3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

CHUNG MỘT ĐƯỜNG, CÙNG MỘT ĐÍCH - Thứ Tư Tuần 3 MC A

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”.

Một nhà tu đức nói, “Khi ngu khờ, chúng ta muốn chinh phục thế giới; khi khôn ngoan, chúng ta muốn chinh phục cái tôi! Cuộc sống của bạn không được đo bằng những gì giành được, nhưng bằng nỗ lực của toàn bộ xác hồn khi xác và hồn ‘chung một đường, cùng một đích’; đó là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Chung một đường, cùng một đích’, đó cũng là chí hướng phải có nơi người môn đệ Chúa Giêsu mà Lời Chúa hôm nay cho thấy! Quả vậy, mọi lề luật cũ và mới đều ‘chung một đường’: “yêu như Chúa yêu”; ‘cùng một đích’: ‘Kính mến Chúa trên hết mọi sự!’.

Môisen, trong bài đọc thứ nhất, nói với dân, “Tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa mà truyền dạy cho anh em biết lề luật và huấn lệnh Ngài!”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Từ Môisen đến Chúa Giêsu, việc giữ luật được thực hiện theo hai cách: chu toàn điều được yêu cầu, và hoàn thành những điều còn thiếu. Chúa Giêsu chu toàn luật cũ và hoàn thành nó bằng luật mới yêu thương. Ngài chu toàn nó không chỉ bằng cách hoàn thành mỗi giới răn, nhưng bằng việc cho thấy mọi giới răn đều ‘chung một đường, cùng một đích’. Đường đó là đường yêu thương, đường dâng hiến; và đích tự nhiên của chúng là chính Thiên Chúa. Phaolô thật chí lý khi nói, “Yêu thương là chu toàn cả lề luật!”.

Chúa Giêsu nói thêm, “Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”. Ngài đang nói đến ‘tính toàn diện’ của luật mới. Các giới răn đi trên đường yêu thương sẽ không bao giờ bị giới hạn; trái lại, toả lan và vươn đến tận cùng trái đất! Không vật tạo thành nào trong vũ trụ lại nằm ngoài quy luật yêu thương Ngài dạy; không thực thể nào, dù là nhỏ nhất, thoát khỏi yêu cầu của luật yêu thương này. Sử dụng phép ẩn dụ, “một chấm, một phẩy”, Ngài cho thấy sự ‘hoàn thiện tuyệt đối’ của luật. Tình yêu và đòi hỏi của nó vươn tới chỗ xa nhất của vũ trụ, đến sinh vật nhỏ nhất được tạo thành, và đến tận mút cùng của thời gian!

Các điều của luật cũ được nêu trong Mười Điều Răn như ‘ngươi không được giết người; không được tà dâm…’ là những vi phạm nghiêm trọng nhưng dễ xác định, chúng chỉ là những hành động bên ngoài; nhưng các điều răn của luật mới như ‘ngươi không được biểu lộ sự tức giận; không được ham muốn trong lòng; hãy tha thứ cho kẻ thù…’ diễn đạt tinh tế hơn, và vì thế, chúng thường khó giữ hơn. Sống những giới răn này với động cơ thích hợp và thái độ ân cần, tận tụy, là điều ‘khiến cho một con người trở nên vĩ đại!’. Lấy tình yêu làm động lực cho mọi hành động, không chỉ giúp chúng ta lên thiên đàng, mà còn giúp chúng ta được chia sẻ nhiều hơn trong hạnh phúc và vinh quang của Đấng ở trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Bản thân Chúa Giêsu chính là toàn bộ lề luật. Và toàn bộ lề luật này được kiện toàn bằng chính cái chết của Ngài. Ngài đã “khôn ngoan chinh phục cái tôi”, nên Ngài đã “chinh phục cả thế giới”. Bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã chịu chi phối bởi tất cả lề luật Cựu Ước và luật tự nhiên, nhưng Ngài đã mặc cho chúng một giá trị vĩnh cửu bằng tình yêu trao hiến của Ngài cho Chúa Cha và tha nhân, triệt để cho đến chết. Như thế, việc tuân giữ lề luật của chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi bạn và tôi làm mọi sự chỉ vì ước mong trở nên giống Chúa Giêsu. Và Ngài đã là toàn bộ lề luật, thì cả chúng ta cũng thế, chúng ta trở nên một Giêsu khác, ‘chung một đường, cùng một đích’ với Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con khôn ngoan chinh phục cái tôi, để dù không chinh phục cả thế giới, con, với tư cách môn đệ Ngài, vẫn có thể chinh phục cho Chúa những ai Chúa trao cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CHẢY MÃI, CHẢY ĐẾN THA NHÂN - Thứ Ba Tuần 3 MC A

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”.

“Người đàn ông đã cùng tôi ăn tối đã giết anh trai tôi”. Đó là lời của một phụ nữ xinh đẹp tại một bữa tiệc. Ruth đã kể về John, người đã sát hại anh cô như thế nào. John thụ án 18 năm; sau đó, ổn định tại một trang trại, nơi cô gặp anh sau 20 năm vụ án. Được thôi thúc bởi Chúa Kitô, cô tìm John, nói lời tha thứ. Nhiều người sẽ không gọi đây là một câu chuyện thành công: John chưa trở lại đạo! Nhưng tại một bữa tiệc khác, giọng John vỡ ra khi nói: “Kitô hữu là những người duy nhất mà bạn có thể giết con trai họ; họ sẽ biến bạn thành một phần của gia đình họ. Tôi không biết “Ai đó” trên cao, nhưng chắc chắn, Ngài đang săn lùng tôi!”. Câu chuyện của John còn dang dở; John vẫn chưa tin. Nhưng như Chúa Kitô đã chết cho bạn, bất kể bạn từ chối hay chấp nhận Ngài, Ruth “tha nợ” cho John mà không cần điều kiện. Thậm chí, cô còn trở thành bạn của anh!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng nói đến nợ nần! Người nợ Chúa; người nợ người! Người tha cho người, nếu muốn Chúa tha cho mình. Tha thứ, như dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân!’.

Bài đọc Đaniel cho thấy con người nợ Chúa thật nhiều! “Vì tội lỗi, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu”. Tin Mừng cho thấy, người cũng nặng nợ với người: một người nợ lớn, một người nợ nhỏ; cả hai không trả nổi, nài xin ‘chủ mình’ hoãn lại. Chủ chạnh thương, tha cho người thứ nhất món nợ cực lớn, nhưng người này không tha cho bạn mình món nợ cực nhỏ. Và Chúa Giêsu kết luận, “Cha Tôi trên trời cũng xử với các con đúng như thế!”. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hẹp hòi đến độ sẽ xét xử người, như ‘người cư xử với người’; Lời Chúa muốn nói, ai không mở lòng với anh em, không thể mở ra cho Thiên Chúa! Như vậy, không tha thứ là đánh mất những gì đã nhận được; suối tắc nghẽn, ao tù tanh tưởi. Vì thế, người nợ lớn đã bất ngờ được tha, nay bất ngờ bị rút lại. Ai biết tha thứ, người ấy giữ được thứ tha!

Điều Chúa Giêsu đang nói là sự cho đi và nhận lại. Điều thú vị là, chúng ta thường dễ dàng nghĩ đến việc ‘tha cho người’ hơn là xin ‘tha cho mình’. Con nợ thứ nhất xem ra chân thành, “Anh sấp mình dưới chân chủ”; thực ra, anh chỉ là một diễn viên giỏi! Bởi sau khi được xoá khoản nợ khổng lồ, anh bủn xỉn với con nợ cỏn con của anh; thay vì thương xót, “Y tóm lấy, bóp cổ mà nói, ‘Hãy trả nợ cho ta!’”. Tại sao? Bởi lẽ y không động lòng trước tình yêu vô hạn và xót thương của chủ. Tha thứ, nếu là thật, phải ảnh hưởng đến mọi sự nơi chúng ta. Nó là một điều gì đó phải ‘xin, cho; nhận và cho lại’. Như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân’.

Anh Chị em,

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”. Sai lỗi là việc của người, thứ tha là việc của Trời. Nếu Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta phải tha bảy mươi lần bảy, thì làm sao Ngài thoát khỏi việc ‘không vô hạn’ trong sự tha thứ của Ngài? Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài!”. Bao lâu không đi vào quỹ đạo xót thương của Thiên Chúa, bấy lâu chúng ta không thể tha thứ cho người khác. Không phải tha ‘bảy lần’ nhưng tha ‘vô hạn lần bảy’. Hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô, một trái tim khơi mỏ mạch mọi ân sủng thứ tha qua các Bí Tích! Hãy kết nối, khai thông đời mình vào dòng chảy thần linh ấy và như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân’, chúng ta trào tràn sức sống, lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa cho anh chị em mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng rửa sạch tội con vốn ‘đỏ hơn son’ bằng Máu Châu Báu của Ngài, cho con biết ném tội của anh chị em con xa thật xa như Chúa đã ném tội lỗi con tận mãi ngàn khơi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Khát vọng của con người - Chúa Nhật III MC A

Không gì trên đời lấp đầy khát vọng của con người .

Con người có nhiều khao khát: khát tiền, khát quyền lực, khát danh vọng, khát hạnh phúc…

Nhưng không gì trên đời có thể lấp đầy những khát vọng đó.

Chưa có tiền thì khao khát có được ít tiền. Có tiền rồi thì muốn có nhiều hơn và cứ thế mãi không dừng.

Chưa có quyền thì khao khát cho có, có rồi thì khát được nhiều quyền hơn… không bao giờ no thoả.

Vì thế, ông Arthur Schopenhauer (1788-1860), một triết gia người Đức cho rằng: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”         

Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao…  cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.

Người phụ nữ xứ Sa-ma-ri trong Tin mừng hôm nay (Ga 4, 5-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải lần lượt chia tay với cả năm, để mưu tìm hạnh phúc với người thứ sáu. Rốt cuộc chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp…

Chính vì thế nên Chúa Giê-su khẳng định với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại.” Với những lời này, Chúa Giê-su muốn cho ta biết không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.

 

Chỉ có Thiên Chúa  mới lấp đầy khát vọng con người 

Xưa kia, tâm hồn của Augustinô cũng bị giày vò bởi nhiều khao khát, nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy con tim khao khát của ngài. Mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mô-ni-ca, Augustinô mới khám phá Thiên Chúa là Nguồn Suối đáp ứng khát vọng của ngài và làm cho tâm hồn ngài dạt dào niềm vui. Bấy giờ lòng đầy hoan lạc, Augustinô thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”

Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14)

 

Lạy Chúa Giê-su,

Còn rất nhiều người đang khát Chúa mà vẫn chưa tìm thấy Chúa là Nguồn Nước mang lại hoan lạc và bình an cho tâm hồn. Xin cho họ được nhận biết Chúa chính là Nguồn Suối mà họ hằng khát khao.

Xin cho chúng con, như người phụ nữ Sa-ma-ri xưa, một khi đã tìm được Chúa là Nguồn Nước trường sinh, thì cũng mau mắn giới thiệu cho mọi người đến gặp Chúa, để họ cũng được đón nhận Chúa là Mạch Suối mang lại sự sống đời đời.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin mừng Gioan 4, 5-42

Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se.6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống! "8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn.9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? " Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri.10 Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống."11 Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy."13 Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát.14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."16 Người bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây."17 Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng." Đức Giê-su bảo: "Chị nói: "Tôi không có chồng" là phải,18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng."19 Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. ..20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa."21 Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem.22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái.23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật."

CÁI KHÁT CỦA CON NGƯỜI - Chúa Nhật III MC A

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III mùa Chay, đặc biệt bài đọc thứ nhất (Xh 17,3-7) và bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) hướng chúng ta đến chủ đề “nước”. Đi trong sa mạc, dân Chúa xưa đã nổi loạn với Môsê vì thiếu nước và Thiên Chúa đã ban cho họ nước chảy ra từ tảng đá tại Horeb. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu đã dừng chân bên giếng nước Giacob, Người đã xin một phụ nữ Samaria chút nước và Người hứa ban cho chị ta nước trường sinh.

Nói đến nước là nói đến một trong những nhu cầu căn bản của con người xét như loài có sự sống. Thiếu nước là như sự chết đang cận kề. Người ta có thể vượt qua những thiếu thốn của cải, tiện nghi… và người ta cũng có thể chịu đựng cái đói trong một thời gian khá dài, trên dưới một tháng, thế nhưng không một ai có thể cầm cự với cái khát quá dăm bảy ngày. Chính vì thế mà việc đáp ứng nhu cầu khát nước trở thành một việc cấp thiết mang tính sống còn. Vượt trên các loài sinh vật bậc thấp, loài người chúng ta ngoài cái khát tự nhiên là khát nước thì còn có nhiều nổi khát xuất phát từ nhu cầu của sự phản tỉnh hay sự tự nhận biết về hiện hữu của mình.

A. Những cái khát của kiếp nhân sinh:

1. Khát mong được nhìn nhận: Tôi là một con người. Đây là một chân lý hiển nhiên. Thế mà vẫn đã từng có, trong quá khứ và ngay cả hôm nay, rất nhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người. Đó là trẻ em, phụ nữ, người nô lệ, người bất hạnh, quả phụ, cô nhi, ngoại kiều, người nghèo hèn, kém phận… Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy rõ hiện tượng này. Các Ngôn sứ đã không ngừng lên tiếng về đề tài này. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacob phải chăng không là ngoại lệ. Dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà có thể chị chưa được nhìn nhận như là một người vợ? Phải chăng chị vẫn còn bị xem như một thứ “sở hữu” của người chồng?

Khi sinh thời mẹ Têrêxa thành Calcutta gặp gỡ rất nhiều người bất hạnh, xấu số. Sau khi gặp mẹ, họ đã từng tâm sự rằng họ mãn nguyện vì cho dẫu chưa được sống như một con người thì họ cũng đã được chết như một con người. Chúa Kitô mạnh mẽ tuyên bố rằng không cần đã giết người thì mới bị đoán phạt, nhưng nếu loại bỏ tha nhân từ trong tâm trí và lối ứng xử của ta tức là không nhìn nhận tha nhân như là một con người thì ta cũng đã đáng bị trừng phạt (x.Mt 5,21-22).

Người ta không chỉ khát khao được nhìn nhận như một con người mà con mong được nhìn nhận như là một người khác. Điều này nói lên sự độc lập, khác biệt của tha nhân đối với ta. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, dù nỗ lực làm cho “mình với ta, tuy hai mà một” nhưng họ vẫn phải luôn ý thức để tôn trọng sự thật “ta với mình, tuy một mà vẫn là hai”. Quả thật người ta sẽ chẳng còn là chính mình một khi bị đồng hóa do bởi một ai đó hay bởi một thế lực nào đó.

2. Khát mong được chấp nhận và được đón nhận:Được nhìn nhận như là một con người, như là một người khác vẫn chưa đủ nếu ta không được kẻ  khác chấp nhận và đón nhận. Từ đáy sâu thẳm của từng người, luôn có đó khát mong được tha nhân chấp nhận và đón nhận mình như mình đang là, đang có. Một trong những lẽ sống của con người là khi thấy mình còn có giá trị, đang còn hữu ích cho ai đó. Và điều này được chứng thực khi tha nhân chấp nhận và đón nhận ta. Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến cho nhiều người, kể cả giới trẻ tìm đến cái chết bằng sự tự vẩn thì người ta nhận ra một trong những nguyên nhân chính đó là vì họ mang mặc cảm bị người chung quanh khước từ hay loại bỏ.

Con người chúng ta thường bị cám dỗ chấp nhận hay đón nhận kẻ khác“với điều kiện”. Người ta phải thế này, phải thế kia thì tôi mới nhận, mới tiếp. Có những điều kiện mang tính khách quan, nhưng cũng không thiếu những điều kiện mang tính chủ quan hoặc duy ý chí. Điều này mặc nhiên nói lên rằng ta sẽ chỉ nhận nhau khi hội đủ điều kiện theo ý mình và nếu vì lý do gì đó mà không đủ điều kiện thì sẽ bị loại trừ.

B. Chúa Kitô: Đấng giải khát cho nhân loại.

“Chị cho tôi xin chút nước uống”. Khi mở miệng xin người phụ nữ chút nước, Chúa Giêsu nhìn nhận sự hiện hữu của chị và cả sự cần thiết của chị. Tin mừng tường thuật Chúa Giêsu đi đường mỏi mệt, Người đang cần nước uống và Người không có gầu. Như thế việc Người xin chị phụ nữ cho chút nước là một việc tự nhiên, rất thật của đời thường. “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”. Không đơn thuần là câu hỏi vặn ngược mà thực chất là lời khẳng định của chị: Dù là Samaria, dù là phụ nữ, thì tôi cũng là một con người như ông và ông đang cần tôi. Chị Samaria đã được giải khát, môt cái khát nền tảng của kiếp nhân sinh là được nhìn nhận.

“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời giới thiệu của chị phụ nữ với dân làng đã nói lên sự thỏa khát vô bờ của chị. Chị đã được Chúa Giêsu đón nhận như chị đang là, dù chị đã trãi đời với năm người đàn ông và đang chung sống bất chính với người thứ sáu. Mà chắc gì người thứ sáu này sẽ nhận chị! Chúng ta đừng quên thời bấy giờ hiếm có chuyện đàn bà bỏ đàn ông mà ngược lại.

Các Ngôn sứ thường lên án tội lỗi của dân Chúa xưa và loan báo các hình phạt họ phải chịu. Thế nhưng sau đó lại gợi mở về sự khoan dung tha thứ của Chúa. “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nỗi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!...Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,7-8). Mọi người và mỗi người đều có chỗ đứng trong Trái Tim Cực thánh của Đấng Cứu Độ. Không một ai là đồ bỏ đi. Bất cứ ai cũng đều được Thiên Chúa đón nhận, chỉ trừ khi họ cố tình khước từ. Vì đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 12,32).

“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước trường sinh” (Ga 7,38). Biết bao con người đang khát ở quanh ta. Là Kitô hữu, ước gì chúng ta góp phần giải khát cho tha nhân khi nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –  Ban Mê Thuột

HỌC CÁCH MỪNG VUI NHƯ THIÊN CHÚA VUI MỪNG - Thứ Bảy Tuần 2 MC A

“Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.

Spurgeon nói, “Có vẻ lạ lùng khi một số người nói quá nhiều về những gì Chúa làm cho chính họ, nhưng lại nghĩ rất ít về những gì Ngài đã làm cho người khác. Hãy vui với người khác, nói về những ơn lành tha nhân lãnh nhận; hãy ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng!’. Đó cũng là những gì chúng ta gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Người anh cả tỏ ra bất bình trước bữa tiệc cha mình dành cho đứa con hoang đàng trở về. Như vậy có công bằng không khi người cha đó dường như chưa bao giờ cho anh ta một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn? Câu trả lời đúng sẽ là: đây là một câu hỏi sai! Vì lẽ, anh phải ‘học cách mừng vui như cha anh vui mừng!’.

Chúng ta dễ sống theo cách luôn muốn mọi thứ phải “công bằng”. Và khi nhận thấy người khác nhận được nhiều hơn mình, chúng ta có thể tức giận và cay đắng. Nhưng hỏi liệu điều này có công bằng không, thì đây không phải là câu hỏi đúng! Lòng quảng đại và lòng nhân ái của Thiên Chúa vượt xa những gì được coi là công bằng; và nếu bạn muốn chia sẻ lòng thương xót bao la của Ngài, bạn phải học cách mừng vui như Ngài vui mừng trong lòng thương xót hải hà đó.

Trong câu chuyện này, hành động thương xót dành cho đứa con ương ngạnh của người cha chính là điều mà người anh cả cần. Anh cần biết rằng, bất kể con thứ đã làm gì trong quá khứ, cho dẫu nó đòi chia gia tài, khác nào nó mong cha chết, vì tài sản thừa kế chỉ được ban tặng sau khi cha mẹ của một người qua đời; cho dẫu nó coi mình là trung tâm dẫn đến việc cố gắng tìm kiếm hạnh phúc ở bất cứ đâu, ngoại trừ một nơi mà nó thực sự được tìm thấy: Cha! Dẫu vậy, cha nó vẫn yêu nó và vui mừng khi nó trở về. Vì vậy, nó rất cần lòng thương xót, không chỉ của cha, nhưng của anh mình nữa, để có thể tin rằng, nó đã lựa chọn đúng khi trở về.

Người anh cả đã chung thủy suốt bao năm cũng không bị đối xử bất công chút nào! Sự bất mãn của anh đến từ việc bản thân anh thiếu lòng thương xót dồi dào như cha mình. Anh không thể yêu thương đứa em ở mức độ tương tự; và do đó, đã không thấy được sự cần thiết phải đưa ra lời an ủi cậu em như một cách giúp nó hiểu rằng, nó đã được tha thứ và được chào đón trở lại. Lòng thương xót rất đòi hỏi, vượt xa những gì thoạt đầu chúng ta có thể coi là công bằng. Nếu muốn nhận được sự thương xót dồi dào, chúng ta cũng phải sẵn sàng và sẵn lòng trao tặng cho ai cần đến nó nhất, bằng việc ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng’.

Thánh Vịnh đáp ca hôm nay khẳng định, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”, cũng là Đấng mà ngôn sứ Mikha trong bài đọc một xác tín, “Đấng chịu đựng lỗi lầm”; “Đấng sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển”.

Anh Chị em,

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về việc bạn sẵn sàng trở nên nhân từ và rộng lượng như thế nào, đặc biệt là đối với những người dường như không xứng đáng với điều đó. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, cuộc sống ân sủng không phải là công bằng; ân sủng hào phóng đến mức gây sốc! Hãy dấn thân vào lòng quảng đại sâu xa này đối với tất cả mọi người, nhất là những ai đang bị tổn thương; đồng thời, tìm cách thức mà bạn có thể ủi an người khác bằng lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu bạn làm thế, ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng’, tình yêu thương quảng đại đó cũng sẽ ban phước dư dật cho lòng bạn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con biết ơn mãi mãi về lòng nhân ái của Chúa, cho con ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng’, và tỏ bày lòng thương xót đó cho những ai đang cần nhất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories