3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN32TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C (6/11/2022)

    SỰ SỐNG LẠI VÀ CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

    [2Mcb 7,1-2.9.16-14; 2 Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38]  

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Tháng 11 dương lịch là “Tháng các Đẳng” tức tháng người Công Giáo tưởng nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn còn ở trong nơi thanh luyện. Điều đó giả thiết một niềm tin vào sự sống lại và vào cuộc sống đời sau. Còn những người không tin vào sự sống lại và sự sống đời sau, như nhóm Xa-đốc xưa và bao người vô thần duy vật thời nay, thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì.

       Vì thế mà niềm tin của các Ki-tô hữu bị thử thách một cách quyết liệt. Muốn tồn tại và không bị cuốn đi, chúng ta cần củng cố niềm tin vào cuộc sống đời sau và vào sự sống lại của loài người. Chúng ta cũng phải dũng cảm biểu lộ niềm tin ấy, chống lại sự tấn công khốc liệt của các thế lực vô thần duy vật mà những người cộng sản là những chiến binh khiến chúng ta phải cảnh giác trước nhất.

     

    II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (2Mcb 7,1-2.9-14): "Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời" Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: "Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi".

    Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: "Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời".

    Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: "Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy". Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

    Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: "Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu".

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Tx 2,16 - 3,5):  "Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành" Anh em thân mến, nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

    Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Đức Kitô.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 20,27-38): "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".

    Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa". Đó là lời Chúa.

    Hoặc bài vắn này: Lc 20, 27. 34-38: Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (2 Mcb 7,1-2.9-14) là tường thuật hình phạt và cái chết kiên cường của bẩy anh em trong sách Ma-ca-bê quyển thứ hai. Những thanh niên này tin vào Thiên Chúa, tin có đời sau nên can đảm chấp nhận cực hình và cái chết oan uổng.   

    Trong đoạn Sách Ma-ca-bê quyển 2 (7,1-2.9-14) này, chúng ta thấy rõ lòng tin vào sự sống đời sau của mấy người thanh niên Ít-ra-en. Qua đó chúng ta thấy Thiên Chúa là sức mạnh vô song, là chỗ dựa vững chắc của các tâm hồn.

    3.1.2 Bài đọc 2 (2 Tx 2,16-3,5) là những lời Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để củng cố niềm tin và lòng cậy trông của họ vào Thiên Chúa. Trong đoạn thư trên, Thánh Phao-lô còn xin các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cầu nguyện cho ngài để Tin Mừng được phổ biến nhanh chóng và để ngài thoát khỏi sự hãm hại của những kẻ độc ác.

    Trong đoạn thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (2,16-3,5), chúng ta được biết: Thiên Chúa là Đấng quyền năng và sẵn sàng trợ giúp các tín hữu hết lòng thờ kính và tìm vinh danh Người với tất cả thiện chí và bằng mọi công việc.  

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 20,27-38) là tường thuật về cuộc chạm trán giữa Chúa Giê-su và nhóm người Xa-đốc sống cùng thời với Người. Những người Xa-đốc này chủ trương không có sự sống lại. Họ tưởng tượng ra một trường hợp tuy hy hữu nhưng có thể xẩy ra và đúng luật Mô-sê, để thử thách Chúa Giê-su: “một phụ nữ có bẩy chồng ở đời này thì sẽ là vợ của ai ở đời sau?” Chúa Giê-su trả lời cách không thể minh bạch hơn: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” Người nói thêm về sự sống lại: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."

    Nhờ đoạn Phúc âm Lc 20,27-38 chúng ta khám ra Thiên-Chúa-làm-người là Chúa Giê-su Ki-tô, đã nhẫn nại chịu đựng những người Xa-đốc và quảng đại với họ như thế nào. Với dã tâm họ đến với Người thì bằng từ tâm Chúa Giê-su đối xử tốt với họ. Họ bám vào chuyện mặt đất thì Chúa Giê-su nâng họ lên để họ thấy chuyện trên cao. Họ chỉ nhìn thấy chuyện trước mắt thì Chúa Giê-su giúp họ nhìn thấy chuyện từ xa, rất xa, để thấy Thiên Chúa là Đấng hằng sống và là Chúa của kẻ sống.

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa       

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được chứa đựng trong lời công bố của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Lu-ca: “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."

    Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta biết rằng: sự sống của chúng ta nói riêng và của loài người nói chung, xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, nên chúng ta là tạo vật bất tử. 

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tương xứng với tư cách và phẩm giá của tạo vật bất tử và của con cái Đấng Thiên Chúa Hằng Sống.

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Chúa tạo thành sự sống và là Chúa của những người sống. Người trân trọng sự sống con người và ban sự sống đời đời cho những ai sống đẹp lòng Người.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Vì chúng ta là tạo vật bất tử nên mọi hành động của chúng ta đều có giá trị trường tồn: việc tốt được thưởng, việc xấu bị phạt. Đó là lẽ công bằng.

    Vì chúng ta là tạo vật bất tử và là con Thiên Chúa Hằng Sống nên chúng ta phải coi trọng những gì là linh thiêng, trường tồn hơn những gì là vật chất, chóng qua.

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Nhóm Xa-đốc chủ trương không có sự sống lại» Cùng với toàn thể các Thánh trên trời, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả những ai không tin có sự sống lại và sự sống đời sau, để họ sớm nhận ra sự bất toàn và vô lý của thế giới này mà nhận ra rằng: chết không phải là hết mà là bắt đầu một cuộc sống trường cửu muôn đời.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.2 «Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại» Cùng với toàn thể các Thánh trên trời  chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ  để các vị ấy sống và làm chứng cho mọi người biết họ là con cái Thiên Chúa, là con cái sự sống lại.  

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.3 «Xin Chúa Ki-tô và Thiên Chúa an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành» Cùng với toàn thể các Thánh trên trời, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, nhất là cho những người đang gặp gian nan thử thách, để mọi người được vững mạnh trong lòng tin mà sống yêu thương, bác ái với mọi người.  

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.4 «Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống» Cùng với toàn thể các Thánh trên trời, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các linh hồn còn ở nơi thanh luyện để họ sớm được hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống.   

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 2 tháng 11 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -GP LONG XUYÊN - CAC THÁNH NAM NỮ

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     
     

    Phúc thay!!!!.

    01/11 – Thứ Ba tuần 31 thường niên – CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

    "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

     

    * Đại lễ kính toàn thể các thánh nam nữ hôm nay cho ta chiêm ngưỡng đám đông hằng ha sa số những người đã được Chúa Kitô cứu chuộc, đồng thời cũng cho ta thấy trước tương lai chúng ta đang hướng tới. Nhưng lễ này còn giúp ta ý thức mối dây liên đới giữa ta với các anh chị em đã đi trước vào thế giới vô hình. Nay, họ đang được ở bên Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Họ là sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng ta.

    * Từ trưa ngày Lễ Các Thánh đến nửa đêm ngày Cầu cho các tín hữu đã qua đời, ai viếng nhà thờ, nhà nguyện, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, thì được hưởng một ơn đại xá, với những điều kiện theo thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng), nhưng phải nhường lại cho các linh hồn. Mỗi ngày được hưởng một lần mà thôi. Ai bị ngăn trở, có thể viếng nhà thờ, nhà nguyện, lãnh ơn đại xá vào Chúa nhật trước hay Chúa nhật sau.

     

    Lời Chúa: Mt 5, 1-12a

    Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

    "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

    Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp.

    Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.

    Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.

    Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.

    Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

    Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

    Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

    "Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

    * Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

    Các bài Suy niệm * LỄ CÁC THÁNH

    Lời Chúa: Kh 7,2-4. 9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12

     

    1. Nước Trời là của họ--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

    Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,

    hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.

    Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong,

    mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.

    Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:

    giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,

    hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình...

    Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.

    Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.

    Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.

    Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.

    Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,

    vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.

    Các mối phúc là con đường nên thánh.

    Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.

    Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,

    nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,

    có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.

    Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta

    có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,

    có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,

    có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,

    nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.

    Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.

    Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.

    Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này

    trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.

    Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu

    dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.

    Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.

    “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”

    Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.

    Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.

    Nên thánh là đáp trả lời mời đó.

    Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.

    Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,

    là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình

    để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.

    Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa

    và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.

    Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,

    là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,

    dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.

    Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,

    là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.

    Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.

    với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại,

    với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.

    Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.

    Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.

     

    Cầu nguyện:

    Lạy Cha,

    con phó mặc con cho Cha,

    xin dùng con tùy sở thích Cha.

    Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.

    Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.

    Miễn là ý Cha thực hiện nơi con

    và nơi mọi loài Cha tạo dựng,

    thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

    Con trao linh hồn con về tay Cha.

    Con dâng linh hồn con cho Cha,

    lạy Chúa Trời của con,

    với tất cả tình yêu của lòng con,

    Vì con yêu mến Cha,

    vì lòng yêu mến

    thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,

    thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,

    không so đo, với một lòng tin cậy vô biên,

    vì Cha là Cha của con.

    (Chân phước Charles de Foucauld)

    2. Phúc thay ai --Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

    Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh Gaudete et Exsultate

    Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các Mối Phúc (số 63-94).

    Ngài viết: “Từ ‘hạnh phúc’ hay ‘được chúc phúc’

    trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện” (số 64).

    Người được chúc phúc là người thánh thiện trước mặt Chúa.

    Vào lễ Các Thánh, ta luôn được nghe đọc về các Mối Phúc.

    Các Mối Phúc là những con đường nên thánh.

    Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa,

    đã sống tận căn từng Mối Phúc này trong đời Ngài.

    Con Thiên Chúa đã thực sự sống đời nghèo khó.

    Khi xuống thế làm người, Ngài được quấn tã như bao trẻ thơ,

    lao động như một người thợ, và đi rao giảng không chỗ tựa đầu.

    Ngài hoàn toàn tay trắng khi bị treo trên thập giá.

    Đức Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó suốt đời,

    khi phó thác đời mình cho Cha, và chỉ nương tựa vào Cha.

    Cuộc đời Ngài có những thử thách khiến Ngài phải sầu khổ.

    Nỗi đau lớn của Ngài là sự khép lòng của dân trước ơn cứu độ.

    Đức Giêsu đã mời người ta sống hiền lành như Ngài (Mt 11,29)

    Ngài hiền lành ngồi trên lưng lừa đi vào chỗ chết (Mt 21,5),

    và lặng lẽ khi bị tố cáo trước tòa án đạo đời (Mt 27,12).

    Đức Giêsu đói khát sự công chính của Thiên Chúa,

    khi luôn khát mong làm theo ý Cha, vâng phục cho đến chết.

    Ngài là Con yêu dấu, khiến Cha hài lòng (Mt 3,17;17,5).

    Đức Giêsu là hiện thân của lòng Chúa Cha thương xót nhân loại.

    Tinh thương của Ngài vượt trên mọi bức tường cách ngăn,

    để đến với những người bị xã hội ruồng rẫy, và tôn giáo xa lánh.

    Tình thương ấy xin tha cho cả kẻ đóng đinh Ngài (Lc 23,34).

    Đức Giêsu có trái tim trong sạch, trái tim không quy về mình,

    nhưng mở ra để dành trọn cho Cha và cho con người.

    Ngài đem lại bình an và hòa giải giữa con người với Thiên Chúa,

    giữa các tín hữu với nhau, và giữa Hội Thánh với thế giới.

    Nhờ Máu Ngài đã đổ ra trên thập tự, đất trời giao hòa (Cl 1,20).

    Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc thứ tám và thứ chín.

    Bị bách hại và vu khống, Ngài đã trở thành vị tử đạo tuyệt vời.

    Đức Giêsu mời chúng ta sống các Mối Phúc như Ngài đã sống.

    Nhưng không phải chỉ có tám hay chín Mối Phúc trong Tin Mừng.

    Các mối phúc nằm giữa bao cảnh ngộ mỗi ngày của cuộc sống.

    Mẹ Maria được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ (Lc 1,42)

    và còn có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói (Lc 1,45).

    “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,27).

    “Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17).

    “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách…”(Gc 1,12).

    “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

    “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

    Mỗi người chúng ta đều có cảm nghiệm sâu về hạnh phúc

    khi quên mình, bỏ mình, để người khác được hạnh phúc,

    khi không coi mình là trung tâm, khi vượt qua cái tôi tính toán.

    Nhờ đó chúng ta tiến dần đến sự thánh thiện Chúa mời gọi.

    Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,16),

    nên con người mang nơi mình khả năng nên thánh.

    Thiên Chúa ba lần thánh, mời chúng ta: “Hãy nên thánh,

    vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các người, Ta là thánh” (Lv 19,2).

    Đức Giêsu là mẫu mực tuyệt vời của Thiên Chúa siêu việt.

    Nhờ nên một với Con mà ta nên thánh giống Cha trên trời.

    Khi mừng lễ các Thánh nam nữ trên trời,

    chúng ta nhớ mình được kêu gọi nên thánh (Rm 1,7; 1 Cr 1,2),

    được kêu gọi sống các mối phúc của Bài Giảng trên Núi.

    Như thế là được nếm hạnh phúc của trời cao ngay từ đời này.

    Với cuộc đời rất riêng của mình,

    mỗi người còn phải tìm ra và sống những mối phúc rất riêng,

    từ đó đi vào con đường rất riêng để nên thánh.

     

    CẦU NGUYỆN

    Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

    Nhờ thế Người là tất cả của tôi.

    Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

    Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

    Đến với Người trong mọi sự,

    Và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

    Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

    Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

    Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

    Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

    Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)

    3. Niềm hy vọng hạnh phúc--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

    I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt 5, 1-12a

    II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

    Những lời Chúa nói hôm nay thật lạ lùng. Khác hẳn với những gì người đời thường nói. Nhưng đem đến cho ta biết bao niềm hy vọng.

    Trước hết là niềm hy vọng hạnh phúc. Cuộc sống trần gian có nhiều khổ đau đến nỗi nhiều người gọi trần gian là thung lũng nước mắt. Ai cũng mơ ước được hạnh phúc. Nhưng hầu như hạnh phúc luôn ở ngoài tầm tay con người. Với những lời chúc phúc hôm nay, Chúa cho ta biết Chúa đã dựng nên con người để được hạnh phúc. Dù hiện nay ta còn phải chịu nhiều đau khổ, ưu phiền, khốn khó, nhưng những đau khổ, ưu phiền khốn khó đó sẽ qua đi. Vì cuộc sống này chỉ là tạm bợ. Hạnh phúc Chúa hứa sẽ vĩnh cửu vì cuộc sống đời sau không bao giờ tàn úa.

    Tiếp đến là niềm hy vọng Nước Trời. Hạnh phúc ta được không ở tại đời này, nhưng ở trên Nước Trời. Trên Nước Trời ta được hạnh phúc vì được làm chủ nhân Nước Trời. Và trên Nước Trời, ta sẽ được an ủi, được thương xót, được làm con Chúa, được thấy mặt Chúa. Đó là hạnh phúc tuyệt đối không gì có thể so sánh được.

    Sau cùng là niềm hy vọng được chính Chúa. Qua những lời chúc phúc. Chúa cho ta hiểu rằng Chúa chính là nguồn mạch sự sống của ta, là tất cả ý nghĩa đời ta, là hạnh phúc của ta. Được Chúa là được tất cả. Chúa là sản nghiệp lớn lao sẽ khiến ta trở nên giàu có. Chúa là niềm an ủi khiến ta không còn sầu khổ. Chúa là hạnh phúc tuyệt đối khiến ta thỏa chí toại lòng không còn khao khát gì nữa. Còn gì hạnh phúc hơn khi ta được chiêm ngưỡng Chúa tỏ tường, được làm con Chúa, được Chúa yêu thương.

    Tuy nhiên để đạt được Chúa, bản thân ta phải được thanh luyện theo con đường Tám Mối Phúc. Chính Chúa Giêsu đã đi vào con đường đó. Người đã sống nghèo, đã sống hiền lành khiêm nhường, đã chịu giết hại vì rao giảng Tin Mừng. Người đã mở đường đi về hạnh phúc.

    Các thánh là những người đã đi theo Chúa Giêsu trên con đường thanh luyện. Các ngài đã giặt áo trong máu Con Chiên nên áo của các ngài trắng như tuyết. Các ngài được hưởng hạnh phúc Nước Trời vì các ngài đã chịu thanh luyện trong cuộc sống trên trần gian. Các ngài được chính Chúa vì các ngài đã từ chối không ham mê dính bén những của cải trần gian.

    Vì thế, lễ các thánh là lễ của niềm vui. Chúng ta vui mừng vì các thánh chính là thân nhân của chúng ta, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè chúng ta.

    Lễ các thánh là lễ của niềm hy vọng. Các thánh là người như chúng ta với tất cả những thiếu thốn, những yếu hèn. Các ngài đã đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Như thế chúng ta hy vọng cũng sẽ được hạnh phúc Nước Trời như các ngài. Chúng ta còn hy vọng hơn nữa, vì Chúa đã hứa cho ta được hạnh phúc Nước Trời làm sản nghiệp. Lời hứa của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.

    Nhưng lễ các thánh cũng là lễ của phấn đấu. Con đường dẫn ta tới Nước Trời là con đường Tám Mối Phúc. Đó là con đường phấn đấu từ bỏ mình, từ bỏ những ham hố tranh dành, chiếm hữu, thống trị. Phấn đấu sống khiêm nhường và nhất là yêu thương xây dựng hòa bình. Khi phấn đấu sống như thế, ta xây dựng Nước Trời từ trần gian, biến trần gian thành nơi hạnh phúc, biến mọi người thành anh em. Khi phấn đấu xây dựng Nước Trời như thế, ta góp phần xây dựng hòa bình trên trần gian.

    Lạy các thánh nam nữ ở trên trời, xin cầu cho chúng con.

    III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

    1) Tám mối phúc của Chúa đem đến cho ta những niềm hy vọng nào?

    2) Lễ các thánh gợi cho ta những tâm tình nào?

    3) Làm thánh là giúp xây dựng xã hội. Bạn nghĩ gì về ý kiến này?

    4. Nên hình bóng Ngài--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

    (Bài giảng Lễ các Thánh nam nữ trên trời – năm 2014)

    Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện. Bản chất của Thiên Chúa là thánh thiện và yêu thương. Vì yêu thương, Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta sự thánh thiện của Ngài, giống như những người cha mẹ muốn tìm kiếm, dạy dỗ và để lại cho con cái những điều tốt đẹp. Nhờ Thiên Chúa chia sẻ với chúng ta sự thánh thiện của Ngài, nên chúng ta mới có thể  hy vọng nên thánh hay nên hoàn thiện. Vì Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện, cho nên những ai nên thánh là trở thành giống Chúa, là đón nhận sự thánh thiện của Chúa. Người thánh thiện là người phản chiếu sự tốt lành của Chúa. Sự thánh thiện được thể hiện trong lời nói, tư tưởng và việc làm. Vì thế, chúng ta thường nói đến hào quang của các thánh. Hào quang là sự phản chiếu huy hoàng của một vị thánh, là kết quả của một cuộc đời mong muốn rập khuôn theo cuộc đời Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

    Nên thánh là bổn phận của người tín hữu. Hãy nghe Thánh Phêrô nói với chúng ta: “Bởi vì Đấng kêu gọi anh em là Đấng Thánh, anh em cũng vậy, anh em hãy nên thánh trong mọi hành động của anh em, như đã được viết: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15). Như vậy, trong cuộc đời của chúng ta, nếu không thiện chí cố gắng để được nên thánh, thì đó là một thiếu sót. Bởi lẽ khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trao sứ mạng nên thánh, tức là nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

    Nói đến sứ mạng nên thánh, có thể nhiều người suy nghĩ: “nên thánh khó quá, vì tôi chỉ là một người dân bình thường, không được học hỏi đào tạo”. Suy nghĩ như vậy là chưa hiểu lời mời gọi của Chúa. Nên thánh không phải một gánh nặng, phải có sức khỏe mới mang nổi. Nên thánh không phải một bài toán khó, ai đã học cao biết rộng mới có thể giải được. Nên thánh đơn giản chỉ là một cách sống của mình giữa đời thường, như bông hoa tự nhiên tỏa hương thơm. Những cử chỉ hành động của cuộc sống hằng ngày được thực hiện với lòng yêu mến và biết ơn Chúa đều có thể giúp ta nên thánh. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết: “Nhặt một cây kim vì yêu mến cũng có thể hoán cải một linh hồn”.

    Chúng ta hãy Suy niệm lời chúc phúc của Chúa để thấy việc nên thánh phù hợp với mọi người. Có rất nhiều phương pháp giúp ta đạt được Chân lý. Tám mối phúc thật là những phương pháp mà Chúa Giêsu đã đề nghị cho những ai muốn nên thánh. Qua những mối phúc này, chúng ta hiểu ra rằng nên thánh nhiều khi chỉ là những việc đơn giản trong cuộc sống thường ngày, được thực hành với trái tim yêu mến và lương tâm ngay thẳng. Sống tinh thần nghèo khó, luôn biết sám hối khóc lóc vì những lầm lỗi của mình, khát khao sự công chính, sống hòa thuận và sắn sàng đón nhận những bất tiện do đời sống chứng tá Tin Mừng gây nên. Những việc làm đó, nếu được thực hiện với tình yêu mến và trong niềm vui, sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an và nhờ đó, chúng ta đã bắt đầu nên thánh.

    Ngày lễ kính các Thánh nam nữ trên trời cũng là dịp chúng ta tưởng nhớ những người thân yêu của chúng ta đã về Nhà Cha. Trong số đó, có những người đã được hiển thánh, vì họ sống một cuộc sống tốt lành theo giáo huấn của Chúa. Họ không được Giáo Hội phong thánh, nhưng chính Thiên Chúa phong thánh cho họ. Họ đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi tôn nhan Chúa và đang cầu bầu cho chúng ta.

    Ngày lễ kính các Thánh nam nữ trên trời cũng nhắc chúng ta hãy nhận ra những người tốt, việc tốt xung quanh mình. Dù thuộc nền văn hóa hay tín ngưỡng nào, những hành động nhằm cổ võ hòa bình và xây dựng những điều thiện hảo, đều phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện.

    Thánh Phaolô đã gọi cộng đoàn các tín hữu là cộng đoàn các thánh. Là thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội, mỗi chúng ta đã bắt đầu hành trình nên thánh. Chúng ta cũng được chia sẻ sự thánh thiện của Giáo Hội, được thể hiện qua đời sống thánh thiện của Đức Maria, Thánh Giuse, các thánh Tông đồ và các thánh qua mọi thời đại.

    Nên thánh là lời mời gọi của Chúa. Nên thánh cũng là một bổn phận của chúng ta. Đó là mục đích căn bản và cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Nhờ cuộc sống thánh thiện, chúng ta thuộc về Chúa là Đấng Chí Thánh, trở nên hình bóng của Ngài. Và như thế, chúng ta đã nếm hưởng hạnh phúc đời sau, ngay khi chúng ta còn sống trong cõi đời tạm này.

    5. Các thánh chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa--TGM Giuse Vũ Văn Thiên

    Một câu chuyện vui kể lại rằng, trong một lớp giáo lý, khi nữ tu hỏi một em nhỏ: con hãy nói cho sơ biết các thánh là ai? Em bé suy nghĩ một chút rồi trả lời: các thánh là những người được ánh sáng chiếu xuyên qua. Sự hiểu biết ngây thơ này đến từ việc có lần theo mẹ vào nhà thờ dự lễ, khi nhìn thấy những tấm hình người trên những cửa kính nhà thờ. Em đã hỏi mẹ đó là hình của ai, và mẹ em trả lời: đó là các thánh. Trong suy nghĩ đơn sơ của em, nhờ ánh sáng mặt trời chiếu qua mà làm hiện rõ nét những con người trên tranh kính. Đó là các thánh. Câu trả lời ấy cũng giúp chúng ta khám phá ra một trong những định nghĩa đơn sơ mà chân thực về các thánh: các ngài là những người để cho sự thánh thiện của Thiên Chúa chiếu toả. Nói cách khác các ngài đã đón nhận hào quang của Thiên Chúa rồi làm cho hào quang ấy lan toả mọi môi trường xung quanh, để rồi người khác nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi các ngài.

    Ngôn sứ Isaia đã được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Ngài ngự trong vinh quang. Các thiên thần và kỳ lão không ngừng tung hô: Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Lời tung hô được lặp lại ba lần có nghĩa Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối. Thị kiến mà ngôn sứ Isaia được nhìn thấy chính là phụng vụ thiên quốc, là vinh quang ngàn trùng của Thiên Chúa và cũng là khung cảnh thiên đàng. Nơi đây, niềm vui bất tận và hạnh phúc khôn cùng.

    Khi sáng tạo, Thiên Chúa san sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Ngài cho mọi tạo vật. Sự thánh thiện ấy lan toả trong thiên nhiên, thể hiện nơi khuôn mặt và cuộc đời của những người sống tốt lành trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động. "Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh!". Đó là lời mời gọi trong Cựu ước. "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện". Đức Giêsu đã tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, mời gọi con người hãy nên hoàn thiện. Làm sao hoàn thiện như Cha trên trời, vì Chúa Cha là Đấng vô hình, không ai có thể hiểu thấu? Đừng lo, nếu Chúa Cha là Đấng chí thánh và vô hình, thì Ngài đã ban cho chúng ta Con Một Ngài để ở cùng chúng ta và làm gương mẫu cho chúng ta noi theo. Nhờ Chúa Giêsu, con người ở bất kỳ bậc sống nào cũng có thể nên thánh. Nên thánh là nên giống Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng kể lại cuộc sống của Chúa rất đơn sơ gần gũi mọi người. Mọi hành động, lời nói đều nhằm đem cho con người tình thương của Chúa Cha. Đức Giêsu cũng nỗ lực cố gắng để xây tình huynh đệ giữa con người với nhau, không phân biệt sang hèn, tuổi tác địa vị. Trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta làm những việc Chúa Giêsu đã làm, thì chúng ta sẽ nên giống Người và đang từng bước đạt tới sự trọn lành.

    Giáo Hội là Dân Chúa đang lữ hành. Dân này không phải chỉ bao gồm một quốc gia, một dân tộc, nhưng là tất cả những ai đã được bí tích Rửa tội thanh tẩy. Tuy vậy, nói đến một dân tộc, tức là cũng nói đến một lịch sử hào hùng của dân tộc ấy. Dân Chúa, tức là Giáo Hội, suốt bề dày lịch sử đã sản sinh ra biết bao phần tử ưu tú. Họ là những người viết lên trang sử uy hùng của Giáo Hội, kể cả những lúc đen tối của lịch sử. Khởi đi từ Đức Maria, thánh cả Giuse, các thánh tông đồ và tất cả các thánh được Giáo Hội chính thức mừng kính hằng năm, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của một cộng đoàn đông đảo các thánh. Họ là những người cha, người mẹ. Họ là những giám mục, linh mục, tu sĩ. Họ là những vua quan trong triều đình hoặc quân nhân ngoài chiến trận. Họ là những người giàu và những người nghèo khó. Họ là những người nam người nữ, người già người trẻ. Những người này là niềm tự hào của Giáo Hội. Họ cũng là hy vọng của các tín hữu, vì họ khẳng định với những ai tin Chúa rằng, Đức tin sẽ chiến thắng ba thù, lòng mến sẽ làm nên tất cả. Họ là những Đấng Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay. Cũng giống như ngôn sứ Isaia, thánh Gioan, trong Sách Khải huyền (Bài đọc I) đã được nhìn thấy nghi thức phụng vụ thiên quốc: xung quanh ngai tòa của Chiên Con tức là Đức Giêsu, để cùng với Đức Giêsu dâng lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa, đó là hạnh phúc viên mãn tròn đầy của các thánh.

    Hôm nay chúng ta cũng mừng kính đông đảo các tín hữu đã khải hoàn vinh thăng. Có thể họ là những người chúng ta đã quen biết và gặp gỡ và hôm nay họ đang chiêmn ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Bởi lẽ, tất cả những ai sống ngay chính và thánh thiện thì xứng đáng hưởng vinh quang nước trời. Đức tin vào phần thưởng và hạnh phúc của những người công chính sẽ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Bởi lẽ, nếu ông bà, anh chị em thân thuộc của chúng ta đã được vinh quang Nước Trời, thì chúng ta cũng có thể hưởng vinh quang ấy và được gặp gỡ những người thân của chúng ta.

     "Anh em hãy nên trọn lành, như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48). Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho biết bao tín hữu. Họ đã chiến thắng gian khổ, vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Phụng vụ cho chúng ta nghe bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, mà nội dung là tám mối chúc phúc của Người. Con đường nên thánh rất đa dạng và phong phú. Mỗi "mối phúc" là mỗi phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa, sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liếng và đích thực, vì "Hạnh phúc lớn lao nhất mà ta cảm nhận là khi ta đem niềm vui cho tha nhân" (ngạn ngữ phương Tây).

    Con đường nên thánh là con đường chung của mỗi chúng ta. Tuy vậy, cũng như mỗi vận động viên phải luôn luôn luyện tập gian khổ để hy vọng thành tài, người tín hữu muốn nên thánh cũng phải chấp nhận rèn luyện bản thân và sống theo lời dạy của Chúa. Các thánh là những người "đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên" (Bài đọc I). "Lửa thử vàng, gian nan thử đức". Những khó khăn ta gặp phải trên đường đời chính là cơ hội để tôi luyện lòng trung thành trong đức tin.

    Các Thánh không phải những nhân vật xa xưa như trong chuyện cổ tích. Cuộc đời của các Ngài gắn liền với ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Mỗi chúng ta đang được mời gọi cố gắng để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu như các Ngài. Nên thánh là một điều có thể làm được, trong tầm tay của mỗi người. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã quả quyết với chúng ta: "Việc nên thánh là khả thi cho hết mọi người, mọi lứa tuổi và mọi lúc, vì mỗi người trong chúng ta đã lãnh nhận phần ân huệ thần linh của mình. Thiên Chúa yêu cầu chúng đón nhận ân huệ này và sống những đòi hỏi của nó. Chúng ta hãy để cho hoạt động của Thánh Thần của Ngài biến đổi chúng ta, để tuân theo thánh ý của Ngài. Theo chân các thánh nhân, chúng ta cũng hãy trở nên một phần của một bức tranh ghép thánh thiện vĩ đại mà Thiên Chúa tạo nên trong lịch sử". (Trích bài giáo lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 13-4-2011).

    Trở lại với câu chuyện trên đây, chúng ta có thể kết luận: nên thánh đơn giản chỉ là để cho hào quang của Chúa chiếu soi. "Hào quang" ở đây chính là Lời Chúa, là lòng từ tâm bao dung bác ái. Khi chúng ta thực hiện những điều này, như Chúa nói trong sách ngôn sứ Isaia: "Ánh sáng" ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ được chữa lành, đức công chính của ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhậm lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: có Ta đây (x. Is 58,8,9). Những lời diễn tả hạnh phúc và niềm vui của người công chính mà chúng ta vừa nghe, chính là sự thánh thiện mà chúng ta đạt được qua lòng bác ái bao dung và tình huynh đệ đối với tha nhân.

    Ngày lễ Các Thánh trước hết giúp chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời tôn vinh các tín hữu đã được Thiên Chúa ban thưởng vinh quang quê trời, trong đó có những người thân của chúng ta. Ngày lễ này cũng khích lệ chúng ta về ơn gọi nên thánh của người Kitô hữu, đồng thời nhận ra xung quanh chúng ta có nhiều người tốt lành. Họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống bình dị, đơn sơ, nhưng thấm đượm nghĩa tình. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ là các “vị thánh ở kề bên ta”. Qua những con người đơn sơ này, Thiên Chúa, Đấng chí thánh, đang hiện diện giữa chúng ta. Khi tôn thờ và yêu mến Chúa, chúng ta được chia sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Ngài.

    Vâng, mỗi ngày sống trên đời, tôi đang cố gắng để làm cho ánh hào quang của Chúa chiếu toả và bao bọc trọn vẹn cuộc đời của tôi. Như thế, tôi sẽ được nên giống Chúa ngay khi còn sống ở đời này. Thiên đàng sẽ khởi đầu ở dưới thế và vương quốc tình yêu mà Chúa Giêsu loan báo sẽ được thực hiện.

     6. Nẻo đường đi đến cõi phúc muôn đời--TGM Giuse Nguyễn Năng

    Sứ điệp: Những ai sống đời chứng nhân cho Nước Trời theo tinh thần của Chúa Giêsu, sẽ được hạnh phúc thực.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã trình bày cho con nẻo đường đi đến cõi phúc muôn đời. Chúa đã đi trước để con bước theo Chúa. Chúa đã sống khó nghèo, khiêm nhu, hiền hòa, nhân hậu… Chúa đã hiến trọn cuộc đời cho Nước Trời. Cuộc đời của Chúa vẫn sáng ngời thuần khiết trước mặt con.

    Bước chân Chúa đi đã có biết bao người theo. Lời kêu gọi của Chúa đã được bao người đáp lại. Cuộc sống của những người theo Chúa bị người đời cho là càn dở, là ngu dại, nhưng đó lại là con đường sống đời đời và dẫn đến hạnh phúc chân thực.

    Con tin vào Lời Chúa, con muốn sống theo tiếng Chúa gọi mời. Xin cho con biết chọn lựa, chọn lựa dứt khoát cho suốt cả đời con. Xin cho con biết chấp nhận những thua thiệt trước mắt người đời để sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con can đảm bước theo Chúa trên con đường gồ ghề chông gai của ơn cứu độ với thập giá trên vai, với những khuyết điểm và giới hạn trong cuộc sống.

    Xin cho con biết nhận ra khuôn mặt cứu độ của Chúa trong cuộc sống con, biết lắng nghe tiếng gọi yêu thương của Chúa và can đảm bước theo tiếng Chúa.

    Khi con hiện diện giữa đời và bước đi trên con đường của Chúa, lúc đó con đã là chứng nhân cho Chúa, con đã làm cho Chúa hiện diện trong con, và làm cho Nước Trời hiện diện trên thế giới này. Con ao ước trở nên một điểm hiện diện nhỏ bé của Nước Chúa. Xin Chúa chúc lành cho con. Amen.
    Ghi nhớ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
    .................................
    GPLONGXUYEN
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  • LM MINH ANH
     
     
    THỨ HAI CN31TN-C

    ‘Ở ĐÂY VÀ LÚC NÀY’

    TIN MỪNG LC 14, 12-14

    “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.(C.14)

    Thomas Hooker sắp qua đời, một người bạn nói, “Anh ơi, anh sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình!”. Ông khiêm tốn đáp, “Không, tôi sẽ nhận được sự thương xót cuối cùng của Chúa, cũng như đã nhận được phần thưởng của Ngài bấy lâu nay ‘ở đây và lúc này!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Tôi đã nhận được phần thưởng xót thương của Ngài bấy lâu nay ‘ở đây và lúc này!’”. Xác tín của Hooker được gặp lại qua Tin Mừng hôm nay. Trong cuộc sống, chúng ta thường rơi vào chiếc bẫy làm mọi việc vì những phần thưởng tức thì. Chúa Giêsu cho biết, đừng mong đợi sự đền đáp nào ‘ở đây và lúc này’; thay vào đó hãy hướng đến phần thưởng mai ngày trên trời. Ngài nói với người biệt phái, “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ… Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

    Lời khuyên của Chúa Giêsu xem ra khó thực hiện; vì lẽ, nó đòi hỏi một sự vị tha cao thượng. Thật ra, chúng ta chỉ thực hiện được đòi hỏi này cách dễ dàng và lâu bền khi cảm nhận được lòng thương xót vô biên và vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chính mình ‘ở đây và lúc này’. Chẳng hạn, cái đơn giản và quan trọng nhất chúng ta không hề nghĩ tới là không khí; nếu Ngài lấy đi, chúng ta hết hiện hữu. Hiểu được nguyên tắc tâm linh này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc quên đi bản thân để sống cho người khác đã có “phần phúc” dành cho nó không chỉ mai ngày trên thiên đàng, nhưng đã được ban ‘ở đây và lúc này’, đó là sự thánh thiện.

    Phải, sự thánh thiện là “phần thưởng” bạn và tôi nhận được cho những hành vi bác ái khi chúng ta phục vụ. Lòng thương xót là một hành vi yêu thương dành cho những ai đang cần mà không có bất kỳ một động cơ ích kỷ nào. Điều nó tặng trao chính là tình yêu vì lợi ích của tha nhân mà không có một điều kiện nào. Nhưng tin tốt lành là lòng thương xót thật sự tác động sâu sắc đến người trao nó. Bằng việc sống bác ái vị tha, chúng ta ngày càng nên giống Chúa Giêsu. Đây chính là phần thưởng lớn hơn chúng ta có thể nhận được từ người khác ‘ở đây và lúc này!’.

    Trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô ước ao cho các tín hữu sống tình bác ái vị tha đó, “Nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn”. Đó không chỉ là niềm vui của Phaolô, nhưng của tất cả những ai quên mình để sống cho người khác; một niềm vui an bình hoà chan mà Thiên Chúa ban cho con cái Ngài ‘ở đây và lúc này’. Thánh Vịnh đáp ca biểu lộ tâm tình, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.

    Anh Chị em,

    “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Như vậy không cần phải đợi đến ngày kẻ lành sống lại; chỉ cần sống quảng đại như lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được Thiên Chúa ‘đáp lễ’ ‘ở đây và lúc này’. Mỗi ngày, qua Lời Ngài và Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta. Đón nhận Ngài, chúng ta đón nhận thiên đàng dưới thế và sờ đụng thiên đàng trên trời; vì lẽ, Giêsu chính là thiên đàng. Như Chúa Giêsu, chúng ta hãy hào phóng với những gì mình có mà không cần suy nghĩ về phần thưởng hay sự đáp đền. Chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong chính sự cho đi, hơn là nhận lại từ sự cho đi. Một cách chắc chắn để đi trên con đường này là những người chúng ta trao tặng dường như không có gì để trả lại cho chúng ta. Tuy nhiên, thường xuyên hơn, khi trao tặng cho những người dường như không có gì để đáp lại, chúng ta thực sự nhận được từ họ nhiều hơn những gì chúng ta trao tặng họ. Bởi lẽ, cho đi hào phóng không bao giờ làm nghèo, nhưng luôn làm giàu cho trái tim ‘ở đây và lúc này’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, ước gì những hành động bác ái nơi con sẽ được đền đáp xứng đáng và trở thành nguồn cội và nền tảng cho sự thánh thiện của con ‘ở đây và lúc này!’”.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     
     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ BA

  •  
    Chi Tran -LEYEN

    5 PHÚT LỜI CHÚA     
    THỨ BA 01/11/2022
     
    Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5,6)
     
     
    Suy niệm: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác quyết rằng: “Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa” (số 27).
       Vậy nên, ước muốn trở nên thánh thiện là món quà từ Thiên Chúa ban cho con người. Tuy nhiên, để món quà cao quý này sinh hoa kết quả con người phải nỗ lực cộng tác với ân sủng Chúa ban để nên thánh thiện. Nên thánh là trở nên giống Chúa Giê-su bằng cách bắt chước các nhân đức của Chúa,
       Rập khuôn đời sống mình theo đời sống của Chúa và luôn làm đẹp lòng Chúa trong từng giây từng phút của cuộc sống. Thánh Augustinô đã khao khát: “Ông nọ bà kia làm thánh, tại sao tôi không thể làm thánh?”
       Và ngài đã biến niềm khao khát ấy thành hiện thực qua việc hoán cải đời sống để nên thánh, một vị thánh tiến sĩ Giáo hội và nhờ giáo huấn và gương sáng của ngài, biết bao người cũng được nên thánh.
     
     
    Mời Bạn CHIA SẺ: Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách thế để nên thánh. Nhưng dẫu cách thế nào đi nữa thì khao khát nên giống Chúa, kết hợp nên một với Chúa luôn là mẫu số chung và đích điểm mọi vị thánh.
       Bạn hãy nỗ lực nên thánh bằng việc kết hiệp với Ngài trong các Bí tích và thực hành Lời Chúa trong tư tưởng, lời nói và hành động.
     
     
    Sống Lời Chúa: Kinh Tám Mối Phúc thật và Thương người Mười Bốn mối dạy bạn những nẻo đường cụ thể để nên thánh. Bạn hãy chọn một nẻo đường phù hợp với chính mình để nên thánh và trung thành sống con đường đó mỗi ngày.
     
     
    Cầu nguyện: Lạy Chúa, con khao khát được nên giống Chúa và nên một với Chúa. NHỜ ƠN CHÚA trợ giúp. CON QUYẾT TÂM NÊN THÁNH, VÌ CHÚA LÀ THÁNH.
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ HAI

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     
     
     
     
       
     
     
       5 PHÚT LỜI CHÚA

    31/10/22 THỨ HAI TUẦN 31 TN


    TIN MỪNG Lc 14,12-14

     
    TRONG NGÀY KẺ LÀNH SỐNG LẠI 
     
    “Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,14)

    Suy niệm/SỐNG: “Tình yêu vô điều kiện (agape) không yêu người khác vì họ xứng đáng. Tình yêu vô điều kiện ấy làm cho họ xứng đáng bằng sức mạnh và quyền năng của  tình yêu.

       Tình yêu vô điều kiện không yêu người khác vì họ xinh đẹp, nhưng yêu theo cung cách ấy làm họ trở nên xinh đẹp” (R. Bell).

       Ta sẽ không có cơ hội tổ chức tiệc tùng với khách mời là người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lời Chúa không hiểu theo nghĩa đen mặt chữ, nhưng mời gọi ta đi vào tinh thần người môn đệ Đấng Phục sinh: sống ý hướng vô vị lợi, vô cầu trong mọi hành xử của mình.

       Chỉ có tình yêu theo kiểu agape ấy mới giúp ta sống cung cách vô điều kiện, bởi vì ta hướng đời mình đến thời cánh chung: được Chúa đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại.

    Mời Bạn CHIA SẺ: “Agape, tình yêu của ta dành cho người khác, từ người gần nhất đến người xa nhất, thật sự là cách duy nhất Đức Giê-su ban cho ta để tìm thấy con đường cứu độ và các mối Phúc” (Đức Phanxico).

       Lâu nay bạn yêu thương theo cảm xúc, sự gắn bó, tình thân thiết; bạn thi ân mong được đền đáp cách nào đó. Lời Chúa hôm nay phải tạo một quyết tâm, dấu ấn cho đời Ki-tô hữu của mình.

    Sống Lời Chúa: Tôi tập cho đi, ban tặng, nâng đỡ người nghèo khó, khuyết tật, bị gạt bên lề xã hội hơn là cho người thân quen của mình, để tập sống tình yêu vô vị lợi agape như Chúa dạy.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn dành cho người yếu thế trong xã hội lòng yêu thương, sự quan tâm đặc biệt. Xin dạy con thực thi tình yêu vô vị lợi như Chúa đã nêu gương. Amen.

    gplongxuyen.
     
     

Subcategories