13. Tìm Gặp Chúa Thật Nhanh

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - SÁM HỐI XÁM ĐỜI

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     


    SÁM HỐI XÁM ĐỜI

     
     
    Tín thành sám hối ăn năn
    Chúa thương tha thứ, ban ơn dồi dào
    Tội con đã phạm bao nhiêu
    Xin cho con biết, giúp mau đổi đời [1]
    Nay con biết tội con rồi
    Lỗi lầm ám ảnh không ngơi đêm ngày [2]
    Tội nhiều nên cứ quắt quay
    Cuộc đời xám xịt, đọa đày khôn nguôi
    Con xin sám hối tội đời
    Khẩn cầu Thiên Chúa ban lời thứ tha
     
    Trầm Thiên Thu
     
     

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - LM MINH ANH


  •  
    LM MINH ANH

     

     

    MỘT SỰ THẬT KHÁ BẼ BÀNG

    “Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”.

    Nghệ sĩ Raphael mô tả sự nghèo nàn tội nghiệp của các môn đệ, những người đang đợi Thầy từ trên núi xuống sau cuộc Biến Hình của Ngài. Họ đang vẫy tay thất vọng, phân bua; khuôn mặt thì hốt hoảng, khi tự bào chữa trước người cha tuyệt vọng đang ôm lấy đứa con bị quỷ ám!

    Kính thưa Anh Chị em,

    Tin Mừng hôm nay phản ánh ‘một sự thật khá bẽ bàng’ trong đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta! Như các môn đệ, bao lần chúng ta cố sức làm những công việc, rõ ràng là của mình, mà không cần đến Thiên Chúa thực sự, theo bất cứ cách nào.

    Vì thế, thật không lạ, công việc của chúng ta dường như ‘chết lên, chết xuống’ cho đến khi Chúa Giêsu ‘được phép’ cộng tác; để sau đó, Ngài ‘làm cho nó sống’. Thông thường, chúng ta thậm chí cũng không cần tự hỏi, liệu những gì tôi đang làm có phải là ý muốn của Thiên Chúa không? Thế mà, khi loại trừ Ngài khỏi công việc hoặc cuộc sống gia đình hay cộng đoàn mình, chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu đức tin nhất! Chúa Giêsu luôn có đó, nhưng chúng ta không cho Ngài một chỗ làm, đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng!’. Với lòng tin ít ỏi của mình, các môn đệ bắt tay vào việc mà lòng không mấy cậy trông, vì nghĩ rằng, ‘ca này’ vượt quá khả năng của họ; người cha và gia đình đứa bé có thể cũng thiếu niềm tin với những gì mà các “môn đệ” này có thể làm. Vì thế, với họ, và với cả chúng ta, những lời của Chúa Giêsu dẫu khá xót lòng nhưng thật cần thiết , “Hỡi thế hệ cứng lòng tin!”. Khi nói thế, Chúa Giêsu rất chân thành; và nếu chúng ta khiêm tốn đón nhận, mọi sự có thể đổi thay! Những lời Ngài lại làm cho ấm lòng, như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng!”.

    Thấy sự thiếu đức tin của các môn đệ và của những người khác, Chúa Giêsu tận dụng hoàn cảnh để khơi dậy đức tin nơi họ. Vì thế, những gì Ngài đã làm cho ba môn đệ ưu tuyển qua cuộc Biến Hình trên núi, thì nay, Ngài làm cho chín vị còn lại ở dưới chân núi! Ngài cho phép họ thất bại để học lấy bài học đức tin; Ngài cũng chất vấn người cha đáng thương, “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể?”. Và Ngài đã ra tay, đứa trẻ hồi sinh; mọi người đều kinh ngạc! Sau đó, Ngài hướng dẫn họ về sự cần thiết của việc cầu nguyện. Rõ ràng, ở đâu không có Chúa Giêsu, ở đó, chỉ có cãi vã và đổ lỗi cho nhau; hay chí ít, đổ lỗi cho Thiên Chúa, chỉ vì Ngài vắng mặt! Thư Giacôbê hôm nay nói, “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan!”.

    Anh Chị em,

    “Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu chờ đợi! Tiếng kêu thất thanh của người cha là tất cả những gì Chúa Giêsu cần! Người cha đã khẳng định lại đức tin của ông; cùng lúc, thừa nhận sự kém tin của mình. Thật không dễ dàng để chấp nhận mình bất lực trong một thế giới được gọi là “hậu hiện đại” như hôm nay. Thế nhưng, sự hoành hành của Corona đã chứng minh, con người hoàn toàn bất lực trước một con vật ‘gần như’ vô hình. Dẫu thế, nó vẫn được nhìn thấy, nhưng các nhà khoa học vẫn thúc thủ… thì phương chi những loại virus gậm nhấm tâm hồn, chỉ mình Thiên Chúa nhìn thấy, thì ai có thể loại trừ được nó? Không lạ gì, Chúa Giêsu kết luận, “Thứ này chỉ chữa được bằng cầu nguyện và ăn chay!”. Vậy, chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng, cùng với những hy sinh âm thầm, hầu đủ sức chiến thắng những cơn cám dỗ thường ngày, những thói quen cố hữu đang ngày đêm gặm nhấm tâm hồn; chúng đang khiến chúng ta ngày càng xa lìa Thiên Chúa và tách rời anh chị em mình. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được! Đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng’, nhưng cũng là một chân lý mà chúng ta phải chân nhận.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, bao lần trong cuộc sống, con đã ngu khờ để Chúa đứng đợi ngoài cửa, ‘một sự thật khá bẽ bàng’. Xin cho con biết, con cần Chúa; xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - LM MINH ANH - HUẾ

  •  LM MINH ANH - HUẾ

     

    KHỞI ĐI TỪ BÊN TRONG:

    TIN MỪNG MAC-CÔ 7, 14-23

    “Chỉ những gì từ con người xuất ra, mới làm cho họ ra ô uế”. (C. 15)

    Trong một tác phẩm của mình, nhà thần học Carl Henry viết, “Một điều khiến lương tâm con người nhạy bén với Thiên Chúa là thói quen cởi mở với Ngài ‘khởi đi từ bên trong!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Cùng với Carl Henry, Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một cái gì ‘khởi đi từ bên trong! “Chỉ những gì từ con người xuất ra, mới làm cho họ ra ô uế”; ngược lại, cũng chỉ những gì phát xuất từ con người cũng là điều làm cho người ta nên thánh thiện! Chúa Giêsu từng nói, “Vương Quốc Thiên Chúa, ở giữa anh em”; “ở trong anh em”. Do đó, mọi cuộc chiến chống lại Vương Quốc cũng ‘khởi đi từ bên trong’ mỗi người!

    Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 405 cho biết, tội nguyên tổ “tước đoạt sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”; bản chất con người “tổn thương bởi những năng lực tự nhiên của nó”; vì thế, nó phải chịu “sự ngu dốt, đau khổ và thống trị của cái chết; và có khuynh hướng nghiêng chiều về tội”. “Sự nghiêng chiều này được gọi là dục vọng!”. Chính dục vọng khuynh đảo mọi khuynh hướng rối loạn vốn nổi lên bên trong con người. Những khuynh hướng này, nếu được chấp nhận, như Chúa Giêsu nói, là điều làm cho người ta ra ô uế. Như vậy, sự thánh thiện và thanh tẩy cũng phải ‘khởi đi từ bên trong’; những tư tưởng và ước muốn phải được sắp xếp theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Bấy giờ, sự thánh thiện cũng sẽ nổi lên bề mặt, bằng những việc lành cụ thể trong lời nói và hành động.

    Vậy mà, con người lại quan tâm đến điều bên ngoài hơn bên trong. Chúng ta thường lo lắng thái quá về việc được người khác nhìn nhận; bộ tịch chúng ta ra sao, danh tiếng chúng ta thế nào trong mắt thế giới! Chúa Giêsu không đồng ý với người Pharisêu khi họ cho rằng, ăn một số thức ăn nhất định, sẽ làm cho một người nào đó ra ô uế. Ngài không tốn tiền mua những thứ này! Ngài hướng sự chú ý vào trái tim; chính điều xuất phát từ trái tim mới thật sự quan trọng!

    Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự trong trái tim, cả khi không ai khác nhìn thấy; Chúa Giêsu thấy hai đồng kẽm của bà goá trong đền thờ, là tất cả những gì bà có để nuôi sống. Như vậy, điều ‘khởi đi từ bên trong’ có thể tác hại to tát, cũng là điều làm nên những việc trọng đại. Nhiều người, trong nhận thức của công chúng, là không đáng gì; nhưng dưới nhãn quan của Thiên Chúa, họ đang đi đúng mục tiêu. Ngược lại, nhiều người là sao sáng trong dư luận quần chúng; ấy thế, trong cái nhìn của Thiên Chúa, họ thật vô tích sự! Vậy, điều quan trọng là, Chúa nghĩ gì?

    Bài đọc Cựu Ước hôm nay cho biết, khi nữ hoàng Saba nhìn thấy sự giàu có và xa hoa của Salômon, bà thất kinh. Salômon đã vượt xa mong đợi của bà cả về sự khôn ngoan lẫn sự thịnh vượng. Bà nói, “Phúc cho thần dân ngài, phúc cho các cận vệ của ngài; họ được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan” đúng như Thánh Vịnh đáp ca cho biết, “Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan”. Bà thốt lên, “Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Đấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel”. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì bên ngoài mà nữ hoàng nhìn thấy, bà không thấy những gì ‘khởi đi từ bên trong’ lòng dạ của vị vua này. Quả thế, Salômon đã coi thường Chúa; về sau, ông chạy theo thần ngoại của các bà vợ; vì thế, Chúa truất phế ông.

    Anh Chị em,

    “Những gì xuất ra tự con người cũng là điều làm cho người ta nên thánh thiện!”. Sự thánh thiện phát xuất từ con tim được tìm thấy trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, chứ không được tìm thấy trong việc chúng ta phục vụ một hình ảnh được quần chúng yêu thích. Lời Chúa mời gọi chúng ta xét xem động lực nội tâm; đồng thời, thách thức chúng ta thanh luyện con tim của mình. Tại sao tôi làm điều này? Đó có phải là lựa chọn xuất phát một từ trái tim lương thiện và chân thành không? Hay đó chỉ là những lựa chọn nghiêng chiều vào cách tôi sẽ được người khác nhìn nhận? Ước mong sao, mọi động lực ‘khởi đi từ bên trong’ trái tim chúng ta là trong sáng; vì lẽ, nó khởi đi từ một trái tim kết hợp sâu sắc với trái tim rất thánh của Chúa Giêsu.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho mọi việc con làm được phát xuất từ một động cơ trong sạch; được ‘khởi đi từ bên trong’ một trái tim luôn kết hợp mật thiết với Thánh Tâm rất yêu dấu của Chúa”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

     

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - TRƯỚC TÒA PHÁN XET

  •  
    Chi Tran CHUYỂN
     
     

    TRƯỚC TOÀ PHÁN XÉT

    I. Tách kẻ dữ ra khỏi người lành.

    Khi mọi người đã sống lại, Thiên-Thần bảo họ tụ họp tại cánh đồng Gio-Gia-Phát để được phán-xét:  “Đoàn đoàn, lũ lũ kéo đến trong cánh đồng án phạt: Vì ngày của Chúa đã gần kề.” ( Giô- en 4:14)

    Khi họ đã tề tựu đông đủ:

    “Ngày tận thế, các Thiên-Thần sẽ đến tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành.”  (Mat-thêu 13 -49).

    Người lành đứng bên phải và kẻ dữ đứng bên trái. Đau đớn thay cho những ai tự tách mình hoặc bị vạ tuyệt-thông ra khỏi Giáo-Hội Chúa! Sầu-khổ biết mấy cho những ai không được đứng trong hàng ngũ các Thánh! Bị tách ra khỏi những người lành thánh, các kẻ dữ tự cảm thấy bị bỏ rơi, nên đau-khổ biết bao! Thánh Chrysôtôm nói thêm:“Chỉ một nỗi đau-khổ đó, cũng đủ cho họ đau đớn như trong hỏa-ngục rồi!”

    Con lìa cha, chồng lìa vợ, chủ nhà lìa đầy tớ: “Một người được đem đi, một người bị bỏ lại.” (Mat-thêu 24 : 40).

    Này bạn, bạn muốn đứng trong hàng ngũ nào? Nếu bạn muốn đứng về bên phải Chúa, bạn hãy bỏ ngay con đường tội-lỗi vì nó dẫn bạn về bên tả.

    II. Công , tội được tỏ rõ

    Ở trần thế, thường những người giàu có, những người quyền-thế kể là có phúc, còn những người lành thánh thường sống khiêm-tốn, nghèo-nàn, bị bỏ rơi. Hỡi những người yêu Chúa, đừng buồn-sầu vì bị khinh-chê, bị quên lãng ở trần gian: “Quả thật, quả thật, Thầy bảo chúng con: Chúng con sẽ than-van khóc-lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Chúng con sẽ buồn-phiền, song sự buồn-phiền của chúng con sẽ trở nên vui mừng.” (Gio-an 16 : 20 )

    Các con sẽ thật sự trở nên sang-trọng giàu-có, vì chúng con sẽ được vinh-dự ở trong triều-đình Thiên-quốc.

    Thánh Phêrô Alcantara bị đối xử như người bội-giáo, Thánh Gioan Thiên-Chúa bị xem như thằng điên, Thánh Phêrô Celestine chết trong tù ngục, bây giờ đã trở nên cao-trọng dường nào! Biết bao thánh tử-đạo đã bị cực-hình dã-man, nay được vinh-hiển nơi toà cao sang: “Chúa sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những gì là mờ-ám, đen-tối, sẽ tỏ ra những ý định thầm kín của các tâm hồn; Lúc đó, ai nấy sẽ được khen thưởng đúng với công phúc của mình.” (1/ Cô-rin-tô 4 : 5)

    Còn Hêrôđê, Xêrô và bao người đã lạm dụng quyền-hành, làm mưa làm gió ở trần gian, nay ở đâu? Hỡi những người độc-dữ, thời kỳ tung hoành ở trần gian đã qua rồi, nay phải trả lẽ trước mặt Chúa.

    Riêng những người được đứng bên hữu, còn hạnh-phúc nào lớn hơn: “Chúng ta sẽ được họp với họ và được đưa qua các tầng mây, đến gặp Chúa trong không trung. Chúng ta sẽ được phúc ở với Chúa mãi mãi.” (1 Thê-xa-lô-ni 4:17).

    Còn lại những kẻ dữ, họ như những con vật bị điệu đến lò sát sinh, đứng sững bên tả Chúa để nghe đọc bản án chung đoán phạt những kẻ thù nghịch với Chúa.

    III. Quang cảnh ngày phán xét

    Lúc đó, theo Thánh Thôma, cửa trời mở ra, các Thiên-Thần đem đến các dấu-hiệu cuộc tử-nạn Chúa Giêsu: Khi Chúa đến phán xét, Cờ Thánh-giá và các dấu-hiệu về cuộc tử-nạn của Chúa được trưng bày:“Lúc ấy, biểu-hiện của Con Người xuất hiện trời; mọi dân tộc sẽ than khóc và xem thấy Con Người, đầy uy-quyền và vinh-quang, ngự trên đám mây mà xuống.” (Mat-thêu 24 : 30).

    Thánh Cor-nê-li-ô ở La-pi-đờ nói: “Vừa thấy Thánh-giá các tội-nhân đau khổ biết bao, vì suốt đời họ không đếm xỉa gì đến cuộc Tử-nạn của Chúa Giêsu để cứu vớt họ!”

    Thánh Cờ-ry-sô-tôm nói thêm: “Các dấu đanh, các vết thương và thánh-giá Chúa sẽ kêu lên phản đối các tội-nhân.”

    Còn: “Các người lành thì sáng chói, họ sẽ xét xử và cầm quyền trên các dân tộc.” Khôn-ngoan 3:7-8).

    Đức Mẹ, Nữ-Vương các Thánh và các Thiên-Thần cũng đến dự. Sau cùng Đấng Thẩm-phán Đời-Đời sẽ đến ngự trên ngai vinh-quang sáng chói. Thoạt nhìn thấy Chúa Giêsu sáng chói, người lành hớn-hở reo lên, còn kẻ dữ lại bị dày-xéo khổ-não hơn cả hỏa-ngục.

    Thánh Giêrôme nói:“Đối với kẻ dữ, đau khổ trong hỏa-ngục còn dể chịu hơn là phải hiện diện trước mặt Chúa.” 

    Thánh Tê-rê-xa nài xin:“Lạy Chúa Giêsu, xin giáng xuống trên con mọi khổ đau, nhưng đừng để con thấy cơn thịnh-nộ của Chúa trong ngày đó.” 

    Vừa nhìn thấy vẻ oai-nghiêm của Chúa, kẻ dữ đã kêu lên: “Chớ gì các núi non, các mỏn đá đổ ập xuống trên chúng tôi, để chúng tôi đừng thấy mặt Chúa.” (Apoc. 6,16).

    LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG

    Lạy Đấng cứu-chuộc con, Lạy Con Chiên Thiên-Chúa, Chúa xuống trần gian không phải để đoán phạt, mà để tha thứ. Xin Chúa thứ tha cho con trước khi Chúa đến xét xử con.

    Nếu con bị hư đi đời đời, thì khi nhìn thấy Con Chiên Thiên-Chúa, con sẽ sầu-khổ hơn cả cảnh sầu-khổ trong hỏa-ngục. Xin Chúa lấy tay nhân-từ kéo con ra khỏi vực thẳm, con hòng sa xuống vì tội-lỗi con đã phạm.

    Lạy Chúa tốt lành vô biên, con thống-hối ăn-năn các tội-lỗi xấu xa con đã phạm. Lạy Đấng phán xét con, con xin yêu Chúa hết lòng. Nhờ công-nghiệp của Chúa, xin đổ hồng-ân xuống trên con, để con được thay đổi từ tên tội-nhân thành vị thánh, như Chúa đã hứa: “Hãy kêu lên Ta và Ta sẽ nhận lời ngươi.” (Giê-rê-mi-a 53 : 3).

    Con không xin Chúa của-cải trần thế. Con chỉ xin Chúa mưa hồng-ân trên con, ban cho con tàn lửa mến yêu. Lạy Đấng thẩm-phán con, con là một tội-nhân, nhưng đứa tội-nhân này yêu Chúa trên hết mọi sự. Xin Chúa thương con.

    Lạy Mẹ Maria, giờ này còn là giờ thương xót, xin mau mau đến cứu giúp con. Xin đừng bỏ rơi con; con không bao giờ dám phản-bội với Chúa nữa.
    (Thánh An-Phong Ligouri do Phêrô Bùi Đắc Hữu chuyển ngữ)
    --------------------------------------
     
     
     

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - LM MINHANH

  •  
    LM MINH ANH - HUẾ
     

    VĨ ĐẠI HƠN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ

    TIN MỪNG MAC-CÔ 7, 1-13

    “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài!”.

    Trong tác phẩm của mình, “Surprised by the Power of the Spirit”, “Ngạc Nhiên Trước Sức Mạnh của Thần Khí”, Jack Deere viết, “Tất cả chúng ta đều là những người thụ hưởng các truyền thống tốt đẹp, khôn ngoan, và đúng đắn; tuy nhiên, chúng ta cũng là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Chúng ta là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc”. Thật chí lý câu nói của Jack Deere! Thật trùng hợp, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến truyền thống, nói đến những diễn giải của con người; qua đó, một sự thật được tiết lộ, Thiên Chúa luôn ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’ mà con người có thể tạo ra, cho dù, đó là một truyền thống tôn giáo lâu đời!

    Bài đọc Cựu Ước cho biết, Salômon đã khởi xướng xây cất một đền thờ đồ sộ, nguy nga cho Thiên Chúa; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ tâm tình hân hoan của vua, “Lạy Chúa tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái”. Thế nhưng, trước một Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Salômon, người được Ngài ban cho khôn ngoan và giàu có nhất trần gian đó vẫn cảm thấy nhỏ bé và yếu hèn, “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, phương chi ngôi nhà con xây cất đây!”. Ý thức mình mỏng giòn, tội lỗi, Salômon thân thưa, “Từ thiên cung, nơi Chúa ngự, xin lắng nghe, lắng nghe và tha thứ!”.

    Trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái và luật sĩ lên án các môn đệ Chúa Giêsu “không theo đúng truyền thống của tiền nhân”, vì họ không rửa tay trước khi ăn. Dẫu không chống lại việc rửa tay, Chúa Giêsu vẫn lên tiếng bảo vệ các môn đồ của Ngài. Điều Ngài chống lại giới biệt phái kinh sư là chủ nghĩa pháp lý; theo họ, chỉ cần tuân thủ một số hành động bên ngoài, con người sẽ được gọi là công chính! Ngài tuyên bố, “Các người đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các người!”. Giới răn của Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa, vốn quan trọng hơn truyền thống. Ngài muốn nói, Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, không thể bị trói buộc trong bất kỳ truyền thống nào, dù truyền thống đó được tôn kính đến đâu. Truyền thống có ra là để giúp con người thể hiện tốt hơn mối tương giao của nó với Thiên Chúa, sống giới răn yêu thương Ngài dạy. Thế nên, một khi truyền thống trở nên “kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc”, khiến “con người trở thành nạn nhân”, cản trở nó kính mến Chúa và yêu thương người, thì truyền thống đó cần được cải cách hoặc đổi mới.

    Anh Chị em,

    Với Chúa Giêsu, không phải mọi truyền thống đều đáng để giữ lấy. Tất cả truyền thống phải được đo lường bằng chính Lời Chúa; chúng ta phải xét xem truyền thống này, tập tục kia, có thực sự phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa vốn được tiết lộ trong Thánh Kinh hay không. Đó là lý do tại sao việc tiếp tục lắng nghe Lời Chúa là một điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất mực quan tâm; ngài đặc biệt nhắc nhở chúng ta phải đọc và học biết lắng nghe Lời Chúa qua các Phúc Âm một cách thường xuyên. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, đã bày tỏ khuôn mặt đích thực của Ngài một cách độc đáo và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha mà chúng ta đang tìm kiếm, đã tìm kiếm và phải tìm kiếm mỗi ngày. Hãy quay về với Chúa Giêsu, lấy Ngài làm chuẩn mực cho mọi đối chiếu; hãy để Lời ngài soi sáng tâm trí, bổ sức linh hồn; và như thế, chúng ta sẽ được bổ trợ để thấy rõ hơn điều gì là của Thiên Chúa và điều gì không thuộc về Ngài.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu mến việc đọc Lời Chúa và đào sâu Lời Chúa bằng việc cầu nguyện và chiêm ngắm; nhờ đó, Lời Chúa sẽ không trở nên vô hiệu nơi con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng