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy» (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Sau khi chữa lành bệnh cho ai, Ðức Giêsu cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Khi gặp các môn đệ, nhất là những lần sau khi phục sinh, Ðức Giêsu luôn luôn cầu chúc: «Bình an cho anh em!» (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,26). Thánh Phêrô và Phaolô gọi Tin Mừng mà các ngài loan báo là «Tin Mừng bình an» (Cv 10,36; Ep 2,17; 6,15).

    Trong cuộc sống đời thường, bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển; trong đời sống tâm linh cũng vậy. Sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh cũng như niềm vui nội tâm phát triển. Không có bình an trong tâm hồn, đời sống tâm linh không phát triển được. Và người có đời sống tâm linh phát triển thì tâm hồn luôn luôn bình an, bất chấp những xáo trộn, bất an do ngoại cảnh. Có bình an mới có hạnh phúc. 

    Sự bình an mà Tin Mừng nói đến, mà Ðức Giêsu cầu chúc hoặc hứa ban, chủ yếu là thứ bình an trong tâm hồn hơn là thứ bình an bị lệ thuộc vào ngoại cảnh. Bình an bên ngoài thuộc thể chất hay vật lý thì người thế gian cũng có thể ban cho ta được, nhưng họ khó có thể ban được bình an trong tâm hồn. Còn Ðức Giêsu chủ trương ban sự bình an ấy: «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian»(Ga 14,27). Sự bình an cũng như niềm vui nội tâm ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Ðó là một thứ bình an và niềm vui độc lập với ngoại cảnh, không vì khó khăn hay rắc rối bên ngoài mà bị mất.

    Người Kitô hữu cần phải đạt được sự bình an và niềm vui nội tâm ấy. Ðể đạt được, họ chỉ cần thật sự tin tưởng vào Tin Mừng và sống tinh thần Tin Mừng, vì Tin Mừng này là «Tin Mừng bình an». Sống tinh thần Tin Mừng là: sống yêu thương thật sự, tin tưởng và phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, luôn tha thứ không để tâm chấp nhất lỗi lầm của bất kỳ ai, nhất là sống tinh thần tự hủy, không đặt quá nặng cái tôi của mình, nhận ra thánh ý Thiên Chúa luôn luôn khôn ngoan và đem lại nhiều ích lợi hơn ý riêng của mình, có tinh thần siêu thoát, không quá gắn bó với những thực tại chóng qua của trần gian.



    2.  Bình an nội tâm, điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Ðức Giêsu trước khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ đã lập lại một lần nữa lời cầu chúc «Bình an cho anh em!» (Ga 20,19b.21a). Như vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5,22)? Thực ra, điều kiện quan trọng để nhận được Thánh Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích thêm sức  tức lãnh nhận Thánh Thần  phải sạch tội, nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Mà một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, sống theo tinh thần của Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn.

    Bình an này chỉ đến với hoặc ở với những ai xứng đáng với nó, tức những người sống theo tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, tinh thần Tám Mối Phúc của Ðức Giêsu (x. Mt 5,3-12), là lối sống siêu thoát: «Ai đáng hưởng bình an, thì bình an sẽ ở lại với người ấy» (Lc 10,6). Những người chạy theo tinh thần thế tục, coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam. không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần, có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể được ban cho người không có bình an vật lý hay thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người không có bình an nội tâm.

    Những ai đã cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui nội tâm thật sự  nghĩa là thứ bình an lâu dài và thường xuyên đều cảm thấy đó là một phần thưởng rất lớn và xứng đáng cho việc sống theo tinh thần Tin Mừng của mình; vì họ đã được phần nào nếm trước hạnh phúc thiên đàng ngay tại trần thế này, thứ hạnh phúc tự tại trong lòng họ, không ai lấy mất được. Ðang khi những người khác cho họ là dại dột vì từ bỏ những lợi lộc và thú vui trần tục, thì họ lại cảm thấy chính những người theo đuổi những thứ chóng qua và dễ bị cướp đoạt ấy mới là dại dột. Những người này đã từ bỏ một cái gì quí giá, sâu xa và trường tồn để đổi lấy cái mau qua, dễ mất. 

    Các tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi đã suy nghĩ như thế vì thật sự cảm nghiệm được sự bình an và Thánh Thần Ðấng ban bình an luôn ở với họ. Các ngài đã quí Thánh Thần và sự bình an ấy hơn cả mạng sống và mọi thứ của cải trần gian. Còn chúng ta, những kẻ đang mang danh Kitô hữu, thì sao?



    3.  Nhận lãnh Thánh Thần để được sai đi

    Ngay trước khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các tông đồ, Ðức Giêsu không chỉ chúc bình an, mà còn nói: «Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em» (Ga 20,21). Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần còn có một mục đích quan trọng là để làm công việc của Thiên Chúa. Trong sách Công Vụ Tông Ðồ, ngay sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ lập tức làm việc cho Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng một cách mạnh dạn, không sợ sệt, và còn làm được nhiều điều kỳ diệu: các ngài nói một cách rất bình thường nhưng ai nấy đều nghe thấy các ngài nói ngôn ngữ của mình, các ngài còn có thể trừ quỉ ám hay chữa khỏi những bệnh nan y trong chốc lát.

    Thánh Thần được ban xuống trên những ai xứng đáng lãnh nhận với nhiều quyền năng kèm theo, không phải để phục vụ cho lợi ích riêng của người ấy, mà vì lợi ích chung của mọi người: «Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung» (1Cr 12,7). Vì thế, những ai được ơn đặc biệt của Thánh Thần đều phải dùng ơn ấy để phục vụ mọi người, nhất là để loan báo Tin Mừng, để thăng tiến đời sống tâm linh con người, để giúp ích cho Giáo Hội, cho xã hội và thế giới. Không ai lãnh nhận ơn Thánh Thần lại được phép dùng ơn ấy cho lợi ích riêng của mình: để được danh tiếng, được kính nể, nhờ đó được lên chức, được nắm quyền, được dồi dào tiền bạc, v.v. Những người có những ý hướng vị kỷ ấy cho dẫu có làm những công việc tốt đẹp, cũng không thể lãnh nhận Thánh Thần. 

    Vậy, muốn lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta cần phải có bụng chung, biết lo lắng cho công việc chung, của Giáo Hội hay xã hội, của tập thể hay cộng đoàn, của quê hương đất nước. Vừa tha thiết xin Thánh Thần đến với mình, vừa giữ tính ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình, không hề nghĩ đến người khác thì chẳng khác gì muốn thổi cơm mà lại đổ cát vào nồi. Thật là công dã tràng, nhưng có biết bao Kitô hữu đang làm như vậy! Bạn có làm như vậy không? Ðừng chờ đợi có ơn Thánh Thần rồi mới làm tông đồ, hãy hăng say làm tông đồ trước đi rồi tự động Thánh Thần sẽ được ban cho ta!



    CẦU NGUYỆN


Tiếng Chúa nói với tôi: «Sự bình an của Cha rất quí giá, nên đã có biết bao người sẵn sàng hy sinh tất cả để có được sự bình an ấy! Họ là những người khôn ngoan. Vì chỉ có thứ bình an ấy mới làm cho họ hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà thế gian không thể ban được, cũng không thể hủy hoại được. Thứ bình an ấy, Cha chỉ ban cho những người xứng đáng, những người dám thật sự sống Tin Mừng của Cha. Con chắc chắn sẽ được sự bình an ấy nếu con thật sự sống đúng những đòi hỏi của Tin Mừng. Con có dám sống như thế không? Nếu không dám thì con cũng đừng lấy làm lạ và thắc mắc tại sao Cha không ban thứ bình an ấy cho con!»

 

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu: 
Làm sao tạo điều kiện để Thánh Thần hoạt động trong ta? (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/05/hienxuong2.html). 

-----------------------------------------

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ HAI 01-6-2020

 

  • nguyenthi leyen
    Sun, May 31 at 9:31 PM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    5 PHÚT LỜI CHÚA    
    01.06.20

    THỨ HAI TUẦN 9 TN

    Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh

    Mc 12,1-12

    TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM

     

    Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: Chúng sẽ nể con ta. Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.”  (Mc 12,6-7)

    Suy niệm/SỐNG: Qua dụ ngôn những tá điền sát nhân, Chúa Giê-su tóm tắt toàn bộ lịch sử ơn cứu độ.

     Thiên Chúa đã chọn dân tộc Ít-ra-en làm dân riêng của Ngài, rồi sai các ngôn sứ đến chuẩn bị cho dân đón nhận Đấng Cứu Độ, nhưng tất cả họ đều bị bách hại, giết chết.

    Dù vậy, Ngài vẫn khoan dung, tha thứ và nhất là Ngài vẫn yêu thương và ban cho nhân loại Người Con Một để Người chịu đóng đinh thập giá, chịu chết để hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Ngài ban cho con người có tự do và Ngài tôn trọng sự tự do đó kể cả khi con người dùng nó để chống lại Ngài.

    Thế nhưng, con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Sẽ là hạnh phúc lớn lao cho chúng ta khi chúng ta sử dụng tự do để cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, để hành động vì vinh danh Chúa hơn.

    Sống Lời Chúa: Mỗi ngày kiểm điểm đời sống: Tôi đã sử dụng tự do để làm việc thiện, để làm vinh danh Chúa hay tôi lạm dụng tự do để buông mình theo các đam mê dục vọng?

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. NHỜ ƠN CHÚA ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

    (Kinh Dâng Hiến của thánh Inhaxiô)

     gpmytho

     

     
     
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- THỨ BẢY CN7PS-A

 

  • nguyenthi leyen
    Sat, May 30 at 2:27 AM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

     
    5 PHÚT LỜI LỜI CHÚA 

    30/05/20 THỨ bảy tuần 7 ps
    Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét
    Lc 1,39-56

    NIỀM VUI CỦA THĂM VIẾNG

    “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45)

    Suy niệm/SỐNG: Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry tâm sự: “Nếu bạn đến thăm lúc bốn giờ chiều, tôi sẽ cảm thấy vui từ lúc ba giờ.” 

    Trong sự kiện Thăm viếng, người cảm thấy vui trước hết không phải là bà Ê-li-sa-bét, nhưng là Đức Ma-ri-a. Niềm vui đã chớm nở nơi ngài từ lúc nhận được tin người chị họ son sẻ có thai lúc tuổi đã cao. Niềm vui ấy khiến ngài vội vã vượt quãng đường dài, núi đồi cách trở, để đến thăm và ở lại ba tháng phụ giúp bà Ê-li-sa-bét.

    Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a ở ngôi nhà ở Ain-Karim đem lại niềm vui cho người chị họ. Một niềm vui quá lớn khiến bà phải “kêu lớn tiếng” chúc tụng, cũng như làm cho thai nhi Gio-an trong dạ mẹ nhảy lên vui sướng.

    Được cả hai Mẹ Con Đấng Cứu thế ưu ái viếng thăm là một vinh dự lớn lao, chứ đâu phải chuyện nhỏ.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Đến nhà người quen, bạn bỏ giày dép dính bụi đất ngoài cửa rồi mới bước vào nhà. Cũng vậy, bạn hãy rũ  bỏ những dự tính ích kỷ, những giận hờn nhỏ nhen, để bước vào thế giới của người quen thân.

    Tựa như Đức Mẹ đưa Chúa Giê-su đến thăm gia đình bà Ê-li-sa-bét, bạn cũng hãy đem Chúa Giê-su, niềm vui của Tin Mừng, đến với các gia đình bạn thăm viếng, để nhờ vậy, các gia đình ấy cảm nhận sự hiện diện của Chúa giữa gia đình mình.

    Sống Lời Chúa: Tôi tập thói quen dành thời gian ngày Chúa Nhật để đi thăm các gia đình nghèo túng, ốm đau, tang chế, kém may mắn…

    Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã hy sinh thời gian đi thăm viếng, ở lại nâng đỡ người chị họ. NHỜ THÁNH THẦN DẪN DẮT con biết noi gương Mẹ, sẵn sàng dành thời giờ cho việc thăm viếng các gia đình khác.

     gpcantho
     

 

Subcategories