5 Phút cho Lời Chúa ngày 18/05 – 24/05/25

18/05/25                                 Chúa nhật tuần 5 ps – c

                                                              Ga 13,31-33a.34-35 

yêu thương như thầy đã yêu

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Suy niệm: “Yêu”, đó là chuyện xưa như… chuyện nguồn gốc con người. Từ khi con người xuất hiện, có dân tộc nào mà trong ngôn ngữ lại không có từ “yêu”? Thế nhưng mấy ai hiểu được thế nào mới là yêu. Chẳng vậy mà nhà thơ Xuân Diệu đã phải bâng khuâng tự hỏi: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” Giới răn yêu thương mà Chúa gọi là “điều răn mới của Chúa” phải chăng cũng chỉ là một trong những lời cắt nghĩa “Tình Yêu” mà nói xong vẫn không ai hiểu “Tình Yêu” là gì? Vậy thì “điều răn mới” của Chúa Giêsu “mới” ở chỗ nào? Không khó để thấy được điều “mới” đó qua chính lời nói và việc làm của Ngài: 1/ đó là một tình yêu khiêm tốn phục vụ: trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã rửa chân cho các môn đệ và còn dạy các ông “cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). – 2/ Đó là một tình yêu tự hiến: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Điều “mới” đó thực sự có giá trị và hiệu lực bởi vì Chúa đã thực hiện lời Ngài nói qua việc chính Ngài chịu khổ nạn trên thập giá, chết và sống lại.

Mời Bạn: Nội dung của điều răn mới “yêu thương như Thầy đã yêu” chính là “tự hạ và tự hiến” để phục vụ anh chị em mình. Việc đó dù có khó nhưng vẫn có thể làm được nếu bạn thường xuyên kết hiệp và tiếp nhận nguồn sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể. Bạn đã coi việc thực thi điều răn mới đó là một mệnh lệnh bắt buộc đối với bạn chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc tự hạ, tự hiến để phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Xin giúp con bắt chước Chúa hiến thân vì Chúa và tha nhân.

 

19/05/25                                              Thứ hai tuần 5 ps

                                                                          Ga 14,21-26

 

đòi buộc của tình yêu

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23-24)

Suy niệm: Tình yêu không bao giờ chỉ là một thứ tình cảm thuần túy lý thuyết nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà lại không có bất cứ một “hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy mẫu gương diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giê-su. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi ông phải diễn tả tình yêu của mình bằng hành động cụ thể, đó là: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (c. 23).

Mời Bạn: Bạn hãy tự vấn chính bản thân mình: Tôi đã yêu Chúa thật lòng hay chưa? Nếu tôi thực lòng yêu mến Chúa thì chắc hẳn tôi đã giữ các điều răn của Ngài, tôi đã sống theo lời Ngài dạy, tôi đã siêng năng tham dự thánh lễ, tôi đã chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa. Nếu tôi yêu mến Chúa thì chắc hẳn tôi đã quên mình phục vụ anh em và yêu thương tất cả mọi người… Bạn đã làm gì để chứng tỏ mình đang yêu mến Chúa thật sự?

Sống Lời Chúa: Nếu bạn chưa có hành động gì cụ thể như những điều vừa mời gọi bạn ở phần trên đây, bạn hãy có hành động cụ thể ngay hôm nay. Chúa muốn bạn yêu mến Ngài bằng “hành động” chứ không chỉ bằng cảm xúc hay lời nói suông mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến Chúa. Xin cho mọi suy nghĩ và việc làm của con đều thể hiện rằng con yêu mến Chúa. Amen.

 

20/05/25                                               Thứ ba tuần 5 ps

Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục              Ga 14,27-31a

 

bình an của lòng thương xót

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)

Suy niệm: Trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần, các thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Bình an kiểu “Chúa Ban” không phải thứ bình an kiểu “Thế Gian” mà là bình an của Lòng Thương Xót. Ngay trong ngày phục sinh, Chúa Giê-su hiện ra và ban cho các môn đệ bình an đó: “Bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Đó là bình an của Người Con đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn, chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Ngày nay trong mỗi thánh lễ chúng ta đón nhận từ lời chúc của chủ tế: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chúc bình an đó cho nhau.

Mời Bạn: Bao lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, bao lâu chúng ta còn hờn ghen, giận ghét tha nhân, chúng ta không có bình an nơi mình. Vì chưa có bình an nên lòng chúng ta vẫn bất an, căng thẳng, mặc cảm… Bạn hãy để Chúa đong đầy lòng bạn bằng bình an của Chúa khi bạn thực thi lời Ngài: đó là hy sinh quên mình, nhẫn nại bao dung và phục vụ anh chị em mình trong tinh thần khiêm tốn và vui tươi.

Sống Lời Chúa: Sau khi rước lễ, bạn thinh lặng trong tâm tình cầu nguyện để cảm nghiệm sâu xa bình an của Lòng Thương Xót đang tràn ngập tâm hồn bạn. Và ngày hôm nay bạn sẽ chia sẻ bình an ấy cho người khác bằng những hành động bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Chúa, để con sẵn sàng làm chứng tá của Chúa trên trần gian. Hoặc hát: “Biết lấy gì cảm mến”.

 

21/05/25                                               Thứ tư tuần 5 ps

Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê và các bạn tử đạo Ga 15,1-8

 

hiệp thông, nguyên lý sự sống

“Cành nho không thể tự mình sinh trái, nếu không gắn liền với cây nho.” (Ga 15,4)

Suy niệm: Cành nho có gắn liền với cây nho mới sống, và sinh hoa trái; đó là chuyện không có gì phải bàn cãi. Chúa Giê-su ví Ngài là cây nho, cành nho là các tín hữu. Không Ki-tô hữu nào có thể sống và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng nếu không hiệp thông, kết hợp với Chúa của mình. Sự hiệp thông, kết hợp này vừa mang tính cộng đoàn, vừa mang tính cá vị. Đó là mối tương quan gần gũi, thân thiết giữa người tín hữu với Chúa Giê-su, mối tương quan do ta tự do chọn lựa và quyết định. Sự lựa chọn ấy chính là sự đáp trả trong đức tin, cậy, mến nơi Đức Ki-tô, Đấng Cứu độ duy nhất, Đấng đã ban cho chúng ta món quà quý giá là sự sống đời đời.

Mời Bạn: Ta chỉ có thể lãnh nhận sự sống đời đời, hạnh phúc viên mãn khi  nhận biết, yêu mến, bước theo, và hiệp thông với Chúa Giê-su. Tất nhiên bạn có thể hiệp thông với Ngài một cách riêng tư. Nhưng ‘kênh’ chính yếu để bạn hưởng trọn vẹn ơn thánh là trong lòng Hội Thánh, nơi bạn nhận lãnh các bí tích đặc biệt là Thánh Thể trong Thánh Lễ, nơi bạn cùng với các tín hữu khác cầu nguyện, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Bạn đã làm những điều này chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống đức cậy trông, đặt tất cả hy vọng đời mình vào Chúa, qua việc dành thời gian tận dụng các nguồn thiên ân trên đây. Nhờ sự hiệp thông ấy, tôi trở nên môn đệ đích thật của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tuyên xưng rằng Chúa là “Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa những sự ấy chẳng có lẽ nào sai được.” Xin cho con sống đức cậy trông, hy vọng vào Chúa trong đời thường mỗi ngày. Amen.

 

22/05/25                                            Thứ năm tuần 5 ps

Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu                                    Ga 15,9-11

 

giữ các điều răn

là “ở lại” trong chúa

“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,10)

Suy niệm: Các điều răn của Chúa là “đôi hia vạn dặm” giúp ta không những đến gần, nhưng còn ở lại trong tình thương của Chúa Giê-su. “Ở lại” trong ngôn ngữ của Thánh Gio-an là kết hợp với Chúa như cây liền cành. Kết quả của việc ở lại này là phát sinh nhiều hoa trái đạo đức thánh thiện. Nhưng là sao  có thể “cắm lều” mãi trong cung lòng của Chúa? Thưa, là tuân giữ các điều răn của Người: kính sợ, tôn trọng, yêu mến Chúa trên hết mọi sự, yêu thương anh em đồng loại như chính bản thân mình, và yêu như Chúa yêu ta. Mến Chúa yêu người là bài học vỡ lòng ta học biết từ thuở bé, nhưng cũng là bài học ta phải thực hành suốt cả cuộc đời bởi vì ta phải luôn luôn yêu thương nhiều hơn nữa để thực thi giới răn “yêu người như Chúa yêu ta”.

Mời Bạn: Tiêu chí yêu nhau là yêu tha nhân như mình ta vậy; tiêu chí yêu như Chúa yêu là khiêm nhường phục vụ đến mức hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình. Bạn ước lượng hiện nay bạn đang học lớp mấy trong ngôi trường mang tên Giê-su này? Nhìn lên Thầy Giê-su, bạn thấy mình phải chỉnh sửa những gì để có thể yêu người trọn hảo hơn?

Sống Lời Chúa: Yêu cũng có ba bảy đường yêu. Khi sống điều răn mến Chúa yêu người, tôi cố gắng không tính toán thiệt-thua, được-mất, chỉ mong muốn “ở lại” trong Chúa Giê-su, làm Ngài vui lòng là đủ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa luôn yêu thương con cách vô điều kiện. Xin thêm lòng mến cho con, cho con cảm nghiệm Chúa yêu thương mình. Trong tình yêu, chịu nhiều thua thiệt, xin Chúa hãy bù đắp cho con. Amen.

 

23/05/25                                            THỨ SÁU TUẦN 5 PS

                                                                          Ga 15,12-17

 

LÀ BẠN CỦA THẦY GIÊ-SU

“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”(Ga 15,13)

Suy niệm: Thầy Giê-su nói những lời trên khi kể dụ ngôn về “cây nho thật.” Cành nho gắn liền với thân nho và sinh hoa trái. Cũng thế, các môn đệ nhờ “ở lại trong tình thương” của Thầy Giê-su mà được gọi là “bạn hữu” của Thầy: Cách thế để thể hiện mối tương quan đó là “tuân giữ các điều răn của Thầy” mà trên hết là điều răn yêu thương nhau như Thầy đã yêu, là “hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” Điều răn mới mà Thầy đã ban, chính Thầy cũng là người đầu tiên thực hiện, và ghi khắc nó vào trong tâm khảm của các môn đệ, là những bạn hữu của Ngài. “Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).

Mời bạnDưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh, bạn có nhận ra tình thương cứu độ của Thầy Giê-su, người Bạn rất gần gũi với bạn không? Bạn Giê-su không xa cách với chúng ta, Ngài đã chung chia phận người với chúng ta, đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc của phận người; bị phản bội, nhưng Tình thương của Ngài còn lớn hơn để ôm trọn, yêu thương, đón nhận chúng ta. Đến lượt mình, ta bước đi trên đường yêu thương này với Bạn Giê-su, yêu thương người thân cận, người bách hại, không có thiện cảm với bạn. Lý do duy nhất chỉ vì bạn là bạn của Thầy Giê-su.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện, và bày tỏ sự thân ái với một người mà bạn ít có thiện cảm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con hạnh phúc được là bạn với Chúa, nhưng đó cũng là một thách thức khi sống cho tình bạn này. Xin giúp con sống từng ngày chữ Yêu như Thầy đã yêu. Amen.

 

24/05/25                                              Thứ bảy tuần 5 ps

                                                                          Ga 15,18-21

 

thuộc về đức ki-tô

“Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn anh em, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19b)

Suy niệm: Thánh tử đạo An-rê Kim Thông là lý trưởng và là chánh trương họ đạo Gò Thị, chủ gia đình đạo đức chăm lo giáo dục con cái. Gia đình có một người con là linh mục, một nữ tu Mến Thánh Giá. Khi bị bắt và yêu cầu nếu đạp lên thập tự giá thì được tha, thánh An-rê Kim Thông trả lời: “Thập giá tôi kính thờ, dẫm  lên sao được.” Ngài bị án phát lưu vào Mỹ Tho nhưng đã chết trên đường đi đến nơi lưu đày ngày 15/5/1855. Thánh Kim Thông lấy mạng sống mình để làm chứng cho Lời Chúa nói hôm nay: dù đang sống ở giữa thế gian, nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì chúng ta đã được Chúa yêu thương chọn gọi để thuộc về Ngài. Dù sống giữa thế gian, nhưng ta đừng để cho thói xấu thế gian thấm nhiễm nơi ta, vì ta vẫn thuộc về Chúa. Thuộc về Chúa, là sống giống như Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống.

Mời Bạn: Thuộc về Chúa là chọn Chúa làm chuẩn mực sống, là dám khước từ những lối sống tham lam, hưởng thụ ích kỷ của thế gian, để chọn sống giống như Chúa, là suy nghĩ như cách Chúa suy nghĩ, là hành động như cách Chúa hành động, là nhiệt thành dấn thân trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, là dám lấy cuộc sống và cả mạng sống để làm chứng cho Đức Ki-tô.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy sự dằng co khi phải lựa chọn để thuộc về Chúa ở giữa những lôi cuốn của thế gian không?

Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh nhỏ để nhắc nhớ mình thuộc về Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã thuộc về Chúa. Xin giúp con biết tránh sự dữ để luôn chọn Chúa và làm điều thiện.