3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -LM TRẦM PHÚC - CN30TN-C

  •  LM TRẦM PHÚC
     

    GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

    Chúa Nhật 30 năm C

    Chúa Nhật Truyền giáo

    Lời Chúa : Lc 18,9-14

     

         Hai người lên Đền Thờ cầu nguyện. Một ngưới Pharisêu và một người thu thuế. Đây là một dụ ngôn, nhưng rất có ý nghĩa đối với chúng ta, vì hằng ngày, chúng ta vẫn cầu nguyện. Chúng ta sẽ theo mẫu nào ? Cầu nguyện như người Pharisêu kia chăng ? Đây cũng là một cách cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là trình bày với Chúa những nguyện vọng của mình, tâm trạng của mình.

         Nhóm Pharisêu là một nhóm người Do thái đạo đức, thời Chúa Giêsu, họ điều khiển gần như tất cả trong đạo Do thái. Là một phong trào đạo đức của người Do thái, chủ trương giữ Luật Chúa một cách nghiêm ngặt. Thánh Phaolô cũng là người Pharisêu và cũng vì hăng say giữ Luật Chúa mà ngài đã bách hại những đồ đệ của ông Giêsu, xem như một nhóm người chống lại Lề Luật.

         Anh Pharisêu nầy cầu nguyện. Chúa Giêsu cũng chú ý đến những chi tiết nhỏ. Ngài nói rằng anh chàng đứng thẳng  nghĩa là trong một thái độ tự mãn, hiên ngang. Anh cầu nguyện bằng một giọng tự mãn : “ Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như những người khác…hoặc như tên thu thuế kia”. Những gì anh nói là đúng sự thật. Anh là một người Pharisêu gương mẫu. Anh ăn chay hai lần một tuần, nộp tiền một phần mười hoa lợi cho Đền Thờ. Nhưng đây có phải là cầu nguyện không hay chỉ là một báo cáo thành tích ? Nhiều người trong chúng ta không thể có can đảm giữ luật như anh. Nhưng điều đáng trách là anh tự xem mình là người công chính và khinh khi kẻ khác.

         Trái lại, anh thu thuế không dám đến gần bàn thờ chỉ đứng đàng xa, không dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng : “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và Chúa Giêsu kết luận : “ Tôi nói cho các ông biết : người nầy, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được công chính rồi ; còn ngườ kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”  Ai hạ xuống và ai tôn lên ? Phải chăng là chính Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can, Đấng nắm quyền trên trời dưới đất, Đáng xét xử công minh mới có quyền hạ xuống hay tôn lên. Ngài chỉ nhìn đến những ai khiêm tốn, những tấm lòng tan nát khiêm cung.

         Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là tro bụi, nhưng tro bụi nầy đã được Chúa thương đến. Tro bụi nầy đã được chính Con Một Chúa đảm nhận. Tro bụi nầy đã được thánh hoá. Chúng ta chỉ giá trị khi chúng ta liên kết với Chúa Giêsu, Đấng đã chẳng ngại nhận lấy thân phận tro bụi của chúng ta và nâng chúng ta lên làm con Thiên Chúa.Vì chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta mới có quyền

     bày tỏ nguyện vọng của chúng ta với Ngài.  Đó chính là hồng ân vô giá Chúa ban cho chúng ta dù chúng ta không xứng đáng. Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là tạo vật nhỏ hèn chỉ tin vào tình thương của Chúa mà thôi.

         Tình thương ấy đã đến với chúng ta qua Người Con Một. Hãy nhìn Chúa Giêsu cầu nguyện chúng ta mới biết cầu nguyện. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn cho chúng ta một hồng ân kinh khủng là trở thành bánh cho chúng ta ăn. Khi ăn lấy Chúa, chúng ta thành một xương một thịt với Ngài, chúng ta không còn là  nhỏ hèn nữa, chúng ta cùng cầu nguyện với Ngài. yêu mến Chúa Cha với Ngài. Cầu nguyện của chúng ta trở thành tiếng nói yêu thương đối với Cha trên trời, và như thế, như Chúa đã nói : “ Anh em xin gì cũng sẽ được nhậm lời”,  vì chính Chúa Con cầu nguyện trong ta và chuyển cầu cho ta.

         Chúa Giêsu còn dạy chúng ta : “  Hãy cầu nguyện luôn”. Khi lời cầu nguyện của chúng ta trở thành tiếng nói yêu thương với Chúa Cha, thì tình yêu chính là lời cầu liên lỉ dâng lên Chúa Cha. Cuộc sống lao nhọc trần thế của chúng ta trở nên một lời  nguyện như chính cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu.

    Lm Trầm Phúc

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ NĂM

  •  LM MINH ANH
     


    THỨ NĂM CN29TN-C
     
     

    BÙNG CHÁY MỘT CÁCH TRIỆT ĐỂ

    TIN MỪNG 12, 49-53

    “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”.(CÂU 49)

    Vince Lombardi nói, “Nếu bạn không bùng cháy một cách triệt để’ với lửa nhiệt huyết, bạn sẽ chết cháy vì nó!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, câu nói của Lombardi được tìm thấy nơi Chúa Giêsu! Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói, “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Hơn bất cứ nơi nào khác, những lời này cho thấy cường độ mãnh liệt và niềm đam mê cháy bỏng của ngọn lửa mến yêu trong trái tim Chúa Giêsu; nó bùng cháy một cách triệt để’, và Ngài cũng khao khát nó cháy bùng lên trong lòng chúng ta, các môn đệ của Ngài!

    Chúa Giêsu đã chịu một phép rửa thực sự trong đau đớn tột cùng trên đồi Gôlgôtha, chính xác để phép Rửa Tái Sinh của chúng ta không chỉ là một nghi lễ đơn thuần; đúng hơn, là dìm mình trong sự chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài muốn tia lửa trong phép Rửa của chúng ta cũng thực sự trở thành ngọn lửa của một đời sống thần linh; và với sự chăm sóc, đào tạo của mỗi người, nó cũng trở thành ngọn lửa ngày càng gia tăng một sự thánh thiện đích thực trong đời sống làm con cái Chúa. Thật vậy, bổn phận của mỗi người chúng ta là thổi bùng ngọn lửa ấy và đừng bao giờ để những áp lực bên ngoài, hay sự tầm thường của bản thân dập tắt nó. Tia lửa Giêsu phải trở thành ngọn lửa, và nó phải ‘bùng cháy một cách triệt để’ như Ngài.

    Ngọn lửa của phép Rửa nơi chúng ta không bao giờ được phép thoả hiệp với thế gian nhằm có được một sự hoà bình với bất cứ giá nào! Chúa Giêsu điều chỉnh nhận thức sai lầm nơi một số thính giả của Ngài. Một số người hẳn đã kỳ vọng Ngài sẽ mở ra thời đại hoà bình thiên sai, khi beo nằm chung với chiên. Không! Thời gian cho sự hoà bình đó sẽ là lúc lịch sử kết thúc khi Nước Thiên Chúa được thiết lập một cách trọn vẹn. Cho đến lúc đó, Kitô giáo sẽ thấy mình xung đột với các quyền lực thế gian; chúng ta muốn được coi là người tử tế, nhưng niềm tin đôi khi buộc phải xung đột. Vậy mà, tia lửa trong tâm hồn chúng ta vẫn phải ‘bùng cháy một cách triệt để’ trong yêu thương, hoà nhã, thứ tha và nhân ái; đó là ngọn lửa đủ mạnh để chấp nhận những khó khăn và tránh xa những thứ hoà bình rẻ mạt khi phải tìm cách đẹp lòng thế gian.

    Trong bài đọc hôm nay, Phaolô nói với tín hữu Êphêsô rằng, “Xin Chúa Cha thêm sức mạnh cho anh em để được nên người thiêng liêng; và nhờ đức tin, anh em được Đức Kitô ngự trong lòng, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến”. Nhờ đó, có thể “hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa”. Nói cách khác, Phaolô cầu xin cho ngọn lửa trong các Kitô hữu ‘bùng cháy một cách triệt để’ hầu cả địa cầu có thể nhận biết Thiên Chúa, một “địa cầu đầy ân sủng Ngài” như Thánh Vịnh đáp ca mô tả.

    Anh Chị em,

    “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Là người đã ném lửa vào thế gian, chính Chúa Giêsu là ngọn lửa ấy. Ngài đã bị thiêu rụi trên đồi Canvê và bị dập tắt hoàn toàn trong mộ sâu; thế nhưng, từ cõi tối tăm đó, Ngài đã chỗi dậy, bước ra khỏi huyệt; và cùng với lửa Thánh Thần, Ngài đã thắp sáng thế giới, thắp sáng nhân loại hơn 20 thế kỷ qua; cách riêng trong trái tim của những ai theo Ngài. Cùng Chúa Giêsu, ngọn lửa trong tâm hồn của bao người đã bùng cháy; đó là các thánh qua mỗi thời đại. Cả chúng ta, chớ gì ngọn lửa của Bí Tích Rửa Tội cũng bùng cháy trong tim bạn và tôi, qua môi trường sống của mình, ngay hôm nay, ‘ở đây và lúc này’ bằng một lối sống kiên định, một lối sống yêu thương; vì đó là tư chất của con cái Thiên Chúa. Tắt một lời, ngọn lửa từ thuở ‘khai tâm’ của chúng ta phải ‘bùng cháy một cách triệt để!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con thoả hiệp hay nhượng bộ thế gian; vì Tin Mừng, xin cho lửa mến yêu trong lòng con luôn bùng cháy, ‘bùng cháy một cách triệt để!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN30TN-C

  •  
    Song Loi Chua

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C (23/10/2022)

    CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO 

    THIÊN CHÚA LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NGHÈO 

    [Hc 35,15b-17.20-22a; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Trong xã hội loài người thì tiếng nói của người nghèo chẳng mấy khi đuợc lắng nghe. Vì thế mà người nghèo được xem là những người “không có tiếng nói”. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn khác: tiếng nói của người nghèo lại luôn được Thiên Chúa lắng nghe và đáp ứng.

    Đó là kinh nghiệm của người xưa đuợc chép lại trong sách Huấn Ca. Đó cũng là quan điểm của Chúa Giê-su trong dụ ngôn người biệt phái  và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện: một người được lắng nghe (người thu thuế), một người không (người biệt phái).                   

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Hc 35,15b-17.20-22a): "Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây" Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.

    Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Tm 4,6-8.16-8): "Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha" Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

    Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 18,9-14): "Người thu thuế ra về được khỏi tội" Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Hc 35,15b-17.20-22a) là đúc kết một kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh của dân riêng của Thiên Chúa đã được ông Giê-su, con ông Xi-ra (Hc 50,7), một người giầu có, học thức và từng trải ghi chép lại. Nếu trong xã hội các dân tộc khác, người nghèo bị thua thiệt trăm bề, thì trong dân riêng của Chúa, người nghèo được Thiên Chúa đối xử một cách ưu ái, yêu thương, vì nỗi khổ của họ được Thiên Chúa cảm thông và chia sớt. Lời cầu của họ được Thiên Chúa lắng nghe và nhận lời.

    Nhờ đoạn của Sách Huấn Ca trên, một lần nữa chúng ta thấy Thiên Chúa luôn ở bên và như đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, mồ côi, góa bụa. Tất cả những hạng ngườì này đểu bị thua thiệt về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Phẩm giá của họ thường bị tổn thương, tiếng nói của họ chẳng được mấy ai quan tâm, cứu xét, bênh vực. Họ chỉ biết dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi.

    3.1.2 Bài đọc 2 (2 Tm 4,6-8.16-8) là những lời chia sẻ rất riêng tư, thầm kín của Thánh Phao-lô với ông Ti-mô-thê là người con thiêng liêng, là môn đệ tín trung và cộng sự viên đắc lực của ngài. Thánh Phao-lô cho biết ngài đã kiên cường chiến đấu cho đức tin, cho đời sống tâm linh và ngài vững lòng trông cậy vào Chúa Giê-su, vào Thiên Chúa, là Đấng thấu suốt mọi sự, an tâm chờ đợi ngày gặp gỡ vào cuối đời.

     Trong đoạn thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê (4,6-8.16-8), chúng ta được thánh nhân cho biết: Thiên Chúa là vị Thẩm Phán Chí Công, là Đấng sẽ tưởng thưởng cho những hy sinh, cố gắng của tất cả những ai đã tin tưởng và nỗ lực sống theo giáo huấn của Người.

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 18,9-14) là dụ ngôn Chúa Giê-su kể với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: hai người, một Pha-ri-sêu, một thu thuế, lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng khi ra về thì người thu thuế (bị coi là người tội lội) trở nên công chính còn người Pha-ri-sêu (được xem và tự coi mình là người đạo đức) thì không. Lý do là người thu thuế khiêm nhường tự hạ, nhìn nhận mình tội lỗi mà cầu xin Thiên Chúa thứ tha; còn người Pha-ri-sêu thì tự kiêu về những việc đạo đức của mình mà khinh chê người khác, cụ thể là người thu thuế cũng lên Đền Thờ cầu nguyện vào lúc ấy.  

    Trong đoạn Phúc âm Lc 18,9-14 này chúng ta khám ra Thiên Chúa là Đấng có những phẩm chất tuyệt vời như (a) thấu suốt mọi tâm hồn, (b) phán xử công minh (c) yêu chuộng sự thật (d) quý trọng người khiêm nhu, tự hạ và tha thứ cho những tội lỗi thiếu sót của những người ấy.

     

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa       

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chính là lời công bố của Chúa Giê-su cũng là câu kết của dụ ngôn:

    “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;

    còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi tâm hồn, phán xử công minh, yêu chuộng sự thật, quý trọng người khiêm nhu, tự hạ và tha thứ cho những tội lỗi thiếu sót của những người ấy.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, tự hạ chẳng những trước mặt Thiên Chúa mà còn trước mặt người đời nữa. Không phải là sống khiêm nhường, tự hạ một cách giả hình, bề ngoài mà là sống khiêm nhường, tự hạ một cách chân thật, tự đáy lòng.

    Muốn sống đuợc như thế, chúng ta cần được Thiên Chúa mở mắt, mở lòng để chúng ta nhận ra rằng: tất cả những gì chúng ta hiện có - sức khoẻ, thời gian, tài năng, của cải, hoàn cảnh và địa vị xã hội, chức vụ và trách nhiệm trong Giáo hội, đời sống tâm linh và các nhân đức - đều là ân huệ mà Thiên Chúa ‘cho không’ chúng ta, để chúng ta lo cho phần rỗi của mình và giúp đỡ những người chung quanh.

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên»  Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, nhất là cho các dân tộc giầu mạnh về kinh tế và quân sự để họ đối xử cách khiêm nhường và bác ái với các dân tộc khác.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm ti» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế để các ngài cố gắng hết sức mình trên con đường đi theo Chúa Ki-tô.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các giáo xứ khác, được ơn kiên trì phục vụ Chúa và anh chị em trong cộng đoàn và xã hội, nhất là những người kém may mắn và bị thiệt thòi.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người nghèo trong thế giới và nhất là trong xã hội Việt Nam hôm nay, để những người ấy được toại nguyện trong các ước vọng chính đáng và được chính Thiên Chúa lắng nghe và đón nhận lời cầu xin của họ.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 19/10/2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LECTIO DIVINA - CN30TN-C

 
  • NĂM PHỤNG VỤ 2022.C
    LECTIO BIVINA - CHÚA NHẬT 30 TN-C
    “LẠY THIÊN CHÚA,
    XIN TẠ ƠN CHÚA VÌ CON…
    XIN THƯƠNG XÓT CON LÀ KẺ CÓ TỘI
    TIN MỪNG : Luca 18,11.13
    -Hát thánh ca khai mạc.
    Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
    Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
    Lạy Chúa, Chúa đã thương nhận chúng con làm nghĩa tử,
    nhưng chúng con đã không sống xứng đáng
    với danh nghĩa của mình.
    Chúng con khiêm tốn nhìn nhận mình có tội,
    và nài van lòng từ bi Chúa.
    Xin Chúa thương tha thứ và cho chúng con được bình an.
    Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
    (Sách lễ Rôma, Lời nguyện Xin ơn tha tội.)
    1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
    Tin Mừng theo T. Luca 18, 9-14.
    Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
    Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm,
    đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
    2. SUY NIỆM
    Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy
    nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo 3 câu hỏi gợi ý sau :
    Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
    Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
    Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
    Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
    Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
    (Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài
    người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).
  •  
  • 3. CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA
    Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được
    hôm nay nối kết vi kinh nghim cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
    KHÔNG CHIA SẺ CHUNG
    1. “Có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện... (câu 10).
    Hãy nhìn cho kỹ, nghe thật lâu hai người đi thờ phượng Thiên
    Chúa, để nhìn lại mình, xem tôi giống ai.
    Người Pharisêu “tự hào cho mình là công chính”: tư thế và tâm thế
    cầu nguyên như thế nào?
    ...............................................................................................
    ................................................................................................
    Người thu thuế, “được nên công chính” nhờ tư thế và tâm thế cầu
    nguyện thế nào?
    ................................................................................................
    ................................................................................................
    Khi đến với Chúa Giêsu, tư thế và tâm thế của tôi thế nào?
    Hôm nay tôi nói gì với Ngài, sau khi nhận biết rõ mình hơn?
    .................................................................................................
    .................................................................................................
    2.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình
    xuống sẽ được nâng lên” (câu 14)
    Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là mẫu gương sống công
    chính cho chúng ta. Xin đọc và ngẫm lời T. Phaolô: Philiphê 2,1-
    11 để nghiệm rõ lời Chúa dạy tôi. Tôi thưa với Chúa Giêsu thế
    nào?
    ................................................................................................
    .................................................................................................
    3. Chiêm nghiệm 3: tôi chọn 1 lời đánh động mình hôm nay.
    .................................................................................................
    .................................................................................................
    .................................................................................................

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran /NGUYENTHI LEYEN

     
     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    20/10/22 THỨ NĂM TUẦN 29 TN


    TIN MỪNG Lc 12, 49-53

     
    CÙNG NÉM LỬA VỚI ĐỨC GIÊ-SU
     
    Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào trái đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,49-50)
     

    Suy niệm/SỐNG: Trong Cựu Ước, Đức Chúa đã hiện ra với ông Mô-sê trong một bụi gai bốc cháy; trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới dạng lưởi lửa.

       Đức Giê-su đến ném lửa vào trái đất là Ngài ném Thiên Chúa, ném Thánh Thần vào thế giới để Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần ấy sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện nhân loại. LỬA sưởi ấm nhân loại khỏi thái độ lạnh lùng giữa người với người, sự dửng dưng giữa người với Thiên Chúa.

       LỬA soi sáng cho nhân loại biết con đường dẫn đưa đến hạnh phúc thật sự. LỬA thanh luyện con người khỏi tính ích kỷ, khỏi các tính hư tật xấu, khỏi những gì bất xứng với con cái Thiên Chúa.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: 1/ Cộng tác với Thiên Chúa, với Thánh Thần để cùng ném Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần vào thế giới của bạn.

    Thế giới của bạn chính là gia đình, học đường, xí nghiệp, chợ búa…

     

       2/ Bạn là trợ lý tích cực của Chúa Giê-su khi dám để Lửa Thiên Chúa biến đổi bạn và hơn nữa để chính bạn cũng biến thành lửa và tiếp tục sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện những người mà bạn tiếp xúc.

     

    Sống Lời Chúa: 1/ Tối nay trước khi đi ngủ, bạn dành vài phút cầu nguyện và xét xem: bạn thường lạnh lùng, dửng dưng trước người anh em, chị em nào?

     

    2/ Bạn cư xử với người khác dựa trên động lực nào? Bạn sẽ để Lửa Thiên Chúa sửa đổi bạn thế nào?

     

    Cầu nguyện: Sốt sắng quỳ hát bài “Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa, thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời…”

     gplongxuyen.

     
     

Subcategories