3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN34TN-A

CHIA SẺ TIN MỪNG HÀNG TUẦN

LỄ CHÚA KITO VUA

 

TN34a - Yêu thương tha nhân là tiêu chuẩn duy nhất để biết ta có tin và yêu Thiên Chúa đích thật hay không

ĐỌC LỜI CHÚA

  • Ed 34,11-12.15-17:(11) Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. (12) Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy.

 

  • 1Cr 15,20-26.28:(22) Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống. 


  • TIN MỪNG: Mt 25,31-46

 

Cuộc Phán Xét Chung

 

(31) Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. (32) Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. (33) Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 

 

(34) Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: «Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han». (37) Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; (38) có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? (39) Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?» (40) Đức Vua sẽ đáp lại rằng: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy». 

 

(41) Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: «Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. (42) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; (43) Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng». (44) Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?» (45) Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy». (46) Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

 

Câu hỏi gợi ý:

  1. Người đời chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt người tốt kẻ xấu? Khi Thiên Chúa phán xét nhân loại, Ngài có phân biệt theo kiểu của chúng ta không? Ngài có mạc khải về những tiêu chuẩn phân biệt của Ngài không? 2. Thiên Chúa phân biệt kẻ xấu với người tốt dựa trên tiêu chuẩn nào? Tại sao vậy? Phân biệt theo tiêu chuẩn ấy có hợp lý không? 3. Qua bài Tin Mừng này, bạn có rút ra được bài học gì mới cho việc nên thánh của bạn không? Quan niệm về nên thánh của bạn có gì thay đổi không?

Suy tư gợi ý:


  1.  Viễn cảnh cánh chung: Thiên Chúa tách biệt chiên và dê

    Bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là tận cùng của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân mọi người trên trần gian thành hai loại: một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin. 

 

Để ám chỉ hai hạng người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh chiên và dê, là hình ảnh mà ngôn sứ Êdêkien đã dùng (x. Ed 34,17-24). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại. 

 

Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau –không phân biệt được– trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: «cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm» (13,30). 

 

Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt. Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào?




  1. Tiêu chuẩn để phân loại

 

Chỉ có Thiên Chúa, với trí tuệ sáng suốt vô cùng, nhìn thấu suốt tâm can con người, mới có thể xét từng người để xếp họ vào loại nào. Tin Mừng cho ta thấy: 

 

– ngày ấy, toàn nhân loại chỉ được phân ra thành hai loại: chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa, không có loại thứ ba. 

 

– ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào. 

 

– ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất: cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.

 

Dường như không có một tiêu chuẩn nào khác: Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai hành hương nhiều, ai cúng vào nhà thờ nhiều, v. v… Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, chính hành động của chúng ta –chứ không phải lời nói hay cái gì khác– quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia.



3. Đó chính là tiêu chuẩn thực tế để Chúa phán xét ai tin và ai không tin

 

 

  1. a) Tin vào Đức Giêsu là điều kiện để được cứu độ

 

Trên nguyên tắc, ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11; ). Thật vậy, người ta không trở nên công chính nhờ vào việc làm, hay nhờ việc tuân giữ nghiêm chỉnh các điều luật dạy. Thật vậy, rất nhiều người có những hành động rất tốt, rất thiện hảo, thậm chí rất vĩ đại, nhưng không phát xuất từ đức tin hay tình yêu thương, mà từ một động lực vị kỷ, nhằm lợi lộc cho mình. Nhiều nhà tỉ phú bỏ tiền ra xây bệnh viện, trường học để phục vụ người nghèo với điều kiện là bệnh viện hay trường học đó phải mang tên mình, để mình được lưu danh muôn thuở là người đạo đức, biết yêu thương người nghèo. Hành động bố thí như thế không làm cho người ấy nên công chính, vì không phát xuất từ đức tin hay tình thương.

 

  1. b) Đức tin ấy phải đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm

 

Người ta chỉ trở nên công chính nhờ đức tin. Nhưng đức tin làm cho người ta nên công chính phải là đức tin đích thực: «Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính» (Rm 10,10). Đức tin đích thực không phải là loại «đức tin rẻ tiền», là thứ đức tin chỉ được tuyên xung ngoài môi miệng mà không đi vào cuộc sống, không được chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hàng rẻ tiền thường là hàng giả. Đức tin đích thực phải là thứ «đức tin đắt giá», không chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, mà được chứng tỏ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể theo sự đòi hỏi của đức tin. Đức tin của chúng ta luôn luôn đòi hỏi một thái độ, một sự lựa chọn thích hợp. Vì không thể vừa tin, mà lại vừa có đời sống trụy lạc, hèn nhát, tham lam, ích kỷ… Thánh Giacôbê xác định: «Đức tin không việc làm là đức tin chết» (Gc 2,14.17). 

 

  1. c) Việc làm của đức tin là việc làm gì? 

 

Tin ở đây là tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu. Mà bản chất của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Đức Giêsu chính là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Do đó, những ai thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, ắt phải yêu mến Ngài và trở nên giống Ngài, nghĩa là trở nên một hiện thân của tình yêu giữa những người chung quanh, gần gũi với mình nhất, đặc biệt với những người đau khổ, túng thiếu, bị áp bức, bất công, cần lòng thương xót

 

Như vậy, muốn biết ai tin vào Ngài, thì cứ xem cách người ấy cư xử với những người chung quanh, những người gần gũi nhất (vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết…), và những người nghèo khổ cần được cứu giúp. Nếu tin Thiên Chúa đích thực, người ấy ắt sẽ phải cư xử với họ bằng tình thương, cụ thể qua sự hy sinh, chấp nhận mất mát đau khổ vì họ. 

 

Vả lại, những người chung quanh ta, đặc biệt những người đang đau khổ cần được ta nâng đỡ, cứu giúp, chính là hiện thân của Thiên Chúa hay của Đức Giêsu bên cạnh chúng ta. Đức Giêsu xác định rõ điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, yêu Ngài thì ắt nhiên cũng phải yêu hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, Ngài chỉ cần dùng một tiêu chuẩn để xét xem chúng ta có tin vào Ngài không, là dựa vào cách cư xử của chúng ta với tha nhân

 

Để tóm gọn lại cách nên thánh cho chúng ta, Đức Giêsu nói: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35). Tóm lại, yêu thương tha nhân chính là tiêu chuẩn để phân biệt giữa môn đệ đích thực của Đức Giêsu với những người khác.



CẦU NGUYỆN


Tôi nghe Đức Giêsu nói với tôi: «Anh tin Thầy và sống đạo của Thầy thế nào, Thầy chỉ cần dựa vào cách anh đối xử với những người chung quanh anh là Thầy biết ngay. Chắc chắn anh không thể tin Thầy đích thực khi anh đối xử với những người chung quanh anh không ra gì. Họ chính là hiện thân của Thầy bên cạnh anh. Anh đối xử với họ thế nào là đối xử với chính Thầy như vậy. Anh yêu họ chính là anh yêu Thầy. Anh làm điều gì cho họ, chính là anh làm điều đó cho Thầy».

 

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu: 

Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất: tình yêu đối với tha nhân
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/11/tn34b.html). 

 

Posted by Nguyen Chinh Ket at 6:00 PM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

 

No comments:

 

Post a Comment

Newer Post Older Post Home

Subscribe to: Post Comments (Atom)

Chia sẻ


http://1234chiase.blogspot.com

Blog Archive

Chia sẻ


1234chiase.blogspot.com

   

Simple theme. Powered by Blogger.

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ SÁU CN33TN-A

 

  •  
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    20.11.2020 THỨ SÁU TUẦN 33 TN

    Lc 19,45-48

     
    CẢM THẤY ĐAU LÒNG
    Nhà ta là Nhà Cầu Nguyện

     

    Người đã nói với họ: “Đã có lời chép: Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc 19,46)

     
    Suy niệm/Sống: “Trải qua một cuộc bể dâu,…” nhìn thấy nhiều nhà thờ bị chiếm dụng làm cửa hàng, kho hàng, thậm chí trở thành khách sạn, vũ trường… người tín hữu đã phải xót xa mà “đau đớn lòng.”
    Cũng vậy, khi thấy những kẻ buôn bán, đổi chác trong đền thờ, Chúa Giêsu cảm thấy đau lòng và đã phải nổi giận, nặng lời với họ, cho dù có vì thế Ngài bị thù ghét và mưu toan hãm hại. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta trở thành đền thờ Thiên Chúa.
    Thế mà, chúng ta cứ thản nhiên khi phạm tội, làm nhơ uế đền thờ thiêng liêng của Người! Thế mà chúng ta cũng chẳng hề lo lắng, mau mắn thanh tẩy đền thờ tâm hồn CỦA MÌNH CHÚA CHO bằng bí tích hòa giải!
     

    Mời Bạn chia sẻ: Gìn giữ, chăm sóc đến thực trạng linh hồn mình là bổn phận thường xuyên của người tín hữu, nhất là lắng nghe Lơi Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa.là Bánh sự Sống, là Tấm bánh bẻ ra cho anh em

    Sự trong sạch của tâm hồn là điều kiện cần thiết để xứng đáng trở thành nơi Chúa ngự.

    * Có bao giờ bạn hiểu rằng tâm hồn bạn cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần, để bạn thanh tẩy và gìn giữ mỗi ngày, hầu xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa chưa?

     

    Sống Lời Chúa: Tôi sẽ loại trừ một tật xấu với ý thức thanh tẩy và gìn giữ đền thờ thiêng liêng của Chúa.trong tâm hồn mình

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp những người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em, nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà. NHỜ ƠN THÁNH THẦN THÚC ĐẨY cho nhà TÂM HỒN CON là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa. Amen.

    (Theo Flor McCarthy)

    GPMYTHO
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ TƯ CN33TN-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Tue, Nov 17 at 11:22 PM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    5 PHÚT LỚI CHÚA

    18.11.2020  THỨ TƯ TUẦN 33 TN

    Cung hiến thánh đường thánh Phê-rô và Phao-lô

    Lc 19,11-28

     
    SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA

     

    “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc 19,13b)

    Suy niệm/SỐNG: Trong mười người đầy tớ được giao bạc, mỗi người một nén thì Tin Mừng Lu-ca chỉ tường thuật lại ba người. Người thứ nhất làm lợi được mười nén và anh ta được cai trị mười thành, người thứ hai năm nén và được giao trọng trách năm thành.

     

    Nhưng với người thứ ba thì không trôi chảy tốt đẹp như thế. Chẳng biết vì lười biếng hay vì sợ rủi ro thất bại, anh này đem nén bạc của chủ “bọc khăn cất kỹ”. Dù vì lý do nào đi nữa, anh cũng thấy làm như thế là không ổn nên tìm cách chống chế và ‘đổ thừa’ cho ông chủ: “Vì ông là người khắc nghiệt”! Chẳng phải ông chủ đã tin tưởng giao cho anh số bạc đồng đều như các bạn sao? Chẳng phải điều ông chủ muốn anh cũng như các bạn là “làm ăn sinh lợi” sao?

     

    Các bạn anh được trọng thưởng vì đã “sinh lợi” nén bạc ông giao phó chứ không phải vì số lời được năm nén hay mười nén. Việc anh đem ‘đóng băng’ vốn liếng của chủ không phải là bảo vệ tài sản cho chủ mà thực chất là phá hỏng kế hoạch của ông. Anh bị coi là “đầy tớ tồi tệ” và bị tước hết những gì anh đang có chỉ vì không biết sinh lời cho chủ mình.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Thiên Chúa cũng trao cho bạn như những người khác Ngài trao cho mỗi người một khả năng khác nhau, nhưng chung quy cũng là một nén. Ngài đang chờ bạn làm lợi nén bạc ấy không phải cho Ngài mà cho chính bạn.

     

    Sống Lời Chúa: Nén bạc của bạn là gì? Bạn hãy sinh lợi bao nhiêu có thể.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho con những khả năng mà con nhìn thấy và những khả năng tiềm ẩn trong con. NHỜ ƠN CHÚA, con QUYẾT TÂM tận dụng những điều Chúa ban để phục vụ chứ không khư khư giữ lấy và cất kỹ. Amen.

    GPMYTHO
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ NĂM CN33TN-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Wed, Nov 18 at 11:01 PM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    19.11.2020 THỨ NĂM TUẦN 33 TN

    Lc 19,41-44

     
    NHẬN RA DẤU CHỈ BÌNH AN

     

    “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42)

    Suy niệm/SỐNG: Hòa bình là khát vọng của con người và cũng là quyết sách của Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế được các tiên tri tiên báo là Hoàng tử Hòa Bình,

    Vị Vua Thái Bình đến đem lại cảnh thái bình an lạc cho trăm họ. Sứ mệnh đó được xác nhận khi Chúa Giê-su sinh ra, các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa yêu thương.” Chúa Giê-su  mang đến cho trần gian một nền hòa bình vĩnh cửu.

    Thù hận, ghen ghét hết những mầm giống của chiến tranh đã bị Ngài lên án và đóng đinh vào thập giá. Chúa đã hiến thân chịu chết để tuôn đổ vào con tim mỗi người dòng máu tình yêu không biên giới, kết nối mọi người trong Thiên Chúa, để hết thảy trở nên anh em chị em.

    Đấng đem lại phúc bình an đã bị đồng bào của mình chối từ. Họ không nhận ra nơi Ngài những gì đem lại bình an cho họ.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Chiến tranh, bạo lực, biểu tình, cướp bóc lừa đảo đầy dẫy trên mạng, trong xã hội, ở khắp nơi ngay cả những nước xưa nay vốn thanh bình yên ổn.

     

    Cơn bão văn hóa sự chết đang hình thành trong mọi ngõ ngách tâm hồn và cuộc sống con người. Chúng ta được mời để xây dựng hòa bình theo giáo huấn và mẫu gương sống động của Chúa Giê-su.

    *Không chỉ là biết trên lý thuyết nhưng mỗi người phải để ơn Chúa thấm nhập và biến đổi con tim của mình.

     

    Sống Lời Chúa: Là người đem bình an, tôi quyết tâm “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem tha thứ vào chốn lỗi lầm.”

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong mọi hoàn cảnh ở đời, NHỜ THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG, con biết nói ‘không’ với bạo lực và thù hận. Amen.

     

    GPMYTHO
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BA CN33TN-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Tue, Nov 17 at 1:10 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    5 PHÚT LỚI CHÚA 

    17.11.2020  THỨ BA TUẦN 33 TN

    Thánh Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

    Lc 19,1-10

     
    CUỘC TÂM GIAO VỚI CHÚA
    ÔNG GIA-KÊU QUYẾT GẶP CHÚA
    CHÚA MUỐN Ở LẠI NHÀ ÔNG

     

    Gia-kêu leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su. Khi tới nơi, Người nói: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,4-5)

     

    Suy niệm: Để gặp được Chúa Giê-su, ông Gia-kêu không nề hà cũng không sĩ diện. Ông thoăn thoắt chạy tới trước, trèo lên cây sung mặc cho ai đó buông lời đàm tiếu. Ông chỉ có một nỗi khát khao từ thâm sâu tâm hồn muốn nhìn thấy Chúa cho bằng được, cho dù với tư thế vắt vẻo trên cây sung và cho dù chỉ một lần thôi.

     

    Đáp lại, Chúa Giê-su cũng chẳng kiểu cách khách sáo. Chẳng đợi ai mời, Chúa cũng nói với Gia-kêu, ‘tự nhiên’ như nói với một người bạn thân lâu ngày mới gặp: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Đây không chỉ là cuộc gặp gỡ xã giao, nhưng lại là một cuộc tâm giao giữa Chúa và Gia-kêu.

    Đúng hơn, vị khách không-mời-mà-đến này đã cuốn hút Gia-kêu vào cuộc tâm giao với Ngài và đã biến đổi ông từ một Gia-kêu tội lỗi thành một Gia-kêu công chính.

     

    Bạn ơi, đã bao giờ bạn cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô với cả tấm lòng như thế chưa nhỉ? Biết bao lần chúng ta không thể đến với Ngài vì đôi chân mình bị tê liệt bởi thứ bệnh dửng dưng vô cảm.

    Biết bao lần khác bạn đến với Ngài một cách máy móc, thụ động, theo kiểu ‘ai sao tôi vậy’.

    Bạn cứ thử nung nấu một tấm lòng khao khát Chúa cách tột cùng và sống mối tâm giao với Ngài mà xem, Ngài sẽ biến đổi bạn một cách không ngờ đấy!

     

    Sống Lời Chúa: Ngoài những việc đạo đức chung với cộng đoàn, bạn nhớ dành cho Chúa những phút cầu nguyện riêng.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe, biết đến với Chúa bằng tâm tình yêu mến và khao khát được biến đổi cuộc đời.

    GPMYTHO
     

 

Subcategories